Lòng biết ơn trong các Tín Ngưỡng Dân Gian Việt Nam (Phần I)- Tác giả: M.Hạnh Tử

Lan Mary

 


Giới thiệu đề tài

1. Ý nghĩa của lòng biết ơn

Lòng biết ơn là một thái độ sống rất tốt đẹp và cần thiết trong tương giao giữa người với người, bởi “biết ơn tức là hiểu và ghi nhớ công ơn của người khác đối với mình”. Hiểu nghĩa là nhận ra ý nghĩa cũng như giá trị của những hành động, những lời nói tốt đẹp mang tính xây dựng mà người khác dành cho mình; ghi nhớ là đón nhận sự giúp đỡ của người khác, đồng thời yêu mến họ và gìn giữ tình cảm đó trong lòng. Hiểu và ghi nhớ công ơn của người khác sẽ góp phần xây dựng mối dây tình thương, sẽ làm cho liên hệ giữa người với người thêm đậm đà thắm thiết.

Vì “không ai là một hòn đảo” nên mọi người đều có liên đới với nhau, đều có ảnh hưởng đến cuộc sống của nhau không ít thì nhiều, trực tiếp hoặc gián tiếp. Do đó, nếu thái độ biết ơn được phát huy trong cuộc sống hằng ngày thì xã hội sẽ tràn ngập tình yêu và lòng nhân nghĩa, bởi mọi người đều có thể làm ơn cho nhau và đều đón nhận công ơn của người khác. Chính nhờ biết ơn mà chúng ta mới biết cám ơn, đền ơn. Tương quan hỗ tương của lòng biết ơn sẽ xóa đi khoảng cách giữa người với người, sẽ xóa đi những quan niệm sai lầm tự coi mình là kẻ ban ơn hay tự ti cho mình là vô dụng, chỉ biết nhận mà không biết cho ... Như vậy, lòng biết ơn góp phần kiến tạo sự bình đẳng trong các mối tương quan.

2. Vị trí của lòng biết ơn trong các nền văn hóa

Vì ý thức được giá trị tốt đẹp của lòng biết ơn mà trong văn hóa Tây Phương,một nền văn hoá đặc trưng được xây dựng trên nền tảng Kitô giáo, lòng biết ơn đối với Thiên Chúa là điểm nổi bật. Vì niềm tin Kitô giáo tin nhận Thiên Chúa là Đấng dựng nên vũ trụ và con người (x.St 1-2). Sự sống và vận mệnh con người nằm trong tay Thiên Chúa và Ngài cũng là nguồn mọi phúc lành. Do đó, biết ơn Thiên Chúa là một thái độ cần thiết và hợp lý. Thêm nữa, Thiên Chúa đã đặt con người trong thế giới với mối tương quan liên vị. Con người sống với và sống cho nhau, nên người ta đề cao lòng biết ơn, thể hiện qua lời biết ơn luôn ở trên môi. Ngay từ nhỏ, trẻ em Tây Phương đã được dạy cho biết nói lời cám ơn khi đón nhận bất cứ một sự giúp đỡ nào dù là nhỏ nhặt nhất. Lời cám ơn vừa là một lời nói xã giao nhưng cũng là một lời mang lại thiện cảm và sự ấm áp cho các mối tương quan.

Trong văn hóa Trung Hoa, cụ thể là trong Nho Giáo, Khổng Tử cũng đề cao nhân nghĩa như một điều kiện để xây dựng hòa bình: “Người ta sinh ra ở đời, ai cũng bẩm thụ cái lý khí của trời đất, cũng chịu cái mệnh trời như nhau cả, tất cả cũng như anh em một nhà vậy. Nếu ai ai cũng biết lấy điều lễ nghĩa mà cư xử với nhau, thì lòng nhân ái hóa lại chẳng dồi dào lắm sao!”. Theo lý thuyết nói trên thì con người sống trong thế giới phải chịu ơn trời và ơn người, nên phải coi nhau như anh em một nhà, phải biết nhân nghĩa. Do đó, người quân tử là người chịu ơn thì phải biết nhớ ơn và đền ơn. Có thể nói, chữ NHÂN trong Nho Giáo bao hàm trong đó tất cả khía cạnh của lòng biết ơn. Một trong những khía cạnh của chữ Nhân mà Nho giáo đề cao chính là lòng hiếu thảo đối với cha mẹ. Đây là một trong những điểm chính yếu mà Nho giáo đòi hỏi nơi một người thành nhân. Lòng hiếu thảo chính là sự diễn tả của lòng biết ơn đối với công dưỡng dục sinh thành của cha mẹ.

Trong văn hóa Việt Nam, lòng biết ơn không chỉ đơn thuần là nguyên tắc xã giao mà sâu xa hơn, thâm trầm hơn, đó là cả một truyền thống văn hóa của dân tộc, truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. Lòng biết ơn của người Việt Nam trước tiên được thể hiện trong các tín ngưỡng dân gian, mỗi hình thức diễn tả một vẻ khác nhau. Bởi mỗi tín ngưỡng được hình thành và bồi đắp bằng những quan niệm khác nhau tùy hoàn cảnh lịch sử và môi trường sống. Trong những tín ngưỡng này, lòng biết ơn vừa được bày tỏ giữa người với người, vừa bày tỏ với trời đất, thần linh và cả với thiên nhiên nữa. Phải chăng vì thái độ sống hồn nhiên mà người xưa hiểu được rằng họ sống trong vũ trụ là sống giữa sự bao bọc của trời đất, thần linh, con người và thiên nhiên nữa? Họ nhận thấy những điều kiện, những nhu cầu thường ngày không phải hoàn toàn do bàn tay con người làm ra nhưng là những ân huệ họ đón nhận. Do đó lòng biết ơn hình thành nơi người xưa một mối tương quan hài hòa với thần linh, với thiên nhiên và với con người.

