Thinh lặng thánh-Chương VI-Người hùng thinh lặng trong Hội Thánh -Tác giả: Lm. Micae Trịnh Ngọc Tứ

Lan Mary
Như vậy, trong Giáo hội có bao nhiêu vị thánh, thì có bấy nhiêu vị đã sống trải nghiệm sự thinh lặng trong suốt hành trình đời sống tu trì của mình. Ở đây, chúng ta chỉ giới thiệu một số vị thánh được mệnh danh là "người hùng thinh lặng". NGUỒN:



CHƯƠNG SÁU NGƯỜI HÙNG THINH LẶNG TRONG HỘI THÁNH


George Bernanos đã viết thật chí lý trong tác phẩm mang tựa đề "Soul le soleil de Satan" rằng: "Một vị thánh chín mùi trong thinh lặng". Vâng, đúng là như thế. Bởi vì khi Thiên Chúa muốn giao phó cho ai một sứ mạng quan trọng, thì Ngài thường gửi họ vào trong sa mạc hay trong hoang địa, nơi đó là nơi cô tịch và thinh lặng. Chẳng hạn như thánh Biển Đức trong nơi cô tịch của núi Subiaco, thánh Inhaxio Loyola ở Manrèse, thánh Phanxicô Assidi trong những hang động của miền quê Assidi.

Như vậy, trong Giáo hội có bao nhiêu vị thánh, thì có bấy nhiêu vị đã sống trải nghiệm sự thinh lặng trong suốt hành trình đời sống tu trì của mình. Ở đây, chúng ta chỉ giới thiệu một số vị thánh được mệnh danh là "người hùng thinh lặng".

1. Thánh Antôn Ai Cập


Ngài sinh vào năm 251 tại Ai Cập và qua đời năm 356. Khi lên 18 tuổi thì cha mẹ Ngài qua đời. Sáu tháng sau, khi đi tham dự thánh lễ, ngài suy nghĩ về đời sống hạnh các thánh, rồi khi vào nhà thờ, ngài đã nghe Lời Chúa: "Nếu con muốn nên trọn lành, hãy về bán hết của cải và đem phân phát cho kẻ nghèo khó rồi theo Ta" (Mt 19,21). Tưởng như Thiên Chúa nói riêng với mình, nên ngài đã về bán hết mấy trăm mẫu ruộng tốt và đồ trong nhà do cha mẹ để lại, đem tiền phân phát cho người nghèo.

Sau khi gửi em gái vào trong nữ tu viện, Ngài được Chúa Thánh Thần đầy vào những nơi thinh lặng trong sa mạc, giữa sông Nil và Biển Đỏ, nơi mà người phải đọ sức với quỷ dữ, cha của sự dối trá. Trong sa mạc, ngài dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa bằng việc liên lỉ cầu nguyện, chiêm niệm trong thinh lặng và sám hối. Ngài theo đuổi một cuộc sống rất khắc khổ, chỉ ăn bánh và uống nước ngày một lần sau khi mặt trời lặn. Để giữ được sự yên tĩnh trọn vẹn, Ngài còn ẩn thân trong một ngôi mộ bỏ trống trong thinh lặng. Trong suốt 20 năm sống âm thầm trong thinh lặng, ngài đã bị ma quỉ tìm cách quấy phá để bỏ cuộc sống khắc khổ, chúng thường hay la hét và hiện hình kỳ quái. Phản ứng lại, thánh nhân lại cầu nguyện, chiêm niệm thinh lặng nhiều hơn và gia tăng những việc hãm mình. Giận dữ vì các mưu mô bị thất bại, ma quỉ còn công khai hành hạ Ngài nhiều hơn nữa.

Ngài đã thành lập những đan viện đầu tiên, thế nên thánh Antôn được gọi là cha đẻ của đời sống đan tu và là ông tổ của các đan sĩ. Ngài trở thành vị ẩn sĩ đầu tiên trong lịch sử Giáo hội Công giáo, dưới danh hiệu ANTÔN Ai-Cập. Cuộc sống ẩn tu gồm tóm dưới hai hình thức đặc thù: chay tịnh và cầu nguyện chiêm niệm tinh lặng. Thánh nhân qua đời vào năm 356, khi ngài được 105 tuổi.

2. Thánh Monica


Thánh nữ Monica chào đời năm 332 tại vùng Sucara, nước Phi Châu trong một gia đình đạo hạnh và luôn biết kính sợ Chúa. Nhờ vậy, Monica sớm trở thành cô bé đạo đức, thánh thiện và luôn kính Chúa yêu người. Với tâm hồn đơn sơ, kèm theo đức bác ái tuyệt vời, ngay từ nhỏ Monica đã biết dành một phần cơm mỗi bữa để giúp đỡ người nghèo, đồng thời những khi nhàn rỗi, Monica luôn tìm nơi thanh vắng, để cầu nguyện và trò chuyện thân mật với Chúa trong thinh lặng.

Với đức vâng lời và lòng yêu thương cha mẹ, thánh nữ lúc lên 22 tuổi đã chấp nhận kết hôn với một chàng trai tên Patricius, con nhà giầu, quí phái nhưng tính tình lại ngang ngược, hung hăng, ngạo mạn, và tuổi lại gấp đôi thánh nữ. Tuy rất khổ tâm, nhưng thánh nữ vẫn vâng lời cha mẹ với ước nguyện sẽ cứu được một linh hồn trở về đàng ngay nẻo chính. Nhờ tâm hồn thánh thiện, lòng đạo đức sâu xa và nhờ lời cầu nguyện, thánh nữ đã cải hoá được chồng của mình và sau đó sinh được 3 người con, mà Augustinô là con đầu lòng. Sống trong một gia đình hoàn toàn ngoại giáo, nhưng thánh nữ Monica luôn tỏ ra mình là con của Chúa, sống nghe lời Chúa, tuân theo lời của Chúa và luôn giáo dục con cái biết kính Chúa, yêu người. Augustinô càng lớn càng trở nên người con hư hỏng, dù mẹ cha rất mực yêu thương. Augustinô có trí rất thông minh, nhưng càng thông minh, cậu càng ỉ lại đâm ra lười biếng và lơi là ăn chơi trác táng. Bị sửa phạt, Augustinô đâm ra lừa dối, lường gạt cha mẹ, thầy cô, đi vào con đường ăn chơi trác táng và trụy lạc. Càng đi học ở xa, sống giữa thành thị, Augustinô càng bị cuốn hút vào những trào lưu xấu và càng hư hỏng. Đau khổ hơn nữa cho thánh nữ Monica, con trai Augustinô của mình đi theo bè rối và chống lại đức tin. Rất khổ lòng nhưng thánh nữ Monica tin tưởng vào tình thương và sức mạnh của Chúa, bà tin tưởng kiên trì cầu nguyện, làm việc lành bác ái.

Nhờ chìm đắm trong thinh lặng cầu nguyện, tin tưởng, cậy trông phó thác nơi Chúa và những giọt nước mắt chân thành, tha thiết của bà, mà Chúa đã đoái thương nhậm lời bà cầu xin. Thật vậy, Augustinô sau những thất bại, cay đắng ê chề đã trở về với Chúa. Augustinô giờ đây có thể nói như thánh Phaolô: "Tôi lao mình về phía trước". Ngài đã đẩy lùi tội lỗi, đẩy lui những xấu xa để làm lại cuộc đời mới, làm lại một tương lai tốt đẹp, trong sáng. Như vậy, Chúa có cách nhìn và con đường của Chúa. Vào chính đêm phục sinh năm 364, Augustinô đã được lãnh nhận bí tích rửa tội do thánh giám mục Ambrosiô cử hành. Hai mẹ con tràn đầy hạnh phúc: thánh nữ Monica sung sướng khôn lường, bà và Augustinô trở về Phi Châu trong cuộc hành trình dài ngày, nhưng ý Chúa nhiệm mầu, thánh nữ đã ra đi về với Chúa trong bình an vào năm 387.

