Truyện ngắn: Một mùa đông giá

Quang X Nguyen

Truyện ngắn: MỘT MÙA ĐÔNG GIÁ


Trời đã vào Đông. Mùa Đông năm nay có vẻ lạnh hơn mọi năm. Mọi cửa lớn, nhỏ của nhà nguyện Dòng Chúa Quan Phòng đều đóng chặt, gió vẫn lùa qua khe cửa làm chị Mai Trinh, giáo tập đang quỳ cầu nguyện run lên cầm cập từng cơn. Cứ mỗi lần gió núi ùa về sớm thế này, thì y như rằng Tập viện thế nào cũng có chuyện chẳng lành. Lần thì mất chó, mất gà, lần thì chị giáo tập tự nhiên lăn đùng ra chết, lần thì gió thổi bay cả nóc nhà, may mà mọi người vẫn bình yên. Mới đây nhất, chỉ hai năm về trước thôi, vào cuối mùa đông lạnh, bà bề trên đòi đuổi cổ hết các tập sinh, giao nhà cho quản lý tỉnh muốn làm gì thì làm. “Năm nay lạnh sớm thế này, thế nào cũng có chuyện”. Mai Trinh tự nhủ. Gió ào tới, chị run lên cầm cập.

Tập sinh năm nay chỉ có 7 em, hầu hết đều xuất thân từ những gia đình nghèo phía Bắc. Kim Yến là cô gái có nhiều vấn đề nhất. Cư xử thì vụng về. Ăn nói thì ngang tàng ngổ ngáo, làm việc thì cẩu thả, học thì kém, đúng là chẳng được tích sự gì, nhưng lại làm ra vẻ hơn ai hết. Bích Phụng dễ thương nhất, vừa hiền ngoan, lại đạo đức, chỉ mỗi tội không làm việc chung được. Yến Vẹn điềm đạm, chịu khó, việc gì cũng làm được, chẳng hiểu sao lại là cái gai của chị phó giáo tập. Hà Thanh, chị phó giáo tập, cũng xuất thân từ một gia đình nghèo, nhưng xuất sắc về mọi mặt, lại nghiêm túc, đạo đức, chỉ mỗi tội hơi độc tài, độc đoán. Từng khuôn mặt một trong tu viện nhỏ thó, toạ lạc trong nơi hoang vắng này, cứ lần lượt hiện lên trong đầu óc Mai Trinh. “Ta không có quyền loại trừ ai, cũng không có quyền ép ai phải đi tu. Ta chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là phát hiện và phát triển ơn gọi nơi mỗi người thôi. Điều quan trọng là phải giúp cho mọi người có được một kinh nghiệm đích thân về Chúa, nhưng phải làm gì bây giờ?”.


Trời đã khuya. Toàn tu viện đã chìm ngập trong bóng đêm dày đặc, thanh vắng, giá buốt từ lâu. Thỉnh thoảng, gió núi quất phần phật lên mái tôn, rít lên những âm thanh u uẩn rợn người. Đang chuẩn bị tắt đèn đi ngủ, thì nghe tiếng dép lẹp xẹp bên ngoài. “Lại có chuyện gì đây”, Mai Trinh tự nhủ, rồi ra cửa đứng đợi.

- Cóc, cóc, cóc.

- Ai đó? Vừa hỏi, Mai Trinh vừa nghe ngóng.

- Em, Hà Thanh đây!

Mai Trinh mở cửa, gió ùa vào lạnh buốt. “Có chuyện gì thế, em chưa đi ngủ à!”

Bước vào phòng, hai tay Hà Thanh nắm chặt lấy thành ghế, mắt dán xuống đất, môi cắn chặt, mặt hoang dã. Bao giờ có chuyện bực bội, cô ta cũng đều thế cả.

- Yến Vẹn lại có chuyện gì phải không? - Mai Trinh nhẹ nhàng hỏi.

- Không! Vừa nói Hà Thành vừa kéo ghế ngồi, bực quá không ngủ được chị ơi!

- Mà chuyện gì mới được chứ?

