Không khí đón nhận Thần Khúc - Anh Jena

Lan Mary
Khi tác phẩm ra mắt, đông đảo quý vị giới học thuật gần xa quan tâm, những người yêu văn thơ cũng háo hức tìm ấn phẩm mới. Có người chưa biết cũng tò mò vì sự nổi rần rần của ấn phẩm. Như bao người hâm mộ, khi được vinh dự sở hữu bản dịch kèm chữ kí rất đáng mến của dịch giả, tôi muốn nói với các độc giả: hãy mở sách ra rồi thấy, hãy đọc rồi biết. Còn bây giờ, tôi muốn nói một chút về không khí hào hứng đón nhận Thần Khúc từ buổi ra mắt ngày 2.09 tại Hà Nội tới những status trên mạng xã hội, những email, tin nhắn...vv. NGUỒN:

Tuyệt phẩm Thần Khúc của Dante Alighieri (1265-1321), do Đình Chẩn biên dịch, là cái tên được nhiều người nhắc đến trong những ngày qua sau khi ấn phẩm này chính thức được phát hành đầu tháng 09.2022. Theo dịch giả, đến nay Việt Nam đã có 7 bản dịch Thần Khúc. Tuy nhiên, đây là bản dịch đầu tiên do một người đồng đạo với Dante thực hiện, với một lối đi hoàn toàn khác so với các dịch giả trước. Linh mục, nhà thơ Đình Chẩn, người sáng lập trang VTCG là một người rất Việt Nam, đã ấp ủ Việt hoá Thần Khúc từ nguyên bản tiếng Ý để tác phẩm trở nên gần gũi với các thế hệ độc giả trong nước.


Khi tác phẩm ra mắt, đông đảo quý vị giới học thuật gần xa quan tâm, những người yêu văn thơ cũng háo hức tìm ấn phẩm mới. Có người chưa biết cũng tò mò vì sự nổi rần rần của ấn phẩm. Như bao người hâm mộ, khi được vinh dự sở hữu bản dịch kèm chữ kí rất đáng mến của dịch giả, tôi muốn nói với các độc giả: hãy mở sách ra rồi thấy, hãy đọc rồi biết. Còn bây giờ, tôi muốn nói một chút về không khí hào hứng đón nhận Thần Khúc từ buổi ra mắt ngày 2.09 tại Hà Nội tới những status trên mạng xã hội, những email, tin nhắn...vv.

Trước tiên, trong buổi ra mắt điểm sách ở Hà Nội, có sự hiện diện của Đức Cha Laurensô Chu Văn Minh, nguyên Giám đốc Đại chủng viện Thánh Giuse Hà Nội, một số cha giáo, tu sĩ và chủng sinh. Về giới trí thức ngoài xã hội, có tiến sĩ ngôn ngữ Đỗ Anh Vũ, đài VOV6; nhà văn Lê Hoài Nam; nhà văn, nhà biên kịch, dịch giả Phạm Vân Anh; tiến sĩ Trần Khánh Vân, giảng viên khoa tiếng Ý đại học Hà Nội. Đáng chú ý trong buổi ra mắt, có ba ý kiến đánh giá cao công trình dịch thuật công phu của dịch giả Đình Chẩn. Nhà thơ tiến sĩ Đỗ Anh Vũ cho thấy sự khác biệt của bản dịch này so với các bản dịch trước mà ông đã đọc, đó là sự phóng khoáng trong những câu thơ, luôn uyển chuyển theo các hình thức, phong cách khác nhau, cách riêng là các thể thơ truyền thống của dân tộc. Tác phẩm có ý nghĩa rất lớn, không chỉ đối với độc giả Công giáo, mà đối với các nhà nghiên cứu văn học, văn hoá Phương tây. Đồng tình với ý kiến này, nhà văn Lê Hoài Nam nhận xét: tôi cam đoan với quí vị rằng không am hiểu văn hoá Kitô giáo thì không thể dịch được tác phẩm này. Và ông khẳng định bản dịch này chắc chắn sẽ thành công vì dịch giả đã nắm được cái hồn của tác phẩm. Nhà văn, dịch giả Phạm Vân Anh cũng nhấn mạnh tác phẩm xứng đáng được tôn vinh không chỉ trong cộng đồng Công giáo mà cả ngoài cộng đồng xã hội.


