Thinh lặng thánh-Chương V-Người hùng thinh lặng trong Kinh Thánh-Tác giả: Lm. Micae Trịnh Ngọc Tứ

Lan Mary
Nói đến những người hùng trong thinh lặng, thì phải nói tới những nhân vật trong Kinh thánh Cựu ước cũng như trong Kinh thánh Tân ước. Ngoài ra, chúng ta còn đề cập tới những người hùng thinh lặng trong Giáo hội Công giáo. Thật vậy, không vị ngôn sứ nào đã gặp được Thiên Chúa mà lại không rút vào trong thinh lặng và cô tịch: Mose, Elia, Gioan Tiền Hô,... đều đã gặp Thiên Chúa trong thinh lặng tuyệt đối của sa mạc. Các vị thánh trong Giáo hội cũng vậy: thánh Anton Ai cập, thánh Biển Đức, thánh Têrêsa Giêsu, thánh Gioan Thánh giá,... các ngài đã đi vào trong sa mạc thinh lặng và cô tịch để gặp gỡ Thiên Chúa. NGUỒN:


CHƯƠNG NĂM: NGƯỜI HÙNG THINH LẶNG TRONG KINH THÁNH


Nói đến những người hùng trong thinh lặng, thì phải nói tới những nhân vật trong Kinh thánh Cựu ước cũng như trong Kinh thánh Tân ước. Ngoài ra, chúng ta còn đề cập tới những người hùng thinh lặng trong Giáo hội Công giáo. Thật vậy, không vị ngôn sứ nào đã gặp được Thiên Chúa mà lại không rút vào trong thinh lặng và cô tịch: Mose, Elia, Gioan Tiền Hô,... đều đã gặp Thiên Chúa trong thinh lặng tuyệt đối của sa mạc. Các vị thánh trong Giáo hội cũng vậy: thánh Anton Ai cập, thánh Biển Đức, thánh Têrêsa Giêsu, thánh Gioan Thánh giá,... các ngài đã đi vào trong sa mạc thinh lặng và cô tịch để gặp gỡ Thiên Chúa.

1. Người hùng thinh lặng trong Cựu ước


1.1. Tổ phụ Abraham


Thoạt tiên, nghe nói tới Abraham, con người của thinh lặng, thì có lẽ ai cũng ngạc nhiên, bởi vì Kinh thánh không nói gì về đời sống của Abraham trong thinh lặng. Nhưng nếu nhìn một cách sâu xa, thì chúng ta sẽ nhận thấy Abraham, một Tổ phụ của sự thinh lặng. Thật vậy, trong sách Sáng thế, chương 12, câu 1 viết về Abraham thế này: "Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới miền đất Ta sẽ chỉ cho ngươi" (St 12,1).

Trước hết, Abraham nghe tiếng mời gọi của Thiên Chúa trong thinh lặng. Một điều chắc chắn rằng, không phải Thiên Chúa gọi Abraham là ông lên đường ngay. Nhưng trong thinh lặng, Abraham đã lắng nghe tiếng Chúa. Ông đã cầu nguyện trong thinh lặng với Chúa và ông đã gặp gỡ được Chúa. Cuối cùng, ông đã chấp nhận đi theo tiếng gọi của Chúa với sự từ bỏ ba điều:

a/ Từ bỏ quê hương xứ sở:

Abraham từ bỏ xứ sở có nghĩa là từ bỏ mọi của cải thế gian, mọi quan hệ thế gian. Ai từ bỏ thế gian này, họ không còn giữ gì trong tay, họ nghèo đi. Và sự từ bỏ này được thực hiện trong thinh lặng. Điều đó có nghĩa là trong thinh lặng, trong âm thầm, Abraham đã hoàn toàn từ bỏ quê hương xứ sở của mình, để lên đường đi theo Chúa.

b/ Từ bỏ họ hàng:

Abraham đã lặng thinh từ bỏ họ hàng, để đi theo Chúa nghĩa là gì? Đó chính là từ bỏ đời sống trong quá khứ, các thói quen, các tật xấu cũ, tất cả những việc mà chúng ta dính líu một cách chặt chẽ từ khi mới sinh, nó làm cho mình co rút lại trong một loại ái lực không rời được. Sự tách rời này là từ bỏ đời sống cũ, cũng như những tình cảm và các đam mê. Như thế giữ thinh lặng trong việc từ bỏ họ hàng đòi hỏi mình phải quên đi các kỷ niệm. Phải ngừng không được xem cá nhân mình và quá khứ của mình là quan trọng. Hơn nữa, thinh lặng còn đòi hỏi phải quên quá khứ và chú ý trọn vẹn vào thực tế hiện tại, đó là Thiên Chúa mà chúng ta có thể tiếp cận, một Thiên Chúa đối diện với hiện tại. Abraham đã thực hiện một cuộc từ bỏ trong thinh lặng.

c/ Từ bỏ nhà tổ phụ:

Abraham từ bỏ nhà tổ phụ là quên mọi dấu vết của thế gian này, tách rời cái hữu hình và phù du, để chú ý đến cái vô hình, cái vĩnh cửu và tương lai. Phải đi trên thế gian này nhưng không ở lại đó, bởi vì quê hương chúng ta ở trên trời và xem đời sống dưới thế là đời sống nơi xứ xa lạ. Và đó là đời sống mình muốn sống. Như vậy thinh lặng là sự chạm trán với khía cạnh xa lạ của thế gian này.

Họ không quen thuộc với những người chung quanh, những người trong thế gian này. Như thế giữ thinh lặng trong việc từ bỏ xứ sở, gia đình là ý thức mình đang đi vào con đường cô tịch. Abraham đã ý thức điều đó và trong thinh lặng, ông đã từ bỏ nhà cha, để lên đường đi theo tiếng gọi của Chúa.

1.2. Môsê


Nói đến Môsê là nói đến một nhà lãnh đạo đại tài, mà Thiên Chúa đã tuyển chọn, để giải phóng dân riêng của Người thoát khỏi ách nô lệ bên Aicap. Đối với Thiên Chúa, Môse không những là trung gian giữa Ngài với dân Do thái, mà ông còn là người bạn nghĩa thiết thân tình. Và để được như thế, Môse đã phải trải qua một thời gian thanh luyện trong thinh lặng và cô tịch bốn mươi đêm ngày trên núi Sinai.

Thật vậy, khi nói tới núi hay sa mạc là nơi hoang vắng và cô tịch. Ở đó hoàn toàn thinh lặng, không có bất cứ sự ồn ào, xáo trộn nào của con người. Môse đã sống trong sự thinh lặng tuyệt đối đó. Nhưng ông không ở trong thinh lặng để thinh lặng, mà trong thinh lặng nội tâm, ông đã cầu nguyện với Chúa, đàm đạo với Chúa, nói chuyện với Chúa, gặp gỡ Chúa một cách thân tình. Chính trong sự thinh lặng tuyệt đối đó, Thiên Chúa đã huấn luyện Môse trở thành nhà lập pháp và nhà lãnh đạo của dân Israel. Và sau thời gian bốn mươi đêm ngày sống trong thinh lặng và cô tịch trên núi, Thiên Chúa đã ban Thập điều cho dân của Ngài qua Môsê.

Rồi trong suốt hành trình từ Aicập về Đất hứa, mỗi khi có vấn đề gì quan trọng, Môsê đã lên núi cầu nguyện thinh lặng để thỉnh ý Thiên Chúa, chứ ông không làm theo ý riêng của mình. Sau những ngày giờ gặp gỡ Chúa trong thinh lặng trên núi, gương mặt Môsê tỏa sáng đến nỗi ông phải lấy khăn che mặt mỗi khi đối diện với dân.

