Âm hưởng

Văn thơ Công giáo
Anna Nguyễn Bích Hạt, Bông sim, 1988
Gx Nhã Lộng, Gp Bắc Ninh
-Trích tập “Người gieo hạt”-
Nửa đêm, có ai đó gõ vào cửa sổ. Tôi choàng dậy. Hóa ra đó là ánh trăng. Tôi sực nhớ hôm nay đã là mười năm. Ánh trăng khiến tôi nảy ra ý định “đi chơi”. Mỗi khi thấy cuộc sống quá tất bật hay ngột ngạt tôi thường trở về quá khứ như một thói quen. Đó là một nơi vô định nhưng thanh bình và yên ả hơn so với cái nhịp sống vội vã, ồn ào náo nhiệt nơi đô thành. Hôm nay, vẫn là ánh trăng của năm xưa, của ngàn đời… Tôi lại lục lọi những con chữ và lên đường…
Hồi ấy, tôi và lũ bạn trong xóm nhỏ có thói quen đi chơi dưới trăng, trăng mùa thu dịu dàng, trăng đầu đông lạnh lùng, trăng thượng tuần mùa hạ vằng vặc. Khi tiếng kinh Trông Cậy ré lên chua lè từ cổ họng bà quản Hai, chúng tôi đứa nào đứa nấy như tỉnh táo hẳn. Giọng của bà là thứ âm thanh cũ rích, tôi chưa bao giờ thấy nó thay đổi một sắc thái hay âm vực nào. Nó giống một thứ báo thức mà tôi không bao giờ phải để mẹ cù léc mới bò ra khỏi giường như ở nhà. Thật là thích thú mỗi khi giọng bà cất lên, giờ kinh đã kết thúc. Điều đó đồng nghĩa với việc chúng tôi được “sổ lồng” khỏi “căn” nhà thờ chật cứng người. Giọng của bà đánh thức chúng tôi khỏi cơn mơ ngủ gật gù để chuyển sang một trạng thái vui tươi hơn. Tôi vô cùng thích cảm giác được đứng giữa cái sân nhỏ, ngửa mặt lên trời rồi vươn vai một cái thật dài… Và nhanh như chớp mắt, lũ chúng tôi mất hút vào thứ ánh sáng kỳ ảo như dát vàng trên con đường làng phủ đầy lá tre. Tan giờ kinh, nhà thờ rôm rả tiếng nói cười. Lâu nay, người lớn cũng ham nói chuyện chẳng khác gì chúng tôi ham chơi giữa đêm trăng. Đàn ông thì ngồi quanh chiếc bàn cũ mèm kê ở mái hiên. Chỉ cần một ấm nước trà xanh với bao thuốc lá “Du lịch” là họ có thể ngồi cho đến khi bóng trăng tà tà khuất dần phía đồi bạch đàn cuối xóm. Thường thì họ xoay quanh những câu chuyện về thời vụ hoặc về những chuyện xóm trên, xóm dưới. Đại khái như chuyện nhà ông Năm xóm Ngò mới bị mất một con trâu, hay chuyện Bác Do- anh mới mua được giống lúa mới khăng dân, nghe nói rất năng xuất… Mấy bà giống như mẹ tôi thì ngồi ở chiếu dưới rôm rả về chuyện hôm nay ai ngắm hay nhất, chuyện cấy hái, hay chợ búa gì đó. Tóm lại, chúng tôi không quan tâm nhiều vì đó là chuyện của người lớn. Điều thu hút đang đợi chờ chúng tôi nằm ở phía “sân kho”. Đó là điểm hẹn bất di bất dịch không chỉ của lũ trẻ nít chúng tôi mà các anh chị thanh niên cũng coi “sân kho” như một nơi để gặp gỡ, giao lưu, chuyện trò. Nhưng tất cả những điều ấy chỉ được thực hiện sau khi giờ kinh tối của cả xóm kết thúc.