Nhà phê bình Văn học Bùi Công Thuấn khi nhận được trọn bộ kiệt tác đã bày tỏ niềm cảm mến sâu sắc với dịch giả:
"CHÂN THÀNH CÁM ƠN VÀ CHÚC MỪNG NHÀ THƠ-DỊCH GIẢ ĐÌNH CHẨN ĐÃ TẶNG BỘ SÁCH RẤT QUÝ: THẦN KHÚC CỦA DANTE.
(...)

Năm 2009, bản dịch Thần Khúc của GS Nguyễn Văn Hoàn ra đời. TS Phạm Trọng Chánh nhận xét: "Bản dịch GS Nguyễn Văn Hoàn có lẽ vì do quá tôn trọng sự chính xác từng chữ, nên tác phẩm chuyển ra Việt Ngữ mất đi chất thơ, tiếc là GS Hoàn không là một nhà thơ, để chuyển một tác phẩm thơ ra thơ, để người đọc có thể cảm nhận từ thi ca Ý ra thi ca Việt Nam".

Dịch giả Đình Chẩn (Lm Giuse Trần Văn Đỉnh-Tốt nghiệp Đại học Giáo hoàng Urbaniana-Roma) đã vận dụng tài hoa các thể thơ Việt, đồng thời kế thừa truyền thống dịch thuật của cha ông (Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Du) để chuyển thể Thần Khúc thành một tác phẩm mang đậm phẩm chất thi ca Việt. Đây là một đóng góp hết sức quý báu cho văn học Việt Nam.


FB Trịnh Việt Tân bình luận:
"Nếu như Nguyễn Du là đại diện bác học cho nền thi ca trung đại của Việt Nam thì Dante hoàn toàn xứng đáng là cái tên mà mọi người dân Ý, hơn thế nữa là toàn thể những ai yêu cái đẹp toàn mỹ, chân thật, thánh thiện, phải tự hào khi nhắc đến.


Cựu Giáo hoàng Benedicto XV từng nhận xét:
"Thực vậy, tất cả Thần khúc của ông, xứng đáng mang danh hiệu thần thánh" (Thư ngỏ "Trên đỉnh hào quang", dịp lễ giỗ 600 năm Dante).


Tại Việt Nam, cộng đồng Công giáo vui mừng đón nhận bản dịch mới xen lẫn niềm tự hào to lớn bởi
"Giáo hội xem Thần khúc như một bản tuyên xưng đức tin tuyệt hảo. Nước Ý tự hào vì Thần khúc là áng thi ca làm rạng rỡ ngôn ngữ tuyệt vời này và; Thế giới say mê Thần khúc bởi tác phẩm đã nói lên tâm tư nguyện vọng của mọi người, mọi nơi và mọi thời đại"- (TGM Ngô Quang Kiệt).


Cuối cùng, không quên cảm ơn dịch giả, linh mục Đình Chẩn đã kỳ công thực hiện một dịch phẩm xuất sắc, mang lại giá trị nghệ thuật và thiêng liêng to lớn!"

Cô giáo Ngọc Nguyễn Lan đã để lại status chan chứa tâm tình như sau:
"Nếu chỉ tiếp cận Khúc ca thần thánh này ở phương diện văn học thì chưa hiểu hết được tư tưởng của Đại thi hào Dante Alighieri! Cần có vốn văn hoá, vốn sống và đặc biệt rất cần đời sống tâm linh cùng với hiểu biết về Đạo Công giáo. Đây là chìa khoá mở cánh cửa và giải mã những chốn Địa ngục, chốn Luyện ngục và Cõi Thiên đàng. Tôi đã đọc tác phẩm này từ hồi học đại học sư phạm khi nghe những giáo sư tiến sĩ giỏi nhất giới thiệu về Thần khúc, nhưng khi đó dù có đọc say mê tôi không hiểu gì hay nói đúng hơn hiểu mơ hồ về tác giả và tác phẩm. Và giờ đây tôi được một dịch giả Đình Chẩn tặng cuốn sách quý này. Đó là món quà rất giá trị mà từ trước giờ tôi được nhận. Xin chân thành cảm ơn dịch giả Đình Chẩn đã chia sẻ".


