Heo Đất nghĩa tình -- truyện ngắn của Tâm Phúc

Quang X Nguyen

Heo Đất nghĩa tình



Tôi là một chú heo bằng nhựa, nhưng không ai gọi là “heo nhựa”. mà vẫn gọi tôi là “heo đất”. Chủ nhân của tôi là một cô nhỏ tên Mi Na, 8 tuổi, học lớp 3 trường tiểu học X. Tôi đến nhà cô chủ trong một gói quà Sinh Nhật rất đẹp đúng vào ngày Mồng Một Tết năm ngoái. Mới đó mà đã tròn một năm với bao câu chuyện thú vị về cô chủ mà tôi là người biết rõ.

Tôi nhớ như in ngày mà Dì Tám, một thành viên Caritas làm công tác Bác Ái Xã Hội, người đã nhấc tôi ra khỏi kệ trưng bày rực rỡ trong siêu thị, bỏ vào hộp và mang về trao vào tay cô chủ với lời dặn dò:

- Con đã lớn rồi, phải luôn biết cám ơn Chúa đã ban cho con rất nhiều ơn phúc. Con phải biết nghĩ đến những người kém may mắn hơn con. Dì tặng con chú heo đất này, mỗi lần ai cho con tiền, con hãy nhớ dành một phần cho người nghèo. Rồi có dịp thì lấy mà giúp đỡ họ”.


Hai dì cháu còn thầm thì với nhau cả buổi tối, tôi chỉ lõm bõm nghe được đôi câu, hình như là công việc bác ái Dì đang làm. Bởi Dì Tám là “thần tượng” của cô chủ nên đương nhiên tôi trở thành một vật cưng. Tôi được cô chủ đặt ngay đầu giường, và có khi ôm để ngủ nữa.

Tết. Ôi tôi yêu những ngày Tết, vì cô chủ Mi Na được lì xì nhiều nên tôi cũng được cho “ăn” no nê. Tôi cảm nhận mình sẽ rơi vào “nguy cơ béo phì” bởi được cho “ăn” nhiều lần trong ngày với nhiều “thức ăn” khác nhau nếu ngày nào cũng là ngày Tết.

Nhưng rồi Tết cũng qua, và cô chủ phải đi học lại cả ngày, tôi nằm buồn thiu chờ đến tối mới được cô chủ “cho ăn”. Nhưng cũng có ngày phải nhịn đới. Tôi thương cô chủ nhiều lắm khi biết để “nuôi” tôi, cô phải bớt lại tiền ăn sáng, phải dè sẻn từng đồng tiền mẹ cho chứ không dám xài hết như khi trước. Thương cô, tôi mới thấm thía được bài hát “Con heo đất” của nhạc sĩ Ngọc Lễ : “… Em không thèm mua kem. Em không thèm mua bánh. Em để dành cho heo. Em lì xì heo đất hai trăm mỗi ngày”.

Mẹ cũng phải ngạc nhiên bởi từ khi có tôi, Chúa Nhật đi học Giáo lý về, Mi Na chủ động phụ mẹ dọn dẹp nhà rồi xin giấy và đồ nhựa để bán ve chai. Cô chủ xin những đồng tiền lẻ của mọi người trong nhà cho tôi. Rồi cô chủ còn lụi cụi lượm hạt điều quanh nhà phơi để bán lấy tiền “nuôi” tôi, và còn nhiều việc khác. Kể sao hết những vất vả của cô chủ để tôi đừng bị đói, thương cô bởi luôn nghĩ đến người nghèo, tôi chỉ biết cố gắng mập lên cho nhanh.

Tuy nhiên, cũng có những lần tôi toát mồ hôi khi bị cô chủ đem ra “thịt” trước thời hạn. Một trong số đó là lần gánh xiếc và hội chợ về đặt tại ngay sân đá bóng gần nhà. Đêm đầu tiên, 10 ngàn đồng Mẹ cho hết vèo sau hai vòng tàu lửa mà còn nhiều trò chơi quá. Cô chủ chạy bay về nhà, lôi tôi ra săm soi. Lắc lắc cho mấy đồng cắc 5 ngàn rơi ra, rồi nắm chạy đi. Tôi thở phào. Nhưng chưa đầy 10 phút sau, đang lim dim ngủ, tôi lại thấy mình bị dựng nên. Tôi nín thở. Cô chủ ra sức vặn cái nút khoá rồi chộp một mớ tiền giấy không kịp đếm. Tôi hoảng hốt muốn la toáng nhắc cô lời của Dì Tám nhưng không thốt ra lời. Cô chủ đi ra đến cửa, nhưng dường như linh tính biết tôi sắp khóc, cô đứng chựng lại. Một phút. Hai phút. Năm phút …và rồi đột nhiên tôi nghe tiếng khóc thút thít:

- Con xin lỗi Chúa, Dì Tám dặn con đây là tiền của người nghèo, nhưng con thích các trò chơi quá Chúa ơi! Giờ con phải làm sao?!”.

Một khoảng thời gian vừa đủ để quan sát thái độ của cô chủ, rồi Mẹ bước đến ôm cô vào lòng, nhỏ nhẹ:
- Con gái của Mẹ lớn thật rồi. Đã biết dừng lại suy nghĩ khi làm một việc chưa đúng với mục đích đặt ra. Cái gì cũng có giới hạn con ạ, không phải mình thích chơi cái gì thì bằng mọi cách phải chơi cho thoả mãn. Nào, bi giờ trả lại tiền cho con Ỉn đi. Mẹ con mình ra hội chợ. Mẹ sẽ “bao” con gái hai tờ lô tô và xem văn nghệ”.

Một năm thoáng đó đã trôi qua, Ngày Quan Trọng rồi cũng đến. Ba Mẹ bàn hỏi và quyết định số tiền sẽ đóng góp cho nhà thờ để tặng quà Tết cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn như thư ngỏ hằng năm của cha xứ. Cô chủ Mi Na trang trọng bế tôi ra giữa nhà để “xẻ thịt” đóng góp cho người nghèo. Vuốt thật thẳng từng tờ tiền lớn có nhỏ có, Cô chủ đưa cho Mẹ. 473.500đ. Ai cũng tròn mắt thán phục với số tiền tiết kiệm. Ba khen cô chủ nuôi mát tay nên tôi mập ú ụ. Tôi cười tít mắt khoái chí. Ba Mẹ quyết định bỏ thêm vào cho đủ 500 ngàn và để bì thư riêng cho cô chủ đem lên bỏ vào thùng đóng góp.

Tôi phải ở nhà nên không biết quang cảnh nhộp nhịp trên nhà thờ ngày cuối năm thế nào, chỉ loáng thoáng nghe nói rằng năm nay số tiền đóng góp nhiều hơn năm ngoái nên quà Tết cho những gia đình khó khăn khá đầy đủ hơn. Năm nay Dì Tám không về Tết vì bận công tác, cô chủ viết thư “báo cáo” mình đã làm đúng theo lời Dì dặn và hình như có nhắc đến tên tôi.

Mấy ngày nay tuy bụng rỗng không nhưng tôi vẫn vui vẻ và hạnh phúc lắm bởi thấy mình có ý nghĩa hơn khi được ở với một cô chủ có lòng nhân hậu tuyệt vời.

Sắp bắt đầu một Năm Mới. Tôi cũng yêu những ngày Tết biết bao. Chúc mọi người Một Năm Mới hạnh phúc, và nhớ lì xì cho tôi nữa nha !.