Chìa khoá để hiểu kiệt tác Thần Khúc của Dante Alighieri - Tác giả: Đình Chẩn

VTCG
Cho đến nay, độc giả Việt Nam có thể tiếp cận Thần Khúc-Ca Khúc Tuyệt Đỉnh của Văn học Công Giáo qua ít là 7 bản dịch Việt ngữ: 1) giáo sư Lê Trí Viễn và nhà thơ Khương Hữu Dụng; 2) giáo sư Nguyễn Văn Hoàn (trọn bộ); 3) tiến sĩ Phạm Trọng Chánh-bút hiệu Nhất Uyên (thơ Lục Bát trọn bộ); 4) Nguyễn Viết Thắng (x. trọn bộ) 5) Phạm Ngọc Liên (trọn bộ), 6) Kim Ngưu, nhóm dịch thuật Lightway (một phần) và 7) Bản dịch của chúng tôi (Đình Chẩn), có lẽ là bản dịch đầu tiên của người Công giáo. NGUỒN:

Cho đến nay, độc giả Việt Nam có thể tiếp cận Thần Khúc - Ca Khúc Tuyệt Đỉnh (1) của Văn học Công Giáo qua ít là 7 bản dịch Việt ngữ: 1) giáo sư Lê Trí Viễn và nhà thơ Khương Hữu Dụng; 2) giáo sư Nguyễn Văn Hoàn (trọn bộ); 3) tiến sĩ Phạm Trọng Chánh-bút hiệu Nhất Uyên (thơ Lục Bát trọn bộ); 4) Nguyễn Viết Thắng (x. trọn bộ) 5) Phạm Ngọc Liên (trọn bộ), 6) Kim Ngưu, nhóm dịch thuật Lightway (một phần) và 7) Bản dịch của chúng tôi (Đình Chẩn), có lẽ là bản dịch đầu tiên của người Công giáo (2).

Có lẽ hiếm có tác phẩm văn học thế giới nào có nhiều bản dịch Việt ngữ đến thế. Có người nói đùa rằng có khi con số dịch giả Thần Khúc đông hơn số độc giả hiểu Thần Khúc! Theo nhà phê bình văn học Paul Nguyễn Hoàng Đức, chỉ khoảng 1% độc giả Việt Nam hiểu được Thần Khúc. Một kiệt tác thi ca Công giáo thuộc loại bất hủ mọi thời đại, không ngừng lôi cuốn cả các dịch giả khác tôn giáo nhưng dường như nó vẫn còn rất xa lạ với người Việt. Thậm chí, nó cũng xa lạ với nhiều tu sĩ từng du học Rôma, dù các vị Giáo hoàng gần đây đều hết lời ca ngợi và cổ võ đọc Thần Khúc.

Thực ra, những điều mà Dante trình bày không quá xa lạ với độc giả nói chung và người Công giáo nói riêng bởi hồn thơ ông đã đạt tới tầm vóc phổ quát. Ngôn ngữ tác giả sử dụng để viết Thần Khúc cũng là ngôn ngữ bình dân (Toscana), đối lập với ngôn ngữ Latinh vốn dành cho giới tinh hoa thời bấy giờ. Có thể nói, thi hào Dante đã làm cuộc cách mạng ngôn ngữ để diễn tả những chân lý cao siêu trong Đạo, nhờ đó, những người Ý bình dân ngày nay cũng có thể đọc thuộc lòng hàng ngàn câu Thần Khúc. Không phải ngẫu nhiên mà ông được coi là cha đẻ của tiếng Ý. Nhưng thật đáng tiếc, do khác biệt ngôn ngữ, văn hoá, và hạn chế của bản dịch nên các độc giả Việt Nam lại gặp khó khăn gấp bội khi tiếp cận Thần Khúc.

Vậy đâu là chìa khoá để hiểu Thần Khúc?

1. Tựa đề-phong cách-ngôn ngữ


Người ta thường nói 'tên là người'. Không vô cớ mà Dante đã đặt tên cho 'đứa con tinh thần' của mình là: Commedia-Kịch (x. Thư XIII 28); Sau đó, Boccaccio thêm vào tính từ Divina- Thần để tôn vinh tác phẩm bất hủ (ấn bản 1555 do Ludovico Dolce biên tập).

