Tản mạn chiều

Quang X Nguyen


Cái bóng ngã đằng đông. Hơi ngắn. Hơi dài. Rồi dài ngoẵng. Mặt trời xuống núi. Đêm đen.
Nhịp đều của thời gian là sáng, chiều và tối. Tối để sáng lại cho một ngày mới và chiều để tối lại kết thúc một ngày.Luân khúc thời gian cứ thế mà đều đặn trôi mãi… trôi mãi…

Nhưng hồn của thời gian lại khác nhau đến rõ! Hồn của bình minh là tấu khúc hân hoan hùng tráng, để khởi động một ngày mới, tràn dầy sức sống mới và hy vọng mới. Hồn của chiều lại là một hợp khúc đa thanh âm, đa nhịp điệu. Có lúc tưởng chừng nhè nhẹ êm êm như “Nắng chiều về nhạt bóng nương khoai”có lúc lại vội vội vàng vàng kẻo “Chiều chưa đi màn đêm buông xuống”. Chiều là cả một hợp âm đến hồi phong phú nhất để đi về kết thúc, nhường chổ cho đêm là bản giao hưởng của trời và đất.


1. Chiều một ngày

Những sợi nắng vàng dịu, những cơn gió nhẹ mơn man, một chút cảm giác dễ chịu. Nhiệt độ giảm xuống, mang lại một chút gì khoan khoái sau một ngày dài vất vả, tất tả với công việc. Bóng sáng dịu dịu ấy nhưng lại mang theo những thúc đẩy gấp gáp của những dở dang…

Tiếng chiều đang đến. Rõ ràng và quen thuộc trong tiếng rao khản giọng của người phụ nữ gánh hàng rong. Tiếng chiều rộn ràng và hối hả theo tiếng gõ lóc cóc của những chú bé bán hủ tíu gõ bắt đầu vào cuộc. Tiếng chiều lại thanh thoát ngân nga trong tiếng chuông nhà thờ từ xa xa vọng lại. Tiếng chiều trầm trầm lằng lặng trong tiếng chuông chùa nhè nhẹ buông vang.
Chiều về!

Hồn chiều êm vui hạnh phúc theo sau nhịp chân thành quả của một ngày lao động. Hồn chiều xôn xao theo nhịp quang gánh của mẹ về nhà với túi bạc cắc rủng rỉnh leng keng. Hồn chiều ấm áp theo anh theo chị về nhà trong bửa cơm gia đình nóng hổi. Hồn chiều bâng khuâng theo em về với những ước hẹn ngất ngây của tuổi thanh xuân. Hồn chiều vội vội vàng vàng theo gót chân cậu bé bán vé số còn lại đôi tờ đã gần đến gời xổ số. Hồn chiều toan tính theo bánh xe lăn của những chủ hàng vội vàng đi gom tiền nong sau một ngày bỏ mối. Hồn chiều gay gắt đồng hành với những bà chủ hụi, những chị chủ nợ nhanh chóng thu góp tiền lãi của người vay. Hồn chiều do dự hoang mang theo bước chân lữ khách chưa tìm ra quán trọ. Hồn chiều bi ai trong cái rét quen thuộc của những trẻ em hè phố. Hồn chiều thiêng liêng thánh thiện theo chân các cụ các mẹ đến nhà thờ dâng lễ. Hồn chiều nhân hậu siêu thoát theo các bà các cô vào chùa lễ Phật. Hồn chiều bay lờ lững theo những cánh bướm ăn đên lượn lờ trên hè phố. Hồn chiều thăm thẳm đi vào lòng người nhiều những toan tính, âm mư, lừa lọc…


Chiều ơi! Tiếng chiều quả là nhiều thanh âm. Bước chân chiều thì muôn ngã. Hồn chiều thi đa dạng, phong phú. Chiều ơi!


2. Chiều một năm

Phố hoa giăng lối rằm tháng chạp
Tất tả dòng người hơi hướm xuân
Đi xuôi về ngược giòng gấp gáp
Xuân hỡi! Một năm xuân mấy lần
( Tiếng chap- cdv)

Có thể không? Khi gọi những ngày cuối tháng chạp là chiều của một năm?

