Mùa nắng mới trên vùng cao

vanthoconggiao.net

(Mã số: 17-090)

Những tia nắng nhợt nhạt đang tỏa xuống khắp núi rừng trùng điệp của vùng Tây Bắc hẻo lánh. Sức nắng muốn bao trùm tất cả mọi ngọn núi lô nhô xanh rợn kia, nhưng những tia nắng không đủ mạnh để xuyên qua những đám mây đen kịt lố nhố trên nền trời. Lơ thơ những ngọn núi, mảnh đồi bị mây che nắng đen thậm lại, khiến cho bức tranh vùng cao dưới ánh nắng nhạt nên ảm đạm, nhuốc nhem.

Ngôi nhà thờ gỗ đơn sơ trên đỉnh ngọn đồi cao tít, tứ bề bao bọc bởi ruộng bậc thang, cũng mập mờ trong ánh nắng chiều yếu ớt. Chiều về trên vùng núi cao này luôn thanh thả yên bình như thế! Đàn trâu uể oải lê bước xuống núi, cõng trên lưng vài bó củi, gùi sắn lắc lư, nhịp theo bước chân chúng là tiếng mõ kêu “lốc cốc” đều đều. Những cánh lúa rì rào thỏ thẻ lướt đều theo từng đợt gió đẩy đưa. Đám trẻ con ngồi bệt trên nền đất hay đứng tựa lưng vào cột nhà, tay cầm nắm cơm đưa lên miệng, nhồm nhoàm nhai, chẳng buồn nói câu gì. Trên đỉnh con dốc thẳng đứng dẫn lên nhà xứ, Dở-cáng (Yawm Kaav: Tiếng H’mông, nghĩa là ông trùm) đang sốt ruột nhìn xuống chân con dốc ngoằn ngoèo, ông cố đưa mắt nhìn tới tận chiếc cầu treo mảnh khảnh bắc qua con suối mãi dưới chân dốc. Ở xứ đang xảy ra chuyện lớn, chuyện gấp lắm, vậy mà Chí-plì Thanh (Txiv Plig: Tiếng H’mông, nghĩa là cha xứ hay linh mục) đi tĩnh tâm mãi chưa về! Hỏng! Hỏng mất thôi…!

***

Chí-plì Thanh mới chịu chức linh mục được mười năm nay. Mười năm linh mục thì cũng là mười năm gắn bó với các miền truyền giáo vùng dân tộc H’mông. Tình nguyện xin lên coi sóc và truyền giáo cho giáo xứ Giàng La Pún khó khăn này tám năm nay, giáo xứ xa xôi nhất, đường đi hiểm trở nhất, khó khăn nhất, nhiều bản nhất, đông anh em dân tộc nhất… Linh mục tiền nhiệm của cha Thanh là một linh mục đã bám trụ với bà con nơi đây hơn chục năm trời, ngài đã phải về Tòa Giám mục để nghỉ dưỡng vì căn bệnh thoát vị đĩa đệm, trùn cột sống, loét dạ dày… Ngày đầu tiên lên đây, tay ôm chặt vào người tài xế dân tộc H’mông trên con đường lởm chởm toàn đá phiến mấp mô; vừa leo lên được đỉnh dốc thì đã lại phải vội lao xuống con dốc khác…Chí-plì Thanh mới thấy dễ hiểu về bệnh tật của vị linh mục đàn anh. Mới chỉ có bốn mươi lăm tuổi đời mà ngài đã phải nghỉ hưu! “Rồi đây, mình cũng sẽ như vậy thôi!”- Chí-plì Thanh có chút bồn chồn, nhưng rồi lại thở nhẹ: “Mình đón nhận tất cả, miễn là bà con H’mông được biết Chúa!”.

