Rượu bổ của Cha Gaucher -- Nguyễn Kim Ngân chuyển ngữ

Quang X Nguyen

RƯỢU BỔ CỦA CHA GAUCHER


Chúa Giêsu chịu ma quỷ cám dỗ


“ Cậu hãy uống thử loại rượu bổ này xem sao, rồi sau đó hãy cho tớ biết ý kiến nhé.

Thế là từng giọt, từng giọt, với sự cẩn thận chỉn chu như của một người thợ mài ngọc đang đếm các viên ngọc, cha sở họ Graveson rót cho tôi độ hai lóng tay một loại rượu mạnh màu xanh lục, vàng óng, nóng cháy, rực rỡ, tuyệt diệu… Cả dạ dày tôi nóng lên phừng phừng. 

“Đó là rượu bổ của cha Gaucher, niềm vui và sức khỏe của vùng Provence chúng tôi, vị linh mục nói cho tôi biết với vẻ đắc thắng ra mặt, rượu này được bào chế ở tu viện Premontré (tu viện St Michel-de Frigolet, trong vùng Montagnette, cách Graveson vài km), cách cối xay gió của cậu hai dặm đấy… Nó không thua gì so với tất cả các loại rượu Chartreuse (rượu của tu viện Grande-Chartreuse trong vùng Isère) trên thế giới phải không? Cậu nên biết, chuyện kể về loại rượu bổ này thật hết sức thú vị! Cậu hãy nghe câu chuyện sau đây đã…”



Thế là trong phòng ăn tại nhà vuông sạch bóng, yên tĩnh, trang trí bằng những bức tiểu họa mô tả chặng đường thánh giá và những tấm ri-đô được hồ bột như những chiếc áo surpli, vị linh mục họ đạo bắt đầu kể cho tôi nghe một cách hết sức ngây thơ thật thà câu chuyện hơi khó tin và bất kính này, nó giống hệt như câu chuyện của Erasme hoặc Assoucy.

“ Cách đây hai mươi năm, các tu sĩ Premontré, hoặc nói đúng hơn, các cha dòng áo trắng, theo cách gọi của người dân vùng Provence, bị rơi vào hoàn cảnh khó khăn túng quẫn. Ước gì cậu nhìn thấy tu viện của họ vào thời kỳ đó, cậu sẽ cảm thấy xót xa biết chừng nào!

Bức tường lớn, ngôi tháp Pacôme đang đổ sụp xuống từng mảng. Xung quanh tu viện, cỏ dại mọc đầy, những cây cột nhỏ nứt toác ra, các tượng thánh bằng đá ngã nghiêng trong các hốc tường. Chẳng có tấm kính nào còn nguyên vẹn, chẳng có cửa ra vào nào còn đứng vững. Gió từ sông Rhône luồn qua các sân chơi và nhà nguyện giống như thổi qua vùng đầm lầy Camargue. Gió còn làm tắt ngấm những cây nến, làm bong ra lớp chì của các bộ cửa kính, và hất nước thánh trong các bình đựng ra ngoài. Nhưng điều bi thảm nhất, đó là tháp chuông của tu viện luôn luôn im hơi lặng tiếng như chuồng chim bồ câu bị bỏ hoang. Vì thiếu tiền để mua chiếc chuông lớn, các cha buộc phải báo hiệu kinh sáng bằng tiếng sênh được đẽo từ gỗ cây hạnh.

Thật tội nghiệp cho các cha dòng áo trắng! Vào dịp lễ Mình Thánh Chúa, tôi cũng còn nhìn thấy các ngài rước kiệu thật thê thảm trong những chiếc áo dòng vá chằng vá đụp. Các cha dòng xanh xao, gầy còm vì chỉ sống bằng những trái bí rợ và dưa hấu. Đi phía sau họ là cha bề trên tu viện. Ông vừa đi vừa cúi đầu thật thấp. Ông cảm thấy xấu hổ vì phải chìa cho mọi người nhìn thấy cây gậy đã tróc lớp xi mạ vàng và chiếc mũ lễ len trắng bị gián mối gặm nham nhở. Các bà trong hội đoàn nhỏ nước mắt khóc vì thương xót các cha. Những người vác cờ hiệu to béo vừa cười nhạo nhỏ to với nhau vừa chỉ trỏ vào các tu sĩ đáng thương.

