Hồi ký 50 năm linh mục của Lm Nguyễn Tự Do, DCCT (kỳ 9 và kỳ 10)

Quang X Nguyen

NIỀM VUI VĨ ĐẠI - Kỳ 9
HỒI KÝ 50 NĂM LINH MỤC


16. NHỮNG NỖ LỰC TRUYỀN THÔNG

Tôi tự tha cho mình nhiệm vụ phải lập cho được nhóm Tông Đồ Truyền Thông, nhưng tôi vẫn tìm cách sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng để hoạt động đem Niềm Vui Vĩ Đại đến những chỗ nào còn đến được.

Tôi luôn khuyến khích anh Đa Minh Đinh Thiện Bản, ca trưởng ca đoàn Tinh Thần, người vẫn tiếp tục làm nhiều việc cho Thánh Nhạc, cách riêng trong việc thu thanh, phát hành các cuốn băng Thánh Ca được phổ biến rộng rãi trên toàn quốc và ngay cả nước ngoài. Linh Mục Nguyễn Văn Tự, tức nhạc sĩ Vương Diệu, cha xứ Nam Hà thuộc Giáo Phận Xuân Lộc, nhạc sĩ Thiên Ân, Vũ Huyến... luôn được tôi ca tụng và khuyến khích trong nỗ lực sáng tác và thu băng Thánh Ca.


Tôi hết lòng khích lệ các ca đoàn tôi được biết: Cécilia, Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Giu-se... Mọi chuyện đã tiến triển vũ bão. Nhớ lại trước kia khi tôi thường phải vác một chiếc máy quay phim Paillard Bolex nặng trịch để ghi lại hình ảnh một buổi lễ trên các phim âm bản bằng nhựa kéo theo bao công đoạn nặng nề: rửa phim, ráp nối, vào tiếng, in ra dương bản... công việc do Video ngày nay thực hiện được thật là kỳ diệu.

17. PHIM VIDEO VỀ DÒNG CHÚA CỨU THẾ VIỆT NAM

Máy quay Video mang nhãn Panasonic PV400 đã có mặt tại Sài-gòn vào thời gian 1990 và nhờ gia đình anh Thọ, cựu Đệ Tử DCCT chúng tôi đã lãnh nhận công tác thực hiện bộ phim về DCCT Việt Nam nhờ sáng kiến và nâng đỡ của cha Giu-se Cao Đình Trị, lúc ấy làm Phó Giám Tỉnh. Năm 1990, trên một chiếc xe Land Rover cũ kỹ của Nhà Dòng, toán thực hiện khoảng 8 người, với tài xế Trương Minh Tâm rất thành thạo vui tính đã lên đường “xuyên Việt”, đi đến các trụ sở DCCT trên cùng khắp Việt Nam để thu hình, lấy tài liệu khả dĩ làm được cuốn phim Gia Đình An Phong trên Đất Việt bằng tiếng Việt Nam và cuốn: Les Rédemptoristes au Viet Nam bằng Pháp Ngữ.

Mặc dầu được thuận lợi nhờ cuộc đua xe đạp toàn quốc Nam Bắc mà anh Trương Minh Tâm là một thành viên ban tổ chức, đi đứng có phần dễ dàng, nhưng cái khó vẫn có đó. Không phải chỗ nào cũng đến được và lúc nào cũng có thể giơ máy lên lấy hình. Nhà ông Đốc Sắc ở Phủ Cam do bộ đội chiếm đóng không thể nào lấy hình được, Châu Ổ cho người phất tay ra hiệu đừng ghé, Tây Nguyên phải bỏ máy vào gùi, phải mau lẹ, nhiều chỗ đòi phải có giấy phép, và hồi hộp nhất là chuyến trở về từ Hà Nội sau khi cha Chân Tín “ba ngày sám hối”. Cha Lê Viết Phục không dám cho ngủ lại ở Tùng Lâm. Chỉ vào Phú Dòng có vài phút, lúc đi ra, vừa tới quốc lộ, Công An chặn lại: ”DCCT đi liên lạc phải không?” Trên xe có mấy thùng sách Kinh Thánh trọn bộ Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn cho làm quà với lỉnh kỉnh máy móc đủ loại. Về đến Sài-gòn vào đêm khuya. Mấy ngày không dám về Nhà Dòng vì cha Chân Tín mới “đi đày” ở Cần Giờ.

Với rất nhiều hồi hộp, lo lắng, mất ngủ, cuốn phim được dựng và vào tiếng. Ráp phim qua hai đầu máy không tránh được nhiễu hình. Vào tiếng nhờ một người khác có trang bị và kinh nghiệm hơn nhưng lại trong môi trường không được yên tĩnh. Nhạc đệm lấy từ những băng ghi của ban nhạc có sẵn. Một bản ráp vội dài đến 6 tiếng để cha Tổng Cố Vấn Hechanova có thể xem qua với lời bình sống. Phim đầy đủ với tiếng Việt được hoàn thành và chiếu cho Nhà Dòng xem. Nhiều người nhờ đó mà biết được nơi ăn chốn ở và việc mục vụ của anh em trong Dòng trên khắp Việt Nam.

Nhiều người vẫn chưa biết được những gian nan mà đoàn làm phim đã phải trải qua và họ có lý khi cho rằng hình ảnh có đoạn thiếu nét và rung. Nếu anh em hiểu rằng đã có những đoạn mà chuyên viên không lấy hình trên vai được mà phải ấn máy rồi xách nó ngang đầu gối để hy vọng quơ qua quơ lại “chụp” được những cảnh mong muốn. Rất ít trường hợp chúng tôi có thể để máy trên chân để lấy hình ảnh “ung dung” theo ý muốn và đòi hỏi kỹ thuật. Phải luôn luôn gọn nhẹ “đánh mau, rút lẹ”, lắm khi chỉ ngồi trong xe chõ ống kính ra và lấy từ xa vì sợ bị phát giác và... bị tịch thu máy móc.

Nhờ sự tận tâm và phương tịên của gia đình anh Thọ, sự tháo vát của anh Trương Minh Tâm mà cuộc hành trình và công tác thu hình đã được kết quả tương đối khả quan, khả dĩ đủ điều kiện để đưa lên phim tất cả các cơ sở và khuôn mặt của hầu hết các nơi và khuôn mặt của anh em đang hoạt động ở khắp mọi miền đất nước.