1.3. Elia


Sau khi chiến thắng bốn trăm ngôn sứ của nữ hoàng Giêzabel, một người thờ ngẫu tượng và độc ác, thì ngôn sứ Êlia đã bị bà ta dáo diết tìm giết. Quá lo sợ, Êlia đã phải chạy trốn vào trong sa mạc: "Êlia sợ hãi, ông trỗi dậy và tìm cách thoát thân. Ông đến Becshabê thuộc Giuđa, và để tên tiểu đồng ở lại đấy" (1V 19,3).

Một vị ngôn sứ từng năng nổ vì tin chắc rằng mình có được sức mạnh của Thiên Chúa, thì giờ đây ông chỉ còn là một con người đáng thương, sợ hãi đến thắt ruột. Ông ý thức giới hạn nhân loại của mình. Ông trú ẩn vào nơi sa mạc, quyết tâm biến đi trong thiên nhiên mà không để cho ai hay biết:

"Thế là ông đi một ngày trong sa mạc và ngồi xuống dưới bụi cây. Ông mong muốn được chết và nói: "Lạy Chúa, thế là đủ rồi! Xin cất mạng sống con đi, vì con chẳng hơn gì cha ông của con". Ông nằm xuống và thiếp ngủ" (1V 19,4-5).

Ông bị dằn vặt vì khoảng cách giữa gánh nặng của sứ mệnh và khả năng hạn chế của con người ông. Ông chỉ còn một nơi duy nhất để trú ẩn, đấy là giấc ngủ. Ngủ đi! Quên đi! Không còn suy nghĩ gì nữa. Giấc ngủ đôi khi là một hình thức chạy trốn. Nhưng này, một Thiên Sứ chạm vào ông và nói: "Hãy trỗi dậy mà ăn" (1V, 19,5). Ông nhìn lên và thấy ở cạnh mình có một ổ bánh nướng trên đá nóng, và một bầu nước. Ông ăn uống, rồi nằm xuống lại. Nhưng Thiên Sứ của Thiên Chúa lại đến một lần nữa, chạm vào ông và nói:

"Hãy trỗi dậy mà ăn, nếu không thì ông không đủ sức đi hết đoạn đường xa" (1V 19,7). Ông trỗi dậy và ăn uống".

Thiên Chúa không bỏ rơi tôi tớ Người. Êlia cần phải hồi phục sức lực, vì con đường nội tâm của ông chỉ mới khởi đầu. Vì thế, trong thinh lặng, ông phải đón nhận các ân huệ của Thiên Chúa, ăn bánh Lời Người, uống Nước Hằng Sống của Thánh Linh: "Nhờ lương thực ấy, ông đi bốn mươi đêm ngày để đến Horeb, ngọn núi của Thiên Chúa" (1V 19,8).

Bấy giờ ông vào một cái hang và nghỉ đêm tại đó. Và này, có tiếng Thiên Chúa hỏi ông: "Êlia, ngươi làm gì ở đây? Ông thưa: "Lòng nhiệt thành đối với Đức Chúa, Thiên Chúa các đạo binh, nung nấu con vì con cái Israel đã bỏ giao ước với Người, phá huỷ bàn thờ, dùng gươm sát hại các ngôn sứ Người. Chỉ sót lại một mình con mà họ đang lùng bắt để lấy mạng con" (1V 19,9-10).

Rồi Đức Chúa phán với ông: "Hãy ra ngoài và đứng trên núi trước mặt Đức Chúa". Cái hang mà Êlia đứng nơi cửa gợi cho ta nhớ lại khe núi mà Môsê lánh khỏi mặt Người khi Người đi ngang qua (Xh 33,21). Hang này cũng tượng trưng cho "cõi lòng" mà mọi người phải đứng nơi cửa để đón tiếp Thiên Chúa trực tiếp đi qua.

"Kìa Đức Chúa đi ngang qua. Gió to bão lớn xẻ núi non, đạp vỡ đá tảng trước nhan Đức Chúa, nhưng Đức Chúa không ở trong cơn gió bão. Sau đó là động đất, nhưng Đức Chúa không ở trong trận động đất. Sau động đất là lửa, nhưng Đức Chúa cũng không ở trong lửa. Sau lửa có tiếng gió hiu hiu" (1V 19,11-12)

Elia vẫn hy vọng vào một Thiên Chúa hùng mạnh, có khả năng trấn áp đối phương. Thiên Chúa lo việc tẩy rửa những quan niệm quá con người của ông, khi ông vẽ vời Người theo hình ảnh của lòng mong muốn thống trị, hay bạo lực của chính bản thân mình.

Nhưng Thiên Chúa không có mặt trong tiếng gầm thét của bão táp, không có mặt trong sự cuồng nộ của động đất và cũng không hiện diện trong lửa. Nhưng Thiên Chúa viếng thăm Êlia trong cơn gió thoảng, "trong tiếng thì thầm của một làn gió hiu hiu" mà ông chỉ có thể cảm nhận trong thinh lặng.

Vâng đúng thế, Êlia đã nghe được tiếng Chúa trong thinh lặng. Ông khám phá rằng Thiên Chúa hiện diện cũng như hơi thở, một làn gió, một sinh khí giống như sức sống mà sách Sáng Thế đã nêu ra, khi "Đức Chúa thổi sinh khí vào mũi" để biến Ađam thành một con người (St 2,7).

Bấy giờ, Đức Chúa phán: "Hãy đi đi, hãy trở về trên con đường ngươi đã đi qua..." (1V 19,15). Một lần nữa, được củng cố nhờ cảm nghiệm thiêng liêng này, nhờ sự thân mật với Thiên Chúa mà ông tìm lại được trong thinh lặng, Êlia từ nay sẽ có khả năng tiếp tục lắng nghe tiếng gọi của Thiên Chúa trong thinh lặng và chu toàn sứ mạng của mình.

Như vậy, Êlia phải thông qua sự lột xác và sự thinh lặng của sa mạc, để tìm thấy nguồn mạch của ơn gọi mình và tính chất nhưng không trong ơn cứu độ của Thiên Chúa. Trong thinh lặng, Êlia đã gặp gỡ được Thiên Chúa, một Thiên Chúa thinh lặng không nói nên lời, nhưng tiếng của Người thì rất rõ.

1.4. Gióp


Thánh kinh mô tả ông Gióp là một con người thánh thiện, giàu có và được bao bọc bởi nhiều con cháu, được ban tràn đầy mọi thứ của cải mà bất cứ ai cũng đều ao ước.

Nhưng rồi cuộc đời của ông bỗng nhiên bị đảo lộn hoàn toàn. Những bọn cướp có vũ trang cướp đi của ông bảy ngàn con cừu, năm trăm cặp bò, ba ngàn con lạc đà. Một trận cuồng phong từ sa mạc ập đến cuốn tung nhà cửa và giết sạch con trai con gái của ông. Chưa hết, những người Cande chia thành ba nhóm đến chém giết các gia nhân của ông. Và cuối cùng, chính ông cũng bị ngã bệnh, một căn bệnh quái ác: ung nhọt đầy người.

Trước hàng loạt những bất hạnh xảy ra với ông như thế, nhưng ông Gióp vẫn vững vàng không nao núng trong tình yêu của mình dành cho Thiên Chúa. Mặc cho bà vợ của ông đay nghiến, oán trách, sĩ nhục, nhưng ông vẫn một lòng tin tưởng vào Thiên Chúa. Mặc cho bạn bè của ông kích động, bôi bác lòng tin của ông, nhưng ông vẫn vững như kiềng ba chân trong sự tín thác vào Thiên Chúa.

