Sự thật và Hư cấu trong Cựu ước

Quang X Nguyen
Làm sao để tách bạch sự thật ra khỏi những điều hư cấu trong Cựu ước? Đây là một vấn đề quan trọng. Chúng ta muốn biết khi nào chúng ta đang đọc lịch sử và khi nào chúng ta đang đọc những câu chuyện được tạo ra hay “dựng nên” để minh họa cho một chân lý nào đó.



Có vài câu hỏi khác còn khó trả lời hơn, và hầu hết chúng phụ thuộc vào độ tinh tế về văn chương mà người đọc có được. Có những câu chuyện nguyên thủy được viết ra hoàn toàn bịa đặt với mục đích xây dựng và định hướng, rồi dần dần theo thời gian đạt được sự huy hoàng mang tính lịch sử mà thực ra chúng không hề sở hữu hay có ý định sở hữu. Chẳng hạn, còn bao nhiêu người Mỹ vẫn tin vào câu chuyện George Washington và cây anh đào? Bao nhiêu người Mỹ vẫn còn tin rằng Patrick Henry đã khích động nhóm lập quốc Hoa Kỳ bằng lời kêu gọi: “Nếu đó là tội phản quốc, hãy tận dụng lấy nó”? Bao nhiêu người còn tin mà không đặt nghi vấn việc Ethan Allen kêu gọi Pháo đài Ticonderoga đầu hàng bằng cách hét lên: “Tôi yêu cầu các bạn đầu hàng nhân danh Đức Giêhôva Vĩ đại và Đại hội Lục địa”? Các sử gia từ lâu đã chứng minh chúng là những câu chuyện huyền thoại.

Ngạc nhiên: Con đẻ của Dốt nát


Vậy chúng ta sẽ nói gì về Cựu ước? Tất cả đều đúng sự thật? Hay tất cả chỉ là huyền thoại? Đều không phải. Có nhiều yếu tố lịch sử trong Cựu ước. Các sử gia đương đại nhìn chung rất ấn tượng với thực tế lịch sử của Cựu ước. Nói về sự khinh thị tồn tại ở một số nơi về tính lịch sử của phần lâu đời nhất trong Cựu ước – những truyền thống về tổ phụ trong sách Sáng thế - William F. Albright, trưởng nhóm các học giả nghiên cứu Kinh thánh Hoa Kỳ, phát biểu gần đây: “Các khám phá khảo cổ kể từ năm 1925 đã làm thay đổi tất cả những điều này. Ngoài một vài vị bảo thủ trong số những học giả lớn tuổi, hiếm có nhà sử học Kinh thánh nào không bị ấn tượng bởi sự tích lũy nhanh chóng của các dữ liệu ủng hộ lịch sử tính của truyền thống tổ phụ”.

Điều này có nghĩa là chúng ta có thể chú dẫn mọi sự kiện trong Cựu ước? Không hề như vậy. Nhưng nó muốn rói rằng chúng ta có thể tin tưởng vào lịch sử tính của các sự kiện nền tảng và một số sự kiện phát sinh từ đó. Nghĩa là không có huyền thoại trong Cựu ước? Ngược lại, chúng có rất nhiều. Đúng là các nhà thần học của Cựu ước quan tâm đến lịch sử, nhưng điều họ càng quan tâm hơn là những giáo huấn tôn giáo. Vì mục tiêu giảng dạy và khắc sâu những chân lý tôn giáo quan trọng nhất định, giống các nhà giáo ở mọi thời, họ thường xuyên dùng đến các câu chuyện và huyền thoại. Trong trường hợp này, cần đánh giá câu chuyện theo mục đích. Vấn đề đặt ra đối với những câu chuyện này, không phải là giá trị lịch sử của chúng, nhưng là điều chúng dạy?

Chính Chúa cũng dựng nên những câu chuyện. Chúng ta gọi chúng là các dụ ngôn. Tuy vậy, chúng hoàn toàn hư cấu. Và Tân ước không phải lúc nào cũng cho chúng ta biết khi nào Chúa nói bằng dụ ngôn. Đôi khi – và dụ ngôn Người Samari Nhân hậu là ví dụ điển hình – chúng ta phải tự tìm hiểu.

