I-Nê Tử Đạo Vãn- Tác giả: Bùi Công Thuấn (2)

Anne de Jesu


INÊ TỬ ĐẠO VÃN

Những vấn đề nhìn từ văn bản




Thánh I-nê, Trinh nữ tử đạo


***
NHỮNG VẤN ĐỀ

1.vi.wikipedia cho biết:
Năm 1838, trong Tự Điển Việt-La (Dictionarium Anamitico Latinum) của Jean Louis Taberd, phần phụ lục trang 110 đến 135 có in một bài thơ (vãn) tên Inê Tử đạo vãn về một vị tử đạo có tên thánh là Inê. Bài vãn gồm 562 câu, in song song với bản dịch tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Latinh. Vị tử đạo trong bài thơ này cũng là một người phụ nữ, cũng bị bắt vào tù, bị đánh đập tra tấn, chồng con cũng vào thăm khuyên bỏ đạo nhưng vẫn kiên quyết theo Chúa tới cùng. Vì lẽ đó cho nên có ít nhất hai tác giả đã cho rằng vị tử đạo này chính là Thánh Anê Lê Thị Thành. Tuy nhiên điều này không hợp lý vì Tự Điển Việt-La được in năm 1838, trong khi Thánh Anê Thành tử đạo năm 1841.
Về tác giả, Lê Văn Hảo nhận xét Inê Tử đạo vãn khuyết danh, nhưng Lê Đình Thông lại cho rằng chính Thánh Philipphê Phan Văn Minh (1815 - 1853) là tác giả đồng thời cũng là dịch giả ba bản tiếng Latinh, Anh và Pháp.
(https://vi.wikipedia.org/wiki/An%C3%AA_L%C3%AA_Th%E1%BB%8B_Th%C3%A0nh )
2. Lm Đỗ Quang Chính (Nhà Sử học)
Sau năm 1700, cha Loren Huỳnh Lâu (1656-1712), viết cuốn Inê tử đạo vãn, dài 560 câu, nói về em ruột của cha là bà Inê Huỳnh Thị Thành chết rũ tù vì đạo tại Nha Ru (phía Bắc Nha Trang ngày nay) 25-12-1700.
(http://loanbaotinmung.net/noidung/992)
3. Nhà nghiên cứu Lê Đình Bảng,
Căn cứ vào những nguồn tư liệu đáng tin cậy, trong cuốn “Văn học Công giáo Việt Nam, những chặng đường” trang 134, Lê Đình Bảng cho biết: Inê tử đạo vãn là một thiên trường ca bi tráng với 564 câu thơ Nôm lục bát và song thất lục bát phức hợp nội dung kể chuyện bà Inê Thanh chết rũ tù vì đạo năm 1700 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) ở Đàng Trong. Tác giả không ai khác hơn là thầy cả Lôren Huỳnh Lâu (1656-1712). Quê quán ở họ đạo Lâm Tuyền, phủ Diên Ninh (nay thuộc tình Khánh Hòa)
“Inê Huỳnh Thị Thanh (1670-1700) là con thứ 8 trong một gia đình đạo hạnh gồm 12 anh chị em. Thân phụ là ông Carôlô Huỳnh Lam, thân mẫu là bà Isave. Chính Carôlô đã bỏ công bỏ của lập một nhà phước chị em Mến Thánh Giá tại Lâm Tuyền lúc Inê mới 5 tuổi. Lên 16 tuổi, Inê mồ côi mẹ. 19 tuổi kết hôn với ông Mac-cô Hiền, sinh được hai con trai là Nabê 10 tuổi và Phaolo 7 tuổi. Bị bắt, bị giam và chết vì đạo trong ngục Nha Rư (Phía bắc Nha Trang ngày nay) vào ngày 25-12-1700.
Với những kết luận của các nhà nghiên cứu trên, vấn đề tưởng như đã rõ, song không phải là không có những điều còn cần xem xét lại.