Như vậy, chúng ta thấy rằng, giữa niềm tin, mà tín ngưỡng là một thể hiện, và văn hóa có một mối liên hệ. Niềm tin giúp hình thành những giá trị văn hóa. Vì thế, niềm tin cũng có một chỗ đứng quan trọng trong việc hình thành, phát triển và bảo tồn văn hóa. Tín ngưỡng dân gian chính là khí trời, là môi sinh của văn hóa nên lòng biết ơn mà tín ngưỡng dân gian chuyển tải đã trở thành một giá trị văn hóa. Đây là một giá trị đẹp, đáng trân trọng và đáng tự hào của dân tộc. Tốt đẹp vì nó là tinh hoa của dân tộc, được hình thành và bồi đắp nhờ những giá trị văn hóa, tinh thần lâu đời của dân tộc, tựa như phù sa được dòng sông lịch sử văn hóa dân tộc bồi đắp qua bao thế hệ. Đáng trân trọng vì đã trở thành nếp sống, nếp suy nghĩ của bao thế hệ tiền nhân. Đáng tự hào vì truyền thống thể hiện tính cách cao đẹp của con người Việt Nam luôn lấy chữ NHÂN làm đầu trong cuộc sống. Thế nên, truyền thống tốt đẹp này cần phải được duy trì và phát huy trong mọi thế hệ và mọi thời đại của dân tộc Việt Nam. Bởi chưng, truyền thống này bắt nguồn từ một nền văn hóa phong phú của dân tộc. Nó đã đi vào tầng sâu của vô thức dân tộc để tạo nên nét son cho tính cách con người Việt Nam.


3. Lý do chọn đề tài

Khi xã hội Việt Nam bước vào nền kinh tế toàn cầu với sự năng động, xô bồ của cuộc sống hiện đại, một bộ phận người Việt Nam hôm nay dường như đang vội vã chạy theo sự cuốn hút của những giá trị thời đại là vật chất, danh vọng ... mà lãng quên, thậm chí là đánh mất những giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc, đặc biệt là truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. Thay vào đó, người ta lại thấy có những giá trị mới được hình thành và được đề cao trong xã hội, cách đặc biệt nơi giới trẻ. Sự hình thành những giá trị mới trong một thời đại mới là điều dễ hiểu, nhưng những giá trị đó có hoàn toàn phù hợp với xã hội Việt Nam hay chỉ góp phần xóa nhòa thêm những giá trị của truyền thống?

Vấn nạn ấy chính là lý do thôi thúc người viết chọn đề tài nghiên cứu LÒNG BIẾT ƠN TRONG CÁC TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN VIỆT NAM. Đây là một câu hỏi được nêu ra cho chính bản thân trước tiên để từng bước “trở về nguồn” khám phá giá trị cao cả của truyền thống “uống nước nhớ nguồn” được diễn tả trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Để từ đây, người viết đi tìm nguyên nhân hình thành những giá trị mới đang “thống trị” xã hội và suy tư xem lòng biết ơn truyền thống có còn chỗ đứng hay có còn thích hợp với những giá trị đó không, và nếu đó là những giá trị lệch lạc, thì lòng biết ơn có thể làm được gì để điều chỉnh.

3. Phương pháp thực hiện đề tài

Để thực hiện được thao thức này, người viết sẽ trình bày đề tài nghiên cứu của mình dựa trên phương pháp diễn giải để trình bày chỗ đứng của lòng biết ơn trong các tín ngưỡng dân gian, đi từ nguồn gốc sâu xa của nó để tìm được một căn bản vững chắc cho truyền thống này. Tiếp đến, bằng phân tích và suy tư, người viết sẽ tiếp cận những giá trị mới đang chiếm ưu thế trong xã hội hôm nay dưới khía cạnh tiêu cực của những giá trị này, và tìm hiểu xem đâu là định hướng hình thành nên những giá trị đó. Và cuối cùng, đề tài được tổng hợp bằng cách trả lời cho câu hỏi làm sao lòng biết ơn của Tín Ngưỡng Dân Gian có thể giúp điều chỉnh những lệch lạc trong các giá trị của xã hội Việt Nam hôm nay.

Như thế, đề tài nghiên cứu này sẽ được trình bày theo ba phần chính

Phần I: Lòng biết ơn trong Tín Ngưỡng Dân Gian Việt Nam. Trong phần này, trước tiên người viết sẽ tìm hiểu nguồn gốc lịch sử cũng như nguồn gốc siêu hình của các tín ngưỡng dân gian, tiếp đó là tiếp cận lòng biết ơn mà từng tín ngưỡng chuyển tải.

Phần II: Những định hướng hình thành các giá trị trong xã hội Việt Nam hôm nay. Khi bước vào nền kinh tế thị trường, cùng với sự mở cửa giao lưu văn hóa, xã hội Việt Nam xuất hiện những giá trị mới. Nói đúng hơn, những giá trị đó đã tiềm ẩn trong xã hội Việt Nam nhưng chưa có điều kiện để bùng nổ. Nhưng nay, với sự cởi mở của tâm thức và xã hội, những giá trị này phát triển rất mạnh và được coi trọng đặc biệt nơi giới trẻ. Người viết sẽ đề cập đến những giá trị này dưới khía cạnh tiêu cực của nó để thấy được những lệch lạc cũng như nguyên nhân hình thành nên những giá trị này.

Phần III: Lòng biết ơn điều chỉnh những lệch lạc về cách nhìn nhận các giá trị trong xã hội hiện thời. Đây là phần chính yếu của đề tài, người viết sẽ suy tư để tìm hiểu xem lòng biết ơn của truyền thống có thể làm được gì để điều chỉnh những lệch lạc về cách nhìn nhận các giá trị mới.

PHẦN I

LÒNG BIẾT ƠN ĐƯỢC DIỄN TẢ

TRONG TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN VIỆT NAM

I. Nguồn gốc của các tín ngưỡng dân gian Việt Nam

1. Nguồn gốc lịch sử

Tín ngưỡng dân gian được định nghĩa là “lòng tin và sự ngưỡng mộ một tôn giáo”, hay “là niềm tin, sự ngưỡng mộ đối với một đối tượng siêu nhiên nào đó có ảnh hưởng, chi phối đến đời sống sinh hoạt của con người”. Nhưng niềm tin này còn dừng lại ở mức tự phát, chứ chưa có hệ thống. Chữ “dân gian” ở đây cho thấy rõ nét bình dân và tính tự phát ấy của tín ngưỡng. Chúng được xem là “những sản phẩm văn hóa của con người được hình thành tự phát trong mối quan hệ giữa con người với chính mình, với người khác và với thế giới tự nhiên”.

Nhưng tín ngưỡng dân gian có từ bao giờ? Nói một cách khác, tín ngưỡng dân gian xuất hiện từ khi nào? Thật khó để có một câu trả lời chính xác về thời điểm lịch sử hình thành của tín ngưỡng dân gian. Bởi vì tín ngưỡng dân gian là một niềm tin tự phát dựa trên nhận thức tình cảm bình dân của con người, chứ không có một vị sáng lập như các tôn giáo có tổ chức. Với những tôn giáo này, để xác định thời gian thành lập, người ta có thể căn cứ vào niên đại của vị sáng lập. Điều này không thể thực hiện được đối với các tín ngưỡng dân gian.