Trong Cựu ước, có những câu chuyện xem ra mang tính lịch sử, nhưng thật ra lại là những dụ ngôn có tính hư cấu. Một số điển hình là các câu chuyện về lụt lội, tháp Babel, Giôsuê làm mặt trời đứng yên, Samson giết một ngàn tên Philitinh bằng xương hàm của một con lừa, và các sách Giuđitha, Étte, Tôbia, và Giôna.

Điều này có gây ngạc nhiên hay không? Một số có, còn số khác thì không. Khi một phụ nữ nào đó nghe nói rằng Giôna chỉ là chuyện hư cấu, không phải sự thật, cô ta giận dỗi đáp lại: “Bất kỳ điều gì Kinh thánh nói, tôi đều tin. Kinh thánh nói rằng cá voi đã nuốt chửng Giôna. Tôi tin điều đó. Cho dù Kinh thánh có nói Giôna nuốt con cá voi, tôi vẫn cứ tin”. Rất thích hợp để gọi cô là một người duy cơ yếu tận căn. Đức tin, chứ không phải lương tri của cô ta, mới là thứ đáng được khen ngợi!

Đức Giáo hoàng Gioan XXIII, trong cuốn “Nhật ký Tâm hồn”, đã tiếp nhận một thái độ hợp lý hơn: “Tôi sẽ không bao giờ kinh ngạc, ngay cả trước những kết luận có vẻ lạ lùng, miễn là không sai với đức tin. Thường thì kinh ngạc chỉ là con đẻ của dốt nát. Trái lại, tôi vui mừng vì thấy Thiên Chúa sắp xếp mọi sự để làm cho kho tàng mặc khải của Ngài được ngày càng trong suốt và tinh tuyền hơn” [1]. Ngài viết ra những lời này vào năm 1903, khi vẫn còn là một chủng sinh.

Mặt khác, công bằng mà nói, đôi khi tất cả chúng ta đều chung một con thuyền. Chúng ta là nạn nhân của điều chúng ta tiếp nhận mà thiếu đi óc phê phán. Washington và cây anh đào là một ví dụ điển hình. Nhiều người chúng ta tin nó mà không thắc mắc. Nhưng nó là gì? Một câu chuyện dùng một người nổi tiếng làm phương tiện để đưa ra bài học, một bài học xuất sắc. Câu chuyện là hư cấu. Làm sao phân biệt giữa sự thật và hư cấu? Hãy thừa nhận rằng điều này thường bất khả thi đối với độc giả bình thường thiếu óc phê phán. Ở đây cần có học giả chuyên nghiệp để nghiên cứu nguồn gốc câu chuyện. Chỉ có một sử gia chuyên nghiệp mới có thể cho chúng ta biết câu chuyện không đặt nền tảng trên thực tế cuộc đời Washington; trước tiên, nó được dùng để dạy trẻ em; mục tiêu hướng dẫn của nó đã bị mất dấu và làm nhiều người xem đấy là một tiểu sử.

Điều tương tự cũng đúng đối với một số câu chuyện trong Cựu ước. Tại sao ư, chúng ta thấy những bức tranh lịch sử Kinh thánh về con tàu Nôê chòng chành giữa những làn sóng cuồn cuộn của trận lụt và Giona bị nuốt vào hàm cá voi. Và chúng ta cũng thường xuyên lặp lại những từ như “chân lý Tin mừng” và “chân lý Kinh thánh” đến nỗi chúng ta đánh đồng chân lý với sự thật lịch sử, mà quên rằng cũng có thể có chân lý trong một câu chuyện như trong một sự thật lịch sử vậy. Chúng ta quên rằng người Samari nhân hậu còn không thật hơn cả việc có một cây anh đào. Nhưng chân lý theo giáo huấn của Chúa trong dụ ngôn vẫn tồn tại và nhờ đó chúng ta ngày một hoàn thiện.