Những anh em sống cô đơn một mình một chiếu như cha Giu-se Vũ Ngọc Bích tại Hà Nội, cha Giuse Trần Hữu Thanh tại Trần Nội, Hải Dương, các cha xứ miền Vĩnh Long, Cù Mi, Tân Châu... các cộng đoàn nhỏ bé trong các toà nhà lớn lao như Huế với 2 cha già Mi-ca-en Nguyễn Đình Lành, Phê-rô Nguyễn Hoàng Diệp thay nhau làm Bề Trên “in aeternum” hay ở Nha Trang chui rúc trong căn nhà nhỏ bé sau khi bị mất cơ sở vốn đầy đủ tiện nghi được biến thành khách sạn Hải Yến. Chúng tôi, có cha Hilario Nguyễn Gia Tước, thầy Lê Chiếu Khắp (nay đã là Linh Mục) đã rất vui mừng, và anh em sống rải rác đó đây cũng vui mừng được gặp nhau, nói và nghe kể về những công việc mục vụ do hoàn cảnh đưa đẩy.

Cảm tưởng đầu tiên và chung chung của chúng tôi là hầu hết không ai trong các anh em mình sống sung túc đầy đủ. Hầu hết còm nhom và khắc khổ, quần áo đơn sơ, thiếu thốn mọi mặt, khó khăn chồng chất lúc nào cũng phải thận trọng, đề phòng, cảnh giác. Lắm khi chúng tôi không tìm được chỗ tạm trú qua đêm vì đủ mọi lý do mà căn bản vẫn là ngại ngùng, rắc rối và gây nhiều phiền lụy cho anh em. Các cha vùng Tây Nguyên sau đó đã cho biết rằng sau khi chúng tôi rút lẹ thì các ngài đã bị... hỏi han !

Khó mà hình dung được những khó khăn mà đoàn làm phim đã gặp từ mọi phía từ vấn đề ăn uống, ngủ nghỉ, xăng nhớt. Thời gian đó, không có cây xăng nào trên đường. Lắm khi chúng tôi đã phải bóp bụng mua một can xăng 10 lít mà phải trả tiền 15 lít, vì theo người bán ở vùng từ Đồng Hới ra: “can 10 lít nở ra là 15”. Chúng tôi nhắm chừng thu gom qua những nơi có thể mua xăng mà chúng tôi gọi là “cây xăng gạch”, vì người ta chỉ để một cục gạch để làm dấu điểm. Trên đường tìm chỗ đổ xăng, chúng tôi nhớ đến thầy Tôma Như. Thầy đã cẩn thận đổ đầy xăng và còn cho thêm một can 20 lít dự trữ. Có vào thời điểm đó mới hiểu đươc chứ đâu có như trước kia nữa và hiện nay, cây xăng ở miền Nam sát sạt trên đường.

Chúng tôi được Bề Trên cho 3 triệu đồng chi phí. Chúng tôi đã mua đồ hộp và lương khô. Vì trên đường, nhất là từ Huế ra, mỏi mắt cũng không tìm được một cái quán ăn. Đường xá thì hư hỏng và chiếc xe 4 cầu lắm khi đã phải tận dụng tất cả sức mạnh để vượt qua lầy lội, đá tảng và đủ thứ ổ gà, ổ trâu, ổ voi, ... chiếc xe “già” nghỉ hưu đã cả mấy thập niên không làm cho chúng tôi sợ hãi, mặc dầu chỉ đến Nha Trang trong ngày đầu tiên mà một bánh nổ, đến Đà Nẵng là bánh thứ hai nổ, ăn mòn số tiền dự trữ của đoàn. May thay, nhờ quen biết, anh Trương Minh Tâm đã ghé nhà quen cho chúng tôi ở nhờ... miễn phí...

Có đạo hay không, người ta đón tiếp chúng tôi rất chân tình lại còn được có nơi cho ăn trong thời buổi gỗ quế gạo châu của thập niên 90 chưa “đổi mới”. Anh Trương Minh Tâm là người đã tạo nhiều điều kiện tốt cho thành công nhờ sự quen biết, tháo vát, lanh lợi, thông minh và tài nghệ của anh. Anh luôn gắn bó với Nhà Dòng. Anh nêu gương sáng cho tôi vì tinh thần biết ơn và tấm lòng tế nhị của anh: thích nghêu ngao những bài của đệ tử ngày xa xưa, nhắc nhở đến các cha Canada, nhất là cha Eugène Larouche, Camille Dubé và tỏ ra thích thú được nhớ lại những chú đệ tử xưa đã từng là CP, CN, CH... tôi cũng nhận thấy tinh thần truyền thống hiếu thảo của người Việt Nam.

Khi đi qua Nha Trang, anh xin tôi cho anh ghé thăm mộ ông thân. Chúng tôi thấy đi theo anh là một việc hợp tình hợp lý. Vừa đến nơi, anh quỳ gối hôn ngôi mộ một hồi lâu và cầu nguyện. Tôi đã từng biết ông Trương Văn Huế vì những gì ông đã làm tại Huế và cũng đã có những lần nói chuyện với các cha lớp tôi năm thứ bảy ở Đà Lạt và cả những anh em dự khoá Nhà Tập II tại Đà Lạt.

Luôn tiện nói đến vấn đề này gợi cho tôi hình ảnh rất đơn sơ và cảm động vị Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II quỳ trước ngôi mộ của cha mẹ mỗi lần trở về công du mục vụ Ba Lan. Chiếc áo trắng ấy đã quỳ ngay trên đất. Nét đẹp của những tâm hồn hiếu thảo, xứng đáng được sự chúc lành của Chúa. Đang thời gian còn bệnh chưa đi đứng được, tôi nháng thấy đăng trong báo Công Giáo và Dân Tộc tin về cái chết của anh Trương Minh Tâm với lời cám ơn những người đã đến chia buồn, cầu nguyện. Tôi tiếc là đã không đến viếng anh lần cuối và chia buồn với chị Tâm và gia đình, ít là để cám ơn anh vì đã hợp tác với Nhà Dòng, tận tình mà không nhận thù lao bồi dưỡng gì.

Bao công lao, liều lĩnh, bao bữa ăn qua loa bên vệ đường, bao hồi hộp và công sức của chúng tôi không đem lại cho chúng tôi lợi lộc, vật chất và tiền bạc gì, nhưng chúng tôi đã nhận được niềm vui vì đã được dịp để gợi lại những khuôn mặt thân yêu và tô đậm nét những người anh em của tôi trong Dòng vẫn bám trụ để tiếp tục “làm chứng nhân Tin Mừng” giữa thời đại theo tự nhiên chẳng mấy phấn khởi này. Tôi muốn góp tiếng nói biết ơn yêu mến đối với các Thừa Sai Canada là những người đã hy sinh tất cả để đến đất nước nghèo nàn lạc hậu Việt Nam, đem tiền của của quê hương và thân thuộc họ, công sức của các thành phần ưu tú nhất trong Tỉnh Dòng Canada, đến cả mạng sống để thành lập DCCT tại Việt Nam. Điều càng thúc đẩy chúng tôi là vì nhận thấy thế hệ trẻ không biết đến cái quá khứ ấy hay ít là không biết gì lắm về những vị tiên phong lập Dòng tại Việt Nam vì nhiều lý do trong ngoài.