Tuy nhiên, khi nghiên cứu về tín ngưỡng dân gian Việt Nam, nhiều tác giả cũng đưa ra những nhận định về nguồn gốc lịch sử của chúng. Theo đó, các vị chia tín ngưỡng dân gian thành hai nhóm: Nhóm thuần Việt như tín ngưỡng thờ vật tổ, tín ngưỡng sùng bái tự nhiên ... Mặc dù những tín ngưỡng này không phải là đặc thù của người Việt nhưng nó được hình thành độc lập dựa trên tâm thức và niềm tin của người Việt. Đối với nhóm tín ngưỡng thuần Việt, Tác giả Đào Duy Anh cho rằng: “Về phương diện tôn giáo, cứ theo các truyền kỳ đời trước thì ta có thể đoán rằng tổ tiên ta ở đời thượng cổ tín ngưỡng một thứ đa thần giáo, tin rằng các hiện tượng và thế lực tự nhiên ở trong vũ trụ ... đều có thần linh chủ trương”. Linh mục Nguyễn Thế Thoại cũng đồng ý với quan điểm này khi viết: “Tín ngưỡng dân gian xuất hiện ngay từ thời nguyên thủy của loài người”. Tác giả Nguyễn Đăng Thục khi trình bày về sự hình thành tín ngưỡng đã viết: “Nhân loại lúc đầu sống trong bầu không khí thần linh thiêng liêng, khí thiêng liêng sông núi. Rồi dần dần cái không khí thiêng liêng ấy bàng bạc làm nguồn gốc cho ý nghĩa về giá trị mới ngưng đọng, kết tinh vào một số vật thành ra khí riêng giới hạn vào một chỗ nhất định”, rồi trích dẫn lời của linh mục L.Cadière để khẳng định rằng: “Có thể nói rằng người Việt Nam cũng sống trong một bầu khí siêu nhiên như thế”. Qua cách diễn tả này, tác giả cho thấy rằng đời sống tín ngưỡng của người Việt nói riêng cũng như của nhân loại nói chung đã xuất hiện ngay từ thời kỳ đầu của xã hội loài người. Đây cũng là quan điểm của tác giả Hoàng Quốc Hải: “Từ khi có loài người đã có tín ngưỡng”.

Nhóm thứ hai là những tín ngưỡng hình thành do ảnh hưởng của văn hóa nước ngoài như tín ngưỡng thờ thần hoàng và tín ngưỡng thờ tổ tiên chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa; tín ngưỡng phồn thực thờ Linga của người dân tộc Chăm. Tác giả Trần Ngọc Thêm đã chứng minh rằng, mặc dù tín ngưỡng này dân tộc nào cũng có nhưng việc thờ sinh thực khí Linga của dân tộc Chăm là do ảnh hưởng của Bàlamon giáo của Aán Độ, tiếp xúc với văn hóa Việt Nam từ đầu Công Nguyên.

Nguồn gốc lịch sử của tín ngưỡng dân gian có xác định được hay không chưa phải là vấn đề quan trọng. Muốn tìm hiểu tín ngưỡng dân gian, người ta thường chú ý đến nguồn gốc siêu hình tức là lý do sâu xa hình thành nên những tín ngưỡng này hơn là nguồn gốc lịch sử của nó. Cũng trong ý hướng đó, người viết cũng xin hướng cái nhìn sâu hơn vào nguồn gốc siêu hình của tín ngưỡng dân gian.

2. Nguồn gốc siêu hình

Khi nghiên cứu tín ngưỡng dân gian Việt Nam dựa trên nội dung và ý nghĩa của các tín ngưỡng này, nhiều học giả đã cho rằng, ba nguyên nhân chính hình thành nên tín ngưỡng dân gian là sự sợ hãi, lòng tin tưởng hướng về siêu việt và lòng biết ơn. Trong đó, lòng biết ơn được xem là yếu tố thiết yếu nhất.

2.1 Sự sợ hãi

Tác giả Trần Ngọc Thêm cho rằng “tín ngưỡng chẳng qua là niềm tin của những người có trình độ hạn chế nhìn thấy ở hiện thực một sức mạnh siêu nhiên, bởi vậy mà sùng bái nó như thần thánh”. Đặt mình vào vị trí của con người thời tiền sử, có lẽ chúng ta cũng hiểu được phần nào cái nhìn của họ về những sức mạnh thiêng liêng. Đứng trước sự hùng vĩ của thiên nhiên và những sức mạnh tàn phá của nó qua những thiên tai xảy ra, con người bỗng cảm thấy mình nhỏ bé, yếu ớt trước thiên nhiên, đồng thời họ thấy nơi thiên nhiên như ẩn chứa sức mạnh linh thiêng. Do đó, họ siêu nhiên hóa thiên nhiên thành những vị thần để thờ lạy. Thế nên có người đã cho rằng: “Tín ngưỡng là một biểu hiện của ý thức về một hiện tượng thiêng liêng, một sức mạnh thiêng liêng do con người tưởng tượng ra hoặc do con người suy tôn, gán cho một hiện tượng, một sức mạnh chỉ cảm thụ được mà chưa nhận thức được”.

Về nguyên do phát sinh tín ngưỡng, linh mục Ân Đức viết: “Con người sống giữa bao nhiêu điều bí ẩn của thiên nhiên, của cõi người ta, những may rủi đến kỳ dị của đời sống và định mệnh. Ngay chính trong cõi thâm cung của con người cũng tiềm ẩn một nhu cầu ngưỡng vọng những gì cao siêu, mạnh mẽ, quyền lực. Từ thực tế đó nảy sinh tín ngưỡng và tôn giáo như để đáp ứng nhu cầu và khát vọng đó. Tuy nhiên, tín ngưỡng dân gian không nhằm đến giải thoát hoặc cứu độ, nhưng thiên về tình cảm, nhiều khi chỉ vì sợ hãi hoặc vì cầu lợi, tin thờ vì sợ, để khỏi ốm đau, tai ương, hoạn nạn …”.