Từ Commedia ngày nay thường hiểu là "hài kịch". Tuy nhiên, nguyên nghĩa tiếng Hy Lạp, đó là một từ ghép: kῶmoc (vui chơi) và ᾠdn (khúc hát). Nó gợi lên phong cách bình dân: khởi đầu bi thương nhưng kết thúc có hậu. Nó ở giữa thể loại bi kịch (tragedia-kết thúc bi thảm) và ai ca (elegia-khúc hát đưa đám). Triết gia Aristốt đã định nghĩa Kịch-Commedia là mô phỏng những kẻ thấp kém. Ngược lại, bi kịch là bắt chước những người tài giỏi hơn mức trung bình (vd: Anh hùng ca trong kiệt tác của thi hào Homer).

Trên thực tế, Thần Khúc đan xen cả ba phong cách nói trên. Với mục đích như tác giả tuyên bố là nhằm"dẫn đưa nhân loại ra khỏi tình trạng thống khổ và sa ngã đến niềm hạnh phúc đích thật" (thư XIII 39), thi phẩm bắt đầu với bi kịch tồi tệ (cảnh lạc vào rừng hoang, Hoả Ngục) nhưng kết thúc có hậu (với cảnh xuất thần chiêm ngắm vinh quang Thiên Chúa). Đó là ý nghĩa và mục đích mà Dante đã đặt tên cho thi phẩm của mình.

Độc giả Việt Nam quen với tên gọi Thần Khúc qua các bản dịch của Lê Trí Viễn & Khương Hữu Dụng, và giáo sư Nguyễn Văn Hoàn. Cũng có người gọi Thần Kịch, Hài Kịch Thần Thánh, hay "Những khúc ca thần diệu" của Phạm Ngọc Liên (2021). Thần Khúc về cơ bản là một thi phẩm tự sự thần bí. Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã coi Thần Khúc là Ca Khúc Tuyệt Đỉnh. Như thế, chúng tôi cũng dịch tiêu đề một cách ngắn gọn là Thần Khúc. Nó cũng rất hợp với điều mà chính tác giả ám chỉ về Commedia khi ông sử dụng hai từ "poema sacro-thánh thi-Thần Khúc":

"Ta ước mơ một ngày kia Thần Khúc
Một công trình được trời-đất chung tay
Đẫm mồ hôi, huyết lệ những tháng ngày
Thanh tẩy hết những đắng cay độc ác"
(Thần Khúc Thiên Đàng. XXV).


Phong cách-Ngôn ngữ

Dưới khía cạnh thống kê, thi hào Dante đã sử dụng 12.831 từ vựng trong Thần Khúc. Trong số này, có nhiều từ được dùng lặp đi lặp lại, do đó, Thần Khúc có tổng cộng 101.698 từ, trung bình mỗi đại trường ca sử dụng gần 33.900 từ và mỗi ca khúc khoảng 1.017 từ. Nếu đặt số vốn từ vựng 12.831 trong tổng số 14.233 câu thơ, chúng ta sẽ thấy sự sáng tạo đáng kinh ngạc của Thần Khúc.

Từ phong cách nói trên, Thần Khúc cũng đòi hỏi ngôn ngữ tương xứng cho mỗi phần, cho mỗi nhân vật khác nhau. Trong khi các tác giả bấy giờ vẫn đang còn chuộng tiếng Latinh như là ngôn ngữ cao sang của giới tinh hoa, thì "cha đẻ của tiếng Ý" đã sử dụng phương ngữ vùng Tosca, thứ ngôn ngữ bình dân để viết Thần Khúc. Đó là cuộc cách mạng thực sự trong văn học Phương tây. Ông đã nhào nặn tất cả mọi chất liệu ngôn từ thu lượm trong thực tế, từ những tiếng bốp chát của kẻ đầu đường xó chợ tới những ý niệm thần học, triết học, thần bí Kinh Viện để tái hiện lại toàn bộ thực tại từ đáy cùng Hoả Ngục tới chót đỉnh Thiên Đàng bằng ngôn ngữ thi ca. Tất cả được thi hào ôm ấp, thi vị hoá dưới ánh sáng đức tin Công giáo. Điều này được thể hiện cực kỳ đa dạng, thiên hình vạn trạng trong 100 ca khúc. Vẻ đẹp ngôn ngữ cũng khác biệt ở ba phần tựa như càng bay lên cao thì tầm nhìn càng khoáng đạt và rộng lớn.

