Chuyến hồi hương

Văn thơ Công giáo

(Mã số 18-134)
Sài Gòn, mùa thu năm 1990.
Trên trang giấy úa vàng màu thời gian…

Mỹ tự nhủ sẽ không bao giờ nhớ lại quá khứ.
Nhưng nếu như đã quyết định ngồi vào bàn viết, cô sẽ cố gắng kể lại câu chuyện một cách bình thản và tuần tự. Cô muốn viết lại toàn bộ câu chuyện này một cách chân thành, cởi mở, chân tình, không giấu giếm một điều gì cả. Nếu như cô không thể xua tan đi cơn ác mộng đang theo đuổi mình thì cô sẽ cố gắng làm cho nó trở nên dễ chịu hơn. Có những hồi tưởng được viết lại bằng một tình cảm dịu dàng sẽ không cay đắng bằng chính sự thật đã xảy ra. Rất nhiều sự việc bây giờ hiện lên trước mắt Mỹ dưới một ánh sáng khác, chúng trở nên đơn giản hơn và không còn quan trọng như trước nữa.
Mỹ sinh ra trong một gia đình Công giáo. Ngoài việc thường xuyên nghe người ta gọi “Con nhà điếm” thì mảnh đất ấy đối với Mỹ cũng chẳng có gì là đặc biệt. Người đàn bà ra ngoài hàng đêm, vội vã. Còn người đàn ông gục đầu bên chai rượu, thêm đầy và rót thêm đầy. Cô vẫn luôn chờ tiếng cửa phòng cha mình đóng lại. Sáng ra lại đầy những mảnh vỡ. Cho đến một ngày khi có đoàn nhạc kịch ngang qua làng, hy vọng lóe lên trong đôi mắt của đứa trẻ. Đó là lần đầu tiên Mỹ khao khát đi khỏi nơi đây trỗi dậy, đầy những tăm tối và tổn thương. 
Mỹ rời bỏ quê hương ở cái tuổi trăng tròn.
Ít lâu sau đó, cô lấy con trai của ông chủ đoàn nhạc kịch và tin vào sức mạnh tình yêu. Cô đã tin. Niềm tin dẫn tôi đến những chuỗi ngày đau đớn...  Từ một cô đào hát hay nhất đoàn nhạc kịch, đem tiếng hát làm vui lòng người, cô tự mặc lấy cho mình kiếp vợ lẽ của ông chủ tương lai. Những tưởng cuộc đời cô sẽ khác... Khác thật... Đòn roi và sự mắng chửi nhục mạ của bà vợ cả khiến cô người chẳng ra người, ma chẳng ra ma. Vì chồng cô là con trai một nên áp lực sinh con nối dõi đè lên cô, có lần mẹ chồng Mỹ đổ chậu nước muối ngâm chân lên đầu cô mà đay nghiến:
- Ôi giời ơi, đúng là cái thứ không biết đẻ, nhà tôi thật vô phúc... vô phúc! Cưới cô về chỉ để ăn cho tốn cơm, thà tôi nuôi con chó còn biết coi nhà.

Mỹ cắn răng chịu đựng, nước muối mặn lắm nhưng có thứ nước khác mặn hơn mà cô phải cố nuốt vào trong, và tự nhủ: “Chỉ cần một đứa con thôi, cuộc sống của mình sẽ khác”. 
Tháng 8 năm sau, niềm hạnh phúc khôn tả dâng trào trong Mỹ.
Hôm nay cô được làm mẹ.
Đau đớn về mặt thể xác chẳng thấm vào đâu khi ánh mắt của mình chạm tới ánh mắt hân hoan, sáng trong của thiên thần bé nhỏ đang nhìn ra thế giới với đầy sự tò mò. Ánh mắt của sự kiêu hãnh, của lòng biết ơn mà dường như đứa bé đang muốn nói với cô lắm. 