Khi hiểu Kinh thánh kỹ càng hơn, chúng ta sẽ ngạc nhiên nhiều điều. Cũng có một số sẽ khó chịu. Không ai trong chúng ta vui vẻ gạt san một bên điều chúng ta cho là dĩ nhiên. Nhưng hầu hết sẽ thấy thích thú. Chúng ta sẽ nhận ra rằng các tác giả Kinh thánh là những nhà thần học dày dạn và là những bậc thầy kinh nghiệm – quá kinh nghiệm đến mức họ, với tài năng xứng tầm, có thể đưa sự thật và hư cấu vào trong guồng máy sư phạm của mình để tạo ra bản Kinh thánh được linh hứng, mà theo lời của thánh Phaolô, những gì viết trong đó “đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính…”.

Đọc Cựu ước như thế nào?


Nhiều người đọc từng chương Cựu ước mỗi ngày để cảm nghiệm tiếng Chúa nói nơi tâm hồn họ. Một số gọi tiếng nói này là một dạng linh cảm. Một số không thể diễn tả chút nào về điều này. Họ chỉ biết rằng nó giống như một điều gì thật sống động mà họ cảm thấy “gần như là một mặc khải”. Có thể chỉ là một dòng chữ được đọc từ sách Thánh vịnh hay Khôn ngoan, nhưng bằng cách này cách khác, nơi dòng chữ ấy, Thiên Chúa ban sự soi sáng mà hàng giờ suy tư và tìm kiếm suốt các cuốn sách khác chẳng hề mang lại.

Lối đọc này thật đơn giản, thuận tiện, và không bao giờ gây chán nản. Tuy nhiên, Kinh thánh là một cuốn sách, và khi đọc, người ta cần xem nó như một cuốn sách – từ khởi đầu cho đến kết thúc. Và người ta cần học hỏi để hiểu rõ giá trị mà thông điệp mang lại như một toàn thể, chứ không theo riêng từng phần. Dĩ nhiên, việc làm này đòi hỏi một số nỗ lực. Không thể đọc xong một sớm một chiều toàn bộ cuốn Kinh thánh được hình thành từ khoảng một triệu từ. Cũng không thể thấu triệt chúng trong vòng một hai năm. Độc giả đòi hỏi cần có một số phương pháp nếu không muốn lạc lối, chán nản, hay thậm chí thất bại hoàn toàn.

Độc giả sẽ chất vấn rằng liệu họ có phải đọc mọi thứ trong Cựu ước hay không. Một vài phần, chẳng hạn như những mô tả dài dòng về nghi lễ, có vẻ không đáng chú ý chút nào. Quả thế. Và một số phần, đã không đáng chú ý, lại còn rất khó đọc. Cần nhiều can đảm, ít nhất là trong lần đọc đầu tiên, để bỏ qua những phần khó và không đáng chú ý. Chúng có thể được chọn và đọc với một sự nhận thức sâu sắc hơn về giá trị thần học trong lần đọc thứ hai.

Việc đọc theo kế hoạch, được đề nghị cho lần đọc đầu tiên, dựa theo những sự kiện chính của lịch sử cứu độ như được thuật lại theo những phần liên tục của Cựu ước.

1. Bộ Ngũ thư:

Hãy đọc Sáng thế 12-50; sau đó là Xuất hành 1-24; cuối cùng là Dân số 10-25. Hãy bỏ qua Sáng thế 1-11; Xuất hành 25-40; toàn bộ Lêvi; Dân số 1-9; 26-36; và toàn bộ Đệ nhị luật. Các chương được đọc chứa đựng lịch sử cứu độ của dân Thiên Chúa từ lời kêu gọi Abraham năm 1900 B.C. cho đến khi con cái Israel tiến đến biên giới dẫn vào Đất hứa năm 1225 B.C.

2. Lịch sử theo Đệ nhị luật:

Gồm sáu phần: Giôsuê, Thủ lãnh, 1 và 2 Samuel, 1 và 2 các Vua[2]. Hãy đọc Giôsuê 1-11; Thủ lãnh 1-16; 1 Samuel 1-31; 2 Samuel 1-20; toàn bộ 1 và 2 các Vua. Hãy bỏ qua Giôsuê 12-24; Thủ lãnh 17-21; 2 Samuel 21-24. Các chương được đọc tiếp tục các sự kiện của lịch sử cứu độ từ cuộc chinh phục Đất hứa năm 1225 đế sự sụp đổ của Giêrusalem năm 587 B.C.

