Một Chúa Một Tình Yêu

HKN
Mã số: 17-067


- Ê mày, bữa nay làm gì mà không đi học giáo lý? - Thằng Hanh vứt cái xe đạp ngoài ngõ, chạy vào nhà hớt hải hỏi thằng Tâm.
- Từ bữa nay tao bắt đầu đi học thêm Toán. Sắp thi tốt nghiệp đến nơi rồi.
- Nhưng học gì thì học cũng không được bỏ học giáo lý chứ. Bữa nay xứ mình có ông thầy phó tế tên Thiên về giúp. Cha xứ ưu tiên cho thầy dạy lớp Tiền Hôn Nhân tụi mình, vì năm nay Giáo Hội hướng đến việc chuẩn bị hôn nhân cho người trẻ. Thế mà ổng đưa ra cho cả lớp cái mục tiêu nghe chả liên quan gì cả.
- Là gì vậy?
- Ổng bảo rằng sang năm là kỉ niệm 500 năm cuộc cải cách Tin Lành gì đó, nên ổng đặt ra cho bọn mình là phải làm quen, giao lưu hay đại loại là gặp gỡ, trao đổi gì đó với người Tin Lành. Mà tao chưa bao giờ biết cái đạo này mày ạ.
- Ổng hâm à? Ở quê này thì bói đâu ra người Tin Lành hả mày? Đâu đâu cũng thấy nhà thờ Công giáo. Những người không theo Đạo mình thì là bên lương. May ra thì có vài ngôi chùa của những người theo Phật.
- Ừ, mày nói cũng đúng. Nhưng thế thì mình phải giao lưu, kết bạn qua Facebook hả mày?
- Thôi, bỏ đi. Từ nhỏ, ông nội tao đã dặn cái đạo ấy là đạo không tốt, là lạc giáo. Bố tao bảo không được đọc sách hay tài liệu gì của họ và không giao du kết bạn với những người theo Tin Lành, kẻo rồi một ngày bị họ dụ dỗ theo lạc giáo luôn ấy chứ!
***
Thằng Tâm được sinh ra trong một gia đình gia giáo. Ông nội hắn sống vào thời trước Công đồng Vaticano II. Ông vừa làm nghề dạy chữ ở trường, lại vừa là một cánh tay đắc lực của cha xứ. Ông dạy giáo lý, lo phụng vụ trong nhà thờ giúp cha. Vì thế, ông rất sốt sắng vun trồng đức tin cho con cháu. Ông luôn mồm nhắc nhở rằng phải luôn tạ ơn Chúa và tự hào vì được sinh ra làm người Công giáo. Ngoài ra, không được đọc tài liệu hay theo các trò mê tín của các đạo nhảm nhí khác, kẻo bị bỏ bùa rồi bỏ đức tin. Ông cũng kể về cuộc li khai của vị Linh mục để lập ra một tôn giáo chống đối với Giáo Hội, và đó là một đạo xấu. Vì thế mà khi nhắc đến Tin Lành thì thằng Tâm nó đã biết và có phản ứng gay gắt như vậy, chứ không như thằng Hanh, từ nhỏ đến giờ chưa bao giờ biết đến cái đạo ấy. May ra từ ngày có thầy Thiên về dạy giáo lý, thầy cập nhật thêm những tin tức của Giáo Hội, kể về những trăn trở, thao thức của Đức Thánh Cha cho việc hiệp nhất Kitô giáo, thì nó mới bớt “quê” hơn một chút.
Những tiết học dạy về giáo lý hôn nhân và chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống gia đình của thầy Thiên có kết quả trông thấy, nhưng xem ra cái mục tiêu đưa thêm, cái quyết tâm “chả liên quan” là kết bạn với người Tin Lành mà ổng đưa ra cho cả lớp chẳng có tiến triển gì. Dường như đó là cái gì đó quá xa vời và lí thuyết. Có mấy đứa “sốt sắng” lên Facebook tìm làm quen với Cơ đốc nhân theo Tin Lành thì lại cãi nhau chí chóe vì bất đồng quan điểm, ai cũng cho đạo mình là nhất và đạo kia là xấu xa. Thế là kết quả lại về số không tròn trĩnh, thậm chí còn tệ hại hơn, vì gây thêm mối chia rẽ giữa hai bên. Thầy Thiên hiểu. Ở xứ đạo miền quê toàn tòng này không có điều kiện để gặp gỡ, giao lưu với người Tin Lành hay người khác đạo được. “Nhưng thầy hi vọng là những kiến thức thầy chia sẻ với các con có thể phần nào đó trang bị cho các con thêm hành trang vào đời. Để các con biết cầu nguyện nhiều hơn cho sự hiệp nhất. Để các con khi ra thành phố học tập hay đi làm ở một vùng nào đó có người theo các tôn giáo khác, thì cũng biết tôn trọng họ, biết cách xử thế cho đẹp lòng Chúa”. Thầy Thiên đã nghẹn ngào thốt lên những lời ấy sau sáu tháng giúp xứ để về lại Chủng viện.
