Tìm ai mà trả “góc khuất” ?

Xuân Tân Phong
Giáo Hội tô điểm nụ cười Vườn hoa rực nở, xinh tươi đơm chồi Đức tin điểm tựa làm nôi Hạ sang, thu cuối, đông hồi, sắc xuân NGUỒN:


Nẻo đường theo Chúa hôm nay
Đoàn dân hăng hái từng ngày tiến lên
Hai ngàn năm mãi vững bền
Một lòng trung tín, gần bên lòng Người

Giáo Hội tô điểm nụ cười
Vườn hoa rực nở, xinh tươi đơm chồi
Đức tin điểm tựa làm nôi
Hạ sang, thu cuối, đông hồi, sắc xuân

Đoàn dân đông đảo quây quần
Một lòng quy hướng thấm nhuần ân ban
Ơn trên đổ xuống dư tràn
Hiệp hành chung bước, toả lan Tin Mừng

Con đường nên thánh xin vâng
Lắng nghe, phân định, hiệp từng lời kinh
Nói lên ước nguyện riêng mình
Đáp ngàn thư ngỏp, giải trình tâm tư

khó khăn không để cầm cừ
xắn tay vào việc giải trừ êm xinh
Bóng đêm vây bủa rập rình
Ẩn nơi người trẻ, chiến binh theo Ngài

Góc khuất nào của riêng ai?
Hiệp hành dâng Chúa, theo Ngài vượt biên
Chúa là Mục Tử nhân hiền
Tay cầm gậy thẳng, dẫn chiên về Trời.


Cớ sao tôi lại viết những câu thơ ấy? Tại sao tôi lại chọn đề tài: Tìm ai mà trả "Góc khuất"? để diễn tả sự Hiệp Hành cho mọi người được biết? Điều đó có liên hệ gì đến lời mời gọi của Thượng Hội Đồng là: Hướng đến một Hội Thánh Hiệp Hành: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ. Mạn phép được tản mạn đôi nét khía cạnh này, để tất cả mỗi người Ki-tô hữu chúng ta thấy rõ những góc khuất của người già, người trẻ, người sống đời hôn nhân và của cả các Linh mục, tu sĩ.

Diễn tả một Giáo Hội Hiệp Hành không chỉ những mảng sáng, nhưng bởi cả những góc khuất. Về mặt luân lý: Góc khuất là "tội lỗi" nơi chứa những gì muốn che giấu và thường không phải là những thứ tốt đẹp. Tội lỗi khiến ta âm ỷ trong tâm hồn, thi thoáng làm ta đau nhói và ưu tư, khi lại gợi lên nỗi đau cay đắng; có lúc hi vọng sa lầy trong niềm vui quá khứ và cũng có cả những tội lỗi gặm nhấm một đời người, biến ta trở thành người vô dụng chẳng thể cầm nổi cây cưa để cắt tỉa chồi non của cái xấu. Như thế, tội lỗi chiếm ưu thế của ân phúc, bóng tối và sự dữ dần làm chủ ánh sáng. Khi đã vướng bận vào tội lỗi, tâm hồn ta sẽ trở nên tồi tệ hơn, khó vực dậy, cậy trông và tín thác nơi Chúa. Có người cho rằng: chỉ có các tín hữu mới có những góc khuất. Nhưng xin thưa: "đã hiện hữu thì tất cả đều mang trong mình góc khuất, ngay cả khi chưa được hợp hoan với Chúa thì các Thánh cũng là những con người, mang trong mình tội lỗi". Một lầm lỗi, một kinh nghiệm đau đớn, chua xót mà ta không chia sẻ, là một điều gì đó trong quá khứ ghì chặt không cho ta chạm tới tương lai trong sự tươi mới, sáng tạo và cặp mắt hướng về phía mặt trời (hướng về Đức Ki- tô). Góc khuất như một mùi hương mang đậm khiến con người ta thấy khét trong dĩ vãng, nó mang mùi vị của cả đắng, ngọt và cay. Góc khuất chính là xiềng xích, là gông cùm trói buộc đôi chân, con tim và lí trí, khiến con người như thế đứng trước xà ngang của một bản án.

