Giáng sinh - phiếm của Song Thao

Quang X Nguyen

GIÁNG SINH


Tôi chưa bao giờ thấy bà Claus. Chỉ thấy có Santa Claus. Ông này bụng phệ, râu dài. Dài đến mức độ không thể cho ông ấy ít tuổi hơn cụ Nguyễn Công Trứ được. Cụ Nguyễn Công Trứ sống tới bao nhiêu tuổi? Sách vở cũ đã quằn quại theo ngọn lửa cùng với đợt truy quét “văn hóa đồi trụy” từ ngày cách mạng mới mắt nhắm mắt mở tiếp thu Saigon, nên bây giờ hết cái để tra và cũng chẳng còn cái để cứu gì được. Nhưng cụ có một câu thơ nói tuổi một cách khá tài tình. Ngũ thập niên tiền nhị thập tam. Năm mươi năm trước thì hai mươi ba tuổi. Cứ cho là Santa Claus ngang ngửa với cụ Nguyễn Công Trứ đi. Tuổi đó thì súng ống han rỉ, đạn dược vo lại không biết có còn đủ một viên không. Bà Claus thì lại không có. Làm sao bây giờ cái giống Santa Claus lại sinh sôi nẩy nở dữ dằn đến thế!

Này nhé, ngày tôi còn nhỏ, tuổi còn tin vào một ông già Noel tốt bụng, vậy mà có bao giờ thấy được một ông già Noel bằng xương bằng thịt đâu. Toàn là xem hình vẽ ông già áo đỏ đánh chiếc xe chất đầy nhóc quà do mấy chú nai tuyết sừng như nhánh cây khô tung tăng kéo lướt trên mặt tuyết trắng. Hồi đó ông già Noel là một nhân vật bí ẩn, hành tung cũng bí ẩn, chuyên chờ đêm tối tụt theo ống khói lò sưởi xuống nhét quà vào những chiếc vớ treo trước cửa lò sưởi. Vậy thì hy vọng gì được ông già Noel tới bố thí cho tí quà. Nhà tôi đâu có lò sưởi!

Ngày nay, ông già Noel lềnh khênh khắp nơi. Ngay tại Việt Nam, ông già Noel cũng xuất hiện tùm lum ở các cửa hàng, các party, các thương xá. Lại còn dịch vụ ông già Noel tới tận nhà trao quà cho con nít. Tiện thật, có tiền mua... ông già Noel cũng được!

Ở bên đây thì còn gay cấn hơn. Chỗ nào mà chẳng có. Trẻ em mặc sức ngồi trên đùi ông già Noel vuốt râu chụp hình. Ông già Noel ngày nay dễ tính hơn nhiều. Ông chẳng đòi hỏi phải có ống khói lò sưởi để chơi trò hiệp sĩ hành hiệp giữa đêm khuya. Ông chơi đủ mọi thứ. Trực thăng ông cũng ừ, xe hơi ông cũng gật, nhẩy dù ông cũng OK. Gần nhà tôi có một nhà trẻ giữ các em từ 5 tuổi trở xuống, tuổi đang háo hức với ông già áo đỏ. Một bữa gần Noel, tôi đứng trong nhà nhìn ra thấy một chiếc xe hơi nhỏ xíu, cũ mèm, thùng sau xe gác một chiếc xe đạp xịch dừng trước cửa nhà. Trời mùa đông, tuyết đầy đường, xe đạp nào mà đi được? Từ trong xe, một thanh niên chui ra, khoác vội lên người bộ đồ ông già Noel, độn cái gối vào trước bụng, đeo tí râu, đội chiếc mũ, xỏ đôi giầy trắng đỏ. Xong xuôi, vuốt đi vuốt lại cho tươm tất, kéo chiếc xe đạp xuống, ông già Noel đạp xe tới nhà trẻ, tay cầm quả chuông lắc lắc, miệng cười Ho ho ho, lưng đeo một túi quà. Trẻ em đứng trong nhà, chong mắt qua cửa kính, hồi hộp, la hét um sùm khi thấy bóng ông già Noel. Trẻ em vốn ngây thơ!