Ra tết, lớp tiền hôn nhân phải “đóng cửa”, không phải vì không có thầy dạy. Nếu bí quá, không tìm được giáo lý viên nào thì ông cha xứ vẫn dạy được. Nhưng vì không có người học nữa. Cái hoàn cảnh nó tạo ra thế, đành phải chấp nhận thôi. Những đứa học lớp 12 thì đến kì này nó vùi đầu ôn thi để cố tìm cho được giấy báo nhập học một ngôi trường nào đó ở thành phố mà đi cho đỡ khổ. Số còn lại không đi học ở trường nữa thì cũng không thể ở nhà ăn bám bố mẹ mãi được. Chúng tìm đường đi làm ăn ở Lào, Sài Gòn hay các khu công nghiệp ở miền Nam. Riêng thằng Hanh, ông bác nó đã giới thiệu cho nó đi làm nhân viên cho một cửa hàng photocopy cạnh trường Đại học Duy Tân, Đà Nẵng.
Công việc của thằng Hanh thì đã rõ. Ở quán photocopy thì còn việc gì khác ngoài việc in ấn, phô tô tài liệu, đóng sách cho khách hàng. Vì cái cửa hiệu nó làm quy mô khá lớn, lại nằm ở cạnh trường học nên có những ngày làm không xuể. Một buổi chiều nó, thằng Hanh đang loay hoay đóng khóa luận cho mấy anh chị sinh viên cuối khóa, thì có một cô gái đến phô tô, vừa đi vừa lẩm bẩm hát gì đó. Trông bộ cô gái này rất lạc quan, yêu đời.
- Nhờ anh phô tô giùm em 100 bản ạ. – Nói xong, cô ấy lại lẩm bẩm hát.
- Có cần gấp không? Lấy luôn hay để hôm sau trở lại?
- Dạ, cần gấp. Em mang về luôn ạ.
Thằng Hanh thở dài. Vì khối lượng công việc quá tải, hắn chẳng thèm nhìn nội dung của tài liệu mà cô gái nhờ phô tô nữa. Đặt tờ giấy vào máy, bấm số 100, nó ra trăm bản. Thằng Hanh lạnh lùng bảo cô gái tự lấy giùm, và ra ngoài quầy thu ngân thanh toán tiền.
- Này, hình như anh có điều gì không hạnh phúc trong lòng phải không?
- Ủa, sao lại hỏi như vậy?
- Thì nhìn anh có vẻ mệt mỏi và chán đời.
- Bởi vì tôi quá bận rộn và nhiều việc.
- Nhưng nếu anh tin vào Đức Chúa Trời và nghĩ rằng có Chúa giúp mình thì anh làm việc gì cũng vui.
Thằng Hanh cảm thấy xấu hổ, vì nó cũng là người tin Chúa, lại là đạo gốc nữa chứ, mà để cho một cô gái nhỏ tuổi hơn nói bộ như nó là người vô thần không bằng. Hanh chưa kịp tuyên xưng mình là người có đạo, thì cô gái phải vội vàng chào về:
- Cảm ơn anh nhé. Nếu khi nào anh cảm thấy bế tắc trong cuộc sống thì cứ liên hệ với em, em có “bí quyết gỡ rối” trong mọi hoàn cảnh. Tặng anh một bản này. Tối nay chúng em có buổi hát thánh ca ở Nhà thờ Tin Lành, cách nơi làm việc của anh chừng chưa đến một cây. Em là Sáng. Đây là số điện thoại của em.
Nói rồi, cô gái trẻ kia ngồi lên chiếc xe tay ga màu trắng sữa và phóng về hướng có ngôi nhà thờ, còn thằng Hanh thì ú ớ trong miệng : “Ơ… Tôi cũng là người tin Chúa mà…”.
