“Vào hoàn cảnh của tôi, Chúa Giêsu sẽ làm gì?”

Quang X Nguyen

“Vào hoàn cảnh của tôi, Chúa Giêsu sẽ làm gì?”


Vatican Insider | Andrea Tornielli | 17-01-2018

SANTIAGO, CHILE

Đức Giáo hoàng gặp giới trẻ Chilê ở Đền thánh Maipù, một nơi lâu đời kính mến Đức Mẹ Núi Carmel, và là biểu tượng của nền độc lập đất nước này, bởi chính tại đây, vào thế kỷ XIX, quân đội Tây Ban Nha đã bị đánh bại.



Các chàng trai cô gái đủ mọi lứa tuổi, quy tụ vài tiếng trước khi ngài đến, hát mừng ngài bằng một bài hát viết riêng cho dịp này, vẫy những thánh giá với đủ màu sắc, trên đó viết khẩu hiệu của chuyến tông du lần này “Bình an tôi đem đến.” Trên sân khấu, Đức Giáo hoàng lắng nghe lời phát biểu của một số người trẻ, cảm ơn các em vì đã “rời khỏi ghế sofa, mang giày vào và đến đây. Còn những người không có can đảm để rời ghế sofa, hãy nhanh chân lên và mang giày vào đi!”



Sau đó, Đức Giáo hoàng nhắn nhủ các bạn trẻ, chỉ ra “Người trẻ thích những phiêu lưu và thách thức. Xét cho cùng, các con thấy chán khi không có thách thức làm mình hứng thú. Chúng ta thấy rõ điều này, chẳng hạn như, những lúc xảy ra thiên tai. Các con có năng lực vận động đáng kinh ngạc, một dấu chỉ rõ ràng của lòng quảng đại trong các con.

Các con biết đấy, Đất mẹ, là nói về người mẹ, bởi mẹ dạy cho chúng ta biết đi. Các con có yêu nước không, có chứ! Nếu không yêu nước, thì các con đã chẳng làm gì. Nhưng bởi con cái yêu đất mẹ Chilê, nên hãy làm gì đó vì Chilê của các con.”

Đức Giáo hoàng dừng lại một chút để xin cầu nguyện cho một cô gái ngất xỉu trong đám đông, có lẽ vì trời nóng. Rồi ngài kể lại một kinh nghiệm lúc còn làm giám mục, “Cha đã thấy người trẻ có biết bao ý tưởng tốt, trong đầu và trong lòng. Người trẻ không ngơi nghỉ, luôn tìm kiếm và muốn lý tưởng. Vấn đề của người lớn là thường nói rằng: “Chúng nghĩ như thế bởi chúng còn trẻ, chúng cần phải lớn lên đi.”

Nhưng lớn lên, nghĩa là chúng ta lớn lên và làm cho ước mơ của ta lớn lên nữa, đừng bao giờ hạ thấp tầm nhìn và hạ giá chính mình. Khi người lớn nghĩ như thế, thì đừng nghe họ. Bởi nghĩ như thế giống như thể chấp nhận sự bất công, tin rằng chẳng thể làm được gì, tin rằng mọi chuyện lúc nào cũng cứ mãi như vậy. Đấy là sự băng hoại! Trưởng thành thật sự nghĩa là thực hiện những ước mơ, bằng cách thảo luận với nhau và hướng về phía trước.

Vì thế, cha muốn triệu tập Hội đồng, và trước đó, cha phải gặp những người trẻ, để các con có thể cảm nhận mình là, và thật sự là, nhân vật chính trong trái tim Giáo hội. Bởi cha thấy không ổn với những cái gọi là bộ lọc, khi những ý kiến của giới trẻ phải đi qua hàng ngàn cửa mới đến được Rome, và đã bị lọc đi mất rồi. Vì thế, cha muốn nghe tận tai, thấy tận mắt. Người trẻ Công giáo, hay thuộc các tôn giáo khác, những người có niềm tin hay không, cha đều lắng nghe, bởi điều quan trọng là các con mở lời và đừng để tiếng nói của mình bị câm nín. Giúp đỡ các con hay không là việc của người khác, nhưng nếu các con không nói ra, thì làm sao giúp được đây? Chúng ta cần giữ cho khuôn mặt Giáo hội được tươi trẻ! Có người từng bảo cha, “Tôi không biết liệu nên gọi là Mẹ Giáo hội hay là Bà Giáo hội nữa!” Khoan đã, Giáo hội phải có gương mặt tươi trẻ, và các con phải góp một tay. Và sự trẻ trung này không phải nhờ trang điểm nhưng là nhờ tinh thần đáp lại thách thức, giữ mình trung thành hơn với Tin mừng.

Đây là điều mà Mẹ Giáo hội đang cần. Cha và mọi người sẽ chuẩn bị câu trả lời, nhưng cha cần các con đặt câu hỏi. Nếu chúng ta qua quá ngây ra trước ý tưởng, bận tâm của các con, thì các con phải lay chuyển chúng ta. Các con phải có tinh thần tuổi trẻ, và sự can đảm để nói rằng: “Con thích cái này, không thích cái kia, đường lối này tốt…” Cứ nói những gì các con nghĩ.