Thế nhưng vấn đề đặt ra ở đây là: tại sao ở trong một cái hoàn cảnh vô cùng khó khăn, khắc nghiệt như thế, mà Gióp vẫn một lòng trung thành với Thiên Chúa?

Câu trả lời ở đây, đó là đứng trước sự dữ lớn lao như thế, Gióp đã có một thái độ rất tuyệt vời: thinh lặng. Gióp không hề mở miệng oán thán Thiên Chúa, mà ông chìm đắm trong thinh lặng. Chính trong thinh lặng, Gióp đã nhận ra tình thương của Thiên Chúa dành cho mình. Vì thế, ông đã quả quyết:

"Thân trần truồng sinh ra từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi. Xin chúc tụng danh Đức Chúa" (G 1,21).

Và Kinh thánh viết: "Trong tất cả những chuyện ấy, ông Gióp không hề phạm tội cũng không buông lời trách móc phạm đến Thiên Chúa" (G 1,22).

Gióp đã mạnh mẽ tuyên bố tình trạng vô tội của mình và tuyên xưng đức tin kiên vững như đá tảng vững bền ngàn năm:
"Ôi, những lời tôi nói đây, phải chi có người chép lại, phải chi có người ghi vào sổ sách, có người đục bằng sắt, trám bằng chì, tạc vào đá cho đến muôn đời! Tôi biết rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất. Sau khi da thịt tôi đây bị thiêu hủy, thì với tấm thân, tôi sẽ được nhìn ngắm Thiên Chúa. Chính tôi sẽ được ngắm nhìn Người, Đấng mắt tôi nhìn thấy không phải người xa lạ. Lòng tôi những tha thiết mong chờ" (G 19, 23-27).

Thành thử ra, chúng ta muốn có một đức tin mãnh liệt và kiên vững như Gióp, thì chẳng có cách nào khác hơn là phải cầu nguyện trong thinh lặng. Đặc biệt khi đứng trước những nỗi đau khổ, bất hạnh của sự dữ trong cuộc sống, điều tốt nhất là chúng ta học nơi ông Gióp, đó là thinh lặng và cầu nguyện. Ở đây, thinh lặng không phải là nhu nhược và cầu nguyện không phải là tháo lui. Nhưng chính nhờ thinh lặng cầu nguyện, mà đức tin của chúng ta được tôi luyện vững vàng, giúp cho chúng ta càng mạnh mẽ tín thác vào lòng thương xót của Chúa.

1.5. Zacharia


Thoạt tiên chúng ta dễ nghĩ rằng do thiếu lòng tin, mà Thiên Chúa đã phạt Zacharia bị câm. Nếu hiểu như thế thì xem ra chúng ta là những con người quá hẹp hòi và thiển cận. Nhưng Thiên Chúa có những ý định trong chương trình cứu độ của Ngài. Zacharia là một người ngay chính và thành tâm. Thiên Chúa không thể để cho chỉ một điều không tốt xóa sạch những năm tháng trung tín của ông. Ngài đã đáp ứng cho Zacharia như là một cơ hội để làm cho niềm tin của ông sâu sắc hơn và tin tưởng hơn vào Ngài.

Qua thời gian sống trong thinh lặng, Zacharia đã chuyển từ hoài nghi không tin đến niềm tin vâng phục. Trong chín tháng bị câm hay nói chính xác hơn là thinh lặng, Zacharia đã gẫm suy, nguyện cầu và đau xót vì đã chậm tin vào Lời Thiên Chúa. Vì thế, trong ngày con trai ông là Gioan chào đời, được Thánh Thần thúc đẩy, ông dâng lời chúc tụng Thiên Chúa. Đây là một bài ca bất hủ, bài ca tràn ngập niềm vui của hồng ân Cứu Độ, là một bản tuyên xưng đức tin ngắn gọn mà Giáo hội mời gọi chúng ta đọc lại hằng ngày trong giờ kinh sáng.

Trong bài ca tụng này, Zacharia chúc tụng và ngợi khen Thiên Chúa là Đấng trung thành đã đoái thương nhìn đến dân tộc của ông, một dân tộc được tuyển chọn để từ dân tộc này sẽ xuất hiện Vị Cứu Tinh cho toàn thể nhân loại. Ngài sẽ đến để cứu muôn dân khỏi tội lỗi và sự chết. Đồng thời ông nhắn nhủ cho Gioan sứ mạng ngôn sứ cao cả là dọn đường cho Đấng Cứu Thế, Đấng mà muôn dân đang mong đợi. Ngài sẽ đến để cứu độ dân tộc của ông và toàn thể nhân loại chúng ta.

Như vậy, để sống với Chúa và nhận ra chương trình cứu độ của Ngài trong cuộc đời, nhất là để có thể ca vang lời chúc tụng, tuyên xưng đức tin một cách mạnh mẽ như Zacharia, thì đòi chúng ta phải đi vào thinh lặng, nguyện cầu cách kiên trì như Zacharia.

2. Người hùng thinh lặng trong Tân ước


2.1. Gioan Tẩy Giả


Thánh kinh viết về Gioan Tẩy Giả như thế này: "Cậu bé càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh. Cậu sống trong hoang địa cho đến ngày ra mắt dân Ít-ra-en" (Lc 1, 80). Và trong hoang địa "Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng" (Mc 1,6).

Như vậy, có thể đến tuổi khôn, thì Gioan từ giã cha mẹ để lên đường vào sống trong hoang địa. Và nếu như Chúa Giêsu đã sống ẩn dật ở Nazaret 30 năm, rồi Ngài mới công khai đi rao giảng Tin mừng Nước Trời, thì Gioan cũng có thể đã sống ẩn trong hoang địa một thời gian dài, ít nhất cũng khoảng ba mươi năm. Tuy nhiên, điều đó không quan trọng cho bằng Gioan đã sống trong hoang địa, một nơi cô tịch và thinh lặng tuyệt đối mấy chục năm trời, để chuẩn bị cho ngày ra mắt với dân Israel.

Theo truyền thống, hoang địa là nơi dành cho các ngôn sứ vào cầu nguyện, thực hành khổ hạnh và trên hết là để chờ đợi chỉ dụ của Thiên Chúa. Thật vậy, trong hoang địa, Gioan sống đời cầu nguyện liên lỉ. Và trong thinh lặng tuyệt đối, ông đã gặp gỡ với Đấng mà đã giao phó cho ông sứ mạng tiền hô cho Đấng Cứu Thế. Gioan đã chìm đắm trong chay tịnh, chỉ ăn châu chấu và mật ong rừng. Chính trong sự thinh lặng và cô tịch của hoang địa, mà Gioan đã học được vai trò ngôn sứ của mình. Ông đã xây dựng tương quan của mình với Thiên Chúa trong nơi thinh lặng nhất. Sa mạc dẫn vào thinh lặng và thinh lặng đưa đến tình thân mật sâu thẳm nhất với Thiên Chúa.

Và hết thời sống trong hoang địa thinh lặng và cô tịch, Thiên Chúa đã kêu gọi và giao phó sứ mạng tiền hô cho Gioan: "Có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Zacharia là ông Gioan trong hoang địa..." (Lc 3,2). Từ trong hoang địa, Gioan chính thức lên đường đi rao giảng kêu gọi mọi người sám hối chuẩn bị tâm hồn đón mừng Đấng Cứu Thế đến trần gian.