Kể từ rằm tháng chạp, thường ta quên để ý đến ngày tây mà lại hay nhớ đến lịch ta. Những ngày giỗ tổ ngành nghề, những ngày chạp mã để dọn sạch đẹp mồ mã chờ đón ông bà về ăn tết. Những buổi tổng kết của cơ quan, xí nghiệp … Tất cả trở nên bân rộn, gấp gáp. Thời gian bỗng dưng như ít lại, lịch làm việc như dày lên…

Thế nhưng tiếng chiều của một năm lại là thanh âm dội lại của 365 ngày cũ đã qua. Tiếng chiều của một năm ồn ào huyên náo trong những ngày giỗ tổ, những ngày chạp mã, để hồn chiều mời gọi mọi người trở về với nguồn cội, trở về với ý nghĩa làm người. Tiếng chiều râm ran trong những buổi đại hội tổng kết để hồn chiều trở thành nhưn gx bản xét mình trọng thể và đưa người về khoảng lặng của sám hối canh tân. Tiếng chiều của năm vừa giục giã vừa khoan thai trong những phiên chợ xuân để hồn chiều hoàn tất cái củ và chuẩn bị cái mới. Tiếng chiều tí tách mà ngọt ngào như hồn xuân trong nồi bánh chưng xanh chờ phút giao thừa hạnh phúc.

Hồn chiều một năm lâng lâng náo nức trong bộ quần áo m,ới bầy em thơ, chảy dài từ trên mặt, đôi tay đôi chân, cho đến gót hài còn thơm mùi da mới. Hồn chiều e lệ lúng liếng trong ánh mắt thơ ngây của thiếu nữ vừa độ chừng xuân , e ấp giấc mộng trắng trong mừng ngày thêm tuổi mới. hồn chiều chầm chậm đi trên vết chân chim nơi khóe mắt mẹ già đã kham nhẫn suốt mấy mùa mưa nắng. Hồn chiều tung tăng trên chòm râu bạc của cha với nụ cười ấm áp mãn nguyện vì thành quả một năm dài cật lực để mua tương lai cho con.

Tiếng chiều một năm là thanh âm đến hồi kết thúc, để ngồi ở cái mút sau cùng mà nghe lại âm hưởng của những tháng ngày đã đi qua. Tiếng chiều của năm có lúc là một kinh cầu sám hối; có lúc lại là lời của kinh cầu tạ ơn sau khi đã hoàn thành một bản xét mình trọng thể.
Thế nhưng hồn chiều của một năm lại rạng rỡ tươi vui, vẫn đầy tràn sức sống, sẵn sàng tiếp bước vào cuộc trong thời gian mới, hạnh phúc, yên vui và hy vọng.

3. Chiều một đời

Chiều một ngày, chiều một năm là thời gian định ước , là cố định theo nguyên bản của Tạo Hóa. Chiều một đời dường như không hạn định. Thường thì chiều đời đến với những tấm thân đã mệt nhoài sau thời gian dài chiến đấu. Sau một đời lam lũ hồng trần. Nhưng cũng có những chiều đời rất âm thầm lặng lẽ và đầy bất ngờ như cơn mưa giữa trời đang nắng gắt, và cũng có những chiều đời hiển hiện rõ nét của sự đón nhận vô tư.


Chiều êm ả về trên mái tóc pha sương , trên tấm lưng còng của mẹ già kham nhẫn. Tiếng chiều của mẹ êm ru như tiếng kinh đêm, mà lời kinh là những lồi lõm nhịp nhàng theo với nhịp đời lằng lặng hy sinh. Lời kinh thong thả mà thánh thiện như bài hát tạ ơn để cho hồn chiều đời mẹ trở thành lễ phẩm hiến dâng.

Chiều thâm u như những áng mây mờ trong mắt cha. Tiếng chiều theo cha từng nhịp gậy chống. Chiều trăn trở trong từng hơi thở bồi hồi, chiều đọng lại trên đôi môi hom hem khi cha vẫn còn những âu lo cho bầy con mà dưới mắt người cha, con vẫn chưa kịp lớn. Hoponf chiều của cha là một đúc kết, một khao khát vươn lên cho con, để cho sự khao khát mong chờ trở thành lời kinh trông cậy, phó thác.

Chiều nồng nàn ấm áp trong cơi trầu của ngoại, thanh thản và tin yêu vì đã xuất sắc hoàn thành nghĩa vụ trần gian, đã thẩm thấu tình yêu và hạnh phúc của đấng bậc làm người. Tiếng chiều của ngoại thư thả nhẹ nhàng như tiếng thở đều đều, đều đều một điệp khúc ngợi khen Đấng đã tác tạo nên đời, nên người.

