Cơn mơ giấc mộng - Tác giả: Lm. Nguyễn Trung Tây

Lan Mary
Làng vào xuân. Giá rét đóng băng biến tan trả lại mặt nước ao tù lấm chấm những đốm bèo xanh ngăn ngắt. Đường làng mưa xuân tưới mát hồn trần của bụi đỏ khô khan và đá sỏi khô khốc. Sáng nay trời cao buông rơi ngàn vạn hạt sương long lanh kim cương bám kín từng cọng cây bụi cỏ. NGUỒN:

Mơ mà không phải là mơ,
Không mơ mà lại là mơ

(Trang Tử-René Descartes)


Sân Chùa, Ảnh Quốc Hưng SVD

Chương Một


Làng vào xuân. Giá rét đóng băng biến tan trả lại mặt nước ao tù lấm chấm những đốm bèo xanh ngăn ngắt. Đường làng mưa xuân tưới mát hồn trần của bụi đỏ khô khan và đá sỏi khô khốc. Sáng nay trời cao buông rơi ngàn vạn hạt sương long lanh kim cương bám kín từng cọng cây bụi cỏ.

Xuân về, đất đen cầm cọ vẽ đậm bức tranh hoa cúc vàng tươi.

Xuân về, triệu triệu cành đào phơi phới nở tung mơn man cánh hoa.

Xuân về, thiếu nữ khăn chít mỏ quạ thắt yếm lụa khúc khích cười dẫn nhau lên chùa xin xâm hái lộc.

Xuân về, gió xuân thổi nhẹ phơn phớt phấn hồng.

Xuân về, tâm trần lắng dịu, hồn người thứ tha.

Xuân về!

Sáng nay pháo đỏ mừng đón Xuân về nổ vang xen kẽ tiếng lợn eng éc trộn lẫn tiếng hét giật giọng,

— Ơ! Cái thằng khốn nạn!!!

Thanh niên mặt trắng xanh gầy hốc hác (như người chết đói) nhô cao hai gò má hốt hoảng ngước nhìn bà chủ mập tròn chống nạnh đứng ngay trước mặt. Bà chủ giận dữ, mặt bầm tím than! Bà giận lắm, hơi thở nặng nề kềm giữ cổ họng!

Liếc nhìn những con lợn tròn nung núc, đuôi quăn tít những vòng xoáy, nhảy hồng hộc lên khúc gỗ chắn ngang cửa chuồng, bà chủ cổ đỏ kiềng vàng hằn học bỏ đi,

— Ngày tư ngày tết đúng ra người ta phải giữ mồm giữ miệng. Chưa nói ngày rằm nào tao cũng ăn chay, lên chùa cúng Phật. Nhưng biết mày lười biếng như vầy thì thà, thà tao nuôi con chó, chó nó còn biết giữ nhà!

Ơi đau! Thanh niên tuổi hai mươi ruột đau quặn thắt, không biết bởi lời người hay bởi đói bụng. Tối qua bà chủ quẳng thí xuống nền đất hai chén cơm hẩm, gạo nâu nâu mốc lúc nhúc bọ be bé mầu trắng. Giờ này ruột rỗng như gió thổi qua nhà trống. Gió xuân man mát vờn vờn làn da xám mốc. Thanh niên ớn lạnh cơn sốt. Đầu óc choáng váng nổ tung! Từng cụm sáng nhập nhòe vỡ vụn.

Chàng biết mình đói, vâng, đói rã ruột! Văng vẳng bên tai đâu đây chàng nhận ra tiếng chuông tiếng mõ...

Coong! Coong! Coong!

Chương Hai


Bóng Sân Chùa, Ảnh Tâm Duy

Trời tối đen, tiếng trống điểm canh cuộn tròn tan hòa thinh không tịch mịch.

Coong! Coong! Coong!

Trời tối khuya, tiếng chuông chùa trầm trầm gõ nhịp lời kinh.