Những bông bằng lăng tím nở rực góc sân vườn, Mỹ ôm con bé vào lòng à ơi câu hát ru mà xưa lắm, một thời đã xa khi còn rất nhỏ cô từng nghe mẹ hát: “Con cò mà đi ăn đêm... đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao... Ông ơi ông vớt tôi nao... tôi có đồng nào tôi biếu ông luôn...”. Cả một thời thơ ấu cô chỉ nhớ nhất là những câu hát ru. Hồi đó mẹ bảo bà ru mẹ, giờ mẹ ru cô...  Câu hát ru đi theo năm tháng, ru êm qua bao thế hệ. Nhưng thật lạ, Mỹ lại không muốn nhớ về mẹ chút nào. Mỹ giật mình khi nghe thấy tiếng mẹ chồng. Bà chẳng nói chẳng rằng vội vàng chạy tới con bé, vạch tã lót của nó ra. Ánh mắt bà thay đổi đột ngột, là ánh mắt giận dữ mà cô chưa từng thấy. Cô sợ hãi ôm chặt đứa bé vào lòng mình ú ớ:
- M... ẹ, con chào mẹ ạ!
Bà không thèm nhìn cô mà quát lớn:
- Con Thắm đâu, con Thắm đâu rồi… Mau đuổi bọn ăn bám này ra khỏi đây cho tôi! Trời ơi... Phải để tôi tức chết các người mới vừa lòng phải không?
- Mẹ, mẹ ơi… Sao vậy mẹ, con làm gì sai sao? Sao... sao mẹ lại nỡ đuổi mẹ con con đi... 
- Cô im đi! Tôi không có đứa con dâu ngu dốt như cô. 
Mỹ vội lăn xuống quỳ dưới chân mẹ:
- Mẹ ơi, đứa bé này là con của con trai mẹ, là cháu nội của mẹ… Đây chẳng phải là điều mẹ mong muốn hay sao?
Bà dường như không quan tâm đến những điều Mỹ nói, dơ chân đạp vào vai cô khiến cô đau điếng:
- Cô đi đi… Nhà họ Mạc chỉ cần con trai nối dõi, không cần thứ con gái ăn cho mập thây như các người đâu.
Mặc cho Mỹ khóc lóc van xin, cơ thể rỉ máu và trái tim đau đớn cũng chẳng thể thay đổi được quyết định của bà. Tiếng đứa trẻ khóc ré lên, từng mạch máu như nổi lên dưới làn da sữa đáng thương biết mấy. Ở cái nơi đất khách quê người này biết tìm đâu chốn dung thân? Quay về quê ư? Không! Từ ngày quyết tâm ra đi, quê hương đối với cô là một cái gì đó xa xôi lắm, cô còn chẳng thiết nhớ về nó một lần trong đời. Có một cách để cô làm lại cuộc đời đó là bỏ đứa bé lại, một mình đến xứ khác làm lại từ đầu. Không! Dù giá nào, đói khát, nhục nhã cô cũng không bỏ đứa bé lại. Khi con người ta còn trẻ, họ đến với nhau vì tình yêu, nhưng khi đã làm mẹ, tình yêu đó luôn đi đôi với trách nhiệm. Cô chẳng thể vì số phận đau khổ đã định sẵn của mình mà từ bỏ thiên chức làm mẹ.
Và thế là từ bồi bàn, công nhân dệt may đến bốc vác, người mẹ trẻ không bỏ qua công việc nào nhưng cũng chẳng đủ để trang trải cho hai mẹ con. Mỹ xin vào làm tại phòng trà, và tiếng hát của cô khiến không chỉ cánh đàn ông mê mẩn, mà một bộ phận nhân dân giới thượng lưu cũng khoái nghe tiếng hát của cô lắm. Lúc đó ca hát đang dần được chấp nhận như một nghề chứ không bị coi là rẻ rúng như trước đây nữa. Dần dà, cô trở thành ca sĩ phòng trà đắt khách bậc nhất Sài Gòn. Cái Ân- con gái Mỹ lên 4 tuổi, vì công việc ngày càng bận bịu nên cô gởi con bé vào trường tư thục của các Sơ coi sóc. Thời gian dành cho con bé ít hơn, mỗi tối cô không còn kể chuyện, hát ru cho con bé được nữa, mà mệt mỏi chìm dần vào giấc ngủ.
