Liên thi khúc cầu hồn- Tác giả: Đinh Văn Tiến Hùng

Anne de Jesu




Liên Thi Khúc Cầu Hồn



Thực ngàn năm ở trước Thiên Nhan, tựa hồ như ngày hôm qua đã khuất, như một đêm thức giấc cầm canh. Chúa khiến con người trở về bụi đất, Người phán: "Hãy trở về gốc, hỡi con người".( Tv.89 )

Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo, họ trở về trong hân hoan, vai mang theo những bó lúa. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặp trong hân hoan. ( Tv.125 )

Cảm xúc qua nhạc phẩm nổi tiếng Requiem của nhạc sư Mozart.

“Requiem aeternam dona eis, Domine ! Et lux perpetua luceat eis.”

(Lạy Chúa! Xin cho các Linh Hồn được nghỉ yên muôn đời! Và được hưởng Ánh sáng ngàn thu)




Lạy Chúa! Hãy lắng nghe con dâng lời,

Cho các Linh Hồn được nghỉ yên muôn đời.

Xin đưa các Linh Hồn về bên Chúa,

Được hưởng Ánh sáng huy hoàng ngàn thu.



Ôi! Ngày ấy kinh hoàng,

Tiếng loa thét vang vang,

Muôn kẻ chết chỗi dậy,

Từ khắp chốn trần gian.



Tất cả phải tập trung,

Chúa uy nghi vô cùng,

Từ trời cao ngự xuống,

Sẽ thưởng phạt chí công.



Giờ biết nói gì đây,

Công tội đã phơi bày,

Không thể nào che giấu,

Đã quá muộn còn đâu.



Ôi! Lạy Chúa Ki-Tô,

Xin cứu vớt Linh Hồn,

Khỏi cực hình hỏa ngục,

Thoát bể lửa trầm luân.



Chúa cứu Mai-đệ-Liên, (1)

Thứ tha người trộm hiền,

Biết ăn năn thống hối,

Được gia nhập đoàn chiên.



Quyền năng Chúa khôn bì,

Với tấm lòng từ bi,

Hãy giơ tay cứu vớt,

Đừng hủy diệt con đi.



Con sấp mình nài van,

Lòng đau xót vô vàn,

Quyết ăn năn xám hối,

Hồng phúc được Chúa ban.



Chiếu Ánh sáng muôn nơi,

Cùng Các Thánh trên trời,

Cho Linh Hồn an nghỉ,

Nơi Thiên Quốc muôn đời.



Bản Ai Ca tiến dâng, (2)

Kêu cầu Chúa từ nhân,

Đoái thương kẻ đã chết,

Và con nữa mai sau.



Thánh! Thánh! Thánh! Chí Thánh!

Thiên Chúa các đạo binh,

Tầng trời hoan hô Chúa.

Trời đất đầy quang vinh.



Ôi! Lạy Chiên Thiên Chúa!

Đấng xóa tội trần gian.

Ôi! Lạy Chiên Thiên Chúa!

Cho Linh Hồn nghỉ an.



Lạy Chúa! Hãy lắng nghe con dâng lời,

Cho các Linh Hồn nghỉ yên muôn đời.

Xin đưa các Linh Hồn về bên Chúa!

Được hưởng Ánh sáng huy hoàng ngàn thu.



Ghi chú : (*) Requiem là bản Thánh ca Cầu Hồn nổi tiếng của nhạc sư Wolfgang Amadeus Mozart. Ông đã sáng tác nhạc phẩm này 2 tuần lễ trước khi từ trần do sự ủy nhiệm của một nhân vật giấu tên, viết cho người nhưng cũng là viết cho chính mình trong những ngày cuối đời trên giường bệnh. Đây là nhạc phẩm cuối cùng đời ông.

(1) Tên Bà Thánh Madalena thường được phiên âm sang Hán- Việt là Mai-đệ-Liên.

(2) Bản giao hưởng Requiem được coi như một tấu khúc bi thương cầu cho người qua đời.

