Ông lão bệnh nhân và lời thề Hippocrates

Quang X Nguyen
Cộng đoàn kính mến,
Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2), xin giới thiệu một bài viết của Bác sĩ Túy Vân thuộc Giáo khóm Bình Sơn, Giáo xứ Thanh Bình, Giáo phận Đà Nẵng. Đây là một chia sẻ chân thành của một kinh nghiệm đầu đời, của một tâm hồn trăn trở...

Kính mời Cộng đoàn.


Ông lão bệnh nhân và lời thề Hippocrates


Hồi đó, tôi là sinh viên năm thứ ba trường ĐH y khoa. Trong một lần vào bệnh viện thực tập, tôi được phân vào khoa nội hô hấp. Bệnh nhân đầu tiên của tôi là một ông lão ở quê mới nhập viện với triệu chứng ho kéo dài.

Không hỏi cũng biết ông lão thuộc loại nghiện thuốc lá nặng. Người ông nồng nặc khói thuốc, xen lẫn mùi của người bệnh lâu năm không được chăm sóc tạo cho tôi cảm giác cực kỳ khó chịu. Nhớ lời thầy dạy: “Mỗi bệnh nhân là một bài học thực tế, các em phải bám lấy để học hỏi và rút kinh nghiệm cho bản thân” nên dù sao tôi cũng phải cố mà học.



Phần thăm hỏi thật vất vả vì ông lãng tai, nói gì hỏi gì ông cũng ngơ ngơ ngẩn ngẩn, tôi phải tháo khẩu trang ra để ông nhìn cái miệng cái mặt của tôi mà đoán ý. Cuộc sống ở quê của ông là một điển hình cùng cực của những năm tháng sau chiến tranh, thật thương tâm. Cảm thông làm con người gắn bó với nhau hơn, tôi mất dần cảm giác khó chịu, thân thiện phụ ông cởi nút áo để khám bệnh.


Tôi đã đọc rất kỹ cách thăm khám bệnh nhân hô hấp nên bây giờ tôi thực hiện thật đầy đủ trình tự các bước nhìn - sờ - gõ - nghe, đôi lúc bị ngắt quãng bởi những cơn ho của ông. Tuy mệt mỏi nhưng ông cũng gắng sức để tôi thực tập, còn tôi thì cứ loay hoay mãi với cái ống nghe: “Hít vào! Hít thật sâu vào!... Thở ra! Thở mạnh ra!… Bây giờ hô 1,2,3… to lên! Hô tiếp! Tiếp nữa…”.


Cứ thế tôi vần ông lão với đủ hai tư thế nằm và ngồi. Rồi sức chịu đựng có hạn, không còn gượng nổi nữa, đang ngồi ông thả người xuống cái phịch, mặt nhợt nhạt. Hoảng quá, tôi chạy đi tìm anh sinh viên Y6 - trước đó nhà trường đã tổ chức lễ kết nghĩa Y6-Y3 để lớp đàn anh dìu dắt chúng tôi. Anh nhanh chóng nâng giường ở tư thế nửa nằm nửa ngồi. Anh giải thích ở tư thế này bệnh nhân dễ thở hơn.


Một lát sau, bệnh tạm ổn, anh kéo tôi ra ngoài:
- Em không mang khẩu trang vào, bệnh nhân theo dõi lao phổi đó, các em mới vào chưa có sức đề kháng, phải cẩn thận!
- Sao anh không chuyển bệnh nhân sang khoa lao?
- Ngày mai, chờ kết quả xét nghiệm đã.
- Em tiếp xúc từ nãy đến giờ khá lâu liệu có sao không? Nghe anh nói tự nhiên em cảm thấy lo lo.


Thời kỳ đó thuốc men còn thiếu thốn và lạc hậu, điều trị bệnh lao khá vất vả. Nhìn thân hình ốm nhom của tôi, anh ái ngại:
- Về tẩm bổ thêm thịt bò để có sức chống lại bệnh tật.

Tôi quay lại phòng bệnh, ông lão đang ôm ngực ho rũ rượi, trông ông mệt mỏi dữ lắm, thở không nổi nữa. Thấy tôi, ông mừng quá ra hiệu nhờ cái gì đó, nhưng tôi cảm thấy ghê ghê. Cái mùi của ông giờ làm tôi dợn họng, tôi quay mặt đi thẳng.


Về nhà tỉnh táo nghĩ lại tôi thấy ân hận quá: mình đã làm không đúng với lương tâm và trách nhiệm của người thầy thuốc. Định bụng sáng mai gặp ông tôi sẽ làm một điều gì đó chuộc lại.


Hôm sau, tôi đến thật sớm. Bước vào phòng, thấy giường trống không, tim tôi đập hụt một nhịp (y học gọi đó là ngoại tâm thu). Tôi tìm gặp anh Y6:
- Bệnh nhân của em đâu rồi anh?

Giọng anh buồn buồn:
- Ông bị ho ra máu sét đánh (*) mất hồi đêm rồi em ạ!
Tim tôi đau nhói. Tôi bật khóc: còn bài học nào đáng nhớ hơn nữa không?

Ngày làm lễ tốt nghiệp, khi đọc lời thề Hippocrates: “Tôi sẽ khám miễn phí cho người nghèo. Tôi sẽ đối xử với người bệnh như người thân…”, tôi nghe lòng mình thổn thức, những giọt nước mắt ân hận chảy dài.

Cho mãi đến hôm nay, sau hơn 15 năm tốt nghiệp, trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, giờ ngồi viết kỷ niệm này, lương tâm và trách nhiệm lại đánh thức trong tôi. Tôi cảm thấy chạnh lòng...



Ghi Chú:
(*) Ho ra máu sét đánh là ho ộc ra một vũng máu, chết tức khắc không kịp cứu chữa.