Mặt trời vẫn đang lên

Văn thơ Công giáo

Giuse Lê Ngọc Thành Vinh, Vinh

(Giải triển vọng, VVĐT 2015)
- Trích tập “Người Gieo Hạt”-
Thủy ngồi đó, nó vẫn làm công việc ưa thích mỗi ngày trong kỳ nghỉ hè hay cuối tuần: ngắm mặt trời lên. Nó yêu cái cảm giác nhìn ánh mặt trời xuyên qua kẽ lá, liên tục thay đổi sắc lung linh như ánh đèn sân khấu. Nhưng hôm nay, ánh mắt của nó không xa xăm vời vợi như mọi ngày mà rạng ngời như có một biến đổi lớn lao trong tâm hồn vậy…
***
Sau trận ốm thập tử nhất sinh lúc một tuổi hơn, chân của Thủy bị liệt, những cố gắng chạy chữa của gia đình và nỗ lực luyện tập chỉ giúp nó ngồi lên được. Tuổi thơ với nó chỉ là một vài trò chơi không cần dùng đến chân như chơi chuyền, ô ăn quan… Thời gian còn lại là tựa cửa ngóng ra ngoài, ánh nhìn thật xa xăm như trông đợi có một phép mầu sẽ đến…
Lên sáu, khi bè bạn bắt đầu đi học tiểu học thì nó vẫn vậy, lê lết trên thềm nhà, tựa cửa ngóng ra ngoài. Thời điểm đó - những năm chín mươi thế kỷ trước - xe lăn không những hiếm mà còn rất đắt, đáng giá cả gia tài của người miền quê. Bố Thủy đau yếu luôn, nhà phải chạy ăn từng bữa nên khái niệm “xe lăn” thậm chí không có cả trong mơ. Thương em, chị Loan (chị gái nó) chỉ biết cố gắng dạy cho em tập viết, đánh vần để không thua kém chúng bạn. Cũng may ở gần nhà thờ nên Loan vẫn có thể cõng em đi học giáo lý. Những phút giây được học kinh bổn cũng là những phút giây vui vẻ nhất của Thủy trong ngày. Được đi học giáo lý, ước mơ được tới trường của nó càng lớn hơn. Rồi dịp may cũng đến, một năm sau thì trường chuyển về gần nhà, chị Loan xin bố mẹ cho cõng nó đi học. Đã bảy tuổi nhưng Thủy vẫn nhỏ thó như trẻ lên ba lên bốn với đôi chân teo nhỏ, chị Loan thì đã phổng phao như thiếu nữ dù chỉ hơn Thủy hai tuổi rưỡi. Ban đầu bố mẹ không đồng ý, bởi không chỉ sợ vất vả cho Loan mà thêm một đứa con đi học nhà càng thêm gánh nặng kinh tế, Loan phải nói thêm là sẽ cố giúp em đoạt học bổng “học sinh nghèo vượt khó” như mình thì bố mẹ mới miễn cưỡng gật đầu.
Cái việc cõng Thủy đi học không đơn giản như suy nghĩ ban đầu của Loan dù nó cõng em thấy nhẹ bẫng, bởi thời tiết đâu chỉ những ngày nắng đẹp mà còn những hôm mưa gió, bão lụt. Không chỉ vậy, Loan gần như không có giờ ra chơi, nó phải chạy như bay sang lớp Thủy chỉ để kịp cõng em đi vệ sinh. Thủy càng lớn Loan càng vất vả hơn, cái vẻ phổng phao cũng bị chững lại, nhìn dáng đi liêu xiêu khi phải oằn mình cõng em lúc trời nổi gió ai cũng xót xa. Nhưng Loan chưa một lần oán trách em, cũng chưa bao giờ ân hận với quyết định của mình.
