Sương đêm - Tác giả: Phêrô Bá Hùng

Lan Mary
Cũng như bông hoa nhỏ trong Truyện Một Tâm Hồn, tình yêu và niềm hy vọng vào Chúa như hạt sương đêm chạm nhẹ vào vết thương đang rỉ máu của anh. Hồng cầu xin Chúa biến cuộc đời của anh trở nên những hạt cầu sương bé nhỏ ánh lên tia nắng tình yêu ấm áp của Thiên Chúa quyền năng. NGUỒN:

(Tác phẩm đạt giải Ba cuộc thi "Têrêsa- Đóa hoa ân huệ" 2023)

Chiều thu lộng gió. Màu xanh mơn mởn của cánh đồng lúa trải đều dưới nền trời trong xanh. Hồng đã từng lớn lên, đã từng vô lo vô nghĩ, đã từng trải qua tháng ngày dãi nắng dầm mưa, đã từng quên ăn quên ngủ dưới bầu trời yên bình ấy. Nắng đã dần tắt, sương đêm bắt đầu thành hình trên những ngọn cỏ. Thước phim tuổi thơ chạy về trong tâm trí anh.

- Hồng ơi. Về cơm tối thôi con.

- Dạ thưa mẹ.

Tiếng kêu với của bà Năm kéo anh ra khỏi những hồi tưởng của bản thân. Ngôi nhà nhỏ của gia đình bà Năm thật đẹp, phía trước là những khóm hoa thiên lý leo dọc bờ rào, thỉnh thoảng những cơn gió nồm mang mùi hương dịu nhẹ rải khắp cả góc vườn. Cổng chính hướng ra phía cánh đồng lúa.

Hồng lớn lên trong một gia đình thuần nông đạo hạnh. Bà Năm – mẹ Hồng là người hiếm muộn. Sau gần 10 năm chạy thầy chạy thuốc, xin khấn đủ nơi, ông bà mới có được một cặp sinh đôi. Ai cũng bảo đó là những đứa con của Chúa. Cũng vì thế, bà Năm đặt tên cho cặp anh em là Hồng – Ân.

Ân – người em gái sinh đôi của Hồng. Cứ tưởng cặp anh em này sẽ chí chóe với nhau vì miếng bánh thức quà, nạnh tị nhau chuyện rửa bát quét nhà. Thế nhưng anh em Hồng – Ân yêu thương nhau lắm. Cả hai đứa sẻ chia với nhau quả ổi quả xoài mà cha mẹ mang về sau mỗi ngày lo chuyện đồng áng. Chuyện trường chuyện lớp, chuyện to chuyện nhỏ,... chúng cũng thủ thỉ với nhau suốt thôi. Thi thoảng cũng có cãi vã, giận hờn nhưng một lát sau lại quay ra cười tem tẻm như chưa có chuyện gì xảy ra.

Làng trên xóm dưới có đứa nào học hành chểnh mảng hay hư thân mất nết đều sẽ nghe bài "giáo huấn": Lên mà xem hai đứa con của bà Năm kìa; sớm chiều lo kinh hạt đạo nghĩa; ra đường lễ phép cúi chào người trên người dưới; học hành năm nào cũng hạng nhất hạng nhì của lớp.

Bà Năm xem ra cũng tự hào về hai đứa con của mình. Dù cuộc sống một nắng hai sương vất vả, thế nhưng vợ chồng bà Năm luôn cố gắng để nuôi dạy con cái khôn lớn. Ngoài việc cho chúng được học hành tử tế, ông bà còn chăm lo để anh em Hồng - Ân được lớn lên trong Đức tin và tình yêu của Đức Kitô.

Trong hai anh em, Hồng là đứa giỏi giang, chịu khó hơn hẳn. Hằng ngày, ngoài những buổi học ở trường, anh dành thời gian phụ giúp cha mẹ chuyện đồng áng, chăm con trâu, con gà. Dù là anh em sinh đôi, nhưng với danh phận anh cả nên xem ra Hồng luôn cố gắng tháo vát trong mọi chuyện; còn Ân vẫn là đứa em út, lại thêm cái tính nũng nịu của con gái nên cũng được chiều chuộng đôi phần.