2.2. Giuse, người hùng của thinh lặng


Nói đến Giuse là nói đến con người của Mùa chay. Điều đó có nghĩa rằng Ngài yêu thích sự thinh lặng nội tâm. Ngài thinh lặng đến nỗi mà trong Kinh thánh, không hề nghe được một câu nói nào thốt ra từ chính môi miệng của ngài. Cho nên lễ thánh cả Giuse được Giáo hội mừng vào Mùa chay thánh cũng là dễ hiểu thôi.

Vì thế, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã ca ngợi nhân đức thinh lặng của thánh Giuse như thế này:
"Một sự thinh lặng cho thấy được một cách đặc biệt con người nội tâm của thánh Giuse. Các sách Tin mừng chỉ nói đến những gì "thánh Giuse làm", nhưng cũng giúp chúng ta khám phá được "trong những hành động" luôn luôn thấm nhuần sự thinh lặng của Người có một bầu khí chiêm niệm sâu xa. Hằng ngày thánh Giuse tiếp xúc với "mầu nhiệm được giấu kín từ bao thế hệ", mầu nhiệm đã "cư ngụ" dưới mái gia đình của thánh Giuse".


Ai đã từng một lần hành hương đến Nazaret, quê hương của Thánh gia, thì sẽ nhận thấy ngoài đường phố, trong cửa hiệu buôn bán, thậm chí ngay ở quầy tiếp tân của khách sạn, tuyệt nhiên không có lấy một bóng người phụ nữ. Sở dĩ như thế là vì đây là một xã hội của đàn ông, đàn bà không có quyền ăn nói, thậm chí không có quyền xuất hiện. Và trong một nếp sống như thế, lẽ ra Giuse có quyền và có bổn phận phải nói, nhưng ngài đã chọn thinh lặng.

Tin mừng cho chúng ta thấy rằng, cuộc đời của thánh Giuse là một cuộc đời gắn liền với gia đình thánh. Một cuộc đời có nhiều sóng gió, gian nan và thử thách. Thế nhưng người ta vẫn gặp thấy một Giuse hoàn toàn lặng thầm, thinh lặng để lắng nghe tiếng Chúa, rồi suy niệm, nhận ra ý Chúa và mau mắn thi hành.

2.2.1 Giuse, người thinh lặng lắng nghe


Có thể nói được rằng, Giuse thinh lặng là để lắng nghe tiếng Chúa. Trước biến cố Maria có thai, Giuse đau khổ lắm. Nhưng trong thinh lặng, Giuse vẫn rất mực yêu thương Maria và tin tưởng rằng Maria trong sạch tinh tuyền. Không một lời phàn nàn, ca thán, trách móc, Giuse không hề hạch sách hay tra hỏi Maria một lời nào, Ngài âm thầm ôm lấy nổi đau riêng mình với một quyết định: "Đào vi thượng sách". Giuse không còn chọn lựa nào khác "vì là người công chính và không muốn tố giác bà nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo" (Mt 1,19). Thế nhưng, Thiên Thần đã hiện ra với Giuse trong giấc mộng giải thích cho Ngài biết "Người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần" (Mt 1,20); rồi Thiên Thần khuyên Giuse "Đừng sợ đón Maria về nhà mình"(Mt 1,20). Nhận ra thánh ý Thiên Chúa "Giuse đã làm như lời Thiên Thần Chúa truyền và ông đã rước bà về"(Mt 1,24). Như vậy, trong thinh lặng, Giuse đã lắng nghe thánh ý của Chúa và mau mắn thi hành.

Rồi cuộc sống đang bình yên tại Bêlem, thì chính lúc đó, Chúa lại bảo ông chỗi dậy đi ngay giữa đêm khuya, không hành trang, không tiền bạc chạy sang Aicập sống kiếp lưu đày. Trước mắt là gian truân vất vả, nhưng Giuse luôn tín thác vâng phục "Chỗi dậy, ông đem Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Aicập ngay giữa đêm khuya" (Mt 2,14).

Khi đã ổn định cuộc sống nơi xứ lạ quê người với một cơ ngơi bé nhỏ mà Giuse đã gầy dựng từ hai bàn tay trắng, thì một lần nữa, Chúa lại bảo ông phải bỏ lại tất cả để lên đường. Thật mau mắn trước Thánh ý Chúa, "Giuse chỗi dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Israel" (Mt 2,21).

Trước thánh ý của Thiên Chúa, Giuse thinh lặng lắng nghe, vâng phục và chu toàn giống như Đức Maria. Trong thinh lặng, Giuse đã âm thầm đi sâu vào đời sống nội tâm. Ngài hiểu tiếng gọi đó là một tình thương đặc biệt. Ngài trả lời như một giao ước, một gắn bó tín trung bền vững. Chúa gọi và chỉ dẫn ở từng chặng đường, Ngài nghe và vâng theo, rồi mau mắn thi hành. Cho dù gặp khó khăn trắc trở, ngài vẫn luôn vững tin ở Đấng đã gọi mình.

2.2.2. Thinh lặng đồng hành với Thánh Gia


Sau khi mang Hài Nhi Giêsu và Mẹ Người trở về từ Aicập, Giuse đã cùng sống và đồng hành với Thánh Gia tại Nazaret. Cùng với Đức Maria, Giuse dâng con trẻ Giêsu trong đền thánh. Trong khi đó, cụ già Simeon đã cất lên bài thánh ca chúc tụng, còn Giuse vẫn thinh lặng lắng nghe và suy gẫm những lời tiên tri về con trẻ Giêsu.

Khi Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, cùng với gia đình đi hành hương đền thánh Jerusalem. Nhưng con trẻ Giêsu bị thất lạc. Sau khi tìm thấy con trong đền thờ, Đức Maria đã nói: "Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!" (Lc 2,48). Còn Giuse vẫn thinh lặng không nói một lời nào. Nhưng ngài thinh lặng để lắng nghe Lời của Chúa Giêsu: "Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?" (Lc 2,49).

Trong cuộc sống đời thường tại Nadarét, thánh Giuse âm thầm thinh lặng lao động. Tin mừng không nói gì về cuộc sống của ngài tại Nadarét. Điều duy nhất biết được là ngài làm nghề thợ mộc và ngay cả chi tiết nhỏ này nữa, chúng ta cũng chỉ biết nhờ những người đồng hương gọi Đức Giêsu là "con bác thợ mộc" (Mt 13,55) mà thôi. Rồi ngài qua đời khi nào và được an táng ở đâu nào có ai hay. Tất cả những điều đó nói lên cuộc đời thinh lặng của thánh Giuse.

Cuối cùng, chiêm ngắm cuộc đời của thánh Giuse, chúng ta học hỏi nơi Người sự thinh lặng để lắng nghe, thinh lặng để thấu hiểu và thinh lặng để thực thi ý Chúa. Tắt một lời, thánh Giuse là vị thánh của thinh lặng. Thiên Chúa nói với ngài ngay trong thinh lặng và nếu như chúng ta cũng biết sống trong thinh lặng, thì Thiên Chúa cũng sẽ nói với chúng ta, và chúng ta lắng nghe tiếng của Ngài và thực thi thánh ý Ngài.