Vào một ngày tháng mười ảm đạm ngoài trời mưa bay lất phất, suốt đời Mỹ nhớ mãi ngày đó, trên đường đón Ân từ trường về, con bé thấy nơi triển lãm đông đúc rộn ràng thì háo hức lắm. Mỹ dừng xe dẫn con gái dạo một vòng quanh căn phòng. Có nhiều bức tranh làm cô tức cười: Khuôn mặt lấm lem, cái ráy tai dài ngoẳng, khuôn ngực đồ sộ không cân đối, màu sắc lòe loẹt y như cắt giấy màu dán vào...  Bỗng nhiên, cô đứng lặng trước một bức tranh treo gần lối ra cửa phòng lớn. Cho đến bây giờ, mặc dù nhiều năm trôi qua nhưng Mỹ khó mà diễn tả cảm xúc của mình lúc ấy. Cô đứng chôn chân trước một thiếu nữ trong y phục dân quê giản dị màu nâu, không màu mè sặc sỡ, điểm nhấn duy nhất của bức tranh là đôi mắt của cô gái ấy. Đôi mắt trầm tư nhưng quá đỗi trong sáng, nó nhìn thắng vào Mỹ như một cái ma lực khiến cô không thể thoát ra được. Cô đừng đó rất lâu tới nỗi xung quanh mọi người đã tản hết, đứa con gái giật giật tay mẹ:
- Mẹ ơi, Ân đói rồi!
Cô sực tỉnh, nắm tay con bé rời khỏi căn phòng nhưng tâm trí cô vẫn không thể rời khỏi bức tranh. Nó ám ảnh cô trên đường đi, mọi lúc mọi nơi. Thiếu nữ trong bức hình đẹp đến nỗi khiến cô bị mê hoặc. Nhiều hơn một lần cô tới căn phòng triển lãm ấy và ngắm nhìn bức tranh tới khi không còn ai nữa, cô muốn tìm người thiếu nữ ấy nếu thực sự cô ấy có ở trên đời.
Nơi mẹ con Mỹ ở là một căn phòng trọ chật hẹp nhưng khá ấm cúng. Tối ấy, đứa con gái khó ngủ, cứ vòi mẹ kể chuyện. Mỹ thương con bắt đầu câu chuyện thường ngày, nhưng con bé bỗng vùi đầu vào ngực mẹ hích hích:
- Mẹ ơi, mẹ kể chuyện khác cho con nghe đi.
Mỹ nhìn đôi mắt long lanh của con bé ngạc nhiên:
- Vậy con thích nghe chuyện gì, bé con của mẹ?
- Con thích nghe chuyện Thiên Chúa dựng lên trời đất, khi Chúa thổi hơi vào lỗ mũi để con người đầu tiên có sự sống. Con muốn biết vì sao Ca-in lại bị đày đến Ê-đen xa xôi, câu chuyện con tàu ông Nôê vượt nạn đại hồng thủy, và một bầu sao trên trời là dòng dõi của I-xa-ác mà Thiên Chúa đã hứa.
Dường như cả bầu trời trên cao thu lại trong đôi mắt bé Ân, con bé hồn nhiên nói vẻ thích thú lắm. Thật sự Mỹ không hiểu vì sao con bé lại nhớ nhiều đến vậy. Nó khiến cô nhớ lại những ngày xưa, khi cha cô chưa say sưa rượu chè cũng hay kể cho nghe những câu chuyện đó. Có điều thời gian trôi qua, Mỹ không còn nhớ những câu chuyện ấy nữa, cũng không còn đến nhà thờ nữa, trong đầu cô chỉ còn lại là một mớ hỗn độn hư không.
- Mẹ ơi, vì sao người ta lại hôn chân Chúa mà không hôn ở má?
Câu hỏi dồn của con bé khiến Mỹ bối rối. “Haizz...”, con bé thở dài một cái như cách người lớn vẫn làm khiến Mỹ bật cười.
- Mẹ không biết kể chuyện cũng không trả lời được câu hỏi của con, chán mẹ quá, con cho mẹ nợ đấy nhé.
Mỹ nhẹ nhàng ôm con bé vào lòng, vỗ khe khẽ như một cử chỉ yêu thương.
Đêm đã khuya. Mỹ nhìn đồng hồ đã gần 11h thì nghe thấy tiếng gõ cửa. Đột nhiên cánh cửa mở bung ra, Mỹ thót tim. Sự thật là tối nay cô quên không khóa cửa và gió đã làm cánh cửa bật ra, phía ngoài bao trùm bởi một màu tối. Nhưng còn tiếng gõ cửa? Là ai? Không hiểu sao bức chân dung của thiếu nữ kia lại hiện lên trong đầu cô. Cô thấy ớn lạnh. Gió ngày càng lớn. Đêm đó cô không ngủ được. 
