Văn hóa chữ viết

Quang X Nguyen
Bài huấn luyện hàng tháng của Ủy ban Giáo Dân - Tháng 09.2019 - PHẦN MỤC VỤ
Bia vinh danh những đóng góp trong việc hình thành chữ Quốc ngữ của cha Đắc Lộ.

Lời mở

Sống trong thời đại tin học, nhiều người ít quan tâm đến chữ viết tay và chỉ cần gõ trên bàn phím của chiếc điện thoại hay máy vi tính là có thể gửi thư cho nhau rồi [1], hoặc chỉ cần ra lệnh cho máy in bàn là người ta có một văn bản đẹp với đủ loại kiểu dáng chữ in. Hơn nữa, vì cuộc sống vội vã, nên những gì cần viết tay, người ta thường viết rất nhanh, đường nét không chuẩn, dấu chữ đặt sai vị trí, nhưng vẫn có thể đọc được vì đã quen với chữ Việt và tiếng mẹ đẻ của mình. Trầm trọng hơn cả là người ta coi thường văn phạm trong những văn bản trên sách báo, truyền hình, dùng những từ thông tục và thường đánh dấu các từ không chính xác theo ngôn ngữ học. Quả thật nhiều người Việt hiện nay ít quan tâm đến văn hoá chữ viết! Nhưng người Công giáo chúng ta lại có trách nhiệm lớn đối với chữ Việt vì tổ tiên chúng ta đã sáng tạo ra thứ chữ này.


1. Các em học sinh lớp 1 học viết tiếng Việt như thế nào?

Ngay từ bài đầu tiên của sách Tiếng Việt lớp 1, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các thầy cô dạy các em học sinh viết chữ với những nét chính, nét phụ theo các đường căn bản như đường nền, đường chữ hoa, đường chữ thường, đường trên, đường dưới, phân biệt chữ in và chữ viết tay [2].

Các em học khởi đầu với những từ có 1 nguyên âm như: bé bè bẻ bẽ bẹ (Bài 3), đến 2 âm như: mía, bìa, hoặc 3 âm như: chiều, chuối, bưởi, diều, rượu (Bài 35-42), rồi đến các vần có âm tiết cuối với 1 nguyên âm như bàn, sàn (Bài 44), đến 2 nguyên âm như điện, yến, chuồn chuồn (Bài 50) hoặc hai âm tiết cuối như: võng, luống, trường (Bài 56). Những bài sau cùng dành cho các vần khó như hoa, hoà, xoè, khoẻ (Bài 91), hoặc thoại, xoay (Bài 92), hoài, hoàng, hoằng (Bài 94), hoạt, choắt (Bài 96), hoặc huệ, huý (Bài 98), hay thuở, khuya (Bài 99).

Chắc chắn vào tuổi 6-7 các em chưa thể phân biệt được các chữ i, o, u trong một số vần lúc này là nguyên âm, lúc khác là bán phụ âm theo khoa ngôn ngữ học hiện đại. Nhưng các bài dạy trong giáo trình Tiếng Việt lớp 1 là hoàn toàn chính xác, dù các em học theo phương pháp của Bộ Giáo dục hay theo phương pháp Công nghệ Giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại [3].

2. Người lớn chúng ta hiện nay đánh dấu ra sao?

Dù Việt Nam chúng ta đã có Viện Ngôn ngữ học, với những cuốn từ điển Tiếng Việt được coi như quy chuẩn cho việc sử dụng từ ngữ và viết chữ. Thí dụ như Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ do giáo sư Hoàng Phê chủ biên[4], Từ điển Bách khoa Việt Nam [5] do Hội đồng Quốc gia Chỉ đạo biên soạn. Nhưng việc dùng từ ngữ và nhất là cách đánh dấu giọng trên các từ vẫn còn rất tuỳ tiện.


Hơn nữa, chúng ta còn có Quyết định số 240/QĐ ngày 5/3/1984 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục ban hành, kèm theo bản "Quy định về Chính tả tiếng Việt và về thuật ngữ tiếng Việt" [6], và Quyết định số 09/1998QĐ-VPCP, ngày 25/11/1998 của Văn phòng Chính Phủ về cách viết hoa các tên riêng [7]. Tuy dù các văn bản pháp quy đó rất rõ ràng và cụ thể, nhiều văn bản của chính quyền cũng như của các tổ chức xã hội dân sự vẫn chưa giữ đúng các quy định đó. Các văn bản thường đánh sai dấu trên các vần oa, oe, uê, uơ, uy (Thí dụ: trong các từ hóa, lóe, hụê, thủơ, thúy,) vì không phân biệt được các chữ a, e, i, o, u, y có thể là nguyên âm và cũng có thể là bán phụ âm.


Chúng tôi đã phân tích vấn đề và đã trình bày trong cuộc Hội thảo Khoa học ở Bình Định, từ ngày 12-13/1/2016, với chủ đề Bình Định với chữ Quốc ngữ[8]. Cách đặt dấu giọng sai sót này đang phổ biến và lan rộng trong các sách vở, báo chí, truyền hình. Nó đi ngược với sự chuẩn hoá của tiếng Việt theo đúng khoa ngôn ngữ học được Nhà nước quy định. Nó cũng biểu lộ tính phân hoá của người Việt Nam, thái độ coi thường pháp luật và không tôn trọng khoa học của người Việt Nam, khiến cho người nước ngoài đánh giá thấp giá trị tiếng Việt và chữ Việt.

