Tâm tình một người con xa quê nhớ về Tết

admin



“Tết”- có lẽ không có từ nào ngắn gọn để diễn tả niềm vui trọn vẹn cho bằng chữ “Tết”. Tết là một truyền thống tốt đẹp của người dân Việt. Đây là dịp thuận lợi để người người gặp gỡ, nhà nhà sum vầy. Tết còn là dịp, là khoảng thời gian quí giá để mọi người dừng lại, sống giây phút báo hiếu cho ông bà, tổ tiên, giữa cuộc sống nhộn nhịp, đầy những lo toan. Nhưng năm nay, khi nói đến Tết, thiết nghĩ ai cũng có cảm xúc riêng về gia đình, bạn bè và quê hương, nhất là trước tình hình đại dịch Covid-19 tái bùng phát, lòng người con xa quê không khỏi bồn chồn xao xuyến.

Thuở còn bé, mỗi khi xuân về, tôi được sum vầy bên gia đình: có những bộ quần áo mới; được đi chơi chợ Tết; cùng bạn bè với thú vui nổ pháo diêm, đốt đèn lồng… Niềm vui chơi Tết của những năm tháng đầu đời đã thổi vào tâm hồn tôi biết bao kỷ niệm đẹp. Có những lúc tôi thẩn thơ một mình nghĩ lại và cảm thấy vui biết bao.

Thời gian trôi qua, tôi đã lớn lên và chắp cánh bay rời xa vòng tay ấm êm của gia đình. Tôi còn nhớ cái ngày đầu tiên rời xa gia đình yêu dấu của tôi: tôi cảm nhận một nỗi buồn man mác ùa vào trái tim tôi. Nỗi buồn và cảm giác nhớ nhà càng gia tăng khi những ngày Tết sắp về. Tôi nhớ ông bà, nhớ gia đình tôi, nhớ quê hương; nhớ bạn học cũ, nhớ bà con lối xóm; nhớ cô bé năm xưa cùng sinh hoạt Thiếu Nhi Thánh Thể…Nỗi nhớ đó vẫn mãi tiếp diễn trong cuộc đời của tôi nhất là khi Mùa Xuân mới lại đến trong khi đại dịch Covid-19 tái bùng phát trên quê hương.

Thấm thoắt, vậy mà hơn mười năm tôi rời xa quê, xa mái ấm gia đình. Mười năm, bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu nhớ thương dễ sao kể hết! Trước khung cửa vòm của Chủng viện, những cơn gió cuối cùng của mùa đông đang thổi nhẹ như muốn an ủi tâm hồn tôi. Giữa một khung cảnh bình yên nơi Phát Diệm địa linh lòng tôi lại bâng khuâng nhớ về quê nhà.

Hình ảnh cánh đồng no nước đổ ải phía bên kia đường gợi lên trong lòng tôi nhớ cha mẹ đang vất vả ngoài ruộng vườn, để nhanh chóng đón Tết mà không còn lắng lo. Xa hơn một chút, tôi nhận ra biết bao người đang hối hả cho kịp đón Tết. Bầu không khí Tết đã ập đến cánh cửa Chủng viện. Lòng tôi lại thêm biết bao gợi nhớ, bật lên khúc ca quê hương, nhẹ nhàng mà êm ấm: “Đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh, nhớ núi Hồng Lĩnh, nhớ dòng sông Lam, nhớ biển rộng và quê ta…”

Lời bài hát nhắn nhủ ai xa quê thì hãy nhớ đến quê mình. Lời nhắn nhủ đó càng da diết trong lòng tôi.Bây giờ là một đại chủng sinh, tôi không chỉ nhớ đến quê hương, nơi đã sinh thành và dưỡng dục tôi mà tôi còn nhớ đến biết bao lời nhắn nhủ của mọi người. Bao nhiêu lời động viên của cha xứ, ông bà, bố mẹ, anh chị em trong gia đình. Tôi vẫn còn nhớ câu hỏi thăm của ông hàng xóm: “Khi mô mi được mặc áo dòng? Cố gắng tu rồi bữa mô cho cả làng ta được ăn mừng”. Những đứa bạn thân nay đã yên bề gia thất cũng không quên hỏi dò: “Tết ni mi có về không? Nếu được về thì nhớ vô nhà choa chơi Tết nha”.