Năm bản của giáo xứ nằm tách biệt nhau trên năm ngọn núi sát nhau. Bản của người H’mông thường thế, mỗi bản gồm một nhóm tập trung tại một triền núi rất cao. Người H’mông không thích sống với người Kinh, vì nhiều người Kinh hay lừa lọc, mánh khóe, còn người dân tộc thì thật thà, chân chất, yêu thương, thế nên họ cứ chạy mãi lên cao, lên cao tít mãi tận những vùng không có bóng dáng người Kinh nào nữa. Nhà xứ của Chí-plì Thanh được đặt ở bản trung tâm, đứng ở sân nhà thờ, có thể nhìn thấy bốn bản khác vây chung quanh, các ngôi nhà sàn chỉ còn thấy nhỏ xíu như hạt gạo, lập lờ trong những làn mây trắng ôm lấy triền núi buổi sáng. Đi từ bản này tới bản kia phải mất cả tiếng đồng hồ. Đường đi gập ghềnh, ngoằn ngoèo bó theo các sườn núi uốn lượn. Gặp hôm trời mưa thì thôi rồi! Thế nên chuyện ngã xe, đổ xe, bị thương…với Chí-plì Thanh bây giờ cũng quen rồi! Vì Chí-plì vẫn hăm hở lăn xả trên các con đường đó đến với bà con các bản, thăm hỏi, phát thuốc, động viên, dạy đạo, nói về Chúa, về Mẹ Maria, về nhà thờ, về Giáo Hội cho bà con… Người dân nơi đây tin tưởng và yêu quý Chí-plì Thanh nhiều có lẽ cũng vì thế! Vào vụ mùa, thu hoạch được gì, bà con cũng mang biếu cho Chí-plì Thanh trước: quả bí, mớ rau rừng, củ sắn, bắp ngô luộc sẵn, tảng mật ong rừng còn nóng… Có nhiều lần, bọn trẻ con còn mang biếu Chí-plì cả một xâu chuột vừa bẫy được trên rừng! Chí-plì Thanh thương họ, biết họ thiếu thốn vất vả nên đâu nỡ nhận. Nhưng, mỗi lần Chí-plì từ chối, thì nét mặt họ buồn bã đến cùng cực, họ không ngần ngại khóc to tiếng mà lủi thủi ra về, với họ, như vậy có nghĩa là Chí-plì chê, Chí-plì hắt hủi tấm lòng của họ! Làm sao một người giàu tình cảm như Chí-plì Thanh có thể chịu được cảnh tượng đó! Mỗi lần thấy vậy, nước mắt Chí-plì cứ thế tuôn ra, Chí-plì phải chạy theo, nhận cho họ và ôm họ vào lòng với tiếng cảm ơn nghẹn ngào! Về sau, Chí-plì rút kinh nghiệm: mỗi lần họ biếu, Chí-plì cứ vui vẻ nhận, rồi lại tìm cách để giúp đỡ họ cách khác. Vậy là cả hai bên đều hạnh phúc!

Năm năm lăn lộn, kết quả là bà con ở năm bản đều chịu rửa tội hết, cả xứ tới hơn bốn ngàn giáo dân đấy nhé! Trong khi cả giáo phận Hưng Hóa này mới chỉ có hơn mười hai ngàn người H’mông theo đạo thôi! Bà con H’mông tin Chúa, yêu Chúa cách đơn sơ, chân thành. Họ chẳng cần phải hiểu giáo lý gì cao siêu, họ cũng không cần phải lý luận gì ghê gớm, nhưng nơi đáy lòng họ, có một niềm tin đơn thành!

***

- Chí-plì, nhà thằng Tu ở bản Tàng 1 bỏ đạo rồi, cả nhà thằng Du, thằng Cho, thằng Thán bên Tàng 2 cũng bỏ đạo nốt rồi…

- Cái gì?

Chí-plì Thanh tái mặt, bỏ luôn chiếc xe Win đổ tự do đánh huỵch, tắt máy. Chí-plì đi tĩnh tâm linh mục đoàn giáo phận mới có một tuần nay, cộng thêm hai ngày đi đường, vậy mà ở nhà đã có chuyện lớn xảy ra như thế. Nguy to rồi! Những giáo dân H’mông, những đứa con cưng của Chí-plì nơi giáo xứ xa xôi nhất này đang bỏ cha mà đi! “Thôi rồi, công khó bao nhiêu năm cống hiến của biết bao linh mục, tu sĩ đã dấn thân, giờ như đang muốn đổ bể trong tay mình…”. Bao nhiêu ý nghĩ cứ chồng chất dồn về trong tâm trí cha. Chí-plì thấy tai mình ù đi, không phải vì việc thay đổi độ cao đột ngột trên suốt con đường đèo gần 50 Km mà cha vừa trải qua, nhưng vì cái tin động trời mà Dở-cáng vừa hổn hển thông báo cho ngài.