Về mặt tín lý: Góc khuất chính là thân phận con người tội lỗi. Điều này không hệ tại là xấu, nhưng ám chỉ sự yếu đuối, mỏng giòn của một thụ tạo. Con người không thể tồn tại một mình nhưng cần phải sống chung, cần sự bao bọc, chở che và nâng đỡ của những cá thể bên cạnh. Chấp nhận và gánh đời nhau để cùng đạt tới tầm vóc viên mãn.

Có thể nói rằng: Có kẻ xem góc khuất là một vấn nạn, một mảng tối cần được thoát li và đưa ra ánh sáng. Tuy nhiên, dưới ánh nhìn đức tin của người Ki-tô hữu, thay vì đó, góc khuất lại là một huyền nhiệm. Huyền nhiệm ở chỗ chúng ta không sao lí giải được khi nó xảy đến cho người này điều này, nhưng lại không xảy đến với người kia. Hơn nữa, sự huyền nhiệm này để diễn tả lịch sử cứu độ của Thiên Chúa, sự quan phòng, hiện diện của Chúa trong chính cuộc đời, hay trong các góc khuất của một tâm hồn. Chúa Giê- su "xuống" để cứu chuộc con người, nên một với những ai đang bị cô lập khỏi tình yêu Thiên Chúa. Ngài đã lấy tự do để gặp gỡ những ai trong sự tự do đã khước từ Thiên Chúa, nghĩa là nên một với tội nhân trong chính cái tội của họ mà không hề có một sự cộng tác hay thoả hiệp với tội. Một bầu trời hiển nhiên có ngày và đêm, thì đối với một tâm hồn, chuyện có góc khuất cũng là lẽ thường và giá như góc khuất không hiện hữu thì ánh sáng đâu cần tốn công chiến đấu, sẽ chẳng ai bật khóc hay mỉm cười vì thương trường không có thù địch.

Mỗi người mang trong mình một góc khuất, không ai giống ai. Chắc hẳn chẳng ai muốn ôm lấy bóng tối đến suốt cuộc đời, cũng chẳng ai vì thế mà rẽ ngang một lối đi. Để đáp lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha cũng như là của Thượng Hội Đồng: Hướng đến một Hội Thánh Hiệp Hành: Hiệp thông-Tham gia- Sứ vụ thiết nghĩ chúng ta cần đỡ nâng nhau để thăng tiến mọi mặt. Cách đặc biệt là đỡ nâng nhau khi bóng đêm bao phủ, mọi góc khuất của một tâm hồn cần được giải tỏa bằng sự Hiệp Hành của một con người với một con người. Khó có thể để con người ta mở lòng và đón nhận những đóng góp, những lời động viên, khích lệ khi tội lỗi, góc khuất đang vây bủa và ôm choàng.