Năm nay có cái quảng cáo của The Bay trên TV chơi trò ông già Noel rất nổi. Cả một dẫy phố ngang dọc năm bảy đường đặc kín ông già Noel hàng hàng lớp lớp kéo nhau đi như trẩy hội. Phải có tới hàng ngàn ông già áo đỏ chứ không ít. Sao lại được mùa đến như vậy? Thần tượng đông như kiến. Cứ đi lăng nhăng ở ngoài đường như vậy gặp tai nạn mấy hồi!

Ông Roger Caron đồng ý ngay. “Dù là ông già Noel cũng không được miễn nhiễm tai nạn!”. Cái ông chuyên làm ông già Noel từ năm 21 tuổi tới nay đã 64, về hưu rồi mà vẫn còn ham mặc áo đỏ, đã té nhào từ trên xe ngựa xuống trong khi đang làm nhân vật chính trong cuộc diễu hành của ông già Noel ở Thành phố Laval năm nay. Ông già Noel té nhào xuống, đầu đập xuống đất, máu chảy lênh láng, xương cốt rêm nhức. Xe cứu thương vội đem ông đi nhà thương, khâu đúng mười hai mũi trên đầu, nằm mất hai ngày mới được xuất viện.

Chuyện lạ quá đấy chứ! Nhưng đối với trẻ em, đây là chuyện lớn. Các em chơi đùa lỡ trớn bị té đã đành. Thần tượng già đầu bỗng chơi trò lộn đầu xuống đường chảy máu là chuyện kinh hoàng. Báo chí khắp Canada đưa tin. Trẻ em khắp Canada, từ Đông sang Tây, bị choáng. Điển hình nhất là ở Vancouver. Em Siobhan Desormeaux, 7 tuổi, xin cha mẹ cắt mẩu tin ông già Noel bị nạn, mang vào lớp, nhờ cô giáo đọc cho cả lớp nghe. Cả lớp xúc động đã viết thư, vẽ thiệp chúc ông già Noel mau bình phục gửi đi. Em Siobhan còn lo sợ hỏi cha mẹ liệu ông già Noel có chết được không? Buổi tối, trước khi đi ngủ, em còn dặn cha mẹ coi bản tin giờ chót xem bệnh tình ông già Noel ra sao. Mẹ em có một người bạn làm việc ở một nhà thương ở Vancouver, em dục mẹ điện thoại hỏi bà ta xem có thấy ông già Noel vào bệnh viện không? Trẻ em thật ngây thơ! Và dễ thương!

Người lớn khó thương hơn nhiều. Như ở bên Áo chẳng hạn. Ông già St. Nikolaus, anh em sinh đôi của ông già Noel, đã ngàn năm ngự trị trong những ngày lễ cuối năm. Vậy mà năm nay bị thất sủng. Ngày sinh của Chúa thì ăn nhậu gì tới cái anh già vô duyên này? Cho anh ta đi chỗ khác chơi! Thành phố St. Wolfgang bèn hung hăng đi một đường cấm bán tất cả những gì có hình ảnh cái anh già luồn lọt ăn theo này!

Số phận của Chúa cũng không khá hơn! Hát mừng ca ngợi Chúa thì vào nhà thờ mà hát. Chúa ở trong đó. Còn tại các thương xá, các cửa hàng thì mắc mớ gì mà cứ Đêm Thánh Vô Cùng hết ngày này qua ngày khác? Vậy mà nơi đây lại là quê hương của bài hát bất hủ này, do một linh mục Áo đã sáng tác ra vào năm 1816! Mà việc cà khịa với những bản thánh ca là do Nghiệp Đoàn của những người bán hàng chủ trương đàng hoàng. Họ cho rằng các nhân viên bán hàng trong các tiệm buôn, các thương xá, cứ ra rả phải nghe những bài thánh ca này ngày nọ qua ngày kia trong suốt dịp lễ như bị “khủng bố tinh thần” đến nỗi, vào đêm Giáng Sinh, khi tụ họp với gia đình, họ không thể nào nghe thêm được một lần bài Silent Night hay Jingle Bells nữa mà không phát điên lên. Để tránh tình trạng buồn nôn với nhạc thánh ca, nghiệp đoàn đề nghị chỉ nên cho chơi nhạc Giáng Sinh tại các cửa hàng mỗi ngày một tiếng đồng hồ, từ 3 đến 4 giờ mà thôi. Thật hết biết!