Tôi cũng nghe phong thanh rằng giữa Tỉnh Mẹ Sainte Anne và tỉnh Con Việt Nam, bầu không khí lấn cấn sao đó. Tôi chỉ là “tép riu” trong Dòng, làm được cái gì! Chúng tôi đã nhận được phần thưởng khi cha FX. Trần Tử Nhãn về thăm quê hương. Ngài nói với tôi và cũng nói với nhiều người rằng: bầu không khí tốt hẳn lên sau khi cuốn phim: “LES RÉDEMPTORISTES AU VIET NAM” qua đường Roma đã được đem đến Canada. Tôi vẫn không biết Tỉnh Dòng Việt Nam có gửi thẳng cuốn phim cho Canada hay không nhưng chỉ biết là ở Nhà chính Roma đã nhân bản và gửi sang Tỉnh Sainte Anne.

Tôi lại được niềm vui nữa khi phái đoàn Tỉnh Mẹ sang Việt Nam và được nghe chính cha Laurent Proulx, quản lý Tỉnh tìm biết người đã thuyết minh phim và đã có lời tỏ lòng quý mến cảm phục. Tại Việt Nam, chúng tôi không được nhận những lời khích lệ như thế. Mặc dầu đề phim rõ như mặt trời: “Gia Đình An Phong trên Đất Việt” và được công bố giờ chiếu mời tham dự, cha Giám Tập đã nghiêm chỉnh hỏi tôi: “Anh có biết nội dung gì không? Tôi cần biết để cho Nhà Tập tham dự hay không !”

Nhận thấy sức hấp dẫn của phương tiện Video mà cách đây ít năm, khi thảo Pháp Quy Đời Sống chưa có, tôi cố gắng đeo đuổi, với sự hợp tác của một số người.

Trong thời gian đầu phải kể đến anh Thọ và các con. Anh là cựu Đệ Tử. Với chiếc máy Panasonic PV400, anh và người con đã theo chúng tôi. Chúng tôi chưa ai biết sử dụng Video, nên kính nhi viễn chi, nể lắm! Tất cả các cuốn băng cassette Video quay trong dịp này đều bằng máy PV400. Sau này, ông Vĩnh Hậu thường cho tôi mượn máy PV530 mới hơn, có kỹ xảo hấp dẫn hơn, nhưng không ai chịu đưa mặt ra. Chính tôi vác chiếc máy ấy vào Nhà Thờ quay một số tài liệu sống, tình cờ “chơi” luôn Linh Mục Chân Tín giảng 3 bài về sám hối. Việc này xảy tới trước khi hành trình và là lý do để chúng tôi gặp đôi khó khăn khi trở về như đã nói ở trên. Nhưng phần lớn các cuốn phim đều quay bằng PV400.

Ông Vĩnh Hậu có hứa sẽ cho chúng tôi một máy PV530, nhưng chưa kịp thi hành thì ông đã lâm bạo bệnh và qua đời. Chúng tôi chỉ còn máy PV400 để thực hiện toàn bộ phim về Nhà Dòng cũng như nhiều chương trình khác tiếp theo.

Lm. NGUYỄN TỰ DO, DCCT ( Còn tiếp nhiều kỳ )

NIỀM VUI VĨ ĐẠI - Kỳ 10
HỒI KÝ 50 NĂM LINH MỤC


18. CÁC THỰC HIỆN KHÁC

Vì vẫn thấy các phương tiện truyền thông là dụng cụ loan báo Tin Mừng, nên tôi tận dụng mọi dịp để “GIẢNG” qua những phương tiện đó. Với một số người hợp tác: Thy Phương, Mỹ Dung, Thảo Hiền, Phương Thảo... , chúng tôi làm thành một nhóm “chuyên quay Video” các lễ cưới, lễ an táng, xuất cảnh, du ngoạn... và thường xuyên thâu hình tất cả các buổi sinh hoạt của chương trình “GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC” do cha Cao Đình Trị và thân hữu tổ chức vào mỗi Chúa Nhật.

Người ta có vẻ thích nhóm “con gái” quay phim, tôi thì chỉ có một cái khoái, đó là lợi dụng tất cả để “thuyết minh”. Tôi nói về mọi vấn đề, tuỳ theo nội dung cuốn phim cho phép. Tôi tự an ủi mình vì mặc dầu bị cấm làm Mục Vụ, không được giảng dạy và dâng lễ một mình công khai, tôi vẫn tiếp tục “giảng” được. Tôi thích thú nghĩ rằng: sẽ có mấy trăm người, có khi mấy ngàn người sẽ xem phim, sẽ nghe tôi nói... Có những cuốn phim được nhân bản lên cả vài chục và được gửi cả sang nước ngoài. Không còn phải “trên các nóc nhà” nữa, mà vượt cả biên giới quốc gia, theo sự đưa dẫn của Chúa.

Các máy dựng chưa có. Nhớ lại mà thương! Để cho chữ chạy một cách hấp dẫn, cha con hì hục viết trên các tấm nylon, “sáng chế” ra cả một dàn để kéo chữ đi và... thu hình. Nếu lúc này mà còn giữ phim để coi lại, chắc những người nhờ chúng tôi cũng không hiểu tại sao “ngây ngô” và “ thủ công” đến như thế á nếu không đánh giá là “kém” quá. Văn minh, kỹ thuật tiến mau khó lường được.

Với thời gian, với những máy móc tốt hơn, chúng tôi đã nhận và thực hiện nhiều cuốn băng Video lớn: 6 cuốn về La Vang đã góp phần lớn trong việc đem hình ảnh Mẹ La Vang đi khắp nơi. Nhiều phim về khấn Dòng, về các lễ phong chức Linh Mục và Giám Mục. Những trung tâm hành hương như Tao Phùng, đài Đức Mẹ Bãi Dâu Vũng Tàu, các cuộc thăm viếng mục vụ của các vị Giám Mục, khánh thành Nhà Thờ, các Trung Tâm Truyền Giáo, cơ sở, các Dòng Tu, các cuộc thăm viếng người phong cùi trên toàn quốc... Nói tóm lại, chúng tôi đi khắp nơi, dự đủ mọi lễ nghi tại các Giáo Phận. Tôi viết bài bình, vào tiếng, nhân bản, trình bày bìa băng... Tôi thấy mình có thể một phần nào tiếp tục làm “Tông Đồ Truyền Thông”.

