Người nhà quê

Văn thơ Công giáo
Gioan Nguyễn Đức Tín
-Trích tập “Người gieo hạt”-
Lão Năm Cù ngồi đó, đôi mắt đờ đẫn nhìn về phía cổng làng, bóng thằng con trai lão mất hút dần sau rặng tre xanh.
Ở cái tuổi mà người ta cho là “tri thiên mệnh”, lão mới có được một mảnh tình vắt vai. Cưới nhau được hai năm thì vợ lão chết  vì bạo bệnh, để lại cho lão mụn con trai còn khóc đòi sữa mẹ. Vò võ một mình nuôi con mười tám năm trời, hai cha con vui với cái nghèo chân chất của người miền Trung.
Đùng một cái, thằng Dĩnh, con trai lão nhất quyết xin đi vào Sài Gòn kiếm việc làm. Gặng hỏi mãi lão mới biết, tối qua ở lớp học bổ túc, mấy đứa bạn chê nó nghèo. Lão nghe mà cay cay sống mũi. Lão nghèo thiệt, căn nhà nhỏ không đủ sức bảo vệ hai cha con khỏi ướt trong những đêm mưa tầm tã. Mấy manh lưới rách chỉ dủ nuôi sống hai cha con khỏi cái đói của miền quê   nghèo.
Thằng Dĩnh đi, lão chỉ dặn nó:
- Chịu khó mà làm ăn… Đừng có lo cho tao… Cầm theo cuốn sách kinh mà đọc… Lễ lạy đừng có bỏ…!

*  * *
Dĩnh chân ướt chân ráo vào Sài Gòn. Lang thang dọc hết khu phố này tới khu phố khác mà vẫn không biết phải đi đâu. Khẽ chậc lưỡi, Dĩnh cứ bước, anh đi dọc con phố tới một công viên nhỏ. Thấy trong đó có người đi dạo nên Dĩnh đánh bạo đi vào. “Chắc tối nay phải ngủ ngoài này rồi!” - Dĩnh thầm nghĩ. Cuộn vội cái túi lại cho tròn làm gối, Dĩnh dặt lưng nằm xuống cái ghế đá mát lạnh, miệng không quên đọc kinh dâng đêm để tạ ơn Chúa. Mệt mỏi vì chuyến đi xa, vừa dặt lưng xuống là hai mắt Dĩnh đã ríu lại.
Mới chợp mắt được một lúc, Dĩnh nghe tiếng khóc của ai đó. Giật mình thức dậy, Dĩnh thấy ba bốn thanh niên đứng vây quanh một cô gái đang khóc. Nhìn quanh không có ai, vốn bản tính nhân hậu, Dĩnh bước đến:
- Sao các anh lại bắt nạt một cô gái thế?- Dĩnh hỏi.
Thấy có người xuất hiện, mấy thanh niên có vẻ hơi sợ, nhưng chúng nhận ra Dĩnh chỉ có một mình nên lấy làm tự tin.
- Chuyện bọn tao, mày xen vào làm gì, khôn hồn thì biến đi!
- Tôi không biết các anh làm gì, nhưng các anh là con trai sao lại bắt nạt một cô gái?
- Nó mắc nợ bọn tao, bọn tao đòi nợ nó, không phải chuyện của mày… Biến đi!
Nhìn thấy vẻ mặt như cầu cứu của cô gái, Dĩnh biết chuyện không đơn giản như mấy thanh niên đó nói, nhưng anh không dám hỏi thêm vì dù sao anh cũng mới đến đây nên không tiện can thiệp. Dĩnh quay lưng bước đi thì cô gái la lên:
- Anh gì ơi cứu em với, bọn nó cướp tiền của em đấy!
- Im miệng đi con ranh! - Tiếng một thanh niên gằn giọng. Dĩnh quay lại, anh nói:
- Các anh nói dối... Các anh cướp tiền của người ta…
- Chuyện gì đến mày… Cút đi!
Dĩnh bình tĩnh giải thích:
- Các anh thả cô gái ra đi… Làm vậy là không tốt.
- Mặc kệ thằng cha ấy… Lấy đi rồi chuồn lẹ.- Vừa nói một thằng vừa cầm con dao nhọn dọa dẫm.