Quí Vị trên 60 tuổi đều quen thuộc với bài Requiem được hát lên trong nghi lễ an táng tại Thánh đường Việt Nam ngày xưa.

Tiếng Vọng Vực Sâu

“Những nỗi thống khổ của các Linh Hồn nơi Luyện ngục rất lớn,

Cho nên 1 ngày ở đó cũng như một ngàn năm đối với họ.”

( St Vicent Ferrier )


“ Thiên đàng, Hỏa ngục đôi quê,

Ai khôn thì về, ai dại thì sa.

Đêm về nhớ Chúa nhớ

Đọc kinh cầu nguyện kẻo sa Linh hồn

Linh hồn phải giữ Linh hồn,

Đến khi lìa xác được lên thiên đàng (*)



Từ lúc năm tháng còn thơ,

Bài đồng dao ấy vẫn chưa phai mờ.

Quê nhà in dấu ngày xưa,

Chuông nhà thờ điểm lưa thưa gợi buồn,

Âm vang nhắc nhở chiều hôm,

Câu kinh nguyện nhớ Linh hồn chờ mong,

Đâu đây trong cõi mênh mông,

Tiếng ai than thở xót lòng thế nhân.



Hỡi người dù sống gian truân,

Lắng nghe Hồn dưới Vực sâu kêu cầu,

Chịu hình phạt bởi vì đâu,

Chính mình tội lỗi bấy lâu trên trần.

Đuổi theo danh lợi xa gần,

Đắm trong tục lụy, vọng cầu vinh hoa,

Quên rằng dù cố bôn ba,

Buông hai tay xuống đời ta còn gì ?

Đời người sinh ký tử qui,

Thân hèn xác đất ra đi một lần,

Trở về tro bụi xác thân,

Nhưng Linh hồn phải đến gần Thiên Nhan,

Trả lời công tội đã làm,

Đáng hưởng hồng phúc Thiên đàng hay không ?

Giờ con khao khát chờ trông,

Sớm bên Nhan Chúa thỏa lòng đắm say.



Vẳng nghe tiếng gọi đâu đây,

Lời ai than thở dâng đầy đớn đau ?

Chính là Tiếng Vọng Vực Sâu,

Linh hồn thổn thức kêu cầu Chúa thương,

Thứ tha năm tháng lầm đường,

Sống xa Tình Chúa, đắm vương bụi trần.

Nhưng Chúa từ ái vô ngần,

Giang tay cứu vớt bao lần con quên.

Lời kinh sám hối dâng lên,

Cho con diễm phúc nghỉ yên đời đời.

Xin kéo con lên Chúa ơi !

Hưởng Nhan Thánh Chúa trên nơi Vĩnh Hằng.

(*) Ghi chú : Truyền thuyết cho rằng bài đồng dao trên do một Linh Mục đặt ra,

để giáo dục trẻ em trong cả lúc vui chơi, cũng luôn nghĩ đến cuộc sống đời sau.

Sinh ký Tử Quy


Tiền công của tôi lỗi là sự chết.

“Thoạt sinh ra thì đà khóc chóe,

Trần có vui sao chẳng cười khì?” (*)

Đời người sinh ký tử quy,

Sống là chuẩn bị để ly biệt trần.

Bé thơ ngây hoa đời chớm nở,

Chẳng có gì lo sợ vấn vương,

Bao quanh tràn ngập yêu thương,

Như hoa vừa nở dâng hương ngạt ngào.



Trai trưởng thành nuôi bao mộng đẹp,

Chung quanh ta chật hẹp không gian,

Sự nghiệp, danh vọng, giàu sang,

Đuổi theo đạt được lại càng hăng say.



Gái tự hào soi gương tô điểm,

Vẻ diễm kiều sai khiến lòng người,

Tâm hồn rộng mở thêm tươi,

Tương lai bừng sáng đón mời vào xuân.



Nhưng cuộc đời có đâu đẹp mãi,

Có vui nay, mai lại có sầu,

Hoa kia tươi mãi được đâu,

Con người không thể sống lâu ngàn đời.



