Thưa Mẹ, con không về kịp lễ - Tác giả: Lê Đình Bảng

Lan Mary
Ngày 15 tháng 8,lễ Đức Mẹ Lên Trời mà dân gian nhà đạo ta vẫn gọi rất thật lòng là Đức Mẹ Mông Triệu; nghĩa là Mẹ được Thiên Chúa triệu thỉnh về trời cả xác và hồn,vì Mẹ đầy ân sủng vô nhiễm nguyên tội.Đây vừa là một tín điều rất đỗi thánh thiêng; vừa là một lễ trọng trong năm phụng vụ của người tín hữu. NGUỒN:

Ngày 15 tháng 8, lễ Đức Mẹ lên trời mà dân gian nhà đạo ta vẫn gọi rất thật lòng là Đức Mẹ Mông Triệu; nghĩa là Mẹ được Thiên Chúa triệu thỉnh về trời cả xác và hồn, vì Mẹ đầy ân sủng vô nhiễm nguyên tội. Đây vừa là một tín điều rất đỗi thánh thiêng; vừa là một lễ trọng trong năm phụng vụ của người tín hữu.

Ngay từ những ngày 13,14, chẳng ai bảo ai. Xứ đạo, nhà thờ nào cũng nườm nượp, sáng trưng cờ hoa, đèn nến lung linh; lễ lạy, kinh hạt, rước sách, vang rền nền nảy. Riêng với La Vang, một xóm thôn hẻo lánh, nghèo nàn của tỉnh Quảng Trị, nơi Mẹ đã hiện ra năm 1798, đời Cảnh Thịnh - từ một sự kiện, một biến cố lịch sử đến một Trung Tâm Thánh Mẫu toàn quốc và một linh địa của đời sống đức tin của toàn thể Giáo hội Công giáo Việt Nam. Nếu tính từ năm 1901 đến nay, cứ mỗi định kỳ 3 năm, đã diễn ra bao nhiêu Đại Hội Hành Hương La Vang, đã muôn nghìn ơn phước Mẹ chuyển cầu cho con cái Mẹ khắp nơi, không sao kể hết. Và đây cũng là thời điểm thánh thiêng đã khởi đi từ một truyền thống lịch sử hằng trăm năm của những cuộc hành hương từ khắp mọi vùng miền, cả trong nước lẫn hải ngoại về với Mẹ. Đã có hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn, thậm chí, cả hàng triệu người nô nức, tay xách nách mang, bế bồng, dắt díu nhau chạy đến khẩn cầu, được Mẹ ban ơn. Đúng như lời kinh Thánh Mẫu La Vang chúng ta đã thuộc nằm lòng:"Mẹ đã chọn La Vang mà hiện đến, cứu giúp, hộ phù tổ tiên chúng con lương giáo giữa thời ly loạn, cấm cách khốn khổ trăm bề...Từ ấy, gót chân Mẹ bước đến, vẫn mãi đầy ơn thiêng: ơn phần hồn, ơn phần xác, người bệnh tật, kẻ ưu phiền, nào ai cầu khẩn mà Mẹ không nhậm lời."

Bài thơ này,như một lời nguyện cầu của những con cái Mẹ, vì hoàn cảnh xa xôi, cách trở và ôn dịch, không về kịp để hiệp thông đại lễ tại quê nhà.


THƯA MẸ, CON KHÔNG VỀ KỊP LỄ


Thưa Mẹ, con không về kịp lễ
Bao năm đằng đẵng, những đêm dài
Vời trông mây trắng về phương nớ
Nguyện một lời kinh, mỗi sớm mai

Xa Huế, xa một miền đất hứa
Thương chi, thương lạ, cứ thương hoài
La Vang, Quảng Trị, chừ mưa nắng
Đường đất đi về, ai vắng ai ?

Thưa Mẹ, con không về kịp lễ
Bâng khuâng, ra ngóng những cung đường
Tàu khuya dừng lại ga nào nhỉ
Có chở giùm bao nhiêu nhớ thương?

Của những người con đi tứ xứ
Của chia phôi, dang dở, đoạn trường
Của gần xa, mất còn, dan díu
Gửi xót xa về nơi cố hương

Mẹ thức, chong đèn đêm, đợi cửa
Con chừ qua phá, lại qua truông
La Vang vẫn gió Lào khô rát ?
Vẫn nắng nung và bụi đỏ đường ?

Thưa Mẹ, con không về kịp lễ
Thương em, cơm áo, lệ hai hàng
Hẹn nhau, gắng đợi mùa sau, nhé
Nhắn gửi ai về quê Hải Lăng

Thưa Mẹ, con không về kịp lễ
Hai năm rồi, đại dịch tràn lan
Những là chia cách và tang tóc
Là bể dâu nổi sóng đất bằng

Con nhớ, mùa Hè xưa đỏ lửa...
Nay, còn mơ... đại lộ kinh hoàng...
Qua cầu Mỹ Chánh, bên đồng máu
Những xác người chồng đống, ngổn ngang

Thưa Mẹ, con không về kịp lễ
Bởi còn nặng nợ với trần gian
Nửa đời, vẫn trắng tay, phiêu bạt
Bởi cuộc nhân sinh con trót mang

Thưa Mẹ, lại mùa Thu,Tháng Tám
Nửa vòng trái đất, có xa đâu ?
Đêm nay, trong bước hành hương ấy
Chỉ một mình con lỡ chuyến tàu...

Ở chỗ ngã ba Thành Cổ ấy
Vừa khi đoàn kiệu rước đi ngang
Mẹ ôi, con chắp tay, cầu nguyện
Son sắt một lòng tin đá vàng

Mẹ nhớ, đỡ đần con cái Mẹ
Người người đang nuốt lệ vào trong
Từng giây, từng phút, từng hơi thở
Mẹ có nghe đau đớn thắt lòng

Thưa Mẹ, con không về kịp lễ
Cùng em, thôi, dỗ dành cơn đau
La Vang, đêm trắng, đêm không ngủ
Thắp nến lên, canh thức, nguyện cầu...

Nhắn gửi gần xa, muôn vạn nẻo
La Vang, ta hẹn, rủ nhau về
Mười lăm, tháng Tám, mùa Thu, nhé
Nhà Mẹ trăm gian, rộng bốn bề...

Lê Đình Bảng