Đong những đấu gạo - Tác giả: Lm. Nguyễn Trung Tây

Lan Mary
— Mẹ ơi! tìm kiếm ở đâu xa xôi chi cho mất công. Nếu muốn, mẹ cứ đong những đấu gạo bác ái cho con với thằng ba hưởng là tiện nhất. Hai anh em đang cần nhiều tiền để lấy vợ đây nè... mẹ xem có ai còn độc thân, làm mai làm mối cho con với. NGUỒN:

Ai đong đấu nào, thì sẽ được đong trả lại đấu đó" (Marcô 4:24).

Chuyện Mẹ Chuyện Con kể chuyện ba mẹ con; mẹ, bà Miêng mới định cư tại Chicago, Phố Gió; con trai lớn tên Hai Hoàng; con trai thứ gọi Ba Hưởng...


Mùa Xuân, nhưng trời Bắc Mỹ vẫn đổ tuyết lạnh se da thịt. Cuối tuần, cậu Hai Hoàng chở mẹ đi chợ mua thức ăn.

Chợ Việt Nam phố Uptown Chicago ngày thứ Bẩy người người tấp nập đi ra đi vô, kẻ đẩy xe thức ăn, người khệ nệ ôm xách, bên này vài người thanh niên độc thân đứng phân vân chọn mua mì gói, bên kia nhiều cô thiếu nữ nhanh nhẹn lựa cá mang còn đỏ tươi roi rói. Khu hàng cá hàng thịt bên kia, bà Miêng đứng chọn cá bông lau và thịt heo sườn cốt-lết. Khu bán rau và thức ăn khô bên này, cậu Hai Hoàng nhặt bỏ vào xe đẩy những bó rau muống, rau mùng tơi, rau cải xanh, và rau cần ô; sau đó là các hũ lọ, hũ tương, hũ mắm, hũ chao, và hũ cà.
Gần một tiếng đồng hồ sau, mẹ và con gặp lại nhau ngay quần trả tiền. Nhìn mẹ tay xách nách mang nặng nề cá thịt, cậu Hai Hoàng ngạc nhiên,

— Ủa! Con nhớ...mới bước vào chợ, con đã đưa mẹ cái xe đẩy để đựng thức ăn... Mẹ quẳng đâu mất tiêu cái xe rồi?

Bà Miêng chép miệng, tay chỉ chỉ,

— Chợ búa chật hẹp. Đẩy cái xe đi tới đi lui chật chội đường xá. Cho nên tao quẳng cái xe nằm ở góc chợ kia kìa.
Nhìn xe của con chất cao những bó rau và những hũ lọ, bà Miêng cất giọng khen,

— Con trai bên đây thiệt tình là giỏi! Biết đi chợ, biết nấu ăn. Mày mà lấy vợ, vợ cũng được nhờ.

Được mẹ khen, cậu Hai Hoàng khoái chí toét miệng cười, kể lể,

— Mẹ ơi! Bên đây con trai cũng như con gái, con nào cũng vậy, không biết nấu ăn thì chỉ có chết đói... Hồi còn ở ký túc xá đại học, năm năm liền, tụi con mấy đứa phải chia phiên nấu cơm. Dù nấu ngon hay nấu dở, cơm sống hay cơm nhão, mì tô hay mì gói, tới phiên nấu cơm, đứa nào cũng phải lao đầu ra chợ, rồi phóng vào bếp nấu ăn. Riết rồi ngon dở thì không biết, nhưng tên nào cũng biết nấu...

Cậu Hai Hoàng lắc đầu,

— Con mà không biết nấu ăn, đợi mẹ qua nấu cơm thì có mà chết đói nhăn răng từ lâu rồi, mẹ ơi!

Bà Miêng cười tươi,

— Mày hồi còn ở bên Việt Nam, mẹ nhờ nấu có nồi cơm mà cháy tới cháy lui... Giờ qua đây mới biết nấu nướng...

Bà Miêng chỉ vào người hành khất đang đứng lom khom co ro ngay cửa chợ,

— Hồi mới qua, tao thấy hai anh em, đứa nào cũng gầy gò như cò hương, ống chân ống tay khẳng khiu như cặp ống điếu. Mày nhìn cái ông hành khất đang đứng ăn xin ở ngay cửa chợ đó. Đó, đó, cái ông cầm cái bảng viết mấy chữ tiếng Mỹ đó. Nhìn thấy chưa? Hai anh em tụi mày hồi đó chắc chỉ nhỉnh hơn ông ấy được một chút.