Chẳng hạn, Inê tử đạo vãn được sáng tác vào thời gian nào? Ai là tác giả? Là Loren Huỳnh Lâu, anh của Inê Thanh hay tác giả là thánh Philipphê Phan Văn Minh (1815-1853), người giúp Giám mục Taberd biên soạn tự điển Việt-La (in năm 1838)? Ngay cả văn bản chữ Quốc ngữ và ba bản dịch Anh, Pháp, Latinh của Inê tử đạo vãn in trong cuốn tự điển này là do ai thực hiện (là Giám mục Taberd hay Thánh Philipphê Phan Văn Minh) cũng chưa rõ.
TIẾP CẬN VẤN ĐỀ TỪ CHÍNH VĂN BẢN TÁC PHẨM
1. Nhân vật bà Inê (Agnes) trong bài Vãn.
Bài Vãn (gọi tắt cho Inê tử đạo vãn), kể lại sự việc xảy ra như sau: (câu 105-112)
“Canh thìn vừa thuở thiên khai
Nguyễn chúa trị đời hiệu lịnh cả ra:
Truyền cho thiên hạ gần xa,
Ai thờ đạo Phật thì ta dong tình,
Bằng ai giữ đạo thiên sinh,
Chẳng chừa thì bắt tội tình chớ tha.
Chẳng ngờ có đứa gian tà,
Lòng hềm độc dữ cáo bà Inê.”
Bản dịch tiếng Anh của bài Vãn trong tự điển Việt-La do Taberd biên soạn ghi rõ: “In
the commencement of the year Canh thìn. Nguyễn Minh, king of the realm issues an edict”. Vậy Nguyễn Minh là đời vua, chúa nào? Và ban chỉ dụ “Ai thờ đạo Phật thì ta dong tình,/ Bằng ai giữ đạo thiên sinh, /Chẳng chừa thì bắt tội tình chớ tha”.
Canh Thìn là những năm 1700, 1760, 1820. Chúa Nguyễn Minh là ai?
Sách sử cho biết Minh Chúa, Minh Vương là danh hiệu của Chúa Nguyễn Phúc Chu (16751725). Bài Vãn ghi: Bà Inê bị bắt vì chỉ dụ cấm đạo của Chúa Nguyễn năm Canh Thìn, tức là năm 1700. Đúng là trong khoảng 1700-1704 Minh Vương có nhiều hành động cấm đạo. “Nhà vương ra lệnh bắt tất cả các thừa sai và một số giáo hữu cốt cán, tuy nhiên đã không tuyên án tử hình nào, mà chỉ giam giữ và bắt nhịn đói nhịn khát để làm cho sờn lòng và cuối cùng phải ra lệnh phóng thích hoặc bắt đi lao dịch cắt cỏ cho voi ăn. Năm 1704, tất cả các thừa sai được trả tự do và vẫn được ở trong vương quốc”.(dẫn theo Nguyễn Ngọc Quỳnh:
http://chuaxaloi.vn/thong-tin/doi-song-ton-giao-o-dang-trong/2938.html).
Như vậy, về thời điểm của câu chuyện có thể được xác định là năm Canh Thìn (1700) đời Chúa Nguyễn Phúc Chu (16751725), bà Inê, bị cáo gian và bị bắt.
Nhưng bà Inê là ai? Là bà Huỳnh Thị Thanh hay bà thánh Anê Lê Thị Thành tử đạo 1841?
Trong bài Vãn (Câu 377-381), bà Inê làm thơ (viết thư) gửi cho con nói rõ về gia đình:
Mẫu thân Huình Thị mẹ là Inê:
Sinh hai con châu báu sánh kề.
Mẹ những ước đá vàng trượng mạo.
Mát cô danh ấy hiệu thật Nghiêm Hiền.
Cậu là Loren cha linh hồn thật.
Bà Inê trong bài Vãn là Huỳnh Thị Inê, chồng là ông Mac cô (Mark) Hiền, anh trai là Loren (Laurent). Bài Vãn nói rõ gia đình bà Inê như sau:
Ông Côrôlô Lam, ở Lâm Tuyền, Phủ Diên Ninh (Khánh Hòa), có vợ là Sa-ve (Elizabeth), sinh 12 con: bảy trai, 5 gái hiếu hòa. Loren (Laurent) là trưởng nam, dâng mình cho Chúa, đang chức thầy, coi sóc giáo dân. Inê (Hùinh Thị) là con thứ 8, trọn bề thảo ngay, khiêm nhường nhân từ. Năm Inê 16 tuổi, mẹ chết. Năm Inê 19 tuổi, cha định việc hôn nhân. Inê kết hôn với Mác cô Hiền (Mark) sinh hai con trai là Nabê (Barnabas) và Phaolô. Năm Inê 28 tuổi, cha chết (ông Côrôlô). Năm Canh Thìn thời Chúa Nguyễn, ba người: Inê, Mắt ta (Mattha) và Duminh (Dominique) có cáo trạng theo “đạo thiên sinh”. Họ bị bắt. Bị giam cầm, bỏ đói. I nê chết trong ngục.
Như vậy bà Inê trong bài Vãn là Huình Thị Inê không phải là bà thánh Inê Lê Thị Thành tử đạo 1841.
2. Loren Huỳnh Lâu có phải là tác giả bài Vãn không?
Nhà nghiên cứu Lê Đình Bảng viết: “Từ năm 1700 giáo dân kinh đô Huế và Quảng Trị sống trong cảnh chết chóc, bắt bớ tù đày, Loren phải giả dạng làm người đi bán thuốc dạo để giúp đỡ, an ủi giáo dân. Trong tình cảnh này, ông đã chứng kiến tận mắt cái chết kiên cường của em ruột mình là Inê Huỳnh Thị Thanh và viết trường ca Inê tử đạo vãn”(chú thích 72, tr. 134, sđd).
Bài Vãn cho biết gì về Loren?
Loren là trưởng nam, dâng mình cho Chúa và đang coi sóc giáo dân:
“Loren thứ nhứt thật là trưởng nam,
Phú dâng cho Chúa mặc làm.
Học hành thông suốt, chức đang nên thầy,
Vào ra xem sóc nước vầy.”(câu 14-17).
Sau 10 năm, khi ông Côrôlô chết (Inê 28 tuổi), được Inê viết thư báo tin, Loren mới trở về nhà cùng các em lo việc an táng cha, phân chia tài sản cho các em, dặn dò các em giữ đạo cho bền,
Mười năm cha ở phương nao?
Lòng em trông nhớ rày sao mới về?
Loren an ủi mọi bề:
Các em chớ dại lỗi nghì chẳng nên.
Mới phân gia nghiệp điền viên.
Phần anh phú để cầu nguyền cho cha…
(câu 60-80)
Sau đó Loren lại ra đi.
“Loren từ giã phăng phăng lại dời.
Bình Khương vừa đến nghỉ ngơi”.
(câu 100)
Bình Khương là tỉnh Khánh Hòa, gồm hai phủ: Thái Khương và Diên Ninh.
Khi nghe tin Inê bị án tử, Loren đến viếng và an ủi. Loren định ở lại cùng chịu chết với em nhưng Bề trên và Inê hết sứ can ngăn, ông lại trở về với giáo dân.
Khi được báo tin Inê chết, Loren cùng giáo dân đến xin đem xác về đất thánh an táng.
Hay tin bổn đạo tới nơi.
Loren đi trước các người đi sau,
Xin quân mở cửa cho mau,
Quân quan xem thấy mọi nơi chói lòa,
Tức thì đam xác người ra. [đam= đem]
…Đam về đất thánh một khi
(Câu 520-528)
Suy nghĩ về gương sáng của Inê, Loren viết một cuốn sách để dạy dỗ giáo dân và lưu truyền con cháu. Trong bản dịch tiếng Anh, đó là cuốn hồi ký (memoir):
“Linh hồn tới chốn lưu li,
Thanh nhàn tự tại oai nghi rỡ ràng.
Công danh ghi tạc bia vàng,
Trong đời có một nên gương trong trời.
Chép làm một bổn để đời,
Truyền cho thiên hạ người người học theo.”
(Câu 540-545)
Bản dịch tiếng Anh là:
“I have written her life to preserve it to posterity
That all may strive to imitate her