Xuân hạ thu đông rồi lại xuân, đất trời cứ thế xoay vần. Cả hai đứa trẻ lớn lên giữa hương thơm của đồng lúa, mang trong con tim những khát khao, lý tưởng của bản thân. Ân lựa chọn việc du học ở trời Tây, còn Hồng ao ước trở thành một ông cha dang rộng cánh tay trên bàn thờ.

Năm 2011, Hồng đậu vào trường Tiểu chủng viện Xã Đoài sau bao tháng ngày chờ đợi mong mỏi của gia đình và quê hương. Gần 50 năm nay, giáo xứ anh đã không còn mấy ai tiến thân vào đời sống tu trì. Cuộc sống lam lũ vất vả, chuyện ăn còn khó nói gì đến chuyện học chuyện tu. Ở cái nơi đất cày ra sỏi đá như này kiếm đâu ra cơ hội để đổi đời. Những đứa bạn đồng trang lứa với anh đều chọn tha phương cầu thực với khát mong thoát khỏi cái đói, cái nghèo. Thế nhưng anh vẫn kiên trì theo đuổi ơn gọi. Dấn thân theo thầy Giêsu, chạm vào cuộc sống của những con người cùng khổ trong việc phục vụ là tâm nguyện của đời anh.
Cánh cổng đại chủng viện đã khởi sự ước mơ Linh mục trong anh. Nơi đó, Hồng được sống trong tình huynh đệ, được đào luyện, mài dũa các chiều kích nhân bản – thiêng liêng – tri thức và mục vụ để dần trở nên một Alter Chritus (Đức Kitô khác) giữa trần thế tạm bợ này.
Mùa hè năm 2016, ánh trăng vàng tháng năm sáng tỏ, sương đêm nhè nhẹ giăng lối trên bãi cỏ dài, hương rơm hương rạ từ cánh đồng nhờ gió mang vào xóm đạo nghèo. Anh em Hồng, Ân ngồi nghe cha mẹ kể lại những câu chuyện thuở thời hai ông bà mới quen biết nhau. Cha vốn là một chàng trai nhà nghèo, còn bà Năm là người con gái của làng đạo bên cạnh. Ngày ấy đi đồng đi ruộng nhiều, thế là hai người gặp nhau. Nào là ông theo bắt chuyện với bà, nào là bà phải lòng ông. Những câu chuyện "ngày xửa ngày xưa" hiện lên sống động giữa sân nhà rộn rã tiếng cười. Trong cái đêm trăng thanh gió nhẹ ấy Hồng nhận được mail thông báo của cha giám đốc ơn gọi...

"Mến chào thầy.

Ban giám đốc đào tạo Đại chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê gửi lời chào thăm thầy trong bình an của Chúa Kitô và Mẹ Maria.

Sau quãng thời gian tu học tại đại chủng viện, ban giám đốc xét thấy thầy có đủ điều kiện để bước vào năm thực tập giúp xứ. Xin chúc mừng thầy.

Bài sai giúp xứ sẽ được trao tại Tòa giám mục vào ngày 29/06 sắp tới. Hy vọng thầy luôn an vui trong đời sống dâng hiến.

Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta!"


Niềm vui ngập tràn ngôi nhà nhỏ. Ai cũng cầu chúc cho hành trình mới của người anh cả. Riêng với Hồng, anh đã mong chờ thông báo này trong suốt thời gian tu học tại Đại chủng viện. Chí ít đây là khoảng thời gian giúp anh ma sát nhiều hơn với công việc mục vụ; anh sẽ được phục vụ Chúa và tha nhân. Thế nhưng cảm xúc lo lắng vẫn thường trực trong anh. Anh thầm cầu nguyện với Chúa: "Với sứ mạng mới, xin cho con nhận ra những yếu đuối, bất toàn của chính mình để hoàn thiện bản thân, để thêm lòng mến Chúa và kiên vững từng ngày trên bước đường ơn gọi".

Ân nhìn thấy những trăn trở trong ánh mắt của anh. Kết thúc buổi tụ họp của gia đình, anh và Ân đi dạo trên bờ đê dài.