Mới ngày nào tuổi thơ tươi thắm,

Mới ngày nào phấn khởi hiên ngang,

Chàng thì sự nghiệp vẻ vang,

Nàng thì rực rỡ cao sang hơn người.



Vừa mới đây tháng ngày thấm thoát,

Giờ lúc này sao khác năm xưa,

Hàm răng đã thấy lưa thưa,

Tóc mây bỗng chốc lại vừa điểm sương.



Xưa nay nhân trần nuôi hy vọng,

Tìm mọi cách xây mộng trường sinh,

Thật không biết lựa sức mình,

Luật trời sinh tử chứng minh tỏ tường.



Suốt đời dù mải mê tích lũy,

Xuôi hai tay nắm giữ được gì,

Đời người sinh ký tử qui,

Sống là cõi tạm, thác là trường sinh.



Cuộc đời diễn ra biết bao truyện,

Khiến tâm tư vương vấn nghĩ suy,

Thánh năm mộng ước trôi đi,

Hồi tâm nhìn lại còn gì nữa đâu ?



Luật trời chính là quyền Thượng Đế,

Phúc của mình tích để sau này,

Nếu sống tốt đẹp hôm nay,

Mai sau vĩnh cửu tràn đầy hân hoan.



Hoàng hôn xuống chậm nghiêng soi bóng,

Cô khách dừng chân đứng ngẩn ngơ,

Màn đêm buông phủ lờ mờ,

Bóng người chìm lắng ơ hờ trong đêm.



Lạy Chúa! Là Đường! Là Sự Sống!

Lạy Chúa chính là Đấng tình thương!

Bụi trần che phủ mù sương,

Xin Ngài dìu dắt soi đường con theo.

(*)Ghi chú: Trích thơ Nguyễn công Trứ.

*Tiếng chuông cầu hồn

“Ai sống và tin vào Thày thì dù đã chểt cũng sẽ được sống, ai sống và tin vào Thày sẽ không bao giờ phải chết."( Gioan. 11:26 )



Nắng chiều lịm tắt sau đồi

Sương dâng lan toả chơi vơi ngập ngừng,

Hồi chuông nhỏ giọt rưng rưng,

Tiễn đưa ly biệt nghe chừng phiêu du.

Những ngày thơ ấu năm xưa,

Chuông nhà thờ đổ tôi chưa hiểu gì,

Tưởng rằng tạm biệt người đi,

Dù xa xôi mấy ngày kia cũng về.

Như thuyền rời bến sơn khê,

Chim thiên di vẫn nhớ quê thuở nào.

Như người viễn xứ nôn nao,

Tình quê chan chứa làm sao không buồn.

Bao lần tắt nắng chiều hôm,

Bao lần chuông nhỏ giọt buồn tiễn ai,

Bao lần viễn khách thở dài,

Song thân khuất bóng con trai muộn về.

Người em vĩnh biệt chiều quê,

Anh đang chinh chiến nặng thề nước non.

Chị ơi ! Kiếp sống mỏi mòn,

Khi chị nằm xuống em rời quê xưa.

Cuộc đòi trải mấy nắng mưa,

Xa quê biền biệt vẫn chưa trọn thề,

Nơi đây cách vạn sơn khê,

Không nghe chuông nhỏ lê thê giọt buồn.

Mỗi lần nhạt nắng chiều hôm,

Đâu đây văng vẳng tiếng buồn thở than,

Dù cho năm tháng phai tàn,

Không quên lời nguyện Chuông vang Cầu Hồn.

(*) Ghi chú : Nơi xứ đạo Việt Nam xưa kia, mỗi khi có ai qua đời, chuông nhà thờ vang lên báo hiệu để mọi người cầu nguyện tiễn biệt người quá cố.

Hoàn cảnh xã hội ngày nay nơi đất khách quê người, rất tiếc không còn duy trì được tập tục tốt đẹp này.

Bi ai quê tôi mùa đại dịch



Nghe trong gió vọng đâu đây,

Tiếng kêu than khóc tràn đầy không gian,

Biết bao cảnh sống phũ phàng,

Trong mùa đại dịch tràn lan quê mình.