Người Việt tin rằng “núi có thổ công, sông có hà bá”, thế nên “có thờ có thiêng, có kiêng có được”. Do đó người Việt cảm nhận như nhận xét của Linh mục L.Cadiere như sau: “Thần ở khắp nơi trong thiên nhiên, thần tham dự vào cuộc sống con người và ảnh hưởng trên số phận của họ ... Thần cho sống được sống, bắt chết phải chết. Thần là nguyên nhân của bệnh tật, thiên tai, ôn dịch ... Các thế giới thần linh ấy có thể nói đã bao hàm đời sống của người Việt, thúc đẩy họ phải cúng lễ. Trước khi hành động phải cầu che chở của thần linh”. Điều này có thể được thấy qua việc thờ cúng thú dữ như ông hổ ở những vùng rừng núi mà thú dữ thường tấn công con người, hay ở những khúc sông mà nhiều người bị chết đuối, người ta cũng lập miếu thờ hà bá để cầu khấn, để xin được bình an.

Nhưng phải chăng con người thần thánh hóa những sức mạnh thiên nhiên chỉ vì sợ hãi? Tác giả Nguyễn Đăng Thục cho rằng, tín ngưỡng được hình thành trước tiên vì tâm tình hướng vọng siêu nhiên của con người. Tôi cũng đồng ý với quan điểm này, vì con người thời xưa, tuy trình độ hiểu biết còn thấp, song cái nhìn của họ về vũ trụ cũng không chỉ đơn thuần là một sự sợ hãi ấu trĩ. Rõ ràng khi hướng nhìn về thế giới với những bí ẩn của nó và bí ẩn của chính mình, con người cũng ước mong tìm kiếm những giải đáp. Do đó, sợ hãi là một yếu tố nhưng không phải là yếu tố quyết định hình thành tín ngưỡng. Thái độ tin tưởng hướng về siêu nhiên là yếu tố có giá trị hơn.

2.2. Lòng tin hướng về siêu nhiên

Khi trình bày về ý thức thần thoại và tín ngưỡng vật linh, tác giả Nguyễn Đăng Thục đã cho rằng trong thế giới cổ xưa, con người không có cái nhìn về thế giới như con người hôm nay, mà với họ thế giới và con người là một, cả hai hòa quyện trong nhau. Đó là thái độ sống hồn nhiên qua lại giữa nội giới và ngoại giới, tâm với vật, chưa đối lập nội giới và ngoại giới. Thái độ này được bộc lộ qua ý thức thần thoại với những câu truyện về tương quan thân thiết giữa con người và thần linh. Sống trong bầu khí ấy, thế giới và sự vật đều được nhìn qua thần linh. Và dân tộc Việt Nam tin vào Thần Linh như một thế lực thần bí, huyền nhiệm, vô hình, bàng bạc khắp nơi, thấm nhuần tất cả khiến cho sự vật trở nên thần vật.

Linh mục học giả L.Cadière cũng nhận xét rằng: “Có thể nói rằng người Việt sống trong một không không khí siêu nhiên. Bất cứ ở đâu nó cũng nhìn thấy ảnh hưởng của thế lực bí ẩn hành động vào đời sống của nó … Người ta phê bình rằng đấy là sự sợ hãi gây nên những tín ngưỡng ấy. Bất luận, dù nguyên nhân là tình cảm này hay tình cảm khác, sự thật vẫn là người Việt tin mình cử động, sinh hoạt trong thế giới siêu nhiên … Thần linh ở tại khắp nơi, một hòn đá lớn, một gốc cây cổ thụ, một rừng sâu, một vực sông, ngọn núi cao, một vũng nước giữa đồng, mỗi thỏi đất, thửa ruộng, một góc âm u, đều là cơ sở của Thần linh. Thần ở khắp cả, thấm nhuần khắp cả, tất cả đều của Thần”.

Niềm tin tưởng ấy phát xuất từ khát vọng tìm kiếm để phục hồi cái ý thức toàn diện, nguyên thủy như sự trở về nguồn cội. Bằng sự đồng hóa con người với thần linh qua những câu truyện thần thoại, con người thời xưa đã cho rằng họ thuộc về thế giới thần linh hoặc được thần linh sinh ra – niềm tin này được thể hiện qua tín ngưỡng thờ vật tổ – thế nên khi tín ngưỡng những “sức mạnh thiêng liêng nơi thiên nhiên”, con người ấp ủ giấc mơ được trở về, hay được thông dự vào thế giới thần linh. Thêm vào đó, họ cần được sự bảo vệ, chở che và trợ giúp của thần linh trong cuộc sống hằng ngày với những nhu cầu vật chất và tâm linh. Do đó, họ cầu khẩn với thái độ chân thành và tin tưởng.

Đối diện với thiên nhiên huyền bí, khát vọng siêu nhiên giúp con người cảm nhận được sự bao bọc chở che của thần linh, sự hỗ trợ của sức mạnh thiên nhiên và của đồng loại trong cộng đồng. Ý thức này khơi nguồn cho lòng biết ơn nơi người Việt ngay từ thời xa xưa. Lòng biết ơn chính là yếu tố thiết yếu hình thành và là nét đáng trân trọng nơi tín ngưỡng dân gian.

2.3. Lòng biết ơn

Văn hóa của mỗi dân tộc trên thế giới luôn chất chứa những giá trị tốt đẹp, những tinh hoa của truyền thống dân tộc. Văn hóa Việt Nam cũng có những giá trị truyền thống thật phong phú và đáng trân trọng. Trong cuốn “Con người Việt Nam – giá trị truyền thống và hiện đại”, tác giả đã liệt kê đến 9 giá trị văn hóa và tinh thần của dân tộc, trong đó có những giá trị luôn là niềm tự hào của dân tộc như lòng yêu nước, tính cần cù chất phác, giàu lòng nhân nghĩa …

Trong những giá trị truyền thống của dân tộc, theo tôi, giàu lòng nhân nghĩa – được thể hiện cụ thể nơi lòng biết ơn - là một giá trị nổi bật. Nó thể hiện rõ nét tính cách con người Việt Nam, thể hiện chữ NHÂN trong văn hóa Việt Nam. Vì sao lòng biết ơn lại là một giá trị truyền thống? Vì vốn phát xuất từ một dân tộc gắn liền với ngành nông nghiệp lúa nước, người Việt xa xưa đã xây dựng đời sống trên nền tảng là sự gắn bó làng xã, tức là yếu tố định canh định cư với những tương quan giữa con người với thiên nhiên và con người với con người. Những tương quan này đòi hỏi con người phải thể hiện đạo làm người, tức là lòng biết ơn. Tín ngưỡng dân gian được hình thành trong những mối tương quan đó nên có thể nói rằng tín ngưỡng dân gian Việt Nam cũng được hình thành chủ yếu dựa trên lòng biết ơn.