Những ngày sau đó đi đâu, làm gì Mỹ luôn cảm thấy có ai đó đi theo mình. Cô nghe thấy tiếng bước chân rất nhanh, vội vã, luôn là một cái bóng im lặng đến đáng sợ.
Ánh đèn phòng trà vụt tắt, chỉ còn dàn nhạc được chiếu sáng lời mờ. Một điệu nhạc chầm chậm cất lên. Trong âm điệu của những cây Violin xen thoáng tiếng vĩ cầm yếu ớt, ngay lúc ấy trên bục diễn xuất hiện một thanh nữ trong chiếc đầm cúp ngực màu đỏ. Người thanh nữ đó không ai khác chính là Mỹ. Cô vừa chơi vĩ cầm vừa đi dần về phía khách và đi đến giữa quầng sáng của ngọn đèn chiếu cô dừng lại, cất tiếng hát một bản tình ca bằng cung giọng trầm ấm thu hút bao ánh nhìn ngưỡng mộ xen lẫn thèm thuồng. Đang ở phút cao trào... Bỗng, giọng hát vụt tắt... Cây vĩ cầm tuột xuống khỏi tay Mỹ. Người đàn ông với làn da nhăn nheo, lồi lõm trên khuôn mặt dị thường, đôi chân run run đứng trước mặt Mỹ, chỉ cách cô mươi bước chân. Tất cả mọi sự hoài nghi và hàng trăm hàng nghìn những giả thuyết vớ vẩn có thể nghĩ ra trong đầu Mỹ đều biến đi hết. Ánh sáng mờ nhạt, Mỹ quỵ xuống vì đôi chân cô không thể trụ thêm nữa. Giây phút qua đi, Mỹ nhìn người đàn ông mấp máy: “Ô... ng...”. Hàng mi cong vút của cô khẽ rung rung. Từng bước cố gắng người đàn ông tiến đến bên cô gái, thật gần. Khi khoảng cách giữa hai người gần hơn bao giờ hết, người đàn ông với lấy đôi tay trắng ngần của Mỹ thều thào: “Con... Là cha đây”. Mỹ vung tay chạy thật nhanh. Trong tích tắc người đàn ông năm xưa suốt ngày gục đầu bên ly rượu lại xuất hiện trước mắt cô sau bao nhiêu năm. Thậm chí cô đã từng nghĩ có thể ông ấy chết rồi. Mỹ từng hận từng ghét ông ấy nhiều đến thế, nhưng sao lúc này cô thấy tim mình thắt lại khi nhìn thấy bộ dạng khổ sở của ông già. Một chút gì đó chạy ngang khóe mắt. Cô chạy mãi mà không biết đến sát tường quảng trường cũ. Cô không thở được, cảm giác nghẹn nghẹn. Người đàn ông cũng chạy theo tới nơi.
- Mỹ, con đã ở đâu? Cha đi tìm con khắp nơi suốt mười mấy năm nay. Cha cảm thấy thật có lỗi với con và mẹ con, xin con hãy tha thứ cho cha.
- Tôi không quen biết ông. Tôi chỉ là một con đào hát, ông đi đi…
Đôi mắt nhăn nheo, già nua của người đàn ông chẳng thể giấu được xúc động, đôi tay run run cố với lấy đứa con gái nhưng chẳng có ích gì, nó lạnh lùng nhìn ông như thể hai người xa lạ.
- Mỹ, kể từ cái ngày con bỏ đi theo đoàn nhạc kịch, không đêm nào cha ngủ được, là cha không tốt nên mới ép con đi tha phương cầu thực.
- Con đĩ kia rồi, chúng mày đâu dạy cho nó một bài học cho tao! 
Tiếng la hét của bọn giang hồ rầm rập kéo tới. Mỹ không biết có chuyện gì đang xảy ra cho đến khi chỉ lờ mờ trong ánh sáng chói lòa phía trước là hình ảnh của cô Thi- vợ của một đại gia có tiếng vốn mê mẩn tiếng hát của cô.
- Tôi không làm gì sai cả, nếu các người làm càn, tôi... tôi sẽ báo công an đó.
