Sức mạnh của sự thinh lặng- M. Hạnh Tử

admin



SỨC MẠNH CỦA SỰ THINH LẶNG

(Cảm nhận từ câu chuyện người phụ nữ ngoại tình trong Tin Mừng Gioan 8,1-11)


Người xưa có câu “không có gì mềm bằng nước, nhưng cũng không có gì mạnh bằng nước”. Thật vậy, trong điều kiện bình thường, nước là một loại vật thể hết sức mềm mại. Nó có thể thích nghi với tất cả mọi địa hình hay vật chứa nó. Thế nhưng, nước lại có sức mạnh khủng khiếp trong cơn giông bão hay mưa lũ. Nước chảy cuồn cuộn, mạnh mẽ đến mức có thể phá đổ và cuốn phăng tất cả những gì trên dòng chảy của nó.

Trong cuộc sống con người, có một trạng thái tinh thần có tính chất tương tự như nước, đó là sự thinh lặng. Thinh lặng là một trạng thái cần thiết cho sự cân bằng và phục hồi sự sống, sức khoẻ… Thinh lặng là điều kiện đem lại cho con người sự nghỉ ngơi, bồi bổ sức khoẻ tâm thể lý. Tuy nhiên, trong những lúc cô đơn buồn bã; sau những sai lầm hay lỗi phạm; sau những xung đột và nóng nảy… thinh lặng là lúc con người cảm thấy sợ hãi và trống trải nhất. Quả thật, chính trong những giây phút hồi tâm trong thinh lặng, con người cảm thấy mình bị trần trụi, phải đối diện với chính mình, với những yếu đuối và lầm lỗi, với cảm giác bơ vơ và bị bỏ rơi… Chính giây phút ấy, tiếng nói của lương tâm gào thét khiến cho con người điên đảo, hoảng loạn, mất bình an và thậm chí là bị điên loạn. Đó chính là sức mạnh của sự thinh lặng. Nó buộc con người phải đối mặt với sự thật, với quan toà lương tâm và với sự trần trụi thực sự của con người. Chính vì thế, tôi có thể nói rằng “không có gì dễ chịu bằng thinh lặng, những cũng không có gì đáng sợ bằng thinh lặng”.

Một số người ngày nay quan niệm rằng, thinh lặng là biểu hiện của sự hèn nhát và thất bại. Trái lại, sự náo nhiệt, hoan hỉ là biểu hiện của niềm vui, của thành công, của sức mạnh. Quan niệm này đúng không? Để trả lời cho câu hỏi này, người viết xin dùng câu chuyện về người phụ nữ ngoại tình trong Tin Mừng Gioan (Ga 8,1-11) để lý giải. Trước hết, chúng ta cùng tìm hiểu xem phải chăng sự ồn ào náo động là biểu hiện của sức mạnh.


1. Phải chăng sự ồn ào náo động là biểu hiện của sức mạnh?


Đoạn Tin Mừng Gioan 8,1-11 kể lại: Khi Chúa Giêsu đang giảng dạy cho dân chúng thì có một đám đông gồm các kinh sư và người Pharisêu điệu đến trước mặt Chúa Giêsu một người phụ nữ với lời tố cáo là đã bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Họ xin Chúa Giêsu xử lý người phụ nữ ấy. Tin Mừng không mô tả chi tiết về bối cảnh của đám đông này, nhưng tôi có thể hình dung ra đó là một đám đông náo động, hầm hầm sát khí, vừa la ó vừa tố cáo. Sự náo động của đám đông tạo sức ép lên Chúa Giêsu, đòi Ngài xử lý hoặc theo luật là ném đá người phụ nữ, hoặc vi phạm lề luật nếu tha bổng hay bảo vệ người phụ nữ.


Theo dõi cách hành xử của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ thấy được sự khôn ngoan của Ngài. Quả thật, giả sử trong bối cảnh đó nếu không có sự khôn ngoan và điềm tĩnh, thì chắc chắn sự náo động của đám đông sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyết định của Chúa Giêsu. Chúng ta còn nhớ quan tổng trấn Philatô khi xét xử Chúa Giêsu, dù biết Ngài vô tội, nhưng đứng trước một đám đông hò hét, náo động, ông vẫn phải chiều theo họ mà kết án Chúa Giêsu. Với lại, theo sự thường, tiếng nói của quần chúng luôn luôn có sức mạnh và sức ảnh hưởng. Chẳng hạn như ở các nước tự do, khi dân chúng đổ ra đường biểu tình đòi hỏi quyền lợi gì thì hầu như nhà cầm quyền đều phải nhân nhượng. Cũng vậy, sự cổ vũ ồn ào và cuồng nhiệt của đám đông khán giả trên các sân vận động cũng thường có tác động tâm lý rất lớn đến các vận động viên thi đấu trên sân. Tương tự như thế, trên chiến trường, tiếng hò la xung trận cũng là một cách tạo sức mạnh hữu hiệu. Thấy được sức mạnh từ sự ồn ào náo động như thế, chúng ta mới hiểu được áp lực Chúa Giêsu phải chịu lớn đến mức nào trước một đám đông đang nhao nhao lên án người phụ nữ ngoại tình.