Tìm ai mà trả "Góc khuất"? đó là một câu hỏi tu từ, đó cũng là một lời vãn không của riêng ai. "Tìm ai mà trả?" điều nay không phải nhắc đến sự nợ nần như trong tiền của hay đồ đạc. Nhưng nó gợi mở cho một sự tự do, một tâm hồn bị bó buộc trong tội lỗi, trong đau khổ bây giờ cần giải tỏa và làm mới đời sống bằng việc đẩy lui bóng tối để mở đường cho ánh sáng. "Tìm ai mà trả?" nếu là bạn đang có những góc khuất chưa hé lộ, vậy bạn tìm ai để sẻ chia, tìm ai để đẩy lui những làn khói độc đang bay tỏa trong cõi lòng bạn. Bạn nghĩ xem, nếu không trả góc khuất, không xua đuổi nó đi chỗ khác,vậy ánh sáng sẽ còn chỗ trú ngụ không? Là một người Ki tô hữu, một người trẻ, một Linh mục hay 1 tu sĩ nam nữ, bạn nhìn nhận và tự vấn xem: Trong tâm hồn bạn được phân thành mấy góc khuất? mỗi góc khuất được hình thành như thế nào? những góc khuất đó đã làm gì bạn? nó mang lại hậu quả ra sao? Lí do gì khiến bạn che đậy góc khuất? Tại sao bạn không trả nó về với bóng đêm mà lại giữ? Bạn có muốn chính bạn hay một ai đó mang góc khuất đi nơi khác không?...Có rất nhiều và nhiều câu hỏi chính tôi đã tự vấn lương tâm mình và tôi cũng muốn gửi đến bạn đọc. Để chính tôi và các bạn hãy dừng lại ít phút trong một ngày sống mà trả lời cho từng câu. Quả nhiên, theo tôi, nó không khó. Có những kiến thức hàm lâm mà chúng ta vẫn cố gắng để thu nạp, vậy chẳng có lí do gì để bỏ qua những điều tốt đẹp mà bản thân đang tìm kiếm.

Hiệp Hành: Hiệp thông- Tham gia- Sứ vụ. Điều này gợi nhắc mỗi người Ki tô hữu chúng ta cần can đảm nhìn lại mối giây liên kết trong Hội Thánh và với Đức Ki-tô. Tôi xin nhắc lại: [Chính "Hình cây" trong lô gô của Thượng Hội đồng đã diễn tả rất rõ: Một thân cây to lớn, hùng vĩ, tràn đầy khôn ngoan và ánh sáng, đang vươn lên trời cao. Nó là dấu chỉ của sức sống và niềm hy vọng sâu xa, biểu trưng cho thánh giá Chúa Kitô. Cây này mang Thánh Thể đang chiếu sáng như mặt trời. Đồng thời, các nhành cây được mở rộng theo chiều ngang như những đôi tay hoặc như đôi cánh, gợi lên hình ảnh Chúa Thánh Thần. Chính Thiên Chúa là sợi giây nối kết đoàn dân Chúa và giúp đoàn dân Chúa "bước đi cùng nhau". 15 bóng người đã khái quát toàn bộ nhân loại trong sự đa dạng về hoàn cảnh sống, thế hệ và nguồn gốc, họ cùng nhau bước đi trên một mặt phẳng, một con đường; trẻ, già, nam, nữ, thiếu niên, trẻ em, giáo dân, tu sĩ, cha mẹ, người sống đời vợ chồng, người sống đời độc thân; giám mục và tu sĩ không đi trước mặt họ, nhưng ở giữa họ. Một mối giây tuyệt hảo mang tất cả mọi người đến với Đức Ki tô, nguồn sống và là năng lượng cho linh hồn. Để cùng nhau xây dựng một giáo hội Hiệp hành thì điều đầu tiên cần và có là mọi thành phần dân Chúa phải hiệp thông rồi tham gia và cuối cùng là thi hành sứ vụ.] x. Logo Thượng Hội đồng 2021-2023.

Trở lại với đề tài: Tìm ai mà trả "góc khuất"?. Mảng đề tài này chúng ta nên nhìn nhận nó theo phương diện tín lý. Bởi vì, không ai có thể tự chữa lành vết thương, cũng như không ai có thể tự mang trả "góc khuất". Muốn vậy, chúng ta cần tựa nương vào Chúa, tựa nương vào anh em, góp thêm sự nỗ lực của chính mình hòa quyện ơn Chúa, tôi tin chắc mỗi góc khuất trong tâm hồn sẽ dần được khơi mở, ánh sáng của Thiên Chúa sẽ được lên lỏi vào mọi ngõ ngách và bừng cháy. Như một người bạn tù cần ánh sáng từ khung cửa nhỏ thế nào thì tâm hồn chúng ta cũng cần được hé mở để đón nhận Đức Ki-tô nhiều đến như vậy. Trải lòng-mở lòng-sẻ chia là bước đầu cho sự thành công trả nợ, mang trả góc khuất về nơi sản sinh. Liệu chúng ta có dám can đảm để trải lòng tâm sự và hóa giải tâm hồn không?