3. Văn hay chữ tốt

Cha ông ta thường nhắc nhở: văn hay chữ tốt, chứ không phải văn hay chữ đẹp. Văn là người và chữ cũng là người!

Khoa tâm lý học hiện đại đã căn cứ vào những nét chữ viết tay để đoán ra tâm tính, tư cách, tài năng của con người. Người ta áp dụng việc phân tích nét bút của người viết trong các ngành tuyển dụng nhân sự, lựa chọn nghề nghiệp, giám định tư pháp. Các nhà tâm lý học còn cho rằng có sự liên hệ, tương quan giữa nét chữ và sức khoẻ tâm lý. Căn cứ vào nét chữ to, nhỏ, đậm, nhạt, nét mạnh mẽ, thẳng đứng hay cong queo, chữ rộng hay hẹp, khoảng cách giữa các từ nhiều hay ít, chiều cao của chữ hoa vừa hay thấp, độ nghiêng của chữ về bên phải hay bên trái… mà người ta có thể đoán ra phần nào khả năng, trí tuệ, tâm tính của người viết [9].

Thật ra, việc phân biệt rõ chính tà, tốt xấu của một người không thể chỉ căn cứ vào chữ viết bên ngoài, dù rằng chữ viết có thể giúp phỏng đoán phần nào khi dùng nó như dấu hiệu. Con người là một mầu nhiệm sau thẳm vô cùng, nên cha ông ta vẫn nhắc nhở:

Dò sông dò biển dễ dò
Nào ai lấy thước mà đo lòng người [10].

Có lẽ vì muốn cho con cái mình luyện được chữ tốt, nên cha mẹ thời xưa thường thúc giục con cái tập đồ các chữ theo các tập in sẵn để luyện chữ viết cho thẳng hàng, cân đối, hài hoà. Các cháu học sinh lớp 1 hiện nay cũng đang làm như vậy, nhưng nhiều cha mẹ lại ít quan tâm đến việc này, vì chữ viết của họ rất xấu, không dám làm gương cho con cái.

4. Chữ Quốc ngữ - chữ nước ta

Chữ Quốc ngữ hiện nay là chữ ghi âm tiếng Việt bằng chữ cái Latinh, có bổ sung một số dấu phụ của tiếng Ý, tiếng Bồ Đào Nha, được các linh mục Dòng Tên phương Tây như Francisco de Pina, João Roiz, Gaspar Luis, Cristo Forro Borri, Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ), Gaspar d'Amaral với sự cộng tác của người Việt Nam như Igesicô Văn Tín, Bento Thiệu sáng tạo ra trong khoảng 1620-1659 [11].

Điều đáng ghi nhận ở đây là dù khoa ngôn ngữ học vào thời đó chưa được thành hình, nhưng trong các tác phẩm của Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) như Phép giảng Tám ngày, Văn phạm Annam, nhất là cuốn Từ điển Việt-Bồ-La xuất bản năm 1651 ở Rôma, các dấu giọng được đánh rất chính xác trên các từ như hoá, hoà, hoả (tr.329-330) phân biệt với hào, hảo (tr. 315,316) hoặc trên các từ thuế (tr. 782), lào (tr.402) léo (tr.411) và loã lồ(tr.417) theo đúng với Từ điển khoa Ngôn ngữ học. Riêng vần uy với từ hủy (tr.341) và thủy(tr.783) [12], chúng tôi hiểu rằng những con chữ sắp tay đúc bằng chì thời đó chưa đúc được theo đúng ý của tác giả vì việc đặt dấu "nặng" dưới chữ y (ỵ) không thể thực hiện được như ta thấy tác giả Gustave Hue đã nói đến lý do này trong lời mở đầu cho cuốn Từ điển Việt Hoa Pháp xuất bản năm 1937 của ông ở Huế [13].

Một khi chúng ta đã có những nguyên tắc rõ ràng của khoa ngôn ngữ học để có cách đánh dấu chuẩn mực, được thể hiện qua các sách giáo khoa và từ điển như bộ Từ điển Bách khoa Việt Nam, thì chúng ta cần tiến tới sự thống nhất cách đặt dấu giọng trên toàn quốc và phổ biến cả ra nước ngoài để những ai học tiếng Việt tìm được sự trong sáng và hợp lý.

5. Hãy viết những lời này

Người tín hữu chúng ta cần phải sử dụng những lợi thế của chữ viết trong thời đại tin học này “để viết nên những lời đáng tin cậy và chân thật” (Kh 21,5) như Chúa đã truyền cho ông Moisê trên núi Sinai (Xh 34,27) và từng người chúng ta qua thánh Gioan: “Vậy ngươi hãy viết những gì đã thấy, những gì đang diễn ra và những gì sẽ xảy ra sau này” (Kh 1,19). Đây thuộc về nhiệm vụ làm tiên tri mà mỗi tín hữu đã lãnh nhận khi được xức dầu thánh hiến qua bí tích Rửa Tội.