“Những con chim sáo đá sẽ gầy rộc đi khi chúng sống từng đàn.”

Điều đáng buồn hơn nữa là các cha dòng áo trắng bất hạnh buộc phải tự hỏi không biết có nên đi tản mát khắp bốn phương trời để mỗi người tự tìm kiếm miếng ăn riêng cho mình hay không.

Vì thế, một ngày nọ, vấn đề nghiêm trọng này được đưa ra tranh luận trong cuộc họp toàn thể tu viện. Cha bề trên thông báo cho biết sư huynh Gaucher muốn được phát biểu trong cuộc họp. Các bạn nên biết sư huynh Gaucher là tu sĩ phụ trách công việc chăn bò của tu viện, có nghĩa là cuộc sống hằng ngày của ông chỉ quanh quẩn từ hành lang vòm này đến hành lang vòm kia trong tu viện để lùa hai con bò cái ốm giơ xương đi ăn cỏ ở những khe nứt trên các nền lát đá cũ. Sư huynh được nuôi dạy từ lúc mười hai tuổi bởi một bà cô già tính khí hơi bất thường tại xứ Baux, bà được mọi người gọi là cô Béjon. Sau khi được về ở với các tu sĩ, chú bé chăn bò khốn khổ không bao giờ học được thứ gì khác ngoài chuyện chăn dắt những con bò cái và đọc kinh Pater Noster; huynh đọc kinh bằng tiếng Provence, vì bộ não huynh cứng rắn và tinh thần thì sắc bén như một đoản kiếm bằng chì. Tóm lại, huynh là tín đồ Kitô giáo ngoan đạo…

Khi huynh bước vào phòng họp với phong thái giản dị và cục mịch đồng thời nhón chân ra sau chào cử tọa gồm cha bề trên, các kinh sĩ và sư huynh quản lý, toàn thể hội nghị liền cười ồ lên. Đó chính là hậu quả bắt nguồn từ khuôn mặt phúc hậu xuất hiện ở bất cứ đâu với bộ râu dê hoa râm và đôi mắt hơi thất thần; sư huynh Gaucher không mảy may buồn phiền vì điều đó.

“Kính thưa quí cha, huynh nói với giọng hết sức hiền từ đồng thời vặn đi vặn lại xâu chuỗi làm bằng hạt ô liu, người ta có lý khi cho rằng chính những thùng rỗng thường hát rất hay. Các cha hãy hình dung là nhờ đục khoét cái đầu chết tiệt và rỗng tuếch của con, con tin mình đã tìm ra biện pháp để kéo tất cả chúng ta ra khỏi hoàn cảnh khốn đốn này."

“Sự việc có thể tóm tắt như sau. Các cha đều biết rõ cô Béjon, người phụ nữ đã trông nom con khi con còn nhỏ.( Chắc Thiên Chúa đã đón nhận bà cô già ranh mãnh này rồi. Cô đã từng hát những bài hát thật bất nhã sau khi quá chén). Vì vậy, kính thưa quí cha, con sẽ nói cho các cha biết, cô Béjon lúc còn sinh thời đã am tường những loại cây thuốc trên núi rành mạch hơn bất kỳ con chim két già nào trên đảo Corse. Vì vậy, vào lúc cuối đời, cô đã bào chế được một loại rượu bổ độc đáo bằng cách pha trộn năm hoặc sáu cây thuốc mà chúng ta sẽ cùng đi hái trên dãy núi Alpilles. Sự việc xảy ra cách đây khá nhiều năm rồi, nhưng con nghĩ với sự phù hộ của thánh Augustin và sự cho phép của cha bề trên, con có thể – qua việc nghiên cứu kỹ lưỡng – tìm lại công thức của loại rượu bổ bí mật này. Bây giờ chúng ta chỉ cần đóng chai và bán với giá hơi đắt một chút, việc này cho phép chúng ta làm giàu chút chút giống như các sư huynh dòng Luyện Tâm và dòng Grande Chartreuse đã từng làm…”

Sư huynh chưa kịp kết thúc bài nói chuyện, cha bề trên đã đứng dậy ôm choàng lấy sư huynh. Các kinh sĩ cũng đến bắt tay huynh. Sư huynh quản lý còn xúc động hơn tất cả các tu sĩ khác, ông kính cẩn hôn lên mép áo choàng rách lai sổ chỉ của huynh… sau đó mỗi người trở về ghế ngồi của mình để đưa ra biểu quyết. Theo nghị quyết cuộc họp, cả tu nghị quyết định giao những con bò cái cho sư huynh Thrasybule để sư huynh Gaucher có thời giờ toàn tâm toàn lực cho công cuộc bào chế món rượu bổ.