Trong ngày 5/9 học sinh, sinh viên cả nước tựu trường, nhà văn Paul Nguyễn Hoàng Đức cũng viết dòng trạng thái đầy hào hứng, phấn khởi và tâm tình biết ơn nhau khi nhận được ấn phẩm:
"CÁM ƠN VỊ LINH MỤC ĐÌNH CHẨN TẶNG SÁCH BẤT HỦ -Để chào đón cán mốc 400 năm văn học Công giáo, linh mục Đình Chẩn vừa biên soạn xong cuốn trường ca thần học Thần Khúc bất hủ của Đại thi hào Dante Aligheri. Ngài có gửi tặng tôi trọn bộ. Tôi đưa lên trang FB của mình để chúc mừng công trình đồ sộ, lao công, uyên bác, tỉ mỉ của ngài. Cũng như cảm ơn ngài về món quà quí, cùng món quà lời mà ngài rất khiêm tốn và trịnh trọng tặng tôi. Tác phẩm là quyền lực. Hiện thực nói lên tất cả như Chúa bảo "đức tin không việc làm là đức tin chết". Cám ơn và thực sự nể trọng công trình của ngài. Chúc ngài được Chúa ban nhiều ơn phúc dồi dào!.


Dưới bài viết của ông có hàng chục bình luận để lại với sự tò mò, hào hứng và nhận định về tác phẩm. Có người thốt lên với dòng chữ in hoa "Y PHỤC XỨNG KÌ ĐỨC". Có người dành giờ tỉ mỉ cảm nhận như Duy Chuẩn Nghĩa
"Chỉ dịch Thần khúc của Đại thi hào Dante Alighieri từ tiếng Ý gốc sang tiếng Việt một cách trọn vẹn đã là việc rất khó với các dịch giả Việt Nam. Ở đây lại là biên soạn. Tức là cả một quá trình nghiên cứu, thu thập, chọn lọc, phân tích, tổng hợp rồi biên soạn thành sách thì ngay cả với những tác giả người việt đương đại như Nam Cao, Nguyễn Tuân, Nguyên Ngọc, Nguyên Hồng... hay cổ điển như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du...Đã là cực khó. Xin chúc mừng linh mục Đình Chẩn! Xin chúc mừng triết gia nhận quà tặng quý giá!."


Trên trang cá nhân của mình, nhà thơ Trần Vạn Giã cũng không ngớt lời khen ngợi và trân trọng bản dịch của dịch giả, ông viết:
"Vừa nhận sách sáng nay, sách quí còn thơm mùi mực, tôi xin TRÂN TRỌNG giới thiệu với quí vị đọc giả: Tập trường ca Thần Khúc có 14.233 câu thơ của Dante nhà thơ Ý,đây là tác phẩm kiệt xuất của nước Ý và của nhân loại. Trước đây ở Việt Nam đã có một số dịch giả Phạm Ngọc Liên, Nguyễn Văn Hoàn... dịch do Nhà XB Khoa học xã hội, Văn học xuất bản. Nay Linh mục Giuse Trần Văn Đỉnh ở Giáo phận Phát Diệm, tốt nghiệp Đại học Giáo hoàng Roma dịch trọn bộ 3 phần Hoả ngục, Luyện ngục, Thiên đàng và đây là dịch giả (Công giáo) đầu tiên ở Việt Nam dịch trọn bộ Trường ca Thần Khúc của Dante (Nhà XB Hồng Đức) theo Đức Tin Công giáo đã góp phần phong phú văn học dịch Việt Nam và văn học Công giáo Việt Nam. Đến mà xem (Ga, 1,38-39). Đa tạ dịch giả và quí vị độc giả!


Thu Phong đã công tâm khi nhìn nhận bản dịch:
"Có nhiều bản dịch "Thần khúc" và đây là một bản dịch đang gây ra một vài tranh cãi vì vấn đề "Việt hóa" trong dịch thuật. Cái gì gây tranh cãi thì mình lại càng tò mò.