Hắn vừa nói xong thì con dao trên tay hắn bị hất tung ra xa. Dĩnh đã lao tới như một con sóc, gạt phăng ba tên côn đồ sang một bên. Quá bất ngờ với hành động của vị khách lạ, ba tên côn đồ bực tức vì bị “kì đà cản mũi”, chúng nhất loạt xông vào. Dĩnh bình tĩnh hạ từng tên một. Không ngờ chỉ mấy miếng võ Dĩnh học được khi ở nhà mà cũng khiến cho ba tên côn đồ phải bỏ chạy.
Quay sang cô gái đang đứng như trời trồng, Dĩnh   hỏi:
- Bọn nó lấy gì của cô chưa?
Dạ chúng chưa lấy gì… Cám ơn anh đã cứu… nếu không thì…- Cô gái bỏ lửng câu nói vì tiếng nấc.
- Không có gì… Thôi cô đi về đi kẻo khuya rồi.- Dĩnh vừa cúi xuống phủi bụi quần vừa nói.
- Dạ, cám ơn anh.
Cô gái dắt vội chiếc xe đạp đi, được mấy bước vội quay lại nói với Dĩnh:
- Anh cẩn thận kẻo bọn nó quay lại trả thù anh đấy.
- Cám ơn cô đã nhắc.
Dĩnh nhìn theo bóng cô gái khuất dần trong màn đêm. Anh thở phào một cái, hít một hơi thật dài. Nghĩ tới lời cô gái, Dĩnh cầm vội cái túi xách rồi lại lủi thủi đi mà không biết mình sẽ đi đâu. Mệt quá, Dĩnh ngồi xuống một gốc cây ở vỉa hè đánh một giấc ngon lành.
Trời gần sáng, Dĩnh thức dậy, theo thói quen anh đọc kinh dâng ngày rồi lững thững bước đi, bụng thầm nghĩ sẽ tìm đường đến chợ, vì ở đó sẽ có nhiều việc làm. Hỏi mãi Dĩnh mới tìm được đường đến chợ. Chán nản vì không tìm thấy chỗ nào cần người làm, Dĩnh thở dài định bụng đi xem có nơi nào mướn người nữa hay không. Vừa đi được mấy bước thì có tiếng một người đàn ông trung niên gọi giật lại:
- Chú gì ơi…Có phải chú tìm việc làm không?
- Dạ… cháu đang tìm việc làm bác ạ!- Dĩnh mừng thầm trong bụng.
- Chú có biết phác cỏ vườn không?
- Dạ có bác ạ… Ở quê cháu vẫn hay làm.
- Vậy thì tốt rồi… Chú theo tôi nhé!
Đi qua bên kia con đường thì đến một căn nhà lầu ba tầngvới khuôn viên rộng lớn.
Người đàn ông dừng lại, tay mở cánh cổng rồi  nói:
- Đây là nhà tôi.
- Nhà bác rộng lớn quá… Ở quê cháu chưa thấy ngôi nhà nào to như ngôi nhà bác.
- So với nhiều nhà khác thì nhà tôi nhằm nhò gì.
- Cháu thấy như vậy là to lắm rồi… Thế cháu phải làm những gì ạ?
- À… Chú đi theo tôi… Ra ngoài vườn này tôi sẽ chỉ cho chú.
Đi một đoạn khá xa, người đàn ông chi vào cái kho kề hàng rào lưới B40 rồi nói:
- Trong đó có đủ cuốc xẻng… Chú phác hết đám cỏ dọc theo bờ ranh lưới B40 cho tôi nhé. Xong lúc nào tôi tính tiền lúc đó. Buổi trưa chú vào trong này dùng cơm với tôi… Nhà chỉ có mình tôi nên cũng hơi buồn.
- Dạ… để cháu làm.
Dĩnh bắt tay vào làm việc một cách say sưa. Trời càng về trưa càng nóng bức, mồ hôi toát ra như tắm. Với đôi tay rắn chắc, Dĩnh vẫn miệt mài cuốc từng vạt cỏ một cách kỹ càng và sạch sẽ.
Chiều đến, Dĩnh làm xong, cất hết đồ dùng vào kho rồi đi vào nhà.