Để có được một cái nhìn sâu sắc và toàn diện về lòng biết ơn nơi tín ngưỡng dân gian Việt Nam, người viết xin được trình bày sự diễn tả lòng biết ơn nơi từng tín ngưỡng dân gian.

II. Lòng biết ơn được diễn tả trong các tín ngưỡng dân gian

Tín ngưỡng dân gian Việt Nam rất đa dạng phong phú, nhưng tựu trung có thể gom vào ba nhóm: tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng sùng bái tự nhiên và tín ngưỡng sùng bái con người. Mặc dù có nhiều hình thức nhưng tất cả đều muốn diễn tả sự ngưỡng mộ và lòng biết ơn của con người với thần linh, với thiên nhiên và với tiền nhân là nguồn phát sinh sự sống, là nơi che chở và bảo vệ cuộc sống của họ.

1. Tín ngưỡng phồn thực

Tín ngưỡng phồn thực là một trong những hình thức tín ngưỡng được hình thành từ rất sớm trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Những di chỉ khảo cổ như trống đồng, thạp Đào Thịnh cũng như những kiến trúc và những phong tục, lễ hội truyền thống của tín ngưỡng này đã cho thấy điều đó. Với sự hồn nhiên ở thời sơ khai, con người ngạc nhiên trước sự sinh sôi của thiên nhiên và của con người. Họ không có một lý giải khoa học về sự sinh sản nhưng trái lại, họ có một cái nhìn đầy huyền diệu về những “dụng cụ” phát sinh sự sống.

Tác giả Trần Ngọc thêm nhận định rằng: “Ngay từ đầu, duy trì và phát triển sự sống đã là một nhu cầu thiết yếu nhất của con người. Đối với văn hóa nông nghiệp, hai việc này lại càng bội phần hệ trọng. Để duy trì cuộc sống, cần cho mùa màng tươi tốt. Để phát triển sự sống, cần cho con người sinh sôi … Từ một thực tiễn đó, tư duy cư dân nông nghiệp Nam Á đã phát triển theo hai hướng, những trí tuệ sắc sảo đi tìm quy luật khách quan để lý giải hiện thực, kết quả là tìm được triết lý âm dương. Còn những người có trình độ hạn chế thì nhìn thấy ở hiện thực một sức mạnh siêu nhiên, bởi vậy mà sùng bái nó như thần thánh, kết quả là xuất hiện tín ngưỡng phồn thực (phồn – nhiều, thực – nảy nở)”.

Thiết nghĩ, nhận định của tác giả Trần Ngọc Thêm chưa thỏa đáng, vì chỉ xét theo khía cạnh duy lý mà ông đã vội vàng phủ nhận giá trị siêu nhiên của tín ngưỡng này và chỉ chấp nhận triết lý âm dương mà ông cho là kết quả suy tư của “những trí tuệ sắc sảo”. Tuy con người cổ xưa chưa có những suy tư triết lý để định nghĩa những hiện tượng tâm lý, sinh lý, nhưng họ thừa trí tưởng tượng và lòng hướng vọng siêu nhiên để nhìn thấy giá trị cao đẹp của sự sống nơi tín ngưỡng phồn thực.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hà nhận xét rằng “tín ngưỡng phồn thực là tín ngưỡng bản địa của các nước nông nghiệp. Tín ngưỡng phồn thực được thể hiện qua sự tôn sùng sinh sản và hoạt động tính giao. Tín ngưỡng này ra đời từ rất cổ, khi con người không hiểu hoặc hiểu sai về nguyên nhân sinh sản đến chỗ bắt đầu hiểu được nguồn gốc phát sinh của muôn vật và loài người là sự kết hợp đực-cái, âm-dương … Sự sinh sản ấy của vạn vật khiến cho cuộc sống no đủ, con người dần lấp đầy mặt đất, đông đúc vui vẻ. Sự sinh sản vì vậy trở nên linh thiêng, và sự phát hiện ra nguyên nhân chính xác của sự sinh sản là một phát hiện mới mẻ khiến con người sùng bái”. Khi tìm hiểu nguồn gốc phát sinh của sự sống, con người đã nhận ra giá trị của sự sống qua sinh sản. Họ sùng bái cơ quan sinh dục (sinh thực khí nam-nữ) không phải vì chủ trương khoái lạc dâm bôn như nhiều người lầm tưởng - Lịch sử đã ghi nhận rằng vào thời nhà Lê và nhà Nguyễn theo quan điểm Nho Giáo đã không công nhận tín ngưỡng phồn thực, coi đó là dâm tục, bắt dân phải hủy bỏ và thay đổi nội dung lễ hội - nhưng qua những hình thức ấy, họ muốn ca ngợi và tôn vinh nét kỳ diệu của sự sống, đồng thời để cầu xin cho con người và mùa màng cũng được phong nhiêu, nảy nở.

2. Tín ngưỡng sùng bái tự nhiên

2.1 Thờ Trời

Là một dân tộc gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước, suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, người Việt, từ xa xưa, đã phải dựa vào trời. Dư dật, no đủ hay thất bát đều do trời. Thế nên, trời - đất là hai yếu tố gắn liền với người nông dân theo quan niệm “trời sinh đất dưỡng”.

“Nhờ trời mưa gió thuận hòa
Nào cày, nào cấy, trẻ già đua nhau …”

Hay

“Lạy Trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày
Lấy đầy bát cơm …” (Ca Dao).

Dưới mắt người Việt, Ông Trời thật quyền năng nhưng cũng thật hảo tâm, thương người. Do đó, họ luôn hướng về trời với một lòng biết ơn. Tín ngưỡng thờ trời phát xuất một cách tự nhiên từ lòng biết ơn này. Trời được xem là một thế lực thiện, che chở bảo vệ chúng sinh, nuôi dưỡng vạn vật, để cho nhân loại nương tựa vào đấy mà sống còn, mà kinh sợ, làm thiện được thưởng, làm ác bị phạt. Chính vì thế “người Việt Nam thuộc mọi tầng lớp lớn nhỏ, tri thức hay bình dân, không cứ thuộc tôn giáo nào … đều gần gũi với Trời như với Đấng Tối Cao và tối linh. Có thể nói: ý niệm tôn giáo truyền thống sâu rộng nhất của dân tộc chúng ta là Thờ Trời”.

