Đền vàng quỳ trước dâng hoa- Tác giả: Lê Đình Bảng

Lan Mary

 

ĐỀN VÀNG QUỲ TRƯỚC DÂNG HOA

Lê Đình Bảng
Đền vàng, quỳ trước dâng hoa
Trông lên tháp bảo, thấy tòa Ba Ngôi
Mười hai nhân đức gương soi
Kính thân Đức Mẹ đời đời ngửa trông

(Nghinh Hoa Tụng Kỳ Chương, 29-32)

1. Từ sau Chúa nhật Phục sinh, lịch sinh hoạt phụng vụ hằng năm của nhà đạo mình xem ra có vẻ chùng chậm, lơi nhịp và êm ả hơn. Tôi có cảm tưởng, Tuần Bát nhật, ít nhiều như là những ngày nghỉ ngơi buổi nông nhàn sau gặt hái phơi phong để lấy hơi để thêm sức, đặng bước vào mùa Thường niên miệt mài, kéo dài mãi tới mùa Vọng, Giáng sinh. Tuy nhiên, trên suốt hành trình ấy, vẫn đan xen một số trạm dừng mang ý nghĩa chuyển tiếp – giao mùa. Chẳn hạn, thạng 5 Dâng hoa và tháng 10 Mân côi. Chẳng hạn tháng 6 mừng kính Trái Tim Chúa Giêsu – Thánh hóa – Truyền chức – Tấn phong và tháng 8 Khấn dòng, hành hương Đức Mẹ La-Vang vv… Đấy là chưa kể phiên chầu lượt, tuần đại phúc hoặc lễ bổn mạng của các xứ đạo, dòng tu. Đã thành cái nếp truyền đời, sức sống đức tin – lòng đạo cứ thế mà chuyển động, tiếp biến, thăng hoa rất điều độ, nhịp nhàng. Đặc biệt, tháng 5 và tháng 10 dâng kính Đức Mẹ – trong cảm nhận và tâm thức của dân gian – lại trùng hợp với thời vụ, mùa màng: Lúa chiêm nắng hạn, lúa mùa mưa giông.

Riêng tháng 5 Dâng hoa, từ lâu rồi, đã là chuỗi ngày lễ hội xôn xao nơi xứ đạo – làng quê. Có ai về miền đạo ở đồng bằng Bắc bộ mà xem. Đây là dịp “khánh hạ”, chuyển đổi thời tiết khí hậu từ Xuân sang Hè, từ phấn chấn, ôn hòa sang oi nồng, khô khát. Bà con ta vẫn có thói quen “cầu mát, cầu mưa” xin trời đất mở huệ từ bi cho mùa màng tốt tươi, cho cuộc sống thong dong, no ấm. Lễ hội Dâng hoa, do đó, được tổ chức, cử hành và tham gia rất bài bản, có kinh văn rõ rệt. Nó chuyên chở trọn vẹn tâm tình đạo hạnh thiêng liêng, đồng thời thể hiện được những cung cách phụng thờ qua nhiều nét vẻ nghệ thuật: từ âm nhạc (cung điệu) đến thi ca (vãn); từ sân khấu cung đình (nhà thờ) đến sân khấu dân gian (các dâu hoa, giáp hoa); từ rước sách, kiệu cờ đến phục trang, hóa trang, sắc màu, đàn phách chộn rộn từng xóm từng thôn. Không thể cầm lòng được. Nó cuốn hút người ta vào cuộc.Ngấm từ trong máu ngấm ra.

Đội ơn Đức Mẹ nhân từ
Đã cho con mọn ngây thơ ngợi mừng
Tấm lòng xin với hoa dâng
Giãi niềm thảo kính vốn từng thần hôn

(Nghinh Hoa Tụng Kỳ Chương, 103-106)

2. Ai trong chúng ta đã kinh qua một phần đời mình trong khung cảnh đồng đất thanh bình, trong quan hệ xóm làng chân chất, thân thương và trong tâm tình trẩy hội lên đền, ắt phải ngộ ra thế nào là mang tình nhà ra làm nghĩa đạo, là đem cuộc sống riêng tư hòa quyện vào việc chung. Nói khác đi, dù đến xem – nghe hay hiệp thông cầu nguyện, thì qua lễ hội Dâng hoa, người ta vẫn muốn giãi bày những ước vọng trong sáng nhất, tinh ròng nhất. Đó là được thanh thỏa về tinh thần, được gửi gắm những tân toan đời mình vào cõi thánh thiêng, được hòa nhập việc phần xác vào việc phần hồn của những người con thảo với mẹ hiền.

Chúng con đang chốn phong đào
Mong gieo hạt giống, e vào bụi gai
Cậy trông Đức Mẹ nhân thay
Rủ thương vì chúc tụng này cùng hoa

(Nghinh Hoa Tụng Kỳ Chương, 88-90)

Phải chăng, đây cũng là một trong những cách lý giải vì sao những hội hè lễ lạt về Đức Mẹ, về Phật Bà Quan Âm, về Thiên Lý Thánh Mẫu, về tổ mẫu Âu Cơ, về bà chúa Liễu Hạnh… luôn tỏa ra sức hấp dẫn diệu kỳ. Và phải chăng trong cảm thức tín ngưỡng của dân gian đã sẵn có một thứ linh đạo thánh nữ rồi vậy? Cho nên, xuất phát từ những nhu cầu trên, từ buổi đầu đón nhận Tin Mừng, cha ông ta đã sớm biết vận dụng văn hóa nghệ thuật làm phương tiện “tải đạo”, dùng thi ca, âm nhạc, vũ dạo để diễn tả đức tin. Lòng đạo ấy, xuyên suốt chiều dài lịch sử gần 500 năm (1533-2005), vẫn tồn tại, sinh hoa, kết trái. Không thể bảo là nông cạn, tầm thường được. Kể cả cụm từ “Lòng đạo đức bình dân” mà xưa nay ta quen dùng cũng cần phải được xem xét lại sao cho xứng hợp, công bằng hơn, trân trọng hơn. Chẳng hạn, nên sử dụng cụm từ “Lòng đạo đức dân gian”

Tóm lại, bức tranh lễ hội Dâng hoa sinh động nơi các xứ đạo – nhà thờ vào mỗi tháng 5 này như đã khởi hành từ một chiều sâu đức tin, được diễn tả trong một chiều rộng của lòng đạo, giữa bát ngát thênh thang của mùa màng thời vụ. Lễ hội Dâng hoa tập hợp muôn hình muôn vẻ của nhiều địa phương, của nhiều truyền thống văn hóa tâm linh, của một rừng sắc hương nguyện cầu Mẹ.

Đức Bà thờ Chúa một bề
Hoa quỳ chăm chắm hướng về thái dương
Tội nguyên không nhiễm khác thường
Hoa sen trên nước chẳng vương bùn lầm
Lòng đầy thánh sủng giáng lâm
Hoa lê tuyết đượm mùi thơm khác vời
Tuổi cao phúc đức càng đầy
Lạ lùng hoa cúc nở ngày vãn thâu
Tòa cao thần thánh kính chầu
Hoa mai đỉnh núi nở đầu trăm hoa
Muôn loài cảm mến âu ca
Hoa đơn phú quý gần xa vui vầy
Các ơn Chúa phó trong tay
Hoa lan vương giả hương bay ngạt ngào

(Nghinh Hoa Tụng Kỳ Chương, 65-78)