- Haha!- Tiếng cười khoái trí nghe thật man rợ.
- Mày quyến rũ chồng bà còn dám vênh váo hả! Đập chết nó cho tao… Để tao xem mày còn hát hò được nữa không.
- Á… aaa!...- Tiếng người cha già đau đớn lao vào ôm lấy Mỹ. 
Tiếng đòn roi át đi tiếng kêu cứu của hai cha con. Một mùi quen thuộc của cha mà thời thơ ấu đã từng ấp ủ cô. 
- Đừng đánh nữa, xin các người đừng đánh nữa!...- Cô gái gào khóc trong đau đớn, cơn mưa lạnh ngắt buông xuống con đường tối tăm...
* * * 
Bên khung cửa sổ có chú chim lông vàng lạc bầy đơn côi, cất tiếng hót trong trẻo. Mỹ từng ước mình có một đôi cánh giống chú chim ấy, để bay đi thật xa đến những vùng trời chỉ có bình yên và tiếng cười. Chợt có tiếng ho khụ khụ trong căn phòng.
- Cha tỉnh rồi sao? Cha bị mất nhiều máu và sốt hai ngày nay rồi.
Ông già không trả lời, chỉ thấy khóe mắt chực trào:
- Cha không sao, cha già rồi có chết cũng được, chỉ cần con khỏe mạnh bình an, bấy nhiêu đó cũng chẳng thể bù đắp những lỗi lầm của cha.
- Cha liều quá, cha có biết cha suýt nữa thì mất mạng rồi không…
Cố gắng với lấy tay cô gái, người đàn ông thều thào:
- Con à, có chuyện này cha muốn nói với con trước khi quá muộn. Thực ra, con không phải là con ruột của cha… Cha đã từng rất yêu mẹ con, nhưng vì hoàn cảnh bà có con không chồng với người đàn ông khác, cha vẫn không trách móc mà vẫn yêu thương mẹ con. Tới một ngày bà bỏ lại đứa bé cho cha rồi bỏ đi theo một gã khấm khá khác. Đứa bé ấy là con. Con biết không, con rất giống mẹ, nhất là đôi mắt sáng hơn ngọc quý. Và cả giọng hát ngọt ngào của mẹ con nữa, bà ấy từng là người hát hay nhất nhì trong xóm đạo. Trước đây cha vì quá thương nhớ và giận mẹ con nên đã đày đọa bản thân mình và lạnh nhạt với con, lấy một người cha không yêu làm vợ. Nhưng sau khi con đi, cha mới nhận ra rằng, con là điều quý giá nhất mà Thiên Chúa đã ban tặng cho cha. Cha thật đáng trách vì không thể cho con mái ấm hạnh phúc...  Cha có lỗi với con... 
Giọt nước nóng hổi vỡ tan ra, lăn dài trên gò má, chảy xuống cổ Mỹ. Thì ra cô là đứa con ngoài giá thú bị chính đấng sinh thành bỏ rơi. Thì ra tất cả chỉ là ảo vọng. Có lẽ việc làm con của người đàn bà điếm, xấu xa tội lỗi đối với cô vẫn dễ dàng chấp nhận hơn một người mẹ bỏ rơi mình vì lý do gì đi chăng nữa. Cô bật khóc như một đứa trẻ. Đôi tay già nua xanh xao kéo cô vào lòng.
- Con à, cha từng rất giận mẹ con, nhưng sau này nghĩ lại hẳn cô ấy cũng có lý do riêng. Tình cảm là thứ vốn không thể cưỡng cầu nhưng con người ta lại cứ nghĩ nắm trọn tình cảm trong tay. Mẹ con chính là người thiếu nữ trong bức tranh ở buổi triển lãm, ta vẽ lại bà ấy thời thanh xuân... 
Không gian lắng xuống, mọi thứ trở lên mờ nhạt, chỉ riêng nơi bốn góc tường hình ảnh những thiên thần, những ngôi sao được làm bằng dạ quang bắt đầu phát sáng. Mỹ không đủ can đảm để tha thứ cho cha.