Hà Thanh chặc lưỡi, nhăn nhó: “Cái con Kim Yến thật quá quắt, em chịu hết nổi rồi. Mặt mũi thì trâng tráo mà lúc nào cũng se sua. Tuần này, nhiệm vụ của nó là rửa chén. Chén lúc nào cũng đầy bồn. Nhắc nó, nó bảo: đã tới giờ ăn đâu mà lúc nào cũng phải nhắc với nhở. Chiều nó đọc sách gẫm vấp lên vấp xuống như học trò tiểu học. Bảo nó, nó bảo: đọc thế còn gì nữa, lại còn đòi với hỏi. Sáng nay thấy nó đạp xe ra ngoài, em hỏi đã xin phép chưa. Nó gân cổ cãi:

- Em bị đau chân, không được nghỉ vẫn phải đi cắt cỏ, thì phải đạp xe đi chứ việc gì lại còn phải phép với tắc. Đúng là chuyện trẻ con. Khối đứa không đau chân, vẫn cứ đạp xe đi, sao chị không gọi lại mà hỏi!

- Đứa nào?

- Linh hồn đứa nào, đứa nấy giữ!

Hà Thanh đứng bật dậy, nhìn Mai Trinh bực bội nói: “Cái giống ấy béo bở gì mà chị còn giữ lại không biết! Cứ như thế này thì cái nhà này còn ra thể thống gì nữa”. Nói xong, Hà Thanh giận dữ bước ra, đóng sập cửa lại.

***

Hôm sau, vừa ăn sáng xong, Mai Trinh gọi Kim Yến vào phòng, hỏi:

- Hôm qua, em nói gì với chị Hà Thanh?

Kim Yến lặng người, không nhớ mình đã nói gì. Suốt từ chiều qua đến giờ, chỉ có một chuyện ám ảnh, dằn vặt, giày xéo cô. Đó là những lời Thắng viết trong thư: “Kim Yến thương… anh đã tìm được con đường Chúa muốn anh đi… không bao giờ anh muốn quên em… không biết bao giờ anh mới có thể quên được những kỷ niệm ta đã có với nhau… thôi thì ta hãy coi nhau như anh em vậy…”. ký tên: người tình của em một thời. Những lời ấy hiện vẫn làm cô ấm ức, hậm hực, cay đắng. “Mẹ kiếp, đồ phản bội! Bà mà bắt gặp, bà xé xác ra chứ ở đấy mà anh với lại em!”.

- Chị hỏi em có nghe không? Mai Trinh nhắc.

- Thú thật, em không còn nhớ là em đã nói gì chị ạ!

- Em nói làm cho người ta chết điếng đi được, vậy mà em bảo, em không nhớ gì sao? Chị cho em hai tuần suy nghĩ, cầu nguyện. Em nhớ rằng trong nhà này, ai cũng bảo chị bao che cho em đấy! Em phải quyết định lấy đời em chứ, lớn rồi. Không muốn tu thì về, có ai bắt em phải tu đâu.

Mai Trinh nhìn Kim Yến thông cảm, nói: “Thôi, về suy nghĩ đi nha!”

Vừa ra khỏi cửa, Kim Yến gặp ngay Lệ Hằng, đang quét nhà. Trong lớp, Yến chỉ còn có thể nói chuyện với một mình Hằng. Thấy Yến đi ngang, Hằng kéo lại hỏi nhỏ: “Chuyện gì thế? Có phải chuyện hôm qua không?”

- Phải, tớ không hề nhớ, tớ đã nói gì với chị Hà Thanh, cậu ạ!

- Cậu hỗn quá, cậu dám nói với chị giáo: làm gì mà lúc nào cũng phải nhắc với nhở, đòi với hỏi, phép với tắc… Sao cậu bạo thế?

- Chắc tớ về quá cậu ơi! Tu với tác như thế này chán quá!

Cả tuần nay, Kim Yến trầm ngâm hẳn. “Về thì cũng được, nhưng về một mình thì về làm gì cơ chứ!” Nhìn lại 6 năm về trước, khi hai đứa định cưới nhau, chính Thắng đề nghị:

- Lấy nhau ở cái vùng đồng khô cỏ cháy này, chỉ có nước cạp đất mà sống, mà đất cũng chẳng có mà cạp đâu. Tốt nhất là vào Nam ít năm, học lấy một nghề, rồi ở trong ấy được thì tốt, không thì về ngoài này, lấy nhau cũng chưa muộn.

- Sao anh vớ vẫn thế! Yến vặn lại, “vào đấy ở đâu cơ chứ! Ở dưới gầm cầu à!”