Những ngày sau, thi thoảng cô gái tên Sáng kia lại đến phô tô tài liệu. Lúc thì bài học ở trường, có lẽ cô ta học ngoại ngữ, Hanh nghĩ vậy, căn cứ vào những bài tập Tiếng Anh cô nhờ phô tô. Lúc thì là bài truyền giảng về Kinh Thánh; có khi là những bản nhạc thánh ca. Trong khi làm việc, thi thoảng thằng Hanh lại lén nhìn cô gái. Cô ấy có cái miệng nói cười thật duyên, nhất là đôi mắt rất sáng và cuốn hút. Mắt cô đẹp như đôi mắt Đức Mẹ. “Người ta thường nói những bạn gái theo đạo có đôi mắt đẹp như Đức Mẹ, nhưng thầy Thiên bảo người Tin Lành không tin Đức Mẹ cơ mà. Lạ nhỉ! Nếu mình khen mắt cô ấy đẹp như Đức Mẹ thì không biết cô ta sẽ phản ứng ra sao đây? Cứ từ từ, mình sẽ nói cho cô ta nghe về Mẹ Maria. Cứ từ từ…”, thằng Hanh vừa làm việc vừa lẩm bẩm như thế.
- Xong rồi nhé. Em học khoa Ngoại ngữ phải không?
- Vâng. Em học Tiếng Anh du lịch. Hôm nay anh có vẻ vui hơn rồi đúng không?
- Ờ… ngày nào anh chả vui, chỉ trừ những lúc buồn thì khi nào cũng vui được hết.
- Anh có muốn được cứu rỗi không?
- Anh cũng là người có đạo. Anh theo Công giáo.
- Ơ, thế à. Thế mà ngày đầu tưởng anh là người không có niềm tin. Thế anh đã nói về Chúa Jesus cho những người làm việc trong cửa hiệu, và những khách hàng đến đây chưa?
- À… ừ… Anh giới thiệu họ bằng đời sống thật thà, ngay thẳng của anh. Rồi một ngày đẹp trời nào đó, anh sẽ nói cho họ biết về Chúa.
- Ngày mai là Chúa nhật đầu tháng, chúng em tập trung ở nhà thờ nghe mục sư giảng Kinh Thánh và ăn tiệc kỉ niệm. Nếu anh muốn thì mời anh tham gia, vui lắm đó. Đừng đi một mình, hãy rủ thêm bạn bè nữa nhé!
Bỗng dưng làn da nơi hai cánh tay của thằng Hanh sởn lên chi chít những gai ốc. Nó sợ cách truyền đạo quá thẳng thừng và tự nhiên của những Cơ đốc nhân Tin Lành. Nếu nó là đứa vô thần và ghét Chúa, thì khi gặp những người truyền đạo Tin Lành kiểu như thế này, không chừng nó sẽ ghét hơn ấy chứ. Nhưng nó cũng suy nghĩ nhiều về họ. Tại sao những người Tin Lành lại xác tín về niềm tin của mình và sẵn sàng giới thiệu Chúa cho bất kì ai, trong khi những người Công giáo trẻ như nó thì không dám. Lạy Chúa, xin hãy nói cho con biết con phải làm gì?
Buổi trưa hôm đó, trời nhiều mây và có những cơn gió nhẹ. Thằng Hanh quyết định không ngủ trưa, mà đi xem cho biết nhà thờ Tin Lành cho thỏa sự tò mò mấy lâu nay. Ngôi nhà thờ gần chỗ nó làm việc chỉ to bằng nhà thờ một giáo họ nhỏ ở xứ đạo quê nó và khá đơn giản với cái tháp chuông cao ở một bên chóp nhà. Phía trên tháp chuông có một cây Thánh giá to với đường viền được gắn bằng dây bóng đèn led để thắp sáng vào ban đêm. Còn ở phía chóp nhà thì in hình một cuốn Kinh Thánh và bên dưới có dòng chữ TIN LÀNH rất to. Thằng Hanh đang lang thang nhìn ngôi nhà thờ và nhớ lại những điều thầy Thiên kể, thì có một người đàn ông trạc tuổi bố nó gọi lại và hỏi:
- Chào anh, anh đi đâu vậy? Anh tìm mục sư hả?
- Dạ, không. Con chỉ đi thăm cho biết nhà thờ thôi. Con có vào bên trong xem được không?