Không phải ở đâu chúng tôi cũng được dễ dàng, được nâng đỡ. Đoàn làm phim của chúng tôi đã thường có mặt tại La Vang qua lời mời thực hiện phim của Toà Tổng Giám Mục Huế. Chúng tôi đã phải tự mình đi đăng ký máy, đóng tiền chi phí “thuế quay phim”, tự tìm lấy vị trí “hành nghề”. Không được người bảo vệ, các chuyên viên của chúng tôi phải tự tìm lấy chỗ đứng khi quay. Lắm lần nhóm trật tự ngăn cản không cho di chuyển trong lãnh vực cần thiết. Đưa bảng đeo trước ngực ra để được ưu tiên và tức khắc được ban trật tự phán: “Giờ này mấy cái đó không còn giá trị nữa !”

Chúng tôi phải cảm phục các “camera-girls” của chúng tôi lúc nào cũng tỉnh thức, nhiệt tình, yêu nghề và vì yêu mến Đức Mẹ, và Giáo Hội, đã xông pha “thân gái dặm trường” để lấy cho được những hình ảnh tốt nhất. Từ những năm 1998, chúng tôi đã quay phim bằng dàn máy kỹ thuật số nhỏ gọn và chúng tôi bị “đánh giá” là chỉ có máy du lịch, không được trọng vọng như những anh chàng to con với các máy cỡ lớn gồ ghề. Từ khi hàng JVC chính thức nhập vào Việt Nam các máy quay Digital thì hầu hết người ta lại dùng những loại máy mà chúng tôi đã sử dụng từ hơn 4 năm rồi.

Thế nhưng tôi vẫn cứ canh cánh trong lòng vấn đề tiếp tục, tồn tại. Tôi đã tìm cộng tác viên, đầu tư cho họ học hỏi, sử dụng họ cho các công tác quay phim, ráp phim, vào tiếng, kể cả viết bài. Một số bạn nam thanh niên đến học nghề và hợp tác. Mong sẽ có thêm những “đồng chí”. Nhưng có người bận việc khác, có người tưởng nghề quay Video có thể giúp họ thăng tiến nên đã ra riêng để... “làm ăn”.

Còn lại cho đến nay chỉ là mấy cô gái. Cuối cùng cũng có người lập gia đình, có con và nặng gánh gia đình, chỉ còn có cô Thy Phương rất gắn bó với công việc và giữ vững cho đến lúc này là lúc mà tôi cảm thấy mình cũng khó đeo đuổi được công việc ngày càng phức tạp, máy móc càng tối tân, phương tiện càng đòi nhiều tiền. Người ta làm ăn để sống, để nuôi gia đình, chúng tôi chỉ nghĩ đến công việc, đến mục đích đeo đuổi.

Tôi chẳng biết tính toán và làm ăn, nên chẳng mấy khi tiền vào nhiều. Người ta quay một lễ phong chức Linh Mục với giá 12 triệu, chúng tôi chỉ xin 2 triệu rưỡi, nhưng lại trao một chục cuốn phim. Lễ tấn phong Giám Mục tại Thanh Hoá, một nhóm từ Sài-gòn ra đòi 20 triệu, chúng tôi cũng chỉ xin 2,5 triệu, coi như làm việc nhà, với một trăm bản DVD.

Nếu tôi không phải là Linh Mục và không có chí hướng Tông Đồ Truyền Thông thì chắc chắn tôi cũng phải nghĩ đến kinh tế. Anh em cộng tác thường cười tếu: “Tiền ra như nước sông Đà, tiền vào tí tách như cà-phê phin”. Lạ thay, nhóm của chúng tôi vẫn sống và vẫn làm được việc mong muốn. Họ nói: “Cứ làm cho Chúa, cho Đức Mẹ, rồi tới đâu thì tới”. Và đúng như thế !

Lm. NGUYỄN TỰ DO, DCCT ( Còn tiếp nhiều kỳ )

NIỀM VUI VĨ ĐẠI - Kỳ 10
HỒI KÝ 50 NĂM LINH MỤC


19. HÀNH HƯƠNG CÔNG GIÁO VIỆT NAM

Nhìn dưới một khía cạnh tiêu cực, trong tình thế hiện tại, chí hướng “Tông Đồ Truyền Thông” của tôi, của chúng tôi thật là “viễn vông” và “mạo hiểm”. Truyền thông đại chúng đòi hỏi nhiều sáng kiến, chúng tôi có ý tưởng làm một việc khác: làm sách và phim về Giáo Hội Công Giáo Việt Nam 2000. Không ngờ trước, Đức cha B. Nguyễn Sơn Lâm kêu tôi trình bày vấn đề với các Giám Mục nhân dịp hội nghị tại Nha Trang 1999 gì đó. Không được chuẩn bị tinh thần trước, tôi không dạn dĩ mấy trước Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trang trọng như thế, lại sợ lấy nhiều thì giờ của các ngài, tôi chỉ bập bẹ được mấy lời, nhận sự khích lệ của các ngài. Các Giám Mục ban cho chúng tôi một sự giúp đỡ tài chánh là 20 triệu đồng.

Với tất cả thiện chí, chúng tôi đã quay cả trăm băng hình bằng những máy video cũ kỹ PV 400, Sony 707... đến các máy kỹ thuật số... Để thực hiện đến nơi đến chốn, tôi đã mua được máy dựng phim từ Pháp... nhưng rõ ràng là công việc chẳng dễ dàng mau chóng như tôi tưởng, và hôm nay khi ngồi viết lại Hồi Ký này, tức giữa năm 2006, với gia hạn đến 5 năm, chúng tôi vẫn chưa thực hiện được phân nửa công việc.

Cuốn sách “Hành Hương Công Giáo Việt Nam” đã vừa xong, với gần 900 trang trong đó có 537 hình đen trắng và 368 hình mầu, phần lớn do Thy Phương, Thảo Hiền... chụp. Công việc này đáng lẽ phải xong sớm hơn nếu không có những trục trặc đủ mặt do thiếu phương tiện, thiếu khả năng. Một cơn bệnh đã đưa tôi đến gần cái chết vào cuối 2004, bắt tôi ngưng mọi hoạt động rồi lại phải làm việc cầm chừng “không được cố gắng quá”.

