Lễ Chúa Ba Ngôi - Tác giả: Đinh Quân

Lan Mary
" Ai thấy Tình Yêu là thấy Chúa Ba Ngôi." (Lời Thánh Augustinô) NGUỒN:

(Lễ trọng 4/6/23)

- "Ai thấy Tình Yêu là thấy Chúa Ba Ngôi." (Lời Thánh Augustinô)

- Mỗi lần ta làm dấu Thánh Giá là tuyên xưng Chúa Ba Ngôi.

ALLELUIA: Kh 1, 8

Alleluia, alleluia! - Sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con, và Đức Chúa Thánh Thần; sáng danh Thiên Chúa Đấng đang có, đã có và sẽ đến. - Alleluia.

Thánh Thi Ba Ngôi Thiên Chúa


Ngày của Chúa, lạy Ngôi Hai Thánh Tử,
Diệu kỳ thay, chính Chúa đã làm nên,
Để muôn loài trong hoàn vũ ngợi khen
Và hoan hỉ mừng Mặt Trời công chính.

Lạy Thánh Phụ của Chúa Con chí thánh,
Xin Thánh Thần Ngài phù trợ chúng con,
Ơn tái sinh lớn mãi trong tâm hồn
Hầu chiến thắng bao mê lầm tội lỗi.

Chúa Kitô, suối trào lân ái,
Kính dâng Ngài cùng với Chúa Cha
Hiệp cùng Thiên Chúa Ngôi Ba
muôn phúc cả vinh Ngàn hoa đời đời.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, anh em hãy vui lên, hãy nên trọn lành, hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí, và hoà thuận với nhau, thì Thiên Chúa, nguồn sự bình an và tình yêu, sẽ ở với anh em. Anh em hãy chào nhau bằng cái hôn thánh thiện. Tất cả các thánh ở đây gởi lời chào anh em. Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh em. Amen.


Tin mừng: Mt 28, 16-20

Khi ấy, mười một môn đệ đi về Galilêa, đến núi Chúa Giêsu đã chỉ trước. Khi thấy Người, các ông thờ lạy Người, nhưng có ít kẻ còn hoài nghi. Chúa Giêsu tiến lại nói với các ông rằng: "Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế".


Lịch sử và ý nghĩa


Lễ Chúa Ba Ngôi dựa trên học thuyết Ba Ngôi đã được các bản tín điều Nicaea (năm 325) và Athanasius (khoảng năm 500) khẳng định là giáo lý chính thức của Hội thánh. Theo đó, Thiên Chúa là duy nhất, Thiên Chúa hiện hữu trong ba ngôi vị là Cha, Con và Thánh Thần. Ba Ngôi tuy riêng biệt nhưng bình đẳng, có cùng một bản thể, quyền năng, hành động và ý chí như nhau, đồng tồn tại vĩnh cửu.

Đại Lễ Chúa Ba Ngôi đã có từ hồi thế kỷ X, nhưng tùy theo mỗi địa phương mà được mừng kính vào các thời điểm khác nhau. Cho đến 1334, Đức Thánh Cha Gioan XXII đã thiết lập Đại Lễ này cho toàn thể Giáo hội Công giáo và truyền cử hành vào chung một ngày. Tuy nhiên, thời gian cử hành chung cũng đã từng bị thay đổi nhiều lần sau đó. Từ thế kỷ XVIII cho tới nay thì Đại Lễ được ấn định cử hành vào ngày Chúa Nhật thứ nhất sau Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.

Giáo hội Công giáo cử hành Đại Lễ Kính Chúa Ba Ngôi với bậc Lễ Trọng. Trong khi đó, Giáo hội Tin Lành cử hành Đại Lễ này.

Sự kiện về Chúa Ba Ngôi:

- Thánh Gioan Matha sáng lập Dòng Chúa Ba Ngôi.

- Dòng Đức Bà Chúa Ba Ngôi.

- Thánh Elizabesth Tông Đồ Chúa Ba Ngôi.

