Thiên Khúc XI - Thánh Phanxicô Assisi trích Thần Khúc Thiên Đàng: Mặt Trời Phương Đông - Đình Chẩn biên dịch

Lan Mary
Sau lời dạo đầu, ca khúc giới thiệu cuộc đời vị thánh quê Assisi. Trong truyền thống Phan Sinh, ngài được ẩn dụ như mặt trời Phương Đông, theo chân dung trong sách Khải Huyền về vị thiên thần mang ấn thứ sáu. Nhưng chân dung ấy lại được chuyển hóa bởi một lát cắt về một chàng trai đã bất đồng với người cha, vì chàng đòi kết hôn cho bằng được cô nàng mang tên Nghèo Khó. Cảnh ấy đã diễn ra ngay trên quảng trường Assisi, trước sự chứng kiến của Đức giám mục bản quyền. Đến đây gương mặt Phan Sinh sống động đầy thi vị chợt hiện lên. NGUỒN:

Ý chính: tiếp cảnh thiên cầu mặt trời, Đăng Thế An (Dante Alighieri) còn hoài nghi về những lời của Thánh Tôma Aquinô. Ca khúc đặt trọng tâm ca ngợi Thánh Phan Sinh (Phanxicô) Assisi và than trách những khiếm khuyết của các tu sĩ Dòng Đa Minh.

Thời gian: Đêm thứ Tư 13-14.04 bát nhật Phục Sinh, năm 1300.


Đây là một trong những ca khúc đẹp và được ưa thích nhất trong toàn bộ thi phẩm, nó vẽ lại chân dung vị thánh mà tấm gương của Ngài hãy còn cuốn hút cách lạ lùng cả thế giới.

Tất cả diễn ra trong một sơ đồ rộng lớn theo hình thức sóng đôi, bao phủ cả ca khúc sau. Thực vậy, qua hai gương sống của thánh Phan Sinh và thánh Đa Minh, Dante giới thiệu một bức tranh mang tính lịch sử và ngôn sứ về Giáo Hội.

Sau lời dạo đầu, ca khúc giới thiệu cuộc đời vị thánh quê Assisi. Trong truyền thống Phan Sinh, ngài được ẩn dụ như mặt trời Phương Đông, theo chân dung trong sách Khải Huyền về vị thiên thần mang ấn thứ sáu. Nhưng chân dung ấy lại được chuyển hóa bởi một lát cắt về một chàng trai đã bất đồng với người cha, vì chàng đòi kết hôn cho bằng được cô nàng mang tên Nghèo Khó. Cảnh ấy đã diễn ra ngay trên quảng trường Assisi, trước sự chứng kiến của Đức giám mục bản quyền. Đến đây gương mặt Phan Sinh sống động đầy thi vị chợt hiện lên.

Thánh nhân nói rằng Ngài được mạc khải phải sống theo Tin Mừng như trong Quy luật sống. Điều đó đồng điệu với những lời mà Dante xác định về Giáo Hội: "Mô hình Giáo Hội bây giờ không phải là gì khác ngoài sự sống Đức Kitô, cả trong lời nói cũng như trong hành động" (Vương Quốc III, XIV 3).

Hình ảnh Phan Sinh trong thơ tương hợp với lí tưởng của Dante về Giáo Hội là hoàn toàn đúng sự thật lịch sử. Không phải Dante đã vẽ ra chân dung Phan Sinh khó khăn, nhưng truyền thống văn hóa Phan Sinh và chính người sáng lập truyền thống ấy đã khai phóng nguồn cảm hứng cho ông.

Chính giá trị Tin Mừng bất biến này là ý tưởng bản lề, nhờ đó thi sĩ mới phác họa được gương mặt Phan Sinh. Chính nhờ cái nét cốt yếu này mà con người khiêm nhường kia đã biến đổi bộ mặt thế giới khi trở nên một Kitô khác. Đức khó nghèo mà Phan Sinh mong muốn không gì khác hơn nếu không phải là trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô từ đời sống nội tâm cho đến dấu chỉ bề ngoài, nghĩa là nghèo khó từ khi sinh ra tới khi chết trần truồng trên Thánh Giá. Có thể nói, nét chân thực hệ tại ở chính ý nghĩa thần bí ẩn chứa trong đức khó nghèo như là sự kết hiệp mật thiết với Đức Kitô đau khổ, cùng với phẩm giá đế vương trong địa vị làm con vua Trời.

Chân dung con người Assisi này thật là đặc biệt. Không mảnh vải che thân ngay lúc khởi đầu câu chuyện, rồi cũng trần truồng lúc cuối đời trong lòng đất như Đức Kitô đã hoàn toàn trút bỏ trên Thánh Giá; nhưng đồng thời Ngài cũng là vua trong chính lựa chọn sống khó nghèo. Nhỏ bé, như ngài muốn được gọi (Phanxicô khó khăn), nhưng cũng chính vì thế Ngài được coi là cao cả trên Trời.