Chương trình được sự khích lệ của nhiều vị Giám Mục: Đức Hồng Y Phạm Đình Tụng trao cho tôi 300 USD với lời khích lệ: “Để cha và anh chị em uống nước trên đường”, Đức Cha Huỳnh Văn Nghi hứa tài trợ công việc, Đức cha B. Nguyễn Sơn Lâm “bầu cử” cho chúng tôi để được sự trợ giúp ở xa và luôn thúc đẩy chúng tôi làm cho thành công. Ngài bảo cứ lấy tiền của ngài mà làm cho mau. Trước thắc mắc của tôi sẽ lấy đâu mà hoàn trả lại, ngài chỉ cười nói: “Không trả được thì cho luôn”. Tôi nhớ có lần lên Đà Lạt chỉ để lấy hình về cuộc sinh hoạt của các Linh Mục đã qua Chủng Viện Xuân Bích, ngài đã đưa phong bì: “Lấy mà chi phí đường xá”.

Nhiều vị Giám Mục thường thăm hỏi ân cần mỗi lần gặp về sự tiến triển của công việc. Sự khích lệ cũng không thiếu từ các Linh Mục như cha Võ Văn Bộ, Đinh Cao Thuấn, Nguyễn Văn Giản, cha Huỳnh Công Minh, cha Phạm Đình Lạc... và nhiều người thiết tha với Giáo Hội như ông Phạm Đình Khiêm, Lê Ngọc Bích, An-tôn...

Chúng tôi dự tính ra tập “Hành Hương Công Giáo Việt Nam” vào cuối 2005, Năm Thánh Truyền Giáo của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, nhưng một cơn bệnh đã đến với tôi trong nhiều tháng, phải xin vào các bệnh viện Đại Học Y Dược, Chợ Rẫy, Bình Dân, cả tháng trời không còn biết gì nữa, rồi sau đó là mấy tháng nghỉ tại nhà hưu dưỡng DCCT, đi đứng không được, đeo trên người những cái bao lắm rắc rối, rồi tập đi, từ 5 bước đến khi ra được ngoài hành lang, đến hang đá Đức Mẹ...

Hiện nay, tôi làm việc không được như trước, đi đứng vẫn khó khăn, nhưng tôi đã có thể một phần nào đọc bài và viết thêm những đoạn còn thiếu kém. Tôi vẫn thiết tha và cố gắng để hoàn thành cuốn sách, còn cuốn phim thì... Và cuối cùng cuốn sách “Hành Hương Công Giáo Việt Nam” đã thành hình được trao đến các vị Giám Mục Việt Nam và thân hữu. Tạ ơn Chúa !

20. ĐẠI PHÚC DÒNG CHÚA CỨU THẾ

Xem ra như cả cuộc đời tôi chỉ loanh quanh trong phạm vi các hoạt động Truyền Thông. Nhưng từ đệ tử qua Nhà Tập, Học Viện, chúng tôi luôn được hướng về mục đích căn bản của DCCT là làm Thừa Sai và tôi quan niệm mọi ngành, kể cả ngành Truyền Thông là những yểm trợ hữu hiệu và mạnh thế cho công việc Rao Giảng Tin Mừng theo đặc sủng của Dòng, noi gương Đức Ki-tô “đã được sai đến để cứu chữa những con chiên lạc Ít-ra-en”, nối tiếp truyền thống Scala của Thánh Tổ An Phong. Chúng tôi đã bị chinh phục bởi lý tưởng Thừa Sai, và các vị Thừa Sai, các cha Lapointe, Blais, Xuân Lộc, Văn Cơ, Đào Hữu Thọ, Văn Vàng, Hoàng Yến, Đức Tuyên... là những “thần tượng”, những gương mẫu của ơn gọi DCCT. Từ lúc nhỏ, tôi chỉ mơ làm Thừa Sai.

Từ thập niên 50, các Bề Trên bắt đầu gửi người “du học”. Dĩ nhiên có nhiều người muốn “du học”. Tôi không mơ tưởng được gửi đi, vì không bao giờ tôi xuất sắc về chuyện học cả, mặc dầu ngay sau khi qua cuộc sát hạch “RIGOROSUM”, cha Jean Marie Labonté vừa ra khỏi lớp đã mừng tôi và nói: ”Vous avez excellenté”.

Tôi biết là phải có những người học cao để về làm giáo sư. Tôi không ham nghề đó. Thế nhưng cũng có vị trong Ban Cố Vấn đưa ra đề nghị cho tôi đi “du học”. Chương trình không đi đến đâu vì có người phản kháng: “Ông ấy đã như thế rồi mà cho đi học thì về ai mà cai trị nổi”, và có một ngày cha Giám Tỉnh Benoit Hoàng Quang Lượng nói với tôi: “Hội Đồng chấp thuận cho cha đi du học tự túc”.

Tôi biết là có người được gia đình, ân nhân giúp học bổng. Tôi cũng có thể tìm sự giúp đỡ của các ân nhân, nhưng tôi đã trả lời với cha Giám Tỉnh: “Nếu Nhà Dòng thấy nên gửi con đi để sau này làm việc cho Nhà Dòng thì con nhận, còn tự túc thì con không đi”. Tôi nghĩ rằng tự túc thì cần gì phải trở về Việt Nam. Vả lại tôi vẫn nằm lòng lý tưởng làm “nhà giảng thuyết thừa sai” như các đàn anh, mà nổi danh nhất về hùng biện phải kể cha GB. Nguyễn Văn Vàng, rồi các cha giảng hấp dẫn mà tôi được biết như Antoine Lapointe, Nguyễn Đức Tuyên, Gérard Gagnon Nhân...

Tôi luôn nhớ cha An-tôn Tuyên đã trối lại cho tôi Thánh Giá Thừa Sai các ngài. Ngay từ năm đầu ra khỏi Học Viện, năm thứ 7 ( Année Sabbatique ) và Nhà Tập 2, tôi được đưa về nhà Sài-gòn và được gửi đi Đại Phúc lần đầu tiên tại Chợ Đũi, rồi đến Chợ Quán, Kinh 1 Cái Sắn... Sau đó là mấy tháng trời Đại Phúc ở nhiều Giáo Xứ tại vùng Đà Nẵng: Hoà Vang, Phước Tường, Thanh Bồ, Đức Lợi...