This memoir is written in clear language;
Read it with attention; pray with fervour”

Như vậy, Loren đã viết về cuộc đời của Inê. Tuy nhiên hồi ký (memoir) ấy có phải là “Inê tử đạo vãn” hay không thì chưa rõ.
3. Nhân vật Loren nhìn từ góc kiến tạo tác phẩm
Inê tử đạo vãn được viết như một truyện dài bằng thơ theo kiểu cổ điển. Truyện có lớp lang theo từng nhân vật. Mỗi lớp, tác giả tập trung kể hành động và lời nói của nhân vật, rất ít tả bối cảnh xã hội. Góc trần thuật là của tác giả, một người đứng ngoài câu truyện, nhìn về các nhân vật, các sự việc mà thuật lại khách quan. Nhiều đoạn tác giả để nhân vật trực tiếp trần thuật.
Câu trúc truyện như sau
1. Giới thiệu chung (4 câu)
2. Gia thế Inê: quê quán, cha mẹ, gia đình 12 anh em. I nê thứ 8. Kể lại sự việc, I nê từ nhỏ đến khi mẹ chết, lấy chồng, rồi cha chết (lúc Inê 28 tuổi).
3. Inê bị bắt, bị tống giam: Năm Canh Thìn, Chúa Nguyễn ra lệnh cấm đạo, I nê bị cáo gian, bị quan nghè bắt tra hỏi. I nê không chịu bỏ đạo nên bị tống giam.
4. Inê ở trong ngục. Loren thăm em và khích lệ em. Loren cũng đòi ở lại chịu chết cùng em. Mac cô đến thăm vợ, khuyên Inê trở về nhà. Quan lại tra hỏi Inê. Inê nhất mực theo Chúa dù phải chết. Từ đó Inê bị bỏ đói khát. Trong ngục, Inê viết thư gửi về nhà, nói đạo lý và dặn dò mọi người bền lòng giữ đạo. Mac cô lại dẫn con thăm Inê và khuyên Inê trở về.
5. Inê tử đạo. Inê bị bỏ đói. Sau hơn bốn tuần, quân canh không thấy gì. Loren đến viếng và giải tội cho Inê rồi ra đi. Sau đó Inê về với Chúa. Lúc ấy đang bão lụt, bỗng tạnh nắng. Ánh sáng chói lòa và đầy hương thơm (câu 523, 530)
Làm thinh thôi mới chấp tay,
Để qua trên ngực Chúa rày rước đi.
Giữa ngày bảo lụt đang thì,
Bỗng liền tạnh nắng tư vi như tờ.
(Câu 514-517)
6. Loren cùng giáo dân đến ngục xin đem Inê về an táng ở đất thánh. Loren suy nghĩ: Inê đã về nước Chúa, công danh ghi tạc bia vàng. Loren viết lại cuộc đời Inê để mọi người học theo và “Để truyền sách ấy nối dòng đời sau,” (câu 557)
Trong bài Vãn, Loren chỉ là một nhân vật, được miêu tả lại như các nhân vật Inê, Mac cô, quan nghè.
Loren không đứng ở ngôi thứ nhất (xưng Tôi) để thuật lại sự việc như trong một tác phẩm Hồi ký (thể memoir). Inê tử đạo vãn là truyện thơ (có một ít chất Ký). Bởi ngoài chi tiết về gia thế của Inê, thì phần còn lại: thời gian, không gian, sự việc không được đặt trong bối cạnh xã hội cụ thể.
Thí dụ: Tác giả không thuật lại trong 10 năm cách xa gia đình, Loren làm gì, ở đâu và sống thế nào? Loren là thầy tu sao không bị bắt, mà ra vào nhà ngục nhiều lần dễ dàng? Hoặc quan nghè tên gì, nhà ngục ở đâu, trong nhà ngục ấy còn giam những ai nữa, họ sống thế nào cũng không được ghi nhận. Nếu Loren là tác giả, ông sẽ ghi lại những điều ấy rất cụ thể. Đồng thời ông sẽ để lại dấu ấn nhân thân cụ thể trong suốt tác phẩm. Chẳng hạn, trong Thượng kinh ký sự (viết xong năm 1783), Hải Thượng Lãn Ông (Lê Hữu Trác) đã để lại dấu ấn nhân thân rất rõ trong chuyến ông lên kinh chữa bệnh cho chúa Trịnh Sâm và thế tử Trịnh Cán. Trong Inê tử đạo vãn, người đọc không tìm thấy dấu tích nhân thân của Loren.
Vì thế, có thể nhận ra Loren chỉ là một nhân vật. Ông gặp và chia sẻ công việc, suy nghĩ với Inê. Ông không biết những chuyện khác, như chuyện quan nghè tra hỏi Inê, chuyện Mac cô dẫn con đến thăm Inê hay chuyện Inê viết thư gửi về nhà…
Chính tác giả Inê tử đạo vãn là người xây dựng những tình huống truyện xoay quanh Inê, như trong cách viết tiểu thuyết (sử dụng hư cấu).
Như vậy, căn cứ vào yêu cầu kiến tạo tác phẩm, xây dựng nhân vật, có thể xác định Loren không phải là tác giả của Inê tử đạo vãn.

