Vẫn chuyện lời lãi thế gian

Quang X Nguyen

Tôi có người anh họ, ỡ thuở thiếu thời sống rất cơ cực. Mới 6, 7 tuổi đã phải ra đồng mò tôm bắt cá, phụ đợ cha mẹ trong cộng việc đồng áng. Khi khôn lớn, hoàn cảnh gia đình anh không hơn gì các gia đình khác. Chính mắt tôi, đã thấy cái cảnh anh vừa đóng rương mộc, vừa học bài. Cuối cùng, anh cũng được đền bù xứng đáng, với mảnh bằng bác sĩ nắm trong tay. Cuộc sống gia đình vì thế khấm khá hơn.


Sang đến Úc, hoàn cảnh thay đổi, anh đã không còn cơ hội để tiếp tục nghề “lương y như từ mẫu” nữa, mà phải thức khuya lặn lội kiếm kế sinh nhai, nuôi gia đình còn lại bên nhà. Mỗi khi có cơ hội gặp anh, tôi vẫn nghe anh nói về những thành công trong quá khứ. Nhưng sau đó, là những than vắn với thở dài, nào là: Chúa ban cho anh quá nhiều, mà anh chưa làm được gì sinh lợi cho Ngài.

Giờ đây, tóc đã ngả màu, anh vẫn cứ cặm cụi trong lao động và tìm khuây khoả bên ánh đèn mờ, có tiếng chuông. Điều chua xót tôi chợt nhận ra: anh không lười biếng, nhưng suốt ngày chỉ biết than thở mà quên đi những việc đang chờ đợi mình. Thay vì thế, anh lại đi tìm quên lãng trong ánh đèn mờ có tiếng chuông reo.


Có người, làm việc cũng hăng say. Công tác cộng đồng nào cũng có mặt. Không những, họ chỉ cống hiến tài năng, tiền của mà còn động viên các thành phần trong gia đình cùng tham gia. Tuy nhiên, khi gặp chuyện “bất bình”, đụng chạm “cái tôi”, đã không chấp nhận được mọi thử thách, bèn kéo bè lập phái, cốt tìm những sơ hở của người khác, để buông lời chỉ trích, rất cau nghiệt. Thiếu bác ái. Thậm chí, còn dùng quyền hành mình có để cấm đoán hoặc ngăn ngừa con cháu tham gia công việc mà trưóc đây mình vẫn thúc giục mọi người làm. Họ cứ tưởng chỉ mình mới có thể hoàn thành tốt công tác mà hiện nay mình không còn vương víu, bận tâm.

Những trường hợp như thế không thấy thiếu trong cuộc sống. Chẳng cần đợi đến lúc phải “quá khóa” như các thánh tử đạo hồi xưa, mới biết mình phải đối diện với các đòi hỏi triệt để trong Tin Mừng, mà chọn cách đầu tư cho Nước Trời. Trung tín với Tin Mừng, không thể mang thái độ nửa vời: vừa đầu tư cá nhân vừa cho gia đình mình mà thôi; hoặc tệ hơn, có những người sẵn sàng hiến thân người để thăng tiến một mình mình.


Tin Mừng về những nén bạc, Chúa muốn nhắc nhở: không ai được tạo dựng giống hệt như người khác. Mỗi người có nét vẻ riêng. Tuy nhiên, mọi người đều được mời gọi làm giàu và thăng hoa những gì mình đang có. Người được một nén, không nhiều như người được năm nén. Đó là điều thật rõ nét. Nhưng, một nén là tất cả những gì anh ta cần. Nói khác đi, mỗi người đều quan trọng và có chỗ đứng riêng trong tim của Chúa. Và, có cùng bổn phận phải chu toàn, trong chương trình Ngài đưa ra. Điều quan trọng, không ở việc nhận nhiều hay ít, nhưng ta nên sống thế nào để phù hợp với những gì được trao ban hầu rạng Danh Chúa.



Người có một nén, cũng cùng một cơ hội như người được năm nén. Nhưng, ông chọn kiểu đem giấu đi. Đó là điều tệ hại. Tệ hại, là ta tưởng rằng những gì mình nhận lãnh để đầu tư vào “cái tôi” cho nó phình to ra. Phình đến độ, ta cứ nghĩ chỉ mình “tôi” mới làm được chuyện này, việc nọ. Phải chăng “cái tôi” và những tham vọng gồm tóm trong đó, đã thay đổi vị trí của Chúa trong cuộc sống của mình? Thay đổi những việc ta đang làm? Thay đổi là thay vì làm rạng Danh Chúa, thì bằng mọi cách và mọi phương tiện, ta làm chỉ để mình được tôn vinh. Như thế, Chúa đã bị chôn vùi trong chính “cái tôi” của ta.


Ngày nay, khi trao “bài sai” cho ai, các đấng bản quyền thường định rõ công việc người ấy phải chu toàn. Như trong dụ ngôn nén bạc, khi trao cho người làm công, ông chủ không trao cho họ bài sai nào rõ ràng, hết. Điều này có nghĩa: ông chủ tôn trọng tự do của người nhận nén bạc. Dù có tự do làm như thế, ông vẫn không lạm dụng quyền tự do của mình để làm giàu bản thân. Bởi, biết chắc một ngày nào đó, ông chủ sẽ tra vấn điều mình làm.

Cách sinh lợi của người nhận năm nén bạc, khiến ta nghĩ đến các doanh thương ngày nay. Ngoài khả năng tính toán đầu tư, họ vẫn phải liều lĩnh. Liều, không phải bạ đâu cũng đầu tư, nhưng họ vẫn khôn như con rắn và hiền như chim bồ câu, mỗi khi cần.