Rồi cả ước mơ được làm “bà xơ” của Thủy nữa, Loan cũng rất ủng hộ, năm lần bảy lượt nó cõng em lặn lội đến Tu viện, xin cho Thủy được làm “đệ tử”, nhưng xơ Hương phụ trách không đồng ý vì Thủy không đi lại được, mà không tự chăm sóc cho mình được thì đi tu làm sao. Cuối cùng, xơ Hương cũng muốn thử xem quyết tâm của hai chị em đến đâu bèn nói là sẽ xem xét nếu Loan cũng đi tu cùng, nhưng chỉ cõng em giúp đi lại, còn mọi việc Thủy phải tự làm lấy, nếu hai đứa “vượt qua thử thách” thì xơ sẽ nhận.
Cái gọi là “thử thách” của xơ nghe rất đơn giản là tự chăm  sóc mình và làm những việc “nữ công gia chánh” như thêu đan, trồng trọt, nhưng đối với Thủy là cả một vấn đề, đặc biệt là những việc nó chưa từng làm như trồng hoa, trồng rau. Người ta vẫn thường nói: “Trời không lấy của ai tất cả”, ý nói người tật nguyền thì thường khéo tay, nhưng Thủy thì không thế, nó làm cái gì  cũng vụng. Thương em, Loan cố giúp Thủy bằng cách  “đổi bài”. Xơ Hương không hề hay biết, càng ngày càng quý Thủy, lắm lúc thở dài “tội nghiệp con khéo tay thế mà…”.
Có lẽ mọi việc sẽ êm xuôi nếu ngày kia cây hoa hồng Thủy trồng không nở những bông hoa đầu tiên. Nụ cười của xơ Hương tắt ngấm khi bà nhận ra: Cây hoa hồng bà giao cho Thủy trồng là cây hoa Hồng đỏ, không thể nở ra Hồng bạch được! Rõ ràng hai đứa đã “đổi bài”, cây hoa hồng Thủy trồng là cái cây còi cọc kia cơ. Xơ giận lắm, gọi hai chị em đến và nói một câu ngắn gọn: “Tu viện không nhận những người dối trá”.
Thủy rất buồn, không một ai an ủi được. Rồi nó ốm dài ngày, tưởng chừng không gượng dậy nổi. Xơ Hương không đến thăm, chỉ gửi cho nó một cuốn sách. Ban đầu nó dỗi không đọc, nhưng rồi cũng tò mò lật giở từng trang, ánh mắt bỗng chốc vụt sáng, nó trở dậy mạnh mẽ và quyết tâm hơn, dù nó chưa một lần mơ thấy Chúa như xơ Briege McKenna trong cuốn sách đó. Nó mong sẽ có biến cố bất ngờ đến…

***
Nhưng biến cố bất ngờ đến lại chẳng như mong muốn của nó, đó là việc chị Loan trượt tốt nghiệp cấp hai, một cú sốc thực sự đối với gia đình bởi năm nào chị cũng là học sinh giỏi cấp tỉnh mấy môn. Mặc dù gánh nặng kinh tế sẽ lớn hơn nếu Loan đỗ và lên thị trấn học cấp ba, nhưng cha mẹ đã chuẩn bị phương án cho ở trọ nhà người bà con, đặng dạy kèm cho con họ luôn. Ấy thế mà… Mẹ chỉ thở dài, còn ba thì nổi giận thực sự và lôi Loan vào nhà đánh cho một trận vì cái tội lười học. Loan khóc to nhưng không thanh minh một lời. Ở ngoài vườn Thủy sợ hãi cũng nức nở theo chị, khi thấy ba bỏ ra khỏi nhà, nó lê lết lại gần cửa xem chị thế nào…
Trong nhà, chị Loan đang ôm mẹ khóc tấm tức… Thì ra Loan cố tình thi trượt bởi nó không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình, nhưng điều quan trọng hơn, nếu nó lên thị trấn thì chuyện học của Thủy cũng coi như kết thúc. Loan tính ở nhà thêm ba năm, vừa giúp bố mẹ chuyện nhà, chuyện mùa màng lại có thể đưa đón em đi học, chậm thêm ba năm nữa cũng chẳng sao, rồi cả hai chị em sẽ cùng lên huyện học...