"Góc khuất" trong tâm hồn nó không phải là món nợ, nhưng chính chúng ta cần phải mang trả để làm mới cõi lòng. Hiển nhiên góc khuất không làm chúng ta xấu đi nếu theo hướng tín lý thì đó là huyền nhiệm Chúa mang đến, và chính Chúa muốn thanh luyện con người bằng sự vượt lên chính mình, vượt lên những cám dỗ, để chiến thắng bóng tối. Một sức mạnh đến từ bạn chính là đón nhận mọi góc khuất và đưa ánh sáng đến vùng u buồn, một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi có thể cứu lấy một cuộc đời, một phút trò chuyện với ai đó cũng đánh thức tâm hồn bạn. Vậy, bạn có từng nghĩ mình đã chết đi vì những góc khuất đang lẫn át? Những lúc đó tinh thần bạn như thế nào? Là con cái Chúa, bạn có nhận thấy sự hiện diện và song hành của Thiên Chúa bên cạnh, phía trước hay bên trong tâm hồn bạn không?

Bạn thấy đó: Tin mừng thánh Luca thuật lại về hành trình của 2 môn đệ trên đường Emmau, đoạn tin mừng này cho chúng ta thấy rõ tính "Hiệp Hành" giữa Thiên Chúa, Cơlêôpát và một môn đệ khác. "Đức Giê su cùng đi đường với hai môn đệ và hiện ra giữa cộng đoàn". Khúc đoạn Tin Mừng này đã nêu rõ chung bố cục bản văn.Về hành trình của hai môn đệ đang ở trong hoàn cảnh đau thương, mất mát, u buồn, một góc khuất xuất hiện trong tâm hồn họ khi biết Chúa Giê Su đã chết, họ không thấy hi vọng và thế cùng nhau trở về quê hương, họ chao đảo và mất bình an. Dẫu góc khuất khiến hai môn đệ mất đi mọi thứ, bóng tối lấn át khiến đôi mắt họ không nhìn thấy Chúa đi bên cạnh. Tuy nhiên, sau khi nghe kể lại các sự cố xảy ra, Đức Giê su đã trình bày cho hai người thấy là tất cả những điều xảy ra đều phù hợp với Kinh Thánh. Trở thành bạn đồng hành của họ, bước đi với họ, cùng tham gia thảo luận về câu chuyện. Tuy vậy, dẫu biết bản thân là nhân vật chính trong câu chuyện nhưng Đức Giê-su tỏ ra như là không hay, điều đó Người muốn chứng tỏ sự sẵn sàng lắng nghe, và đã tạo cơ hội cho họ diễn tả các tư tưởng và các mối bận tâm. Hai môn đệ đã mở lòng ra để sẻ chia hết tất cả những thứ tồn tạo trong suy nghĩ của họ, họ tường thuật và kể rất chi tiết cho Chúa nghe mọi sự việc xảy đến. Vào lúc ấy, Chúa Giê Su đã giải thích Kinh Thánh cho hai ông để hai ông hiểu. Tuy nhiên, Chúa Giê su đã nói: Anh em chẳng hiểu gì và lòng trí các anh thật chậm tin". Chính Chúa Giê đã nhấn mạnh và khai mở đôi mắt của hai môn đệ để giúp họ nhận ra Người khi Người bẻ bánh, giúp họ nhận ra những góc khuất đang chen lẫn vào cuộc đời họ khi hai môn đệ mời Chúa ở lại vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn. Sau sự gặp gỡ đã nêu bật kinh nghiệm vừa trải qua với Đức Giê-su, họ ghi nhận một sự thay đổi trong tim, vì bây giờ con tim họ bắt đầu bừng cháy lên.