Thế nhưng, qua những gì vừa nêu lên chúng ta thử hỏi phải chăng sự ồn ào náo động là biểu hiện của sức mạnh thực sự? Thiết nghĩ không phải như vậy. Đúng hơn, sức mạnh thực sự phải đến từ sự bình an trong thinh lặng sâu xa. Xét trên bề mặt thì ồn ào quả có sức mạnh thật. Nhưng xét trong chiều sâu, đằng sau sự náo động đó là gì? Phải chăng sự ồn ào ấy là tấm bình phông che đậy một tâm hồn trống rỗng, một sự nhu nhược sợ hãi hay những âm mưu đen tối? Chẳng hạn đám đông những người kinh sư và Pharisêu tố cáo người phụ nữ ngoại tình, họ dùng sự ồn ào để gây sức ép có vẻ như chính đáng là bảo vệ luân lý, thi hành lề luật, nhưng thực ra là họ đang có âm mưu hãm hại Chúa Giêsu. Sự ồn ào ấy che giấu âm mưu đen tối của họ.


Trong thế giới hôm nay, người ta chuộng sự náo nhiệt hơn là thinh lặng. Nói đúng hơn, người ta sợ thinh lặng và chạy trốn thinh lặng trong những tiếng nhạc đinh tai nhức óc, trong sự náo nhiệt của hội hè, đình đám. Thậm chí có những người “sợ thinh lặng” mà lại “nghiện tiếng ồn”. Họ thích tìm niềm vui trong sự náo nhiệt không phải vì nó đem lại hạnh phúc cho họ, nhưng thực ra là để che giấu một tâm hồn trống trải không có gì lấp đầy. Tiếng ồn làm cho họ quên đi phần nào sự thiếu thốn và trống trải ấy. Người ta cho rằng sự náo động mới là sức mạnh, còn thinh lặng là hèn nhát, là nhu nhược, là sợ hãi… thế mà con người ngày nay lại sợ thinh lặng, sợ những giây phút cô đơn vì thinh lặng bắt họ phải đối diện với chính mình, với sự trần trụi và thiếu thốn tinh thần của mình. Nhưng khi sợ thinh lặng thì cũng cho thấy thinh lặng thực sự có sức mạnh.


2. Sức mạnh của sự thinh lặng


Đương đầu với âm mưu đen tối của các kinh sư và những người Pharisêu cùng với đám đông ồn ào trước mặt, Chúa Giêsu không lớn tiếng chế ngự họ, cũng không đứng ra phân xử điều họ muốn Ngài làm. Họ càng hối thúc, Ngài càng thinh lặng, đến khi thấy họ hết kiên nhẫn, Ngài mới ngẩng đầu lên và nói rất nhẹ nhàng như một lời mời gọi: “Ai trong các ông thấy mình vô tội thì hãy lấy đá mà ném trước đi”. Nói rồi Ngài lại thinh lặng! Lời nói của Ngài rất nhẹ nhàng, nhưng khi được kết hợp với sự thinh lặng, lời nói ấy lại trở thành lời phán xét rất nghiêm khắc. Câu nói của Chúa Giêsu tạo nên một bầu khí thinh lặng bao trùm đám đông. Và theo tôi nghĩ, trong những giây phút thinh lặng ngắn ngủi ấy, đám đông phải đối diện với con người thật và với lương tâm của họ, nơi đó tiếng nói của Chúa Giêsu đang âm vang tận đáy sâu: “Ai thấy mình vô tội thì hãy lấy đá mà ném trước đi”. Đó! Sức mạnh của thinh lặng chính là ở đó. Tiếng nói của toà án lương tâm vang lên trong thinh lặng. Đây chính là điều làm cho người ta sợ thinh lặng. Vì khi đó, con người thật của họ bị phơi bày.


Cách hành xử của Chúa Giêsu rất nhẹ nhàng nhưng lại rất hiệu quả, có thể nói là hiệu quả hơn cả cách dùng vũ lực hay lời quát tháo. Hẳn mọi người còn nhớ khi Chúa Giêsu vào đến thờ Giêrusalem (x.Ga 3,13-22; Lc 19,45-46) và thấy đền thờ bị ô uế vì những người buôn bán chiên bò, bồ câu và đổi tiền, Ngài đã lớn tiếng quát nạt: “Đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán” (Ga 3,16), và Ngài còn xua đuổi, lật nhào bàn ghế của họ. Tôi không dám nói là cách làm của Chúa Giêsu trong hoàn cảnh này là sai hay quá đáng, nhưng so sánh kết quả của hai cách hành xử trong hai trường hợp đó, chúng ta thấy rằng khi Ngài mạnh tay với dân chúng, thì họ quay lại đối chất với Ngài: “Ông lấy dấu nào chứng tỏ ông có quyền làm như thế?”. Rồi họ còn dùng chính câu nói của Chúa Giêsu lúc đó: “Các ông cứ phá hủy đền thờ này đi, nội trong ba ngày tôi sẽ xây dựng lại” để tố cáo Ngài sau này (x.Mt 26,61). Ngược lại, trong trường hợp này, sau khi Chúa Giêsu mời gọi đám đông đi vào thinh lặng để tra vấn lương tâm thì họ đã tự động rút lui, không cần Ngài xua đuổi hay giải tán.