Mình mới đọc lời tựa, không chắc đọc nó sẽ hiểu được mấy phần nhưng qua cách viết lời tựa và trình độ của dịch giả thì mình nghĩ đây không phải là một bản dịch dở. Cảm ơn cha Chẩn Đình đã đề tặng"



Một nha sĩ để lại bình luận
"Đang đọc một số sách thiêng liêng khác xong đọc Thần Khúc cái dừng hết"


Fb Lại Đức Giang khi nhận được trọn bộ Thần Khúc, ông hạnh phúc cũng viết ngay vài dòng trên trang cá nhân của mình:
"Sách được tặng, đọc chưa xong nên chưa thể review đầy đủ, dầu vậy vẫn có thể khẳng định: rồi đây công trình này sẽ được nhắc đến trong lịch sử văn chương, văn học Việt Nam... Đó không chỉ đơn thuần là chuyển ngữ, đúng hơn, đó là việc tái sinh tròn trịa một tác phẩm văn chương tâm linh kinh điển nước ngoài sang Tiếng Việt, bằng ngôn ngữ văn thơ rất thuần thục, đến độ khi đọc tôi có cảm giác đây là bản gốc, chứ không phải là bản chuyển ngữ. Linh mục Đình Chẩn đã làm quá tốt và cùng lúc công việc của một dịch giả và của một thi nhân."


Một con chiên nhà đạo chia sẻ:
"Bản thân là người Công Giáo nhưng mình không hề biết đến "Thần Khúc", nhưng do hay vào trang người này, người kia xem có gì hay ho để đọc, thì có đợt thời gian, mình thấy nhiều người nói về tác phẩm "Thần Khúc" của Dante. Họ rất mê mẩn, say đắm, ca ngợi và nghiên cứu tác phẩm, vậy nên cũng làm mình tò mò tìm hiểu chút ít. Nhưng sau khi biết tác phẩm này của Dante là một tín hữu Kitô giáo, với đức tin Công Giáo mạnh mẽ và sự yêu mến dành cho Giáo Hội mà dịch giả lại không phải là người Công Giáo nên mình không dám tìm hiểu tác phẩm này, dù cho dịch giả có là giáo sư, tiến sĩ đi chăng nữa...Và hạnh phúc thay, ngày hôm nay mình lại được cầm "Thần Khúc" với bộ ba: Hỏa Ngục-Luyện Ngục-Thiên Đàng trên tay, qua ngòi bút dịch thuật của linh mục Đình Chẩn. Bản thân yếu kém, thiếu hiểu biết chẳng có gì dám nhận xét về tác phẩm, nhưng lòng mình rất hạnh phúc vì "Thần Khúc" thuộc về gia sản văn chương Công Giáo nay đã được trở về theo đúng nghĩa của Công Giáo, để nhiều bạn đọc có thể tìm hiểu tuyệt phẩm này theo đúng tinh thần đức tin của Dante và như Dante mong manh yếu đuối tội lỗi có cuộc hành hương để trở về mạnh mẽ tiến gần đến Thiên Chúa, khát khao sống đẹp, hòa bình, hạnh phúc, và biết khôn ngoan quy phục Thiên Chúa, là chỗ dựa vững chãi cho muôn đời.

"Vâng, con tin Đức Chúa Trời
Ba Ngôi một Chúa, đời đời hiển vinh.
Tin Ngài sáng tạo tài tình
Muôn ngàn tinh tú, chuyển mình diệu vi." (Ca khúc XXIV, 17)


Cũng có người mang một số bản dịch trước đây ra so sánh rồi nói lên cảm nhận như Hong Khang đã để lại bình luận:
"Một ghi chép ẩn danh năm 1544 ghi lại " khi Leonardo da Vinci đi ngang qua những hàng ghế ở cung điện Spini, ông gặp một đám đông mời ông vào thảo luận về những vần thơ Thần Khúc của Dante, tình cờ Michelangelo cũng đi ngang qua, đám đông mời Michelangelo nhập cuộc, Leonardo nói "ông ấy sẽ giải thích cho chúng ta" (vì Michelangelo rất giỏi tiếng Latin và còn là một nhà thơ) cho rằng Leonardo đang mỉa mai mình, Michelangelo quay lại quát rằng: "ông tự đi mà giải thích lấy" nói đoạn ông quay lưng bỏ đi. Sau khi đọc câu chuyện này con rất tò mò, không biết thơ Dante có gì đặc sắc mà Leonardo và Michelangelo là những thiên tài, cây cao bóng cả thời Phục hưng cũng phải tham gia tranh luận, con bắt đầu tìm tòi thì biết Dante là đại thi hào người Ý, nhưng các bản dịch thơ của ông lại lấn cấn, lộm cộm, may sao cha biên dịch lại." "Bộ sách 2 triệu 6 thất vọng quá"...