- Dạ cháu làm xong rồi bác ạ!
- Chú vất vả quá… Để tôi gởi tiền công cho chú…Tôi gởi cho chú ba trăm ngàn nhé.
- Nhiều vậy hả bác… Ngoài quê cháu đi làm cả ngày cũng có mấy chục bạc à.
- Thôi cứ nhận… Coi như tôi giúp chú mới vào trong này đi làm. Khi nào có việc tôi lại gọi chú.
Vừa nhận tiền, Dĩnh vừa gãi đầu ái ngại.
- Dạ cháu cám ơn bác.
- Không có gì đâu chú… Chú đừng ngại.
- Dạ cháu xin phép bác cháu về ạ.
- Ừ, chú về mạnh giỏi.
Dĩnh vừa quay người bước đi thì cô con gái út của ông chủ nhà cũng vừa đi học về. Với vẻ mặt ngạc nhiên cô kêu lên:
- Ủa…anh… Anh làm gì ở đây?
Dĩnh ngạc nhiên trước câu nói của cô gái, anh không nhận ra cô gái là ai. Anh ngập ngừng hỏi:
- Cô biết tôi à?
Không trả lời Dĩnh, cô gái quay sang nói với ba mình:
- Ba… Đây là cái anh mà tối qua con nói với ba đó… Không có ảnh là con bị mấy kẻ xấu giở trò rồi.
- Vậy sao?- Ông Quang ngạc nhiên hỏi.
Dĩnh bây giờ mới nhận ra cô gái tối qua anh đã gặp ngoài công viên. Mặt đỏ ửng, Dĩnh vừa gãi đầu vừa nói:
- Thì ra cô là con gái bác Quang… Ông Quang vội bước tới:
- Thì ra chú là ân nhân cứu nạn của con gái tôi… Vào nhà… vào nhà nói chuyện đi… Tối nay chú ở lại đây dùng cơm với hai cha con tôi.- Vừa nói ông Quang vừa cầm tay Dĩnh kéo vào nhà.
Bữa cơm thân mật diễn ra thật vui vẻ. Dĩnh được biết thêm  về gia đình ông Quang. Con gái ông Quang tên là Ngọc Ni. Dĩnh nhận ra gia đình ông Quang có đạo nhưng dường như ông không còn thực hành đức tin nữa, ngay đến ăn cơm ông cũng không  làm dấu, điều đó ảnh hưởng tới cả cô con gái. Ngoài Ngọc Ni, ông Quang còn có một người con trai nữa đang đi làm cho một công ty ở bên Nhật.
Ông Quang có nhả ý muốn Dĩnh ở lại nhà ông, giúp ông chăm sóc vườn cây cũng như chăm sóc khuôn viên chung quanh nhà. Dù sao thì ông cũng dự định nay mai kiếm người về làm vườn cho ông. Ông thay đổi cách xưng hô với Dĩnh, ông gọi Dĩnh là cháu và xưng mình là bác. Dĩnh mừng lắm vì đã có việc làm ổn định nên anh nhận lời ngay. Ông Quang thu xếp cho Dĩnh một căn phòng có cửa sổ hướng ra khu vườn, ban đêm có thể bước ra lan can ngồi ngắm trăng rất đẹp.
Từ ngày có Dĩnh căn nhà bớt hiu quạnh hơn, mọi thứ được dọn dẹp rất ngăn nắp. Hằng ngày, trong lúc hai cha con ông Quang đang say giấc, thì Dĩnh đã dậy để đi lễ ở nhà thờ gần đó. Vườn cây kiểng được chăm sóc vun xới nên xanh tốt hẳn lên. Ông Quang cảm thấy rất vui. Dĩnh còn kiêm luôn nhà nội trợ. Những món ăn dân dã Dĩnh nấu khiến hai cha con ông Quang rất thích.
Ngọc Ni tuy coi Dĩnh là ân nhân của mình, nhưng trong con mắt cô dường như cái mác nhà quê của Dĩnh khiến cô khinh thường anh. Suốt ngày cô chỉ biết đi học, hết học lại theo bạn bè đi chơi. Ông Quang cũng không đả động gì đến việc học hành của con gái. Lâu lâu, Dĩnh bắt gặp cái thở dài sầu não của ông khi nhìn con gái dẫn theo đám bạn về nhà ăn uống chán rồi lại đi chơi mà không một lời khuyên nhủ.