Bà Miêng chép miệng,

— Lúc nãy, bước vô cửa chợ, tao thấy trời đổ tuyết thì lạnh, mà ông ấy chỉ phong phanh có tấm áo rách y như cái tổ đỉa, thương tình tao rút tiền ra cho ông ấy mấy đồng.

Cậu Hai Hoàng trợn mắt,

— Trời ơi! Mẹ cho ông ấy tiền để làm chi?

Bà Miêng cản lại,

— Ơ, cái thằng! Mày nói cái chi nghe kỳ cục vậy hả con?

Cậu Hai Hoàng kiên nhẫn giải thích,

— Mẹ ơi, mẹ mới qua cho nên mẹ không biết. Ở bên Mỹ có rất nhiều trung tâm phát chẩn, ngày ngày họ phân phát ba bữa ăn, sáng, trưa, chiều tối cho người lỡ độ đường. Bởi vậy bên đây không có ai cho những người hành khất tiền, bởi dân cái bang bên Mỹ chỉ dùng tiền bá tánh để mua thuốc lá bia rượu mà thôi...

Tới phiên bà Miêng trợn mắt,

— Thật vậy sao?

Cậu Hai gật đầu,

— Vâng, con nói thật, con không giỡn với mẹ đâu. Bên Mỹ, đời sống như vậy đó.

Bà Miêng than phiền,

— Ông bà mình nói, "Thấy người hoạn nạn thì thương". Chúa cũng nói trong Phúc Âm, "Ai đong đấu nào, thì sẽ được đong trả lại đấu đó" (Maccô 4:24). Cho nên bất cứ lúc nào, khi trông thấy ai kém may mắn hơn mình, mẹ nhịn miệng một chút để chia cơm xẻ áo, hoặc đong những đấu gạo trong nhà cho người cơ hàn. Nhưng nếu nói theo như con, ở bên Mỹ này, vậy là bó tay. Làm sao mình có cơ hội để mà đong những đấu gạo tặng lại cho Chúa đây?

Cậu Hai an ủi mẹ,

— Mẹ đừng có lo là sống ở bên Mỹ, mẹ không có cơ hội để đong những đấu gạo bác ái. Bên đây có rất nhiều hội thiện nguyện chuyên lo những việc từ thiện bác ái, nhiều lắm. Để con kể sơ sơ cho mẹ nghe nhé, Đoàn Quân Cứu Đói nè, Hội Bác Ái St. Vincent de Paul nè, rồi Đoàn Quân Hòa Bình chuyên huấn luyện nhân viên rồi gửi họ tới làm việc tại những quốc gia nghèo trên thế giới nè. Đấy là con chưa kể tới những lần giáo xứ quyên góp tiền bạc cho nạn nhân bão lụt, Katrina bên New Orleans, Xangsane bên Việt Nam. Nếu muốn, mẹ cứ tự nhiên đong những đấu gạo bác ái cho Chúa bằng cách đóng góp tiền bạc trực tiếp tới những cơ quan bác ái mà con vừa nhắc tên, hoặc ngay tại giáo xứ khi cha xứ kêu gọi lạc quyên...

Đẩy xe thức ăn của hai mẹ con tới gần chỗ cô thâu ngân viên dáng người thon gọn khuôn mặt thon thon để tính tiền, cậu Hai Hoàng nói to nửa như muốn chọc mẹ, nửa như muốn trêu cô bán hàng xinh đẹp,

— Mẹ ơi! Tìm kiếm ở đâu xa xôi chi cho mất công. Nếu muốn, mẹ cứ đong những đấu gạo bác ái cho con với thằng Ba Hưởng là tiện nhất. Hai anh em đang cần nhiều tiền để lấy vợ đây nè... Mẹ xem có ai còn độc thân, làm mai làm mối cho con với.

Lời Chúa


"Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái. Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: "Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; (Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm" (Matthew 25:31-36).

Lời Nguyện


Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết đong những đấu gạo bác ái cho những người anh chị em thiếu may mắn hơn chúng con.


Nguyễn Trung Tây