Thần Khúc- Địa Ngục-Thi hào Dante Alighieri- Ca khúc IX-Đình Chẩn biên dịch

VTCG
Thi hào Đăng Thế An (Dante Alighieri)

Ca Khúc IX: Ngục Lạc Giáo



Thiên sứ xuất hiện cứu giúp thầy trò Dante

Đình Chẩn biên dịch

Ca khúc này tiếp nối kịch tính tiến vào thành Địch Tể, vừa mang ý nghĩa ẩn dụ, vừa hiện thực. Nó cũng không kết thúc với một cảnh, nhưng mở ra một phong cảnh khác mới mẻ cho ca khúc sau.

Tuy nhiên, toàn bộ ca khúc này có vẻ như thiếu một chút sự hợp nhất và nét tưởng tượng vốn luôn là nét đặc thù ở các ca khúc trình thuật, trong đó có một mấu chốt sáng tạo làm lan tỏa năng lực hình ảnh và ngôn ngữ cho cả ca khúc.

Cũng như ca khúc trước, trình thuật này diễn ra trong ba phần: những cuộc tranh luận giữa hai nhà thơ và bước vào khung cảnh những kẻ lạc giáo; ở trung tâm, diễn ra hành động kịch tính, mạnh mẽ và rộng lớn và mang một nét trừu tượng nào đó.

Đăng Thế An và Vinh Dự Lưu gặp tình huống khó khăn lo lắng. Khung cảnh với những gương mặt thiêng thánh xuất hiện trên cao nói lên cuộc trình diễn thiêng liêng, đối lập với những hình quỷ quái kinh sợ. Ý nghĩa đặc thù của các hình ảnh này gợi lại phần mở đầu thi phẩm: sự đối lập giữa sức mạnh sự dữ (những con thú), nguy cơ tuyệt vọng và ơn cứu giúp từ trên xuống.

Giữa hai khung cảnh tác giả trình bày, thì cảnh xuất hiện thiên sứ từ trời xuống cứu giúp chắc hẳn là một thiên thần. Đây là hình ảnh trung tâm của ca khúc với chất lượng văn chương tuyệt vời trong ngôn ngữ bình dân như nhà phê bình Auerbach đã nhận ra khi đối chiếu với thi hào Homer sau bao thế kỷ gián đoạn.

Phần thứ ba của ca khúc có cung giọng nhẹ nhàng hơn rồi mở ra cuộc gặp kịch tính tiếp theo, trong đó ông cảm nhận sự kinh tởm của cái ác và vẻ đẹp của ân sủng.

1
Mặt tôi tái mét run run
Thoắt đâu Thầy rảo bước tung bay về
Lòng chao sóng chút yên bề
Sương mù đen lại dầm dề lo ra…
2
Thầy quả quyết: “Chúng ta sẽ thắng
Nếu không nàng khắc xuống ra tay
Ôi giá mà có ai đây !”

Tôi nghe thầy chữa ngay câu nói
Lời trước khẳng định tươi roi rói
Ý sau ngập ngừng héo hắt hon
Tiểu đồ nghe sao hết được bôn chôn
Có điều gì tồi tệ hơn không biết.
Tôi bèn thưa: “Ai dại gì xuống ngục
Cho khổ đau, hi vọng vụt tiêu tan
Dại gì chuốc lấy tân toan ?”
3
Tiểu đồ băn khoăn
Ân sư giải thích:
“Ừ, hiếm lắm! Mấy ai bỏ thế gian
Dám xuống đây vượt trăm ngàn quỉ sứ
Như xưa ta một lần bao tư lự
Xuống đáy ngục theo mụ Ếm-Rinh-Đồng[1]
Khi hồn ta vừa lìa xác hư không
Mụ lên đồng gọi âm hồn nhập xác
Đưa ta xuống đáy ngục sâu khủng khiếp
Cứu âm hồn chung ngục với Giu-đa[2]
Hố thẳm ấy tột cùng rợn thây ma
Tột cùng xa với cội nguồn thiên quốc
Đầm thối này xộc mùi đen khủng khiếp
Bao bọc hết cả thành chết trầm luân
Không thể vào nếu không dùng vũ lực!
Nhưng con đừng sợ !
Thầy đã biết đường!”
4
Mắt tôi liếc tứ phương
Tai nghe Thầy nhắn nhủ
Còn bao điều lòng không kịp nhớ
Tôi chợt thấy trên tháp đỏ lòm
Ba ác thần vấy máu lỏm lòm lom
Mấy động thái giương hàm hanh hách
Bện rắn sừng thêu rắn giun vấn tóc
Thắt đai lưng bằng rắn lục xanh lè
Trông đền đài thật rùng rợn khiếp ghê
Thầy nháy tôi: “Kìa, lũ Ếm Rình[3] khốn kiếp
Bên trái đây: Mụ Ghê Ra chết tiệt
Bên phải kia: An Lệ Tô rên rỉ
Thế Siêu Phong giữa, con hãy nhìn xem!”.
5
Thầy lặng im
Tôi chợt thấy kinh ngạc
Chúng nhe nanh vuốt cào da, xé ngực
Nghe kinh hoàng tôi ôm chặt nhà thơ
“Hãy biến nó thành đá, Mê Đu Sa[4]!”
Chúng đồng thanh quát nhìn xuống đất
“Khốn cho ta không phục hận Thế Sô[5]!”