3. Lịch sử theo Sử biên niên:

Gồm bốn phần: 1 và 2 Sử biên niên, [Étra] và Nơkhêmia. Chỉ đọc Étra 1-10 và Nơkhemia 1-13. Bỏ qua toàn bộ 1 và 2 Sử biên niên (lịch sử chúng chứa đựng phần lớn là một sự nhắc lại định hướng thần học chứa trong nội dung của 1 và 2 các Vua). Các chương được đọc chứa đựng một mô tả về sự tái tổ chức Israel ở Palestine sau khi trở về từ thời lưu đày Babylon (587-539), và đề cập tới những sự kiện chính yếu từ năm 539 đến khoảng năm 400 B.C.

4. Các sách Macabê:

Hai sách Macabê hoàn toàn là những cuốn sách độc lập. Macabê quyển 1, là cuốn nên đọc toàn bộ, tường thuật lại việc phản kháng của Israel trước sự đàn áp của Antiôkhô IV, vua Syria, người mưu toan triệt hạ đức tin chân chính giữa năm 171 và 164, và cuộc đấu tranh giành độc lập được người Dothái tiến hành cho tới tận năm 135 B.C. Macabê quyển 2 có thể được bỏ qua. Nó chứa một danh mục chi tiết hơn về những sự kiện đã xảy ra trong Macabê quyển 1.

5. Để hiểu đầy đủ lịch sử cứu độ, ít nhất cần đọc thêm hai cuốn sách trong Tân ước: 
Tin mừng theo thánh Máccô và Công vụ Tông đồ. Lần thứ hai, toàn bộ Kinh thánh cần được đọc từ đầu đến cuối và với sự giúp đỡ của một cuốn sách giáo khoa dẫn nhập hay một bộ chú giải. Hướng dẫn đọc Cựu ước, một bộ 30 tập chứa phần dẫn nhập, bản văn, và chú giải cho tất cả các sách Cựu ước (Liturgical Press, Collegeville, Minnesota) là một đặc cử.

Như một chuyến hành trình ngàn dặm, việc đọc cả ngàn trang của Cựu ước bắt đầu với trang đầu tiên. Bất kể đi đến đâu, chúng ta đọc trang đầu ấy đã là một khởi đầu tốt. Và cũng thật tốt khi cầu nguyện với Chúa Thánh Thần để Ngài hướng dẫn và soi sáng việc đọc của chúng ta. Đây là điều mà Công đồng Vaticanô II khuyên dạy trong Hiến chế Tín lý về Mặc khải Thiên Chúa. Hiến chế dạy rằng: “Người tín hữu hãy đạt đến sự hiểu biết tuyệt vời về Đức Giêsu Kitô… và đừng quên rằng kinh nguyện phải đi đôi với việc đọc Thánh kinh, để trở thành cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người, vì chúng ta ngỏ lời với Người khi cầu nguyện; chúng ta lắng nghe Người nói lúc chúng ta đọc các lời Người tuyên phán” [3].


Peter Ellis, “Old Testament fact and fiction”, in Liguorian, vol. 54, no. 7, July-1966, p. 22-25.
Tác giả: Father Peter Ellis, C.SS.R.
Grêgôriô Võ Trần Nhựt chuyển ngữ
Nguồn: https://gpquinhon.org/q/than-hoc/su-that-va-hu-cau-trong-cuu-uoc-3681.html


[1] Bản dịch: A. G. Roncalli, Nhật ký tâm hồn, Trần Văn Thông dịch, Võ Tá Khánh hiệu đính, Nxb. Tôn giáo, 2015, tr. 172.
[2] Nguyên văn: 3 và 4 các Vua. Trong bản Kinh thánh Hipri, hai sách Samuel chỉ là một; hai sách các Vua cũng vậy. Việc phân chia mỗi tác phẩm thành hai quyển dựa theo bản LXX, bản dịch này đặt cả 4 quyển dưới cùng một đầu đề: bốn sách các Triều đại. Bản Vulgata giữ cách phân chia này của bản LXX và gọi là bốn sách các Vua.
[3] Công đồng Vatican II, Hiến chế tín lý về Mặc khải Thiên Chúa, số 25.