Rõ ràng, thinh lặng không chỉ làm cho bên nguyên cáo là đám đông câm miệng mà còn làm cho bị cáo là người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình suy nghĩ về việc làm của chị. Không biết khi thấy đám đông giải tán, chị đã thở phào nhẹ nhõm vì được cứu mạng, hay bật khóc vì nhận ra tình thương của Thiên Chúa cũng như tội lỗi của mình mà ăn năn sám hối, có thể là cả hai. Nhưng điều tôi muốn nói ở đây là thinh lặng có sức mạnh đẩy lui những âm mưu đen tối, bởi vì như M.Zundel khẳng định: “Trong sự thinh lặng của Thiên Chúa, người ta học được nhân phẩm của con người, người ta thấy được chỉ duy một sự cần thiết, đó là sự thật, sự công chính”. Trong sự thinh lặng, đám đông không chỉ nhận ra tội lỗi của họ, mà còn thấy bị đòi hỏi phải tôn trọng chân lý, điều đó làm họ xấu hổ vì tội lỗi cũng như vì đầu óc xấu xa, đen tối của mình. Chính ở điểm này, thinh lặng tạo nên sự biến đổi.


Trong những trận cuồng phong bão tố, khi chứng kiến sự hung hãn của những cơn sóng biển dập dồn, người ta cứ nghĩ rằng đó chính là sức mạnh của biển cả. Nhưng họ đâu biết rằng, những con sóng đó chỉ là biểu hiện nơi bề mặt, còn nguồn tác động tạo nên chúng lại là những dòng hải lưu ngầm, âm thầm lưu chuyển dưới lòng biển sâu. Chúng rất âm thầm lặng lẽ, nhưng có khả năng làm biến đổi thời tiết. Điều đó cho thấy, không hẳn là sự náo động và ồn ào bề mặt là sức mạnh thực sự. Trái lại, sự thinh lặng mới là thời gian, là không gian và cơ hội cưu mang sức mạnh thực sự, đồng thời sự thinh lặng ấy có khả năng tạo nên sự đột biến và sự thay đổi: Hạt giống nảy mầm trong thinh lặng; những mầm sống được hình thành và phát triển trong thinh lặng...


Thinh lặng thật có giá trị và ý nghĩa đối với đời sống mọi người, cách riêng là đối với các tu sĩ nam nữ. Thinh lặng giúp cho chúng ta lắng đọng tâm hồn, để kết hợp với Chúa, để hồi tâm và tìm lại được sự quân bình cho đời sống của mình. Đó chính là khẳng định của M.Zundel: “Đối với chúng ta, điều tối cần thiết để giữ lấy sự quân bình và bình an là phải liên tục trở về với thinh lặng”. Không chỉ có thế, trong tương quan với tha nhân, thinh lặng cũng là điều kiện và cơ hội giúp ta nhận ra nét đẹp nơi tâm hồn tha nhân; đồng thời, trước những yếu đuối và lầm lỗi của họ, thinh lặng giúp chúng ta đồng cảm, tha thứ và có khả năng trao cho họ những lời khuyên hữu hiệu. Về điều này, Michel Hubaut trong cuốn “Những nẻo đường thinh lặng” đã nhắc nhở chúng ta: “Để đánh giá người khác, để khuyên bảo hay góp ý người khác, chúng ta hãy bình tâm để xem những ý kiến đó đi đến từ trong thinh lặng nội tâm hay bộc phát từ cái nhìn và đánh giá vội vã. Lời khuyên đến từ người có tài ăn nói có thể hay nhưng chưa chắc đã ý nghĩa và thấm đậm bằng lời khuyên của người nói trong thinh lặng. Đó là ‘sự thinh lặng nhẫn nại biết có một thời để nói và một thời để im. Sự thinh lặng cẩn trọng và cân nhắc từng lời, sự thinh lặng thông cảm biểu hiện bằng hành động hơn lời nói. Sự thinh lặng khiêm nhường thừa nhận những giới hạn của mình và mở lòng ra với những ánh sáng khác” (tr.32).


Cầu chúc mọi người, nhờ ơn Chúa, sẽ khám phá ra được ý nghĩa và sức mạnh của sự thinh lặng đối với cuộc sống tinh thần cũng như thiêng liêng của mình. Nhờ đó, chúng ta sẽ lợi dụng được giá trị của thinh lặng mà xây dựng đời sống thiêng liêng, đồng thời luôn biết dừng lại trong thinh lặng để hồi tâm suy nghĩ về ý nghĩa cuộc đời. Nhờ đó, chúng ta sẽ có được định hướng đúng đắn cho cuộc sống.

M. Hạnh Tử