Tác giả cũng đan xen cả tiếng Latinh, tiếng Pháp, tiếng Provence, và vay mượn từ nhiều ngôn ngữ khác với cả kho tàng thần thoại (gốc Ả Rập, Do Thái, Hi Lạp. Vd tiếng Ả Rập trong Ca Khúc XXVI của Luyện Ngục). Đôi khi ông còn sử dụng những ngôn ngữ kỳ lạ và khó hiểu (lời nói của Diêm Vương, của tên quỉ khổng lồ trong Hoả Ngục), trong khi ở những nơi khác, ông sáng tạo ra những thuật ngữ thần bí táo bạo (đặc biệt là ở Thiên Đàng). Càng về cuối ngôn ngữ trong Thần Khúc càng được tinh luyện trở nên cực kỳ thanh tú và mới lạ, một đàng rước tâm hồn độc giả thăng hoa lên nhưng đàng khác đó lại là thách đố gai góc cho các dịch giả.

Dịp 700 năm sinh nhật thi hào Dante, Đức thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã nhận định:
"Trong Thần Khúc có tất cả mọi thể loại văn chương: từ anh hùng ca đến trữ tình, từ huấn ca đến châm biếm rồi kịch nghệ. Kịch nghệ vừa là thể loại miêu tả tính cách vừa là thể loại hành động. Tất cả đều vừa được duy trì với sự đan xen liên tục những yếu tố đa dạng và hết sức phong phú, vừa giữ được nét hài hòa hợp nhất sáng ngời trong kiến trúc (3)"
.
Vì thế, các học giả đã đề cập đến chủ nghĩa đa ngôn ngữ và chủ nghĩa đa nguyên của Thần Khúc. Đó là sự khác biệt của đại thi hào Dante với thi sĩ Petrarch và các nhà thơ của Chủ nghĩa nhân văn và thời Phục hưng.

2. Chìa khoá để hiểu Thần Khúc


Dante đã giải thích trong tác phẩm Bữa Tiệc (Convivio), Thần Khúc có bốn tầng nghĩa: nghĩa đen, nghĩa bóng, nghĩa đạo đức và nghĩa thần bí. Đây cũng là cách đọc Kinh Thánh theo truyền thống của Giáo hội, trong đó, nghĩa đen không hẳn là quan trọng nhất.

a. Nghĩa đen: Tác phẩm thuật lại hành trình tưởng tượng của Dante qua Hoả Ngục, Luyện Ngục và Thiên Đàng. Tác giả đóng vai nhân vật chính cũng là người kể chuyện.

b. Nghĩa bóng: Tác phẩm diễn tả cuộc hoán cải của tác giả khỏi con đường lầm lạc nhờ lý trí soi dẫn (Vinh Dự Lưu là biểu tượng) người dẫn đường giúp Dante suy ngẫm về gánh nặng của tội lỗi trong cuộc hành trình qua Hoả Ngục và Luyện Ngục; trong khi đó nàng Thiện Bích biểu tượng cho ân sủng, qua lời cầu bầu của Đức Mẹ Maria, dẫn thi sĩ đến chiêm ngắm tôn nhan Thiên Chúa.

c. Nghĩa đạo đức: Đó là một lời cảnh báo. Người ta có thể sa ngã dễ dàng và khó thoát khỏi tội lỗi. Tác giả mời gọi suy ngẫm về các hình phạt dành cho tội nhân trong cõi đời đời (Hoả Ngục); không bao giờ mất hi vọng vào Lòng Thương Xót và cố gắng vươn lên (Luyện Ngục); và phần thưởng được ban cho người công chính trên quê hương Thiên Quốc (Thiên Đàng).

d. Nghĩa thần bí: Tác phẩm diễn tả ý nghĩa khái quát, dẫn đưa nhân loại thoát khỏi tình trạng bất hạnh và rối loạn: nhờ ánh sáng lý trí tự nhiên và nhất là nhờ ánh sáng ân sủng (nàng Thiện Bích) con người có thể đạt được hạnh phúc và hạnh phúc đích thực là được hợp nhất trong Ba Ngôi Thiên Chúa-Suối nguồn Tình Yêu và là Chân-Thiện-Mỹ.