- Anh đang lo lắng à? Ân khẽ hỏi.

- Cũng có chút. Anh không biết tả sao về cảm xúc của mình lúc này. Vừa hạnh phúc nhưng cũng vừa lo lắng.

- Anh còn nhớ câu chuyện chú lừa trong bài Tin Mừng mà chúng ta đã được cha mẹ kể hồi còn nhỏ chứ.

- Tất nhiên. Anh luôn nhớ câu chuyện đó. Ý của em là...

- Chú lừa nhỏ thật tuyệt vời anh nhỉ. Tuy không thông minh nhưng lại chịu khó, dẻo dai và ít đòi hỏi để được phục vụ Chúa trong chính sứ mạng của mình. Anh cũng vậy nhé. Hãy phó thác hành trình của mình cho Chúa, kể cả niềm vui lẫn nỗi buồn!

- Anh cảm ơn. Thêm lời cầu nguyện cho anh. Ánh mắt anh tràn đầy hy vọng.

Hồng nhận được bài sai giúp xứ tại một xứ đạo nhỏ. Nói là xứ đạo nhỏ nhưng có những họ đạo cách nhà thờ xứ 9 -10 cây số. Giáo xứ nghèo lắm, hơn một nửa giáo dân là người dân tộc Kinh, số còn lại là đồng bào dân tộc thiểu số. Phần lớn dân cư nơi đây sống bằng việc bám nương, bám rẫy. Đối với các nhà truyền giáo đời sống đạo nơi miền sơn cước này thực sự là một bài toán khó. Giáo dân vốn dĩ không phải khô đạo, nhưng vì bản làng quá xa xôi, cuộc sống lại khắc nghiệt, việc kiếm miếng cơm manh áo đã vất vả, việc đến nhà thờ thường xuyên lại là một chuyện khó. Trẻ con ở đây cũng không được học hành đến nơi đến chốn. Phần lớn chúng nó chỉ học hết cấp 2; có đứa học hết cấp 3 rồi lo dựng vợ gả chồng yên bề gia thất, lặp lại "vòng tuần hoàn" của cha mẹ của chúng. Số người già, người neo đơn kể không hết.

Tạ ơn Chúa, khi trên những đoạn đường chông gai Chúa vẫn mang đến những làn sương làm dịu nhẹ cái nghiệt ngã của cuộc sống này. Cha sở của giáo xứ từng là một người anh đi trước trong mái trường Đại chủng viện. Cả hai đã từng quen biết nhau trước khi Hồng nhận bài sai về nơi đây. Cũng vì thế mà Hồng nhận được sự nâng đỡ và hướng dẫn tận tình của cha anh em. Kể từ ngày Hồng về với giáo xứ, cha sở như bớt đi được một phần gánh nặng trong sứ vụ. Cha giao lại cho anh coi sóc giới trẻ và viếng thăm người già.

Ở nơi khỉ ho cò gáy này Hồng cảm nhận được cái nóng rát của mùa hè, cái lạnh cắt da cắt thịt của mùa đông. Cái khổ nhất của miền đồi núi là mùa mưa gió. Những con dốc vừa nhỏ, vừa cao, dễ trơn trượt. Những hôm lễ sáng ở các họ đạo, Hồng và cha xứ chật vật chở nhau trên những con đường lầy lội như ruộng. Khi đến nơi, cả người nhem nhở đất màu, chỉ kịp rửa ráy qua loa, thay những bộ quần áo dự phòng để cử hành Thánh lễ. Mỗi dịp mưa gió, ông trùm Bình khuyên thầy và cha ở nhà, nào trời tạnh ráo thì đến dâng lễ tại các họ đạo. Thế nhưng có những lúc mưa nguyên cả tuần trời, lễ thường có thể bỏ, nhưng nghĩ đến cảnh giáo dân không được tham dự Thánh lễ Chúa Nhật thật là một nỗi ám ảnh với cha sở và thầy Hồng. Vậy là ngày nắng cũng như ngày mưa, cả hai đèo nhau hết họ đạo này đến họ đạo khác dâng lễ, thăm viếng giáo dân. Riết rồi cũng quen. Hồng xem đó là Thập giá để bước đi cùng Thầy Giêsu.