3. Đức Maria


Nói đến Đức Maria là nói đến Mẹ của thinh lặng, Mẹ của Ngôi Lời thinh lặng, Đức Giêsu Kitô. Thật vậy, trong số các tác giả Tin mừng, thì chỉ có thánh Luca và thánh Gioan là có ghi lại những lần Đức Trinh Nữ Maria lên tiếng mà thôi. Còn lại thánh sử Mattheu và Marco không hề ghi lại một lời nào của Đức Maria. Trọn cả cuộc đời, Mẹ Maria đã đắm chìm trong thinh lặng và chìm đắm trọn vẹn trong chiêm niệm, thờ phượng và cầu nguyện.

Đối với thánh Luca, chỉ có ba lần ghi lại lời của Mẹ Maria. Lần thứ nhất là biến cố truyền tin. Trong biến cố trọng đại này, Mẹ Maria đã đối thoại với Tổng lãnh sứ thần Gabriel. Qua biến cố này, Mẹ đã xin vâng theo ý Chúa trong thinh lặng và Mẹ đã trở thành "Vương cung thánh đường của sự thinh lặng" qua việc đón nhận âm thầm Ngôi Lời Thiên Chúa. Thật vậy, sự việc xảy ra không mang tính vương giả hay thơ mộng như người ta tưởng. Một thiếu nữ chưa chồng mà có thai là điều không thể chấp nhận trong nền văn hóa thời bấy giờ. Cô sẽ bị hình phạt ném đá cho đến chết. Tuy nhiên, Đức Maria vẫn chấp nhận mọi điều và tuyệt đối giữ thinh lặng trong đức tin và lòng khiêm nhường. Đức Maria giữ thinh lặng ngay cả với vị hôn phu là thánh Giuse. Nếu thiên thần không giải thích cho thánh Giuse biết, thì sự đổ vỡ hôn nhân đã xảy ra (Mt 1:18-25).

Lần thứ hai, thánh Luca đã ghi lại trong biến cố thăm viếng bà chị họ Elizabeth qua bài kinh Magnificat (Lc 1,46-55). Và lần thứ ba, thánh Luca đã nhắc đến những lời nói của Mẹ Maria khi Mẹ mất con trẻ Giêsu. Và khi tìm thấy Con trong đền thờ, đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ luật, Mẹ Maria đã nói với con mình rằng: "Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!" (Lc 2,48). Rồi thánh Luca viết tiếp: "Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng" (Lc 2,51). Trong thinh lặng, Mẹ Maria hằng ghi nhớ và suy đi nghĩ lại tất cả những lời của Chúa.

Còn thánh Gioan tường thuật một cuộc đối thoại duy nhất của Mẹ Maria trong trình thuật tiệc cưới Cana. Lời nói duy nhất của Mẹ là: "Họ hết rượu rồi" (Ga 2,3) và "Người bảo gì, các anh cứ làm theo" (Ga 2,5).

Trong cuộc sống, Đức Mẹ đã trải qua những lúc kinh ngạc, những lúc cực kỳ lo lắng đau khổ, những lúc vui mừng, nhưng người luôn luôn lãnh nhận trong sự thinh lặng. Thánh Luca ghi chép rằng Đức Mẹ đã thinh lặng ghi nhớ tất cả mọi sự ở trong tim để suy niệm. Như vậy thái độ thinh lặng của Đức Mẹ chính là hành động cụ thể hóa thánh ý Chúa trong đời sống. Mẹ không nói. Mẹ chỉ đơn giản muốn vâng theo ý Chúa như một đứa trẻ luôn phó thác.

Đặc biệt khi đứng dưới chân thập giá, Mẹ rơi vào đau khổ và buồn sầu. Mẹ đứng đó ôm chặt cây Thập giá. Mẹ nhìn thấy cơn hấp hối khủng khiếp của Chúa Giêsu, với thân thể phủ đầy thương tích và bầm giập. Nhưng Mẹ Maria vẫn giữ thinh lặng vâng phục. Trong thinh lặng, Mẹ đã vâng phục thánh ý Chúa một cách trọn vẹn. Tiếng "xin vâng" của Mẹ là một sự thinh lặng và Mẹ mãi mãi trung thành với thinh lặng đó cho đến trọn đời.

Rồi sau cái chết của Chúa Giêsu, các tông đồ bị phân tán, Mẹ Maira đã nâng đỡ các tông đồ và tái thiết cộng đoàn các môn đệ, xây dựng lại Giáo hội trong thinh lặng và cầu nguyện. Trong thời gian đó, Mẹ đã sống trong nhà thánh Gioan như Chúa Giêsu đã ước nguyện trên thập giá. Trong âm thầm và thinh lặng, Mẹ đã luôn suy niệm về cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Thời gian càng trôi, Mẹ càng trở nên thinh lặng, càng bình tâm và càng chiêm niệm hơn. Mẹ đã cầu nguyện và chay tịnh trong thinh lặng. Lời nguyện cầu của Mẹ đã là sự thinh lặng trường cửu trong Thiên Chúa.

Ngày 22 tháng 10 năm 1995, trong bài giảng cho cộng đoàn dân Chúa, Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II đã chia sẻ về sự thinh lặng của Mẹ Maria như thế này: "Mẫu gương của Mẹ Maria cho phép Giáo hội hiểu hơn giá trị của thinh lặng. Sự thinh lặng của Đức Trinh Nữ không chỉ là sự kiệm lời, mà còn đặc biệt là khả năng sáng suốt ghi nhớ và đón nhận, trong cái nhìn đức tin, mầu nhiệm Ngôi Lời làm người và những biến cố trong đời sống trần thế của Người. Đây chính là sự thinh lặng đón nhận Lời...Trong một thế giới đầy xáo động và đủ mọi thứ thông điệp, chứng tá của Mẹ Maria giúp chúng ta quý trọng sự thinh lặng phong phú về mặt thiêng liêng và gia tăng tinh thần chiêm ngắm.

Còn Pierre de Bérulle đã viết thật chí lý về sự thinh lặng của Đức Maria như sau:
"Sự thinh lặng này của Đức Trinh Nữ không phải là sự thinh lặng của kẻ nói năng lắp bắp và bất lực. Đây là sự thinh lặng mang ánh sáng và niềm vui; đây là sự thinh lặng có sức thuyết phục trong lời ca ngợi Thiên Chúa hơn là trong chính sức thuyết phục".

Tại quê hương của ĐHY R. Sarah, vào cuối giờ lần chuỗi hàng ngày, người tín hữu thường hát bài thánh ca này dâng lên Đức Maria:
"Xin cho sự hiện diện ngọt ngào của Mẹ chiếu sáng chúng con đến muôn đời, ôi lạy Đức Trinh Nữ của thinh lặng. Xin cho chúng con bình an của Mẹ".

Theo Vatican News tiếng Việt, Đức Mẹ của sự Thinh lặng là một khái niệm mà Đức Thánh Cha Phanxicô ủng hộ và đánh giá rất cao. Điều này đã được Ngài bày tỏ trong một thư tay được viết vào ngày 24 tháng 3 năm 2019, quyết định thành lập Đền Thánh Đức Mẹ Thinh Lặng. Thật vậy, Đức Thánh cha đã từng nói: "Thật là đẹp nếu có một nơi, một nhà thờ, trong đó chúng ta cố thể làm việc phụng tự công khai kính Đức Mẹ Thinh Lặng". Đền thánh này đã được đặt tại nhà thờ Thánh Phanxicô Assisi, bên cạnh tu viện của các cha dòng Capuchino ở Avezzano, thành phố có 42.000 dân cư, thuộc miền Abruzzo và cách Roma 106 cây số về hướng đông bắc.

