Tiền - Tình - Tù - Tội

Văn thơ Công giáo
(Mã số 18-066)

Người ta vẫn nói: “tiền-tình-tù-tội”! Dẫu biết “tiền không phải là vạn năng, nhưng không có tiền thì vạn sự bất năng”. Dường như xã hội bây giờ tất cả đều bị chi phối bởi đồng tiền, và cũng chính từ đồng tiền mà muôn vàn bi kịch đã xảy ra.
Ở cái làng quê hẻo lánh của vùng đất Quỳnh Lưu, xóm Mộ Trạch yên bình trong nếp sống miền quê với con sông dài lượn qoanh, với đồng lúa rì rào và cánh cò bay dập dờn trên sóng nước, với ngôi giáo đường trầm bổng tiếng chuông sớm chiều. 
Như bao người khác, hai vợ chồng Liên cũng cày bừa ba sào ruộng kiếm khoai lúa nuôi bốn mụn con. Ngoài việc đồng áng, vợ chồng Liên cũng tranh thủ bắt con cá con cua để bán, kiếm đồng ra đồng vào.
Cuộc sống gia đình tuy vất vả nhưng tiếng cười xua tan đi mệt nhọc khi cả nhà đoàn tụ bên mâm cơm dưa cà. 
Bẵng đi một thời gian, kể từ dạo có mấy người ở trên thị trấn về nhà Liên hỏi thuê mặt bằng để mở quán cà phê, vì nhà Liên nằm ngay trung tâm ngã ba của làng nên rất thuận lợi cho việc kinh doanh. Người ta bỗng thấy vợ chồng Liên không còn đi mò cua bắt cá nữa, chỉ thấy Liên ăn mặc rất sành điệu đi ô tô chung với mấy bà trung trung tuổi trên thị trấn. Không ai biết Liên đi đâu làm gì, chỉ thấy gia đình Liên càng ngày càng thay đổi. 
Chỉ trong vòng năm tháng trở lại đây, từ ngôi nhà cấp bốn bình thường, người ta ngạc nhiên khi Liên phá bỏ và xây một căn biệt thự năm tầng. Người đoán ra, kẻ đoán vào. Người thì cho là trúng vé số, kẻ thì kêu chắc lại đi buôn lậu. Không ai moi được chút thông tin gì từ gia đình Liên. 
Cuộc sống đã sang trang, gia đình Liên được mọi người trong làng nể phục. Chung qoanh nhà thờ người ta thấy toàn ghế đá khắc tên gia đình Liên-Thịnh kính tặng. Cái tin đồn Liên mở đại lý thức ăn chăn nuôi trên thị trấn khiến cả làng hết bán tín bán nghi về sự phát đạt của gia đình Liên. 
Thịnh, chồng Liên thì suốt ngày tụ tập bạn bè ăn nhậu. Mấy đứa con của Liên, từ đứa lớn sắp lấy chồng cho tới thằng út đang học lớp 7, đứa nào cũng được mẹ mua sắm cho những thứ đắt tiền. Từ một người chân lấm tay bùn, phút chốc trở thành bà chủ đại lý cung cấp thức ăn chăn nuôi khiến Liên trở nên tự mãn. Liên nhìn người trong làng bằng nửa con mắt. Có ăn có mặc nên trông Liên đẹp lên nhiều so với cái tuổi 38.
Phao tin vì cần vốn làm ăn nên phải bỏ ra một số vốn lớn, Liên ngỏ ý vay người trong làng để đầu tư kinh doanh với lãi suất bốn mươi phần trăm cho một khoản vay. Lúc đầu ai cũng ngại không dám cho vay, vì tiền trong gia đình ở miền quê đa số là tiền con cái đi làm ăn xa mang về để xây dựng gia đình, nên ai cũng ngại khi có người hỏi mượn. Nhưng rồi nụ cười hớn hở của những người cho Liên vay khi cầm những đồng tiền lãi mang về khiến nhiều người thèm muốn. Họ bàn tán, rồi rủ nhau đầu tư cho Liên vay lãi suất cao. Đa số người nông dân xứ đạo chân chất thật thà, cứ nghĩ để đồng tiền ở nhà cũng chẳng làm gì, thôi cứ cho vay kiếm ít đồng tiền lời mua cá. Một đồn mười, mười đồn trăm, đến nổi những người chỉ có năm đến mười triệu phải nài nỉ Liên nhận vay. Tiền trong nhà không có, họ nghĩ ngay tới chuyện cầm sổ đỏ cho ngân hàng để lấy tiền về cho Liên vay với lãi suất cao hơn.