Boong! Boong! Boong!

Trời nửa đêm, ngôi chùa rêu xanh cổ kính trầm mình hương thơm và lời kinh Phật.

Nam mô, Bồ Tát cứu nhân cứu khổ.

Cõi thế nhập nhằng,

Tâm thế bất an!

Nam mô!

Phật tổ từ bi! Cứu khổ cứu nạn!

Bên ngoài đom đóm nhập nhòe nhảy múa theo nhịp trống điểm canh. Bên trong nhang khói mờ ảo uốn cong theo nhịp chuông. Xa xa tiếng chim đêm rộn ràng một góc trời. Thấp thoáng đâu đây tiếng mõ chú tiểu hòa trộn lời kinh trầm trầm của sư trụ trì.

Nam mô!

Phật tổ từ bi! Cứu khổ cứu nạn!

Boong! Boong! Boong!


Đêm đen bao phủ ngôi chùa. Đêm đen dầy đặc...

Trời tối khuya, khuya lắm rồi. Người Phật tử cuối cùng rồi cũng rời bước. Duy nhất ngồi sát cửa chùa vẫn là chàng thanh niên. Từ đầu buổi thuyết pháp cho tới bây giờ, chàng chưa ngẩng đầu nhìn lên một lần. Trong im lặng người tuổi trẻ như đang mơ màng thả hồn theo tiếng kinh.

Nam mô, Bồ Tát cứu nhân cứu khổ.

Cõi thế nhập nhằng,

Tâm thế bất an!


Ngước lên điện Phật, sư trụ trì nhận ra nhang đỏ đã cháy tàn sát gốc, ngài nho nhỏ từng lời kinh.

Nam mô, Bồ Tát cứu nhân cứu khổ.

Cõi thế nhập nhằng...


Chú tiểu nhìn sư phụ, chú buông lơi nhịp mõ, chậm dần, chậm dần.

Coong! Coong! Coong!

Sau ba tiếng mõ dồn dập, cóc, cóc, cóc!, chú gõ tiếng mõ cuối cùng, cóc. Âm cứng, vững chắc, không trật. Sư trụ trì đứng lên. Chú tiểu lùi bước. Thầy trò chậm rãi cùng bái Phật đường. Chú tiểu tiến lại bàn thờ, cầm quạt gỗ trầm thổi tắt nến. Sư trụ trì quay ngang nhìn người thanh niên vẫn ngồi đó, bất động.
Ngài lưỡng lự lắm! Nhưng cuối cùng ngài bước tới, hai tay chắp lại,

— Mô Phật! Bần tăng kính chào thí chủ.

Người thanh niên ngẩng đầu nhìn lên, cặp mắt long lanh ngọn lửa đỏ duy nhất còn sót lại trên điện Phật. Chàng như vướng nghẹn hương trầm, nói không nên lời. Trong chập chờn mờ ảo của ngôi chánh điện, sư trụ trì nhíu mày, ngài bất chợt hốt hoảng, kêu to không chút kềm chế,

— Trời ơi! Chí Tâm!... Con có phải là Chí Tâm?

Chương Ba


Mấy năm rồi, Chí Tâm bỏ xuống núi. Chí Tâm, người đệ tử ngài từng bế ẵm trong lòng, đút từng thìa cháo khi đó chỉ là chú bé đỏ như son, khóc vang cửa chùa. Đêm hôm đó, một đêm bình thường, vầng trăng rằm sáng vằng vặc chiếu sáng một cõi nhân gian. Sư trụ trì vừa xong buổi kinh pháp. Ngài đứng dậy, miệng mỉm cười. Đêm nay trăng sáng quá. Hồn ngài rộn ràng niềm vui với ánh trăng chiếu sáng rực rỡ một khoảng sân chùa. Ngài thổi tắt tất cả những ngọn nến để ánh trăng từ trời cao tự do bước nhẹ vào chánh điện cúi chào Đức Phật. Ngài bước đi những bước vững chãi, khoan thai và từ tâm tới cửa tam quan. Ngài giơ tay, tính đóng lại cổng chùa. Nhưng thật bất ngờ, ánh trăng chiếu rọi bậc thềm phản chiếu mầu trắng nhờ nhợ một bọc giấy. Ngài cúi xuống, mở ra. Ơi! Chú bé bật tung tiếng khóc. Sư trụ trì nhìn quanh tìm kiếm bóng người. Ngài hiểu chuyện gì đã xảy ra! Ngài lưỡng lự; nhưng cuối cùng, ngài cúi xuống, quyết định ôm chú bé vào lòng, tay kia ngài đóng lại cổng chùa.