Nhận định về ý niệm trời trong đời sống của người Việt, linh mục L.Cadière đã viết: “Hình như những ý nghĩa chính chúng ta thấy gán cho chữ TRỜI thuộc về cái vốn triết học riêng của dân tộc Việt Nam, vì ý niệm Trời đã ăn sâu vào trong tâm hồn nhân dân Việt Nam. Trời coi như nguyên lý các hiện tượng thời tiết và nhân cách hóa. Trời coi như một Đấng Toàn Năng có ảnh hưởng vào vận mệnh của loài người … Ý niệm ấy đã thấm nhuần quá thâm sâu vào tâm hồn Việt Nam và đã biểu hiện quá phổ thông trong ngôn ngữ bình dân”.

Trời, dường như không còn khoảng cách với con người. Trời gắn bó, thân thiết đến độ chữ “trời” nằm trên đầu môi của người Việt trong mọi hoàn cảnh: Đau khổ cũng kêu trời, ngạc nhiên cũng kêu trời, hạnh phúc cũng kêu trời … Nói như linh mục Nguyễn Thế Thoại, trong tâm thức của người Việt, “trời hiển nhiên có, không cần chứng minh”.

Lòng biết ơn Trời được thể hiện cụ thể trong những kiểu nói của người Việt như: nhờ trời, tạ ơn trời, đội ơn trời đất; hay qua những nghi thức thờ trời rất phổ biến nơi các gia đình là bàn thờ Ông Thiên trước sân nhà; trọng thể hơn nữa là Lễ Tế Giao tại Tế Đàn Nam Giao mà hoàng đế thay mặt toàn dân tế lễ trời đất để tạ ơn và khẩn cầu cho quốc thái dân an.

2.2 Thờ Mẫu

Một trong những đặc tính của văn hóa Việt Nam là Mẫu Tính, đề cao người phụ nữ. Theo tác giả Trần Ngọc Thêm “đặc trưng âm tính của văn hóa nông nghiệp dẫn đến hậu quả là trong lãnh vực quan hệ xã hội là lối sống thiên về tình cảm, trọng phụ nữ, và trong lĩnh vực tín ngưỡng là tình trạng lan tràn các nữ thần. Và vì cái đích mà người Việt Nam hướng tới là sự phồn thực, cho nên nữ thần của ta không phải là các cô gái trẻ mà là các Bà Mẹ, các Mẫu”. Trong xã hội nông nghiệp, người phụ nữ giữ một vai trò quan trọng vì sự cần cù, lam lũ và hơn nữa họ chính là người quản lý gia đình. Thêm nữa, người phụ nữ - nhất là người mẹ - là biểu hiện của sự phong nhiêu. Thế nên, tín ngưỡng thờ Mẫu xuất phát từ sự tôn sùng nguồn sự sống và tôn sùng nguồn nuôi sống con người là người mẹ, là đất, là nước, mà người Việt Nam gọi cách tôn kính là Bà Trời, Bà Đất, Bà Nước. Đây là ba nữ thần cai quản hiện tượng tự nhiên quan trọng nhất, thiết thân nhất đối với cuộc sống của người làm nông nghiệp lúa nước.

Sự phát triển của tín ngưỡng thờ Mẫu được chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là tôn sùng những nữ thần thiên nhiên: Bà Trời, Bà Đất, Bà Nước và Tứ Pháp. Giai đoạn thứ hai là thờ các thánh Mẫu như Âu Cơ, Man Nương, Liễu Hạnh … Giai đoạn thứ ba là thờ các nữ anh hùng, những người có công với dân tộc như Bà Trưng, Bà Triệu … Tâm thức của người Việt Nam luôn hiện diện hình ảnh người phụ nữ. Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt thật là một hiện tượng đặc biệt trong đời sống tinh thần, tâm linh … người mẹ là chủ gia đình … Chính những người mẹ đã đem lại sự yên ổn, thanh bình, yêu thương cho mọi người … Có thể nói, người phụ nữ Việt Nam đã có mặt và đóng vai trò quan trọng trong tiến trình văn hóa của dân tộc. Tín ngưỡng thờ Mẫu vừa cho thấy sự gắn bó thân thiết của người nông dân Việt Nam với thiên nhiên, vừa diễn tả rõ lòng biết ơn của họ với thiên nhiên mà họ trân trọng, xem như những người mẹ; hay biết ơn những người phụ nữ có ảnh hưởng trên cuộc đời họ.

2.3 Thờ Vật tổ

Các nhà khảo cổ và các nhà nghiên cứu lịch sử ghi nhận rằng vào thời sơ khai, mỗi dân tộc trên thế giới đều chọn cho họ một vật tổ để làm biểu tượng cho dân tộc. Vì sao vậy? Có lẽ trước câu hỏi về nguồn gốc phát sinh của dân tộc mình, người ta đã đi tìm câu trả lời bằng việc chọn một vật tổ – thường là vật gắn liền với đời sống hoặc có ảnh hưởng đến cuộc sống của họ – để thờ và xem như đó là nguồn gốc của dân tộc.

Vật tổ có thể là cao sang như Thái Dương thần nữ của người Nhật, nhưng cũng có thể là những con vật bình thường như gà trống của dân Pháp, chó sói của dân Roma … Với dân tộc Việt, vật tổ mà họ tôn thờ là con Chim Lạc (hay còn gọi là Chim Hạc). Điều này được minh chứng trên những hình chạm của trống đồng Đông Sơn. Phân tích hình tượng này, Nguyễn Đăng Thục viết: “Trống Đồng đã tập trung tất cả tinh thần văn hóa Lạc Việt thời đại Đông Sơn, tức là thời mà Việt tộc mới chỉ là một bộ lạc ấu trĩ, các phần tử còn sống chìm trong tinh thần vật tổ thần bí. Vật tổ ấy là con chim Hồng Lạc hay Lạc Hồng – Bucéros hay Argus theo các nhà khảo cổ – mà ngày nay người ta còn mường tượng qua hình ảnh con cò, nhất là qua hình ảnh người thôn nữ Bắc Việt, chít khăn mỏ quạ, khoác áo tơi lá gồi, lom khom dưới ruộng lúa lúc trời mưa. Vậy chỉ có một ý thức là ý thức vật tổ, chỉ có một mệnh lệnh tối cao là mệnh lệnh vật tổ, không có một cá nhân nào tự ý thức mình còn là gì một khi rời khỏi hồn thiêng vật tổ. Vật tổ bây giờ hoàn toàn thay thế đại diện cho Việt tộc, là hiện thân của hồn nước”.