Con người cuộc sống tử sinh,

Đó là định luật thường tình nhân gian.

Lòng dâng đau xót bàng hoàng,

Mỗi ngày chết chóc lại càng tăng cao.

Biện pháp cứu giúp ra sao,

Những lòng từ ái được bao nhiêu người ?

Người dân sống chết nổi trôi,

Thành phố chen chúc dịch thời lan nhanh,

Thất nghiệp lúng túng chạy quanh,

Không tiền đói khổ thôi đành về quê,

Dù bị ngăn chặn bốn bề,

Bằng đủ mọi cách quyết về đi thôi,

Cha mẹ con cái đôi nơi,

Luôn luôn nghĩ đến bồi hồi thương tâm.

Quê nghèo in dấu bao lần,

Kỷ niệm sướng khổ dù thân hao mòn.



Còn trời còn nươc còn non,

Còn quê hương đó ta còn nơi đây,

Vẫn luôn mong đợi từng ngày,

Đại dịch chấm dứt chốn đây quê nhà,

Những người nằm xuống vừa qua,

Cầu xin Thiên Chúa thứ tha tội phàm.

Suy niệm:

(1)-Nếu chết là một chấm hết, thì cái chấm hết ấy chỉ có giá trị với sự thù hận. Người chết không còn thù hận nữa. dù có căm thù đến đâu, nằm kề bên nhau trong một nghĩa trang, những người chết không còn thấy cuộc chiến giữa những người chết. Nếu có một thế giới không còn chiến tranh, không còn hận thù, không còn vũ khí, đó là thế giới của nghĩa trang. Đó là nơi an nghỉ, quên hết hận thù. Cái chết dù độc ác đến đâu cũng trở thành dấu chỉ của bình an hòa bình. Đó là điều chúng ta có thể xác quyết khi suy ngắm cái chết của Đức Ki-tô trên Thập giá. Ngài chết để lôi kéo chúng ta đến với Ngài và chúng ta đến với nhau. Để thực hiện điều đó trong những giây phút cuối cùng sống nơi trần gian, Ngài đã tha thứ cho chính những kẻ hành hạ mình.

Trong cái chết của Chúa Giêsu, chúng ta hãy tưởng nhớ đến những người quá cố. Những người đó có thể là những người thân yêu, những người chết trong mùa đại dịch, có thể là những người chưa quen biết và cả kẻ thù của chúng ta. Tấm lòng của người Ki-tô, trước hết phải là tâm tình thứ tha như Chúa. Vì cái chết của Chúa đã trở thành nguồn ơn cứu rỗi và đem lại hòa bình. Những người mà chúng ta đang ngậm ngùi tưởng nhớ trong tháng 11 này, cũng là âm vang từ ái nhờ chính cái chết của Chúa trên Thập giá: Xin Cha tha tội cho chúng!

(2)-Mọi sự đều có thì giờ của chúng. ( GV.3: 1- 11 ) Vạn vật dưới bầu trời đều trải qua thời gian của chúng. Có thời gian sinh, thì cũng có thời gian chết. Có thời gian trồng xuống, thì cũng có thời gian nhổ lên cái đã trồng. Có thời gian giết chết, thì cũng có thời gian chữa lành. Có thời gian phá huỷ, thì cũng có thời gian xây dựng. Có thời gian khóc lóc, thì cũng có thời gian cười vui. Có thời gian than van, thì cũng có thời gian nhảy múa. Có thời gian rải đá, thì có thời gian thu lượm lại. Có thời gian gần gũi, thì cũng có thời gian xa cách. Có thời gian thâu hoạch, thì cũng có thời gian tiêu tán đi Có thời gian gìn giữ, thì cũng có thời gian loại bỏ. Có thời gian xé rách, thì cũng có thời gian vá lại. Có thời gian thinh lặng, thì cũng có thời gian nói năng. Có thời gian yêu thương, thì cũng có thời gian giận ghét. Có thời gian chinh chiến, thì cũng có thời gian hoà bình.

Đinh Văn Tiến Hùng