Trung tâm câu chuyện được kể súc tích và mau lẹ, nổi bật hai khoảnh khắc làm mở tung toàn bộ ý nghĩa: một mặt là sự trần trụi và chua xót ở Verna, nơi Phan Sinh được in các dấu thánh; và mặt khác là khổ thơ dịu êm như là chỗ nghỉ ngơi sau bao khắc khoải.

Ở đây, người ta có thể sờ chạm tới con tim thần bí của Phan Sinh bởi chính cái "niềm vui tuyệt hảo" này đã lôi cuốn đám đông lũ lượt bước theo Ngài.

Cuối cùng, với cung giọng hết sức nhẹ nhàng, thánh Tôma nhắc lại chủ đề để than trách Giáo Hội đã không bước theo con đường cải cách vĩ đại mà hai vị thánh chỉ ra. Lời than trách cho thấy nỗi chua xót hơn là tức giận và như cho thấy nét tương phản giữa đời sống hết sức thánh thiện nơi hai vị sáng lập với sự xuống cấp nơi các đồ đệ của các Ngài.

1 ---o0o---

Này ai mê mộng Nam Kha [1]
bụi bèn bén cánh hồn sa thảm phiền
Bến mê mê tưởng thềm tiên
tiền tài tan tác tiếc triền thiên thu!

2 ---o0o---
Gẫm bao kẻ mê vinh hoa lợi lộc
còn lại gì khi nhắm mắt xuôi tay?!
Đâm lao theo lao dục vọng vần xoay
được thế gian, mất bình an diễm phúc
Đấy bao kẻ chạy quyền chạy chức
kìa lắm người mê tước mê danh

Nào những phường buôn giật bán giành
nào bè phái, nào băng đảng gian manh xảo quyệt
nào phường bán linh hồn, nào lũ mê bạo lực
mất tự do diễm phúc, lòng buông nhục dục than ôi
chuyện đời ngao ngán bi ai!

3 ---o0o---
Tôi may thoát cảnh đêm dài
ngắm nhan Thiện Bích, chiêm ngai Thiên Đàng.
Dập dìu muôn giải hồn quang
xoay vòng vạn tuế, kết tràng triều thiên.
Rồi chợt nghe dải sáng [2] liền cất tiếng
Rạng ngời thánh thiện nở miệng cười tươi:
"Nhờ phản chiếu Ánh thiêng liêng khắp trời
Tâm tư con, Thầy tỏ rồi, có phải:

Lòng trăn trở khát lời minh giải
trí gẫm suy mong cởi ưu tư
Rằng vì sao: "Nơi ấy giầu có đầy dư
khi từ bỏ tất cả vinh hoa trần thế";
Rằng vì sao: "Vua ấy khôn ngoan [3] đáo để
vô tiền khoáng hậu, trên cả muôn người"
lắng chìm một chút con ơi...


4 ---o0o---
Hóa công xoay đất chuyển trời
tài cao muôn trượng, trí ngời vô song
vượt hết thảy, vượt muôn lòng
vượt đường tư lự, vượt vòng đăm chiêu.


5 ---o0o---
Nhưng chính Đấng vì yêu thương hiến tế [4]
kết Hiền Thê bằng máu lệ tuôn trào
để giúp Nàng son sắt kết vĩnh giao
Người đã gửi hai phù dâu tiếp bước:


Một "Sê-ra-phim" đầy nhiệt huyết
Một "Kê-ru-binh" ắp quang minh

Ý hợp tâm đầu soi dẫn hành trình
hai hiệp sĩ kéo xe hương về đích
Thầy xin kể về người đầu tiên trước
còn người kia cũng như cặp song sinh
soi gương ắt tỏ huyền linh...

6 ---o0o---
Quê nẻo đồi nghiêng mình thoai thoải [5]
dòng Tô nghiêng gọi dòng Chạc hò reo
xanh diễm xanh mướt bốn hướng yêu kiều
in dấu bước Ban Đà từng chiêm niệm.

Ngọ Môn bức xạ thành Phơ hai mùa phân điểm [6]
Quan Đô nhìn Noóc Ra [7] đứng đối diện lạnh lùng
nẻo đồi chao nghiêng khoảng giữa ngang lưng [8]
mặt trời nhân loại chợt bừng sáng láng
vàng bơi lấp lánh Hằng Giang tỏa rạng [9]
bình minh tỉnh giấc ngỡ ngàng khong khen.