Xóm tôi nằm lọt thỏm giữa những quả đồi nhấp nhô. Chúng không quá cao nhưng cũng đủ cho lũ chúng tôi bở hơi tai mỗi khi đi kiếm củi. Xóm trên, xóm dưới đều là xóm lương dân. Chúng tôi và những đứa trẻ của hai xóm ấy ghép lại được ba lớp tiểu học. Lớp học được mượn lại từ ngôi nhà cũ kỹ của một nông trường giải thể. Ở trường, những đứa trẻ xóm đạo chơi co cụm và như rụt rè hơn với những đứa trẻ xóm trên và xóm dưới. Nhưng có một nét không bao giờ lẫn với chúng là chúng tôi không bao giờ nói bậy vì chúng tôi tin nói bậy là “phải tội”. Bọn chúng xầm xì khi thấy chúng tôi làm dấu để chia nhau gói bim bim, hay một thứ gì đó mang từ nhà đi. Khi chúng tôi buột miệng kêu “lạy Chúa” thì chúng nhại cách mỉa mai:“Lạy Chúa... Lạy Chúa… Đúng là một lũ bên đạo…”. Ở trường, ngoài học chữ thì chúng tôi không tìm thấy niềm thích thú nào. Ngoài giờ học, giờ ra chơi thì chúng tôi thích nhất giờ ra về… Về tới xóm nhỏ bỗng lũ chúng tôi đứa nào cũng cảm thấy an toàn và không còn phải e dè trước  sau.
Niềm vui đỉnh điểm chỉ xuất hiện khi hoàng hôn đung đưa trên ngọn tre đầu xóm. Ấy là lúc đàn trâu đã no tròn bụng cỏ và đủng đỉnh từ đồng về. Nhanh nhẹn tắm gội, rửa chân, xỏ dép tinh tươm rồi chờ cơm bố mẹ. Có khi chúng tôi trốn cơm để đi nhà thờ…
Gọi là nhà thờ chứ thực ra đó là nhà của một cụ già nằm ở giữa xóm. Người ta gọi cụ là cụ Thân. Tường nhà thờ làm bằng đất đỏ trộn sỏi, mái được lợp bằng rơm của lúa nếp thơm, mưa nắng đã làm mái xẹp xuống và mục nát. Ngôi nhà thấp lè tè, có xà, có cột nhưng tất cả đều làm bằng tre. Thứ duy nhất được làm bằng gỗ có lẽ là cây Thánh Giá treo phía bức tường đối diện với gian buồng cụ Thân ở.
Xóm tôi chỉ vỏn vẹn 50 hộ gia đình, muốn đến nhà thờ xứ phải đi 20 cây số đường bộ, trời nắng thì bụi, trời mưa thì lầy lội. Chúng tôi rất ít khi được tham dự Thánh lễ. Những lễ trọng thì chỉ có người lớn may ra mới đi dự được. Dân làng trong xóm tôi chủ yếu là trồng chè và hoa màu, quanh năm “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” mà vẫn không đủ ăn. Cả xóm nhỏ chẳng ai dám mơ ước một ngôi nhà nguyện khang trang. Những người dân lam lũ ấy (trong đó có cả bố mẹ tôi) dù họ không được học rộng hiểu sâu nhưng họ luôn có một tấm bằng:“bằng lòng”, bằng lòng với tất cả những gì Chúa ban. Họ tin rằng: Đấng nuôi từng cánh chim, chăm sóc từng bông huệ, chiều chuộng từng nụ hoa, để ý từng sợi tóc, săn sóc từng giấc ngủ, âu yếm từng mảnh đời (Mt6,25-34; 10,29-30) không bao giờ bỏ những ai yêu mến, tôn thờ Người… Sự phó thác thấm trong từng câu kinh, tiếng hát mà họ dâng lên cho Chúa sau mỗi ngày lao nhọc.
