Gửi Bác Tôma

Quang X Nguyen

Bác Tôma kính mến!

Cứ mỗi độ tháng bảy về, con lại nghe dân tình thế thái truyền miệng nhau về bác, rằng bác là “kẻ cứng lòng tin”. Con thấy thương bác quá vì lẽ không mấy ai chịu đặt mình vào vị thế của bác để hiểu và cảm thông hơn. Biết đâu khi ở trong tình thế của bác, con và họ cũng chẳng hơn chi?

Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc bà Maria Mađalêna hớt hải chạy về báo tin theo lời nhắn của Chúa bác đang ở đâu? Vào chiều hôm ấy, lúc Chúa hiện ra với các bác tông đồ khác và nói: “Bình an cho anh em” (Ga 20,19) bác cũng không có mặt luôn… Giả như hai giờ khắc ấy có bác hiện diện thì hẳn sự thể đã khác rồi! Và con tin nếu được thấy Chúa tận mắt, được nghe Chúa tận tai chắc bác cũng chẳng đòi kiểm chứng làm gì? Đằng này, bác mới chỉ được nghe thuật lại từ miệng của những kẻ “chạy trốn” chẳng hơn gì mình thì con thấy những đòi hỏi ấy cũng không có gì là đáng trách. Con vẫn đứng về phía bác cho dẫu câu chuyện năm xưa đã thành một giai thoại, mà xung quanh một giai thoại thì luôn có muôn vàn cách nhìn nhận, có thể là tốt xấu hay dở nhưng con nghĩ điều quan trọng là mỗi người sẽ rút ra được thông điệp gì từ giai thoại ấy để giúp bản thân sống đức tin chân thật và tốt lành hơn?

Bác biết không? Bác được mọi người nhắc đến nhiều lắm, không chỉ trong Tin Mừng thôi đâu nhưng còn đi vào cả thơ ca nhạc đạo nữa kìa! Không phải để châm biếm nhưng là để dạy người, dạy đời bài học về Đức tin. Thay cho mọi người, con muốn cám ơn bác thật nhiều! Dù vẫn có những kẻ khoác cho bác cái biệt danh “Tôma cứng lòng”, “Tôma kém tin” thì bác cũng đừng buồn nhé!


Con thấy trong Tin Mừng, Chúa còn chưa phiền trách gì về sự cứng lòng tin của bác, vậy chẳng có cớ gì mà những kẻ hậu thế lại có quyền bỉu môi chê trách bác thế này thế khác. Con thấy khi sống với các bác tông đồ, với dân chúng, Chúa luôn tế nhị, hiền lành và yêu thương. Sau khi Phục sinh Người cũng cư xử như thế với những kẻ thuộc về Người ở trên thế gian. Bằng chứng không đâu xa ngay trong lời Chúa nói với bác hôm ấy, một lời nói nhẹ nhàng cho sự cứng lòng tin có vẻ hợp lý của bác: “Vì đã thấy Thầy nên anh mới tin, phúc thay những người không thấy mà tin”. (Ga 20,29); và Người còn cho phép bác xỏ tay vào lỗ đinh và cạnh sườn Người nữa… Thú thật có lúc con cũng đã tưởng tượng rằng khi bác thốt ra cái điều kiện kia biết đâu nó sẽ làm vết thương lòng của Chúa rách toác đau hơn. Nhưng con lầm rồi, vì Chúa luôn thấu hiểu đức tin của con người hơn ai hết, vì thế Chúa vẫn luôn yêu thương loài người không ngừng…
Con nghiệm ra rằng: Đức tin của bác hay đức tin của con và hàng tỷ người trên thế gian này vẫn chỉ là niềm tin của những con người trần thế bé bỏng, nó chịu tác động của hoàn cảnh và chập chờn trước sóng gió cuộc đời. Và hơn ai hết tất cả chúng ta cần được Thiên Chúa nâng đỡ. Con biết bác cảm nhận điều này rõ hơn con nhiều nên bác mới thốt lên “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20, 28) đầy xác tín như thế! Con còn rút ra từ thực tế một điều nữa là: Người cứng lòng tin một khi đã tin thì tin rất vững, còn kẻ quá dễ tin thì không khéo lại dễ đánh mất niềm tin hoặc họ cũng dễ dàng tin những điều khác khi chưa đủ nền tảng. Mà thưa bác, thời đại con đang sống hôm nay thiếu gì những ngôn sứ giả, những giáo lý sai lạc… Vậy ra mẫu người có tính thực nghiệm như bác cũng thật đáng học hỏi lắm chứ! Nói tới đây con chợt hiểu ra tại sao các nhà khoa học công giáo lại nhận bác Tôma làm bổn mạng, lần nữa con cám ơn bác đã để lại cho đời một tấm gương.

Trên con đường dấn thân để làm tông đồ cho Chúa, sau nhiều suy tư con thấy rất thích những đức tính của bác và coi đó như một bài học cần thiết để tập sự phán đoán và lời nói của mình sao cho có giá trị và đáng tin hơn, sự đáng tin không chỉ đòi hỏi tính chân thực mà còn đòi hỏi sự chính xác và chắc chắn. Vì con người trong thế giới hôm nay luôn đòi “nói có sách, mách có chứng” dù biết đức tin không phải đến từ những thứ ấy, nhưng là người tông đồ mang sứ điệp Kitô giáo đến với người khác cũng cần lắm thứ tinh thần thực nghiệm phải không bác?

Ở gần Chúa, xin bác cầu bầu cho con và những người tông đồ trong thời đại thực dụng hôm nay có đủ sức thiêng để sống và thi hành sứ vụ theo “di chúc” của Chúa – “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16, 15). Con cám ơn bác!

Kính thư

Con:
Anna Bích Hạt