Cây giữa trời - Ơn gọi cuộc đời

Quang X Nguyen
Tùy bút:

CÂY GIỮA TRỜI - ƠN GỌI CUỘC ĐỜI

.

"...em vô tu 7 tháng hơn, tuần trước em nói: “Em về, hết nổi rồi anh!”
.
Tháng 4 rồi! Cái nóng mùa khô như đã lên đỉnh điểm, hơi nóng cứ táp vào mặt, nóng dễ sợ! Hơn 5 tháng không mưa, đất khô, không khí khô và cây cối cũng héo hắt vì khô.

Một buổi chiều nóng bức, nắng đã nhạt nhưng đất trời cứ như viên gạch trong cái lò nung vũ trụ. Thầy sải bước ở hiên kiệu trước giờ tập hát, 18h10, trời chạng vạng, chỗ sáng úa, chỗ tù mù. Một cơn gió mát thình lình ùa tới, áo dòng bay phùng phình, Thầy khoái chí buộc miệng thì thào một mình: “Ồ! Mát thiệt!”. Lá cây xà cừ xào xạc đổ xuống, thật nhiều, thật nhiều, lá bay, lá rụng rào rào, lá lăn loạn xạ, vung tứ tung trên nền sân xi măng khô khốc. Trên mái ngói lá rơi nghe lóc cóc như tiếng càm ràm: “Gió ơi! Cây đã khô quá, còn ít lá thôi mà gió cũng đùa giỡn làm rơi rụng lá rồi!”.

Nhìn ngọn cây cao ngút, thật cao, hàng cây xà cừ này là “bậc cao niên” trong số cây cối trong đất đan viện. Những gốc cây xù xì to tướng phải hai ba vòng tay mới ôm giáp gốc. Những nhánh cây thưa thớt lá đang lủng lẳng phất phơ trong gió tháng ba, tụi nó chờ đến lúc hết bám nổi, chờ rụng. Mấy cụm lá dày hơn còn kiên cường víu lấy cành thì cũng đã vàng vọt, rồi cũng cuốn theo chiều gió thôi!

Tiếng ve rừng khi im bặt giờ thì đột ngột kêu inh ỏi xé nát không gian yên tĩnh, kéo Thầy khỏi ngọn cây đưa Thầy bước qua dãy hiên kiệu Thánh Tâm. Thình lình Thầy ồ một tiếng: “Thứ 7 rồi ta!”. Mấy tuần Thầy không còn nhìn thấy mặt thằng em, số là nó đã xin về quê! Vỏn vẹn hai tuần sau tết mà đã có 5 em thỉnh sinh “nghỉ tu”, tháng trước thì có anh tập hai bỏ cuộc. Tám năm trong dòng, Thầy đã quen cảnh vô – ra, mặc áo dòng và lột áo thảnh thơi, quen, quen lắm rồi! Cho nên Thầy cũng không dao động như dạo trước. Nhưng xem ra lần này Thầy có buồn, có nghĩ ngợi vì thằng em kia là đứa đồng hương duy nhất của Thầy! Thầy đã “marketing” cho nó tìm hiểu, Thầy giới thiệu nhiệt tình, và nó vô tu 7 tháng hơn, tuần trước nó nói: “Em về, hết nổi rồi anh!”.