Những lời yêu thương bình dân mà đượm tình yêu, làm tôi càng nhớ về quê hương hơn bao giờ hết. Tết quê hương tôi, không có linh đình trang trí cây cảnh, đèn nến lấp lánh như ở thành phố. Tết quê hương chỉ có bánh chưng xanh, thịt đông, hành muối, mùi trầm hương nồng tỏa khói cùng cây đào treo thêm ít bóng bay. Chỉ có thế thôi, nhưng Tết quê hương đẫm niềm vui và tình yêu sum vầy. Bầu không khí ấy lại lôi tôi về với quê hương, để cảm nghiệm, để kín múc, để đón nhận thêm động lực cho hành trình đời tu của tôi. Suy niệm đoạn Tin Mừng (Mc 4, 26-34), tôi lại nhớ và biết ơn bao nhiêu người âm thầm, ngày đêm gieo vãi hạt giống đức tin vào tâm hồn tôi.

Nhận lãnh thì phải biết cho đi. Tôi đã đón nhận rất nhiều từ quê hương và gia đình. Nay với vai trò là một chủng sinh năm tu đức, tôi sẽ đem gì về cho quê hương và gia đình trong Tết năm nay?! Đó là suy nghĩ mà tôi đã tự hỏi và trả lời: Tôi đã ở với Chúa “trên núi” trong thời gian qua, giờ đây tôi “xuống núi” thì phải mang theo niềm vui có Chúa về với gia đình, quê hương. Tôi sẽ sống tinh thần của Chúa; viếng thăm hàng xóm, nhất là những người già cả, nghèo khổ, cô đơn, bệnh tật. Hơn nữa, tôi muốn nội tâm hóa niềm vui của “Tết đất trời” để cùng chia sẻ, cảm thông với những người đón Tết xa quê, vì không có điều kiện trở về quê hay bị dịch bệnh ngăn chặn. Đặc biệt, là một chủng sinh, tôi luôn hướng về cái “Tết vĩnh cửu”. Tôi muốn hòa chung niềm vui Tết đất trời để đi tới niềm vui của Chúa Xuân. Đó là niềm vui mà tôi hằng kiếm tìm, đồng thời muốn chia sẻ cho mọi người. Ước mong sao, niềm vui của Tết Nguyên Đán, sẽ không làm phai nhạt đi niềm vui của “Tết vĩnh cửu” trong lòng tôi, nhưng hòa vào làm cho niềm vui của Chúa Xuân thêm sống động, để tôi dễ dàng sống và chia sẻ niềm vui đó cho mọi người.

Bầu không khí của những ngày Tết Nguyên Đán gợi lên trong tôi biết bao nỗi nhớ như thế. Nỗi nhớ nhung ấy khiến tôi mong muốn sớm được về quê đón Tết. Hơn nữa, Tết cũng làm cho tôi mong muốn có cơ hội hàn gắn, thắt chặt các mối tương quan: với gia đình, hàng xóm, bạn bè…Nhất là mang Tết đến cho mọi người trong lối xóm, trước hết là những người nghèo khổ, già cả cô đơn. Nhưng tôi chỉ sợ tình hình đại dịch có thể sẽ không cho phép tôi thực hiện được ước mơ nhỏ bé ấy. Dù sao đi nữa, bầu không khí Tết cũng giúp tôi cầu nguyện, quy hướng và suy nghĩ về niềm vui trọn vẹn trong Chúa Xuân nơi “Tết vĩnh cửu”. Đó là niềm vui và hạnh phúc mà mỗi Kitô hữu đang ngày đêm tìm kiếm. Ước mong niềm vui của Tết Nguyên Đán năm nay, sẽ đưa tôi đến mối tương quan của yêu thương với Thiên Chúa và tha nhân hầu tôi và mọi người được chung hưởng niềm vui của “Tết vĩnh cửu” ngay trong giây phút hiện tại này.


Một chủng sinh lớp Tu Đức