Là tín hữu, ta được mời gọi hành xử một cách tự do, có vốn liếng đã trao cho mình. Tự do, khiến ta liều lĩnh chấp nhận thua thiệt để trung thành với đòi hỏi triệt để của Tin Mừng. Liều, trong tin yêu vào Chúa là đức tính cần thiết ta phải có. Liều, để làm chứng cho Tình yêu Chúa ngập tràn nơi cuộc sống của ta. Hành vi của lòng tin được đánh giá bằng lòng mến và việc thiện ta làm, như thánh Giacôbê viết: “Giả như anh chị em không có áo che thân, không đủ của ăn hằng ngày, mà anh chị em lại nói với họ: hãy đi bằng an, mặc cho ấm, ăn cho no, nhưng lại không cho họ thứ họ đang cần, thì nào ích chi? Cũng vậy, đức tin không có việc làm quả là đức tin chết”. (Gc 2: 15-17). Và hành động lòng tin mà không dựa trên lòng mến thì cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèn. (1Cr 13:1).

Viết dòng này, tôi nhớ có đồng nghiệp đã chia sẻ về tình yêu, lòng mến, hành vi bác ái, cho đi… trong buổi nguyện cầu nọ. Ngôn ngữ anh dùng thật bóng bẩy. Tuy nhiên, phía sau lời bay bổng ấy, tôi nhận ra nỗi đắng cay của kiếp người. Lời lẽ, ngôn từ anh dùng đã đi quá xa, vẫn là những lời mời gọi, lạc lõng. Chính vì thế, anh chạm vào nỗi đau của chính anh, của tôi và có thể của bạn nữa. Quả vậy, suy tư về lòng mến là suy nghĩ về sự không cùng của Thiên Chúa. Việc này vượt quá giới hạn của ngôn ngữ. Vượt lên trên cả những gì thuộc về trần thế, để ta vươn tới cõi vĩnh hằng, nơi mà thánh Phao-lô có nói đến trong bài ca đức mến: “hiện nay đức tin, đức cậy và lòng mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến.” (1Cr 13: 13)

Trong đời thánh An Phong, đấng sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế, ngài tha thiết có một điều, và điều này ngài đeo đuổi cho đến ngày cùng cuộc sống, đó là: “Hãy yêu mến Chúa Giê-su.”

Mừng lễ tử đạo Việt Nam hay tất cả các thánh, ta không thể phủ nhận gương can đảm chấp nhận khổ hình và lòng trung tín, của các ngài. Tuy nhiên, thật thiếu xót nếu ta chỉ nhấn mạnh đến nét hào hùng, gương can đảm, đến cực hình các ngài gánh chịu, mà quên đi động lực chính đã giúp các ngài đi đến cùng đích, đó là: lòng yêu mến Chúa Giê-su, rất hăng say.

Dĩ nhiên, tử vì Đạo là cái chết dũng cảm. Nhưng, nét oai hùng ấy, vẫn có thể tìm thấy nơi các vị anh hùng của đất nước. Dân tộc ta đã có biết bao nhiêu là người từng hy sinh cho quê hương bằng cái chết hào hùng, quả cảm như thế. Nhưng, có hy sinh cách mấy cũng chỉ làm cho mình trở nên anh hùng mà thôi. Còn, những gì làm cho các thánh ở đây, nhất là các vị tử vì Đạo, được trở nên thánh thiện đáng kính phục, lại chính là lòng mến.

Có yêu mến, các thánh mới từ khước được tất cả. Và chấp nhận chết cho tất cả. Thật vậy, mọi nhận thức thấu hiểu về giáo lý hoặc tín điều về thiên Chúa nơi các thánh, thật ra vẫn nông cạn. Các ngài không có được các suy tư cao siêu về thần học. Nhưng khi trở thành tín hữu, các ngài đã yêu mến Chúa bằng tất cả con người mình. Đỉnh cao của tình yêu nơi các ngài, được thể hiện qua việc chấp nhận cái chết, hầu noi gương Chúa Giê-su hiến thân, mà tỏ bày lòng yêu mến tuyệt hảo của Thiên Chúa, cho nhân loại.

Không ai có thể tìm được nơi sử hạnh của các thánh Tử vì Đạo, trong giờ phút chờ chết, những lời thốt ra thật cay đắng, hoặc nguyền rủa kẻ giết hại mình. Trái lại, các ngài vẫn luôn có nụ cười. Luôn tỏ bày niềm vui. Và, luôn an ủi người khác. Sau cùng, là việc các ngài thứ tha cho kẻ giết hại mình.

Sống đến tận cùng lòng mến và chấp “bài sai” như một thách đố của lòng tin, để rồi trong cuộc đời thường nhật, ta luôn trung tín. Và, để ta làm giàu hơn thêm, những gì Trên đã trao ban, là: hãy sống ơn gọi tử vì Đạo. Sống cho Đạo, thì cũng phải dám chết cho Đạo, có thế mới đúng với “bài sai” Chúa gửi đến cho mỗi người.

Như các thánh sống vì Đạo và chết cũng vì Đạo, Thiên Chúa vẫn phán: “Hỡi con yêu dấu, con đã trung tín trong việc nhỏ, ta giao phó; thì giờ đây, ta sẽ đặt con trông nom việc lớn hơn thế. Hãy vào mà hưởng niềm vui trọn vẹn, với Ta.”

Đó là “bài sai’ Chúa vẫn gửi đến mỗi người và mọi người, hôm nay. Ở thời đại này. Chuyện còn lại là của mỗi người. Có nói lời xin vâng và thực hiện “bài sai” ấy hay không, việc đó tuỳ mỗi người.

Chúa vẫn đợi nơi ta, câu trả lời thân thưong, đích thực. Như các vị hiển thánh và tử đạo đã làm.