Những ngày ấy,  tình làng nghĩa xóm khiến người ta có thể  san sẻ ngay cả cái ít ỏi nhất của mình, người ta nói: “Bán anh em xa mua láng giềng gần” cũng chẳng sai. Giống như gia đình tôi và nhà bác Lâm bên cạnh, hễ có gì cũng“bê” cho nhau, khi thì là đĩa bánh đúc nóng hay khi là trái bưởi đầu mùa… Khi gia đình nào    có đám cưới, đám hỏi thì mỗi nhà lại xúm vào hộ nhau chút gạo nếp hoặc mấy cân thịt… Khi có đám tang thì mọi người chạy tới chạy lui giúp đỡ, người đọc kinh cầu nguyện, người lo bếp núc, người lo đào huyệt, các bà thì ngồi cắt khăn tang hoặc làm bất   cứ việc lặt vặt nào đó mà gia chủ không bao quát nổi. Dân làng nghèo nhưng tấm lòng ai cũng chân chất và lương thiện, vì họ tin rằng “sống hiền lành Chúa sẽ thưởng công”. Khi còn là một đứa trẻ, tôi đâu thấu đáo được hết những điều ấy. Chỉ khi sống ở nơi đất khách quê người tôi mới thấy thấm thía những gì là tình quê. Nhưng đó là chuyện mãi về sau. Còn bây giờ tôi xin kể tiếp câu chuyện hồi tôi 9 tuổi.
Ngày ấy, tôi hay thắc mắc: “Mẹ ơi, sao nhà cụ Thân lại gọi là nhà thờ? Sao cụ lại ở một mình?”. Mẹ cười cười rồi giải thích: “Cụ đâu có ở một mình, có Chúa ở cùng cụ nên nhà cụ được gọi là nhà thờ”. Tôi ậm ờ như đã hiểu ra lời giải thích của mẹ. Khi đi qua cái tuổi lên 9, tôi mới hiểu trọn câu nói của mẹ. Cụ Thân đã tự nguyện hiến ba gian nhà vách lá để mọi người đọc kinh. Đó là sinh hoạt duy nhất để dân làng đến với Chúa giữ lấy đức tin mà cha ông để lại. Cụ chỉ nuôi một chú chó nhỏ. Ăn, uống, ngủ, nghỉ, cụ đều sinh hoạt tất tần tật trong cái buồng nhỏ xíu có cửa sổ lồi ra. Lũ chúng tôi hay thò đầu vào cái “lổ” ấy để xin cụ đủ thứ, khi thì củ khoai lang luộc, khi thì miếng nước vối mát… Lâu ngày, tôi phát hiện ra căn buồng nhỏ của cụ có duy nhất một chiếc giường là đáng giá hơn cả, một chiếc giường tre ọp ẹp nhất mà tôi từng thấy. Trên chiếc giường mọt chân ấy khi nào cũng có một tràng chuỗi, một cuốn sách kinh nhỏ với dòng chữ “Giáo Phận Bắc Ninh” mà tôi thấy được mờ mờ vì nó quá cũ kỹ. Tôi còn thấy một khung hình nhỏ có hình ai đó rất trẻ mà tôi không biết. Dường như đó là tất cả của cụ. Cụ ở một mình, chẳng biết cụ đã ở vậy từ bao lâu? Cũng chẳng ai biết nhà của cụ trở thành nhà thờ từ khi nào? Chỉ biết khi lớn lên, những đứa trẻ chúng tôi đã gắn bó với ngôi nhà và hình ảnh một ông cụ râu bạc, tóc bạc, lông mày bạc mỗi khi đi nhà thờ. Tôi nghe người lớn nói: Cụ cũng có mấy người con nhưng họ tha hương kiếm sống chẳng mấy khi họ về thăm nom. Không ai biết cụ có buồn về điều đó hay không nhưng trên gương mặt hiền từ ấy lúc nào cũng chực sẵn một nụ cười. Chúng tôi khá quậy phá và ồn ào nhưng chưa bao giờ thấy cụ nổi nóng.