- Tìm một người đồng hương nào đó mà ở!

- Họ hàng người ta còn chẳng muốn chứa, nói chi tới đồng hương với đồng khói!

Hai người im lặng hồi lâu, Thắng nắm chặt tay Yến, nhíu mày ra chiều suy nghĩ. Bỗng anh buông tay Yến ra, đứng bật dậy, vỗ tay reo:

- Anh có cách rồi.

Yến chạy tới nắm tay Thắng, hí hửng:

- Cách gì anh?

- Vào Nam, mỗi đứa tìm lấy một nhà dòng mà ở. Cố học cho thành tài rồi về, không học được chữ, thì học nghề. Rõ?

Yến giơ bàn tay đập lên bàn tay Thắng đang xoè sẵn, đáp: “Rõ! Ý kiến hay đấy, bao giờ tiến hành?”

- Tuần sau, tuần sau ta vào Nam.

Sáu năm ở trong Nam, hai đứa vẫn thường xuyên liên lạc, thế mà sao bây giờ hắn lại thay lòng đổi dạ nhanh như thế? Yến tự nhủ. Vì sao? Phải nhờ đến hai người đỡ đầu Yến mới hoàn tất được chương trình bổ túc văn hoá và một khoá dược tá. Còn Thắng cũng đã xong cử nhân Anh văn. Theo đúng hợp đồng, học xong nếu không ở trong Nam được thì về Bắc. Vậy mà sao hắn không về? Hắn bảo vào nhà Tập một năm thử xem sao. Nghe lời hắn mình mới phải khốn khổ trong chỗ khỉ ho cò gáy này.

Yến nhớ lại, Tết năm ngoái, hắn viết thư than thở về một trong những bà mẹ nuôi đa tình, lãng mạn của hắn: “… bà ta còn trẻ, cứ mỗi lần anh về thường ôm hôn thắm thiết như tây vậy… thường xuyên bắt chở đi hết nơi này đến nơi khác… xưng hô thì cứ như là hai người đồng vai phải lứa… anh rất ngại gặp bà ta, nhưng không gặp thì lấy tiền đâu mà học…”.

“Thôi đúng rồi”, Yến tự nhủ, “hắn phải lòng con mụ mẹ nuôi ấy thật rồi. Mụ hơn hắn cả chục tuổi nhưng đi với nhau vẫn còn đẹp đôi vừa lứa lắm. Đã thế mụ lại goá chồng, các con đều ở Mỹ cả!” Nghĩ đến đó, nước mặt Yến dàn dụa.

Nghe như có tiếng ai gọi, Yến lau vội nước mắt, vừa lau vừa trách mình: “Sao mình lại khóc. Sao lại phải khóc vì một tên phản bội chứ! Nhưng không biết tại hắn hay tại mụ kia?”

Nghe tiếng chân bước mỗi lúc một gần, Yến soi mặt lần cuối: “Mắt hơi đỏ tí thôi, không sao đâu! Ai đây không biết!”

- Chị Yến ơi, chị có thư đấy! Bích Phụng nhẹ nhàng nói.

- Để đấy tôi, cám ơn! Tưởng ai. Yến thì thầm, “hoá ra cái con mẹ nửa đực nửa cái này!” Yến vẫn gọi Bích Phụng như thế. Nói xong Yến chột dạ. Chưa bao giờ Bích Phụng làm một điều gì phật lòng Yến, chẳng hiểu sao lúc nào Yến cũng ác cảm với Phụng. “Nó còn nhỏ, lễ phép, dịu dàng, lại sẵn sàng giúp đỡ, sao mình lại ghét nó? Mà cũng lạ, mình ghét nó thế, mà nó vẫn không ghét mình”.

Ra lấy thư, Yến thấy Bích Phụng như đang tung tăng nhảy múa, mái tóc thề xoã ngang lưng đong đưa theo nhịp bước. Mặt Yến đanh lại, la lớn: “Đúng rồi! Lưng con bé y như lưng con mụ mẹ nuôi ấy, thảo nào mình cứ ghét oan con bé!” Nhìn bì thư, Yến lẩm bẩm: “Thư gia đình, lại toàn những tiếng than với thở!” Càng đọc thư, Yến càng bực bội: “Anh Thắng sẽ khấn dòng ngày 25-1, sẽ về quê tạ ơn ngày 30-1, chị cầu cho anh ấy một kinh”. Yến vứt thư xuống đất, lẩm bẩm: “Cầu cầu cái gì cho cái thằng phản bội ấy. Mà có Chúa đâu mà cầu cơ chứ. Rõ là đồ ngốc!”

