[SÁCH] Một vài cảm nhận khi đọc “Tình Thơ Trên Phận Người” của Cao Gia An- Tác giả: Mạc Tường

Anne de Jesu



 Một vài cảm nhận khi đọc “Tình Thơ Trên Phận Người” của Cao Gia An



Tôi được đọc thơ Cao Gia An từ lúc tác giả vừa chập chững bước vào làng thi ca Công Giáo với những bài thơ đăng trên mục Đồng Xanh Thơ của trang mạng Dũng Lạc. Đến nay cũng hơn chục năm. Giờ đây, sau khi đọc đi đọc lại bản thảo tập thơ “Tình Thơ Trên Phận Người”, tôi cứ ngỡ ngàng như gặp lại cô bạn thân ở quê đang tự tin bước đi giữa phố thị phồn hoa. Vẫn Cao Gia An ấy, Cao Gia An trăn trở một cách hiền lành, điềm đạm trong tập thơ “Về  Núi Thánh” (Xuất bản 2014) bước vào “Tình Thơ Trên Phận Người” thoắt cái đã là một Cao Gia An rất khác, rất đời thường và day dứt hồn nhiên.

Dù Cao Gia An trong “Về Núi Thánh” hay Cao Gia An của “Tình Thơ Trên Phận Người”, đằng sau những câu chữ ta vẫn nhìn ra chiều cao của trí tuệ, chiều rộng của tính nhân văn và chiều sâu của cảm xúc. Chỉ có điều trong “Về Núi Thánh”, Cao Gia An đã phóng chiếu mình lên cõi “Thánh” để mong gặp gỡ Đấng Tối Cao, thì ở “Tình Thơ Trên Phận Người”. Cao Gia An lại cúi mình xuống thấp, rất thấp đến độ chạm được vào nỗi khắc khoải, trăn trở của phận người trần thế.

Kết thúc “Về Núi Thánh” với một loạt bài thơ Đường luật và rồi mở đầy “Tình Thơ Trên Phận Người” với bài Đường luật duy nhất, Cao Gia An vừa hoài niệm vừa dứt khoát bước vào khu vườn mới để khám phá, để rong chơi, để nếm trải “Trên Phận Người” dù đôi lần: “Toan đập vỡ đàn cầm” vì tưởng rằng: “Vô vọng tiếng lòng ngâm” (Tri Âm).

Không! Không “vô vọng” đâu Cao Gia An! Bởi vì anh, tôi và bao giờ khác nữa vẫn đang nỗ lực dành tặng cho khu vườn đời này những bông hoa sắc thắm.

Thơ Cao Gia An day dứt khôn nguôi trước những ly biệt, có lẽ anh đã có quá nhiều những cuộc “dứt áo ra đi” chăng? “Chưa kịp mừng tương ngộ/Đã mỗi người một nơi” (Tàu đời). Cũng có thể anh đã đến độ tuổi không còn náo nức trước lúc ra đi nhưng lại bồi hồi trước mỗi dịp trở về: “Mình đi gì đi mãi/Cũng chẳng đâu vào đâu” (Trầm). Để rồi “Băng qua mờ mịt bụi hồng/Mình tìm về cõi tịnh không gặp mình” (Tìm Mình). Và trong thơ Cao Gia An ta còn bắt gặp nỗi cô đơn trong những chuyến ra đi : “Lại thêm một chuyến hành trình/Một mình mình đến, một mình mình đi” (Độc trình). Thế nhưng anh không thất vọng vì nỗi cô đơn cứ bám riết trên hành trình mà trái lại, nỗi cô đơn ấy đã dạy cho anh tràn đầy hy vọng yêu thương: “Tạ ơn hành trình đơn độc/Dạy ta yêu phút sum vầy/Tạ ơn chuyện đời tan hợp/Dạy bàn tay quý bàn tay”(Tạ Ơn).