GIÁ TRỊ CỦA INÊ TỬ ĐẠO VÃN
1.Về tôn giáo
Inê tử đạo vãn là một dạng truyện “Hạnh các thánh”. Loại truyện này có từ thời Girolamo Majorica (1591-1656). Hạnh các thánh kể lại các hạnh đạo đức thánh thiện của các thánh để làm gương cho giáo dân học tập. Inê nêu gương đức tin trung kiên theo Chúa dù có phải giam cầm và chết rục trong tù. Thái độ của Inê trước quan nghè thật vững vàng. Inê làm sáng danh đạo Chúa, cậy trông vào Chúa, hết lòng và khao khát nước trời hơn tất cả mọi sự. Inê chiến thắng mọi yếu đuối của con người và ra đi bình an với những biểu hiện khác thường của một linh hồn được Chúa đón về: Mọi nơi chói lòa, hương thơm ngào ngạt.
Đây là đoạn Inê đối thoại với quan nghè:Ông nghè mới hỏi vân vi:
Nàng cùng nam tử toan nghi một lời,
Bay mà bỏ đạo Chúa trời,
Trở về đạo Phật, giày nơi ảnh nầy,
Thì tao thứ tội cho bay;
Chẳng thì tao giết bỏ thây oan mình.
Nước nầy Chúa thánh thần minh.
Nào ai giữ đạo thiên sinh bao giờ,
Chúa trời bay thật đạo vơ,
Bỏ đi tao đặng thứ tha dong tình,
Chẳng thì tao giết bỏ mình,
Phước đâu chẳng thấy, tội tình nhuốc nha.