Nhạc Giáng Sinh, những khúc nhạc dẫn dắt người ta về ngày hội mừng Chúa ra đời, về thời gian mà con người cảm thấy thương yêu người chung quanh, dễ dãi cười với nhau, chúc bình an cho nhau trong tình đồng loại. Cứ mỗi lần nghe những âm điệu quen thuộc này, lòng tôi lại bồi hồi. Mùa an bình đã lại tới.
Trở lại Núi Trầu vào đêm Giáng Sinh
Chúng tôi cùng nhau quây quần bên bếp lửa
Đón Noel, chén trà nhãn lồng chia xẻ
Người bạn rưng rưng hát nhạc Dâng Mừng
Ai lấy chiếc thìa gõ nhịp. Đêm Đông...

Nhà thơ Trần Hoài Thư đang ở đâu đây cà? Đêm Noel chỉ có trà nhãn lồng, tiếng hát với chiếc thìa gõ nhịp, những người bạn bên bếp lửa. Núi Trầu? Đó là một trại được mang danh học tập cải tạo. Trà nhãn lồng phải chăng là một loại trà lạ? Lạ thật, nếu không bị lùa vào tù, những giây lá chùm bao này, ai mà thèm để ý tới. Chúng tôi, trong cái túng quẫn, đã cắt những giây lá này, phơi khô làm trà. Uống cho mát. Cũng như chúng tôi đã rủ nhau vác xẻng đi lùng đào hà thủ ô uống cho bổ. Chúng tôi phải tự cứu lấy mình vì nếu bệnh tật, lên bệnh xá, chúng tôi chỉ có một “thực đơn” gồm hai món: xuyên tâm liên và khắc phục. Xuyên tâm liên trị bá bệnh nên chẳng trị được gì cả! Khắc phục diễn nôm ra là... ráng mà chịu!

Đêm Giáng Sinh đầu tiên trong trại cải tạo Long Thành, lũ chúng tôi, được mai mỉa là ngụy quyền, tụ họp từng nhóm với nhau ngoài sân, treo lên cây mấy chiếc lọ thủy tinh đựng chao thắp đèn cầy, trà nhãn lồng chuyền tay nhau, chiếc điếu cầy nằm giữa, chúng tôi không phải là mừng, mà là tưởng tới đêm Chúa Giáng Trần. Chỉ có vài viên kẹo cắt vụn cho đủ mỗi người một mẩu là từ thế giới bên ngoài vào. Còn tất cả là những thứ tự chế trong tù. Chúng tôi ngồi rù rì chuyện trò, nhớ về những đêm Noel trước kia, nhớ về những vui mừng của Đêm Thánh ngày trước, nhưng nhớ nhất vẫn là nhớ những tụ họp gia đình trong Đêm Huyền Diệu này. Ngồi với nhau nơi đây, an bình chúng tôi đã mất, gia đình đã xa xăm biền biệt, Chúa cũng xa vời. Ánh sáng của Chúa thăm thẳm tận đâu đâu. Đằng sau, trước mặt, chung quanh chúng tôi chỉ còn bóng tối. Chúng tôi nhìn nhau trong ánh sáng của những ngọn nến leo lét trong những hũ thủy tinh mờ mờ. Chúng tôi chỉ còn có nhau. Chụm đầu vào nhau, chúng tôi khe khẽ hát, tiếng ca o ép sợ tụi ăng-ten nghe thấy. Chúng tôi hát để an ủi nhau. Những bài hát của quá khứ, của kỷ niệm, những khúc thánh ca chưa bao giờ, trong thời gian ngoài ngục tù, chúng tôi lại cảm thấy thấm sâu vào lòng như vậy. Trong hoạn nạn, chúng tôi mới thấy thật cô đơn.

Con ngẩng mặt: đêm nay trời nạm ngọc
Quê Cha đâu? Đường lối hẹp kinh kỳ
Thuyền vật chất trôi xuôi về địa ngục,
Trong hồn con còn dội bước con đi.

Nhà thơ Tạ Ký đã cô đơn nhìn lên trời trong đêm Giáng Sinh. Đêm đó, chúng tôi chẳng thấy trời, chẳng thấy đất, chỉ thấy hỗn mang bóng tối địa ngục. Đêm đó, khó dỗ giấc ngủ, biết bao nhiêu giọt nước mắt đã lăn thầm trên mặt. Nước mắt đàn ông!

12/2003
Song Thao
http://www.songthao.com/phiem/giang-sinh.htm