7 ---o0o---
Người xưa quen gọi Mọc Lên
Phương Đông mới thật đúng tên chốn này!
Bóng hồng ngấp nghé xem ngày [10]
tràn trề sức sống, đẹp thay nguyên tuyền.

Chàng vừa xuân sắc tơ duyên [11]
phải lòng thiếu phụ, lỡ nguyền sắt son.
Mặc cha đe đuổi từ con
tay dâng trả hết, dạ còn yêu thêm.

mặc đời dè bỉu pha gièm
tránh Nàng như hủi, tránh men tử thần
càng thêm mơ ước thành thân
trước nhan nghiêm phụ, trong sân dinh tòa.

8 ---o0o---
Bàn dân xuýt, thiên hạ xoa
Chàng toan kết tóc xe hoa yêu Nàng.
Xuân hè đến, thu đông sang
lòng chàng thêm mãi nồng nàn yêu thôi.

Còn người thiếu phụ, chao ôi
hơn ngàn năm trước đơn côi góa chồng!
Ngàn sau hong lại tơ hồng
chén quỳnh tận hiến, chén đồng trao duyên.

9 ---o0o---
Ai ơi thắp lại hương nguyền [12]
cho tình thắm thiết trinh nguyên ban đầu!
Ăn thua gì, sá chi đâu [13]
mà đời ca tụng một câu chuyện nhàng:

lều tranh hai trái tim vàng
Anh Minh ngư phủ sánh Nàng an nhiênmặc phường sấm sét đảo điên
lưỡi lòe khắp chốn, răng nghiền nhân gian.

10 ---o0o---
Trong khi Đức Mẹ bền gan
dưới chân thập tự muôn vàn sầu bi
Nàng dâu ngất lịm tình si
treo trên Thánh Giá, ôm ghì Kitô.

Con nghe có vẻ mơ hồ
như chưa hiểu lắm? Đây giờ rõ hơn:
Chuyện tình lang với tình nương
Phan Sinh say đắm Bần Thương ấy mà!

11 ---o0o---
Hai hồn nên một sâu xa
nét xuân rạng rỡ, bóng nga hương thần
An nhiên diễm phúc tuyệt trần
hoa đưa trìu mến, dung ngần thánh thiêng.

Cho đất ngả, cho trời nghiêng
Bác Đô [14] đáng kính cởi liền giày ra
chạy theo nhạn ngẩn ngơ sa
chạy rồi mới thấy thật là chậm chân.

12 ---o0o---
Ôi kho báu ẩn tuyệt thần!
Ôi tài sản lãi muôn phần phong nhiêu!
Bỏ giày, Êm Dĩ [15] chạy theo
Sinh Vê [16] quăng tiếp cũng rèo rượt đi.

Bao người theo tiếp yêu vì
được trao hạnh phúc, được thi an bình.
Rồi Cha, Chàng ấy, đăng trình
cùng Phu Nhân với gia đình, muôn phương.

13 ---o0o---
Thắt lưng một dải khiêm nhường
không chi hổ thẹn, chẳng vương chi đời.
Thẹn chi y phục áo tơi
hổ chi công tử một người thương gia?!

Như vua điềm đạm bước ra [17]
trình tâu lên Đức Thánh Cha luật dòng
trông nhiệm nhặt, thấy sáng trong [18]
Pha Pha chuẩn phép mở lòng chúc khen.

14 ---o0o---
Môn đồ tăng lại tăng lên [19]
ước mơ thánh thiện, chủ chiên vững vàng
lại thêm vương miện vinh quang
thông ban bởi Đức Giáo Hoàng On-Ri.

Ave nào ngợi ca đi
ngợi khen Thiên Chúa, ca tri ân Người
cho mưa ơn phúc xinh tươi
ơn thơm trái ngọt, phúc đời thánh nhân.

15 ---o0o---
Mơ tử đạo, phúc hồng ân [20]
hồng đời thánh thiện, phúc ngần khong khen
Người cùng một số anh em
hiên ngang rao giảng trước tên ngạo Sòng.

Tiếc thay dân ấy cứng lòng
không thèm hối cải, chẳng trông thêm giờ.
Én bay về lại hương quê
lên vòm đá đọi gồ ghề ẩn thân.

16 ---o0o---
Non cao sơn cước âm thầm
Bên Tê-vê chảy, bên trầm Ách Nô [21]
sau cùng được Đức Kitô
ghi năm dấu thánh khắc vô thân Người.

Hai năm ấn tín tuyệt vời
bao điều thiện hảo Vua Trời thương ban
bao điều tiền định huy hoàng
đến giờ về nước Thiên Đàng hoan ca.