Cuộc đời của thánh nữ Monica là một cuộc đời đầy gian truân, đau khổ và thử thách. Tuy nhiên, thánh nữ đã kiên cường, can đảm sống tín thác nơi Chúa và luôn cậy trông, hy vọng vào tình thương vô biên của Chúa. Mặc dù sống bậc sống gia đình, nhưng trong suốt cả cuộc đời, thánh nữ đã chìm đắm trong thinh lặng của sa mạc nội tâm, để tại đó, ngài hằng kết hợp với Thiên Chúa một cách mật thiết. Chính nhờ đó mà Giáo hội Công giáo có một vị thánh Giám mục thánh đức, tài ba lỗi lạc, đó là thánh Augustino.

3. Thánh Biển Đức


Biển Đức sinh vào khoảng năm 480 thuộc vùng Nicea nước Ý. Người chỉ muốn làm đẹp lòng Thiên Chúa mà thôi. Vì thế, trước khi kết thúc chương trình học, Biển Đức rời Rôma và lui vào sống trong vùng núi tĩnh mịch ở mạn đông thành phố này. Sau khi dừng chân tại làng Effide, nơi thánh nhân sống chung với một cộng đoàn tu sĩ, người sống đời ẩn tu tại núi Subiaco ba năm, hoàn toàn một mình trong một hang đá. Từ thời Trung cổ trở đi, nơi này trở thành con tim của một tu viện Biển Đức, được gọi là "Hang thánh".

Trong thời gian sống cô tịch và thinh lặng một mình với Chúa tại núi Subiaco đã là thời gian trưởng thành đối với Biển Đức. Thánh nhân đã chịu đựng và thắng vượt được ba thử thách: tự mãn coi mình là trung tâm, lòng ham muốn sắc dục và sự giận dữ báo thù. Thánh nhân xác tín rằng chỉ khi thắng vượt được ba chước cám dỗ đó, người mới có thể nói lời hữu ích cho những ai cần trợ giúp. Dường như thánh nhân đã hoàn toàn kiểm soát được cái tôi của mình, trở thành người tạo dựng sự an hoà cho những người chung quanh. Chỉ khi đó người mới quyết định thành lập các tu viện đầu tiên trong thung lũng Anio, gần núi Subiaco.

Đối với thánh Biển Đức, ngài được thu hút đặc biệt bởi lối sống thích nghi với bản văn nổi tiếng của ngôn sứ Ôsê: "Ta sẽ quyến rũ ngươi, đưa ngươi vào sa mạc và nói với lòng ngươi" (Hs 2,16). Bao giờ ngài cũng xem nơi thinh lặng và cô tịch như là nơi cần thiết cho một tình yêu mật thiết với Thiên Chúa, để cởi mở đối với sự hiện diện của Ngài.

Hơn nữa, đối với ngài: "Lạy Chúa, đối với Chúa, thinh lặng cũng trở thành lời ca ngợi" (TV 64). Vậy nên, từ những nhà ẩn sĩ đầu tiên trong sa mạc đến các đan sĩ và nữ đan sĩ ngày hôm nay, hàng nghàn người nam người nữ đã biểu lộ sự lựa chọn của họ đối với nơi cô tịch và thinh lặng, không phải vì chính nơi cô tịch và thinh lặng, nhưng để tìm kiếm một Thiên Chúa thinh lặng nơi cô tịch.

4. Thánh Phanxico Assisi


Khi nói đến thánh Phaxico là nói đến vị thánh của thinh lặng nghèo khó giống như Chúa Giêsu. Cho nên người ta mới gọi ngài là Phanxico khó khăn. Ngài sinh khoảng năm 1181, tại thành phố Assisi nước Ý. Là con trai của một thương gia buôn vải giàu có. Phanxicô luôn vận những bộ áo sang trọng nhất và tiêu tiền cách tự do. Phanxicô rất được bạn bè quý chuộng vì ngài năng dành nhiều thời gian và tiền bạc, để mở tiệc thết đãi bạn bè. Nhưng nhờ ơn Chúa, ngài mới nhận ra mình đã phung phí quãng thời giờ quý giá. Ngài ý thức được rằng mình phải phục vụ Giêsu. Phanxicô bắt đầu gia tăng cầu nguyện và làm nhiều việc hy sinh để trưởng thành trong đời sống tâm linh. Thánh nhân thường bố thí tiền bạc cho những người nghèo khổ. Có lần Phanxicô đã đổi bộ áo của mình để lấy bộ áo tơi tả của một người nghèo khó. Phanxicô Assisi muốn thực sự cảm nghiệm cái nghèo cùng cực của người ấy. Phanxicô cũng chăm sóc những người bệnh hủi trong một bệnh viện gần đó. Dẫu vậy, thánh nhân vẫn cảm thấy cần phải làm nhiều việc hơn nữa.

Ngài là "hiệp sĩ" của "Đức Mẹ Người Nghèo," và thánh nhân bắt đầu sống như một người hành khất. Lương thực mà Phanxicô dùng hằng ngày là những thứ người ta bố thí cho ngài. Nơi nào đi qua, thánh Phanxicô Assisi cũng đều van xin người ta đừng phạm tội và hãy sám hối trở về với Thiên Chúa. Chẳng bao lâu, nhiều người bắt đầu nhận thấy người đàn ông nghèo khổ này sống thật tha thiết với Thiên Chúa, và họ đã xin được làm môn đệ của ngài. Đây là lý do mà đại gia đình dòng Phanxicô gồm các anh em linh mục, tu sĩ, nữ tu và dòng Ba hình thành. Họ giúp đỡ những người nghèo khổ và rao giảng khắp nơi. Ngay cả sau khi hội dòng đã lan rộng ra khắp nước Ý, Thánh Phanxicô Assisi cũng luôn khuyên dụ con cái mình hãy cố gắng đừng sở hữu bất cứ của gì. Thánh nhân mong muốn các tu sĩ và các linh mục thuộc dòng của ngài hãy thực sự yêu mến đức khó nghèo như ngài.

Thánh Phanxicô Assisi đã sống Tin mừng cách hoàn hảo và rất vui sướng. Ngài đã rút lui vào trong núi cô tịch và thinh lặng, để cố gắng biến đời sống mình thành bản sao sống động giống Đức Giêsu. Sau một thời gian sống ẩn dật trong cô tịch và thinh lặng, như một phần thưởng dành cho tình yêu lớn lao của Thánh Phanxicô, Chúa Giêsu đã ban cho thánh nhân được mang năm Dấu Thánh của Chúa trên tay, chân và cạnh sườn. Sự kiện này xảy ra ngày 14 tháng 09 năm 1224, hai năm trước lúc Thánh Phanxicô về trời.

Về cuối đời, Thánh Phanxicô Assisi phải đau nặng. Nhưng với tinh thần vui tươi, Phanxicô Assisi đã chào đón cái chết như một người chị. Trên giường bệnh, ngài vui vẻ đón nhận đau khổ trong thinh lặng của Thiên Chúa. Cho dù bệnh nặng, nhưng tâm hồn ngài vẫn luôn thinh lặng bình an. Chính thái độ thinh lặng này đã giúp ngài trở thành khí cụ bình an của Chúa khi sáng tác bài hát Kinh hòa bình.

Thinh lặng khó nghèo và hủy mình ra không theo gương Chúa Giêsu của thánh nhân còn được thể hiện qua việc ngài đã xin anh em, khi ngài chết, thì đặt thân xác của ngài trên nền đất và chỉ phủ một tấm áo dòng cũ. Như vậy, ngài đã thật sự trở nên thinh lặng nội tâm trong thinh lặng khó nghèo, thinh lặng bình an và thinh lặng tha thứ.

ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Đấng Đáng Kính, kể lại giai thoại về thánh Phanxicô rằng: Vào dịp thánh nhân qua Toà thánh để xin phê chuẩn luật dòng anh em hèn mọn, Đức Thánh Cha thân mật hỏi ngài:

– Con có bao giờ thấy Chúa chưa?

+ Con vừa thấy đêm qua.

– Người có nói gì với con không?

+ Người và con bên nhau suốt đêm không nói gì. Tuy nhiên, cứ mỗi lúc con nói "Cha" với Người, thì Người trả lời lại với con: "Con của Ta". Cứ thế, chẳng có gì hơn cho đến lúc trời sáng.

Qua đó, chúng ta thấy thánh nhân có những khoảnh khắc nên một với Chúa trong thinh lặng tuyệt đối. Thao thức của Chúa cũng là thao thức của ngài, đam mê của Chúa cũng là đam mê của ngài.

Thánh Phanxicô Assisi về trời ngày mùng 3 tháng Mười năm 1226. Chỉ một thời gian ngắn sau khi qua đời, Phanxicô Assisi được Đức Thánh Cha Hônôriô III tôn phong lên bậc Hiển Thánh.

5. Ignatio de Loyola


Thánh Ignatio sinh tại Loyola vào năm 1491, trong một gia đình quí tộc xứ Basque của Tây Ban Nha. Inhaxiô là người em út trong số 13 người con. Thời niên thiếu, Ignatio được nhà vua chọn làm người hầu cận, tiếp đến là chiến sĩ trong quân đội hoàng gia.

Ignatio là một vị đại thánh cho Giáo Hội và một nhân cách lớn cho xã hội. Ngài là một thiên tài trong lịch sử loài người. Nơi ngài, ân sủng và tự nhiên hòa hợp cách mỹ mãn, để biến đổi một hiệp sĩ đầy tham vọng thế tục thành một vị thánh vĩ đại bước theo Chúa Kitô, xây dựng Vương Quốc Thiên Chúa và phục vụ mọi người. Thật khó mà mô tả đầy đủ những đức tính phong phú và có phần đối nghịch của Inhaxiô: hăng hái nhưng biết kềm chế; dũng cảm, quyết tâm, nhưng đơn sơ, cẩn trọng; mạnh mẽ, cương nghị nhưng dịu dàng, yêu thương. Một con người của những khát vọng lớn lao. Cả những tham vọng, đam mê thế tục.

Trước khi hoán cải, ngài phục vụ vua chúa trần gian, tìm kiếm danh vọng cho bản thân. Sau khi hoán cải, cũng với khát vọng và hoài bão lớn lao cố hữu, nhưng được thanh luyện, để không còn tìm kiếm cho chính mình, mà tìm vinh danh Thiên Chúa và cứu rỗi các linh hồn.

Điều đặc biệt ở đây, thánh Ignatio đích thực là một nhà thần bí. Thật vậy, vào năm 1522, được thấy Mẹ Thiên Chúa trong một thị kiến, ngài thực hiện cuộc hành hương đến đan viện dòng Biển Đức ở Monserrat. Ở đây, ngài xưng thú tội lỗi, mặc áo nhặm và đặt thanh gươm trên bàn thờ Đức Maria, thề hứa sẽ trở nên một hiệp sĩ cho Đức Mẹ. Trong khoảng thời gian một năm, ngài sống trong sa mạc Manresa, có khi thì ở với các tu sĩ Đa Minh, có khi thì ở nhà tế bần, nhưng lâu nhất là sống trong một cái hang ở trên đồi để cầu nguyện với Chúa trong thinh lặng. Chính trong thời gian sa mạc cô tịch và thinh lặng này mà thánh nhân đã được hoán cải hoàn toàn. Với Ignatio, linh thao là con đường thiêng liêng đặc biệt và ngài bắt đầu một công trình mà sau đó rất nổi tiếng, đó là cuốn "Những Thao Luyện Tâm Linh", gọi tắt là "Linh thao". Đây là một tập bút ký, nơi đó Thánh Ignatio ghi lại những kinh nghiệm thiêng liêng quan trọng của riêng mình, bắt đầu từ năm 1522, trong thời gian ẩn dật, khổ hạnh và chuyên tâm cầu nguyện tại sa mạc Manresa, tức là một năm sau cuộc hoán cải đổi đời. Theo sách Tự thuật, "Khi nhận thấy kinh nghiệm thiêng liêng này có thể giúp ích cho kẻ khác, ngài đã viết thành sách." Nhưng ngài không nhắm đến việc khai triển thành một quyển sách có hệ thống và mạch lạc. Ngài chỉ muốn thu thập những yếu tố quan trọng của kinh nghiệm làm thành một cẩm nang thực hành hay một phương pháp tìm Chúa. Cách chính xác, đó là cách tìm kiếm ý muốn Thiên Chúa trên cuộc đời mình.

Đích điểm nhắm tới của Linh thao là dẫn đưa con người vào trong sa mạc cô tịch và thinh lặng, để con người cầu nguyện, chiêm niệm, đồng thời xét mình, chay tịnh... để nhờ đó mà con người đối diện với chính mình và với Chúa. Trong sa mạc Manresa, thánh Ignatio đã sống tuyệt đối thinh lặng trong cầu nguyện chiêm niệm và chay tịnh. Ngài đã đối diện với Thiên Chúa, một Thiên Chúa thinh lặng, nhưng luôn luôn sẵn sàng lắng nghe những gì mà ngài cầu xin.

6. Thánh Têrêsa Avila


Thánh nữ Têrêsa Giêsu hay còn gọi là Têrêsa Avila, sinh ngày 28 tháng 03 năm 1515, tại Avila, nước Tây Ban Nha và mất năm 1582. Ngài là một người phụ nữ, một vị thánh, một nhà thần bí và một tiến sĩ Hội Thánh. Thánh nữ được biết đến nhiều nhất qua việc cải tổ vĩ đại dòng Camelo cùng với thánh Gioan Thánh Giá bằng chọn lựa trở về với bộ Thể Lệ Sống nguyên thủy của Nhà Dòng. Ngài cũng được biết đến qua những tác phẩm sâu sắc về đời sống nội tâm. Đỉnh cao của hành trình nội tâm được thánh nữ diễn tả là một cuộc kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa bằng cầu nguyện chiêm niệm trong thinh lặng tuyệt đối.

Tác phẩm thần bí nổi tiếng nhất của Têrêsa là "Lâu Đài Nội Tâm" (El Castillo interior). Đây quả thật là một câu chuyện về đời sống siêu nhiên của thánh nữ. Bằng những hình ảnh và sự tưởng tượng tài tình, Têrêsa đã hướng dẫn chúng ta đi vào bên trong tâm hồn của thánh nữ, để rồi nói với ta về mối liên hệ mật thiết giữa thánh nữ và Thiên Chúa trong thinh lặng nội tâm. Chúng ta sẽ lướt qua nội dung tác phẩm thần bí này, để qua đó, chúng ta nhận thấy thánh nữ quả thật là người hùng của thinh lặng.

Thật vậy, Têrêsa quan tâm đến cấu trúc của một lâu đài như là một quả địa cầu bằng thủy tinh với bảy cư sở. Mỗi cư sở có nhiều căn phòng như hình ảnh của nội tâm con người. Thánh nữ gọi linh hồn, hay là con người là nhân vật chính của câu chuyện, và mời gọi con người ấy làm một cuộc hành trình đi vào trung tâm của lâu đài, theo như lời thánh nữ nói, là nơi Nhà Vua đang ngự trị.

Bầu khí xung quanh lâu đài thật là lạnh lẽo và tối tăm, những vùng đất bao quanh thật hiểm trở đầy những rắn rết và những loài cầm thú nguy hiểm. Một khi con người tiến vào lâu đài, bóng tối đã nhường chỗ cho ánh sáng, chỉ còn cô tịch, thinh lặng và những cảm giác rực rở ấm áp dường như phát xuất từ phía bên trong chúng ta. Để đến được với Nhà Vua, người ta phải đi qua nhiều phòng.

