[Giới thiệu sách] Nắng sau lưng chiều của Xuân Cát OP - Tác giả: Bùi Công Thuấn

Lan Mary
Sr Xuân Cát OP dòng nữ Đa Minh Gò Vấp, là tác giả trẻ, tài năng của văn học Công giáo đương đại. Sr đã đạt Giải VHNT Đất Mới ở nhiều thể loại. Năm 2019, truyện dài Đời làm hạt đạt Giải Khuyến khích. Năm 2020 kịch thơ Món quà kỳ diệu đạt Giải Nhất. Năm 2022, trường ca Ánh lửa đức tin trong đại dịch Covid đạt Giải Nhất. Năm 2024, đạt giải Nhất trường ca: "Gương phúc tử đạo" và Giải Nhì kịch bản văn học, kịch: "Nắng sau lưng chiều". NGUỒN:

Sr Xuân Cát OP dòng nữ Đa Minh Gò Vấp, là tác giả trẻ, tài năng của văn học Công giáo đương đại. Sr đã đạt Giải VHNT Đất Mới ở nhiều thể loại. Năm 2019, truyện dài Đời làm hạt đạt Giải Khuyến khích. Năm 2020 kịch thơ Món quà kỳ diệu đạt Giải Nhất. Năm 2022, trường ca Ánh lửa đức tin trong đại dịch Covid đạt Giải Nhất. Năm 2024, đạt giải Nhất trường ca: "Gương phúc tử đạo" và Giải Nhì kịch bản văn học, kịch: "Nắng sau lưng chiều".

Những giải thưởng ấy là tín hiệu vui về một ngòi bút tài năng và nhiệt tâm trong việc loan báo Tin Mừng. Rồi đây, nếu đẹp ý Chúa, Sr sẽ trở thành một tác giả với khuôn mặt nghệ thuật khả ái, tiếp bước các thế hệ cha anh trên con đường xây dựng một nền văn học Công giáo xứng với tầm vóc của lịch sử giáo hội Việt Nam. Lịch sử văn học Công giáo đương đại đã ghi dấu ấn nghệ thuật rất đậm của Đức ông Xuân Ly Băng, nhà thơ-Lm Trăng Thập Tự, nhà văn-Lm Nguyễn Trung Tây, nhà thơ-Lm Sơn Ca Linh, nhà thơ Lê Đình Bảng, nhà thơ-Lm Đình Chẩn, nhà thơ-Lm Cao Gia An...

Tập kịch bản "Nắng sau lưng chiều" khẳng định thêm tầm vóc nghệ thuật của Sr Xuân Cát OP. Tác giả đối mặt trực diện với những vấn đề hiện thực sống đạo để lên tiếng nói trách nhiệm lương tâm Công giáo và đề xuất những giải pháp với người trẻ. Đó là thái độ dấn thân của nhà văn. Nhà văn Công giáo là người đem Tin Mừng đến cho mọi người như Đức Giêsu ngày xưa. Ngài đã đi khắp nơi, đến với mọi phận người, chia sẻ mọi nỗi khốn khó và đem Ơn Cứu Độ cho những ai tin Người. Kịch bản tái hiện trước mắt người đọc tình trạng gia đình đổ vỡ làm tổn thương trẻ thơ; làm lộ ra những bi kịch của tình yêu-hôn nhân-bảo vệ sự sống của người trẻ hôm nay; hoặc tình cảnh thương tâm của những đứa trẻ cá biệt do hoàn cảnh gây nên...

Đặc điểm sáng tạo nghệ thuật trong kịch bản của Xuân Cát OP. là đem Kinh thánh vào đời sống để soi sáng, mở lối cho những vấn đề gai góc. Cách làm này khẳng định với người đọc rằng Kinh thánh có thể giúp giải quyết mọi vấn đề của hiện thực. Trong các loại hình nghệ thuật, diễn kịch là phương pháp trực quan có sức hấp dẫn và tác động vượt trội vào tâm hồn khán giả. Nhưng điều này đòi hỏi tài năng nhiều mặt của tác giả. Làm thế nào để tái hiện Kinh thánh chân thực và xúc động, để những bài học từ Kinh thánh lan tỏa tự nhiên và thuyết phục cho mọi đối tượng người xem? Kịch của Xuân Cát OP. trả lời được cho những vấn đề ấy và đọng lại niềm vui và vẻ đẹp tuyệt vời của Kinh thánh trong lòng người đọc.

Điều làm người đọc ngạc nhiên là sự phong phú thể lọai kich bản trong tập sách này. Sr Xuân Cát đã viết: Kịch bản sân khấu, Kịch bản phim ngắn, Kịch lửa trại, Kịch thơ, Kịch ơn gọi, Kịch Đại hội, Kịch rối. Ai cũng biết rằng, mỗi loại kịch bản (do hướng tới những đối tượng khán giả khác nhau, thực hiện những nhiệm vụ khác nhau) có những đặc trưng nghệ thuật riêng, có những quy cách dàn dựng riêng, đòi hỏi những tài năng riêng của đạo diễn, và có những yêu cầu rất khác nhau để thực hiện. Chẳng hạn, cách thực hiện một phim ngắn thì rất khác với diễn kịch rối và kịch vui ở trại. Đọc các thể loại kịch bản của Sr Xuân Cát OP. người đọc đã nhìn thấy, một ngày không xa, văn học Công giáo sẽ có một tác giả kịch bản lớn.

Một sự thật lịch sử là, ngoại trừ những vở tuồng Công giáo cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX như Tuồng Cha Minh (1881), Tuồng Joseph (1888), Tuồng Thương Khó (1912), Tuồng Bảy mối tội (1922),...và kịch của Trần Duy Nhiên (1941-2009), Văn học Công giáo chưa có các tác giả kịch bản chuyên nghiệp nào định vị được tài năng sáng tạo của mình trên dòng chảy văn học dân tộc như một tác giả viết kịch thế tục.

Ước gì những kịch bản trong "Nắng sau lưng chiều" được dàn dựng trên sân khấu các giáo xứ để người trẻ được sống những khát vọng của mình, từ đó lan tỏa một tinh thần dấn thân vì Tin Mừng mạnh mẽ và sống động hơn.

Và ước gì Sr Xuân Cát OP. có những kịch bản lớn hơn về tư tưởng và nghệ thuật, đóng góp cho sự phát triển của văn học Công giao hôm nay. Giáo hội rất cần sự dấn thân nghệ thuật của văn nghệ sĩ để làm vinh danh Chúa [[1]].

Tháng 11/ 2024

[1] Xin đọc
– Thư gửi văn nghệ sĩ của thánh Giáo hoàng Jean-Paul II, ngày 4/4/1999
https://www.vanthoconggiao.net/2022/02/thu-uc-thanh-cha-gioan-phaolo-ii-gui.html

- Thư của Đức Giáo hoàng Phanxico về vai trò của văn chương trong đào tạo (ngày 17/7/2024)
https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thu-cua-duc-giao-hoang-phanxico-ve-vai-tro-cua-van-chuong-trong-dao-tao