4. Chúa Giêsu, bậc thầy thinh lặng


Trước hết, Chúa Giêsu đã đến trần gian trong một đêm an bình và lặng lẽ. Ngài đến thế gian trong khi nhân loại đang ngủ say, chỉ có các mục đồng còn thức, thì Ngài hạ sinh giữa cô quạnh và thinh lặng (Lc 2,1-20). Suốt ba mươi năm Ngài sống ẩn dật tại Nazaret là thời gian sống đơn sơ, giản dị, chìm đắm trong thinh lặng và nơi xưởng mộc nghèo nàn của bác thợ mộc Giuse (Mt 13,55). Cuộc sống ở Nazaret, cả gia đình Thánh gia đều sống trong thinh lặng. Chắc chắn Chúa Giêsu đã sống trong cầu nguyện, trong chay tịnh và trong thinh lặng nội tâm trường kỳ. Cuộc sống ẩn dật của Chúa Giêsu diễn ra trong bầu khí thinh lặng của Thiên Chúa. Ngài sống thinh lặng đến nỗi mà không một ai nghe được tiếng Người tại Nazaret, ngoài biến cố bị lạc khi đi hành hương đền thánh Jerusalem. Và sau khi hai ông bà tìm thấy con, thì Chúa Giêsu nói với hai ông bà: "Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao? (Lc 2,49). Sau đó, Chúa Giêsu đã cùng hai ông bà trở về Nazaret sinh sống và hằng vâng phục các ngài (Lc 2,51).

Thứ đến có thể nói, tại Nazaret, Chúa Giêsu ở với Thiên Chúa Cha một cách âm thầm và liên lỉ, hiệp thông sâu xa và luôn hiệp nhất với Chúa Cha. Chúa Con thầm thĩ cùng Chúa Cha trong thinh lặng đến nỗi sự thinh lặng của Thiên Chúa Cha chính là sự thinh lặng của Chúa Con. Bởi vì chính Chúa Giêsu đã quả quyết với Philiphe rằng: "Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: "Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha". Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? (Gc 14,9-10). Như vậy, giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha có một sự hiệp thông sâu xa trong thinh lặng, tiếng nói của Chúa Con là tiếng nói của Chúa Cha.

Trước khi ra đi thi hành sứ vụ công khai rao giảng Tin mừng, Chúa Giêsu đã được Thánh Thần dẫn vào trong hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ. Đó là thánh ý của Chúa Cha. Và trong hoang địa cô tịch và thanh vắng đó, Chúa Giêsu đã sống trong thinh lặng cầu nguyện với Thiên Chúa. Ngài đã cầu nguyện trong thinh lặng và chay tịnh suốt bốn mươi đêm ngày. Ngài đã gặp gỡ thân mật với Chúa Cha trong thinh lặng và đã nhận lãnh sứ vụ cứu độ nhân loại từ Chúa Cha.

Trong hoang địa, Chúa Giêsu được bao bọc bởi thinh lặng và mầu nhiệm, cho nên Ngài đã dễ dàng chiến thắng những cám dỗ của ma quỷ. Đặc biệt, trong suốt thời gian sống trong hoang địa, Chúa Giêsu đã tích trữ kho tàng thinh lặng chuẩn bị cho sứ mạng của Người, sứ mạng ấy sẽ đưa Người đến việc hiến dâng mạng sống mình. Phần chúng ta, muốn gặp gỡ Chúa, chúng ta cũng phải chiêm ngắm những thinh lặng của Chúa Giêsu và bắt chước Ngài sống những thời khắc thinh lặng và cầu nguyện trong thinh lặng. Bởi vì chính trong thinh lặng, chúng ta mới có thể trở về với chính mình, gặp gỡ Chúa, gặp gỡ anh chị em tha nhân và chiến thắng ma quỷ, thế gian, xác thịt.

Trong suốt hành trình đi rao giảng Tin mừng, ban ngày Chúa Giêsu làm việc, chiều đến và ban đêm, Ngài lại rút vào nơi thanh vắng như hoang địa hay trên núi, để chìm đắm trong cầu nguyện thinh lặng: "Trong những ngày ấy, Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa" (Mt 6,12).

Không phải tình cờ mà thánh Maccô, vào đầu Tin mừng của mình, đã đặt một khoảng thời gian thinh lặng vào trong "Ngày thừa sai mẫu mực" của Chúa Giêsu: "Sáng sớm, trước khi mặt trời mọc, Chúa Giêsu chỗi dậy và lên nơi vắng vẻ, và Ngài cầu nguyện ở đó" (Mc 1,35). Thánh Maccô muốn cho độc giả thấy rằng, việc cầu nguyện trong thinh lặng và cô tịch, đối với Chúa Giêsu không phải là một "cặp ngoặc đơn" thỉnh thoảng xảy ra khi gặp dịp, nhưng là một chiều kích chủ yếu, cơ bản của bản thân và của sứ mạng Ngài.

Hơn thế nữa, Chúa Giêsu không tìm kiếm sự thinh lặng để mà thinh lặng, nhưng để thiết lập một đối thoại thân mật với Đấng cư ngụ trong lòng, trong tư tưởng và hành động, trong kinh nguyện của Ngài, Đấng sai Ngài ra đi, đó là Thiên Chúa, Cha của Ngài. Chính Ngài cũng đã dạy các môn đệ: "Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh" (Mt 6,6).

Sau lần làm phép lạ hoá bánh ra nhiều, Chúa Giêsu thấy rằng người ta đến để ép Ngài làm vua, thế là Ngài lại ẩn lên núi một mình (Ga 6, 15). Thánh sử Luca đã viết rằng: "Ngài càng ngày càng nổi danh, dân chúng chạy đến nghe Ngài và xin Ngài chữa bệnh. Nhưng Chúa Giêsu rút lui vào nơi vắng vẻ và cầu nguyện" (Lc 5,15-16). Chúa Giêsu ý thức rằng sự thinh lặng nguyện cầu là vô cùng cần thiết cho Ngài, để thi hành sứ mạng một cách tinh tuyền và đáp ứng mọi đòi hỏi của sứ mạng ấy.

Trước giờ bị trao nộp cho quân dữ bởi Giuda, Chúa Giêsu vẫn cầu nguyện trong thinh lặng với Chúa Cha. Thật vậy, trong vườn Giệt-si-ma-ni, đêm hôm ấy, Ngài đã cầu nguyện liên lỉ với Chúa Cha trong thinh lặng. Ngài đến chỗ thanh vắng, thinh lặng và cô tịch, để cầu nguyện tới 3 lần. Còn các môn đệ thì vẫn ngủ. Ngài chìm đắm trong thinh lặng, để cầu xin Chúa Cha cất chén đắng, nhưng không theo ý của Ngài (Mt 26,36-46).

Đối với Chúa Giêsu, Ngài là người chẳng hề ngần ngại tố cáo sự giả hình, hoặc đối đầu với cha đẻ của sự dối trá, nhưng Ngài lại 'thinh lặng' trước vị Thượng Tế (Mc 14,16), trước Hêrôđê (Lc 23,9) và trước Philatô. Sự thinh lặng của người công chính đối lập với sự hung hăng bất công của đối thủ Ngài. Sự thinh lặng uy nghi của Đấng Mêsia khi Giờ Ngài đã đến, và quyền lực duy nhất là quyền lực sáng chói của chân lý.