- Họa phẩm I-Côn nổi tiếng của Andrei Rublew


Tóm lược Ba Ngôi Thiên Chúa trong 7 Phép Bí Tích:


1 - Bí Tích Rửa Tội

Khi lập Phép Rửa Tội Chúa đã dạy các môn đệ rằng:

"Ta đã được mọi uy quyền trên trời dưới đất. Các con hãy đi thu nạp môn đệ trên khắp các dân tộc, rửa tội cho họ: nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Ai tin và chịu Phép Rửa sẽ được cứu rỗi, còn ai không tin sẽ bị luận tội". (Mc. 16: 15- 16)

2 - Bí Tích Thêm Sức.

Bí Tích Thêm Sức kiện toàn và bổ túc Phép Rửa Tội, tăng Đức Tin mạnh mẽ trong Chúa Ba Ngôi, để can đảm chống lại tội lỗi và ma qủi cám dỗ, cùng cộng tác với Giáo Hội thánh hoá trần thế.

Người lãnh nhận Thêm Sức phải: Học Giáo lý- Sạch tội trọng cùng ước ao lãnh nhận Bí Tích này.

3 - Bí Tích Thánh Thể.

Nhờ Bí Tích Thánh Thể người Tín Hữu được tham dự vào hy lễ của Chúa cùng Cộng đoàn và Giáo Hội- Bí Tích Thánh Thể làm của nuôi linh hồn, tăng sức mạnh để ta chống lại mọi tội lỗi.

Sau cùng nhờ Bí Tích Thánh Thể ban cho ta diễm phúc trường sinh cùng với Thiên Chúa Ba Ngôi.

4 - Bí Tích Hòa Giải.

Các Bí Tích Rửa Tội- Thêm Sức- Thánh Thể là ngưỡng cửa đầu tiên đưa ta bước vào đời sống trần thế, thì các Bí Tích Hoà Giải- Xức Dầu- Thánh Thể là hành trang gíúp ta mạnh bước tiến về Quê Trời.

Để được lãnh nhận Bí Tích Hoà Giải cho thành, ta phải làm 5 việc: 1 là xét mình cho kỹ- 2 là lo buồn thống hối- 3 là quyết chí sửa mình- 4 là xưng hết mọi tội- 5 là làm việc đền tội.

Khi lãnh Bí Tích Hoà Giải, Chúa ban cho ta những ân sủng: Tăng sức mạnh tâm hồn- Hoà giải cùng Thiên Chúa và Giáo Hội- Được tha hết tội trọng và hình phạt đời đời- Bình an tâm hồn.
Sau khi tội nhân có lòng can đảm thống hối xưng hết các tội, lúc đó Linh Mục giơ tay ban phép lành tha tội rằng: "Ta tha tội cho con! Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần."

5 - Bí Tích Xức Dầu.

'Ai trong anh em đau yếu phải lo mời Linh Mục đến, để các Ngài nhân danh Chúa Kitô và cầu nguyện cho bệnh nhân. Kinh nguyện Đức Tin sẽ cứu người ấy, Chúa sẽ nâng đỡ và tha thứ tội họ đã phạm." (Giacôbê 5: 13- 15)

Trong nghi thức Xức Dầu, Linh Mục dâng lời chúc tụng Thiên Chúa Ba Ngôi:

- Lạy Chúa Cha Toàn Năng! Chúc tụng Chúa là Đấng đã sai Con Chúa xuống trần gian vì chúng con và phần rỗi chúng con.

- Lạy Chúa Con là Con Một Thiên Chúa! Chúc tụng Chúa là Đấng đã muốn chữa lành mọi tật nguyền của chúng con, khi Chúa xuống trần với bản tính loài người chúng con.

- Lạy Chúa Thánh Thần là Đấng an ủi! Chúc tụng Chúa là Đấng luôn dùng thần lực của Chúa mà làm cho những yếu đuối chúng con nên vững mạnh.


6 - Bí Tích Hôn Phối.

"Vì thế người ta sẽ từ bỏ cha mẹ mình mà gắn bó với vợ mình và cả 2 sẽ thành 1 xương 1 thịt. Như vậy họ sẽ không còn là 2, nhưng chỉ là 1 xương 1 thịt. Vậy sự gì Thiên Chúa đã phối hợp loài người không đựợc phân ly" (Mt. 19: 5- 6)

Trong nghi Lễ Hôn Phối, khi đôi tân hôn trao nhau Chiếc Nhẫn Tình Yêu, đã long trọng tuyên xưng chúc tụng Ba Ngôi Thiên Chúa:

- Têrêsa...Xin em nhận chiếc nhẫn này để làm chứng tình yêu và lòng trung thành của anh. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

- Gioan...Xin anh nhận chiếc nhẫn này để làm chứng tình yêu và lòng trung thành của em.

Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

7 - Bí Tích Truyền Chức Thánh.

Bí Tích Thánh Thể cũng chính là lúc Chúa Truyền Chức Linh Mục cho các Tông Đồ. "Lúa chin đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt, sai thợ ra gặt lúa về"
(Mt.9: 36- 37)

"Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta"
(Lc. 22: 19)

Chỉ các Giám Mục kế vị các Tông Đồ mới được Truyền Chức Linh Mục. Khi nhận lãnh chức Linh Mục, các Tân Chức phải tuyên hứa trước Giám Mục chủ phong đại diện Chúa và Giáo Hội sẽ giữ nghiêm nhặt 3 điều: Sống Khó nghèo Vâng lời và Khiết tịnh.

Nhiệm vụ Linh Mục cao trọng, nên Chúa ban cho các ơn cần thiết để chu toàn sứ mệnh: Dâng Thánh Lễ - Rao giảng Lời Chúa - Ban các Bí Tích cùng Chăn dắt Đoàn Chiên dưới hộ phù dìu dắt của Ba Ngôi Thiên Chúa "


Suy niệm:

Thiên Chúa là tình yêu. Ba Ngôi Thiên Chúa yêu thương nhau, hiệp nhất trong một Thiên Chúa. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm của tình yêu và đã được Đức Giêsu mạc khải. Tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi được thể hiện trong chương trình cứu độ:
Chúa Cha ban sáng kiến - Chúa Con thực hiện - và Chúa Thánh thần chuyển thông ơn cứu độ.

Đón nhận được tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta sẽ sống với tất cả tâm tình người con thảo hiếu. Lòng tin và yêu mến ấy phải thể hiện bằng đời sống cầu nguyện, kết hiệp với Đức Giêsu và trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Ba Ngôi, chúng con tin Chúa toàn năng và đầy tình yêu thương. Khi suy ngắm mầu nhiệm, chúng con càng cảm nghiệm hơn về tình yêu Chúa dành cho loài người chúng con. Xin cho chúng con luôn trung thành tin yêu phụng thờ Chúa. Xin cho gia đình, giáo xứ chúng con cũng biết sống yêu thương hiệp nhất với nhau trong tình yêu của Chúa. Chính lúc chúng con sống yêu thương là chúng con sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Amen.

- Hàng ngày chúng ta đọc Kinh Tin Kính để tuyên xưng và vững tin Ba Ngôi Thiên Chúa đã được truyền giải trong bản kinh:

Kinh Tin Kính

Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất.

Tôi tin kính Đức Chúa GiêSu Kitô là con một Đức Chúa Cha cùng là Chúa chúng tôi; bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà người xuống thai, sinh bởi Bà Maria đồng trinh; chịu nạn đời quan Phong-xi-ô Phi-la-tô, chịu đóng đanh trên cây Thánh Giá, chết và táng xác, xuống ngục tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ chết sống lại; lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng; ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết.

Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần; tôi tin có hội Thánh hằng có ở khắp thế này, các Thánh thông công; tôi tin phép tha tội; tôi tin xác loài người ngày sau sống lại; tôi tin hằng sống vậy, Amen.

Câu chuyện suy gẫm về Chúa Ba Ngôi


Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy


Ai trong chúng ta cũng biết câu chuyện về Thánh Augustinô ngày kia gặp một cậu bé đang cố sức lấy một chiếc vỏ sò múc nước biển đổ vào một cái hang. Thánh nhân đã chê cười cậu bé. Nhưng cậu đã đáp lại: việc tôi làm không đáng chê cười bằng việc Ngài muốn dùng trí khôn loài người để tìm hiểu mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.

Sau một đời ăn chơi trụy lạc và chạy theo tà thuyết, Augustinô đã tìm về với Kitô giáo. Ngài được xem là điển hình của một sự khao khát và tìm kiếm không ngừng. Điều đó được thể hiện qua một giai thoại như sau: Augustinô thuộc khuynh hướng của những người cho rằng với kiến thức và nỗ lực tìm kiếm, con người có thể múc cạn chân lý về Thiên Chúa.