Tác giả có một viễn kiến tôn giáo về thực tại là cơ sở cho tư tưởng và thi pháp của ông. Chính từ tầm nhìn này, quan niệm của thi hào về lịch sử, khác hẳn với quan niệm hiện đại: đối với ông, lịch sử là một biểu hiện tuyến tính và tiệm tiến của các chân lý Kitô giáo và các dấu chỉ thiêng liêng. Do đó, Dante giải thích tất cả các sự kiện lịch sử dưới ánh sáng Đức tin, theo quan niệm Kitô giáo.

3. Hành trình ẩn dụ


Hành trình vạn dặm vô cùng ngoạn mục trong Thần Khúc được khởi đầu với biến cố tác giả lạc vào rừng hoang ở tuổi 35.

Thời gian vụt thoáng nửa đời (4)
Giật mình, tôi thấy mình rơi hoang rừng (5)
Lạc xa chính đạo hãi hùng
Ôi! Thảm muôn trùng, khôn xiết sầu thương!
(Hoả Ngục, Ca Khúc I)


Theo nghĩa đen, tác giả kể lại câu chuyện chính mình (tôi-người kể chuyện) lạc vào rừng hoang. Theo nghĩa bóng, "tôi" ở đây đại diện cho nhân loại nói chung; rồi theo nghĩa đạo đức, đó là lời cảnh tỉnh cho con người lịch sử Dante khỏi con đường lầm lạc; cuối cùng, theo nghĩa thần bí, đó là khởi đầu hành trình ngoạn mục hồi hương về quê Trời. Quả vậy, mục đích của thi phẩm như tác giả đã tuyên bố, là "dẫn đưa nhân loại ra khỏi tình trạng thống khổ và sa ngã đến niềm hạnh phúc đích thật" (thư XIII 39).

Theo nghĩa đen, đây là cuộc hành trình của một người cụ thể (Dante), kéo dài một tuần, bắt đầu từ đêm thứ Sáu tuần Thánh, (7.4-14.4) trong năm thánh 1300. Đó là biến cố ân sủng, Đại Năm Thánh, lần đầu tiên trong lịch sử do Đức Giáo hoàng Boniface VIII công bố. Khi đó, chàng thi sĩ bị lạc trong một khu rừng hoang, nơi chàng gặp 3 con thú dữ và sau đó được thi hào cổ đại Virgilio giải cứu, dẫn chàng qua Hoả Ngục và Luyện Ngục. Hành trình này minh họa cho người đọc về tình trạng của các linh hồn sau khi chết, như chính Dante đã làm rõ trong Thư XIII ở Cangrande della Scala.

Tuy nhiên, như Singleton, một học giả nổi tiếng về Dante đã nói: "Sự hư cấu của Thần Khúc không phải là một điều hư cấu". Nghĩa là độc giả không nên chỉ dừng lại ở nghĩa mặt chữ, cuộc hành trình còn có nhiều ý nghĩa, đó là con đường tâm linh mà mọi người có thể và phải thực hiện. Các nhân vật của thi phẩm có nhiều lớp nghĩa, nghĩa đen, nghĩa bóng, nghĩa đạo đức và nghĩa thần bí: Ví dụ, thi hào Vinh Dự Lưu–người hướng đạo là tác giả của trường ca Aeneid, nhưng cũng là biểu tượng cho lý trí tự nhiên có khả năng dẫn dắt con người đến hạnh phúc trần gian; nàng Thiện Bích người hướng đạo thứ hai là "nàng thơ" của Dante, nhưng đồng thời, nàng cũng biểu tượng cho ân sủng có khả năng dẫn dắt mọi người đến hạnh phúc vĩnh cửu. Thậm chí, nàng là hình bóng của Ngôi Lời nhập thể.

Như thế, hành trình Thần Khúc không hề xa lạ với người Kitô hữu vì đó là hành trình nội tâm, đi từ rừng hoang lầm lạc, rồi linh hồn thức tỉnh, phải đối diện với 3 thú dữ (biểu tượng cho tham sân si) được thầy dẫn đường (Vinh Dự Lưu) chỉ cho thấy tội lỗi và sự trừng phạt trong 9 tầng Hoả Ngục; rồi trên hành trình Luyện Ngục, linh hồn sám hối được thanh tẩy và siêu thoát nhờ ân sủng trợ giúp (biểu tượng nàng Thiện Bích); cuối cùng, linh hồn được bay lên hưởng phúc Thiên Đàng, chiêm ngắm các tầng trời diễm phúc và cùng đích là được hợp nhất trong Tình Yêu- Ba Ngôi Thiên Chúa.

