Ảnh chiêm niệm: Cổng Trời - Tác giả: Lm. Nguyễn Trung Tây

Lan Mary
Ở xa xôi, mãi bên vùng trời sa mạc Úc Châu, tin tức về bệnh tình của ngài tôi không nắm rõ... Tôi vẫn nghĩ sau ca mổ, sau một thời gian dưỡng bệnh, ngắn hoặc dài, ngài sẽ bình thường. Thêm nữa, với tuổi trung niên sung mãn, cộng thêm với nền y khoa thượng thặng Bắc Mỹ, chuyện LM Trần Cao Tường bình phục, quay về lại với trang web Dũng Lạc là chuyện đương nhiên, một chuyện phải xảy ra, không nghi ngờ. Tôi đã từng hy vọng, ngồi đợi, khi ngài bình phục, lúc đó sẽ email hoặc nhấc điện thoại hỏi thăm. Tôi sẽ cười vang vang nói, "Hello, đại ca", như tôi đã từng gọi điện thoại mở đầu câu chuyện với ngài như thế. Tôi sẽ nhắc nhở ngài, xa gần, viết thêm những bài chia sẻ thâm thúy mang nét văn phong Cao Tường, để Tin Mừng "òa vỡ xôn xao" trong bối cảnh riêng tư của văn hóa Việt Nam. NGUỒN:

Cổng Trời mở rộng, hồn bước tới,
Một cõi thiên thu, bước chân về.


(Thương tiếc và kính tặng Linh hồn LM. Trần Cao Tường)

Hôm nay, 11 tháng 1, 2011, giỗ 50 ngày của LM Trần Cao Tường, người anh lớn của tôi trong làng văn học nghệ thuật Công Giáo Việt Nam.


Tin ngài lâm trọng bệnh hồi đó khiến tôi bàng hoàng không tin vào con mắt đang đọc hàng chữ. Tôi lo lắng, hụt hẫng, thật sự là buồn bởi ngài là một người anh lớn của tôi, mà cũng một phần bởi vì ngài còn quá trẻ. Tôi làm ngay trong khả năng có thể thực hiện, là dâng thánh lễ cầu bình an cho ngài tai qua nạn khỏi. Rồi tôi ngồi chờ, chờ tin vui...

Ở xa xôi, mãi bên vùng trời sa mạc Úc Châu, tin tức về bệnh tình của ngài tôi không nắm rõ... Tôi vẫn nghĩ sau ca mổ, sau một thời gian dưỡng bệnh, ngắn hoặc dài, ngài sẽ bình thường. Thêm nữa, với tuổi trung niên sung mãn, cộng thêm với nền y khoa thượng thặng Bắc Mỹ, chuyện LM Trần Cao Tường bình phục, quay về lại với trang web Dũng Lạc là chuyện đương nhiên, một chuyện phải xảy ra, không nghi ngờ. Tôi đã từng hy vọng, ngồi đợi, khi ngài bình phục, lúc đó sẽ email hoặc nhấc điện thoại hỏi thăm. Tôi sẽ cười vang vang nói, "Hello, đại ca", như tôi đã từng gọi điện thoại mở đầu câu chuyện với ngài như thế. Tôi sẽ nhắc nhở ngài, xa gần, viết thêm những bài chia sẻ thâm thúy mang nét văn phong Cao Tường, để Tin Mừng "òa vỡ xôn xao" trong bối cảnh riêng tư của văn hóa Việt Nam.

Tôi, một người đàn em đi sau ngài rất xa, mới chập chững bước vào vườn văn học Công Giáo gần đây, cho nên tôi chỉ mới biết LM Trần Cao Tường lần đầu tiên năm 2005 qua một điện thư ngài viết rất dài hỏi thăm; ngài cũng nhân tiện mời tôi tham gia vào trang web Dũng Lạc, phụ trách phần Văn Học Nghệ Thuật.

Tôi nhận lời, rồi cuối cùng thất hứa, bởi ngay sau đó tôi rời bỏ Bắc Mỹ sang công tác xa xôi tại Úc Châu. Tôi nhớ khi đó tôi đành phải xin lỗi ngài. Rồi bẵng đi một thời gian, tôi gửi trang web Dũng Lạc và ngài bài viết, "Chiêm Niệm Qua Tranh". Ngài đọc xong, viết thư nhắn tôi gửi về trang ảnh Chiêm/Niệm/Thiền của Dũng Lạc tấm hình "Bóng Thời Gian" minh họa trong bài viết. Tôi gửi hình về ngài. Ngày hôm sau, tôi thấy tấm hình Chiêm Niệm "Bóng Thời Gian" xuất hiện trên trang web Dũng Lạc. Lần đầu tiên thấy hình chiêm niệm ký tên của mình xuất hiện trên trang ảnh Chiêm/Niệm/Thiền của Dũng Lạc, tôi xúc động không ít; bởi tôi có viết, viết để gieo hạt giống Lời Chúa, viết để chia sẻ; nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ là người chụp ảnh chiêm niệm.

Nhưng bởi tấm lòng nâng đỡ khuyến khích của LM Trần Cao Tường, ngài đã khơi dậy trong tôi một đam mê mới. Không có LM Trần Cao Tường, đã không có tôi với hình chiêm niệm ký tên NTT. Bởi thế, tôi nhìn lên ngài như một người đàn anh lớn, một đại ca, công lực thượng thừa, đi trước, nhưng vẫn dư thừa tấm lòng nhân ái, nâng đỡ của người xuất gia.