- Có một thằng Tin Lành lên đây truyền giáo, đúng hôm Chí-plì đi xuôi. Chẳng biết nó giảng dạy những gì đó, mà bây giờ nhiều nhà bỏ đạo đi theo nó lắm, cả chi họ thằng Dao bên Háng Chí Mua cũng đang đòi theo đạo của nó… - Dở-cáng vừa cố sức nâng chiếc xe Win lên, vừa thều thào, gấp gáp kể. (Người H’mông vẫn quen dùng cách gọi “thằng”,“nó” và xưng hô “tao-mày”, ví dụ: “thằng Thầy”, “thằng Linh mục”… Đây hoàn toàn chỉ là thói quen sử dụng từ ngữ, chứ họ không hề có ý coi thường hay thiếu tôn trọng người khác).

“Tin Lành”, hai từ mập mờ chui tọt vào đầu óc Chí-plì Thanh. Thế là chuyện trước đây đã xảy ra bên Sơn La, Hòa Bình, giờ đã lan sang tới tận cái vùng cao nhất, xa nhất, cực khổ nhất Yên Bái này rồi! Đang yên lành, bỗng giờ lại thành ra thế này!

***

Chí-plì rệu rã lết đôi chân lảo đảo ra phía nhà thờ. Khụy gối quỳ trước bàn thờ, Chí-plì ngước nhìn lên Nhà Tạm, lòng nặng nỗi u sầu tê tái: “Lạy Chúa, con phải làm gì đây khi đàn chiên của con đang gặp thử thách…?”. Cánh hoa rừng vẫn đung đưa khe khẽ bên Nhà Tạm hắt hiu. Im lặng! Dở-cáng buồn rầu bê mâm cơm, trên đó có một bát canh trong vắt, âu cơm, đĩa rau mơ sống và bát lạc rang đã ỉu xìu, cất xuống bếp. Bữa cơm thường ngày của Chí-plì và Dở-cáng! Lâu lâu có đứa nào đi huyện mới mua giúp Chí-plì được cân thịt, con cá! Hôm nay Chí-plì Thanh chạy về qua chợ huyện, ghé mua đồ ăn nhưng trên đường về, qua nhà mẹ con bà Ti đầu suối, Chí-plì đã cho hết bà mẹ góa khốn khổ đó mất rồi. Chí-plì cứ quỳ mãi trong nhà thờ, quên ăn!

***

Sáng sớm, lúc những chùm mây còn bám là là mặt đất, Chí-plì đã đèo Dở-cáng vào nhà mấy người mới bỏ đạo, lòng Chí-plì đầy băn khoăn nặng trĩu, nhưng cũng còn đó một chút hy vọng nhỏ nhoi. Trưa, người ta thấy Dở-cáng rầu rĩ chở Chí-plì ngồi thất thểu phía sau về nhà xứ. Dở-cáng tỏ vẻ khó chịu, tắt xe rồi vác cây xiên cá, hậm hực đi xuống phía con suối. Quỳ trước Nhà Tạm, cha Thanh rướm nước mắt, ngước lên Thập giá, rồi gục đầu tủi thân. Giọng nói của mấy người Chí-plì vừa tới thăm cứ văng vẳng bên tai: “Chí-plì à, tao đi theo đạo của nó thôi, vì nó bảo là đạo nó vẫn thờ Chúa Giêsu như đạo Công Giáo mà! Với lại, nó còn cho tao tiền để giúp nhà tao làm ăn nữa…!”. Phải! Thằng Cho nói đúng! Chí-plì không giúp giáo dân của mình được như người Tin Lành kia. Lâu lâu có đoàn ân nhân đến thăm giáo xứ, cùng lắm, mỗi nhà cũng chỉ được vài gói mì tôm, túi muối, chai nước mắm… Đó là tất cả những gì Chí-plì có thể xin được cho bà con! Chí-plì chưa bao giờ có khả năng để cho họ tiền vốn làm ăn! Bà con đâu có biết nỗi khổ của Chí-plì khi phải mở miệng xin xỏ chỗ này chỗ khác, việc mà Chí-plì vốn chẳng quen làm! Họ đâu biết được nỗi tủi nhục của Chí-plì khi gặp phải những đại gia cậy mình có chút của nên khinh thường, coi Chí-plì như một kẻ ăn xin, không kém! Bà con đâu biết được rằng Tin Lành vốn tách ra từ Công Giáo; và Tin Lành không tôn kính Mẹ Maria và các thánh như Công Giáo! “Lại là lỗi của mình, lẽ ra mình phải dạy dỗ họ nhiều hơn, để đức tin của họ có thể bám rễ sâu hơn, thì làm gì đến nỗi…!”– Chí-plì ngậm ngùi đấm ngực! “…Nó còn cho tao sách Kinh Thánh nữa đây Chí-plì nè, đẹp lắm!”. Cũng phải! Chí-plì nghĩ tới cuốn Kinh Thánh tiếng H’mông mà giáo phận vừa dịch xong còn để trên bàn làm việc của mình: Biết bao giờ mới xin được kinh phí để in, để phát cho bà con…! Chí-plì thấy hổ thẹn với bà con, với sứ vụ được Giáo Hội trao phó, và nhất là hổ thẹn với chính bản thân mình! “Ừhm, vậy thì họ bỏ đạo đi theo Tin Lành là phải thôi!”- Ý nghĩ chảy dài trong tâm trí Chí-plì theo tiếng thở buồn cùng giọt nước mắt xót xa, ấm ức! Chí-plì thua thật rồi!