Ờ thì Thầy cũng không lúng túng là mấy, Thầy bình thản. Nhưng dù sao thì cũng như lần Thầy giới thiệu đời tu với em, hôm nay Thầy cũng phải nghe chú em nói và nói với chú em đôi điều! Thầy kêu nó trình bày với cha tập sư, Thầy hỏi nó vài câu quen thuộc, đại loại là: “Em cảm thấy 7 tháng qua thế nào? Cực nhọc ra sao? Bất mãn chuyện gì à? Em hạnh phúc nhất khi nào và buồn bực điều chi?”. Từng câu hỏi đều là một “mồi châm”, thằng em nghe xong mỗi câu thì trả lời khí thế, liên hồi kể lể tỉ tê. “Em mệt, dậy sớm quá hà, cuốc đất vườn rau đau lưng, quét lá thật nhiều, công trình nắng cháy”. Thằng nhóc 19 tuổi cứ tiếp tục “hát”: nào là cãi nhau với anh em trong lớp, nào là bị khiển trách do bất cẩn, nào là món cá khô mặn, cá tra tanh, nào là nhớ nhà, nhớ bạn,…Nghe em ca một hồi, em ca vãn một bài thật vĩ đại! Em van: “Em ngán rồi!”. Câu cuối cùng em ngân dài thường thượt: “Không phải tu là sướng!”, một nốt thật trầm…Sáng hôm sau Thầy chở nó ra bến phà Cát Lái, ngồi sau xe mà nó nhí nhố nói chuyện: cái phiên bản iOS chạy ngon, nó chỉ chiếc Exciter 150 thật “bốc”,…Thầy ừ ừ chẳng nói. Tới bến phà nó lỉnh kỉnh xách cái giỏ đồ, quay lại giơ tay chào Thầy, Thầy nhoẻn cười và chào em.

Cả tuần rồi Thầy suy nghĩ, rồi cũng không nghĩ được hơn. Một tuần sau ở hiên kiệu Thầy lại nghĩ ngợi tiếp. Trước khi vào dòng ai cũng háo hức, sắp bước vào một cuộc sống “đầy ánh hào quang”, cái hào quang đó là cái em từng thấy: người ta lễ phép thưa thầy, chào cha, người ta khép nép kính trọng cha thầy, một hào quang lóe lên từ người tu mà em mơ tưởng…Trước khi vào dòng em sốt sắng ấp ủ những trang sách thiêng liêng thật đẹp, mơ tới ngày em cũng sẽ trang nghiêm đầy đạo mạo. Trước khi vào dòng em ham từng đoạn linh đạo Xito: em sẽ là Thầy dòng chiêm niệm, là trái tim Hội Thánh. Lý tưởng và lý tưởng, sáng lung linh, đẹp tinh khôi. Thầy đã nói với em những khó nhọc phải chịu, phải từ bỏ và hạn chế liên lạc với gia đình, phải từ bỏ những thời thượng xu thế, phải hãm mình khổ chế, tập đức và hy sinh,…em làm thinh rồi: “Dạ!”, em đồng ý và vào dòng. Cho tới khi em thật sự thực tập, một tuần, một tháng rồi 7 tháng trôi qua, và em nói: “Em về, hết nổi rồi anh!”. Lý do của em thật chân thành thẳng thắn, em đã không viện những lý do xa xôi giả tạo, em thật lòng và nói lời “chịu thua”. Thầy có khuyên em như “đúng bài” tu đức, khuyên vậy thôi chứ làm sao em “nuốt trôi” lúc em đã ngán quá rồi! Em bắt đầu đời tu bằng một bầu nhiệt huyết, nhưng đó chỉ là một cảm xúc mà thôi. Cảm xúc tuy cần nhưng không đủ để em tu tiếp.

Cái tuổi 26 của Thầy với cái tuổi 19 của em chẳng khác nhau là mấy, đều là thanh niên, phơi phới trẻ, chúng ta thích xi-nê, mê các bài hát. Bài hát nào đang “hit” (Lạc trôi – Sơn Tùng MTP đấy!), Youtube trending video nào cũng check, kiểu tóc undercut đang “hot” cũng săm soi, phiên bản xe đẹp giới trẻ đang chuộng, chúng mình cũng mê man!…Tất cả là tuổi trẻ, Thầy trẻ và em cũng trẻ. Vậy mà với cánh cửa nội vi chúng ta đành bỏ lại, có thòm thèm cũng chỉ là xem qua. Còn hơn thế nữa, tuổi ăn tuổi chơi sao chúng ta phải hãm mình ép xác, tuổi long nhong sao chúng mình phải chôn chân trong bờ tường nhà dòng? Tuổi mộng mơ qua rồi, tuổi ta là tuổi làm thơ tìm “gấu”, chuyện trai gái ít nhiều cũng đậm mầu yêu đương. Vậy mà 7 tháng rồi em kiêng khem tất cả, em “dứt sữa” những thú vui trần thế. 7 tháng rồi em gồng mình “chịu nhiệt” rồi cũng tới giờ em nói: “Hết chịu nổi rồi anh!”.