Tối hôm ấy trời lạnh khủng khiếp. Yến đã mặc tới ba áo len, xỏ tới ba lớp vớ rồi mà người vẫn co ro, răng vẫn đánh nhịp.

- Ngày mai em mặc thêm một cái áo nữa cho khỏi lạnh Yến ạ!

- Vâng, thưa chị.

- Tuần này tĩnh tâm, em cố gắng tập trung suy nghĩ, cầu nguyện, rồi sau đó trả lời cho chị nhé!

- Vâng ạ!

“Tuần này con bé ngoan hẳn ra, hy vọng mọi chuyện sẽ tốt đẹp”, Mai Trinh tự an ủi.

Đêm ấy Yến không sao ngủ được, cứ ngồi lên lại nằm xuống. Sao hắn lại khấn dòng chứ? Hắn bảo hắn lấy mình cơ mà! Sao mình lại vào đây? Sao chị Mai Trinh học giỏi như thế, đi du học về, nói tiếng Anh như gió lại nhốt mình trong nơi vắng vẻ này? Sao chị Hà Thanh, một bác sĩ trẻ đẹp như thế lại bỏ nghề vào đây làm gì? Hàng loạt những câu hỏi như thế đẩy Yến vào giấc ngủ lúc nào không biết.

***

Hôm nay bắt đầu tuần tĩnh tâm kéo dài 10 ngày. Yến rất thích tĩnh tâm, vừa không phải làm việc, vừa không phải nói chuyện với ai, lại được ăn ngon, ngủ kỹ, chỉ mỗi tội là cứ phải nghe mấy ông cha lải nhải. Năm nay nghe đâu ông cha Thịnh Dòng Chúa Cứu Thế giảng thì phải, mà cha nào lại chẳng giống cha nào.

Gần tới giờ nghe giảng rồi mà đầu óc Yến vẫn ắp đầy những câu hỏi chưa có lời giải đáp: Sao hắn lại khấn dòng? Sao hắn lại bỏ mình… Sao người ta lại đi tu?

Một linh mục trẻ măng, mặt dễ nhìn, miệng duyên dáng bước lên bục giảng. “Anh này đẹp trai thật, sao anh lại đi tu? Mình ngồi bàn đầu chắc anh ấy thấy mình”, Yến tự an ủi.

Khác với những lần tĩnh tâm khác, lần này Yến chỉ mong tới giờ nghe giảng. Yến tới hội trường trước cả mười lăm phút, hồi hộp đợi chờ. Có điều là cả tuần đã trôi qua mà Yến chẳng nhớ được một lời nào của cha giảng cả, chỉ nhớ có mỗi một điều thôi: “Anh đẹp trai quá, giọng anh trầm ấm quá, sao anh lại đi tu, anh có nhìn thấy em không?”

Yến đang đắm đuối nhìn vị giảng thuyết cô hâm mộ, bỗng bừng tỉnh khi nghe vị giảng thuyết cười cười nói: “Sáng nay có chị hỏi tôi, vì sao tôi lại đi tu? Tôi có hạnh phúc trong đời tu không? Có thấy cô đơn khi nào không?”

Mặt Yến đanh lại, bực bội, lẩm bẩm: “Con mẹ nào dám hỏi thế không biết! Cái này phải để tao hỏi. Tụi bay tu thì lo tu đi, tao không muốn tu, tao phải chinh phục ‘anh’ của tao”.

- Để có thể tu được, và hạnh phúc trong đời tu cả trong những lúc cô đơn, ta phải có một kinh nghiệm đích thân về Chúa. Cha Thịnh vẫn thao thao bất tuyệt: “Đôi khi ta vẫn đọc kinh, vẫn cầu nguyện, vẫn đi lễ, rước lễ mà vẫn chưa biết Chúa. Tôi nhớ, khi tôi còn là sinh viên Đại học Sư Phạm, có một anh chàng tên là Sáng, rất ác cảm với người có đạo. Có lần anh ta hỏi tôi:

- Ê, Thịnh mày là người Công giáo hả?

- Phải tao là Công giáo, có gì không?

