Gặp gỡ truyền thống văn thơ Công giáo ngày 21/9/2020 tại chủng viện Làng Sông

Quang X Nguyen

GẶP GỠ TRUYỀN THỐNG VĂN THƠ CÔNG GIÁO
GIÁO PHẬN QUI NHƠN
21/9/2020



8 giờ sáng, ngày 21/9/2020, tại nhà in chủng viện Làng Sông, Ban Văn hóa Giáo phận Qui Nhơn đã tổ chức cuộc gặp gỡ các tác giả và cộng tác viên của hai tuyển tập Mục Đồng và Bông Hồng Nhỏ. Hôm nay, cũng là ngày mừng Kính thánh Matthêô Tông đồ bổn mạng giới cầm bút và mừng sinh nhật thi sĩ Hàn Mạc Tử.

Đây là cuộc gặp gỡ lần thứ chín do ban văn hóa Giáo phận Qui Nhơn tổ chức, nhằm tạo mối thân tình, chia sẻ những ưu tư về văn học nước nhà và góp ý làm cho hai tuyển tập kể trên ngày một tốt hơn, đến gần với đọc giả và được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, vì tình hình dịch bệnh Covid 19 còn tiềm ẩn nên các thành viên tham dự thuộc nội và ven thành phố Qui Nhơn.

Các thành viên tham dự là: linh mục, tu sĩ, nhà văn, nhà thơ, giảng viên đại học, họa sĩ các em đại diện câu lạc bộ linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn.


Sau những giây phút chào hỏi nhau, cha nguyên trưởng ban văn hóa Phêrô, Trăng Thập Tự giới thiệu thành phần tham dự. Sau lời giới thiệu cha tân trưởng ban Gioakim Nguyễn Đức Quang làm dấu thánh giá và xướng kinh Chúa Thánh Thần để xin Ngài chúc lành cho cuộc gặp gỡ được tốt đẹp.

Tiếp đến, cha Phaolô Nguyễn Minh Chính dẫn mọi người về với quá khứ để nhìn ngắm những hoa trái thơm ngọt của các bậc tiền nhân, qua bài thuyết trình:

LÀNG SÔNG
NHÀ IN – BÁO CHÍ – THƯ VIỆN – BÁO CHÍ

Cha Chính nhấn mạnh đến nhà in Gia Hựu và Làng Sông như là những trung tâm in ấn và phát hành các sách báo cả đạo lẫn đời cho cả Đàng Trong và Đông Dương. Cùng các vấn đề đó, cha còn nhắc đến các vấn đề khác liên quan đến các tập san và báo đã xuất bản của nhà in Làng Sông.

Nối tiếp bài thuyết trình của cha Phaolô, cha Phêrô Võ Tá Khánh giới thiệu SẤM TRUYỀN CA quyển 1: Tạo Đoan Kinh của cha Lu-y Đoan viết năm 1670 đã chuyển lời văn Kinh thánh thành thể thơ lục bát.

Nối tiếp, nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang cũng nêu lên một số vấn đề liên quan đến văn hóa Bình Định, nói đến những cái nôi khai sinh chữ Quốc ngữ. Theo ông, Nước Mặn là cái nôi đầu tiên và nhà in Làng Sông chuyển tải chữ Quốc ngữ đi đến nhiều nơi. Ông cũng nói đến vấn đề tên riêng Qui Nhơn là “i” hay “y”.

Để kết thúc buổi gặp gỡ, cha Gioakim tóm tắt vài ý chính về đề tài mà mọi người vừa chia sẻ và nêu những thuận lợi và khó khăn mà hai tuyển tập: Mục Đồng và Bông Hồng Nhỏ đón nhận trong thời gian qua.

Trong tình yêu mến và bữa cơm thân mật, quí cha, quí tu sĩ và quí anh chị em tham dự có chung một niềm hy vọng với ơn Chúa giúp và lòng nhiệt thành thế hệ con cháu hôm nay sẽ làm cho chữ Quốc ngữ ngày một trong sáng và phát triển, chuyển tải trọn vẹn ý nghĩa của Tin mừng.

Ban Văn hóa Gp Qui Nhơn