Hiệp Hành là đỡ nâng, giúp nhau nhận ra những góc khuất, là đồng hành, sẻ chia và trải lòng với nhau. Có thể nói trong thời 4.0 thì việc Chúa hiện ra không phải như hai ngàn năm trước. Nhưng thay vì Chúa cùng bước đi, lắng nghe, sẻ chia những tâm tư với chúng ta thì Chúa đã có cách của Chúa. Chúa gửi đến cho chúng ta rất nhiều anh chị em, những người bạn, những người đồng hành, khôn ngoan, để trong những góc khuất hay u buồn chúng ta có thể nhấc máy lên và nhận được sự đồng cảnh, nhận được những lời chia sẻ, nhận được sự lắng nghe. Chính những lúc tâm hồn gặp thách đố thì Chúa vẫn luôn yêu thương, che chở và đồng hành với chúng ta, Chúa đã đi bước trước, gửi đến cho chúng ta những người bạn để chúng ta gửi những tâm tư, gửi những bận tâm, muộn phiền.

Sẽ thật nhẹ nhàng khi ta sẵn sàng mở lòng, mở cánh cửa cho ánh sáng của Thiên Chúa dọi vào, chúng ta hãy nhìn và khắc ghi biến cố trên đường Emmau để lấy kinh nghiệm cho bản thân. Hãy để Chúa trong tim và để ánh sáng Chúa làm bừng cháy tâm hồn, thêu rụi góc khuất, nỗi sầu và trăn trở khi chúng ta gặp thách đố. Cậy trông và lắng động lòng mình để thấy Chúa trong những "góc khuất". Hãy để Chúa biển đổi qua những người anh chị em chúng ta gặp gỡ, có như thế chúng ta mới tìm và mang trả những góc khuất về nơi sản sinh. Tìm gặp Chúa trong mọi hoàn cảnh, gửi tất cả những góc khuất đó nơi Chúa và trả dần bằng sự nỗ lực, cố gắng thanh lọc tâm hồn, giúp tâm hồn tươi mới và hãy mang lấy, mặc lấy ánh sáng Đức Ki tô để chiếc áo linh hồn chúng ta không bị bao phủ bởi bẫy giăng góc khuất.

Dù bạn là ai? Dù bạn ở bậc sống nào? Dù bạn có nhiều hay ít những góc khuất? Nhưng tôi tin chắc rằng: chẳng có góc khuất nào không có cửa, chỉ là bạn có dám mạnh tay đẩy nó để đón nhận ánh sáng hay không? Bạn làm được, tôi làm được và chắc chắn tất cả mọi người ở trong mọi thành phần dân Chúa chúng ta đều làm được nếu liên đới với ơn Chúa và liên đới với nhau trong tình đệ huynh.

Hiệp hành là cùng nhau bước đi, chính vì thế chúng ta có bổn phận dìu dắt người anh em bên cạnh của mình, dù họ tàn tật, dù họ đau khổ, dù họ bại liệt, thì chúng ta vẫn phải cõng, vác, gánh họ. Không phải mang nặng nề vào thân, cũng chẳng phải dại làm khổ chính mình. Hãy nhìn xem Đức Giê Su vác Thánh Giá và tội lỗi chúng ta thế nào thì chúng ta sẽ cảm nhận được những đau khổ mà anh chị em chúng ta đang phải vác. San sẻ một chút không khiến chúng ta mệt, nhưng gieo thêm tinh thần, sự cộng tác và bồi sức cho anh em mình. Hãy "Hiệp Hành" như Chúa đã đồng hành với hai người môn đệ. Như vậy để chạm cùng một đích, để bước chung một đường và để cùng hưởng một trái thơm thì chúng ta hãy: Hiệp Hành: Hiệp thông- Tham gia- Sứ vụ. Hầu làm nước Chúa lớn mạnh nơi chính trần thế và đông đảo trong vườn thiêng mai sau.

Bài viết dự thi Giáo xứ Hòa Thắng