17 ---o0o---
Vì yêu thiếu phụ thiết tha
Người trăn trối lại cho gia đình, rồi
dặn tha thiết, tỏ bồi hồi
mong từng huynh đệ vui tươi yêu Nàng.
Bần Thương ẵm phục mơ màng [22]
nhẹ nhàng hương thở nhẹ nhàng Người đi.
Hồn sáng láng, xác lưu li
hồn về Thiên Quốc, xác tì Bần Thương.

18 ---o0o---
Tình son sắc, nghĩa phi thường
Không quan nếp tử, chẳng đường xe châu.
Ave lặng ngắm nhiệm màu
con xem ai sánh tiếp sau cùng Người.

[1]"Cung oán ngâm khúc" của Nguyễn Gia Thiều, có câu: "Giấc Nam Kha khéo bất bình/ Bừng con mắt dậy, thấy mình tay không".

[2] Thánh Tôma Aquinô cất tiếng và mỉm cười, biểu hiệu phúc thật Thiên Đàng.

[3] Tác giả băn khoăn: Cựu Ước nói không ai khôn ngoan bằng vua Salômon trong khi Đức Kitô đã là một con người hoàn hảo ?

[4] sứ giả được sai tới tháp tùng Giáo Hội là thánh Phanxicô và Đa Minh.

[5] Quê hương thánh Phanxicô là thành phố nằm trên sườn đồi, một bên là dòng (Tô) Tupino uốn lượn và bên kia là con suối Chác (Chiacio). Ban Đà: Baldassini là chân phúc đã thánh hóa mảnh đất: địa linh nhân kiệt.

[6] Thành Phơ (Perugia) dưới chân Ngọ Môn, có hai mùa nóng lạnh rõ rệt.

[7] Thành Quan Đô (Gualdo) và Noóc Ra (Nocera) nằm ở phía đối diện với thành Phơ, bị khuất bóng mặt trời nên khí hậu ẩm và lạnh hơn.

[8] Trên lưng chừng sườn đồi,chỗ lõm, mặt trời như nhô lên (tức là thành Assisi).

[9] so sánh mặt trời mọc trên sông Hằng bên Ấn Độ (Luyện Ngục II 1-4).

[10] Thánh nhân công khai từ bỏ năm 1207 khi ấy Ngài mới có 25 tuổi.

[11] Thi sĩ Iacopone da Todi, viết: "Người lạ giữa nhân gian/Ai cũng ruồng rẫy Nàng/Ai cũng kêu: Lạy Chúa! Mỗi khi thấy bóng nàng...Ai cũng rùng mình sợ/ Để nàng khỏi tới nhà". Người chồng đầu tiên của đức khó nghèo là Đức Kitô.

[12] Hương nguyền" rút từ câu"Mất người còn chút của tin/Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa"(Truyện Kiều). Trong khi Kiều dặn em gái mai sau đốt hương nguyền thì Đức Giáo Hoàng cũng thắp lại hương nguyền-của thánh Phanxicô: "tôi đã nghĩ đến thánh Phanxicô, con người của hòa bình(...)Tôi ao ước một Giáo Hội nghèo cho người nghèo biết bao!"

[13] chuyện ngư phủ Anh Minh (Amiclate) yêu sống thanh bần.Dù khó nghèo như thế vẫn chưa ăn thua gì so với Đức Kitô.

[14] Bác Đô (Benardo di Quintavalle) một người đồng hương, dù đã lớn tuổi đã trở thành người đầu tiên theo thánh nhân (Bonaventura L.M. III 3).

[15] Egidio.

[16] Sinh Vê: Silvestro là một linh mục ở Assisi, sau một thị kiến đã đi tu theo Phanxicô (cfr. Legenda trium socio rum IX 31; Nguồn Phanxicô p. 1404).

[17] Đức Kitô dù bị kết án vẫn là vua trước mặt Philatô nhưng Nước Ngài không thuộc về thế gian này (Lc 18,36).

[18] Đức Giáo Hoàng Innocenzo III kể lại giấc mơ: "một người khó nghèo, giản dị và bị khinh bỉ" đang nâng đỡ Giáo Hội đó là Phanxicô. (L.M.III 10).

[19] Đức On Ri (Onorio III) chính thức phê duyệt luật Dòng Phanxicô năm 1223.

[20] Ước ao được tử đạo, Năm 1219 Ngài cùng 12 anh em sang Thánh Địa với hi vọng hoán cải dân Hồi Giáo song dân đó cứng lòng không chịu. Tên ngạo Sòng: tức bá vương Sultano Ai Cập.

[21] Tê vê (Tevere) và Ách Nô (Arno): hai thung lũng bọc quanh núi đá.

[22] Thánh nhân đã yêu cầu được mai táng trần truồng trong lòng đất để nên giống Đức Kitô trọn vẹn (04.10.1226).