Chiếc bánh hình trái tim -- truyện ngắn của La Thứ

Quang X Nguyen
Truyện là một lời tâm sự nho nhỏ của một thời lãng du

Đồng hồ điểm 17 giờ 30 phút ngày Chúa Nhật, tôi gấp quyển sách đang đọc dở, lắc lắc cái cổ cho đỡ mỏi, rồi vơ vội cái áo gió đang treo đằng sau ghế. Và như một thói xấu cố hữu, tôi không tắt cái máy đang mở bài nhạc Trịnh dở dang “áo xưa dù nhầu, cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau…”.

Cùng quây quần gói bánh chưng vào dịp tết

Bước ra con đường phía trước mà chẳng cần phải suy nghĩ sẽ đi đâu, có vẻ như hôm đó tôi đang lắng lòng với bài nhạc mà tôi vừa nghe. Một cơn gió lạnh lướt qua, rồi một đợt khác nữa mạnh hơn đưa tôi trở về với thực tại. Chà chà, lạnh thật ! Tôi lẩm bẩm trong miệng như một kẻ vừa tỉnh cơn say. Thấy dòng người hối hả vụt qua, ai nấy kẻ chở người chuyền những bó hàng thật to. Hôm nay đã là 28 tết rồi. Thế là mình sắp được ăn một cái tết nữa với gia đình.


Tôi bước vội vào quán cà phê “Hương Quê”. Nó quen thuộc đến nỗi chủ quán không cần hỏi dùng gì và khi nào thì thanh toán. Ly cà phê đen nhánh, đặc quánh và thơm phức cùng với ly nước chè xanh quen thuộc chỉ dành cho khách “ruột” khiến tôi thêm tý tự hào. Như bao lần khác, tôi lần lần trong túi áo khoác, lấy bao thuốc lá nhưng chẳng còn điếu nào. Tôi quyết định không gọi thuốc vì như vậy là vi phạm luật cá nhân (ngày nào ra quán cũng phải mang theo thuốc).

Nhìn bâng quơ dòng người hối hả chuẩn bị đón tết với đủ thứ sắc thái: vui vẻ, háo hức, lại có cả bực dọc cãi cọ. Hôm nay quán ít người và như thường lệ, tôi vẫn ngồi tại chỗ quen thuộc của mình nơi chiếc bàn gỗ cạnh khóm trúc ngoài vỉa hè. Điều làm tôi thích là tại đó có thể quan sát mọi người ngoài đường cũng như trong quán cho dù có hơi lạnh. Bên kia đường, không khí chợ tết thật nhộn nhịp. Tôi nhấm nháp ngụm nước chè thơm và dõi mắt về phía đối diện. Ồn ào và vội vã. Những ngày giáp tết luôn là thế. Bất giác, cặp mắt tôi dừng lại nơi chiếc dù ở phía xa. Một bà lão đang ngồi bán bánh rán ở đó. Quái lạ, bà ở đâu tới? Sao ngày nào tôi cũng ngồi mà không có cảm giác bà xuất hiện, có lẽ là một người ở tỉnh lẻ. Một chảo dầu đang sôi sùng sục và những cái bánh màu vàng ươm được gắp lên đặt ngay ngắn trên chiếc đĩa lớn. Gió lạnh và mưa phùn như bị cuốn vào trong ngọn lửa ấm áp của chiếc bếp than tổ ong. Một cái gì đó từ sâu thẳm lòng tôi bấy lâu bị che lấp bởi những lo toan bươn chải của cuộc sống nay cuộn lên như những đợt sóng dâng trào. Tim đập nhanh hơn, mọi thứ như quay cuồng trong trí óc, miệng tôi lắp bắp:

– Mẹ ơi…!

Bao nhiêu kỷ niệm ùa về theo ánh bếp. Không gian lu mờ và thời gian như dừng lại. Hình ảnh mẹ tôi hiện về dưới ánh lửa bên đàn con thơ ríu rít quây quần.