Chiều đi lặng lẽ chầm chậm theo tiếng võng đưa kẽo kẹt của nội. Tiếng kinh kẽo kẹt là một xác tín và một cảm nghiệm sâu xa để chiều của nội đưa bước chân đi vững chãi, mạnh mẽ và tự tin hơn để về đến cõi vĩnh hằng.

Chiều bất chợt ngồi sau tay lái của anh, đồng hành với anh trên những đoạn đường quen thuộc. Chiều rón rén sau lưng anh trong những công việc thường ngày trên công trường, trong xí nghiệp, trên hỏa xa, trên mọi nẻo…Tiếng chiều của anh rất âm thầm, bất chợt. Hồn chiều của anh là những ngỡ ngàng, hối tiếc, vô tư.

Chiều nắm tay em về trong những ống chích, để một lần say khướt với đam mê. Chiều cùng em tung tăng nhảy múa trong những hộp đêm, trong vũ trường, trong những khoái lạc cuộc truy hoan. Chiều mời mọc em, dẫn em vào tội ác để em đánh đổi lương tâm mà lấy hoan lạc nhất thời. Tiếng chiều của em rất rõ ràng từng từ, từng âm. Có lúc ngọt ngào, có khi chua chát. Hồn chiều của em đen nghịt khói đam mê.

4. Những chiều lịch sử

Tôi miên man nghĩ về chiều. Chiều đến với tôi và chiều dẫn tôi đi ngược dòng về lịch sử….. Chiều kể tôi nghe sơ yếu lý lịch của chiều …….

Từ xa xưa lắm… Tất cả đều là không. Nhưng Cha của chiều đã có. Cha tạo ra ánh sáng và bóng tối. Cha làm nên vầng sáng nhật nguyệt. Vầng nhật là anh. Vầng nguyệt là em. Mỗi người một nữa bầu trời. Khi chiều được sinh ra, chiều đã nghe Cha nói: “Ánh sáng là ngày, bóng tối là đêm” qua một buổi chiều và một buổi sáng (st 1,5) Và cứ như thế… đến nay chiều không còn nhớ được tuổi mình.
Nhưng chiều nhớ như in những buổi chiều đẹp nhất.

Đó là chiều do dự, hoang mang của hai người lữ khách đi tìm quán trọ. Họ mang trên vai sự thấp thỏm lo âu nhưng lại tin tưởng và phó thác. Họ bâng khuâng do dự nhưng lại xác tín ở Cha của Chiều và để cho Cha định liệu mọi sự. Họ đi qua chiều và đến ở trong chuồng bò phía ngoại thành. Ở đó, một Đấng Cứu Thế được sinh ra. Chiều ấy được Cha chiều gọi là chiều của mầu nhiệm nhập thể, là chiều của trời đát giao thoa. Chiều khai sinh ơn cứu rỗi.

Rồi lại một chiều nữa, trời gay gắt nắng. Một tên tử tội bị treo trên đồi hồng, loang lổ, rách nát, đau thương… Chiều rất bi ai nhưng lại rất hùng tráng. Chiều của sự tố cáo nhưng cũng lại là chiều cao điểm của tình yêu. Chiều của kết án và cũng là chiều của thứ tha. Chiều của tử nạn và chiều để phục sinh. Trần gian nhờ chiều này mà được giao hòa với Cha, được ơn giải thoát. Cha chiều gọi chiều này là chiều của mầu nhiệm cứu chuộc.

Cha còn cho chiều biết sẽ có một chiều nữa, là buổi chiều chung của nhân loại, khi mà Vua Vinh Hiển ngự đến để kết thúc một chương trình cứu độ, và như một định luật tự nhiên, mọi người sẽ được hưởng một Bình Minh mới, Bình Minh Bất diệt. Và lúc đó sẽ chẳng còn chiều nữa!
…………………………………………

Chiều ơi! Xin cám ơn chiều! Xin tạ ơn Cha của chiều! Đấng đã dựng nên thời gian để có chiều. Đấng đã tác động để chiều có những thanh âm phong phú và sôi động. Đấng đã vào chiều các hồn chiều thâm thúy. Tạ ơn Cha! Đấng đã xác định cho mỗi người có một chiều đời bằng tự do và ý chí. Tạ ơn Cha đã ban cho trần gian những chiều đời Cứu Rỗi. Để rồi, mỗi người hân hoan đón nhận chiều, sống chiều, làm việc với chiều bằng một tâm tình mến yêu, hoan lạc và sẵn sàng.

31-5-2007

Micae Cao Danh Viện