Tại sao gần 1 tỷ 3 tín hữu Công Giáo mà chưa đầy 800 ngàn tu sĩ? 600 ngàn giáo dân thì chỉ có 1 đan sĩ mà thôi! Không phải ai cũng “tu được”, phải không em? Và khi đã thử nghiệm sống đời tu, em đã hiểu: Tu không có “sướng” như em tưởng tượng! Không có đời sống nào mà chỉ toàn vui tươi, không có ơn gọi nào chỉ toàn là “thảm đỏ”. Bất cứ thành quả nào cũng phải trả một cái giá sòng phẳng thôi, cuộc đời vốn công bằng là vậy. Cũng như thiên nhiên cần thời tiết thay đổi để duy trì vạn vật, có bốn mùa để phong phú môi sinh, đời sống thiêng liêng cũng không đứng yên một chỗ, có khó khăn này và lắm nỗi truân chuyên. Chẳng có thánh nhân nào mà không từng lao đao khốn đốn, vì thánh giá cuộc đời là gia nghiệp Chúa Ngôi Hai. Đi theo Kito lẽ nào chối từ gian khổ? Ai kiên trì sẽ vững mạnh hiên ngang.

Nhìn hàng cây xà cừ mùa khô rụng lá Thầy chợt nghĩ ơn gọi cuộc đời cũng vậy thôi, có những khi thật khô khan héo hắt, thử thách đất trời tương tự thánh giá của nội tâm. Những khi tâm hồn khô khan chán ngán, vập vờ vô định như chiếc lá bị gió trêu đùa. Và cũng như thân cây xù xì kia kiên nhẫn bám chặc vào lòng đất, qua mùa khô mưa trời lại đổ, đón nước nguồn của mạch sống thiên nhiên. Tâm hồn người tu khi bị gian truân giày xéo nhưng biết kiên trì giữ vững những quyết tâm, lẽ nào Chúa lại không thương phù trợ? “Ơn Ta đủ cho con” (2 Cr 12, 9), còn y nguyên ở đó. Thời gian cứ qua như chẳng bao giờ chờ đợi, thử thách cuộc đời làm cho dày dặn hơn. Gió có to hay trời có nắng hạn cũng góp phần để ơn gọi vững vàng thêm.

Một cơn gió nữa lướt qua, lá xà cừ rụng tiếp, những cành cây rũ bỏ lớp áo lá già, nó sẽ còn để đất trời làm cho thay đổi, miễn sao thân mình cứ cắm rễ tầng sâu. Sự héo tàn, rũ bỏ, rơi rụng, là những cái “mất đi”, những cái “chết đi” nào đó luôn có giá trị siêu hình mang tính biện chứng: có từ bỏ để phong nhiêu, và có chết đi để sinh nhiều bông hạt (Ga 12, 24) . Đời tu có biết bao nhiêu từ bỏ, cái bỏ khó nhất là bỏ chính bản thân mình. Đời sống tâm linh có biết bao khó khăn thử thách và khi biết kiên trì qua “mùa khô” chờ “mưa” tới ắt “lá xanh” lại tiếp tục trên cành.

18h25 chuông rồi! Thầy bước vội lướt qua các vòng cung hiên kiệu cổ kính. Gió cứ thổi, lá cứ rơi, thời gian còn đi tới, cây đợi mưa, Thầy thì đợi mưa ân điển tràn đổ xuống cuộc đời.