Một lời... - Tác giả: Lm. Đaminh Hương Quất

Lan Mary
'Một lời' - thể hiện sự ngay thật, thao luyện cho nội tâm sự mạnh mẽ - can đảm là điều thiết yếu tạo ra Uy Tín Con người, tạo được chỗ đứng phẩm giá Nhân linh, được người ta kính trọng. NGUỒN:

1.
Tớ cần hộp keo đựng đồ, nhưng tiêu chuẩn hàng Thủy Tinh, tránh hàng nhựa, tớ dị đồ nhựa... (Ái chà!... Khoe tý, Nhà xứ tớ đã thanh toán hết đồ nhựa bát đĩa, dẫu hàng nhựa chất lượng cao, còn mới lắm... Nói thanh toán hết, có phần điêu một tý. Thật ra tớ cũng để vài cái để phục vụ đầy tớ - cho Chó ăn khi cần).

Trời xế trưa, nắng gắt... Kệ!

Tớ cưỡi con ngựa sắt lao về khu chợ thị tứ đầu mối...

Đương nhiên tớ dạo quanh Chợ để xem có nhu cầu nào 'trổi lên' không, tiện 'tậu' luôn.

Tớ ghé vào sạp đồ gia dụng

(Trước khi ghé sạp này, tớ đã ghé sạp trước, nhưng 'sĩ... ái' khi tính tiền nhà chủ biết tớ, nhất định 'con biếu cha' nên tớ xin khiếu...)

- Ở đây có bán keo thủy tinh không, cháu ?

Cô chủ nhỏ 'dạ, có' lịch sự, đưa tớ hộp keo bé xíu đựng muối, đường nhà bếp.

- Có loại nào lớn hơn và có tay xách không ?

Cô chủ nhỏ đưa hộp keo đúng ý, hàng tớ vừa từ chối 'biếu cha'

- Bao nhiêu vậy cháu ?

Bất ngờ chị đang ngồi sệt đất phía trước, đang trao đổi với người nào đó, phát lệnh:

- Giá đề bao nhiêu ?

- Dạ 28.

- Anh cho em xin 28 ngàn.


Thì ra đây mới là chính chủ. Cô chủ nhỏ chắc em hay cháu ra phụ bán.

Khi cầm hộp keo, nhìn tem giá phát hiện sai lệch lớn, tớ đính chính, giọng trêu:

- Cô bé nói sai rồi. Giá 38 chứ không phải 28.

Và tế nhị tớ đưa tờ năm chục ngàn Hồ tệ.

Nhưng khi thối lại, chính chủ vẫn lấy giá 28; thối 32.

Tớ đưa lại tờ 2000 Hồ tệ lẻ...

- Xin phép Chị lấy chẵn nhé. Cho tôi xin Kinh Kính Mừng là lời rồi.

- Em cảm ơn Anh!


Nghe Chính chủ - không biết mặt mũi thế nào (đeo khẩu trang, lại đội nón, vẫn ngồi sệt dưới đất thấp tè giao dịch với khách trước) gọi 'Anh - Em' lạ và hiếm, tự nhiên cái thằng tóc bạc - là tớ, có người nhìn nhầm hơn 60 tuổi trẻ hẳn ra như thời sinh viên- thời viết báo tung tăng, mới đây.

Có lẽ tớ phải đọc chục Kinh Kính mừng để... cảm ơn Chị chính chủ. Không chỉ làm tớ trẻ, mà quan trong hơn... 'một lời'.

2. Nhà Thờ mới ráp hai quạt trần công nghiệp HVLC to như cánh quạt máy bay trực thăng. Tiền công giáp do phía công ty bán quạt ra giá là 10 triệu Hồ tệ.

Sau khi có ý kiến của đại Lý Dân Thánh mua giúp, tớ thanh toán Hồ tệ tươi rói từ A đến Z cho phía công ty qua đội ráp quạt mang về.

Chị đại diện bên công ty bán quạt, điện cho đại lý, báo tính lộn, nhẽ ra công giáp 10 triệu một cái, hai cái phải 20 triệu.

Chị Dân Thánh- đại lý liên hệ công ty bán quạt nói:

- Chị nhiều lời quá, làm cho Nhà thờ, Cha xứ đã thanh toán xong tiền rồi, mình đã cầm tiền rồi. Lỗi do mình mình chịu đi!

- Chị ơi, em được hưởng có chấm hai (1.2%), lời có bao nhiêu đâu!

- Làm ăn không có nhiều lời. Tôi chịu một phần, chị chịu một phần.