Khi Ngài bị thượng tế và các kỳ lão buộc tội, Ngài không trả lời một tiếng. Vì thế, Philatô rất ngạc nhiên về sự thinh lặng và thái độ bình thản của Chúa Giêsu, ông nói với Người: "Ông không nghe những gì họ làm chứng chống ông sao?" (Mt 27,13). Chúa Giêsu vẫn không hề nao núng. Người bình tĩnh và bình an đến nỗi có người nghĩ rằng, Người không nghe thấy tiếng la ó của đám đông dân chúng đang tràn ngập lòng căm thù. Nhưng sự thinh lặng của Ngài không hề là thái độ hèn nhát. Khi chân lý đòi hỏi, Ngài không ngần ngại nói rõ ràng. Vị Thượng Tế đứng dậy và nói: "Ông không trả lời gì cả sao? Những người này làm chứng chống ông về điều gì vậy?" Nhưng Đức Giêsu vẫn thinh lặng. Vị Thượng Tế mới nói: "Nhân danh Thiên Chúa Hằng Sống, tôi muốn ông nói, ông có phải là Đấng Kitô Con Thiên Chúa, hay không? Đức Giêsu đáp lại: "Ông đã nói rồi đấy!" (Mt 26,63-64).

Và cuối cùng, nếu Đức Kitô có nói vài lời trên thập giá, thì tiên vàn đó là lời thinh lặng. Sự thinh lặng của Con Người chịu đóng đinh vào thập giá này trở thành một Lời nát lòng, xúc động. Thiên Chúa đã nói hết mọi sự khi Ngài thinh lặng cho đến chết.

4.1. Thinh lặng của Tình yêu Giêsu


Nhiều lần Tin mừng cho chúng ta thấy Chúa Giêsu đã thinh lặng, để truyền tải cách hữu hiệu những sứ điệp Tình yêu cho nhân loại. Thật vậy, khi đối diện với đám đông đang ào ào, nhốn nháo giận dữ, tố cáo và đòi "chôn sống" người phụ nữ (bị bắt quả tang ngoại tình) dưới trận "mưa" đá, mà họ đang nắm chặt trong tay, Chúa Giêsu chọn thái độ thinh lặng. Chúa Giêsu thinh lặng để kêu gọi tấm lòng khoan dung, độ lượng của đám đông. Chúa Giêsu thinh lặng để chính họ có đủ thời gian để nhìn lại chính con người thật trong họ: cũng bộn bề, ngổn ngang biết bao nhiêu thiếu sót, lỗi lầm và tội lỗi. Thinh lặng của Chúa Giêsu giúp hạ nhiệt ngọn lửa quá khích vì luật vì lệ, giúp hạ xuống những cánh tay đang giương cao những hòn đá "kết án", những hòn đá sần sùi, nhọn hoắt sắp sửa lao vút khỏi tay của họ giết chết người phụ nữ tội lỗi kia. Người phụ nữ run rẩy, nằm bẹp dưới chân Chúa Giêsu. Cô không dám ngước nhìn đám đông đang vây chặt lấy cô. Cô đang run sợ trước cái chết nhục nhã mà người ta lăm le dành cho cô. Cô cũng không dám nhìn Thầy Giêsu. Cô sợ phải nghe lời Ngài phán quyết thuận theo Luật của tổ tiên, đồng tình với thái độ "thanh trừng và sàng lọc cái xấu trong cộng đồng" của đám đông dân chúng kia. Chúa Giêsu thinh lặng để thêm sức cho cô dám ngẩng lên mà nhìn những kẻ hằm hè kết án cô đang lần lượt rút lui. Chúa Giêsu thinh lặng để cô ngẩng lên, mà nhìn vào Đấng đầy lòng thương xót và tha thứ cho mình. Chỉ khi tội nhân can đảm và khiêm tốn nhìn lên Đấng sẽ và đã tha thứ cho mình, thì Chúa Giêsu mới lên tiếng mời gọi sự hoán cải: "Thôi chị hãy về đi và đừng phạm tội nữa" (Ga 8,11).

Trên thập giá, Chúa Giêsu đã "như cừu câm nín khi bị xén lông, Người chẳng hề mở miệng" (Is 53,7). Đó chính là thinh lặng tình yêu nơi Chúa Giêsu. Ngài yêu đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên cây thập giá. Tình yêu thinh lặng luôn khiêm hạ, âm thầm, chiêm ngắm và phủ phục trước người yêu dấu. Và Chúa Giêsu đã minh họa thực tại này bằng việc Ngài quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ vào tối Thứ Năm Tuần Thánh. Qua hành động rửa chân này, Chúa Giêsu đã mạc khải và đã tỏ lộ cho con người biết Thiên Chúa là ai. Ngài chính là Tình yêu: Tình yêu khiêm hạ, Tình yêu thánh hiến và Tình yêu tự hiến trong thinh lặng. Tình yêu không lời và không đòi hỏi dẫn đến một tình yêu cao cả, đó chính là tình yêu âm thầm của Thiên Chúa.

4.2. Thinh lặng của lòng quảng đại


Trong sân Đền thờ tấp nập người qua kẻ lại, ngồi gần bên hòm tiền, Chúa Giêsu thinh lặng quan sát cách người ta bỏ tiền vào hòm. Có những người quần là áo lụa, hiên ngang tiến đến trút vào hòm không biết bao nhiêu đồng tiền. Tiếng tiền rơi đinh đoong như tiếng nhạc ngợi ca sự hào phóng và quảng đại của họ, họ dương dương tự đắc, hãnh diện ngẩng mặt nhìn đời. Nhưng cũng có người đàn bà nghèo nọ, lặng lẽ và nhanh chóng nhét vội vàng vào hòm tiền hai đồng bạc kẽm là những đồng tiền kém giá trị nhất trong hệ thống tiền tệ lúc bấy giờ.

Hành động của bà nhanh và rất nhanh, vì sợ bị ai nhìn thấy. Nhưng cũng không thoát khỏi sự thinh lặng quan sát của Chúa Giêsu. Giữa cảnh ồn ào, náo nhiệt của Đền Thờ, Chúa Giêsu thinh lặng quan sát và nhận ra ai mới là người có tấm lòng quảng đại nhất. Đó là người đàn bà góa nghèo khó kia. Bà nghèo nên gia tài thật ít ỏi, vỏn vẹn có vài đồng bạc kẽm, vậy mà bà cũng dâng cúng toàn bộ cho Đền Thờ. Bà đã dâng cả gia sản của mình.

Sau khi thinh lặng để nhận diện đúng tấm lòng của con người, Chúa Giêsu lên tiếng dạy dỗ các môn đệ, để họ cũng nhận ra sự thật rằng: quảng đại hay không, thì không dựa trên số lượng nhiều ít của những đồng bạc, mà là dựa trên mức độ lòng mến của con người thực hiện công việc đó đối với Thiên Chúa và tha nhân. Như vậy, bà góa nghèo đã hành động quảng đại trong thinh lặng, chứ không ồn ào, xáo trộn. Trong âm thầm, bà đã dâng cho Thiên Chúa tất cả.

4.3. Thinh lặng của tha thứ


Khi bị treo thân trên cây thập tự, Chúa Giêsu đã đón nhận và lắng nghe biết bao lời nói xúc xiểm, lăng mạ và thách thức của quần chúng: "Có giỏi thì xuống khỏi thập giá đi, để chúng ta tin! Nó cứu được người khác mà không cứu nổi mình!..." (Mt 27,42-43).

Chúa Giêsu thinh lặng hoàn toàn! Ngài thinh lặng không phải là bất lực trước những thách thức, mà là để mình không bị lôi vào vòng xoáy của phàm tục của người đời. Ngài muốn trung thành với Thánh ý Chúa Cha, đó là yêu cho đến tận cùng đối với đám nhân loại tội lỗi này.