Thủy nghe thấy hết. Tim nó thắt lại, cổ họng nghẹn đắng. Bấy lâu nay nó chưa một lần nhìn lại: nó đang đứng trên đôi chân của chị Loan! Vì quá yêu nó mà chị đã hy sinh tất cả, sẵn sàng từ bỏ cả tương lai phía trước. Nó là gánh nặng của chị, là cây thập giá mà chị phải vác cả đời sao! Không được. Tuyệt đối không được. Nó nghẹn ngào, mắt nhòa lệ, đôi cánh tay quờ quạng đập trúng cái ghế đẩu, một tiếng“bốp” khô khốc vang lên đau điếng nhưng nó vẫn lê đi, ra phía bờ giếng.
Nó đu người lên thành giếng run lẩy bẩy. Chỉ cần rướn lên chút nữa, nó sẽ cất đi gánh nặng khỏi vai chị Loan và cả nhà. Bất giác nó nhìn xuống giếng, khuôn mặt nó lúc này sao giống xơ Briege McKenna trong cuốn sách vậy. Không! Tự tử không phải là cách giải thoát cho nó mà thêm gánh nặng gia đình và sẽ làm chị Loan phải ân hận suốt đời. Nó cần đứng lên bằng chính đôi chân của mình như xơ Briege McKenna mới là sự giải thoát tốt   nhất…
“Trời ơi, đừng…”. Đúng lúc đó nó nghe thấy tiếng kêu thất thanh của chị Loan, rồi chị nhào đến ôm lấy nó, hai chị em ngã  vật  xuống  nền giếng…
“Em định làm cái gì thế hả”, chị Loan nấc  nghẹn…
“Em chỉ soi gương thôi mà”, sau phút trấn tĩnh nó nói thác ra…
“Cái gì, điên hả, làm tao tưởng mày định làm gì dại dột”…
May quá, chị tin nó… Thủy thở phào nhẹ nhõm…
***
Mặt trời vẫn đang lên, Thủy cười, một nụ cười rạng rỡ như ngôi sao đang bước lên sân khấu nhận giải thưởng. Trước mắt nó sẽ vẫn nhờ chị Loan đưa đón đi học, nhưng nhất định nó sẽ luyện cho đôi tay dẻo dai hơn để từ lớp 8 sẽ tự đến trường được. Nó sẽ dọa chị Loan là năm tới nếu chị không chịu đi học cấp Ba thì nó sẽ leo lên thành giếng và nhảy thật, thể nào chị cũng phải nghe…
Đang miên man suy nghĩ thì bỗng nhiên ánh mặt trời bị cái gì đó che khuất, nó nhìn ra cửa thấy một chiếc xe ô tô vừa đỗ. Ai vậy nhỉ, nhà nó có thân quen với ai giàu có đâu? Nó đang băn khoăn tự hỏi đã thấy xơ Hương xuống xe và một chú mặc áo dài đen theo sau, tay khệ nệ bê cái gì đó… Chúa ơi, nó không thể tin vào mắt mình được nữa, đó là một chiếc xe lăn.
Phép mầu đã thành hiên thực! Từ nay nó có thể đi lại được như người bình thường, chị Loan sẽ không phải ngày ngày cõng nó đến trường nữa. Vậy là nó sẽ đứng trên đôi chân của mình rồi. Ồ, cũng chưa hẳn thế! Nó vẫn đứng trên đôi chân của chị Loan ấy chứ, nhưng là một cách khác: Chiếc xe lăn đó chính là học bổng “Pháp Việt huynh đệ” mà chị đã chọn thay vì nhận tiền mặt hay quần áo và đồ dùng học tập, chỉ tiếc học bổng này đã không thể đến  sớm hơn…
Mặt trời vẫn đang lên…