6
“Nhắm mắt lại, mau quay đi
Nhìn tên Tóc Rắn[6] hiểm nguy chết người
Hết đường sống đấy con ơi!”.
Nói xong Thầy vội xoay tôi nửa vòng
Tay tôi che mắt vừa xong
Tay Thầy che tiếp mới mong an toàn.
7
Nghe chấn động sầm sầm vòng ngục
Đôi bờ rung chuyển tiếp kinh hồn.
Như bão táp nổi cuồng phong
Hai luồng đối nghịch vô song đập vào.
Rừng xanh biết làm sao chống được
Cành xác xơ, lá róc sạch tuôn
Mịt mù từng bước cát cồn
Thú hoang tán loạn, tiểu đồng mất tiêu.
8
Thầy buông tay, một câu nhắc nhở:
“Con liếc xem hà bá dữ dằn
Phì đen khói - chát hờn căm
Chát muôn muôn kiếp, hờn gằn thiên thu!”.
9
Như đàn nhái nhảy vù vù
Hổ mang đuổi bắt tịt mù dưới sông
Tôi nhìn hàng vạn vong hồn
Nghe thần sứ đến chạy chôn thân mình.
Thần băng xuống ngự chinh Xiển Tích[7]
Tay gạt bay khí đặc hôi tanh
Dung nhan toát vẻ an lành
Chẳng chi lo lắng, thoát thanh những lời.
Nhận ra sứ giả từ Trời
Thầy tôi ra hiệu khi tôi hỏi thầm:
“Lặng mà cung kính long nhan!”.
Ôi chao dung mạo ngút ngàn uy phong!
“Vừng ơi, mở cửa!” như không
Chẳng gì cản được thần thông tay Người!
10
Thần lên cửa phán lời đanh thép:
“Lũ quỷ kia khốn khiếp đời đời !
Xưa quen phản loạn thiên khơi
Nay thêm ngạo ngược thích chơi ngông cuồng ?
Sao kiêu ngạo phản cùng thánh chỉ
Rốt cuộc thì lại khổ cực hơn ?
Định mệnh kia, húc dại ngông ?
Xác Bự Rồ đấy, còn không thấy à ?
Nhìn xem cổ hắn toác ba!”.
11
Rồi Người hướng ra đầm lầy lội
Không một câu với cả thầy trò
Như không thấy kẻ gần người xa
Mãi bận lòng với bao chuyện khác.
12
Còn chúng tôi tiến vào thành quách
Lòng được nghe lời thánh thót khoan thai
Không bị hạch sách
Lòng ước mong xem
Thực trạng ngục tống giam
Tôi rảo quanh nhìn tứ phía
Khắp tư bề rợn rùng vây bủa
Đầy cực hình và những tiếng khóc than
Như Ác Lê[8], dòng Rồ Đăng[9] ứ đọng
Như Phô La[10], gần vịnh Các Na Rông
Nối nước Ý cùng biên cương lân cận.
13
Lổm nhổm đầy mồ u uyển
Cô liêu khắp ngục mả hoang
Rợn lên mùi cay đắng khét càn
Lửa bừng bừng bốc lên hầm hập
Mồ mở tung cháy lên như đuốc
Miệng banh ngoác gập xuống khóc than
Nghe thống thiết hơn bão hú đại ngàn
Tiếng bĩ cực đầy bi thương khủng khiếp.
Tôi lên tiếng: “Xin thầy cho con biết
Họ là ai trong huyệt đá trầm luân
Bao cực hình nghe sao rùng rợn ?”
14
Thầy rằng: “Lạc giáo rất đông
Đủ hình đủ loại, môn sinh thầy trò
Còn nhiều nữa con chưa thấy đó
Tội giống nhau hình phạt giống nhau”
Thầy đi trước, tôi bước sau
Rẽ bên phải xuống ngục sầu tiếp theo.


[1] Eritone: phù thủy trong tác phẩm của nhà thơ Lucano kể rằng mụ làm cho một người chết hiện về để tiên báo cho con của Pompeo đang bị lưu đày vì cuộc chiến Farsalo giữa người cha và Cesare.

[2] Đáy Địa Ngục: nơi trừng phạt những kẻ phản bội.

[3] Erine: trong tác phẩm của Ovidio kể về 3 chị em phạm tội phản bội: Mụ Ghê Ra (Megera); An Lệ Tô (Aletto); Thế Siêu Phong (Tessifon).
[4] Medusa: Trong thần thoại Hi Lạp, con gái của thần biển Forco có gương mặt có thể làm cho bất kỳ ai nhìn vào liền hóa đá. Nàng đã bị Perseo chặt đầu nhờ sự giúp đỡ của Minerva.
[5] Thế Sô (Teseo): Xuống hang Averno với Piritoo để bắt Proserpina, đã bị cầm tù để được Ercole giải thoát, trong khi Piritto bị Cerbero(Xác Bực Rồ) giết chết. Các mụ Ếm Rinh Đồng mới nói: nếu giết cả hắn ta, thì không ai còn xuống dưới đó nữa.

[6] Tóc Rắn: Gorgon.
[7] Xiển Tích: Đầm lầy Stige.
[8] Dòng sông Arli.
[9] Rodano.
[10] Dòng sông Pola gần vịnh Các Na Rông (Carnaro).