Thời gian thấm thoắt cũng hơn một năm trôi qua, ai nấy đều an tâm gởi tiền cho Liên kinh doanh, vì mỗi tháng họ vẫn được Liên trả tiền lãi suất đều đặn. Không chỉ người trong xứ đạo chơi, mà những người lương chung quanh đấy cũng ham lợi hùn vào.

***
Năm đó, tôi về quê nghỉ hè, sau những tháng ngày học hành miệt mài trong nhà dòng. Trở về gia đình ăn bữa cơm thân mật, trong câu chuyện gia đình, tôi biết được chị gái tôi đi làm bên Nhật có gởi một số tiền về để bố mẹ mua đất xây nhà cho em trai tôi lấy vợ. 
Ở miền quê, một trăm triệu cũng là lớn lắm rồi. Thế nhưng chưa tìm được vạt đất nào ưng ý nên mẹ tôi đã bàn với bố tôi cho nhà Liên-Thịnh vay, không làm gì thì một tháng cũng có được bốn triệu tiền lãi. Không nghĩ ngợi gì, bố mẹ tôi đã đem cho vay tất cả số tiền mà chị tôi gởi về.
Một hai tháng đầu, cầm trên tay đồng tiền lãi mà tôi đoán chắc bố mẹ tôi vui lắm. Đã được 3 tháng kể từ khi bố mẹ tôi cho nhà Liên-Thịnh vay, tới hôm nay trong giờ cơm, tôi vẫn còn thấy khóe mắt của ông bà toát lên niềm vui. Riêng bản thân tôi, tuy không nói gì về việc đó, vì đó là việc của bố mẹ, nhưng trong lòng tôi cảm thấy có gì đó bất an. Hôm mợ tôi vào hỏi mượn sổ đỏ của gia đình tôi để đi vay ngân hàng, tôi thấy bố mẹ tôi có phần không muốn, nhưng sau vì cả nể nhà chú mợ nên bố mẹ tôi cũng cho. Đợi mợ về, tôi mới nói chuyện với bố mẹ tôi. Tôi trình bày cho bố mẹ tôi biết về hình thức vay nặng lãi này ở trong thành phố, nơi mà tôi ở. Hình thức này khiến nhiều người mất trắng rồi. Tôi khuyên bố tôi là đi lấy sổ đỏ về đi, nếu có mất tiền gởi thì cũng còn nhà mà ở, kiểu cho vay này không bền đâu, sớm muộn cũng sẽ vỡ nợ thôi.
Bố mẹ tôi cũng phân vân, một đường nghĩ là người trong làng ai dám lừa thế, một đường cũng lo sợ. Cũng chính vì chuyện đó mà gia đình tôi gây xích mích với nhà chú mợ khi bố mẹ tôi ra lấy sổ đỏ về.
Cái tin cô Liên cặp bồ với ông giám đốc nhà máy thức ăn chăn nuôi khiến cả làng được phen bàn tán, tuy không ai dám nói gì, vì hầu như cả làng ai cũng đều có tiền gởi ở nhà Liên. Càng ngày Liên càng tỏ ra hách dịch và lên mặt. Anh Thịnh chồng Liên cũng chỉ biết lấy rượu làm bạn giải khuây, mặc cho Liên đi đâu làm gì cũng không cần biết. Kể từ ngày “một bước lên tới trời” đã khiến gia đình Liên không còn được đầm ấm hạnh phúc với tiếng cười ấm áp trong căn nhà nhỏ bé nữa. Thay vào dó là một cuộc sống đầy tẻ nhạt, chồng một đường, vợ một nẻo, con cái thì bỏ bê mặc kệ, chỉ cần đưa cho nó tiền sau đó thì mặc kệ chúng nó làm gì thì làm.
Đùng một cái, cả làng nhốn nháo vì chuyện anh Thịnh giết người, người bị giết không ai khác chính là ông giám đốc nhà máy thức ăn chăn nuôi. Công an huyện vào cuộc, truy tố anh Thịnh tội danh giết người. Hôm bị áp giải đi lên huyện để làm việc, anh chỉ ngửa mặt lên trời mà cười. Anh cười anh hay cười vợ anh, anh cười cả làng này không biết gì hay anh cười cuộc đời quá khó hiểu, không ai lý giải được nụ cười đó.
Quy luật dồng tiền không tự phát sinh nếu không được dùng để kinh doanh. Nó sẽ bão hòa khi luân chuyển từ người này qua cho người khác, cũng thế, đồng tiền và phương thức chơi trò chơi kinh doanh ảo được mấy người trên thị trấn lôi kéo vào rồi cũng đến ngày bị bão hòa. Phương pháp lấy của người này trả cho người kia sẽ dừng lại khi không còn lôi kéo được ai tham gia nữa.