Một hôm, đi dọc theo bờ biển, đầu óc miên man nghĩ đến những bí nhiệm về Thiên Chúa, tình cờ ngài gặp một cậu bé đang ngồi chơi trên cát. Nó dùng một mảnh sò để đào một lỗ nhỏ trên cát, rồi dùng vỏ sò múc nước biển đổ vào đó. Nhưng dã tràng xe cát Biển Đông, nó cứ đổ nước vào cái lỗ mà vẫn không bao giờ đầy. Ngạc nhiên về cử chỉ của đứa bé, thánh nhân nấn ná gợi chuyện.

Ngài hỏi nó đang làm gì, đứa bé trả lời không chút do dự:

- Thưa ông, cháu đang dùng vỏ sò này để tát cho cạn nước bể đại dương.

Thánh nhân lắc đầu bảo nó: Cháu không thể làm được chuyện đó đâu.

Đứa bé ngước lên và mỉm cười nói:

- Múc cả đại dương đổ đầy cái lỗ này còn dễ hơn suy về mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa.

Và Thánh Nhân đã giật mình tỉnh ngộ.

Viết đến đây tôi lại nhớ đến lớp học Giáo lý nơi họ đạo khi xưa.

Mỗi ngày Chúa Nhật, các thày từ Đại chủng viện đến dạy Giáo lý tại các họ đạo quanh vùng.

Theo anh kéo chuông cho biết khi trông thấy bóng thày xuất hiện trên hương lộ, hồi chuông vang lên để học sinh vô lớp đón thày và chuẩn bị học.

Thày bước vào tươi cười cho chúng tôi ngồi xuống. Sau đó ôn lại những bài cũ về Đức Mẹ và Các Thánh dễ hiểu nên còn nhớ.

Thày tỏ vẻ hài lòng nói: "Các em rất tốt! Hôm nay chúng ta học bài mới về Chúa Ba Ngôi "

Rồi thày hỏi các em có biết gì về Chúa Ba Ngôi không ?

Cả lớp im lặng vì không có ai biết, một anh lớn nhất bạo dạn đứng lên thưa:

- Xin thày cho chúng con ví dụ để dễ hiểu.

- Được tôi sẽ cho các em 2 thí dụ.

Rồi thày vẽ trên bảng 1 hình tam giác và hỏi:

- Các em thấy hinh này mấy cạnh? - Dạ, thưa 3 cạnh.

- Có mấy góc? - Thưa 3 góc.

- Vậy có phải là 3 hình tam giác không? – Thưa không, chỉ có 1.

- Cũng thế Ba Ngôi chỉ là một Thiên Chúa thôi.

Thày vẽ hình thứ hai và hỏi: Đây là hình gì? – Ấm nước đang đun sôi .

- Trước khi đun nước lỏng hay đặc? – Thưa lỏng.

– Đang khi đun nước sôi thấy gì? – Hơi bốc lên.

- Nếu lạnh quá thì sao? – Đông đặc lại.

- Vậy nước có thể ở 3 trạng thái: Lỏng- Bốc hơi- Đặc .

Như thế 3 thể Lỏng- Hơi- Đặc, còn gọi là nước không? – Thưa vẫn là nước.

Vậy Ba Ngôi cũng là một Thiên Chúa thôi.

Tại các quốc gia Âu châu, khí hậu rất lạnh về mùa đông học sinh đến trường có thể băng qua sông đông đá trên bánh xe trượt tuyết. Nơi làng ta đây chắc các em chưa bao giờ thấy nước đông đặc vì nước ta không quá lạnh, nên chỉ các thành phố lớn mới có nhà máy làm nước đá.

Thấy các em hiểu được phần nào về Chúa Ba Ngôi, thày rất hài lòng.

Thày kết thúc buổi học giáo lý:

- Chúc tất cả các em luôn vui tươi khỏe mạnh và chăm học như hôm nay!

Đó là kỷ niệm đẹp nơi làng quê xưa tôi còn ghi nhớ trong lớp Giáo lý.


Đinh Quân Tổng hợp