Khăn lúp của nữ tu-vinh dự và hy sinh- Tác giả: M. Hạnh Tử

Anne de Jesu

Khăn lúp của nữ tu – vinh dự và hi sinh


Khi nhìn các nữ tu trong bộ tu phục với chiếc khăn lúp, chúng ta thấy nơi các sơ toát ra vẻ thiện và vẻ đẹp kín đáo. Khăn lúp là dấu chỉ nổi bật của đời sống tu trì cùng với chiếc áo dòng, và chi tiết này luôn gây được sự chú ý. Áo dòng và khăn lúp thực sự là niềm vinh dự của các nữ tu, và đồng thời là điểm gợi lên sự tò mò + lòng khao khát nơi các thiếu nữ, muốn được sống đời tu để được mặc áo dòng và được đội chiếc lúp trên đầu. Chính vì thế khi nghĩ tới chiếc khăn lúp này, hầu hết chúng ta đều nghĩ đến sự vinh dự của bản thân người nữ tu, của gia đình các sơ, của giáo xứ quê hương, và của Giáo Hội Công Giáo.

Tuy nhiên, bên cạnh nét vinh dự và tự hào, chiếc khăn lúp cũng là dấu chỉ của sự hi sinh âm thầm nhưng cao độ của các nữ tu. Sự hi sinh này âm thầm đến mức không mấy ai để ý tới, nhưng chỉ bản thân các nữ tu mới cảm nhận được.

Trước tiên chúng ta nói về nguồn gốc của chiếc khăn lúp này. Theo cha Giuse Phan Tấn Thành, OP, khăn lúp có lẽ dịch từ tiếng Pháp voile, từ ngày có gốc Latinh là velum, động từ là velare có nghĩa là che đậy. Vào thời xa xưa, phụ nữ thường mang khăn che đầu và che cả mặt (đặc biệt trong lễ cưới) để che dấu vẻ đẹp khuôn mặt, hầu tránh được sự tò mò và trêu ghẹo của cánh đàn ông. Đối với tầng lớp quý tộc thì khăn che đầu còn là dấu hiệu của sự quý phái, nên các nữ quý tộc thường đội khăn che đầu bằng loại vải thượng hạng. Trong khi đó, đối với người nghèo và nữ nô lệ, khăn che đầu còn có tác dụng giữ gọn tóc và lau mồ hôi khi làm việc. Tuy nhiên, khăn che đầu của người lao động thì không dài, rộng và đẹp như giới thượng lưu, mà đôi khi chỉ là chiếc khăn ngắn che đầu và buộc tóc cho gọn gàng mà thôi, tức là nó có ý nghĩa thực dụng hơn là thể trưng diện. Cũng vào thời kì ấy, thánh Phaolo yêu cầu phụ nữ khi tham dự phụng vụ phải đội khăn che đầu để diễn tả sự khiêm tốn.

Như vậy thì khăn che đầu mang ba ý nghĩa: Che dấu vẻ đẹp của mái tóc và khuôn mặt (đặc biệt là đối với phụ nữ quý phái); buộc gọn tóc và lau mồ hôi mặt khi làm việc; diễn tả sự khiêm tốn và thành tâm khi cầu nguyện.

Ba ý nghĩa này chúng ta thấy phảng phất nơi chiếc lúp của các nữ tu: Che dấu vẻ đẹp của mái tóc + làm gọn mái tóc khi làm việc + diễn tả sự thành tâm khi cầu nguyện. Ba ý nghĩa này làm nên nét đẹp và nét vinh dự của người nữ tu. Nhưng xa hơn nữa, khăn lúp của nữ tu còn mang ý nghĩa của sự dâng hiến và hi sinh.

Còn khía cạnh hi sinh và khổ hạnh của chiếc lúp thì sao?

Thứ nhất, việc mang khăn lúp đồng nghĩa với việc phải cắt và che dấu mái tóc dài của phụ nữ. Như chúng ta đã biết, mái tóc đẹp là niềm tự hào của người con gái. Mái tóc bóng khỏe, hoặc các kiểu tóc thời trang chính là điểm nhấn nhan sắc và gây chú ý nơi phụ nữ. Khi sống đời thánh hiến, các nữ tu hi sinh mái tóc dài đáng tự hào ấy. Họ không còn chăm sóc cách đặc biệt cho mái tóc, không uốn + sấy + gội + nhuộm mái tóc nữa, mà cắt gọn chúng và dấu dưới khăn lúp. Đó là một sự hi sinh lớn lao.

Thứ hai, mang khăn lúp lâu giờ và trong môi trường nóng ẩm như Việt Nam không hề là điều dễ chịu. Đặc biệt là sau khi tắm gội, mái tóc chưa khổ hẳn, hay khi làm việc lâu giờ khiến mồ hôi đầu chảy ra, thì chiếc khăn lúp càng làm cho da đầu và mái tóc bị ẩm. Điều này là nguyên nhân gây ra các bệnh về da đầu và gầu, nấm da đầu, rụng tóc... Đây chính là hi sinh thầm lặng nhưng cao cả mà các nữ tu khi mang trên đầu chiếc khăn lúp và thực hiện việc bổn phận hằng ngày. Họ hi sinh cả tuổi xuân, cả mái tóc là niềm tự hào của người phụ nữ, và chịu đựng những khó chịu mà chiếc khăn lúp gián tiếp gây ra.

Như vậy, nhìn từ bên ngoài, chiếc khăn lúp là niềm vinh hạnh và tự hào của các nữ tu sĩ. Nhưng đi kèm đó là sự hi sinh thầm lặng của các sơ. Thế nên, khi nhìn ngắm các sơ trong bộ tu phục với chiếc khăn lúp dễ thương, đặc biệt nơi các sơ đang hi sinh dấn thân tham gia chăm sóc bệnh nhân Covid-19, hay trong các bệnh viện, trường học, giáo xứ... chúng ta hay tự hào với họ và vì họ, nhưng cũng đừng quên cầu nguyện cho họ, và không quên cả hi sinh thầm lặng mà họ, những người nữ của Chúa, đang chịu đựng với chiếc khăn lúp.

Đọc xong bài viết này, các bạn hãy đọc một vài lời kinh cầu nguyện cho các nữ tu và cảm hơn họ vì hi sinh thầm lặng nhưng cao cả của họ, các bạn nhé.

M. Hạnh Tử