- Được chứ!
Nói rồi, người đàn ông đó lấy chìa khóa mở cửa nhà thờ. Ông ấy tự giới thiệu ông tên Hòa, là người sống ở gần đó, và hay đến để giúp việc cho mục sư. Thằng Hanh, lần đầu tiên bước vào một ngôi nhà thờ Tin Lành, có cảm giác gì đó là lạ. Ngôi nhà thờ này cũng có những dãy ghế gỗ dài như những nhà thờ ở quê nó. Cung thánh của họ không có Nhà Tạm - nơi đặt Mình Thánh Chúa. Chỉ có một cây Thánh giá gỗ thật to làm trung tâm, phía trên cây Thánh giá gỗ có dòng chữ TÔN VINH ĐỨC CHÚA TRỜI rải theo hình vòng cung. Cái bục cao nhất đặt ở chính giữa, có chỗ đặt sách và gắn một cái micro, có lẽ đó là chỗ mục sư đứng giảng. Cái bục đó chỉ to gần bằng một nửa cái bàn thờ cho Linh Mục làm lễ, nhưng lại gấp ba lần cái bục đọc sách ở nhà thờ xứ nó. Phía bên dưới, cũng ở chính giữa, đặt một cái bục rất đẹp, trên bục là cuốn Kinh Thánh rất to và cây Thánh giá. Mặt trước của cái bục này có một biểu tượng hình tròn mạ đồng, mà ông Hòa giới thiệu đó là tứ diện của đạo Tin Lành. Phía bên phải có một cái khung in dòng chữ rất to: “Đức Chúa Jesus phán: Các con phải yêu nhau; như ta đã yêu các con thể nào, thì các con cũng hãy yêu nhau thể ấy” (Giăng 13,34).
Ông Hòa say mê giảng Kinh Thánh và giới thiệu về Đức Jesus cho thằng Hanh, trong khi hắn cứ mải miết nhìn nhìn ngó ngó cái nhà thờ. Một lát sau, như nhớ ra điều gì, thằng Hanh vội vội vàng vàng cám ơn rồi chào ông Hòa ra về. Vừa đi nó vừa suy nghĩ về thái độ đón tiếp của họ. Ngày xưa, mấy đứa bạn bên lương trong xã thằng Hanh lảng vảng lên nhà thờ chơi thì bị ông từ hay kéo chuông nhà thờ đuổi về, bảo rằng đây là nơi cầu nguyện của người có đạo, chứ không phải là cái chợ để ai muốn vào thì vào. Mà ông từ đó hay những giáo dân khác cũng không biết nhiều về Kinh Thánh như ông Hòa để nói về Chúa cho người khác. “Tạ ơn Chúa! Đây là điều con phải học hỏi người Tin Lành”, thằng Hanh thầm thì cầu nguyện.
Một ngày gần cuối tháng tư, khi mối quan hệ giữa Hanh với Sáng đã rất gần gũi, cậu đã nhận lời mời của Sáng đi dự lễ Phục Sinh ở nhà thờ Tin Lành. Ngày đầu tháng Năm, Hanh cũng mời Sáng đến dự buổi Dâng Hoa khai mạc tháng Đức Mẹ ở nhà thờ Thanh Đức. Sau buổi dâng hoa, hai đứa ngồi lại nơi hàng ghế đá trước tượng đài Đức Mẹ.
- Em hãy nhìn tượng Đức Mẹ Maria và cầu nguyện điều gì đó với Mẹ đi.
- Anh, em xin lỗi. Nhưng mục sư bên em nói rằng những bức tượng này chỉ là ngẫu tượng. Em chỉ cầu nguyện với một mình Đức Chúa Trời, Đấng vô hình, mà thôi.
- Thế em nghĩ rằng khi Chúa Giêsu giáng sinh để thực hiện sự cứu rỗi loài người, Ngài cũng vô hình à? Ngài đã nhập thể, trở thành con người thật. Và Đấng đã sinh ra Con Thiên Chúa, không ai khác, là Mẹ Maria.
- Bà ấy chỉ là một con người bình thường, là một nhân vật được nhắc đến trong Kinh Thánh.
- Anh không muốn chúng ta cãi nhau nữa. Em hãy thực lòng, khiêm tốn cầu nguyện với Chúa Jesus của em đi. Hãy hỏi Ngài xem, nếu em đối xử như thế với Mẹ của Ngài, Ngài có buồn không.