Tôi được gần gũi các cha Hoàng Yến, Phê-rô Xuân Lộc, G. Đào Hữu Thọ, An-rê Nguyễn Quang Kiêm... Các Ngài trao cho tôi phần việc gì tôi hết lòng làm, cách riêng các cuộc cấm phòng cho thiếu nhi, các bài Giáo Huấn, Giải Tội liên miên, thăm viếng gia đình... Bài Đại Giảng được trao cho tôi chưa đụng đến những đề tài gay cấn. Tôi có bài giảng về: ”Thiên Chúa thánh thiện và siêu việt, Giáo Hội... ”

Tôi rất thích các kỳ Đại Phúc vì được gần gũi những cha anh sống thánh thiện và nhiệt thành, tình huynh đệ cao vời luôn khiêm nhường và nâng đỡ mấy “tên lính mới ra lò”. Giáo Dân tỏ lòng quý mến các cha Dòng và các trẻ em thì quấn quít và thường không ngại “xé cả áo Dòng” vì không chịu “để cho cha đi”. Mỗi kỳ Đại Phúc không những đem lại lợi ích thiêng liêng cho Giáo Dân, cho cả vùng mà các Thừa Sai cũng nhận được nhiều hồng ân cho đời sống tinh thần và thiêng liêng của mình. Nơi đâu tôi cũng nhận thấy được bàn tay thiêng của Thiên Chúa và càng thấy rõ chỗ đứng của DCCT trong Giáo Hội và cách riêng tại Việt Nam. Đại Phúc thật là nét đặc biệt của Dòng và là việc Tông Đồ tập thể đặc trưng của con cái Thánh An Phong, của “các cha Dòng Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp”.

Trong thời gian này, một sự việc mới xảy đến cho tôi. Cha Bề Trên Phụ Tỉnh lúc đó là cha Anphonse Tremblay trao cho tôi một công tác mới. Ngài dạy tôi phải học tiếng Hoa “để làm Thừa Sai cho người Hoa”. Cha Lucien Olivier tìm cho tôi một giáo sư người Hoa mỗi ngày đến Nhà Dòng dạy cho tôi. Sau chỉ vài tuần, tôi đã nói chuyện thông thường với thầy giáo, tập viết chữ nho. Điều đó gây ngạc nhiên cho những người khách đến Nhà Dòng: “Dòng Chúa Cứu Thế có cha người tầu rồi à ?”

Tôi tưởng đời tôi có hướng đi. Nhưng một thời gian sau cha Giám Tỉnh lại làm bổ nhiệm tôi về Đà Lạt, nói là “để tăng cường nhóm Thừa Sai”. Tôi thưa với Ngài: “Thế thì việc con học tiếng Hoa làm sao?” Ngài chỉ đáp: “Cha xuống cha quản lý lấy tiền mua sách và... học riêng”. Cha quản lý lúc ấy là cha Mi-ca-e Nguyễn Quang Toán trao cho tôi một số tiền. Tôi mua mấy cuốn sách “Tự học tiếng Hoa”. Tôi không “tự học” được vì “để làm gì?” Vốn liếng tiếng Hoa lõm bõm nhưng cũng cho tôi kinh nghiệm là các chủ bán hàng tự nhiên bán rẻ cho tôi, khi tôi nói tiếng Hoa với họ. Thời kỳ qua Hong Kong tôi cũng sử dụng những gì còn sót lại và người Hoa tỏ ra rất thiện cảm. Tôi chẳng hiểu đường lối của Chúa qua các Bề Trên và cũng đôi khi tiếc vì... chẳng được làm gì đến nơi đến chốn!

Đường lối vạch ra cho tôi là giảng Đại Phúc. Tôi đã soạn khá nhiều bài giảng đủ loại, đánh máy cẩn thận. Tôi còn được lãnh nhận “gia tài bài giảng” mà cha Anphonse Dumas đã trối lại cho tôi gồm những bài giảng của riêng ngài và của nhiều vị giảng thuyết có tiếng tại Canada. Kho tàng đó ngày càng lớn lên và tôi rất quí trọng. Còn có những giấy tờ, những nghiên cứu góp nhặt tôi đã làm từ khi còn ở Đệ Tử, qua các năm Học Viện. Vấn đề gì tôi cũng có thể có tài liệu, được hệ thống hoá theo phương pháp “Fiches” mà các cha Sylvère Drouin, Albert Raymond, Marcel Lupien... đã dạy chúng tôi.

Nhờ ơn Chúa cho tôi đồng bạc làm vốn và những tài liệu lúc nào cũng sẵn sàng, tôi không gặp phải khó khăn nào khi phải trình bày, giảng về bất cứ đề tài nào cũng như viết báo, bài phát thanh trong mọi trường hợp. Có lẽ do thế mà cha Trần Hữu Thanh luôn được tôi thay thế vào phút chót khi ngài bận bất thường và không thể “đăng đàn được”. Có trường hợp tôi đã được báo là cha Thanh không về kịp để giảng bài Đại Giảng và yêu cầu tôi làm “Đoản Huấn – Glose” dài hơn để chờ Ngài. Có lẽ hôm đó Đại Phúc có bài Đoản Huấn dài đến 45 phút để rồi bài Đại Giảng chỉ tóm gọn trong... 15 phút.

Tất cả các bài giảng, tài liệu của tôi đã biến mất trong thời gian tôi đi tù, cùng với nhật ký riêng của tôi, trong đó có tập thư mà mẹ tôi viết cho tôi và tôi gìn giữ rất cẩn thận, vì thỉnh thoảng vẫn đọc lại những lời khuyên của mẹ tôi từ lúc tôi còn ở Đệ Tử. Về sau này, nhất là từ sau 75, tôi không có cơ hội và phương tiện để soạn những bài giảng mới nữa. Tôi chỉ làm được một số nhỏ để đáp ứng những tuần Đại Phúc mà Cộng Đoàn Clê-men-tê thực hiện được những năm vừa qua.

Những ấn tượng về Đại Phúc, gương sống động của các Thừa Sai DCCT và nếp sống Thừa Sai đã tồn tại trong tôi qua hướng đi và việc đào tạo của các cha Canada, đã làm cho tôi không quên được công việc “đặc biệt” của DCCT. Tôi xác tín rằng việc Đại Phúc là công việc Tông Đồ Mục Vụ riêng của Dòng, làm nên bản sắc của các Thừa Sai “cổ trắng”. Dòng được biết đến, có ơn gọi, có ảnh hưởng trong Dân Chúa chính là nhờ Đại Phúc một phần lớn. Đại Phúc là một Hồng Ân Chúa ban cho các cộng đồng tín hữu và đối với các Tu Sĩ DCCT thì đó là động lực cho sự nên Thánh, cho tình huynh đệ và tinh thần gia thất của Hội Dòng.