Sư huynh tìm lại được công thức của cô Béjon như thế nào? Nhờ những nỗ lực nào? Nhờ những lần thức khuya dậy sớm nào? Câu chuyện không nhắc đến những điều đó. Có điều chắc chắn, đó là sau sáu tháng, rượu bổ của cha dòng áo trắng trở nên rất phổ biến. Trong khắp vùng Comtat, trong toàn xứ Arles, không một nông trại nào, không một hầm dự trữ nào lại không có, ngoài những chai rượu cất và những vại ô liu ngâm muối, một lọ nhỏ bằng đất nâu có gắn huy hiệu của miền Provence và nhãn hiệu bằng bạc có in hình một tu sĩ đang xuất thần. Nhờ món rượu bổ đang thịnh hành của sư huynh, tu viện Premontré giàu lên rất nhanh. Người ta cho xây lại tháp Pacôme. Cha bề trên tậu lại được một chiếc mũ lễ mới. Nhà nguyện được lắp lại những tấm kính ghép màu gia công tinh xảo; trong tháp chuông, cả một bộ chuông to chuông nhỏ vang lên từng tiếng rồi gióng giã rộn ràng liên hồi vào buổi sáng ngày lễ Phục Sinh.

Về phần sư huynh Gaucher, vị sư huynh đáng thương với những cử chỉ thô kệch từng làm cho cộng đoàn thích thú không còn là đề tài bàn tán trong tu viện nữa. Từ đó về sau, mọi người chỉ còn biết đến cha Gaucher đáng kính, con người có đầu óc và kiến thức uyên bác, con người sống hoàn toàn biệt lập xa rời khỏi những công việc quá nhỏ mọn và nhiêu khê của tu viện. Cha giam mình suốt ngày trong phòng chưng cất rượu, trong khi ba mươi tu sĩ còn lại ngày ngày tảo thanh khắp vùng núi để tìm kiếm cho cha những cây cỏ có mùi thơm. Không ai được phép bước vào phòng chưng cất, ngay cả cha bề trên cũng thế. 
Đó là một nhà nguyện cũ bỏ hoang nằm cuối khu vườn của tu viện. Tính cách giản dị đơn sơ của các cha đã biến nó thành một nơi huyền bí và rùng rợn. Tình cờ, một tu sĩ trẻ gan dạ và tò mò, bám vào một dây nho trèo lên tận ô trang trí hình hoa hồng trên cửa vào. Anh ta suýt rơi xuống đất vì hốt hoảng khi nhìn thấy cha Gaucher với bộ râu của một kẻ gọi hồn. Cha đang nghiêng mình trên những lò ga, tay cầm dụng cụ đo lường cồn rượu. Xung quanh cha la liệt nào là những bình cổ cong bằng sành màu hồng, nào là những nồi cất thật to, nào là những ống ruột gà thủy tinh, đúng là cả một lô một lốc những thứ quái lạ, rực rỡ, quyến rũ trong ánh sáng đỏ nhạt toát ra từ những tấm kính màu.

Trời về chiều, khi chuông báo hiệu Kinh Angelus vang lên, cánh cửa căn phòng bí mật mở ra một cách dè dặt, và vị tu sĩ đáng kính đi bộ đến nhà nguyện để đọc kinh chiều. Cũng nên thấy cha được đón tiếp như thế nào lúc cha đi ngang qua tu viện! Các sư huynh làm hàng rào danh dự trên đường cha đi qua. Mọi người xì xào:

“ Suỵt!… Cha đang giữ một bí mật!…”

Sư huynh quản lý bước theo phía sau cha và cúi đầu xầm xì to nhỏ với cha… Giữa biết bao lời xu nịnh, cha vừa đi vừa lau vầng trán. Mũ vành ba múi với những mép rộng phía sau trông giống như vòng hào quang. Cha hài lòng ngắm nhìn xung quanh cha những bãi đất rộng trồng cam, những mái ngói xanh lơ với những chiếc chong chóng quay tít và trong khắp tu viện rực sáng lên một màu trắng toát – giữa những hàng cột thanh nhã và tươi tắn – các kinh sĩ trong bộ y phục mới cắt chỉ đang lướt qua từng đôi một, nét mặt tỏ ra hết sức thư thái an nhàn.