Cư sở thứ nhất gồm những căn phòng trên phía bề mặt quả địa cầu, là những chặng đường trên lộ trình tiến về chính điện của lâu đài. Thánh nữ nói cho chúng ta nghe về câu chuyện của thánh nữ bằng những hình ảnh của cuộc hành trình đi vào cái lâu đài vĩ đại này để tìm kiếm Nhà Vua tại chính điện của lâu đài. Cầu nguyện chính là cánh cửa dẫn đến lâu đài và cũng chính cầu nguyện dẫn thánh nữ qua những cư sở khác nhau để tiến về gian phòng của Nhà Vua. Mối liên hệ của thánh nữ với Thiên Chúa được hình thành qua những kinh nghiệm của thánh nữ với những niềm vui, sự bình an, nỗi niềm khắc khoải, sự thoả mãn cũng như nỗi thất vọng, sự trống vắng cũng như sự vươn lên tiến gần hơn tới Thiên Chúa.

Cư sở thứ hai, thánh nữ nói rằng ở đây con người có thể nghe tiếng Chúa một cách thân mật hơn. Đây là một sự thách đố cá nhân, khi họ bước vào sự kết hiệp với Chúa một cách mật thiết hơn, với lời mời gọi của Thiên Chúa là phải nỗ lực nhiều hơn trong cuộc sống tâm linh của họ. Têrêsa nói rằng, trong giai đoạn này, mỗi khi nghe được tiếng gọi của Chúa sẽ bị thử thách nhiều hơn là khi không nghe tiếng Ngài. Bởi vì tiếng gọi ấy thường làm xáo trộn đời sống con người, khiến con người không còn đặt trọng tâm cuộc sống nơi cá nhân họ, để rồi họ sẽ thấy rõ hơn những gì đáng được xem là ưu điểm cho cuộc sống của họ.

Cư sở thứ ba là nơi để chiếm hữu được một sự bình an nội tâm sâu xa hơn. Sự cầu nguyện trong thinh lặng sẽ trở thành một phần của cuộc sống hằng ngày cho những con người thành tâm tìm kiếm một sự kết hợp thân mật hơn với Thiên Chúa. Thánh Têrêsa nói rằng có rất nhiều người trưởng thành đang sống trong giai đoạn này. Những người này có một cuộc sống tương đối bình an và ổn định. Họ đặt vấn đề cầu nguyện và bí tích lên cao trong cuộc sống của họ và chú tâm nhiều hơn trong những việc phục vụ anh chị em mình.

Cư sở thứ tư, đối với thánh Têrêsa, là giai đoạn của đổi mới. Con người được mời gọi chuyển từ cuộc sống cầu nguyện chủ động bước sang một cuộc sống cầu nguyện có tính cách thụ động hơn. Để phân biệt giữa lối suy niệm chủ động được dùng nhiều trong ba cư sở đầu tiên với sự nguyện gẫm thinh lặng trong cư sở thứ tư này, thánh Têrêsa đã dùng lối so sánh ẩn dụ của hai kiểu máng nước. Kiểu thứ nhất phải tốn nhiều năng lực bằng sự thiết kế những ống dẫn nước, trong lúc kiểu thứ hai nhẹ nhàng hơn vì phát xuất từ nguồn suối nước. Kiểu thứ nhất là lối suy niệm chủ động và kiểu thứ hai là sự nguyện gẫm thinh lặng. Tuy nhiên, đó là ơn Chúa ban chứ không do ta luyện tập. Thường thì đó là phần thưởng Chúa dành cho những người đã kiên trì cố gắng xây dựng cho mình sự thinh lặng nội tâm. Thánh nữ nhấn mạnh đến điều cần ghi nhớ ở đây là sự kiên trì của thân phận con người mà Thiên Chúa nhập thể đã mặc lấy. Cần quảng đại ngay nơi những điều nhỏ của giây phút hiện tại.

Cư sở thứ năm là thời gian củng cố cách cầu nguyện thụ động này, để nó sẽ trưởng thành, như danh từ thánh nữ dùng, một lời cầu nguyện của sự kết hợp: "Linh hồn sẽ được hưởng tất cả những gì nó muốn, bởi vì lúc ấy nó chỉ muốn điều Chúa muốn" (2M 8). Thánh nữ diễn tả hình thức cầu nguyện này, mà thông thường con người không thể hiểu hết được bởi vì sự kết hợp với Thiên Chúa bao giờ cũng ngắn và gọn. Nó giống như là cùng chết với Chúa Kitô và cùng sống lại với Ngài trong cuộc sống mới.

Cư sở thứ sáu là một biểu tượng của một sự dấn thân sâu đậm hơn trong đời sống chiêm niệm và trong sự cầu nguyện kết hợp nói trên. Đây là thời gian để lột xác con người mình qua nhiều thử thách khác nhau, bên trong cũng như bên ngoài. Têrêsa diễn tả về giai đoạn này của cuộc sống thánh nữ như là một lễ đính hôn và như là thời gian chuẩn bị cho hôn lễ. Nó như là đêm đen của thần khí gom góp tất cả những khổ đau đi vào cuộc sống siêu nhiên của một cuộc lữ hành tiến dần về chính điện của lâu đài.

Cư sở thứ bảy sẽ có một cuộc đối thoại đổi mới với Thiên Chúa. Tại chính điện của lâu đài, thánh Têrêsa đã nói đến một thị kiến tri thức về Chúa Ba Ngôi, và một thị kiến tưởng tượng về Chúa Giêsu dang hướng dẫn cuộc hành trình nội tâm này đi tới hồi kết. Thánh nữ diễn tả sự hội nhập này như là nước mưa chan hoà rơi xuống một dòng sông, sự kết hợp của nước đã hoàn thành. Và thật là mâu thuẫn, bởi vì chính việc đạt tới đích điểm là nơi chính điện của lâu đài lại càng thôi thúc con người dấn thân sâu xa hơn vào việc phục vụ mọi người.

Như vậy, tại cư sở thứ bảy này, con người hoàn toàn hiệp thông với Thiên Chúa trong thinh lặng, trong đó chúng ta chỉ ngắm nhìn Thiên Chúa, trong đó chúng ta để cho Người ngắm nhìn chúng ta và bao bọc chúng ta trong mầu nhiệm của sự diễm lệ và tình yêu của Ngài.

7. Thánh Gioan Thánh giá


Gioan de Yepes sinh ngày 24 tháng 6 năm 1542, tại Fontiveros, gần Avila thuộc Tây Ban Nha. Lúc 12 tuổi, Gioan được học đọc, học viết với các nữ tu ở Medina del Campo. Đức bác ái của ngài bao la: từ hồi còn niên thiếu, ngài đã dùng giờ rảnh để phục vụ các bệnh nhân ở nhà thương, dầu vẫn theo học văm phạm và triết học nơi các cha dòng Tên. Năm1563, Gioan gia nhập dòng Carmêlô và năm sau được gửi học tại đại học Salamanca. Năm 1567 ngài thụ phong linh mục ở Medina và đã gặp thánh nữ Têrêsa Avila. Thánh nữ đã khuyên ngài thực hiện việc cải tổ dòng Camêlô như thánh nữ đang làm. Thánh nữ nói với ngài: "Đây là công trình đòi hy sinh và máu. Tôi không biết cha sẽ phải chịu khổ tới đâu nhưng chắc chắn cha phải chịu khổ".