Tôi đã làm nhiều việc khác trong đời tôi như đã nói trong hồi ký này, nhưng ấn tượng về Đại phúc không hề xa rời tôi. Thánh Tổ An Phong muốn đi truyền giáo nơi lương dân, nhưng ngài và các sĩ tử chỉ kiên trì và nhiệt thành giảng Đại Phúc. Truyền thống Đại Phúc từ buổi sơ khai của Dòng và cách riêng tại Việt Nam có vẻ như phần nào bị lãng quên do tâm trạng mới, do hoàn cảnh, do thời thế... Có một phần nào do chúng ta. Nhiều vị Bề Trên, nhất là các vị lo đào tạo giới trẻ ít biết hay không biết đến Đại Phúc mấy và xem ra như không tích cực hướng giới trẻ kế thừa vào công việc mục vụ tập thể Đại Phúc. Do hoàn cảnh, có nhu cầu nhận Giáo Xứ, nhưng đó không phải là lý do để DCCT có mặt trong Hội Thánh. Có người cho cảm tưởng là làm Linh Mục DCCT để lo Giáo Xứ, để giảng và làm lễ đó đây.

Giảng mấy ngày Tĩnh Tâm đã trở thành thông lệ trong các Giáo Xứ trong Mùa Chay và Mùa Vọng... Nhiều người nói là tình thế bắt buộc như thế: “thời thế thế thời phải thế... ” Nhiều người quả quyết là lúc này không thể làm Đại Phúc được. Đi xa hơn có người còn cho là “lỗi thời”, “không còn tác dụng”. Tôi đã thấy một số có trách nhiệm không đi Đại Phúc, nhưng chỉ “phóng xe đến”, phán một bài Đại Giảng buổi chiều, ăn một bữa cơm rồi về lại Nhà Dòng và nghĩ rằng mình đã làm... Đại Phúc. Tôi vẫn nghĩ khác: đi Đại Phúc là “bám trụ”, ở tại chỗ, chấp nhận tất cả mấy chục cái CÙNG: cùng ăn, cùng ở, cùng vui, cùng buồn, cùng mệt, cùng cầu nguyện, cùng nghe giảng, cùng chia sẻ mọi sự để hướng tất cả về cuộc cải cách, canh tân một cộng đồng tín hữu, chia sẻ với cha sở trong cuộc sống và những lo âu của ngài...

Tôi thấy cái “thói” đến giảng một bài rồi về hình như đã thành nếp ở Việt Nam kể từ khi có các Bề Trên cộng đoàn là người Việt mình. Tôi vẫn nhớ có các Bề Trên Nhà đi Đại Phúc và hoạt động dưới sự xếp đặt của “Bề Trên Đại Phúc” là một anh em trong Nhà. Có thể do những sự việc như vậy mà Đại Phúc mất giá trị tại Việt Nam, đang khi Đại Phúc rõ ràng là rất cần thiết vì đáp ứng nhu cầu của Dân Chúa tại Việt Nam. Lý do đưa DCCT đến Việt Nam năm 1925 vẫn còn trọn vẹn tại đây và với một ít thích ứng, phương pháp và cách làm, Đại Phúc của DCCT tại Việt Nam vẫn rất hợp thời và rất cần thiết đối với Giáo Hội tại Việt Nam hiện nay. Miền Bắc còn cần hơn cả Miền Nam sau cả mấy thập niên bị thiệt thòi vì thiếu Linh Mục, Tu Sĩ.

Những gì tôi đã thấy ở Âu Châu để lại cho tôi nỗi buồn không tả được. Tại một Nhà Thờ lớn ở Toulouse, một ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp được treo trên một cột Nhà Thờ. Dưới ảnh có mấy chữ: “MISSiON DES RÉDEMPTORISTES 1938”. Tôi muốn thăm Nhà Dòng. Người ta mất cả tháng để tìm ra ngôi Tu Viện, nhưng nay là Dòng... Phan Sinh. Tôi hỏi các cha DCCT ở đó nay ở đâu ? Được trả lời: “Họ bán nhà rồi đi đâu không biết”. Tôi được dẫn đi thăm Tu Viện, mường tượng vẫn còn đó những chiếc cổ trắng, nhưng tất cả đã biến mất, không biết ở đâu.

Tỉnh Dòng Paris còn mấy cha lớn tuổi, và công việc tông đồ còn lại là làm lễ cho mấy Dòng nữ hay giúp Xứ Đạo quanh đó. Tôi đến tham dự một cuộc triển lãm tôn giáo. Nơi đây có một gian: LES AMIS DE VĂN với hình thầy Marccel trong chiếc áo Dòng. Ban tiếp tân làm cho tôi một cái bảng tên đeo trước ngực: Père R. Nguyễn Tự Do, Rédemptioniste”. Tôi đã bạo gan xin nói vài lời với cha Bề Trên Cả Joseph Tobin và các Cố Vấn Trung Ương. Tôi nói về kinh nghiệm Đại Phúc tại Việt Nam và dám nói: “Không làm Đại phúc, Dòng ta khó mà tồn tại” Tôi không biết các ngài nghĩ gì về vài lời của tôi, nhưng thật tình tôi buồn vì ở Âu Châu, Dòng ta đã sa sút nhiều và không có ơn gọi.

Phải chăng là vì DCCT không làm gì khác là công việc của một cha xứ. Đã làm cha xứ thì cần gì phải vào Dòng. Nếu các cha trẻ mãn trường đa số được hướng về các Giáo Xứ thì làm sao họ có thể bỏ cái nếp sống ngăn nắp, trật tự và ổn định để làm Thừa Sai đến những Giáo Xứ xa xôi có khi không có điện, không có nước đá, không có cả “toilet”. Đời Thừa Sai phiêu bạt, mệt nhọc, lúc nào cũng phải tỉnh thức, chịu khó và cật lực. Chi bằng cứ “xé lẻ”, một mình muốn nói gì thì nói, giảng mấy bài rồi về. Tôi buồn khi thấy lửa Thừa Sai Đại Phúc không còn mạnh trong các Nhà Đào Tạo và trong các cộng đoàn của DCCT. Một Linh Mục trẻ nói: ”Tôi đâu có thừa mà... sai !”

Đại Phúc là một công việc mục vụ tập thể. Không ai chối bỏ sự cần thiết và tầm quan trọng của các bài giảng thường ngày, Chúa Nhật, những bài giảng trong ba ngày... nhưng phải công nhận rằng đó là các việc mục vụ chỉ cần một người. Đại Phúc trái lại là một việc tông đồ mục vụ tập thể. Nhóm Thừa Sai Đại Phúc bao giờ cũng gồm nhiều người, tối thiều là hai. ”Ở đâu có 2 hoặc 3 người hợp nhau lại, ở đó có Chúa...” Tinh thần tập thể kéo sự chúc lành của Chúa và thành quả hơn. “Ba cây chụm lại nên hòn núi cao“ kia mà !