Việc kêu gọi giới trẻ đến nhà thờ là một vấn đề, Hồng được cha sở giao cho việc thành lập Hội đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể. Anh sẽ cố gắng để giúp đời sống đạo của người trẻ ngày càng thăng tiến, Hồng tự nhủ.

Mùa mưa năm ấy, trận lũ lịch sử diễn ra tại miền núi Tây Bắc Nghệ An để lại những thiệt hại nặng nề. Nước trong các đập hồ vượt quá mức cảnh báo cho phép. Nước đập xả bất ngờ khiến người dân không kịp trở tay. Lũ cuốn trôi mọi thứ trên đường nó di chuyển. Người ta chỉ biết chạy lên những vùng đất cao để bảo vệ mạng sống. Nhìn nhà cửa, tài sản, gia súc, gia cầm bị dòng lũ cuốn trôi lòng người không khỏi xót xa. Đó là cả cuộc sống, cuộc đời của họ. Cái xứ đạo đã nghèo nay lại càng tan hoang hơn.

Những ngày đó giáo dân phải chạy đến nhà xứ cầu cứu. Nhìn cảnh giáo dân lăn lóc, không nhà không cửa, Hồng cùng cha sở tất tả chạy vạy khắp nơi kêu cứu giúp đỡ. Ân cũng dùng chút mối quan hệ kêu gọi hỗ trợ lương thực, vật phẩm và chút ít đồ dùng sách vở. Những ngày lũ lụt, Hồng cùng đội mạnh trong giáo xứ túc trực ngày đêm, vận chuyển những chuyến hàng cứu trợ từ các nơi xa gửi đến. Ông Trùm Bình cũng phải trầm trồ:

- Thầy xứ nom vậy mà tháo vát quá. Nào là lội sông lội suối, nào là bê vác bì gạo bì sắn cho bà con.

- Con cũng như bao người mà ông. Thầy mỉm cười đáp nhẹ.

Khi còn là sinh viên, Hồng từng sinh hoạt cùng Cộng đoàn Vinh tại Hà Nộ, cuộc sống sinh viên những năm 2008 – 2009 thật khó khăn. Giống như trong trận lũ, Hồng và những người anh chị em bằng hữu canh trực ngày đêm, cùng cầu nguyện và bảo vệ Đức Tin cho nhau. Những nhóm nhỏ sinh viên công giáo Vinh theo học tại Hà Nội cũng từ đó mà gắn kết lại.

Cuộc sống những năm tháng đó dù ngán ngẩm với gói mỳ tôm nhưng luôn tràn đầy niềm vui và tiếng cười. Tình huynh đệ của những người con Vinh tại Hà Nội như hạt sương đêm chạm nhẹ vào cuộc sống của anh trong giai đoạn khắc nghiệt nhất, mài dũa lý tưởng trong trái tim của anh.

Lũ qua, Hồng huy động thanh niên trai tráng trong làng hỗ trợ tu sửa lại nhà dân. Số còn lại thì lục tìm trong đống đất bùn những vật dụng còn có giá trị sử dụng, nếu có ai cần thì đến lấy về mà dùng.

Tháng Mân Côi thầy được cha sở giao nhiệm vụ tổ chức chuyến hành hương Đức Mẹ Bảo Nham. Thầy dâng chuyến đi này trong bàn tay của Mẹ Maria Rất Thánh. Hôm đó, thầy Hồng cử anh Dũng và một số anh em giới trẻ chạy xe máy đến điểm hành hương trước để sắp xếp nơi ăn chỗ ngủ cho mọi người. Dũng là một người giới trẻ nhiệt tình trong công việc của giáo xứ. Dù gia đình khó khăn với mẹ già và đứa em tật nguyền nhưng anh sốt sáng lắm, không có hoạt động nào trong giáo xứ mà thiếu vắng bóng dáng của anh. Hôm ấy, trời mưa tầm tã. Dũng uống lẹ cốc nước chè, mặc nhanh bộ đồ áo mưa cùng anh em di chuyển trước. Thầy Hồng dặn dò:

- Trời mưa nên anh em đi xe cẩn thận nhé.