“Chính nhờ ta mà họ đã được hưởng những thứ này!” Cha dòng đáng kính nhủ thầm trong bụng. Lần nào ý tưởng này cũng làm cho lòng trí cha dâng lên những đợt sóng kiêu căng.

Thế là người đàn ông đáng thương đã bị trừng phạt một cách đích đáng. Các bạn sẽ thấy sự việc diễn ra như thế nào…

Các bạn hãy hình dung vào một buổi chiều nọ, trong giờ kinh, cha đến nhà nguyện với lòng bồi hồi xao xuyến vô hạn. Cha đỏ mặt, hơi thở hổn hển, mũ trùm lệch qua một bên. Cha đãng trí đến mức khi chấm nước thánh làm dấu thánh giá, cha nhúng cả ống tay áo đến tận khuỷu. Ban đầu, mọi người cứ tưởng cha xúc động vì đến muộn; nhưng khi người ta nhìn thấy cha hết sức cung kính bái chào chiếc đàn phong cầm và hàng ghế ngồi thay vì chào bàn thờ chủ tế, và cha đi lướt ngang qua nhà nguyện thật nhanh, lang thang trong gian giữa nhà nguyện gần năm phút để tìm ghế ngăn, rồi một khi an tọa, cha nghiêng người qua phải rồi qua trái đồng thời mỉm cười tỏ vẻ khoan khoái, một tiếng xì xào kinh ngạc truyền đi khắp ba gian giữa nhà nguyện. Cả cộng đoàn thì thào từ sách kinh nhật tụng này đến sách kinh nhật tụng khác:

“ Không biết cha Gaucher có chuyện gì thế?… Cha Gaucher có chuyện gì thế nhỉ?”

Đã hai lần, cha bề trên sốt ruột gõ gõ chiếc gậy xuống sàn nhà nguyện để yêu cầu cộng đoàn giữ im lặng… Trong khi đó, tận trong lòng nhà nguyện, các kinh cầu Thánh Vịnh vẫn không ngớt tuôn trào, nhưng những câu đáp ca lại thiếu hẳn sự phấn chấn.

Đột nhiên, ngay giữa kinh Ave verum, cha Gaucher ngồi bật ngữa trong ghế ngăn và cất giọng hát sang sảng.

Trong thủ đô Paris có một cha dòng áo trắng,
Patatin, patatin, tarabin, tarabin.

Cả cộng đoàn đều sửng sờ. Mọi người đứng dậy. Mọi người la to:

“ Hãy đưa cha ra ngoài…Cha đã bị quỉ ám!”

Các tu sĩ làm dấu thánh giá. Cây gậy của cha bề trên vung vẫy một cách bất lực…cha Gaucher không nghe, không thấy gì; hai tu sĩ lực lưỡng buộc lòng phải lôi cha đi qua cửa hông nhà nguyện, cha vung tay vung chân như người được trừ tà và tiếp tục những điệp khúc patatin, taraban hay ho nhất của cha.

Hôm sau, lúc trời vừa tảng sáng, con người khốn khổ quì gối trong nhà nguyện nhỏ của cha bề trên và ăn năn sám hối nước mắt đầm đìa:

“ Thưa cha, chính rượu bổ đã ám lấy con." - cha vừa nói vừa đấm ngực.

Nhìn thấy cha Gaucher tỏ ra vô cùng buồn rầu ăn năn hối cải như thế, cha bề trên tốt bụng cảm thấy hết sức xúc động.

“ Thôi nào, cha Gaucher, cha hãy bình tĩnh đi, mọi chuyện rồi sẽ qua đi như sương mai dưới ánh nắng mặt trời… Dù sao tai tiếng cũng không đến nổi trầm trọng như cha nghĩ đâu. Chỉ riêng có bài hát là hơi… hừm…hừm! Hi vọng là các tập sinh sẽ không nghe thấy gì…Bây giờ cha hãy nói cho ta biết sự việc đó xảy ra như thế nào…Có phải trong khi thử món rượu bổ hay không? Có lẽ cha thử quá nhiều thì phải ?..Đúng, đúng, ta hiểu rồi. Thật giống như sư huynh Schwartz, người đã phát minh ra thuốc súng, cha cũng là nạn nhân của phát minh của cha. Nào, cha hãy cho ta biết có nhất thiết cha phải tự mình thử cái món rượu bổ khủng khiếp này không?