- Bọn Công giáo tụi bay chỉ tin vớ vẩn. Cái gì mắt này thấy thì mới có, cái gì mắt này không thấy thì không có. Chỉ cho tao thấy Chúa của mày đi, tao sẽ tin.

Nói xong, hắn cười ngạo nghễ, đắc thắng. Tôi hơi bối rối nhưng bình tĩnh lại ngay. Biết nó đang si mê một cô người Hoa cùng lớp tên Cẩm Hồng, không đẹp lắm nhưng duyên dáng, tôi hỏi:

- Ê Sáng! Mày có thương Cẩm Hồng không?

Vừa nghe nhắc đến Cẩm Hồng, mắt hắn sáng hẳn lên, mỉm cười:

- Thương chứ! Cuối năm nay tụi tao làm đám cưới mà, không thương, cưới nhau thế nào được!

- Vậy, mày cho tao xem tình yêu mày dành cho Cẩm Hồng đi! Thử xem nó to hay bé, nặng hay nhẹ, trắng hay hồng.

Mặt hắn đỏ lên, rồi tái đi, hắn miễn cưỡng đáp: “Tình yêu thì cho xem thế nào được!”

- Mày vừa nói với tao: cái gì mắt này thấy, thì mới có, cái gì mắt này không thấy thì không có. Vậy mày không cho tao xem được tình yêu mày dành cho Cẩm Hồng, như thế nghĩa là mày không có tình yêu. Con người mà không có tình yêu, thì may lắm chỉ là con chó thôi.

Mọi người cười ồ, khoan khoái, chờ cho hết cười, Cha Thịnh tiếp: “Nhưng cũng từ ngày ấy, tôi bắt đầu tự dằn vặt tôi: Chúa có thật chăng? Có thấy Chúa được chăng? Nếu không có Chúa, thì đời tu thật là phi lý, hoang phí. Trăn trở mãi mà vẫn chưa tìm được giải đáp. Năm 1977, chiến tranh giữa Trung Quốc, Việt Nam và Campuchia bùng nổ. Một số bạn bè tôi phải lên đường nhập ngũ. Hôm tôi tiễn Minh và Tâm lên đường, khi trở về, Lệ Dung, bạn gái Tâm nức nở khóc ngay trên xe. Cô khóc quá, tôi cũng mủi lòng, chợt nhớ đến mình. Hôm nay phiên nó, ngày mai có thể đến phiên tôi. Tôi không muốn đi lính, nên bắt đầu suy nghĩ mông lung: Sao mình không phải là con gái để khỏi phải đi lính? Sao mình không phải là người Nhật, người Mỹ mà lại là người Việt Nam? Sao mình không phải là con ông nọ, bà kia mà là con ông bà này?… Dòng dã theo năm tháng, nghĩ nát đầu mà vẫn không tìm được câu trả lời, tôi quyết định về Xuân Lộc hỏi mẹ tôi. Lúc tôi về, bà đang cho heo ăn, thấy tôi, bà hỏi:

- Hôm nay không phải đi học à?

- Có chứ, nhưng có chuyện quan trọng, con mới phải về hỏi mẹ đây!

- Chuyện gì thì nói đi!

- Mẹ rửa tay vào nhà con nói.

Rửa tay xong vào nhà, mẹ tôi hỏi: “Chuyện gì nào, nói đi!”

- Mẹ, trước khi mẹ cưu mang con trong bụng, mẹ có biết là mẹ sẽ sinh ra con không?

Không một chút suy nghĩ, bà nói ngay: “Làm sao mà biết được!”

- Vậy khi con đã ở trong bụng mẹ rồi, mẹ có biết con là con gái hay con trai không?

Bà cười, đáp: “Làm sao mà biết được!”

- Vậy khi sinh con ra rồi, mẹ có biết lớn lên con sẽ làm gì không?

Bà bắt đầu khó chịu, hơi lớn tiếng một chút: “Làm sao mà tao biết được!”

- Mẹ có biết khi nào con chết không?

- Hỏi vớ vẩn!