Tôi, thằng Tuyên, thằng Hữu và cái Mây luôn là những đứa trẻ đến nhà thờ sớm nhất. Không phải vì chúng tôi ngoan đạo hơn những đứa khác, cũng không phải vì ba mẹ muốn chúng tôi đi sớm nhưng có khi là chúng tôi cố tình trốn đi sớm. Đi nhà thờ sớm đồng nghĩa với việc chúng tôi có chút thời gian dư giả để chạy nhảy và chơi những trò chúng tôi thích. Ra khỏi cổng, chưa bao giờ chúng tôi đến nhà thờ ngay, tôi thủ sẵn một cuộn dây, thằng Tuyên với một bộ khăng hoặc những hòn bi ve… Chúng tôi chỉ dừng lại những trò không biết chán ấy khi có những ánh sáng lập lòe phía bờ ao nhà cụ Thân. Đó là những ánh đèn pin của người lớn đi đọc kinh. Lúc ấy đứa nào đứa nấy không ai bảo ai ngoan ngoãn trờ lại nhà thờ như những chú cừu non được chủ gọi về chuồng.
Giờ kinh của xóm nhỏ bao giờ cũng chật cứng người. Những chiếc chiếu cũ rích, nhãng ra hết cỡ cũng được trải xuống đất. Lũ chúng tôi hay được ngồi vị trí trên cùng gần với bàn thờ nhất. Phải thú thực vị trí ấy tôi chẳng thích thú gì cho lắm. Vì ngồi trên đó là chúng tôi phải kìm hãm những cựa quậy, những cái ngáp dài hay cơn ngủ gật không cưỡng nổi… Dù có cố tỉnh thức đến mấy chúng tôi chưa bao giờ tập trung được trọn vẹn từ đầu giờ kinh cho đến khi kinh Trông Cậy được cất lên.
Nội đã dạy tôi học kinh, tôi thuộc nhất là kinh Lạy Cha và kinh “trọn tốt, trọn lành” và một số kinh mà do nghe nhiều nên tôi thuộc… Nhưng dường như chưa bao giờ tôi thuộc trơn tru những lời kinh trong cuốn sách nhỏ mà người lớn ngày ngày vẫn đọc. Với đầu óc hay treo ngược cành cây, tôi hay tưởng tượng ra đủ thứ khi mà mọi người đang ra rả những lời kinh sốt sắng. Có khi tôi nghĩ ra hình ảnh một con rắn khô mộc chui ra từ mái lá, rớt xuống giữa nhà thờ làm mọi người chạy toán loạn…Cảnh tượng đó chắc sẽ rất tức cười. Dù có giàu trí tưởng tượng đến mấy, tôi cũng không tài nào hình dung ra được là khi ấy tôi còn nghĩ được rằng: Nếu Chúa Giêsu tỉnh lại và nói chuyện với mọi người. Chắc chắn tôi sẽ chạy lại xin Người một đoạn gỗ nhỏ ở chân cây thánh giá kia để tôi đẽo một con quay thật tròn và nhẵn bóng. Tôi sẽ ngẩng mặt cao, khoe với bọn thằng Tèo. Tụi nó luôn cười vào mặt tôi mỗi khi chơi quay vì tôi đẽo quay xấu và chơi quay cũng rất dở. Lúc đó, tôi còn nghĩ nếu tôi xin Chúa một cách lễ phép và khoe với Người về điểm 9 môn chính tả sáng nay, chắc chắn Chúa sẽ gật đầu đồng ý. Hơn nữa tôi là một trong những đứa trẻ chịu đi nhà thờ nhất trái đất này.
Ở cái tuổi lên 9, quả thực tôi thật lắm thứ để tự hào kiểu như thế! Thường thì những giờ kinh tôi hay chia trí bởi hàng trăm những ý tưởng viển vông, hết sức li kỳ. Có lần thằng Tèo thắc mắc:“Sao người lớn đọc kinh lại không ngủ gật bao giờ nhỉ?”. Khi ấy tôi giải thích như một nhà hiểu biết rằng: Người lớn không  ngủ gật vì họ thích đọc kinh như tụi mình thích chơi trận giả vậy. Lúc ấy tôi đâu biết người lớn cũng ngủ gật như thường, chẳng qua là chúng tôi bao giờ cũng gật trước thì làm sao thấy được người lớn ngủ như thế nào? Chỉ đến khi không còn là một đứa trẻ tôi mới biết và biết rất rõ điều này.