Các Thừa Sai lại còn có truyền thống hiện diện “tập thể” trong các buổi nghi lễ, giảng. Chăm chú nghe nhau vừa để khích lệ nhau, vừa để sống tâm tình và tư tưởng để nối tiếp, nêu gương sáng cho Giáo Dân và nhất là để cầu nguyện. Tôi cảm phục cha sở Giáo Xứ Phao-lô 3 ở Sài-gòn, cha Niêm khi ngài ngồi chăm chú nghe giảng, khi ngài quỳ giữa Nhà Thờ để sám hối và lãnh phép lành của các Thừa Sai.

Truyền thống cộng đoàn Tu Sĩ cầu nguyện cho tuần Đại Phúc phải thật sự sống động trong các Nhà Dòng của chúng ta mỗi khi có anh em lên đường Đại Phúc. Với lực lượng như thế, làm sao Đại Phúc không kéo hồng ân lớn lao trên Giáo Xứ và trên cả cộng đoàn Nhà Dòng của chúng ta ?

Dĩ nhiên làm mục vụ tập thể thì phải có chỉ huy, phải có phối hợp, và như thế cũng đòi hỏi từng cá nhân phải biết ép mình trong khuôn khổ từ thì giờ, phương cách và cả suy nghĩ tư tưởng. Các Thừa Sai phải sẵn sàng mọi lúc, cho mọi công tác và không quản mệt nhọc để tiếp sức với nhau trong mọi việc. Việc tông đồ tập thể đem lại tình huynh đệ mặn mà, thôi thúc anh em, nâng đỡ nhau trong tình thương và khiêm tốn, chọn cho mình những công việc tầm thường và mệt nhọc nhất và tất cả chỉ “có vinh quang Thiên Chúa trong trí lòng, trong đầu” như người ta đã từng ca ngợi Thánh Tổ An Phong.

Tôi mơ ước các Tu Sĩ DCCT, nhất là tại Việt Nam sẽ say xưa “rảo khắp các làng mạc”, như Chúa Giê-su đã làm, để rao giảng Ơn Cứu Độ và tình thương của Thiên Chúa, một tình thương lúc nào cũng nhân hậu và sẵn sàng tha thứ cho “kẻ có lòng hối cải” và muốn tiến trên đường trọn lành Tin Mừng, tình thương bôn ba xục xạo khắp các xó xỉnh để tìm kiếm những con chiên xa đàn.

Tôi mơ ước thấy các Bề Trên nhiệt thành nâng đỡ các Thừa Sai Đại Phúc. Đang khi các ngài đổ lực lượng vào việc đào tạo các thế hệ, dành hẳn nhiều Linh Mục tại khắp các Nhà để lo ơn gọi thì các ngài cũng sáng suốt hướng đào tạo và bổ sung Thừa Sai Đại Phúc tại tất cả các cộng đoàn để tuỳ hoàn cảnh uyển chuyển mà duy trì cho kỳ được công việc tông đồ tập thể là các tuần Đại Phúc, theo truyền thống của Dòng.

Tôi mơ ước thấy các thế hệ trẻ hăng say đào luyện mình thành những nhà giảng thuyết sốt sắng và... hùng hồn, với chí hướng tông đồ, với một cách giảng thuyết sống động và xác tín, không ngần ngại nói lên lòng tin của mình, ngay cả đối với những chân lý mà đời nay cả các vị mang sứ mệnh giáo huấn đã không muốn, không thấy cần, hay thậm chí, không dám nói đến như sự chết, phán xét..., phổ biến những việc đạo đức truyền thống như lần chuỗi, viếng Thánh Thể, tôn kính ảnh tượng..., là những điều Cha Thánh An Phong rất trân trọng mà ngày nay nhiều người kể cả các Linh Mục đã tỏ ra không mấy quan tâm.

Tôi xác tín rằng Đại Phúc là phương thế đầy mãnh lực thánh hoá Chúa trao vào tay các Thừa Sai và DCCT càng nhiệt thành lo việc Đại Phúc thì càng củng cố Nhà Dòng với đặc sủng riêng trong Hội Thánh. Giáo Hội tại Việt Nam rất cần các Tuần Đại Phúc và công việc ấy Chúa Quan Phòng đã trao cho DCCT vậy.

Tự nhiên, đi Đại Phúc thật là mệt và không dễ dàng vì lúc nào cũng đem lại chuyện... bất thường trong nếp sống và thói quen. Nói cho cùng thì chẳng có việc tông đồ nào, chẳng có sự “sai đi” nào mà hợp với mình cả, nhưng chính “sứ vự” từ Chúa mới mang sức mạnh vô song và hạnh phúc bình an tâm hồn.

Tôi rất cảm phục tinh thần Thừa Sai của các vị Truyền Giáo giữa môi trường vừa nghèo, vừa ít học, vừa bình dân: các cha Thừa, Thọ, Hành... ở Châu ổ, các cha Tín, Tài, Phán, thầy Quân ở Pleiku, các cha Điệp, thầy Thảo... . ở Cần Giờ, Cần Thạnh. Tôi cảm phục và quý mến các anh em trẻ đang nối tiếp những người đã ra đi, có thể trong những hoàn cảnh vô cùng đau khổ như Mác-cô Đàn, Phao-lô Mẫn, Đức Điềm...

Công cuộc truyền giáo giữa những người dân tộc mà ngày nay các anh em ở Fyan như cha Lợi nối gót các Thừa Sai Canada, ở Bảo Lộc như cha Mừng, ở Đà Lạt như cha Thu và những cuộc “xâm nhập” vào các miền xa xôi vùng Tây Bắc Việt Nam với các anh Thật, Phong... thật gian nan và luôn bắt buộc anh em mình phải dấn thân hơn mãi, “coi tất cả là không có ki-lô nào, để chinh phục con người về cho chân lý, tình thương và hạnh phúc”.

Tôi không được biết hết mọi anh em trẻ đang nối bước Thừa Sai nơi các Giáo Điểm xa xôi, chấp nhận mọi gian nan khốn khó. Tôi thấy thật tình mình không thể làm được như họ vừa vì già yếu thể xác, vừa vì cả sự “yếu nhược của tâm hồn”, nhưng thật tình nhìn nhận bàn tay của Thiên Chúa trao cho anh em mình sứ mệnh loan báo Tin Mừng cho những người nghèo, những người bị bỏ rơi, kém cỏi trong xã hội. Đó là những Đại Phúc trường kỳ theo tinh thần của Thánh Clê-men-tê tại Saint Bennon.

Lm. NGUYỄN TỰ DO, DCCT ( Còn tiếp nhiều kỳ )