Gioan trở thành người con thiêng liêng của người nữ tu Camêlô này. Cha 25 tuổi và chị 52 tuổi. Chị gửi cha đến với hai người bạn ở Duruelô trong cảnh cô tịch và thinh lặng. Đây là nguồn gốc của dòng Camêlô canh tân đi chân không, ngài lấy tên là Gioan Thánh Giá. Sự nghèo túng thật khủng khiếp, ngài chỉ sống bằng cỏ, nhưng vẫn dùng những khúc ca tạ ơn Chúa vì đã chỉ cho biết phải sống và cư xử cách nào. Ngài hành động cách khác thường trên những người chung quanh, giải thoát họ khỏi những việc hư hỏng, tạo cho họ một lòng yêu thích hy sinh.

Sau khi chống lại đoàn thể các tu sĩ Camêlô ở Alcala de Hélenrés, ngài trở thành tuyên úy của tu viện Avila trong 5 năm và thánh nữ Têrêsa giới thiệu với con cái mình: "Cha là vị thánh".

Sự thánh thiện của Gioan vượt quá nhiều người và trở nên khó hiểu, sự canh tân khiến ngài bị tố cáo là nổi loạn. Các thầy dòng Camêlô chước giảm chống lại các thày dòng Camêlô đi chân không. Cuối cùng, sau những nhục mạ dữ dội, ngài bị cầm tù ở Tolêđô. Người ta đối xử cứng rắn với ngài, ba lần mỗi tuần họ đưa ngài tới nhà cơm và đánh đập không nương tay. Nhưng ngài cảm thấy đang đi đúng đường Chúa muốn và tạ ơn Chúa vì đã chịu được hạ nhục và chịu khổ cực. Những bắt bớ tăng thêm đức tin và lý tưởng của ngài. Đáp lại, ngài yêu mến nhiều hơn và trong hầm tối thiếu khí trời, ngài trước tác những vần thơ bí nhiệm làm thành cuốn "Thánh ca thiêng liêng" (cantiques spirituelles).

Được 9 tháng, thì thánh nhân vượt ngục. Trước khi đến tu viện định tới, ngài dừng lại trong một dòng nữ. Ngài nghe một nữ tu ca hát về "hạnh phúc của đau khổ" và bỗng ngài phải bám chặt vào cửa sắt nhà khách. Ngài đã xuất thần. Ý tưởng được chịu khổ vì Chúa đã làm cho ngài cả thấy dư tràn hạnh phúc. Phép lạ này trong tâm hồn, như muốn lôi kéo cả thân xác đổi mới theo... thánh Têrêsa nói: "Không có cách gì để nói về Thiên Chúa với cha Gioan Thánh Giá. Ngài xuất thần ngay và lôi kéo người khác theo".

Một ngày kia quỳ bên song sắt, thánh nữ nghe cha nói về Chúa Ba Ngôi, thì Thánh Linh như muốn nâng ngài lên. Khiêm tốn, ngài nắm lấy tay vào thành ghế. Nhưng hoạt động thần linh đã nâng ngài lên tới trần nhà. Têrêsa ở trước mặt ngài cũng xuất thần và bay bổng. Một nữ tu tiến vào, cảm kích và cảnh tượng vội đi gọi các nữ tu khác đến chiêm ngưỡng cả hai vị thánh được Chúa chúc phúc.

Sự trong trắng của thánh nhân đã tạo cho ngài một quyền năng trên quỉ thần. Ngài đã giải thoát nhiều người bị quỉ ám. Người ta nói rằng, bằng những dấu thánh giá ngài dẹp tan cơn bão, bằng lời nguyện, ngài dập tắt một hỏa hoạn. Các thú vật quí mến ngài. Để giữ mình trong sạch, thánh nhân tự nhận lấy đau khổ, nhưng lại rất thương cảm những đau khổ của người khác. Ngài còn tế nhị hơn nữa đối với những đau khổ tinh thần mà ngài gọi là "đêm tối của tâm hồn". Nhưng ngài hiểu rằng, những đau khổ này thanh tẩy tâm hồn rất nhiều. Không kết hợp với Chúa được nếu không có khổ hạnh trong tâm hồn.
Như vậy, để trở thành một nhà thần bí, Gioan đã phải chìm đắm trong cô tịch và thinh lặng nội tâm một cách tuyệt đối. Ngài đã phải cầu nguyện liên lỉ và chay tịnh. Thánh nhân đã sống mật thiết với Thiên Chúa bằng thinh lặng tình yêu: "Ngôn ngữ mà Thiên Chúa thích nghe nhất là ngôn ngữ của tình yêu thinh lặng".

Thánh nhân đã trở nên thinh lặng trong Thiên Chúa, khi mà người ta đánh đập ngài không nương tay. Đàng khác, ngài cảm thấy đang đi đúng đường Chúa muốn và tạ ơn Chúa vì đã chịu được hạ nhục và chịu khổ cực. Ngài đã thực hành khổ hạnh trong thinh lặng. Kinh nghiệm về sa mạc thể lý hay nội tâm đã làm cho ngài đụng chạm đến một phần nhỏ bé của sự thinh lặng sâu thẳm nơi Thiên Chúa và ngài như bị cuốn, tan biến trong thinh lặng của Thiên Chúa.

Với thánh Gioan Thánh giá, thinh lặng, trước hết, là thái độ tích cực của người sẵn sàng đón Chúa bằng việc lắng nghe. Bởi vì Chúa hoạt động trong thinh lặng. Vì thế, ngài đã nói rất chí lý: "Chúa Cha chỉ nói một lời, đó là Chúa Con, và trong thinh lặng vĩnh cửu, Người luôn nói lời ấy: tâm hồn cũng phải lắng nghe trong thinh lặng".

8. Thánh Gioan M. Vianney


Ngài sinh ngày 08 tháng 05 năm 1786, tại Dardilly, gần Lyon, nước Pháp. Ngài là một linh mục dốt nát, quê mùa cho nên được bề trên bài sai về coi sóc họ đạo Ars, một vùng quê xa xôi, hẻo lánh thuộc miền Nam nước Pháp. Tại đây, ngài sống trong cô tịch và thinh lặng.

Nhưng chính nơi cô tịch và thinh lặng này đã làm cho cuộc đời và hoạt động của Gioan Maria Vianney phản chiếu tuyệt vời những khía cạnh của Vị Mục Tử tối cao là Đức Giêsu. Ngài biết con chiên và con chiên biết ngài. Ngài yêu thương con chiên và hết lòng lo cho họ. Là người lãnh đạo giáo xứ, ngài nhiệt thành hướng dẫn và dạy dỗ họ. Là thừa tác viên của lòng thương xót, ngài luôn là bạn của các tội nhân. Là mục tử của đàn chiên, ngài trở thành lễ vật của tình yêu cho họ. Tất cả đều nhằm đem sự sống và hạnh phúc đến cho con người. Mục tiêu này đã hé mở và được xác quyết ngay trong câu nói đầu tiên của ngài vào ngày đến xứ Ars. Sau khi cám ơn một em chăn cừu đã chỉ đường cho mình, ngài nói với em: "Con đã chỉ cho cha đường về xứ Ars, cha sẽ chỉ cho con đường về quê trời".

Những hoạt động biểu lộ lòng bác ái mục vụ sâu xa của cha Gioan thì rất nhiều. Nhưng chỉ cần nhìn vào một công việc thôi cũng đủ cho thấy lòng bác ái ấy vĩ đại đến như thế nào. Đó là công việc ngồi tòa, việc giải tội. Nhiều người coi đây là chương đẹp đẽ nhất trong cuộc đời của cha thánh, là hoạt động sáng chói nhất trong nhiệm vụ của một mục tử.