Chiều hôm ấy, trên xe từ nhà tới Sài Gòn, tôi ngẫm nghĩ: đã có lần tôi là máu, là thịt của mẹ tôi, đến độ nếu bà chết, tôi cũng chết theo, vậy mà bà không biết tôi. Thế thì phải có một người biết tôi chứ! Người đó là ai? Chả lẽ tình cờ, tôi rơi vào thế gian này, rồi lại tình cờ tôi biến mất, như gió như mây sao? Không, nhất định phải có người biết tôi. Người ấy là ai? Khi tới nhà trọ, bạn bè đi học hết, chỉ còn mình tôi. Tôi nhớ, hôm ấy, tôi đã quỳ gối xuống, thưa lên với Thiên Chúa: ‘Lạy Chúa con tin’. Nước mắt bắt đầu trào ra. Đó là lần đầu tiên trong đời, tôi tin có Chúa. Trước đây, tôi tin bằng lòng tin của cha mẹ, của ông cha, bà phước đã dạy tôi. Còn bây giờ, tôi tin bằng lòng tin của chính tôi. Từ đó, tôi luôn thấy Chúa ở với tôi, đồng hành với tôi, luôn cầm tay dắt tôi đi. Có những lúc tôi không muốn đi, Ngài vẫn cứ đợi chờ. Có những lúc tôi phản bội Ngài, nhưng chưa khi nào Ngài phản bội tôi. Không có Ngài, đời ta không ý nghĩa, không cùng đích, khi ấy ta chỉ còn biết sống cho cái bụng của ta, và cho mọi thứ ô uế từ đó xuất ra… nhưng làm sao ta có thể gặp được Ngài?

Dừng lại một chút, ngài tiếp: “Ta không những có thể gặp được Ngài, mà còn nghe được tiếng Ngài nói với ta, qua Lời Ngài, qua các biến cố lớn nhỏ trong đời ta, qua bạn bè, và qua cả những phản bội, lừa đảo của con người nữa”.

Bài giảng đã kết thúc từ lâu, mà Yến vẫn một mình trầm ngâm trong hội trường. “Như vậy là anh đã bị Chúa hớp hồn rồi Yến ơi!” Cô tự nhủ, “đừng mong mồi chài được anh”. Yến buồn bã nói với mình. “Cả Thắng cũng vậy chắc!”. Yến bắt đầu buồn như muốn khóc, tự hỏi: “Vậy tôi có thể gặp được Ngài không, tôi có nghe được tiếng Ngài như anh nói chăng?”

Sau đợt tĩnh tâm, Yến gặp chị Mai Trinh tâm sự: “Chị ơi! Trước đây em chưa có đức tin, nên không chỉ chân trong chân ngoài, mà chỉ có xác ở trong đây thôi, còn hồn thì ở ngoài kia. Vậy em xin chị cho em ở lại một thời gian nữa, em hứa sẽ cố gắng”.

- Chị rất sẵn sàng Yến ạ! Miễn là em cố gắng và ý thức thôi.

Một buổi sáng cuối mùa đông giá ấy, trong một buổi hướng dẫn suy gẫm, giọng Yến dõng dạc: “Trước khi tôi được hình thành trong dạ mẹ, Ngài đã biết tôi. Trước khi tôi lọt lòng mẹ, Ngài đã hiến thánh tôi. Ngài đã gọi đích danh tôi. Tôi là của Ngài, Ngài là của tôi. Tôi đã nên quí giá trước mặt Ngài. Từ nay Ngài mãi ở trong tôi, và tôi mãi ở trong Ngài. Từ nay, ai đụng đến tôi là đụng đến con ngươi mắt Ngài”. Yến nghẹn ngào: “Tôi đã phản bội Ngài, hay đúng hơn tôi chưa hề yêu Ngài, nhưng Ngài vẫn yêu tôi”. Yến lại xúc động: “Nếu tôi có phản bội Ngài, Ngài sẽ không bao giờ phản bội tôi”. Không cầm được cơn xúc động, Yến bật khóc nức nở. Các tập sinh bắt đầu sụt sùi. Hà Thanh rút khăn mouchoir chậm lên mắt. Mai Trinh xúc động nguyện cầu: “Xin cho những giọt nước mắt này xua đi quá khứ của lạnh lùng, bất tín, của do dự, chần chừ”.

Sáng hôm ấy, đi ngang qua cây đào tiên đã tàn héo từ lâu, Mai Trinh dừng lại, cố ý đợi Hà Thanh, bỗng phát hiện ra một nụ xanh mướt bật lên từ gốc, chỉ cách mặt đất vài phân.