Một vị nữ tu dòng Phaolô chuyên lo việc truyền thông giáo phận cũng không quên để lại những tâm tình sau khi nhận được bản dịch quý
"Chiều nay, cầm bộ sách trên tay mà dâng lên Chúa lời tạ ơn với linh mục Giuse Trần Văn Đỉnh đã biên dịch bộ sách Thần Khúc của Dante và nay đã chính thức phát hành. Một tác phẩm Thần Khúc thuần Việt đã được xuất bản. Có thể nói đây là gia tài đồ sộ của Kitô Giáo về văn hoá, lịch sử, thần học, giáo lý... Mong ước bộ sách được mọi người đón nhận, cảm nếm được vị ngọt ngào của từng áng thi ca Kitô Giáo. Con cảm ơn cha Giuse Đình Chẩn đã ký tặng con bộ sách rất quý."


Có rất nhiều người ngoại đạo tiếp cận với Thần Khúc như thỏa mãn cho niềm yêu thích văn thơ, tôi mạnh dạn nói vậy vì có người nói: chỉ khi đọc tới Thần Khúc ở bản dịch này, tôi mới thấy hết vẻ đẹp của ngôn từ, của văn hóa, của con người Việt Nam, nó hiện lên gần gũi đến nhường nào! Tâm tình đó cũng giống như một bình luận rất chân thành của một người ngoại đạo Bông Linh khi đọc Thần Khúc và thi cảm:
"Thật tuyệt vời! Qua lời dịch của cha, Thần Khúc như một bài đồng dao gần gũi và sáng trong!".


Có cả những tâm tình tâm huyết đọc tới đâu cảm nhận tới đó, tiêu biểu như nick FB Toàn Thúy Shop đã để lại:
"Bộ sách Thần Khúc của tác giả Dante Alighieri do linh mục Đình Chẩn biên dịch là kết quả của hành trình 14 năm biên dịch. Quãng thời gian dài, Cha vừa đi học vừa làm mục vụ. Cha Đình Chẩn qua bao gian nan khó khăn đã thành công khi đưa tới mọi người dân Việt bản Thần Khúc đặc sắc của nước Ý. Tôi đọc và bị cuốn hút ngay bởi những ngôn từ thi ca của bản thảo. Tôi đặc biệt bị gây chú ý với câu thơ lục bát sau đây của .. Ái khúc VIII khổ thơ thứ 2 của Thần Khúc Luyện Ngục:

Buồn thương Cha héo Mẹ già
Non sông thiêm thiếp, quê nhà bâng khuâng
Trầm đưa văng vẳng lầu chuông
Vẳng lan điệu nhớ trầm buông cuống triều.


Phải nói rất hay, dễ thuộc. Thật không biết nói bao lời cảm ơn xứng với công sức của Cha. Con cảm ơn Cha Đình Chẩn rất rất nhiều. Nguyện xin Thiên Chúa ban tràn đầy hồng ân sức khoẻ dồi dào cho Cha."


Có rất nhiều cảm nhận để lại "Tác phẩm có sức hút đến kì lạ, khó diễn tả bằng lời, chỉ biết thong thả nếm trải thôi", "đọc được một ít mà thấy chỉ biết diễn tả như lời thánh Phalo nói: tôi được nghe những lời khôn tả mà loài người không được phép nói lại", "Có chút gì đó chuyển động bên trong tâm hồn, mấy bữa này đi lễ buổi sáng nhớ lại một số câu và cái cảm giác trôi vào trong thế giới đó, con thấy có sức hút về điều thiện cho mình nhiều. Con thì chẳng biết gì về văn học và nghệ thuật sử dụng hay chút kiến thức về thơ ca, nhưng câu từ và nhịp điệu giúp con cảm được...". "Đọc con hiểu ngay vì câu từ rất gần gũi..." khi trong tay được cầm trọn bộ ấn phẩm kiệt tác Thần Khúc do dịch giả Đình Chẩn biên dịch. Trải dài ở các thế hệ, nhiều độ tuổi khác nhau, quan điểm tôn giáo khác nhau...nhưng các độc giả tìm đến Thần Khúc như một niềm đáp từ cân xứng cho sự mong đợi một bản dịch kiệt tác gần gũi đến ngay cả dân thường cũng có thể đọc được như cách người dân mình bói Kiều, lẩy Kiều, thuộc lòng Kiều...vậy. Còn rất nhiều rất nhiều độc giả để lại bình luận trên diễn đàn văn học, thắc mắc Công Gíao...hay email gởi thư về cho dịch giả, tôi không thể trình bày hết lên đây được.