Chúng ta đang sống trong thời của Giao Ước Mới mà Đức Giêsu Kitô đã thực hiện trên bàn thờ thập giá với máu thánh Người đổ ra để xoá bỏ tội lỗi cho ta, giao hoà chúng ta với Chúa Cha và làm cho ta trở thành con cái của Cha Trên Trời. “Thiên Chúa đã ban cho chúng ta khả năng phục vụ Giao Ước Mới, không phải giao ước căn cứ trên chữ viết, nhưng dựa vào Thần Khí, vì chữ viết thì giết chết, còn Thần Khí mới ban sự sống” (2 Cr 3,6).

Nhờ Thần Khí tình yêu mà Chúa Thánh Thần ban cho qua Chúa Giêsu, chúng ta sẽ viết nên Lời Tin Mừng bằng chính cuộc sống của mình để thu hút nhiều người tin theo Đức Giêsu. Lúc đó ta có thể nói cho những anh chị em đó rằng: “Rõ ràng anh chị em là bức thư của Đức Kitô được giao cho chúng tôi, không phải viết bằng mực đen, nhưng bằng Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống, không phải ghi trên những tấm bia bằng đá, nhưng trên những tấm bia bằng thịt tức là lòng người” (2Cr 3,3).

Lời kết

Người tín hữu Công giáo Việt Nam chúng ta có quyền tự hào vì đã đóng góp vào việc phát minh ra chữ Việt và đã chịu biết bao đau khổ, bách hại, thậm chí dâng hiến cả mạng sống để bảo vệ những giá trị văn hoá cao quý của Công giáo. Tuy nhiên hình như chúng ta chưa biết bảo tồn và phát huy những giá trị của tiếng Việt và chữ Việt: rất nhiều sách báo Công giáo hiện nay không tuân thủ các quy tắc và tiêu chuẩn của ngôn ngữ học, chúng ta cũng chưa thúc đẩy việc sáng tác các thơ văn để có nhiều tác phẩm có giá trị văn học. Chúng ta cần cố gắng hơn nữa để khỏi thẹn với cha ông và có trách nhiệm nhiều hơn với thế hệ tương lai.

Câu hỏi gợi ý:

1. Bạn đã quan tâm thế nào với chữ viết của bạn?

2. Bạn nghĩ mình nên làm gì để cổ vũ cho việc phát triển văn học Công Giáo?


------------------
[1] Theo Bộ Thông tinTruyền thông, có 60 triệu người Việt Nam sử dụng internet 7 giờ/ngày trên tổng dân số 95 triệu người. Báo Thanh Niên ngày 10/12/2018, tr.7, chiếm hơn 60% Facebook 60tr.

[2] X. Hình ảnh bài Tiếng Việt lớp 1, Tập 1, tr 1-3; Nguyễn Ngọc Sơn, Kỹ thuật Chữ, giáo trình trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, NXB Giáo Dục, 1996, tr.72-73.



[3] X. Tranh cãi về Công nghệ giáo dục Tiếng Việt lớp 1, Người trong cuộc nói gì, Báo Tuổi Trẻ, ngày 9/9/2018, tr.1,2,3; Báo Thanh Niên, ngày 9/9/2018, tr.5.

[4] X. Trung tâm Từ điển học, Từ điển Tiếng Việt, 2013, NXB Đà Nẵng-Vietlex, Hà Nội, 2013.

[5] X. Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn, Từ điển Bách khoa Việt Nam, NXB Từ điển BKVN, Hà Nội, 1995-2005.

[6] X. Vietlex, Từ điển Tiếng Việt, 2013, tr.V.

[7] X. Quy định Số: 09/1998/QĐ-VPCP, Thư viện Pháp Luật, Internet.

[8] X. Tài liệu Hội thảo, Lm. Nguyễn Ngọc Sơn; Bài tham luận Việc thống nhất cách đặt dấu giọng trên vài vần cho phù hợp với khoa ngôn ngữ học hiện đại, tr.519-527.

[9] X. Internet, 6/12/2018, Chữ viết thể hiện tâm người, có thể phân biệt rõ người chính kẻ tà, Bài của Tuệ Minh; Chỉ cần nhìn chữ viết, tôi có thể nói bạn là người thế nào, Bài của R.D.

[10] X. Internet, bài Ngộ nhận trong tâm lý học: chữ viết tiết lộ được những đặc điểm tính cách của con người. Tác giả của cuốn 50 ngộ nhận phổ biến của tâm lý học phổ thông. S.O. Lilienfeld, S.J. Lynn; J.Ruscio. Người dịch Nguyễn Hoàng.

[11] X. Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620-1659, NXB Ra Khơi, Sài Gòn, 1972.

[12] X. Lm. Nguyễn Ngọc Sơn, Bài tham luận tại Hội thảo khoa học ở Bình Định, tr.520.

[13] X. Lm. Nguyễn Ngọc Sơn, Bài tham luận tại Hội thảo khoa học ở Bình Định, tr.523.