*  * *
Ngày tháng trôi qua, kể từ khi Dĩnh tới đây đã gần một năm. Kỳ thi tốt nghiệp vừa rồi Ngọc Ni không đủ điểm, cô đâm ra chán nản, suốt ngày chỉ biết đi chơi với bạn bè. Dĩnh nhớ nhà, nhớ quê, anh muốn trở về thăm bố. Nhưng cảm cái cảnh ông Quang đang bệnh nặng mà không người chăm sóc nên anh lại nén lòng ở lại giúp ông.
Đêm nay trăng sáng. Dĩnh cầm cái ghita mà anh mới mua được ở tiệm đàn cũ ra ngồi ngoài hiên nhà. Dưới ánh trăng, Dĩnh đệm những bài hát quen thuộc mà khi ở nhà anh đã được bố dạy cho. Giọng trầm ấm, anh hát khẽ nhẹ nhàng… “Quê hương là chùm khế ngọt… cho con trèo hái mỗi ngày...”. Dĩnh không biết rằng, Ngọc Ni đang ngồi ở hành lang trên lầu. Cô lặng lẽ ngồi lắng nghe Dĩnh hát. Không hiểu cô đang nghĩ gì. Bất giác cô đứng dậy, chạy xuống lầu. Nghe tiếng động, Dĩnh ngừng không hát nữa.
- Anh hát hay quá… Từ trước tới giờ không thấy anh hát.- Ngọc Ni nói khi vừa bước đến.
- Cô chưa ngủ à?
- Chưa! Nghe anh đánh đàn hát hay quá nên muốn xuống nghe.
- Tôi chỉ biết đàn hát đôi chút do hồi ở nhà bố tôi chỉ cho thôi.
- Khi nào anh dạy cho tôi với nhé… Tôi cũng thích học đàn lắm.
- Cô muốn học thì tôi chỉ cho… Nhưng cô đi suốt ngày lấy giờ đâu mà học?
- Tôi sẽ không đi chơi nữa là được chứ gì!
- Tôi phải làm việc suốt ngày lấy giờ đâu chỉ cho cô?
- Thì tôi sẽ phụ anh làm việc… Làm xong anh dạy tôi!
- Cô nói phải giữ lời đấy.
- Cứ vậy đi! Từ ngày mai tôi sẽ ở nhà phụ anh làm việc rồi anh dạy tôi đàn.
- Khuya rồi đi ngủ thôi… Chúc cô ngủ ngon.
- Anh cũng vậy.
*  * *
Ông Quang tính mở rộng kinh doanh cây bon-sai, đây cũng là việc ông muốn làm lâu rồi mà còn ngại chưa dám làm. Thấy Dĩnh là người siêng năng thật thà, lại có khả năng đảm đang được việc này, nên ông xúc tiến việc kinh doanh.
Ngoài giờ làm việc ra Dĩnh lại chỉ đàn cho Ngọc Ni. Nhìn thấy cô con gái mình thay đổi một cách lạ lùng, ông Quang lấy làm ngạc nhiên hết sức, nhưng trong cái ngạc nhiên đó ẩn chứa một niềm vui khôn tả, ông mừng lắm. Dĩnh biết điều đó, nhưng trong lòng anh vẫn thao thức làm sao để hai cha con ông Quang trở về cùng Chúa. Dĩnh vẫn viết thư và gửi tiền về cho ông Năm hàng tháng, trong thư anh kể với bố về tất cả những gì anh đang sống, đang thực hiện cũng như thao thức của anh.
Ngọc Ni ngày càng quý mến Dĩnh, suốt ngày cứ quanh quẩn bên Dĩnh, hết hỏi cái này rồi lại hỏi cái kia, khiến Dĩnh không nhịn được cười. Ở bên Dĩnh cô dần khám phá ra một con người tràn trề sức sống và niềm vui, nhất là đời sống đạo đức của anh. Trong cô, cái mác nhà quê của Dĩnh dần dần biến mất.