Tớ 'chấm' cái không nhiều lời của Chị đại lý mua giúp 'trong veo' (không lấy phần trăm chiết khấu nào).
Cha Sư huynh đáng kính vùng Xóm Đạo thôn quê, gọi điện hỏi thăm tớ và cũng nhờ Anh Chị đại lý này liên hệ tậu bốn cái, hai cho Nhà thờ, hai cho hội trường thường xuyên sinh hoạt Mục vụ Giáo lý cấp Giáo hạt- Giáo phận.

Anh chị đại lý chân tình tư vấn, đại ý: Ráp quạt cũng không khó, Giáo xứ Cha ai rành về điện có thể tự ráp được... Giống như giáo xứ NL, QL... mua về tự ráp theo hướng dẫn chi tiết có kèm theo sản phẩm, vẫn tốt như ai. Tính ra tiết kiệm khá tiền cho Giáo xứ.

(Nghe nói, chỗ Cha Sư huynh, công ty sau khi lên khảo sát bán quạt phù hợp, ra giá công giáp 11 triệu/cái; 4 cái 44 triệu Hồ tệ... không có chuyện ráp nhiều giảm giá!).

Mới rồi, đi Thường huấn, Cha Sư huynh chủ động tìm tớ, đến bắt tay, chỉ nói một câu: - Cảm ơn cha giới thiệu, giáo xứ tiết kiệm được khá tiền.

Thấy Cha Sư huynh đáng kính tìm và đến bắt tay tớ nói lời cảm ơn, tớ ngại thật, liền 'chuyền banh' cho người xứng đáng hơn: 'Anh chị đại lý mới có công, chứ con có giúp được gì đâu'.
...

Người ta - khắp thế giới ca tụng - kiêng nể Dân tộc Do Thái, không chỉ tài trí, thành công mà là Uy Tín. Cái làm nên thành công trên mọi phương diện của người Do Thái chính là Uy Tín. Mà người có Tín Uy là người không lắm lời. Nghe nói, khi họ đã có lời cam kết, thì chuyện văn bản 'hợp đồng' đâm ra thừa, nhất là khi người Do Thái với nhau.

(Trong lăng kính Tôn giáo, họ cần và phải sống và bảo vệ Uy Tín bởi Họ ý thức cao danh dự - phẩm giá mình thuộc Dân Thánh - Dân Riêng được Đức Chúa tuyển chọn!).

Quả thế, đọc những bộ sách liên quan đến Dạy con của người Do Thái (hay liên quan đến người Do Thái) cho thấy việc Uy Tín giữ lời hứa thuộc loại nòng cốt, thuộc top đầu. Để giữ lời hứa- không có chuyện lắm lời, thay lời; Họ sẵn sàng chịu phần thiệt về mình để đảm bảo lời đã hứa.

'Một lời' - thể hiện sự ngay thật, thao luyện cho nội tâm sự mạnh mẽ - can đảm là điều thiết yếu tạo ra Uy Tín Con người, tạo được chỗ đứng phẩm giá Nhân linh, được người ta kính trọng.

Thương trường không có Uy Tín, chắc chắn trước sau gì cũng thất bại, thảm bại. 'Khi bạn còn Uy Tín thì còn tất cả; khi bạn mất Uy Tín thì mất tất cả', danh ngôn Phương Tây tớ đọc đâu đó đã trải nghiệm, đúc kết.

Người sống không có Uy Tín thì...phí cơm Cha Mẹ nuôi, uổng công Mẹ Cha sinh dưỡng; hiểm họa cho xã hội, thêm sống hèn nhược, hoang tưởng... Mà nạn nhân chính là đương sự...

Đi đâu cũng bị người ta khinh bỉ, thì càng quyền lực càng nhục nhã, càng ề chề.

Nghĩa là người 'một lời' rất khẩn cần, không chỉ cho làm người - nên người mà còn cho xã hội thăng tiến vững chắc, ổn định - Quốc gia nâng tầm uy tín, sánh bước với cường quốc năm châu.

Giật mình!!!...

Không biết từ đâu, và không biết chỗ nào có quan niệm thời thịnh, rất hót đầy biến thái, nguy hiểm như thế này:

'Quân tử nhất ngôn là quân tử dại, quân tử nói lại là quân tử khôn'.

'Dại- Khôn' theo kiểu băng hoại Đạo đức này xem ra đang là lối sống 'định hướng' cho toàn thể xã hội, nhất là giới trẻ...

Hèn chi, chẳng lạ khi xã hội toàn người gù lưng, thẳng lưng trở thành khuyết tật (nhời cô giáo cán bộ nào đó trước tòa xử nhé).

Mà 'gù lưng', càng lưng gù, mặt bám dúi xuống đất chỉ có loại 'súc vật'.

Lm. Đaminh Hương Quất