Inê đặt gối trình qua:
Chúng tôi giữ đạo Chúa cha nhơn từ,
Thật đàng công chính chẳng tư.
Tôi đâu dám bỏ công phu ngãi người?
Mặc ông tha giết hai lời;
Tôi thà chịu chết, cõi trời nên công.
Giết tha thì mặc lượng ông,
Kim thạch là lòng chẳng chậy mỗ phân.
(Câu 141-160)


2. Về văn chương Công giáo
Bài Vãn dài 562 câu lục bát Nôm, có xen kẽ những “cáo trạng” viết bằng chữ Hán, thể tự do (Văn bản tôi tham khảo là bản Quốc ngữ in trong tự điển Việt-La của Taberd năm 1838).
Mặc dù bài Vãn có một số chữ Nôm cổ ngày nay không còn sử dụng, nhưng nhìn chung, ngôn ngữ của bài Vãn dễ hiểu, gần với văn nói bình dân, không dùng điển tích Trung Quốc như văn chương bác học. Xen kẽ cũng có những câu giàu tính văn chương.
Cấu trúc truyện mạch lạc, lớp lang sắp xếp theo hành trạng của các nhân vật. Nổi bật là việc miêu tả cuộc đấu tranh tư tưởng, đấu tranh cho lý tưởng giữa Inê với quan nghè, với Loren, Mac cô và với chính mình (mà Inê gọi là sự các dỗ của ma quỷ). Đức tin mạnh mẽ giúp Inê chiến thắng. Chính những cuộc đấu tranh này tạo nên sự hấp dẫn cho câu truyện.
Nhân vật Inê hiện lên như một người phụ nữ vừa truyền thống, vừa rất mới.
Truyền thống ở đạo nghĩa hòa hiếu với cha mẹ, chồng con, anh em, làng xóm, nhưng rất mới ở đức tin theo Chúa, trung kiên đến cùng, đối mặt và vượt qua mọi hoàn cảnh; mới ở sức cảm hóa tất cả (Mac cô, Loren, Duminh và mọi người đều nghe theo lời Inê căn dặn, giữ đạo cho bền). Inê còn nghĩ đến giáo hội khi khuyên Loren trở về với giáo dân. Giáo hội đang trong cơn bịu bách hại, cần có chủ chăn hướng dẫn đoàn chiên. Và mới ở sự hiểu biết (lẽ đạo), ở sự đối đáp lý lẽ với quan nghè mà quan nghè phải chịu phục. Tầm vóc Inê đã vượt xa kiểu người phụ nữ cũ chỉ biết công, dung, ngôn, hạnh, nội trợ trong nhà.
Về nghệ thuật, Inê là một nhân vật phụ nữ Việt, được miêu tả trong bối cảnh xã hội Việt đương thời (1700). Cách xây dựng nhân vật này đi trước Thúy Kiều trong Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du (1765-1820), và Kiều Nguyệt Nga trong Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiều (1822-1888). Cả Thúy Kiều và Kiều Nguyệt Nga đều là nhân vật Trung Quốc, được miêu tả ước lệ, xa lạ với người dân Việt.
Thể truyện thơ Nôm trong bài Vãn này cũng đi trước Truyện Kiều và Lục Vân Tiên. Cách dựng truyện, cách khắc họa nhân vật, cách dùng tiếng Việt đã có những phẩm chất của văn chương hiện đại.
VẤN ĐỀ CÒN LẠI
Chúng ta cần tìm kiếm tư liệu để xác định cho được tác giả chính thức của Inê tử đạo vãn; đồng thời tìm kiếm tác giả đã chuyển bài Vãn sang chữ Quốc Ngữ cùng với bản dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp, La tinh in trong tự điển Việt-La năm 1838 của Taberd.
Mặc dù đã có những chứng liệu, rằng Thánh Philipphê Phan Văn Minh giúp Giám mục Taberd biên soạn tự điển, song đến nay chưa xác định được Taberd hay Phan Văn Minh, ai là người chuyển ngữ Inê tử đạo vãn bằng chữ Nôm sang Quốc Ngữ, và ai dịch bài Vãn này sang tiếng Anh, Pháp và La tinh?
Các nhà nghiên cứu cần xem xét nhiều mặt của bài Vãn này để khẳng định những đóng góp quý báu của văn học Công giáo vào văn học dân tộc ngay từ buổi đầu.


Tháng 8/ 2021