- Thầy cứ yên tâm giao phó cho anh em chúng con. Anh Dũng đáp.

30 phút sau. Hồng nhận được cuộc gọi.

- Alo. Thầy ơi... Anh Dũng bị tai nạn rồi thầy ơi.

Thầy xứ bủn rủn cả người, thầy hỏi lại địa điểm tai nạn và nhờ người gọi xe cấp cứu ngay để kịp đưa anh Dũng đến bệnh viện. Hồng chỉ kịp khoác chiếc áo, vội vã chạy con xe Wave đen đến bệnh viện thị trấn – nơi mà người ta đưa anh Dũng vào đó để kịp thời cấp cứu. Đến nơi, người thầy ướt nhẹp. Anh Dũng đang được các bác sĩ băng bó vết thương ở chân.

- Anh Dũng sao rồi? Chuyện gì xảy ra vậy? Thầy lo lắng hỏi.

- Lúc ấy mưa to quá, khi qua đường đuôi xe của con quệt vào chiếc xe máy đi ở phía sau. Anh Dũng ngượng ngùng trả lời.

- Bác sĩ bảo sao rồi?

- Thầy yên tâm nhé. Con chỉ bị nứt xương chân và trầy xướt nhẹ. Cũng may không va phải xe công hay xe bán tải. Hồi sáng lúc ra đi, mẹ có nhét vào túi con bộ tràng hạt, dặn dò cầu nguyện với Đức Mẹ cho chuyến đi được bình an. Chắc Đức Mẹ đã gìn giữ con thầy ạ!

- Lạy Chúa! Con cảm tạ Chúa và Mẹ Maria đã gìn giữ chúng con trong bàn tay của Người. Hồng thầm cầu nguyện.

Sau biến cố ấy, Hồng tin chắc Đức Mẹ đã làm phép lạ trong chuyến đi của thầy và giáo xứ. Người đã gìn giữ đoàn con cái trong cánh áo chở che của Người.

Thời gian cứ thế trôi đi, Hồng giúp giáo xứ xây dựng thư viện, làm sân bóng đá, bóng chuyền, khu vui chơi mini cho trẻ em. Hội đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể nơi đây được xem là "đứa con đầu lòng" trong đời sống dâng hiến của thầy. Hồng tập cho chúng cách sinh hoạt, cách tổ chức các chương trình, khuyên nhủ tụi nó chịu khó học hành. Mỗi dịp Chúa Nhật đầu tháng, thầy cùng giới trẻ đi thăm viếng những người già neo đơn; mang chút gạo, chút nước mắm sẻ chia với những gia đình khó khăn. Tuy ít ỏi nhưng cũng đủ để an ủi cuộc sống của họ. Cũng bởi vậy mà giới trẻ ngày càng đến gần với thầy và với Chúa hơn.

Giáo dân nơi đây dành cho thầy một tình cảm mến thương đặc biệt. Nhất là mấy đứa con gái trong ca đoàn. Tướng tá cao ráo đẹp trai, khuôn mặt thư sinh với ánh mắt biết cười, không chỉ giỏi thể thao mà còn hát hay đàn giỏi, đến bà già cũng thích huống chi là thiếu nữ. Ngày xưa khi nghe tin Hồng muốn dâng mình cho Chúa, làng trên xóm dưới ai cũng mừng lắm. Riêng bà Năm thì đêm ngày cầu nguyện xin Chúa bước đi cùng đứa con trai của bà. Thỉnh thoảng ngồi chè xanh buôn lê bán thóc với mấy bà hàng xóm, bà nào bà nấy tấm tắc khen Hồng hết lời, có bà ngỏ ý muốn làm thông gia, có bà còn buông miệng nói:

- Nhà có mỗi một thằng con trai, đã ngoan giỏi như thế, sao lại để nó đi tu làm gì!

- Hoa thơm quả ngọt phải để phần Chúa trước chứ bà. Bà Năm tươi cười, đáp lại.

