[Giới thiệu sách] Vẻ đẹp thinh lặng và cô tịch của Hàn Mạc Tử trong bài Đà Lạt trăng mờ của Bình Nhật Nguyên - Tác giả: F.M. Phanxicô Assisiô Nguyễn Hoài Lâm, O.Cist

Lan Mary
"Ôi Tình Yêu, Người muốn con đừng bận tâm với những cảm xúc phàm trần, nhưng hãy say trong Thần Khúc của Người. Thần Khúc đó giúp con chiêm ngưỡng được Vẻ Đẹp của Người, cảm nếm được Tình Yêu của Người. Vẻ Đẹp và Tình Yêu đang âm thầm biến đổi con trở nên giống Người, mà không gì có thể ngăn cản được, ‘Dẫu là tiếng vỡ của sao băng’. Amen". NGUỒN:


LỜI GIỚI THIỆU

Trong khi văn hóa Hy Lạp đề cao "cái nhìn", sự chiêm ngưỡng (visio) thì văn hóa Kinh Thánh lại đề cao khả năng "nghe". "Ai có tai để nghe, thì hãy nghe" (Mt 13,9: qui habet aures audiendi, audiet/ Ὁ ἔxωv ὦta ἀkouέtω). Cũng vậy, văn hóa Đông Phương cũng nhấn mạnh rất nhiều đến khả năng nghe. Lắng nghe như một biểu tượng sống động về độ mở của hữu thể người với thưc tại, biểu trưng cho tương quan hiện sinh giữa con người với nhau, giữa con người với vũ trụ và Siêu Việt. Và để nhìn và nghe có chiều sâu từ tận trái tim của con người, cần phải có sự thinh lặng.

Chúng ta có thể lắng nghe lời, lời-nói, nhưng để lắng nghe Lời (đang) nói (với ta), thì chúng ta phải thinh lặng. Tai phải lắng nghe, nhưng nếu chúng ta không thinh lặng thì tai không thể nghe được. Chúng ta chỉ có thể lắng nghe nếu ta lắng đọng, chăm chú trong cô tịch. Chúng ta chăm chú nếu chúng ta quan tâm. Chúng ta quan tâm nếu chúng ta từ bỏ những mối quan tâm đối nghịch, nếu trái tim chúng ta thật sự thanh khiết. Và trái tim của chúng ta chỉ thanh khiết nếu nó được thanh tẩy bởi chính Sự Thinh Lặng đang thúc đẩy chúng ta lắng nghe trong Tình Yêu và Hạnh Phúc. Và đây chính là vòng tròn năng động của Sự Sống.

Việc lắng nghe là lắng nghe chiều kích thần linh, lắng nghe Siêu Việt, lắng nghe Thiên Chúa. Chiều kích thần linh không phải là cái đặc thù giấu kín, một âm thanh huyền bí vọng từ căn phòng đóng kín của thực tại. Trái lại, chiều kích thần linh là khía cạnh quan trọng nhất trong thực tại, mời gọi ta tham dự và đi vào kết giao, nhiệm hiệp.

Chiều kích thần linh là tính hợp nhất của thực tại và ta chỉ có thể khám phá ra khi ta yêu thực tại, yêu cuộc sống, yêu con người cách đích đáng. Người yêu cuộc sống không dừng lại ở vật chất, nhưng là lắng nghe để mở ra với chiều kích thần linh, mở ra với Thiên Chúa và mở ra với nhau. Trong cách lắng nghe đầy yêu thương dành cho mọi hữu thể, ta khám phá ra chiều kích thần linh của thực tại, nếu dùng ngôn ngữ Tin Mừng, ta khám phá ra Thiên Chúa trong và qua mọi sự và đạt tới sự sống vĩnh cửu.

Thinh lặng là một biểu tượng đa chiều kích và đa tầng cấp. Thinh lặng rút ra nguồn sức mạnh của nó từ những hoàn cảnh liên hệ. Sự sống và yêu thương có thể được thể hiện bởi những bề sâu khác nhau. Điều mà chúng ta gọi là "thinh lặng và cô tịch" đều đến từ các độ sâu phong phú của sự sống; và nếu chúng ta sẵn sàng, thinh lặng và cô tịch sẽ dẫn ta thể nghiệm những bề sâu này. Bản chất của thinh lặng không phải là thông truyền tư tưởng mà là trao ban sự sống, trao gửi yêu thương.