***

Quê tôi nghèo như những vùng quê xứ Nghệ khác, quanh năm chỉ đủ ăn và khi tết đến xuân về nếu có sắm sanh cái gì thì bố mẹ tôi cũng cân lên nhắc xuống cả đêm. Nào là buổi chợ ngày mai may cho chị đầu cái áo dài mới để đi lễ, nào là mua cho anh tôi cái quần tây để giúp lễ cho đàng hoàng, rồi cũng phải có đôi dép cho đứa út… từng ấy thứ như đè lên mẹ còn nặng hơn cả gánh gạo, gánh rau mẹ vẫn gánh ra chợ bán khi cần chi tiêu cái gì. Buổi chợ tết tan, bao nhiêu thứ chất lên đôi vai của mẹ. Niềm vui nhỏ nhoi của mẹ là khi thấy mấy chị em chúng tôi đứng đầu cổng làng chờ mẹ mang những bộ đồ mới về. Bây giờ tôi mới hiểu, chúng tôi hạnh phúc bao nhiêu thì mẹ lo lắng bấy nhiêu. Vì đã hy sinh nhiều cho con cái thì bố mẹ phải cắt bớt các nhu cầu khác. Tuổi thơ thật vô tình, nó đã không giúp tôi đọc được nỗi lòng ấy.

Buổi chiều ngày 30 ấy, mẹ bảo chị em tôi: “đi đập cho mẹ hai kí bột nếp và mua năm lạng đường nhé”. Chúng tôi nhận lấy mười ngàn của mẹ (thời ấy mười ngàn giá trị lắm) và hai chị em vui vẻ vâng lời.

Buổi tối ấy, khi căn nhà đã quét dọn sạch sẽ, đồ đạc tươm tất đâu đó, chúng tôi đi dự giờ Chầu tạ ơn cuối năm. Đáng ra, cả nhà cùng đi như những năm trước, nhưng năm nay mẹ muốn ở nhà. Thấy mẹ không cùng đi, tôi cảm giác như có cái gì đó bất ổn, bởi năm nào mẹ cũng cùng gia đình đi chầu tạ ơn cuối năm. Suốt buổi chầu đó, lòng trí tôi như chỉ nghĩ về mẹ. Tôi còn thấy ánh mắt mẹ thoảng buồn hòa vào trong những ánh nến lung linh trên bàn thờ. Sau giờ chầu, tôi chạy ngay về nhà. Căn nhà vẫn yên tĩnh. Nhà khách không đèn không đuốc, chỉ có ánh lửa bập bùng dưới bếp. Tôi rón rén lại gần cửa bếp ngó vào. Chao ôi! Mẹ!

Mẹ đang một tay đảo những cái bánh đã nhuốm màu vàng ươm, một tay đốt bếp. Thỉnh thoảng, Mẹ còn xoay tay vắt vội mấy hình bánh đang còn dang dở. Tôi như muốn chạy vào giúp mẹ ngay. Nhưng có cái gì đó của phận nam nhi như níu tôi lại. Tôi đứng ngoài trời lạnh ngắt, những hạt mưa phùn bắt đầu vương lên má, lên tóc. Tôi không thấy lạnh, mà chỉ nóng ruột đợi chị em về thật nhanh để giúp mẹ và hy vọng với sự đơn sơ líu ríu của chúng tôi, mẹ sẽ bớt cô đơn.

Một lúc sau, cái ngõ tối tăm và yên ắng đã rộn ràng lên. Chúng tôi chạy ập vào bên mẹ, đứa vắt bánh, đứa trở bánh, đứa thử bánh… Không có ai trong chúng tôi không hiểu mẹ đang nghĩ gì và vì sao lại có chuyện này. Nhưng như có một sự thỏa thuận vô hình nào đó, chúng tôi đều im lặng….

Càng về khuya, khí trời càng lạnh, mưa cũng dày hơn. Nhưng dưới mái nhà tranh ấy, dưới ánh lửa ấy, mẹ con chúng tôi quên hết giá lạnh, quên hết thời gian như chỉ để tập trung làm sao cho chiếc bánh thêm giòn, thêm ngon.