Với tôi, một sinh viên Ngôn ngữ học năm cuối khi nhận được ấn phẩm, tôi như được mở ra một chân trời mới với những thứ vốn dĩ quen thuộc hàng ngày tại đất Ý- nơi mà tôi chưa từng đặt chân đến, mà nay nó sống động hào hùng trên đất Việt qua từng trang dịch trường ca của kiệt tác. Linh mục là con ngựa thồ văn hóa Ý về Việt Nam và biến nó gần gũi đến lạ như thế! Có lẽ, dịch giả không phải là một cử nhân Ngôn ngữ học nhưng ngôn ngữ của ông dịch nó đẹp, hòa quyện và lột tả hết thảy. Như Roman Jokobson nói "Ngôn ngữ tạo nên vẻ đẹp của thi ca". Tôi thiết nghĩ, dịch giả đã được ân ban đặc biệt khi bắt đầu bắt tay vào dịch kiệt tác đồ sộ này cho đến ngày nhận được trái thơm hiện tại. Cùng tạ ơn với dịch giả vì những điều tốt đẹp Tạo Hóa đã khởi sự nơi Linh mục hầu đơm bông kết trái trong cuộc sống hỗn độn, ồn ào này. Tôi xin trích nguyên văn lời cảm ơn của dịch giả khi ra điểm sách lần đầu tiên tại Hà Nội như một lời đồng cám ơn chân thành tới quý đọc giả đã đón nhận Thần Khúc với tâm tình tìm tòi, giữ gìn và biết ơn...

Tạ ơn Trời và cám ơn thật nhiều mọi người đã góp mặt hôm nay vì lòng mến mộ Thần Khúc Dante Alighieri và tình cảm dành cho kẻ hèn mọn này.

Ban đầu mình định ra Thủ đô âm thầm ký cho một số độc giả đặt sách qua nhà văn Vinh Kiu. Nhưng rồi mình đổi ý gặp mấy độc giả ở quán cafe nhà kiến trúc sư Kiến Nô. Rồi cuối cùng có ai ngờ, chỉ trong vài ngày con số tăng lên và ơn trời, qua những tương quan, ơn Chúa sắp đặt diễn ra tại Đại Chủng viện, khoa Triết ở Phùng Khoang, có sự hiện diện của Đức Cha Laurenso, nguyên giám đốc, quí cha giáo, quí nhà văn, nhà thơ, đạo diễn, quí tác giả vtcg và nhiều độc giả hâm mộ Dante. Con số hơn 50 người hiện diện dù không có thiệp mời chính thức, không có kế hoạch tổ chức từ trước. Quả thực là ơn bất ngờ!

Xin cám ơn tiến sĩ Đỗ Anh Vũ, nhà văn Lê Hoài Nam và nhà văn Phạm Vân Anh, và mọi người đã chia sẻ rất chân tình và ý nghĩa.

Chương trình vượt quá niềm mong đợi, dù còn nhiều người tiếc vì biết quá muộn. Xin cám ơn cách riêng quí cha, quí thầy ĐCV, anh Kiến No, gia đình Hoa Nguyen, bác sĩ Nguyen Van Hieu, Vinh Kiu, Thu Phương Thu Phương đã nhiệt tình cho chương trình.

Xin mượn câu thơ cuối cùng trong Thần Khúc Luyện Ngục như lời cầu chúc mọi sự tốt đẹp đến mọi người và mơ bay theo Thần Khúc:

"Mướt êm bay vượt muôn vạn trăng sao"!


Anh Jena tổng hợp