Liệu con người có thể diễn tả sự thinh lặng - sự thinh lặng về điều ta không thể nói - hay tự bản chất, đây là một điều mâu thuẫn? Thật ra, thinh lặng không phải là cái mà ta khám phá ra như cái không thể nói, trái lại, nó là cái mà ta có thể nắm bắt như cái-chưa-từng-được-nói. Thinh lặng là kinh nghiệm về chính suối nguồn của Logos. Kinh nghiệm này chỉ có thể thành tựu trong Chúa Thánh Thần.

Thinh lặng không thể bị diễn tả bằng lời, nhưng cái bất khả diễn tả là cái có thể nhận thức. Thinh lặng tự mạc khải chính mình và mạc khải cho ta về bí mật của tự do và tình yêu.

Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều,
Để nghe dưới đáy nước hồ reo;
Để nghe tơ liễu run trong gió,
Và để xem trời giải nghĩa yêu...
(Hàn Mạc Tử)

Văn sĩ Bình Nhật Nguyên đã cảm nghiệm chiều sâu của tình yêu và sự sống được ẩn chứa trong thinh lặng và cô tịch khi phân tích tuyệt tác Đà Lạt Trăng Mờ của Hàn Mạc Tử. Những cảm nghiệm này giúp chúng ta chiêm ngưỡng Vẻ Đẹp Thinh Lặng và Cô Tịch, và để cho tâm hồn mình đi từ Thinh lặng siêu nhiên đến Cô tịch siêu nhiên.

Thật tuyệt vời, mỗi khi ngâm lại Đà Lạt trăng mờ, ta lại có thể khám phá chiều sâu và những tầng cao của Thinh lặng (Thinh lặng chiêm ngưỡng và Thinh lặng lắng nghe). Những cảm nghiệm thần bí được khám phá từ hai khổ cuối của bài thơ thật sự rất ý nghĩa: Cô tịch giải thoát và Cô tịch kết hiệp.

Thật sự, giữa những ồn ào của một xã hội náo động, giữa những tiếng thét gào của đau khổ và chết chóc trong một thế giới bị tổn thương bởi dịch bệnh và chiến tranh, Hàn Mạc Tử - Vẻ Đẹp Thinh Lặng và Cô Tịch, giúp chúng ta tìm lại viên cảnh của bình yên, và tái khám phá bí mật của hạnh phúc nơi chính sự thinh lặng. Trở về với nội tâm - cung thánh thinh lặng -, để gặp Đấng Thinh Lặng.

"Giả như các ngươi thinh lặng và tin tưởng, ắt các ngươi đã nên hùng mạnh" (In silentio et in spe erit fortitude vestra" (Is 30,15 Vulgata). Thinh lặng là sức mạnh của thần bí, không có thinh lặng thần bí này, con người chỉ là sinh vật có lý trí và tôn giáo trở thành một hệ thống tư tưởng. Và nếu không có sức mạnh biến đổi của thinh lặng và cô tịch, chúng ta sẽ gặp thảm họa: lạc xa Chúa Tình Yêu, đánh mất chính mình trong thế tục.

i Tình Yêu, Người muốn con đừng bận tâm với những cảm xúc phàm trần, nhưng hãy say trong Thần Khúc của Người. Thần Khúc đó giúp con chiêm ngưỡng được Vẻ Đẹp của Người, cảm nếm được Tình Yêu của Người. Vẻ Đẹp và Tình Yêu đang âm thầm biến đổi con trở nên giống Người, mà không gì có thể ngăn cản được, 'Dẫu là tiếng vỡ của sao băng'. Amen". (Bình Nhật Nguyên)



Đan viện Châu Sơn – Đơn Dương

Ngày 01/05/2022, F.M. Phanxicô Assisiô Nguyễn Hoài Lâm, O.Cist