"Hồn tôi bay tới đây đành bất lực
Chợt ánh quang giác ngộ rực chói lòa
Ôi ân sủng! Ước muốn lại thăng hoa
Mà trí phàm, siêu tưởng, đành câm nín
Lòng khao khát cháy bừng lên cực mịn
Hợp nhịp nhàng ý chí xoay chuyển xoay
Cuốn tôi đi như xa giá nhẹ bay
Tình yêu xoay mặt trời xoay tinh tú!"
(Thần Khúc-Thiên Đàng, 10)


Có thể nói, tác giả đã viết lại tất cả lịch sử loài người bằng ngôn ngữ thi ca, dựa trên những cuộc gặp gỡ với ngàn lẻ một nhân vật thuộc đủ loại. Nói theo tinh thần "Giáo hội Hiệp hành" thì Dante đã gặp gỡ họ, diện đối diện, lắng nghe họ và phân định để tái hiện từng gương mặt điển hình như lời Đức Giáo hoàng Phaolô VI từng nhật xét:
"Tất cả các cung bậc tình cảm và âm điệu đều được gọi lên sống động: dịu dàng và khí phách, buồn thảm và vui mừng, không thiếu những khinh bỉ và cũng đầy những ngưỡng mộ, nào là giận dữ, nào là hoảng hốt, nào là sợ hãi, nào là yêu thương, nào là chiêm niệm, nào là tôn thờ, nào là nụ cười hiền dịu và nào là mê ly xuất thần" (6).


Tạm kết


Không phải vô cớ mà Thần Khúc được mệnh danh là "Kinh Thánh thời Trung cổ", và chính ông đã định nghĩa nó như một Thánh Thi (Poema Sacro), bài thơ thiêng liêng, mà trời đất và con người đã "hiệp hành" cộng tác bởi khi gặp khó khăn, tác giả luôn thốt lên lời cầu xin ơn soi sáng trợ giúp.

"Ôi Thần Đức! Sáng bao la trong trẻo
Nguyện dủ thương ban xuống chính mình Người
Hình Quốc Ân xin bút thần thảo nét
Vừa nạm vào tâm khảm ánh khôn vơi"
(Thiên Đàng, Ca khúc I, 4).

Bản thân tác giả nhấn mạnh nhiều lần, không chỉ là tính trung thực trong những điều được ông thấy và kể lại, mà còn là khó khăn khi phải viết lại những điều khôn diễn tả bằng ngôn ngữ giới hạn của con người. Nếu quí độc giả tiếp cận Thần Khúc, mà vẫn thấy khó hiểu hoặc thấy không được như mong đợi, thì xin hiểu rằng, đó là mặt hạn chế về khả năng chuyển ngữ cũng như vốn từ ngữ tiếng Việt ít ỏi của chúng tôi, rất mong được góp ý để chúng tôi hoàn thiện.

Đình Chẩn

(1) Như đã giới thiệu, đây là tựa đề tự sắc Altissimi Cantus do Đức Giáo hoàng Phaolô VI ban hành dịp 700 sinh nhật Dante.

(2) https://www.vanthoconggiao.net

(3) Đức Giáo hoàng Phaolô VI, Ca Khúc Tuyệt Đỉnh, số 49: https://www.vanthoconggiao.net/2021/11/ca-khuc-tuyet-dinh-dante.html

(4) Isaia 38, 10. Thần Khúc viết ở tuổi 35 (Tv 89, 10) năm thánh 1300

(5) Rừng hoang rất phổ biến trong văn chương Kitô giáo. Ẩn dụ ánh sáng-bóng tối rút từ Kinh Thánh (Ga 1,5) động cơ dẫn dắt Thần Khúc.

(6) Đức Giáo hoàng Phaolô VI, Ca Khúc Tuyệt Đỉnh, số 50: https://www.vanthoconggiao.net/2021/11/ca-khuc-tuyet-dinh-dante.html