*  * *
Rồi cái ngày mà Dĩnh hằng thao thức cũng đến, nó dến một cách đột ngột khiến Dĩnh không ngờ đến. Chiều thứ bảy hôm đó, sau khi dọn dẹp tất cả, Dĩnh tắm rửa để đi lễ như mọi khi. Khi anh vừa bước ra khỏi phòng thì gặp Ngọc Ni đã đứng chờ ngoài sân từ lúc nào:
- Cô đi đâu mà mặc đẹp thế cô út?- Dĩnh hỏi.
- Đi lễ chứ đi đâu!
- Cô cứ đùa... Trước giờ cô có đi đâu?
- Thì hôm nay đi… Anh thấy lạ lắm à?
Dĩnh cười với nụ cười thật hồn nhiên. Dĩnh vui lắm, một niềm vui thật khó mà diễn tả được.
Tối hôm ấy, Ngọc Ni khơi chuyện, cô ôm lấy cổ ba mình và nói:
- Ba! Kỳ thi này con thi đậu thì ba sẽ thưởng con cái gì?
- Thế con muốn ba thưởng cho con cái gì nào?- Ông Quang vui vẻ đáp lời con gái.
- Thưởng cái gì được anh Dĩnh nhỉ?- Vừa nói cô vừa nhìn Dĩnh tế nhị.- Nhưng ba phải hứa với con đã.
- Con nhỏ này tính gài ba đó hả?- Ông Quang cười sảng khoái.
- Ba hứa đi!
- Ừ... ba hứa.
- Nếu con thi đậu thì ba phải đi lễ với tụi con vào mỗi chiều chủ nhật... Nha ba?
- Con nhỏ này... Hai đứa bọn bây ăn rơ với nhau quá ha!
Điều ông thao thức bấy lâu giờ đã được giải tỏa, ông thấy mình như trút được gánh nặng trong tâm hồn. Không cần cho Ngọc Ni phải thi đỗ, cuối tuần ông đã cùng với Ngọc Ni và Dĩnh đi lễ. Ngôi nhà càng trở nên ấm cúng hơn, càng thêm tiếng cười hơn. Người vui nhất phải nói là Dĩnh. Anh biết Chúa đã nhậm lời anh.
Công việc làm ăn của ông Quang ngày càng phát triển mạnh. Ông thuê thêm nhân công để làm việc. Đối với Dĩnh, ông đã có dự tính cho anh. Ông cho Dĩnh đi học thêm ở lớp bổ túc. Trong cái nhìn của ông thì Dĩnh sẽ là người kế nghiệp, vì ông coi anh như chính con mình. Ông nghĩ đến chuyện vun đắp tình cảm cho Ngọc Ni và Dĩnh, vì ông thấy dường như cả Ngọc Ni và Dĩnh có tình cảm với nhau nhưng chưa dám nói ra.
Đối với Ngọc Ni, cô đã yêu Dĩnh từ lúc nào chính cô cũng không nhớ nổi. Cô chỉ biết giờ đây nếu không có Dĩnh không biết cô có giữ được cái niềm vui và hạnh phúc mà cô đang nắm giữ hay không. Dĩnh cũng thế, anh đem lòng yêu Ngọc Ni từ lâu nhưng nghĩ phận người ở như mình sao dám “đũa mốc mà chòi mâm son”. Anh chôn giấu tình cảm của mình trong tim mà không dám nói ra.
Tối, trong lúc ăn cơm, ông Quang cười nói:
- Nay cũng đã nghĩ hè, hai đứa bay thu xếp về thăm ông cụ ngoài quê đi. Việc nhà đã có ba lo rồi… Hai đứa ăn sau nhé, ba lên phòng trước có chút  chuyện.
Dĩnh nghe ông Quang nói mà trong lòng như muốn reo lên. Đã hai năm anh không về quê, anh nhớ ba lắm. Ngọc Ni cũng mừng lắm, cô biết là ba đã đồng ý để cô yêu Dĩnh.
Tối nay, dưới bầu trời đầy sao sáng, Ngọc Ni ngồi tựa đầu vào vai Dĩnh. Tay khẽ vuốt mái tóc mượt mà của Ngọc Ni, Dĩnh đã nói tiếng yêu đầu đời.