Liên tuyên bố vỡ nợ, cả làng nhốn nháo, từ già cho đến trẻ. Họ đưa nhau đến để dòi lại số tiền đã bỏ vào. Đến nước này mà Liên vẫn con già miệng: “Ai có giấy nợ tôi sẽ trả cho người đó”. Câu nói khiến cho mọi người cứng miệng, vì khi cho vay không ai nghĩ đến chuyện đó, chỉ mang tiền đến rồi liên ghi vào sổ bao nhiêu tiền là xong việc. Không một mảnh giấy viết tay, cũng không một văn bản nào chứng thực, đến nước này thì làm được gì!  Mọi chuyện diễn ra quá nhanh khiến cho không ít người như điên như dại, vì không những mất tiền mà còn mất luôn cả nhà nếu không trả nợ cho ngân hàng.
Mẹ con Liên phải trốn chui chốn lủi bên nhà bố mẹ. Căn nhà năm tầng biểu tượng cho quyền lực của làng trong phút chốc đã trở nên hoang phế. Họ kéo nhau đến gỡ từng viên ngói, cánh cửa, lấy được thứ gì là họ lấy.
“Tiền-tình-tù-tội”, bài giảng của cha xứ trong ngày lễ chủ nhật hôm đó làm vơi đi nổi tức giận trong lòng của người dân giáo xứ. Cái nổi uất ức ngẩn ngơ tiếc xót xảy đến quá nhanh, khiến cho những gương mặt hốc hác của những con người nơi đây trở nên đáng thương đến lạ lùng. Suốt một đời tằn tiện ki cóp làm ăn, phút chốc tiêu tan trong mây khói.
Liên ôm đứa con nhỏ trốn khỏi làng trong đêm không một ai hay biết, còn lại ba đứa con lớn ở nhà với ông bà ngoại. 
Người ta lại qoay ra than thở kể cho nhau nhà mình mất bao nhiêu. Mẹ tôi vẫn không tin vào điều đó, bà chưa chấp nhận được sự thật. Bố tôi nhẹ nhàng nói:
- Mất thật rồi em ạ?
Mẹ tôi không nói gì chỉ lặng lẽ gọi điện cho tôi:
- Mất hết rồi con ạ… Nhà cái Liên vỡ nợ bỏ trốn rồi, cả làng mất hết.
- Con đã nói rồi mà bố mẹ không tin… Nhưng thôi coi như của đi thay người… Vẫn giữ được nhà mà ở là may lắm rồi! Nhà người ta còn không có nhà mà ở nữa.
Chuyện gia đình tôi và gia đình chú mợ tôi chắc sẽ không có ngày hàn gắn nếu như mọi sự không vỡ lỡ ra.
***
Một chiều đi học tiếng Anh về, tôi đang miên man suy nghĩ thì bắt gặp mẹ con Liên đang loay hoay bên chiếc xe đạp cũ kĩ từ trong nhà thờ dòng Chúa Cứu Thế bước ra. Tôi nhanh miệng:
- Chào chị Liên… Chị đi đâu mà lại tới nhà dòng thế?
Ánh mắt đờ đẫn của Liên phút chốc trở nên là một con người đáng tội nghiệp. Liên kể tất cả mọi chuyện để tìm được một sự an ủi. Tôi tỏ ra vẻ như không hề hay biết gì. Với lòng cảm thương tôi móc túi được hơn một trăm bạc đưa cho hai mẹ con. Trước mặt tôi không còn là chị Liên cao sang mà tôi đã từng gặp ở quê, nhưng giờ đây trước mặt tôi là một con người hết sức đáng thương.
Cuộc đời thay dổi thật chóng mặt, mới hôm qua còn là người quyền quý, mà chỉ trong thoáng mây bay đã trở nên tội đồ. 
Tiền-tình-tù-tội, bi kịch của một gia đình lôi theo nhiều đổ nát của xã hội. Khi người ta để cho đồng tiền làm chủ mình thì không sớm thì muộn, đồng tiền sẽ chi phối họ. Ai biết sử dụng đồng tiền thì nó sẽ đem lại ích lợi cho người đó. Nhưng ở đời nào ai đủ bản lĩnh để vỗ ngực nói có thể làm chủ được đồng tiền?
Tôi lang thang bước đi mà lòng nặng trĩu. Khẽ chắt lưỡi: Tiền tình tù tội!