Truyền thống nhận tên (thánh) mới trong các dòng đan tu - Tác giả: M. Hạnh Tử

Lan Mary
Trong các dòng đan tu chiêm niệm (Biển Đức và Xitô), các tu sinh khi chính thức gia nhập đan viện qua nghi thức mặc áo dòng, sẽ được ban một tên gọi mới, còn được gọi là tên (thánh) dòng. Truyền thống này hình thành dựa trên hai nền tảng là Kinh Thánh và thiêng liêng. NGUỒN:

TRUYỀN THỐNG NHẬN TÊN (THÁNH) MỚI TRONG CÁC DÒNG ĐAN TU


Trong các dòng đan tu chiêm niệm (Biển Đức và Xitô), các tu sinh khi chính thức gia nhập đan viện qua nghi thức mặc áo dòng, sẽ được ban một tên gọi mới, còn được gọi là tên (thánh) dòng. Truyền thống này hình thành dựa trên hai nền tảng là Kinh Thánh và thiêng liêng.

Trong Kinh Thánh, chúng ta thấy rằng khi chọn gọi ai, Chúa thường đổi tên người ấy để nói lên rằng, người ấy được Chúa chọn và thuộc về Chúa.

Một số ví dụ điển hình là:

Abram → Abraham
Sarai → Sara
Gia-cob → Israel
Simon → Phê-rô
Saolô → Phaolô

Về ý nghĩa thiêng liêng, việc bỏ đời sống trần tục để bước vào tu viện thường được các thánh ví như được sinh ra trong một đời sống mới. Cũng như khi một đứa trẻ được sinh ra, cha mẹ sẽ đặt tên cho con, thì nay khi các ứng sinh chính thức bước vào tu viện, họ cũng được bề trên – người cha thiêng liêng – ban cho một tên mới. Và bước vào giai đoạn tập tu này, họ được ví như đứa trẻ trong gia đình tu viện.

Việc đổi tên gọi từ tên cha mẹ đặt, sang tên mới do bề trên đặt, khá dễ hiểu trong văn hóa tây phương, nơi người ta lấy tên thánh rửa tội làm tên gọi. Ví dụ: Joseph Schmith, trong đó Joseph (Giuse) là tên thánh rửa tội và đồng thời là tên gọi. Trong trường hợp này, khi ứng sinh Joseph bước vào một tu viện, bề trên có thể ban cho tên mới là Peter/Paul hay Louis... Từ đó, tu sĩ này sẽ không còn được gọi với tên cha mẹ đặt nữa, mà được gọi bằng tên do bề trên đặt: là Thầy Peter Schmith. Điều này có nghĩa, cái tên Joseph coi như đã chết cho thế gian hàm ý rằng con người cũ với nếp sống xưa đã chết, để nay thầy bắt đầu đời sống mới trong tu viện.

Truyền thống này vẫn được duy trì cho tới ngày nay, nhưng có sự cởi mở hơn, đó là cho phép các ứng sinh tự chọn tên thánh cho mình. Các em sẽ chọn những vị thánh mà các em quý mến và muốn noi gương cách đặc biệt. Rồi trong nghi thức trao áo dòng, bề trên sẽ phê chuẩn tên thánh dòng ấy. Từ nay, tu sĩ sẽ có thêm một vị thánh bảo trợ bên cạnh vị thánh người ấy đã nhận khi rửa tội. Việc đặt tên này được lưu ý sao cho không có tên trùng lặp trong tu viện.

Các Dòng Đan Tu ở Việt Nam cũng giữ truyền thống này, và do đó, nhiều tu sĩ có những tên thánh của dòng khá lạ lẫm với tín hữu Việt Nam, như Guerico, Eugenio, Raymundo, Eymardo... Tuy nhiên vì cách đặt tên ở Việt Nam khác với tây phương, nên vấn đề trở nên phức tạp hơn một chút. Vì như đã giải thích phía trên, tên gọi ở tây phương khá đơn giản với tên thánh đồng thời là tên gọi (first name) và họ (last name); thì ở Việt Nam, ngoài tên thánh còn có tên gọi, tên lót và họ: Vd: Phêrô Nguyễn Văn A. Rồi khi bạn A này vào tu viện, sẽ được nhận tên thánh mới, chẳng hạn là Louis, do đó thầy sẽ có tên mới là M. Louis Nguyễn Văn A. Và như vậy việc đổi tên đây bị sai so với truyền thống tây phương, vì chỉ đổi tên thánh mà không đổi tên gọi. Trong khi theo nguyên tắc của truyền thống này, thì cái cần đổi không phải là tên thánh Phêrô mà là tên gọi A. Mà truyền thống đan tu ám chỉ việc đổi tên gọi nói lên việc chết đi cho thế gian và sinh lại trong đời sống mới, thì lẽ ra người ta phải bỏ tên A để thay bằng B hoặc C.

Tóm lại, nhận tên (thánh) mới là một truyền thống lâu đời của các dòng cổ truyền, nói lên tinh thần chết đi cho thế gian và con người cũ của các ứng sinh khi bước vào tu viện, và họ sẽ sinh ra trong đời sống mới, được nhận một tên mới và mang tấm áo dòng, tượng trưng cho việc mặc lấy Chúa Kitô, như lời thánh Phaolô nhắn nhủ: Anh em hãy mặc lấy Chúa Kitô"(Rm 13,14).

M. Hạnh Tử