Chúa Giêsu thinh lặng không phải vì nhu nhược, mà để không bị cuốn vào vòng xoáy hận thù, bạo lực. Ngài không nhìn bằng ánh mắt giận dữ, hận thù, trả đũa đám đông phía dưới chân thập tự đang cười cợt, chế nhạo mình. Nhưng Ngài nhận ra họ thật đáng thương, họ không biết việc họ đang làm là một tội tày trời: Giết chết Đấng là Sự Sống!

Thật vậy, trong thinh lặng, Chúa Giêsu thương xót họ là những kẻ ngờ nghệch, vô tri. Và khi cất lên thành tiếng, thì đó là lời bào chữa của Ngài cho họ trước Thánh Nhan Cha trên trời: "Xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm" (Lc, 23,34).

5. Thinh lặng của Thiên Chúa


Sự thinh lặng là một mầu nhiệm, mà mầu nhiệm lớn nhất là Thiên Chúa thinh lặng và Ngài vẫn luôn thinh lặng. Cho nên sự thinh lặng của Thiên Chúa là một mạc khải nhiệm mầu.

Nhiều người trong thời đại chúng ta không thể chấp nhận được sự thinh lặng của Thiên Chúa. Họ không chấp nhận đi vào trong sự hiệp thông bằng một cách thức nào khác như lời nói, cử chỉ hoặc hành động cụ thể. Trong khi đó Thiên Chúa lại nói bằng sự thinh lặng của Người. Sự thinh lặng của Ngài là một lời nói. Chính công trình tạo dựng là một lời nói thầm lặng của Thiên Chúa.

Nhưng làm sao có thể hiểu được sự thinh lặng của Thiên Chúa? Thiết tưởng rằng, chúng ta có thể thấu hiểu được sự thinh lặng của Thiên Chúa xuyên qua đức tin, trong suy niệm về sự thông hiệp có thể có giữa Thiên Chúa và con người. Tuy nhiên, sự thinh lặng của Thiên Chúa vẫn là khó hiểu và khó đạt tới được. Nhưng người nào chìm đắm trong cầu nguyện, thì sẽ hiểu được phần nào sự thinh lặng của Thiên Chúa được trả lời bằng chính sự thinh lặng của Người.

Khi con người gặp phải sự dữ, lúc đầu, con người có thể suy nghĩ rằng Thiên Chúa để cho sự dữ hủy diệt con người. Bởi vì con người chỉ thấy Thiên Chúa thinh lặng. Nhưng thực ra, Thiên Chúa thinh lặng không phải là Người không chịu đau khổ đến cùng cực với con người trước sự dữ đang xâu xé và hủy diệt trái đất này. Và để hiểu được sự hiện diện của Thiên Chúa và tình yêu của Ngài, thì chúng ta phải năng kết hiệp với Thiên Chúa trong thinh lặng. Rồi từ đó, chúng ta có thể nhận thấy rằng, sự thinh lặng của Thiên Chúa cũng có thể là một sự khiển trách đối với tội lỗi của con người.

Cuối cùng, Thiên Chúa dường như cứ thinh lặng, nhưng thật ra Ngài vẫn luôn luôn hiện diện và nói với chúng ta ngang qua những tuyệt hảo của công trình sáng tạo. Cho nên Thiên Chúa thinh lặng, nhưng kỳ thực Ngài không thinh lặng, nếu như chúng ta biết đi vào thinh lặng và cô tịch, để cầu nguyện liên lỉ với Thiên Chúa.

6. Thinh lặng của Chúa Thánh Thần


Điều đầu tiên mà chúng ta phải xác định, đó là Chúa Thánh Thần không có dung mạo, cũng không có tiếng nói. Chúa Thánh Thần thinh lặng bởi bản tính thần linh của Người. Chúa Thánh Thần hoạt động trong thinh lặng từ thuở đời đời. Chúng ta thấy Thiên Chúa là Cha, Ngài nói, và Chúa Giêsu Kitô là Con cũng nói, nhưng Chúa Thánh Thần có nói không? Không, Chúa Thánh Thần không nói, mà Ngài chỉ luôn tỏ bày qua các ngôn sứ, qua các thánh và qua những người của Thiên Chúa, chứ Ngài không nói trực tiếp.

Chúa Thánh Thần không bao giờ gây ồn ào. Ngài dẫn đến sự thật, nhưng luôn trong vai trò là trung gian. Trong thinh lặng, Chúa Thánh Thần dẫn đưa nhân loại đến với Chúa Giêsu Kitô, bằng việc nhắc nhở giáo huấn của Đức Kitô: "Khi Thần Chân lý đến, Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật, vì Người không tự mình mà nói, nhưng Người nghe gì thì sẽ nói vậy, và Người sẽ bảo cho các con biết những việc tương lai. Người sẽ làm vinh danh Thầy, vì Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con. Tất cả những gì Cha có, đều là của Thầy, vì thế Thầy đã nói: "Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con" (Ga 16, 13-15). Chỉ có một lần duy nhất Chúa Thánh Thần ngự đến trong âm thanh, đó là vào ngày lễ Ngũ Tuần, để thức tỉnh nhân loại đang ngủ mê, và lôi kéo nhân loại ra khỏi tình trạng mê muội và ra khỏi tội lỗi của mình.

Chúa Kitô ban cho chúng ta cái thinh lặng tuyệt đối của Chúa Thánh Thần.

Chúng ta còn nhớ trong ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần lấy hình lưỡi lửa mà đậu xuống trên đầu các tông đồ. Và nếu như chúng ta xa lánh ngọn lửa ấy, ngọn lửa thiêu đốt của sự thinh lặng nơi Chúa Thánh Thần, thì chúng ta mãi mãi tôn thờ ngẫu tượng. Cho nên cần phải giữ gìn ngọn lửa được ban trong ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống. Không có sự thinh lặng của Chúa Thánh Thần, con người chúng ta sẽ chỉ là những vỏ bọc rỗng tuếch.

Cho nên, ở dưới thế này, điều quan trọng là lắng nghe những tiếng nói thinh lặng của Chúa Thánh Thần. Thánh Paul đã nói với chúng ta bằng một sự xác tín: "Hơn nữa, lại có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta bằng những tiếng rên siết khôn tả" (Rm 8,26).

Nhưng để cho Chúa Thánh Thần luôn ở lại trong tâm hồn chúng ta, thì điều đó đòi hỏi chúng ta phải dành cho Chúa Thánh Thần một chỗ đặc biệt trong tâm hồn chúng ta, đó là thinh lặng. Bởi vì Chúa Thánh Thần không ở lại trong những nơi ồn ào, náo động. Chúa Thánh Thần không ở lại trong những con người nói quá nhiều và luôn náo động, không có khả năng thinh lặng. Chúa Thánh Thần cũng không ở lại trong những con người hay buôn dưa lê, hay nói hành nói xấu người khác... Nhưng Chúa Thánh Thần sẽ ở lại trong sự thinh lặng thâm sâu của tâm hồn con người.

Cho nên trong đời sống, nếu chúng ta biết dành nhiều thời giờ thinh lặng cho việc cầu nguyện, thì chúng ta càng gần Chúa Thánh Thần. Và khi càng gần Chúa Thánh Thần, thì chúng ta lại càng dễ dàng chìm đắm trong thinh lặng với Thiên Chúa.

Vì thế, ĐHY Sarah, Tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật các bí tích đã nói rất chính xác:
Thiếu tôn trọng thinh lặng là một tội phạm chống lại Chúa Thánh Thần.

(Còn tiếp)