Khuôn mặt trắng trẻo ngày nào của một linh mục thuộc diện đẹp trai nhất nhì giáo phận của cha Thanh, giờ đã sạm đen, nhăn nhăn vì nắng và vì những cơn gió Lào khắc nghiệt, tới độ những cha bạn cùng lớp vẫn hay gọi cha là khúc củi vùng cao. Đôi chân mạnh mẽ của cha trước kia giờ đã bắt đầu hành hạ cha bằng những cơn đau ê ẩm nhiều giờ; rồi lại thêm những cơn đau lưng buốt nhói nữa, cha không dám nói với ai, cũng chẳng dám đi khám bệnh vì sợ khi biết kết quả, cha sẽ phải rời xa bà con…! Tất cả những hy sinh đó, giờ điều cha đang nhận được lại là sự thất bại này sao?!

***

Dở-cáng đứng ngậm ngùi giữa trời, phóng ánh nhìn đầy chua xót và lo lắng theo dáng Chí-plì đang ghì mình trên chiếc xe Win cũ kĩ xé màn sương mờ mờ lao xuống con dốc đứng. 10 giờ trưa, cha có mặt ở nhà thờ thị trấn, xin ăn trưa tại đó sau khi đã vượt qua đoạn đường đèo 50Km ngoằn ngoèo, chênh vênh, lở lói. 1 giờ chiều, cha lên xe khách về Tòa Giám mục mãi tận Sơn Tây. 6 giờ chiều, cha xuống xe, kịp giờ ăn tối với Đức cha. Suốt bữa cơm, cha nóng ruột chẳng buồn ăn, cũng chẳng thèm nói gì. Ăn xong, cha định kéo Đức cha về phòng gấp để trình bày công việc thì Đức cha lại mời cha đi dạo. Vị Giám mục có tuổi cứ chậm rãi sải bước thong thả, còn cha thì hùng hùng hổ hổ kể về tình hình giáo xứ, về người mà cha gọi là “đang phá đoàn chiên của cha”. Đức cha nhìn cha Thanh cười cười, điềm đạm, đôn hậu:

- Cha quên câu nói của thánh Phaolô rồi sao: “Miễn là Đức Ki-tô được rao giảng” (Pl 1,18b)?

Cha ngẩn người, đỏ mặt, ngợ ngợ nhìn Đức cha:

- Nhưng mà người ta như thể là đang chiếm giáo dân của con, thưa Đức cha!

Đức cha đăm chiêu thoáng chốc, rồi nhẹ nhàng:

- Anh em Tin Lành làm như vậy xem ra cũng không đẹp lắm. Mình cũng muốn được gặp người đứng đầu của các hội Tin Lành đó mà khó quá, vì có quá nhiều hội nhỏ, mà chẳng biết phải gặp ai. Mình vẫn đang cố gắng liên lạc, hy vọng sẽ sớm gặp gỡ được với họ.

Một tiếng thở dài ý nhị, rồi Đức cha ôn tồn, tiếp:

- Bây giờ, việc quan trọng nhất là cha phải tìm gặp người anh em đó, đối thoại với người ta. Cha hãy trình bày với họ là chúng ta cũng rất ủng hộ việc các anh em Tin Lành rao giảng Chúa Kitô cho bà con dân tộc H’mông, vì còn quá nhiều người H’mông chưa được biết Chúa. Mà chính chúng ta cũng phải học tập họ trong lĩnh vực truyền giáo đấy cha ạ! Nhưng, xin anh em hãy ưu tiên rao giảng cho những người, những vùng mà nơi đó, anh em H’mông chưa biết gì về Chúa Kitô. Vì còn có cả mấy chục ngàn người H’mông Việt Nam chưa biết Chúa cơ mà! Còn những nơi chúng tôi đã rao giảng, bà con đã biết Chúa Kitô rồi, thì đâu cần anh em phải rao giảng nữa. Như thế là cả Công Giáo và Tin Lành cùng gắng sức giúp cho nhiều người được nhận biết Chúa Kitô! Cha cho mình gửi lời chào và mời anh ấy có dịp thì ghé qua Tòa Giám mục gặp mình nhé!