Hồi tôi 9 tuổi, người ngủ gật mà tôi phát hiện ra đầu tiên và liên tục không ai khác đó là con Mây. Không hiểu sao nó luôn gọi tôi là anh dù nó sinh cùng năm với tôi. Đi nhà thờ nó cũng luôn chọn chỗ ngồi gần tôi. Có lần tôi giận nó vì đã méc tội tôi để trâu ăn xém một góc lúa trong ruộng nhà bà Tám. Tôi nói to cho cả lũ bạn biết: “Tối qua, lúc đọc kinh, cái Mây ngủ gật chảy cả nước miếng”. Nó quê quá liền chống chế giải thích: “Vì tại lúc nhỏ mẹ em cho em uống nhiều nước cơm gạo nên vậy thôi”. Chúng tôi cười sặc vì sự ngây ngô đến dễ thương của nó… Nhưng cũng có một chút thắc mắc: Nước cơm gạo chắc bổ và ngon lắm nên con Mây mới béo trục, béo tròn như vậy?!
Tuổi thơ của chúng tôi cứ lặng lẽ và hồn nhiên như thế. Con đường dài nhất là từ trường về nhà và từ nhà đến trường. Và con đường thích nhất là con đường từ nhà đến nhà thờ. Sở thích đi nhà thờ ấy dù không chính đáng và hợp lý cho lắm nhưng không ai trách chúng tôi, vì khi ấy chúng tôi mới chỉ là những cô cậu nhóc con đang tuổi học, tuổi chơi.
Tuổi thơ năm tôi 9 tuổi là thế! Thủa ấy, tôi lăng xăng đi nhà thờ, đi học, ăn, vui chơi và cười giòn tan trước những niềm vui nho nhỏ, lăng xăng hạnh phúc với những yêu thương tôi nhận được từ người thân quanh mình, từ những người láng giềng và  từ những thằng bạn“đầu đội trời, chân đạp đất” khắp cánh đồng trong chiều quê lộng gió.
Năm tháng trôi tuột, bay nhanh như cánh diều đứt dây. Tôi lớn. Chuyện về những đứa nhỏ trong ngôi làng xưa cũng đã bị lãng quên. Nhiều năm sau, tôi quay về xóm nhỏ, căn nhà thờ xưa chỉ còn lại cái nền đổ nát, cụ Thân nằm kế sát, rêu phủ xanh ngôi mộ. Phía trên đỉnh đồi, ngôi nhà nguyện có tháp chuông cao vút đã được xây kiên cố. Tuổi thơ lưu lạc tận nơi đâu nay lại ùa về trong tôi. Rõ nhất là “âm hưởng” của những lời kinh tối và những khuôn mặt sương gió thân quen trong xóm đạo nhỏ bé. Tôi chợt nhận ra một khoảng trống trong mình vì đã để thất lạc đâu đó những thói quen tốt, và cả những lời kinh mà tôi thuộc nằm lòng thủa xưa đã rơi rớt theo năm dài tháng rộng. Có khi tôi quên mất mình là một Ki-tô hữu, là người con của xóm đạo năm xưa. Đổ thừa cho cuộc sống có lẽ là quá hèn với một thằng con trai đã đủ trưởng thành. Mọi thứ xung quanh thay đổi hay đúng hơn tôi đã đổi thay?
Trăng mười sáu tròn như khuôn mặt người thôn nữ, đang rọi sáng ký ức mịt mù trong tôi. Bỗng chợt thấy hiện lên thật rõ nét những bông dâm bụt trước cổng nhà cụ Thú, những bông hoa cả đời chẳng tặng cho ai, chỉ để rực lên một Niềm Tin ngày trở  về.