Cao Gia An đi nhiều. Vì thế anh cũng nhớ nhiều. Nhớ thời thơ dại: “Ngày xưa ơi ngày xưa/Chừng như ta đã mất/Hay vẫn còn chất ngất/Miền ký ức lung linh” (Ngày Xưa Ơi). Nhớ bè bạn thân quen, dòng sông, ngọn núi và nhớ nhất là mái nhà ở làng quê xưa với biết bao ân tình : “Thôi, đừng thèm đi nữa/Theo lối cũ ta về/Mênh mông là thế giới/Riêng một góc trời quê” (Mười Năm). Và từ nỗi nhớ ấy anh chợt nhận ra mình đã lỗi hẹn bao điều: “Ta giữa dòng đời trôi mải miết/Thôi đành lỗi hẹn với sông quê” (Lỗi Hẹn Với Sông Quê). Để rồi có lúc tưởng chừng đã hụt hơi, đuối sức: “Nửa chừng dốc đã mệt nhoài/Nửa chừng phố đã mơ hoài tình quê” (Nửa Chừng) và phải dặn lòng: “Quên quặn thắt nỗi nhớ nhà/Quên buồn quên giận quên là mình quên” (Quên). Nói thì nói thế chứ ai lại chẳng có lúc về nhà để thấy mình vẫn là thơ dại trong vòng tay ấm áp của mẹ cha: “Về bên dòng xưa lặng lẽ/Thấy tôi tựa trẻ sơ sinh/Được chào đời thêm lần nữa/Bình yên trong mái nhà mình” (Về).

Và yêu! Vâng, Cao Gia An yêu mọi sự quanh mình như thể trái tim của anh đủ để chứa tất cả: “Dang tay ôm khối tình trời/Ngửa mặt hứng ngọn sương rơi mát lành/về trong tịnh mạc lòng thành/Để nghe lặng lẽ mầm xanh đâm chồi” (Về), “Yêu cơn nắng sớm xanh lơ/.../Yêu tươi mạ thắm, yêu khô lúa vàng” (Yêu). Cứ thế anh đi như một đứa trẻ hay tựa một thiền sư? Mà thiền sư chắc cũng hồn nhiên như đứa trẻ: “Em cười hồn nhiên như cỏ/Nhuộm hồn ta tím mùa yêu” (Cẩm Tú Cầu). Khối tình của Cao Gia An chung thủy biết bao với tứ thơ khá lạ: “Nhà vừa lợp mái/Mưa khỏi ướt đầu/Đêm nằm tiếc mãi/Trăng vàng nơi đâu” (Tiếc). Vâng, người ta vẫn thường quên ánh trăng vàng khi nằm dưới mái nhà vừa lợp. Hơi đâu tiếc mảnh trăng càng!

Là một Ki-tô hữu, hơn nữa anh còn là một linh mục, Cao Gia An nhận ra sự mỏng giòn và yếu đuối của phận người: “Ta vẽ bóng mình trên sợi khói/Bay bay nhập nhoạng giữa chừng không” (Không Không) hay “Chỉ là một chút tăm bơi/Ngàn năm còn giữa dòng đời lênh đênh” (Danh).

Tôi cố lục lọi ở gần 100 bài thơ nhiều thể loại trong cả tập thơ “Tình Thơ Trên Phận Người”, nhưng tìm hoài chẳng thấy một chữ “Chúa” hay “Thiên Chúa” đâu cả. Cao Gia An lại làm cho người đọc ngạc nhiên bởi anh đã thoát ra khỏi dòng thơ huấn ca hay thi hóa Thánh Kinh như các linh mục thường làm. Anh đã chọn con đường riêng cho mình. Con đường gặp gỡ giữa người với người, không chỉ dành riêng cho những kẻ đã có đức tin. Đọc “Tình Thơ Trên Phận Người” của Cao Gia An, tôi liên tưởng đến hình ảnh Đức Giê-su kiên nhẫn rao giảng Nước Trời cho người thiếu phụ Samari bên bờ giếng Gia-cóp năm nào. Và tôi thấy mình có quyền hy vọng “Vườn Thơ Đạo” rồi sẽ có những đóa hoa kiều diễm rạng ngời như tác giả Cao Gia An.

Xin cùng Cao Gia An đôi dòng và cùng anh mơ về một tương lai “Vĩnh hằng hạnh phúc”:

“Tôi là tôi giữa dòng đời

Mơ về hạnh phúc xa khơi vĩnh hằng”

(Tự khúc)

Mạc Tường