LM Trần Cao Tường, ngoài chức vụ Linh Mục, ngài còn là một nhà văn rộng rãi kiến thức. Điều tôi quý trọng ngài trong lãnh vực văn học là tâm thức Việt Nam trong những bài viết niềm tin và hình chiêm niệm của ngài. Nhưng đặc biệt nhất, tôi kính nể ngài bởi LM Trần Cao Tường sở hữu một nét văn riêng. Mà trong thế giới của những người viết, văn phong riêng biệt là một viên ngọc quý. Thi sĩ Hàn Mặc Tử và nhà văn Mai Thảo có lối viết cách nhìn độc đáo mang những nét riêng tử của thi sĩ và nhà văn, "Tôi no rồi, ơn vũ lộ hòa chan" (Hàn Mặc Tử) và "Ta thấy hình ta những miếu đền" (Mai Thảo). Nhà văn LM Trần Cao Tường cũng có văn phong riêng biệt, đọc lên biết liền chữ này, cấu trúc này, tư tưởng này phải là của ngài.

Trong bài "Văn Hóa Việt Nam: Vũ Khúc Đánh Giày," ngài viết:

...Mà đúng thật. Cái điệu quẹt xi và đánh bóng thật nhịp nhàng khoan thai như một khúc vũ. Chỉ sau mấy phút là tôi đã gạ chuyện liền. Được vặn "trúng đài", bà ta thao thao kể về đời sống của bà, trước đây là một dân ăn chơi thừa mứa tiền bạc của con nhà giầu, rồi cũng bị hút vào cái vòng xoáy của xã hội "văn minh", rồi tối ngày sáng đêm phải thi hành cho đúng chỉ thị của cái đà xã hội ra lệnh cho hợp tiêu chuẩn, không thể cưỡng lại được. Riết rồi thấy cuộc sống mệt mỏi buồn nôn như một tên nô lệ "không người lái"! Tình cờ một ngày kia tôi đã được một người bạn chỉ cho tôi con đường vào sa mạc Arizona này. Trong cõi trống bao la, tôi đã khám phá ra cách giải thoát chính mình. Tự nhiên tôi xả buông mọi thứ lỉnh kỉnh xưa nay vốn trói buộc tôi, để hòa vào một sức sống lớn hơn trong cõi trống huyền nhiệm bao la của sa mạc...


Nhìn một người đàn bà đánh giày ở phi trường Tucson, gọi những động tác "quẹt xi" và "đánh bóng" là "khúc vũ", rồi sử dụng văn phong Cao Tường để diễn tả giây phút bừng sáng tâm linh của "một tên nô lệ 'không người lái'" thì chắc chỉ có LM Trần Cao Tường. Nhưng để làm được điều này, người viết phải văn phong riêng biệt cộng thêm đời sống tâm linh hướng thượng sở hữu con mắt thần mới nhận ra được những động tác nhàm chán, bình thường, lập lại của nghề đánh giày hóa ra hình ảnh nghệ thuật của một vũ công yêu nghề.

Tôi vẫn không tin là LM Trần Cao Tường đã nhắm mắt ngủ yên, bởi giản dị ngài còn quá trẻ, tài năng nổi cuồn cuộn, tương lai hứa hẹn, và hơn nữa văn học nghệ thuật, đặc biệt dòng văn học Công Giáo đang cần tới những tài năng đặc biệt của ngài để tô điểm để khám phá ra thêm những nét phong phú mới. Tôi vẫn nghĩ một ngày nào đó, gần đây thôi, tôi có dịp bay về Mỹ nghỉ hè, ngài sẽ đón tôi ở phi trường New Orleans, để ngài và tôi có dịp chia sẻ... Chuyện đó tôi vẫn nghĩ sẽ là chuyện đương nhiên, chuyện sẽ xảy ra...

Nhưng rất tiếc hôm nay, 11 tháng 1, ngày giỗ 50 ngày của ngài. Giờ này, ngài đã ngủ say đúng 50 ngày. Nhưng cũng đã là 50 ngày, LM Trần Cao Tường về lại cõi thiên đàng gặp lại "Đấng Vô Hình" một đời nghệ thuật ngài lên đường hăm hở tìm kiếm.

Cả một quãng đường dài LM Trần Cao Tường sử dụng ngòi viết, máy hình, tâm sức để ca ngợi Thiên Chúa. Ngôi sao LM Trần Cao Tường đã tắt trên bầu trời, nhưng tư tưởng, tâm thức, suy nghĩ, và hình ảnh của ngài vẫn còn ở lại trên trần gian, và còn mãi mãi. Nhưng riêng với tôi, tấm lòng nhân ái và độ lượng của một người anh lớn sống đời xuất gia vẫn còn sống trong mãi trong tâm thức của riêng tôi.

Ảnh Cổng Trời chụp ở sa mạc là tấm ảnh riêng tu sĩ bình bát kính tặng anh linh Linh Mục Trần Cao Tường.

Nguyện cầu rất nhiều linh hồn của LM Trần Cao Tường giờ này đang diện đối diện với "Đấng Vô Hình" mà ngài cả đời rong ruổi kiếm tìm.

Alice Springs, 11 Tháng 1, 2011, Nguyễn Trung Tây

(Trích Suy Niệm ảnh chiêm niệm sẽ xuất bản)