Bởi nếu như có một hoạt động hay một kế hoạch mục vụ không đưa chúng ta đến gần Chúa Giêsu, thì đó chỉ là lãng phí thời gian của chúng ta…”

Rồi Đức Giáo hoàng mời các bạn trẻ dành một phút thinh lặng và cầu nguyện, “Xin Đức Mẹ Núi Carmel, để Mẹ, người môn đệ đầu tiên của Chúa, giúp chúng ta đến gần Chúa hơn.”


Sau đó, giữa tiếng hò vang “Viva il Papa”, Đức Giáo hoàng chia sẻ một chuyện riêng của ngài, “Hôm đó cha nói chuyện với một thanh niên, cha hỏi có điều gì làm cho cậu ấy không vui. Cậu ấy bảo: “Khi điện thoại hết pin, hay khi mất mạng.” Cha hỏi lại: ‘Tại sao?’ Cậu ấy trả lời: “Cha ơi, đơn giản quá mà, thế là con bỏ lỡ mọi chuyện đang diễn ra, con bị loại khỏi thế giới này. Những lúc như thế, con chạy đi tìm một cục sạc hay tìm mạng wifi và mật khẩu để kết nối lại.”

Điều này khiến cha nghĩ rằng đức tin của chúng ta cũng thế. Sau một hành trình, hay sau khởi đầu hào hứng, có những lúc, dù không nhận ra, nhưng mức sóng của chúng ta bắt đầu yếu dần đi và chúng ta mất kết nối, mất sức mạnh, rồi chúng ta thấy buồn bực và mất đức tin, bắt đầu nhìn mọi thứ cách tiêu cực. Khi thiếu “kết nối” cho ước mơ, thì lòng chúng ta cũng tắt dần ánh sáng.

Không có kết nối với Chúa Giêsu, thì chúng ta làm mờ tối suy nghĩ và ý tưởng, ước mơ và đức tin, rồi chán nản và bực mình. Và đến một lúc, chúng ta cảm giác rằng mình có làm việc này hay không, cũng chẳng có ý nghĩa gì. Chúng ta bắt đầu nghĩ rằng mình bị “loại khỏi thế giới này.” Đó chính là điều cha lo ngại, khi người ta mất “kết nối” thì nhiều người nghĩ rằng mình chẳng có gì để cho người khác, thấy mình lạc lối.

Đừng bao giờ nghĩ mình chẳng có gì, đừng bao giờ nghĩ không ai quan tâm đến mình. Đừng bao giờ như thế!

Vậy thì mật khẩu để kết nối với Đấng là Đường, Sự Thật và Sự Sống, là gì? Thánh Alberto Hurtado có một quy tắc vàng để giữ ngọn lửa nhiệt huyết trong lòng, giữ niềm vui sáng rực. Mật khẩu của thánh Hurtado rất đơn giản, nếu các con đang mở điện thoại, cha mong các con đánh máy câu này:

“Vào hoàn cảnh của tôi, thì Chúa Kitô làm gì?”


Đây là mật khẩu mà các con có thể dùng, ở trường học, ở đại học, khi ra đường, lúc ở nhà, khi đi với bạn bè, lúc đi làm: “Vào hoàn cảnh của tôi, thì Chúa Kitô làm gì?”

Các con hãy ghi nhớ lấy mật khẩu này. Và quan trọng là… hãy dùng nó. Dùng mỗi ngày. Nếu không, sẽ như tên trộm trong phim, trộm được cái két mà quên mất mật mã. Hãy ghi nhớ câu này trong lòng.

Mật khẩu là gì nào? Là làm những điều Chúa Giêsu làm. Dù các con ở lứa tuổi nào, dù đang ở với ai, dù đang làm gì, cũng hãy tự hỏi mình: “Chúa Giêsu sẽ làm gì nào?” Cách duy nhất để không quên mật khẩu này, là hãy dùng thường xuyên. Ngày này qua ngày khác. Sẽ đến lúc các con thuộc nằm lòng, và khi đó các con sẽ nhận ra trái tim mình cũng đập cùng nhịp với trái tim Chúa Giêsu.

Bởi nghe giảng, hay học giỏi giáo lý, là không đủ, cha muốn các con hãy sống như Chúa Giêsu.

Chúng ta phải xông pha, phải mạo hiểm. Các con thân mến, hãy dũng cảm, đi ra để gặp bạn bè, những người chưa quen biết, hay những người đang gặp khó khăn. Hãy đi ra với một lời hứa duy nhất, là dù các con ở đâu, các con cũng có thể kết nối với “nguồn.” Các con sẽ không bao giờ cô đơn. Chúng ta sẽ vui mừng khi có Chúa Giêsu đồng hành, có Đức Mẹ và cộng đoàn đồng hành với mình. Chắc chắn, cộng đoàn của các con không hoàn hảo, nhưng thế không có nghĩa là nó không có nhiều yêu thương để trao đi.”

Sau đó, Đức Giáo hoàng đặt một tràng chỗi dưới chân tượng Đức Mẹ, và chào mọi người hiện diện, nhưng trước khi ra về, ngài hỏi lại các bạn trẻ lần nữa, “Mật khẩu là gì nào” Và tất cả đồng thanh, “Vào hoàn cảnh của tôi, Chúa Giêsu sẽ làm gì?”