Hồng cứ tất bật với những công việc được giao phó mà không quản nắng sớm mưa chiều.
Trong sứ mạng thầy giúp xứ, anh đã cố gắng đổi mới "bộ mặt" của xứ đạo nghèo này. Giới trẻ sống đạo hạnh hơn, hăng say lo việc nhà Chúa. Hồng còn quy tụ được một nhóm các em nhỏ có lòng khao khát dâng hiến cho Chúa để hình thành lớp ơn gọi. Thấm thoát thời gian giúp xứ cũng gần kết thúc, sau những tháng ngày dành hết tâm sức nơi đây Hồng không xin có hoa thơm quả ngọt, chỉ mong việc thầy làm được sáng danh Chúa.

Đường đến với Thập giá vinh quang là những khổ đau!

Trong một lần đi thăm viếng người neo đơn vào dịp lễ Thánh Phêrô và Phaolô. Trời mùa hè, con đường đồi núi bị những cơn gió lào thổi tung những lớp bụi vàng. Thầy mất tầm nhìn, chiếc xe wave đen trật bánh và lao xuống hốc mương sâu gần 2m. Hồng bất tỉnh. Thầy đã bị thương rất nặng và được đưa đến bệnh viện tỉnh để cấp cứu. Sau suốt 10 tiếng cố gắng, các bác sĩ phải chấp nhận chuyển thầy ra bệnh viện trung ương, không quên kèm theo những rủi ro và dặn dò gia đình chuẩn bị tinh thần.

Nhận được tin, ai cùng bàng hoàng. Ông bà cố gần như suy sụp. Ngày hôm ấy, cha sở đã chủ sự giờ cầu nguyện cách sốt sáng. Ngôi thánh đường quen thuộc nơi xứ đạo nghèo nay thật khác lạ. Bàn quỳ của thầy dưới chân tượng Đức Mẹ trống vắng đến lạ thường. Giữa những ngọn nến vàng sáng lên niềm hy vọng của những đôi mắt đẫm lệ, những đôi bàn tay nắm chặt.

Bảy ngày sau, Hồng tỉnh dậy. Anh đã thực sự sống sót nhưng xương cột sống của anh đã bị hư hoại hoàn toàn, chẳng còn cách gì để cứu chữa được nữa. Thế nhưng anh vẫn mỉm cười. Mọi người trong gia đình đã có mặt ở đây. Ân cũng vậy, mắt chị sưng húp vì khóc nhiều. Bà Năm nắm lấy tay trái của anh như để thêm nghị lực và giúp anh vững lòng tin, tay phải anh là tràng chuỗi Mân Côi mà anh Dũng đã nhét vào từ ngày nhập viện. Cha sở và ông trùm Bình đều đang ở quanh thầy.

- Con có nhận ra mẹ không? Bà Năm cố cầm nước mắt, giọng nghẹn.

- Có ạ! Thầy gật đầu.

- Liệu con có thể làm Linh mục được nữa không ạ? Thầy hỏi tiếp.

Câu hỏi của Hồng khiến mọi người nghẹn lại, chỉ còn lại tiếng nấc của Ân và bà Năm. Trước mặt chị là người anh đã từng lớn lên với chị, đã từng chia sẻ với chị những món đồ chơi, những thức ăn ngon, những chuyện nhỏ to trong suốt thời thơ ấu. Chị luôn tự hào vì người anh trai của mình. Chị đã từng mơ ước thật nhiều, mơ về cái ngày anh Hồng mang trên mình phẩm phục linh mục và chị sẽ được nhận phép lành từ anh. Nay người anh ấy đã bại liệt hoàn toàn. Tương lai đầy hứa hẹn phía trước đã tiêu tan.

Từ ngày Hồng nhập viện, ngày nào chị cũng có mặt bên cạnh, chăm sóc anh như cách mà anh và chị đã từng chăm sóc nhau thuở thời niên thiếu. Chị nắm chặt lấy tay anh, nhắc lại những chuyện mà hai anh em đã từng trải qua. Hồi còn bé, anh và chị nghiền truyện chị Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu lắm. Đêm hôm ấy, Ân đọc lại Truyện Một Tâm Hồn:

"Bông hoa nhỏ được bứng trồng trên núi Cát minh phải tươi nở dưới bóng Thập giá; nước mắt và máu của Chúa Giêsu trở thành sương sa cho nó và Mặt Trời của nó là Thánh Nhan Đấng Tôn Thờ phủ nước mắt..."