– Dạ, thật khốn khổ cho con, thưa cha bề trên…ống nghiệm đã ban cho con sức mạnh và nâng cao nồng độ rượu trong người con, nhưng đối với rượu hảo hạng, rượu vang đục, con không còn tự hào bao nhiêu với chính cái lưỡi của con nữa…

– Ra thế… nhưng cha hãy nghe thêm điều này…Khi cha phải nếm rượu bổ, cha có cảm thấy ngon không? Cha có thấy khoái lạc không?

– Dạ có, thưa cha, vị tu sĩ vừa nói vừa đỏ mặt tía tai…Đã hai buổi chiều, con cảm thấy nó có một hương vị, một mùi thơm…Chính ma quỉ đã chơi con một vố thật tồi tệ…Vì vậy, con quyết định từ nay về sau con chỉ sử dụng ống nghiệm thôi. Mặc kệ, nếu như rượu mạnh không được tinh tế, nếu như nó không tạo ván trên bề mặt…

– Cha hãy giữ mình cẩn thận đấy, cha bề trên phấn chấn ngắt lời. Chúng ta không nên để cho khách hàng bất mãn…Tất cả những gì cha nên làm bây giờ, đó là cha phải cảnh giác , bây giờ cha được báo trước rồi đó, …Này, cha cần phải chú ý vấn đề nào đây?… Mười lăm hoặc hai mươi giọt rượu phải không?… Chúng ta cứ trích ra hai mươi giọt thôi…ma quỉ rất tinh ranh, nếu nó chộp lấy cha với hai mươi giọt rượu…Hơn nữa, để ngăn ngừa bất cứ tai nạn nào, trước tiên cha được miễn khỏi phải đến nhà nguyện. Cha sẽ đọc kinh chiều trong phòng chưng cất… Bây giờ cha hãy đi bình an và nhất là… hãy đếm kỹ các giọt rượu nếm thử đấy”.

Than ôi! Cho dù cha dòng khốn khổ ra sức đếm các giọt rượu…ma quỉ đã khống chế được cha và không buông cha ra nữa.

Chính phòng chưng cất lắng nghe những kinh nguyện đặc biệt.

Ban ngày, mọi sự đều diễn ra suôn sẻ tốt đẹp.

Cha tỏ ra khá bình tĩnh: cha chuẩn bị bếp ga, nồi cất, lựa chọn cây thuốc thật chu đáo, đó là tất cả những cây thuốc của miền Provence, những cây thuốc tuyệt vời, màu xám, có khía, bị nung đốt bởi hương thơm và mặt trời..Nhưng buổi chiều khi những cây thuốc được hãm và rượu bổ nguội đi trong những chiếc vại lớn bằng đồng đỏ, giờ nhục hình của con người khốn khổ lại bắt đầu.

…Mười bảy…mười tám…mười chín…hai mươi…

Những giọt rượu rơi từ ống hút vào trong cốc rượu bạc mạ vàng. Hai mươi giọt đó, cha dòng chỉ nốc một hơi, gần như không thấy thỏa mãn tí nào. Chỉ có giọt thứ hai mươi mốt mới khiến cho cha thèm thuồng. Ôi! Cái giọt thứ hai mươi mốt khốn nạn này! Thế là để thoát khỏi cơn cám dỗ, cha đến quì gối ở cuối phòng thí nghiệm và đắm mình trong những kinh nguyện. Nhưng từ vại rượu cất còn nóng xông lên một luồng khói nhỏ ngào ngạt hương thơm, nó bay quanh quẩn quấn quít bên cha và dù muốn dù không, nó lại kéo cha quay về những chiếc vại…Rượu cất có màu xanh vàng óng ánh…Ngã người lên phía trên, hai lỗ mũi mở rộng, cha dòng dùng ống hút khuấy lên nhè nhẹ và trong những miếng nhỏ óng ánh đang tuôn chảy một thứ nước màu lục bảo. Hình như cha nhìn thấy đôi mắt của cô Béjon long lanh mỉm cười trong khi nhìn chằm chằm vào cha.

“Nào! Thêm một giọt nữa!”