4 tháng trôi qua…
Con gái Mỹ bị mắc bệnh ung thư máu khó qua khỏi. Có nỗi đau nào cho bằng nỗi đau xót xa của người mẹ bất lực nhìn đứa con gái duy nhất của mình chịu đau đớn từng giờ? Đêm nào ôm con vào lòng Mỹ cũng khóc, tới nỗi khô cạn dòng lệ. Điều duy nhất cô có thể làm cho con ấy là mang con đến nhà thờ chiêm ngắm Chúa- ước mơ bé nhỏ của của con bé. Mỹ hát cho con bé bài thánh ca mà đứa con gái thích, còn đứa con gái thì đứng lên bắt nhịp như một người điều khiển dàn nhạc thực thụ. Dường như con bé không cảm thấy sợ hãi cái chết đang cận kề, trái lại nó không ngừng hy vọng. Mái tóc óng ả của con bé thưa dần... 
Con người chạy đua với thời gian. Tiếng thở yếu ớt, những ngón tay nhỏ xíu, trắng bạch nằm gọn trong bàn tay chắc chắn của mẹ.
- Mẹ ơi, mẹ đừng khóc nữa, con sắp được về Thiên Đường với Chúa rồi, con là công chúa của Ngài nên Ngài sẽ che chở và bảo vệ cho con phải không mẹ?
- Ừ, mẹ không khóc nữa, Ngài nhất định sẽ che chở cho con gái yêu của mẹ.
Ân mỉm cười chúm chím má đồng tiền, con bé như cố gắng hết sức cựa cựa những ngón tay:
- Mẹ ơi, con yêu Mẹ nhiều lắm. Con muốn nghe mẹ đọc sách nữa cơ…
Dù đã cố gắng mạnh mẽ đến mấy những giọt nước mắt vẫn lăn dài trên gò má Mỹ.
- Con muốn mẹ đọc truyện gì cho con nghe nào cô bé?
- Con muốn mẹ đọc “Bài thương khó của Chúa Giêsu” cho con nghe được không mẹ?
Mỹ ngạc nhiên lắm, nhưng vì tình yêu lớn lao dành cho con, Mỹ vội chạy ra ngoài trong đêm mưa lớn. Cô hối hả đập cửa từng hiệu sách để mua cho kỳ được cuốn Tân Ước. Vì vốn dĩ cô đã quên Chúa từ lâu huống hồ là những lời của Chúa, chẳng có gì lạ khi trong phòng cô không có nổi một cuốn Kinh Thánh. Mỹ đã mua được, với cung giọng ấm áp nhưng mãnh liệt, Mỹ nắn nót từng dòng chữ:
“Bài thương khó của Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan... ”
Khi Mỹ vừa dứt lời cùng là lúc Ân ngủ ngon lành trong vòng tay mẹ, một giấc ngủ ngàn thu. Và kể từ giây phút ấy, Mỹ mới thực sự cảm nhận được giá trị của tình yêu thương, là những điều bình dị thôi, điều quan trọng là cách ta đối xử với những cái bình dị đó. “Ta khát” là câu nói của Chúa Giêsu trên bờ vực thẳm của cái chết và sự sống, cũng là câu nói kinh thánh ngắn nhất trong toàn bộ Thánh Kinh. Chúa Giêsu, Ngài khát nước, Ngài khát tình yêu thương của nhân loại, khát cả những giọt nước mắt ăn năn thống hối của những đứa con mãi chẳng chịu quay về nhà cha. Giây phút Ân từ bỏ trần gian hư không về với Chúa cũng là lúc Mỹ bắt đầu một sự sống mới, sống trong ân tình của Thiên Chúa. Nhẹ nhàng đặt lên trán con bé nụ hôn cuối, Mỹ khẽ thì thầm: “Mẹ cũng yêu con, thiên thần của mẹ”.
Con bé đã thực hiện chuyến hồi hương về với nước Chúa, chỉ có bình an và tiếng cười, Mỹ cũng vậy. Vạt nắng vàng giòn tan cuối ngày còn lại, có một cô gái dáng vẻ thanh tao tìm về mảnh đất xưa cũ. Tìm về căn nhà mái rơm dột nát, có người cha nghèo cống hiến cho cuộc đời một tác phẩm nghệ thuật duy nhất, đó là tấm chân dung người yêu, người mẹ bằng tình yêu mãnh liệt và nỗi nhớ da diết. Tìm về nơi đau đớn tủi hờn ngày ấy, khao khát được nghe tiếng gà gáy ban trưa, tiếng kinh chiều ru êm một thời.