Đêm tĩnh mịch, ánh trăng vàng dọi chiếu vào căn phòng, chỉ còn tiếng tít tít từ những bộ phận máy trợ tim. Hồng nhìn những làn sương đêm bắt đầu buông xuống dịu nhẹ và thanh mát. Anh suy nghĩ về cuộc đời của mình, suy nghĩ về lý tưởng và tương lai. Anh đã từng phó thác vào Chúa thật nhiều, nhưng có những cây Thánh giá quá nặng với anh. Cuộc sống của anh thật nghiệt ngã. Giờ đây anh mới thấm thía câu nói của tiên tri Isaia: "Lạy Chúa, con như người thợ dệt, mải dệt cuộc đời mình, bỗng nhiên bị tay Chúa, cắt đứt ngày hàng chỉ".

Sau quãng thời gian dài điều trị khắc nghiệt, Hồng được trở về bên gia đình. Chào đón anh là những người hàng xóm xa gần, những người anh chị em thân quen dễ mến. Trong số đó vẫn có những ánh mắt, những tiếng thở dài não nề tiếc nuối cho cuộc đời và lý tưởng của một người thanh niên. Nhưng cũng có người lạc quan "Chúa đóng cánh cửa này, Người sẽ mở cánh cửa khác thôi mà".

Mặt trời dần khuất, ánh nắng cuối ngày dọi chiếu lên những vẩn mây màu đỏ rực vắt mình qua nền trời xanh thẳm. Xa xa phía chân trời còn sót lại những cánh chim chao lượn trên nền ráng chiều. Ân đẩy Hồng đi dạo trên con đê dài. Cả hai cùng ngắm nhìn cánh đồng thơm mùi hương lúa trổ dịu nhẹ trong làn sương chiều. Nơi con đê này cả Hồng và Ân đã cùng lớn lên. Anh em Hồng hiểu nhau và yêu thương nhau hơn bất kì ai.

- Ân này. Anh vẫn nhớ hồi còn nhỏ em rất thích ngắm nhìn những hạt sương mai, thích chạy nhảy trên những thảm cỏ ướt đẫm sương chiều.

- Đúng rồi anh. Em cảm thấy sương chiều thật dễ chiịu, không bỏng rát, không thô kệch.

Em thích ngắm nhìn những hạt sương mai nhẹ nhàng, những tia nắng chạm nhẹ vào những hạt sương. Những hạt sương ánh lên những tia sáng mới hệt như những chiếc cầu phát sáng cỏn con, bé tí nhưng thật đẹp và dễ chịu. Ân giải thích.

Hồng thầm nghĩ: Liệu Chúa có đang ngủ quên trước nỗi đau của anh. Chúa hiểu rõ khát khao đời Linh mục trong trái tim anh. Giờ đây anh bị bại liệt tứ chi. Nhưng tạ ơn Chúa, giữa những lúc khó khăn nhất, anh còn Ân và gia đình bên cạnh. Anh tin rằng Chúa vẫn đang yêu thương anh theo cách của Người, dù đôi khi thật khó hiểu và khó giải thích. Đau khổ vốn dĩ không phải là một hệ quả nhưng đó là một hành trình. Hành trình tín thác và tin yêu. Anh tin Thập giá Chúa sẽ ban sương sa xuống xoa dịu những khổ đau của anh.

Cũng như bông hoa nhỏ trong Truyện Một Tâm Hồn, tình yêu và niềm hy vọng vào Chúa như hạt sương đêm chạm nhẹ vào vết thương đang rỉ máu của anh. Hồng cầu xin Chúa biến cuộc đời của anh trở nên những hạt cầu sương bé nhỏ ánh lên tia nắng tình yêu ấm áp của Thiên Chúa quyền năng.

Tiếng chuông chiều vọng lại những thanh âm yên bình. Giữa cánh đồng bao la sương đêm bắt đầu buông xuống.

Phêrô Bá Hùng