Thờ vật tổ được cụ thể hóa qua việc mang biểu tượng của vật tổ trên người: mang chiếc lông chim trên đầu, mặc áo lông chim; hay việc làm những con thuyền theo hình dạng chim, với đôi mắt vẽ trên mũi thuyền là đôi mắt chim … Cũng theo tác giả Nguyễn Đăng Thục, đây không phải là một sự hóa trang tầm thường, chắc hẳn là một sự cải biến tế nhị mà mục đích là để minh chứng cái đồng nhất tính của một bộ lạc với một con chim vật tổ.

Như vậy tín ngưỡng thờ vật tổ là một thể hiện của tinh thần hướng thượng nơi người Việt. Đây không hẳn là bái vật một cách ấu trĩ hoàn toàn, nhưng là một khát vọng bay cao, bay xa như con chim Hạc. Chim Hạc đã đi vào văn hóa dân tộc như biểu tượng của sự thanh cao, hướng thượng. Trước bàn thờ của nhiều đền miếu, người ta thường đặt hình tượng con Chim Hạc đang vươn mình hướng về trời. Đó chính là tâm hồn Việt tộc.

2.4 Thờ động vật

Sự tôn thờ thiên nhiên của người Việt còn được diễn tả trong các tín ngưỡng thờ động vật như thờ Hổ và thờ Cá Voi. Trong đó, lòng biết ơn nổi bật trong tín ngưỡng thờ Cá Ông (Cá Voi). Tín ngưỡng này phổ biến ở các vùng duyên hải, nơi người dân sống chủ yếu bằng nghề đánh cá. Mô tả về tín ngưỡng này, tác giả Toan Aùnh viết: “Nằm trong tín ngưỡng của dân ta, nhất là dân chúng ven duyên hải có tục thờ cá voi ... Tục truyền rằng cá voi là tiền thân của Đức Quan Thế Aâm Bồ Tát. Đức Quan Thế Aâm hóa thân để cứu khổ chúng sinh”. Cùng với niềm tin này, kinh nghiệm của họ cho thấy, cá voi là một loại cá linh, thường hay giúp đỡ, cứu vớt những người đi biển gặp nạn trong bão. Kinh nghiệm dân gian này được truyền tụng hình thành tín ngưỡng thờ Cá Ông. Đối với người Việt, Cá Voi là thần linh nên họ không ăn thịt. Nếu không may có chú cá voi nào mắc cạn, người ta sẽ tìm mọi cách giúp nó trở lại biển. Còn nếu cá chết, người ta sẽ đem vào bờ và thực hiện nghi thức an táng như đối với một con người. Hơn nữa, họ còn lập miếu thờ và hằng năm đều có lễ mừng. Vì với dân chài, ơn của cá ông thật sâu, bởi vậy những ai đã sống với nghề chài lưới đều không thể quên ơn hay vong ân bội nghĩa đối với Ông.

3. Tín ngưỡng sùng bái con người

3.1 Thờ cúng tổ tiên

Nếu như lòng biết ơn được thể hiện một cách bao quát trong Tín Ngưỡng sùng bái tự nhiên thì tín ngưỡng thờ tổ tiên lại thể hiện tình cảm ấy trong một phạm vi hẹp hơn trong môi trường của một gia đình hay một dòng tộc. Nếu người Việt thờ Trời vì Trời cho họ cái ăn cái mặc, thì họ cũng thờ cúng Tổ Tiên để bày tỏ lòng biết ơn ghi nhớ công sinh thành dưỡng dục. Dân tộc Việt là một dân tộc luôn trân trọng tình gia đình, xem gia đình là gốc, là một cái nôi nuôi dưỡng và là mảnh đất cho họ lớn lên. Do đó, tín ngưỡng thờ tổ tiên là biểu hiện tấm lòng biết ơn của đạo làm con và đạo làm người. Người Việt tin rằng, linh hồn tổ tiên luôn ở bên con cháu để phù hộ chở che.

Thờ tổ tiên là tín ngưỡng bắt nguồn sâu xa từ lòng biết ơn của con cháu đối với các đấng sinh thành. Đồng thời đây cũng là tâm tình hướng về nguồn cội. Tín ngưỡng này có từ ngàn xưa và chưa hề bị đứt đoạn trong lịch sử phát triển của dân tộc. Hoàng Quốc Hải ghi nhận: “Tục thờ kính tổ tiên ra đời khi con người ý thức được về lương tâm, tức là tự thấy phải tri ân người đã sinh thành ra mình, người đã tạo ra các tiền đề cho cuộc sống, để mình hưởng thụ và tiếp nối. Vì vậy, con người không chỉ biết ơn các bậc tiền bối, mà còn có trách nhiệm với tương lai”. Đối với người Việt Nam, thờ cúng tổ tiên không chỉ đơn thuần là một tín ngưỡng nhưng đã trở thành một đạo lý xã hội mà mọi người phải tôn trọng và thực hành, tức là nó có yếu tố tâm linh. Do đó, sức sống của đạo lý này là vô tận. Nó đã trở thành một tôn giáo là “Đạo Hiếu” trong lòng người Việt.

Đạo hiếu vừa hướng đến các bậc sinh thành đang còn sống, để nhắc nhở con cháu về trách nhiệm và bổn phận phụng dưỡng, vâng lời và làm cho ông bà cha mẹ vui lòng, vừa hướng đến vong linh các người đã qua đời, mà con cháu phải có bổn phận thờ cúng. Đạo hiếu được thể hiện rất cụ thể với nhiều nghi thức đặc biệt trong các dịp quan trọng. Những thể hiện này đều muốn nói lên lòng biết ơn chân thành của con cháu.

Tín ngưỡng này là “biểu hiện tấm lòng biết ơn, quí trọng cùng trách nhiệm, bổn phận và ý chí gìn giữ, kế thừa cùng phát huy cái di sản tốt đẹp đó … Không giữ được nó là đánh mất một tính chất cao quý của giá trị con người và trở nên một cản trở tai hại cho văn hóa tức cho cuộc sống chung của cộng đồng. Vì thế, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trở thành một thuần phong mỹ tục, một truyền thống tốt đẹp của Văn hóa. Đạo ông bà thể hiện hướng vọng về nguồn của dân tộc ta”. Cũng theo nhận định của Hoàng Quốc Hải, thờ cúng tổ tiên chỉ mang tâm lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, chứ không có yếu tố mê tín. Dị đoan không bao giờ nảy sinh trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.

