Ông cố

Quang X Nguyen

ÔNG CỐ

hình minh họa

Chẳng biết tự khi nào người ta đã dành cho những người cha có con đi tu một tên gọi chung: “Ông cố”. Người cha cũng có thể trở thành “ông nội” hay “ông ngoại’ lúc gả chồng, dựng vợ cho những đứa con. Nhưng dù ở cương vị nào thì người cha vẫn thật hạnh phúc vì “triều thiên của người già chính là đàn con cháu.” (Cn 17,6) Vào một ngày đẹp trời trong tiết đầu thu, tôi cảm nhận rõ cái phần phúc ấy của một ông cố vừa được Chúa đón về. Ông cố như một gốc cây cổ thụ được bứng đi nơi khác, cho một kế hoạch mới của Thiên Chúa. Người xưa nói: “Sự tử như sự sinh”, và trong đức tin, ông cố thực sự được sinh ra lần thứ hai. Cái chết không chấm dứt sự tồn tại là thế!

Tôi may mắn được gặp ông cố đôi ba lần, dù sức khỏe có dấu hiệu yếu đi, tay chân ông có vẻ chậm chạp và đôi tai luôn phải gắn máy trợ thính. Nhưng trên gương mặt ông cố, đôi mắt vẫn thật tinh anh, đầu óc vẫn sáng suốt minh mẫn. Tôi mỉm cười tự nghĩ “chắc nhờ ông cố đọc nhiều báo công giáo và dân tộc đây mà!”. Và quả thực là ông cố rất ham đọc sách báo để theo dõi tin tức của Giáo Hội. Ông cố luôn trả lời những người đến thăm bằng cách viết lên giấy. Dù không nghe được nhưng dường như không bao giờ thấy ông cố bực bội hay phiền hà vì điều ấy. Hơn nữa ông rất tự tin với cuốn tập và cây bút. Cuộc trò chuyện trên giấy của ông với mọi người không kém phần lịch sự và trân trọng, chẳng thiếu sự đơn sơ và những dí dỏm, hài hước. Lần cuối, lớp chúng tôi đến thăm ông là lúc hay tin ông phải chạy thận. Ông kể về tình hình sức khỏe của mình và luôn xác tín rằng ông còn ngồi tiếp chúng tôi được, đó là một phép lạ của Chúa. Ông cố không ngừng xin chúng tôi cầu nguyện để sẵn sàng đón lấy mọi sự Chúa muốn. Một con người cắm rễ sâu trong đức tin và thuộc về Chúa rồi thì thánh giá bỗng trở nên thật nhẹ nhàng.


Như tác giả sách Thánh vịnh có nói: “Đức Chúa đã làm xong việc thuộc về tôi”, tôi tin Chúa cũng thực hiện xong điều Ngài muốn trong hành trình đời làm Kitô hữu của ông cố. Chắc chắn, trong hành trình ấy chẳng thiếu những gian nan thử thách, nhưng lòng cậy trông vào Chúa mà ông cố mang theo trong mình chính là nền tảng để ông đi trọn hành trình, giữ vững đức tin cho mình và truyền thông đức tin cho người khác. Ông cố đã cụ thể hóa lời tạ ơn Thiên Chúa bằng cách dâng ba người con cho Ngài. Để hôm nay, trên “cánh đồng” của Giáo Hội có thêm những thợ gặt nhờ một người cha quảng đại và khéo léo vun trồng.

Chúng con xin gửi về Trời câu chuyện ngắn như một nén hương lòng cảm ơn ông cố, một tấm gương Chúa gửi dạy chúng con.

Truyền thuyết có kể rằng: Sau khi ông Tôbít qua đời, ông Tôbia sống đến 99 tuổi, bên giường bệnh, lúc hấp hối, người con trai ông đứng khóc lóc vì thương cha mình đang phải chịu những cơn đau quằn quại. Nhưng Tôbia không rên rỉ một lời mà bình tĩnh lạ lùng. Con trai ông ngạc nhiên hỏi: Sao cha có thể thản nhiên đến thế, trong khi thể xác cha đau đớn và cái chết gần kề? Tôbia trả lời. Cha đã từng kể cho con nghe cuộc hành trình từ Ninivê về đất Mêđia của cha, cuộc hành trình mà ông nội con đã muốn cha thi hành, khi ấy cha còn là thanh niên, sau khi cha đã làm theo ý ông nội, Chúa thương cha nhiều lắm. Nhưng cuộc hồi hương quá vất vả, cha phải vượt qua sa mạc nóng bỏng và leo những con dốc cao lởm chởm. Lúc đó ý nghĩ về ông nội và quê hương đã làm cha phấn khởi, đôi chân dã dời như dắn chắc lại, và cha đã về đến nhà, ngả vào vòng tay ông nội…”


Lạy Chúa! Chúng con cảm tạ Chúa đã cho ban cho thế giới này những người cha, những ông cố… để mỗi người góp công xây dựng Hội Thánh Chúa theo cách Chúa muốn.

Bích Hạt