Nhờ Trời Phật phù hộ, chỉ duy nhất một lần nóng sốt khi mọc răng sữa, chú nhỏ húp cháo cửa chùa mà vẫn vươn cao như Phù Đổng, như cỏ dại mọc xanh xanh sân chùa sau một đêm mưa hè.

Khi chú bé lên sáu, dựa vào câu "Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài", sư trụ trì xuống tóc cho chú bé, đặt pháp hiệu Chí Tâm. Sáng sáng, Chí Tâm học hành, luyện tập võ công với sư phụ. Kinh sách xếp lớp lớp trong thư tịch, chú bé thuộc làu làu từng trang. Xế trưa, chú thoăn thoắt bước chân lên rừng đốn củi. Về tới chùa, chú bé vo gạo, nấu cơm. Chiều chiều, chú quét dọn trong và ngoài chùa, sạch bóng. Đêm về, đích thân sư trụ trì dạy Chí Tâm võ thuật. Đường quyền Ngọc Long bí truyền của sư trụ trì, Chí Tâm đi không trật một nhịp. Chú xuống tấn vững vàng, đứng thế chữ đại vuông vắn, bàn chân sát kín mặt đất. Nhìn đẹp như tranh vẽ!

Khi Chí Tâm mười sáu, những lần phải về chùa đô, sư trụ trì để lại công việc thờ phượng và đón tiếp khách thập phương một mình cho Chí Tâm lo toan.

Cuộc sống cửa chùa trôi qua êm đềm. Tối tối, những đêm sáng trăng, sư trụ trì ngồi đó nhìn Chí Tâm đôi chân xuống tấn vững sân chùa, lưng Chí Tâm thẳng tắp. Sư trụ trì an tâm nghĩ tới ngày ngài hóa, cửa chùa sẽ có người đệ tử xứng đáng ngồi ghế phương trượng. Ngài mỉm cười. Râu trắng như sợi cước nhè nhẹ tung bay trong gió. Ánh trăng vàng tối đó chiếu sáng rực rỡ một khoảng sân chùa.

Nhưng...

Tối hôm đó, cũng đêm trăng sáng, Chí Tâm mười tám bất ngờ dừng lại đường quyền. Chí Tâm quỳ xuống chân sư phụ, lưng vẫn thẳng tắp, nhưng sư nhỏ đêm hôm đó bất ngờ mở miệng xin phép xuống núi!

Sư trụ trì nhắm mắt, nhớ lại Chí Tâm tuổi mười tám áo lam đã khiến thiếu nữ xuân thì mê mệt. Chiều nào cũng vậy, thấp thoáng nơi cửa tam quan bao nhiêu váy thắm yếm hồng. Trong khoảng một con trăng, ngài thấy Chí Tâm xao lãng công việc. Đã gần một tháng trời, sư trụ trì thường xuyên nếm cơm chay nhạt muối. Ngài cũng nhận ra Chí Tâm nhiều lần hụt hẫng lạc đường quyền Ngọc Long nhuần nhuyễn. Nửa đêm về sáng, tiếng thở dài trăn trở của Chí Tâm xuyên thấu màn đêm dầy đặc vang vọng tới vành tai của sư trụ trì.