Một trong những yếu tố làm cho tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên có sức sống mạnh mẽ trong tâm thức và đời sống người Việt là vì người Việt đề cao tình gia đình. Về điểm này, linh mục L.Cadiere đã nhận xét: “Gia đình hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ là những người sống mà cả kẻ chết. Gia đình trở thành như một ngôi đền … các mối liên hệ khi còn sống không bị tháo gỡ vì cái chết, ngược lại, các mối liên hệ kia, qua tôn giáo, được thần thánh hóa trở thành kiên vững và trường cửu nhờ việc thờ cúng tổ tiên”.

3.2 Thờ Thần Hoàng

Người Việt Nam tôn thờ và tin tưởng tất cả sức mạnh hữu hình và vô hình … sự hiện diện của thần linh có ở khắp mọi nơi. Tín ngưỡng thờ Thần Hoàng là một bộ phận trong tín ngưỡng thờ thần. Do đó, lẽ ra khi nghiên cứu tín ngưỡng dân gian thì phải đề cập đến toàn bộ các thần mà người Việt thờ cúng. Tuy nhiên, để thấy được biểu hiện của lòng biết ơn nơi tín ngưỡng thờ thần, xin giới hạn vào Tín ngưỡng thờ Thần Hoàng mà thôi. Mặc dù theo tác giả Toan Aùnh, tín ngưỡng thờ thần là thuần túy của người Việt, nhưng thờ Thần Hoàng lại là tín ngưỡng chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. Lm L.Cadiere cũng nhận định rằng: “Tôn giáo của người Việt đúng ra là tôn giáo thờ quỉ thần. Tôn giáo này không có lịch sử … Nhưng việc tôn thờ này có tổ chức và hệ thống khi có sự thâm nhập của văn hóa Trung Hoa”.

Do bởi lòng biết ơn đối với những người có công với làng xã, đất nước mà tín ngưỡng thờ Thần Hoàng được hình thành. Vốn mang đậm truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, người Việt Nam luôn sống tinh thần biết ơn ấy đối với những người có công lao hay có ảnh hưởng trên quê hương bằng việc lập miếu thờ cúng và tôn những vị này làm thần bảo trợ của làng. Bởi vì xã hội nông nghiệp có đặc trưng là tính cộng đồng làng xã … Đó là một lối sống nặng tình nghĩa, đoàn kết và gắn bó với họ hàng, làng nước … Trong các bậc thang giá trị tinh thần, người Việt đề cao chữ “nhân”, kết hợp chặt chẽ chữ “nhân” với chữ “nghĩa”, nhân với đức, trọng chữ hiếu nhưng không bó hẹp trong phạm vi gia đình mà mở rộng ra với làng xã. Tín ngưỡng thần hoàng chính là sự mở rộng của tinh thần ấy.

Khi nói về tính cộng đồng trong đời sống người Việt được thể hiện qua tình làng nghĩa xóm, Nguyễn Đăng Thục đã viết: “Là một đơn vị kinh tế chính trị, làng cũng lại còn là một đơn vị văn hóa nữa. Mỗi gia đình có thờ tổ tiên, nhiều gia đình họp lại thành làng, lấy đình làng làm nhà thờ tổ làng hay thần hoàng làng. Thần Hoàng là những linh hồn người khai sáng hay có công đối với làng, cho nên theo tinh thần truyền thống của nhân dân “uống nước nhớ nguồn” mỗi làng đều có một thần hoàng của mình cả. Trong tinh thần tín ngưỡng Thần Hoàng của dân xã, thì Thần hoàng là linh hồn chung của cả xã, che chở, ban phúc, giáng họa cho dân xã … Qua tín ngưỡng Thần Hoàng ấy, ta thấy biểu hiện tinh thần cộng đồng xã thôn rõ rệt, nó không phải là cộng đồng kinh tế hay chế độ, mà còn là cộng đồng tín ngưỡng tâm linh, cho nên tình làng nợ nước rất thâm sâu, cũng như tình bà con lối xóm, trong họ ngoài hàng …”.

Như vậy, tín ngưỡng thờ Thần Hoàng vừa nói lên lòng biết ơn đối với những người có công với quê hương, đất nước, vừa nói lên tính cộng đồng đoàn kết thâm sâu của người Việt. Đó chính là nền tảng làm nên sức mạnh của dân tộc Việt Nam.

Sơ lược qua những thể hiện của lòng biết ơn trong các tín ngưỡng dân gian, ta thấy rằng, lòng biết ơn là yếu tố chung nhất nơi các tín ngưỡng dân gian. Mặc dù cách thể hiện khác nhau và đối tượng tôn thờ khác nhau, nhưng nguồn gốc chính hình thành nên các tín ngưỡng chính là lòng biết ơn.

Những thể hiện khác nhau của lòng biết ơn nơi các tín ngưỡng dân gian cũng hướng đến những giá trị cao sâu hơn, và đó là những giá trị cao đẹp, đáng được xem là những tinh hoa của truyền thống văn hóa tinh thần của dân tộc. Trong đó, lòng biết ơn trong tín ngưỡng phồn thực là một lời mời gọi hướng về sự sống, quý trọng và tôn trọng sự sống.

Lòng biết ơn trong tín ngưỡng sùng bái tự nhiên mời gọi chúng ta quan tâm đến mối liên hệ giữa con người và thiên nhiên để thấy được tầm quan trọng của thiên nhiên đối với sự sống còn của con người. Từ đó, chúng ta được nhắc nhở phải lưu tâm đến trách nhiệm bảo vệ thiên nhiên.

Lòng biết ơn trong tín ngưỡng sùng bái con người là lời mời gọi con người sống chữ nhân trong tương quan giữa người với người, thực hiện đạo lý làm người trong gia đình và xã hội để trở thành những người con có hiếu trong gia đình, những người nhân nghĩa trong xã hội và những người trung thành, yêu mến quê hương đất nước.

Những bài học vừa nêu là những giá trị truyền thống được lưu truyền qua dòng lịch sử và luôn có ý nghĩa thời sự, đặc biệt trong xã hội Việt Nam hôm nay. Bởi chưng, khi bước vào nền kinh tế thị trường, với sự tiếp xúc giao lưu văn hóa dễ dàng và rộng rãi, những truyền thống của dân tộc dường như bị lãng quên hay bị lấn át bởi những giá trị mới. Nói đúng hơn, xã hội Việt Nam hiện nay đang xuất hiện và thịnh hành những giá trị mới cao đẹp cũng có và không thích hợp và với văn hóa và truyền thống dân tộc cũng có.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phần thứ hai của bài tiểu luận này sẽ trình bày về những giá trị trong xã hội Việt Nam hiện đại và đi tìm những nguyên nhân định hướng giúp hình thành nên các giá trị ấy.
(còn tiếp...)