Thế là từng giọt từng giọt, con người bất hạnh cuối cùng cũng có được một cốc rượu đầy tận miệng. Bấy giờ, sức cùng lực kiệt, cha buông mình rơi phịch xuống chiếc ghế bành, cơ thể buông lỏng, mí mắt khép hờ, cha hứng chịu mọi tội lỗi đã phạm bằng những cú đấm ngực nhè nhẹ và đọc thầm với lòng ăn năn sám hối:

“ Ôi! Lỗi tại tôi… Lỗi tại tôi.”

Điều khủng khiếp nhất, đó là khi món rượu bổ chết tiệt này cạn đi, không biết ma xui quỉ khiến thế nào, cha lẩm nhẩm lại những bài hát bất nhã của cô Béjon. Đó là ba mụ lắm mồm bàn chuyện tổ chức một bữa tiệc. Hoặc: Bergerette của ông chủ André đi vào rừng một mình và luôn luôn có bài hát nổi tiếng của các cha dòng áo trắng: Patatin, patatan.

Các bạn hãy nghĩ đến bao điều lộn xộn sẽ xảy ra ngày hôm sau, khi các cha ở phòng bên cạnh nói với cha Gaucher với vẻ lém lỉnh:

“ Này, cha Gaucher, tối hôm qua, lúc cha đi ngủ, trong đầu cha có những con ve sầu đấy!”

Thế là những giọt nước mắt, những thất vọng của cha lại có dịp tuôn trào. Nhưng không thứ gì có thể chống lại con quỉ của món rượu bổ; và cứ đúng giờ vào mỗi buổi chiều, tình trạng quỉ ám lại bắt đầu hoành hành cha.

Trong thời gian này, những đơn đặt hàng ào ạt tuốn đến tu viện, đúng là một ân huệ. Chúng đến từ Nimes, Aix, Avignon, Marseille…Ngày qua ngày, tu viện khoác dáng vẻ của một xưởng bào chế. Có những sư huynh lo đóng gói, có những sư huynh lo dán nhãn, những sư huynh khác lo viết chữ, những người khác nữa lại lo việc chuyên chở bằng xe tải. 
Việc phục vụ Chúa bị biếng nhác dần, đâu đó chỉ còn gióng lên một vài tiếng chuông lạc lõng; nhưng những con người khốn khổ trong xứ lại mất mát những gì, tớ sẽ trả lời cho cậu biết chuyện này…

Một sáng Chúa Nhật nọ, khi sư huynh quản lý đọc giữa cộng đoàn bản kiểm kê tài sản cuối năm và các tu sĩ lắng tai nghe ông với ánh mắt sáng rỡ, nụ cười nở trên môi, thế là cha Gaucher phóng thẳng ra giữa hội nghị và la lớn:

“Thế là hết…Ta không làm nữa, Hãy trả lại cho ta những con bò cái!”

– Có chuyện gì vậy, cha Gaucher? Cha bề trên lên tiếng hỏi, đồng thời hoài nghi cha có chuyện gì đó.

– Có điều gì ư, thưa cha bề trên? Con đang dọn sẵn cho con những ngọn lửa đời đời và những cú đâm bằng chỉa ba ra trò đấy. Số là con đã uống rượu, con đang uống như một kẻ khốn nạn.

– Nhưng tôi đã bảo cha đếm số giọt rượu rồi mà.

– Đúng vậy, đếm các giọt rượu! Bây giờ đây, có lẽ con nên đếm bằng những cốc rượu. Đúng vậy, thưa quí cha. Ba cốc vào mỗi buổi chiều…Các cha hiểu rõ là việc này không thể kéo dài… vì vậy các cha hãy chỉ định người bào chế rượu bổ theo ý các cha muốn…Ngọn lửa đời đời của Thiên Chúa cứ thiêu đốt con đi, nếu con còn dính líu vào chuyện này.

Cả cộng đoàn không còn cười được nữa.

“Nhưng mà, cha đang làm cho chúng ta bị phá sản đấy! Sư huynh quản lý vừa nói to vừa vung vẩy quyển sách lớn.

– Vậy là cha thích để con chuốc lấy tội lỗi hay sao?”

(Dịch từ truyện ngắn « L’elixir du Père Gaucher » của nhà văn Pháp Alphonse Daudet)

Chuyển ngữ : Nguyễn Kim Ngân