Hồi còn trẻ, lúc mà chức linh mục mới chỉ là điều mơ ước, Gioan Maria Vianney đã có một tâm nguyện: "Nếu một ngày nào đó tôi được làm linh mục, tôi sẽ đưa nhiều linh hồn về cho Chúa". Một khi làm linh mục, ngài đã thực hiện tâm nguyện ấy, và một trong những phương tiện ngài sử dụng là tòa giải tội. Chính tòa giải tội đã giúp ngài nhiều nhất trong việc đưa các linh hồn về cho Chúa. Chính tòa giải tội là nơi thể hiện rõ nhất lòng thương xót của Chúa cũng như của ngài đối với các chiên lạc. Chính tòa giải tội đã thu hút biết bao nhiêu người tìm đến với xứ Ars, để được ban ơn tha thứ cứu độ. Chính tòa giải tội, với hàng hàng lớp lớp tội nhân vây quanh, là phép lạ lớn nhất trong cuộc đời của vị thánh.

Các chứng nhân cho biết rằng, có nhiều ngày người cha tinh thần của họ đã ngồi tòa 18 giờ. Trong mùa đông, từ tháng 11 đến tháng 3, số khách hành hương ít hơn, ngài vẫn ngồi tòa 11-12 giờ. "Ngài chỉ rời khỏi đó khi đã làm hài lòng hầu như mọi người". Vào thời kỳ cao điểm, bình quân mỗi ngày có từ 300 đến 400 người xếp hàng xưng tội. Công việc vất vả và liên tục trong 30 năm này đã làm cho ngài kiệt lực, đến nỗi có lần ngài tự thú: "Khi tôi rời tòa giải tội, tôi phải lấy tay sờ vào đùi xem nó có còn ở đấy không. Đôi khi ra khỏi nhà thờ, tôi phải vịn vào tường mà đi cho khỏi ngã. Đầu tôi nặng trĩu. Thực sự tôi đã không biết mình chống lại như thế nào". Cho tới cuối đời, ngài vẫn dành tất cả sức cùng lực kiệt để cứu tội nhân.

Những tội nhân này là ai? Đủ mọi hạng người. Giám mục có, linh mục có, tu sĩ có, giáo dân có, sang hay hèn, học thức hay dốt nát, đều có tất. Họ kéo đến từ khắp nơi trong nước Pháp, kể cả từ Paris hoa lệ. Ở nhà ga Lyon, có loại vé tầu lửa riêng đi Ars, có giá trị trong 8 ngày, vì để có thể xưng tội, phải chờ đợi mấy ngày là chuyện thường. Cũng ở Lyon, mỗi ngày còn có những xe lớn chở khách hành hương đến Ars. Hầu hết đến đây vì thật lòng hoán cải, nhưng cũng có một số đến vì tò mò, hoặc miễn cưỡng đến vì một lý do nào đó, rồi cuối cùng cũng bị khuất phục. Sở dĩ thế vì họ được gặp không phải một cha sở bình thường, mà là một mục tử sẵn sàng làm mọi sự để giúp họ ăn năn trở lại mà được sống. Đức Thánh Cha Pio XII đã nói về ngài rất chính xác rằng: "Một chuyên viên thành thạo nhất về các tội nhân".

Đương nhiên sự thành thạo này không thể có được nơi một con người như Gioan Maria Vianney, học hành kém cỏi, trí thức còn chưa được xếp vào loại "thường thường bậc trung" nữa. Đây là ơn của Chúa Thánh Thần ban cho một mục tử thánh thiện dám sống chết với các tội nhân. Không khoan nhượng với tội lỗi, nhưng lại hết lòng yêu thương kẻ có tội. Trung thành với mục tiêu đặt ra từ đầu, Gioan đã suốt đời tận tụy với công việc này.

Người ta thường nói về việc giải tội đến độ anh hùng của ngài, mà có khi quên đi những việc khác cũng phát xuất từ tấm lòng của một người rất mực yêu thương kẻ có tội.

Trước hết là cầu nguyện cho họ. Xen lẫn với kinh nguyện hằng ngày, ngài thường khóc lóc mà thưa với Chúa đại khái: "Lạy Chúa, Chúa không muốn kẻ có tội phải chết... Những người có tội thật đáng thương. Ước gì con có thể thú tội thay cho họ". Một người thân tín nói với ngài: "Cha cầu nguyện cho họ ít đi một tí được không? Thấy cha vất vả đau khổ quá!", thì được trả lời: "Biết sao được. Cha đã hứa cầu nguyện cho họ, cha không thể bỏ...". Lần khác ngài tâm sự: "Tôi chỉ thực sự là tôi khi tôi cầu nguyện cho những người tội lỗi".

Điều đáng khâm phục hơn nữa là không những cầu nguyện cho họ mà ngài còn đền tội thay cho họ. Những hy sinh hãm mình thường là để chống lại những cám dỗ của Satan, những khuynh hướng xấu, những yếu đuối của con người xác thịt, mà không ai tránh khỏi, thì đối với ngài, còn là để đền bồi tội lỗi của biết bao nhiêu người. Trong những năm cuối đời, do ảnh hưởng của một số người, nhất là quan điểm khoan hòa trong thần học luân lý của Anphong Liguori, ngài thường ra việc đền tội nhẹ cho hối nhân, vì lòng nhân từ thương xót cũng có, vì không muốn cho những người đã quá vất vả phải vất vả thêm cũng có, nhưng nhất là vì như ngài nói: "Tôi ra việc đền tội nhẹ cho họ, phần đền tội còn lại, tôi sẽ làm thay". Và ngài làm thay bằng chính sự khổ chế của mình. Tất nhiên, không phải lúc nào cũng vậy. Đối với những lỗi nặng mà cứ tái phạm mãi, ngài bắt hối nhân phải làm những việc đền tội nặng, để họ chứng tỏ sự chân thành và quyết tâm sửa đổi, hầu đem lại lợi ích cho chính họ.

Đối với những tội nhân cứng lòng, ngài tìm hết cách giúp họ thống hối: gặp gỡ, khuyên nhủ, khi nặng khi nhẹ, và ngay cả bằng nước mắt. Nước mắt và Thánh giá, nhờ ngài, có thể làm cho một trái tim chai đá trở thành trái tim thịt mềm. Có người lúc trước đã trả lời thẳng thừng: "Tôi không muốn xưng tội", hoặc: "Tôi không đến đây để làm cái chuyện đạo đức của mấy bà". Mặc kệ. Cuối cùng tất cả đều quỳ xuống dưới chân ngài và xưng thú. Chúa đã ban cho ngài một trực giác lạ lùng để nhận ra giữa đám đông hoặc giữa những người đi qua, ai là kẻ cần được đưa về với Chúa nhất để giúp họ, trước sự ngạc nhiên của chính họ. Do đó mà khi có người buột miệng hỏi: "Mỗi năm cha bắt được bao nhiêu cá lớn?", ngài có thể trả lời ngay, không lưỡng lự: "Hơn 700". Không nhớ con số sao được đối với những con cá như thế!

Một dù vất vả ngồi tòa và có những chuyện dễ làm người ta bực mình, nhưng ngài thì không. Ngược lại, ngài tỏ ra đặc biệt nhẫn nại. Đây là một trong những đức tính nổi bật nhất nơi ngài. Một linh mục đã nhận xét: Tôi đã từng quan sát kỹ xem ngài có tỏ ra bất nhẫn bực tức lúc nào không mà không thấy. Đem chuyện này hỏi ngài thì được ngài trả lời: "Phải nhẫn nại mới có thể cho cái người ta cần chứ! Bất nhẫn thì được cái gì?" Ngài cũng nói với một cha bạn: "Hãy học tập sự nhẫn nại của Chúa".

Cùng với sự nhẫn nại là thái độ hiền hòa, tế nhị, kính trọng đối với hối nhân, bất kể là ai. Có linh mục sa ngã nặng đến xưng tội vẫn được ngài yêu mến, kính trọng. Lời khuyên dành cho Đức Giám mục giáo phận đến xưng tội với ngài là: xin Đức cha hãy yêu thương các linh mục của Đức cha. Dù có đông người xếp hàng bên tòa giải tội, ngài vẫn dành cho mỗi người một thời gian cần thiết, bởi người nào cũng có vấn đề riêng của mình. Ngài không khuyên dài, nhiều khi chỉ một lời thôi, nhưng là lời làm cho hối nhân phải động tâm suy nghĩ, một lời tác động mạnh trên họ có khi cả đời. Chính sự thánh thiện và yêu thương đem lại sức mạnh và hiệu năng cho lời đó.