Có tiếng bố ho ngoài ngõ. Đó cũng là lúc tôi xuất xưởng cái bánh hình trái tim cuối cùng. Có vẻ như bố đã biết những gì đang diễn ra trong căn nhà ấy, nhưng bố là vậy, một con người ít nói nhưng sâu sắc. Mẹ và mấy chị em chúng tôi dọn bánh lên trên những chiếc đĩa sứ cũ. Ôi những cái bánh với đủ hình thù: hình tròn của chị đầu, hình méo méo vụng về của đứa út, hình gì đó kỳ quái của anh tôi và xen giữa là chiếc bánh hình trái tim của tôi. Gia đình tôi bắt đầu buổi gặp mặt cuối năm dưới ánh đèn vàng ấm cúng.

Mở đầu câu chuyện là những tâm tư của bố đối với chúng tôi. Hầu hết là những niềm vui bố cảm nhận được nhưng bên cạnh đó cũng có đôi lần chúng tôi làm bố mẹ buồn. Vẫn là những câu dặn dò quen thuộc về học hành, về giáo lý, đọc kinh. Còn mẹ tôi lặng thinh. Cái thinh lặng của tình thương con cái, của sự tội nghiệp, của sự nghèo khó, của sự tủi thân ấp ủ đã bao ngày giờ đây ứa trào lên làm mẹ nghẹn ngào nín lặng. Mẹ là thế, là thông điệp bí ẩn, là chủ âm của một bản hòa tấu đa sắc mà những tiết tấu nếu không bám vào sẽ lạc đường nghệ thuật. Chúng tôi chúc tụng Chúa rồi dâng lời cầu nguyện cho những nhu cầu cần thiết của gia đình. Sau đó là những lời chúc tốt đẹp các thành viên dành cho nhau cùng với đó là bữa ăn “thịnh soạn” chỉ với những cái bánh rán.

Gió ngừng thổi, mưa tạm bay, vũ trụ già cỗi như vươn mình trẻ lại đón mừng sinh nhật của nó. Cỏ cây thức giấc dâng những nụ hoa, những chồi non. Và rồi pháo tép, pháo hoa, pháo thăng thiên đua nhau khoe sức như hợp với bài ca bất tận của muôn loài mừng vũ trụ bước sang tuổi mới. Bầu bầu trời đêm như được khoác chiếc “áo hoa” của pháo. Khắp xóm nhỏ người người vang lên những câu chúc giao thừa rộn rã. Vậy là xuân đã về rồi, ôi cái giây phút thiêng liêng ghi dấu khoảnh khắc đầu tiên ấy mới tuyệt diệu làm sao. Cả mấy chị em với bố chạy ra ngoài sân để xem pháo. Còn tôi, tôi đứng bên cạnh mẹ cùng những chiếc bánh…



***

Theo quán tính, tôi đưa ly cà phê lên miệng nhưng nó đã cạn khô cùng với những dòng suy nghĩ kia. Tôi đứng dậy đi qua đường để mua cho mình một chiếc bánh. Không phải để ăn hay để tặng mà là để dành cho trái tim mình. Chiếc bánh như có sức nặng của kỷ niệm, của tình yêu làm tay tôi run lên.

Dòng đời xuôi ngược đã làm tôi chai sạn với những va vấp đời thường nhưng những kỷ niệm, những tình cảm thiêng liêng sẽ không bao giờ phai nhạt. Giờ đây, chị em tôi mỗi người tỏa một phương kiếm sống. Mái tóc bố đã chuyển màu sương gió. Mái nhà tranh vẫn còn đó như một kỷ niệm, một sự hiện diện thiêng liêng của mẹ. Nhưng chúng tôi chẳng bao giờ có thể tìm lại được những kỷ niệm ấy và đặc biệt là người mẹ của tôi. Sau một cơn bệnh nặng, mẹ đã rời xa chúng tôi, mãi xa bếp lửa hồng có đoàn con sum vầy và xa cả kiếp nghèo một đời lam lũ.

Con đường ngày nào tôi vẫn đi về giờ đây được thắp sáng bằng những ánh đèn vàng để bớt đi cái lạnh của gió mưa, để những đóa hoa cúc vàng sớm nở, để kéo nhanh cái chăn ấm áp của mùa xuân phủ trên vạn vật. Tối nay tôi sẽ có một đêm đặc biệt. Tôi sẽ cầu nguyện nhiều cho mẹ, cho những ai cùng hoàn cảnh như tôi và cho những mái nhà bị đóng băng bởi giá lạnh của tình người tìm lại được hơi ấm của Chúa Xuân.