Giờ đây, nhìn Chí Tâm quỳ trước mặt xin xuống núi, sư trụ trì ngồi yên trên sân gạch, không nói chi. Khi Chí Tâm đứng dậy bỏ vào phòng, ngài khe khẽ mở mắt đăm chiêu nhìn theo.

Một tháng trôi qua, ngài nhận ra Chí Tâm xanh xao vàng vọt.

Ngài hiểu! Ngài gọi Chí Tâm vào chánh điện. Sư nhỏ vẫn thế, lưng quỳ thẳng tắp. Đêm hôm đó, trăng vàng sáng rực sân chùa. Nhìn mặt sư nhỏ hốc hác xanh xao, sư trụ trì gật đầu. Từ trên chánh điện, ngài bước xuống, gỡ hàng cúc cổ áo lam của sư nhỏ. Nhìn tà áo một thời khoác trên mình rớt xuống sàn gạch chánh điện, Chí Tâm mặt không đổi sắc, không vui, không buồn.

Sáng hôm sau, khi mặt trời vừa ló dạng, Chí Tâm xuống núi. Sư trụ trì không đưa tiễn, nhưng nói cửa chùa vẫn mở rộng đợi chờ, áo lam xếp gọn hình chữ điền vẫn ngủ yên trong phòng, chờ đợi.

Mấy năm rồi...

Đêm nay, Chí Tâm đã quay về.

Ngõ Hẹp, Ảnh Nguyễn Trung Tây

Chương Bốn


Cúi xuống, với cả hai bàn tay, sư trụ trì kéo Chí Tâm đứng dậy,

— Đứng dậy! Đứng dậy đi con.

Chí Tâm đứng dậy theo đà tay kéo của sư phụ.

Ngay khi sư trụ trì vừa kịp nhận ra khuôn mặt thân quen của người đệ tử, thật là bất ngờ, thân hình cao lớn của Chí Tâm mờ dần, mờ dần, rồi nhạt nhòa tan biến vào trong thinh không tương tự làn khói bốc cao trên đầu ngọn nến vừa bị thổi tắt.

Chương Năm


Chú tiểu ú ớ hốt hoảng...mở mắt nhìn chung quanh.

Giữa khói hương trầm nghi ngút, chú nhận ra mõ nhỏ nằm chơ vơ lăn lóc dưới chân. Trong khi đó giọng kinh trầm trầm của sư trụ trì vẫn đang đều đặn ngân nga bay tỏa lên điện Phật.

Chú tiểu bẽn lẽn len lén liếc nhìn sư phụ. Đôi mắt hiền hòa của ngài vẫn nhắm chặt, nhưng đôi môi thấp thoáng nụ cười bao dung.

Sư nhỏ cầm lại mõ nhỏ tiếp tục gõ nhỏ lời kinh nhỏ.

Nam mô,

Bồ Tát cứu độ

chúng sinh đắm chìm cơn mơ giấc mộng!

Chương Kết


Bên ngoài đom đóm vẫn nhập nhòe chớp tắt nơi bụi cây.

Bên ngoài vẫn vang xa ai oán tiếng cú kêu.

Bên ngoài gió đêm vẫn lạnh lùng đều đặn cuộn tròn lá vàng khô trên sân chùa.

Bên trong tiếng mõ công phu kinh tối thong thả ngân vang.

Bên trong điện Phật thơm ngát hương thơm lời kinh cứu khổ cứu nạn!

Bên trong sư nhỏ Chí Tâm nắm chắc gõ nhỏ tụng những lời kinh,

Nam mô! Phật Tổ Như Lai!
Xin cho nhân gian trổ lộc!
Nam mô! Phật tổ cứu đời!
Cõi tâm thảo mộc một trời xanh non!


Sân Chùa, Ảnh Tâm Duy

Nguyễn Trung Tây