Như vậy, để trở thành một mục tử tốt lành giống như Chúa Giêsu, thì cha Gioan đã phải trải qua một đời sống sa mạc cô tịch và thinh lặng nội tâm khủng khiếp tại họ đạo Ars. Đời sống của ngài vô cùng giản dị và khó nghèo. Lương thực duy nhất nuôi sống phần xác của ngài là khoai tây. Ngài chỉ ăn một hoặc hai củ và chỉ ăn bữa trưa và tối mà thôi. Đêm nằm ngủ trên sàn nhà với 1 thanh gỗ gối đầu. Cầu nguyện liên lỉ và chay tịnh là món ăn tinh thần của ngài. Ngài cầu nguyện trong mọi nơi, mọi lúc. Đối với ngài, nơi đâu cũng là nơi cô tịch và thinh lặng để cầu nguyện gặp gỡ Thiên Chúa. Thánh Gioan Vianney, quả thật là con người của thinh lặng, vị chủ chăn vĩ đại của các tâm hồn.

9. Charles De Foucauld


Charles de Foucauld sinh ngày 15-9-1858, ở số 3 place de Broglie, tại Strasbourg. Ngày 13-11-2005, Cha được phong Chân Phước, một vị ẩn tu thánh thiện, chết như vị tử đạo, gương mẫu, có tinh thần truyền giáo mạnh mẽ rao giảng Tin Mừng bằng đời sống khó nghèo. Bước theo Chân Phước mới của Giáo Hội, các anh chị dòng Tiểu Đệ và Tiểu Muội đang lăn xả để làm nhân chứng đức tin giữa mọi tầng lớp dân nghèo. Đúng như tôn chỉ của Dòng: Chúa Kitô là Tình Yêu (Jésus est Caritas). Cuộc đời của thánh nhân đã trải qua 3 giai đoạn chính. Mỗi nơi, có nếp sống và cá tính riêng. Thật vậy, sau khi được hoán cải, anh Charles đã thực sự đi tìm đời sống ẩn tu khổ hạnh.

Trước hết, Ngài tìm Chúa qua Thánh tích ở Jérusalem, Bethlem, Nazareth (1888-1890). Tại đây, ngài tìm hiểu Chúa thâm sâu và đầy cảm nghiệm tình Chúa bao la. Ngài thay hẳn ý hướng cuộc đời và muốn tận hiến hoàn toàn cuộc đời cho Thiên Chúa Tình Yêu. Hoàn toàn bắt chước Chúa Giêsu Nazareth trong khó nghèo và vâng phục. Sau đó, ngài xin nhập tu Dòng Xitô Nhiệm Nhặt, Notre-Dame-des-Neiges, tại Pháp. Rồi ngài xin làm ẩn sỹ tại trước cửa Dòng Clara ở Nazareth, trong 4 năm. Ngài xin làm việc chân tay, không thù lao, ăn bánh mì, ngủ trên sàn đất và gối đầu bằng cục đá.

Sau khi chịu chức linh mục năm 1901, ngài xin Bề trên cho qua sống trong sa mạc miền khô cằn Bénis-Abbès, tại Algérie. Đời sống của Cha hoàn toàn như là "linh mục ẩn tu". Thức dậy từ 3 giờ sáng. Đọc kinh suy gẫm rồi đi vào sa mạc để tìm con chiên về với Chúa. Đời sống trong sa mạc, được Cha viết lại cho một đan sỹ: "Phải đi qua sa mạc và ở lại đó để nhận ân sủng của Thiên Chúa...Sa mạc này thật êm dịu đối với tôi: thật ngọt ngào và lành mạnh biết bao khi thấy mình trong cô tịch trước những thực tại vĩnh cửu!. Người ta cảm thấy mình được chân lý xâm chiếm, vậy nên đối với tôi việc lên đường rời nơi cô tịch và thinh lặng này thật là vất vả".

Sau đó, ngày 11-8-1905, Cha chuyển qua sa mạc Tamanrasset. Bắt đầu từ miền hoang vu nóng bỏng cát trắng. Những ngày tại sa mạc, Cha say mê tìm đến với những người du mục sống trong hoang địa, làm quen, học tiếng của họ. Cha đã dịch Phúc Âm ra tiếng Ả Rập. Ban ngày cha giúp đỡ họ những công việc cần và chiều tối một mình về nhà suy gẫm. Rồi một hôm, cha Charles một mình sống trong cô tịch và thinh lặng, thì có ba người đến gõ cửa. Khi cha vừa mở cửa, thì ngay lập tức, họ xông vào và kéo Cha ra ngoài. Họ trói hai tay Cha lại về phía sau lưng, bắt quỳ xuống và chất vấn. Nhưng cha vẫn thinh lặng giống như Chúa Giêsu trước sự tra tấn dã man của quân dữ. Cha Charles de Foucauld qua đời giữa cuộc thế chiến và đầy bạo loạn. Cha bị sát hại tại Hoggar, miền nóng bỏng của sa mạc Tamanrasset như một vị tử đạo năm 1916.

Đối với cha Charles, Phép Thánh Thể và Lời Chúa là nguồn mạch sinh động cho đời sống thiêng liêng kết hợp mật thiết với Thiên Chúa. Ngài đã liên tục cầu nguyện trước Thánh Thể Chúa: "Lạy Chúa Giêsu. Chúa đang ngự trong Phép Thánh Thể: Từ nhà tạm, Chúa chỉ xa con có một thước. Thân xác linh hồn, cả nhân tính của Thiên Chúa đang hiện diện nơi đó. Chúa đang ở bên con".
Còn về cầu nguyện, theo cha Charles, là nói truyện với Chúa, là hướng nhìn về Chúa trong thinh lặng, và tâm hồn chỉ biết chiêm ngắm Ngài. Trong ánh mắt chỉ lo yêu thương tỏ tình với Ngài. Mạc dầu đôi môi vẫn câm lặng và tư tưởng cũng không có. Lời cầu nguyện sốt sắng nhất là lời cầu nguyện có ẩn dấu nhiều tình yêu nhất.

10. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu


Thánh Nữ Têrêsa sinh tại Alencon bên Pháp năm 1873. Cha Mẹ ngài là ông bà Louis Martin và Zélie Guérin rất đạo đức. Ngài là nữ tu dòng kín tại Lisieux và qua đời lúc 24 tuổi. Chỉ 27 năm sau đó, Đức Pio XI đã tôn phong Têrêxa Hài Đồng Giêsu lên bậc hiển thánh và 2 năm sau ngài tôn thánh nữ làm bổn mạng các xứ truyền giáo, giống như thánh Phanxicô Xavie, Tông đồ miền Viễn Đông.

Ngày 19/10/1997, ĐGH J.P.II đã tôn vinh thánh nữ Têrêsa HĐGS lên bậc tiến sỹ Hội thánh. Khi nói đến tiến sỹ HT là phần lớn tất cả chúng ta thường nghĩ đến những vị thánh với những khả năng suy tư với những tư tưởng thần học thâm sâu và có tác động lớn trong đời sống của HT. Đúng là như vậy. Thế nhưng nếu thật sự là như vậy thì thánh nữ Têrêsa thì làm sao? Chính ĐGH J.P.II nói là thánh nữ không có học đại học, không hề viết một cái công trình nghiên cứu khoa học nào. Hơn nữa, thánh nữ chết khi mới có 24 tuổi. Vậy dựa vào đâu mà Hội thánh phong tiến sỹ cho thánh nữ?