Sáng không nói gì. Cô lặng lẽ cúi mặt xuống, không dám ngước nhìn bức tượng Đức Mẹ làm bằng thạch cao sừng sững trước cái hang đá. Thằng Hanh cũng thinh lặng nhìn lên Mẹ cầu nguyện: “Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ hãy làm cho cô gái này biết Mẹ”. Xung quanh đó, có nhiều ông bà cụ đang đứng thinh lặng cầu nguyện, lần chuỗi. Xa xa, mấy đứa trẻ vừa mới dâng hoa xong, mặt mũi còn dính kim tuyến vì tung hoa cho Đức Mẹ, vẫn còn nô đùa trong khuôn viên nhà thờ. Rồi Sáng đứng dậy trước, và thằng Hanh cũng về theo cô.
Gần hai tuần sau, vào đúng ngày lễ Đức Mẹ Fatima, Sáng đi học về đến chỗ gần nhà thờ Thanh Đức thì xe bị chết máy, không chạy được nữa. Tạt vào quán sửa xe đối diện cổng nhà thờ, cô nhờ họ xem giùm xe bị hỏng cái gì. Ngồi đợi nóng ruột, cô nhìn sang ngôi nhà thờ, nơi cô đã cùng Hanh đi xem dâng hoa. Rồi như có một sự thúc đẩy nào đó tự bên trong, Sáng bước đi mà không ý thức mình đi đâu. Đứng trước hang đá Đức Mẹ, cô nhìn lên, nhìn Mẹ thật kĩ. Từ bữa cãi nhau với Hanh ở đây đến giờ, trong lòng Sáng cũng chẳng bình an. Cô thấy có một sự bứt rứt nào đó trong tâm hồn chưa gỡ giải được. Cô đã cầu nguyện với Chúa Giêsu, và thấy mình càng khắc khoải điều gì đó hơn. Rồi cô thốt lên: Bà Maria ơi! Bà Maria ơi! Bà là ai?
Sáng trở lại lấy xe. Bác thợ bảo rằng tìm mãi mà chẳng biết xe cô bị hỏng hóc cái gì cả. Sáng buồn rầu, định dắt đi qua tiệm sửa xe khác, thì xe lại nổ máy được và chạy bình thường. Bác thợ sửa xe trố mắt không hiểu chuyện gì xảy ra, còn Sáng thì hiểu rằng đã có sự can thiệp của Đức Mẹ. “Tạ ơn Giêhôva Đức Chúa Trời nhân lành. Tạ ơn Đấng Christ. Tạ ơn Đức Mẹ Maria, Mẹ của con”.
***
Ngày cuối năm Âm lịch, thằng Hanh dẫn Sáng về ra mắt gia đình bên nội. Thầy Thiên, hôm nay đã là tân Linh mục, cũng về xứ cậu làm cha phó, và hướng dẫn Sáng những điều cần thiết khi trở lại Công giáo.
- Cha sẽ hướng dẫn con tìm hiểu giáo lý Công giáo về Hội Thánh, về Mẹ Maria, các Bí tích, về năm điều răn Hội Thánh, về phụng vụ. Đồng thời, cha sẽ giúp con “xưng tội lần đầu” và cử hành lễ “tuyên xưng đức tin”.
- Cảm ơn cha. Mà cha ơi, con đã làm lễ Bap-tem rồi, nhưng chưa được đặt tên thánh. Giờ cha gọi con là Maria Sáng nhé. Con chọn ngày bổn mạng là lễ Mẹ Fatima.
- Cảm ơn con. Cha tin con sẽ là một người truyền giáo rất tốt. Chỉ có một Chúa, một Tình Yêu. Chúng ta hãy cố gắng làm cho nhiều người được biết Chúa Kitô…
Cả làng xóm ai cũng mừng cho thằng Hanh, vì có được cô người yêu xinh và hiền như Đức Mẹ. Đúng dịp đó, có một tuần cầu nguyện đặc biệt cho sự hiệp nhất Kitô giáo. Cha phó mời Sáng và Hanh cùng cộng tác để nói chuyện về đạo Tin Lành và tinh thần của Giáo Hội về việc nhìn nhận các tôn giáo anh em. Thằng Tâm cũng rủ cả gia đình nó đến nghe giảng và cầu nguyện cho sự hiệp nhất.