Chúng ta biết rằng, để hiểu được mạc khải của Thiên Chúa, thì không chỉ có lĩnh hội bằng lý trí, mà còn hiểu bằng cả con tim nữa. Tương tự như vậy, thánh nữ nữ Têrêsa không chỉ lĩnh hội bằng cái đầu, mà bằng ngài còn lĩnh hội bằng cả trái tim: Trái tim tràn đầy tình yêu. Và chị thánh khám phá ra rằng: tất cả chân lý đức tin trong Hội thánh phải được nhìn trong ánh sáng của tình yêu, thì mới hiểu được sự phong phú tình yêu của những chân lý đức tin đó. Và chị thánh đã khẳng định rằng: Nếu không có tình yêu thì các thánh tông đồ không thể đi rao giảng Tin mừng; nếu không có tình yêu, thì các thánh tử đạo không thể đổ máu. Chỉ có tình yêu mới làm cho các chi thể trong Hội thánh hoạt động. Và chị thánh đã kêu lên: Ôi Giêsu, tình yêu của con. Ơn gọi của con là tình yêu. Trong lòng Hội thánh con là tình yêu. Cho nên Đức Giáo Hoàng Joan Paul II đã thánh nữ tiến rất sâu trong cái lãnh vực mà ngài gọi là scienzia amoris, nghĩa là khoa học tình yêu.

Như vậy, chúng ta mới hiểu được tại làm sao mà Giáo hội lại tôn vinh thánh nữ Têrêsa lên bậc tiến sĩ Hội thánh. Bởi vì chính Chúa Thánh Thần đã dẫn chị thánh đi thật sâu vào trong đời sống thiêng liêng. Ai trong chúng ta cũng biết cuốn sách: Một tâm hồn. Vừa mới xuất bản, thì đã có cả hàng triệu người đọc, dịch ra bao nhiêu thứ tiếng trên thế giới thời bấy giờ. Và cho đến ngày hôm nay, vẫn thu hút biết bao nhiêu tâm hồn, đem lại biết bao nhiêu hoa trái thiêng liêng.

Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là cái khoa học tình yêu đó của thánh nữ Têrêsa, ngài học ở đâu? Học ở trường học nào? Học ở đại học nào?

Câu trả lời chính xác, chắc chắn là chị thánh học ở ngôi trường nội tâm, mà chính Chúa Thánh Thần là thầy dạy tuyệt vời nhất. Thật vậy, chị thánh sống trong một đan viện Carmel tại Lisieux với bầu khí thinh lặng tuyệt đối, chìm đắm trong chiêm niệm, liên lỉ trong cầu nguyện, mở lòng ra như một trẻ thơ, để Chúa Thánh Thần dẫn đưa chị càng ngày càng đi sâu vào trong khoa học của tình yêu.

Chính Chúa Thánh Thần hướng dẫn, dạy dỗ thánh nữ trong thinh lặng thâm sâu của nội tâm. Người ta nói thinh lặng là quê hương của những tư tưởng lớn, bởi vì chỉ có trong thinh lặng chúng ta mới có thể dễ dàng trở về với chính mình, gặp gỡ chính mình, gặp gỡ Đấng mà thánh Augustino diễn tả là: Đấng ở trong tôi sâu hơn chính tôi. Đang khi đó con người ngày hôm nay lại quá ồn ào, thiếu thinh lặng cho nên sống hời hợt, sống không có chiều sâu.

11. Mẹ Têrêsa Calcutta


Mẹ Têrêsa có tên thật là Gonxha Bojaxhiu sinh ngày 26 tháng 8 năm 1910, tại Skopje, thủ đô nước cộng hòa Albani thuộc Macedonia. Ngày 05 tháng 9 năm 1997, Mẹ Têrêsa được Chúa gọi ra khỏi thế gian, tại thành phố Calcutta, Ấn Độ vì cơn bệnh tim đột ngột, sau hơn 50 năm phục vụ những người cùng khổ. Vào ngày 19 tháng 10 năm 2003, ngày Khánh nhật Truyền giáo, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong Chân phúc cho Mẹ Têrêsa, để nêu cao tấm gương là chứng nhân của Chúa trong sứ mạng dấn thân phục vụ người nghèo với một trái tim tràn đầy yêu thương. Và ngày 04 tháng 9 năm 2016 tại Roma, Đức Thánh Cha Phanxico đã tuyên phong Mẹ Têrêsa lên bậc hiển thánh.

Có thể nói rằng toàn bộ cuộc đời và công trình của Mẹ Têrêsa là một chứng từ cho niềm vui trong yêu thương, cho sự cao cả và cho phẩm giá của mỗi một con người, cho giá trị của từng việc nhỏ nhất được thực thi với đức tin và tình yêu, và trên hết, cho sự kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa trong thinh lặng.
Nhưng có một khía cạnh anh dũng khác của vĩ nhân này mà ta chỉ biết được sau khi Mẹ qua đời. Đây là một điều Mẹ dấu kín đối với mọi người, kể cả những thân hữu gần gũi nhất với Mẹ: Trong cuộc sống thinh lặng nội tâm, Mẹ có một cảm nghiệm sâu lắng, đau đớn và thường xuyên rằng Mẹ ở xa cách Chúa, thậm chí bị Người ruồng bỏ, và vì thế, Mẹ Têrêsa càng ngày càng khao khát được Chúa yêu thương nhiều hơn. Mẹ gọi cái cảm nghiệm thinh lặng nội tâm ấy là 'bóng tối'. Cái 'đêm đen cay đắng' này khởi sự từ ngày Mẹ bắt đầu công việc phục vụ người nghèo và tiếp tục mãi cho đến cuối đời, khiến Mẹ ngày càng kết hiệp mật thiết hơn với Chúa. Qua cái tối tăm đó, Mẹ tham dự một cách huyền nhiệm vào cơn khát cùng cực và đau đớn của Chúa Giêsu và chia sẻ tự thâm sâu sự khốn cùng của người nghèo.

Mẹ Têrêsa đã từng có một kinh nghiệm thâm sâu về sự thinh lặng. Cũng như thánh Têrêsa Avila, thánh Gioan Thánh Giá và Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, mẹ đã trải qua kinh nghiệm đau thương về sự thinh lặng của Thiên Chúa. Mẹ là một người nữ thinh lặng. Bởi vì Mẹ là một người cầu nguyện liên lỉ với Thiên Chúa. Mẹ muốn ở lại trong thinh lặng của Thiên Chúa. Người nữ tu này không thích nói nhiều và tránh xa những náo động, ồn ào của thế gian. Theo gương Chúa Giêsu, Mẹ sống thinh lặng, khiêm nhường, khó nghèo, hiền lành và bác ái. Mẹ thích ở lại lâu giờ trong thinh lặng trước Chúa Giêsu hiện diện trong Bí tích Thánh thể.

Khi nhìn ngắm Mẹ Têrêsa, chúng ta nhận thấy Mẹ có khuôn mặt khô cằn bởi những thinh lặng của Thiên Chúa. Nhưng Mẹ tràn đầy tình yêu và tỏa chiếu lòng thương xót. Chính nhờ lưu lại lâu giờ trước ngọn lửa thiêu đốt của Bí tích Thánh thể, mà gương mặt của Mẹ trở nên tươi sáng được biến đổi nhờ diện đối diện hằng ngày với Thiên Chúa. Mẹ đã đắm chìm trong thinh lặng vô tận và trong tình yêu của Thiên Chúa.

Trong suốt cả cuộc đời của mình, Mẹ Têrêsa đã tìm cách sống trong sự khó nghèo thật sự, để tìm gặp Thiên Chúa trọn vẹn hơn trong thinh lặng. Sự giàu có duy nhất của Mẹ là tìm kiếm Thiên Chúa trong tâm hồn Mẹ. Người nữ tu kín múc sự nghèo khó của mình trong sự khiêm nhường thinh lặng của Thiên Chúa.
 

Mời tải về : tại đây