Rồi Đức cha phân tích, chia sẻ về đường hướng đại kết, về trăn trở của Đức Thánh Cha, về anh em Tin Lành... Cha Thanh cố gắng nuốt lấy từng lời của vị mục tử đầy thao thức yêu thương. Hôm sau, Đức Giám mục thân tình bắt tay tiễn cha lên đường trở về giáo xứ trong nụ cười tin tưởng và với lời căn dặn:

- Cha nhớ đừng có đòi độc quyền rao giảng Chúa Kitô nhé! Chúa sẽ có cách của Chúa, cha đừng quá lo! Chúc cha bình an, mình sẽ sớm lên thăm cha!

***

Chí-plì Thanh về tới bản khi mặt trời vừa chui tuột qua bên kia dãy núi. Dở-cáng đã chờ sẵn bên mâm cơm, hồi hộp, thấp thỏm chờ đợi tin vui từ Chí-plì. Nhưng không hề có!

- Dở-cáng ơi, lên xe tôi chở, vào nhà thằng Tu thăm cái anh Tin Lành kia một chút!

- Nhưng, nhưng… mà giờ muộn thế này, với lại cơm còn chưa…

- Thôi kệ đi, vào luôn thôi, nhỡ đâu mai anh ấy đi mất thì biết đâu mà tìm..!

Dở-cáng ngồi sau xe Chí-plì mà cứ băn khoăn, không hiểu!

Tới nơi, nhà thằng Tu vừa ăn cơm xong, mấy đứa trẻ còn đang nghịch ngợm bên mâm cơm tanh bành chưa kịp dọn. Người thanh niên ăn mặc khá lịch sự đang ngồi trên tấm ván giữa nhà uống bát nước lã, đối diện với thằng Tu, ngơ ngác khi thấy có người lạ tiến vào.

- Chào anh mục sư nhiệm chức! (Mục sư nhiệm chức là chức vụ cho các chức sắc Tin Lành chuyên lo việc truyền đạo, còn gọi là Giảng sư) – Chí-plì Thanh vừa chào vừa đưa tay về phía người thanh niên. Anh Giảng sư cũng lịch sự đưa tay ra bắt: - Chào linh mục!

Thằng Tu cũng bất ngờ, nó chào Chí-plì rồi ra hiệu cho Dở-cáng ra phía đầu hồi hút thuốc, để lại hai người đàn ông chỏng chơ trên tấm ván cũ mèn. Không gian trở nên quánh đặc bởi sự im lặng tới ngộp thở. Một lúc sau, Chí-plì Thanh lên tiếng hỏi han, cuộc trò chuyện được khai mở. Cha Thanh chia sẻ với anh Giảng sư trẻ về cuộc đời mình, về cuộc sống ở nơi đây, người thanh niên ngồi im, lắng nghe, tư lự… Rồi, cha nói về những lời của Đức Giám mục và cả lời mời rất trân trọng của ngài. Người thanh niên thấy bức bối trong lòng khi nghe cha Thanh cứ nhắc đi nhắc lại “Công Giáo và Tin Lành là anh em với nhau”, thực ra, anh lấy làm khó chịu vì anh đang muốn né tránh điều đó, anh sợ phải nhìn nhận sự thật đó. Cha Thanh im lặng chờ đợi phản ứng của chàng Giảng sư, và rồi, anh cũng lên tiếng. Anh Giảng sư thẳng thắn đề cập tới cái nhìn của Tin Lành về Công Giáo. Anh cũng nhắc lại nguyên nhân gây chia rẽ, nhắc lại những sai lầm của Giáo Hội Công Giáo trong quá khứ. Cha Thanh chột dạ, nhưng vẫn nhẫn nại, vui vẻ lắng nghe. Rồi khi anh Giảng sư nói về Đức Mẹ, rằng Mẹ không còn đồng trinh… thì Dở-cáng nãy giờ vẫn cố nén ngồi im mà nghe, giờ không kìm được nữa, đôi mắt đỏ hừng hực, ông đứng phắt dậy, vớ con dao phát dựng bên cột nhà, hầm hầm lao vào trong nhà trước sự ú ớ của thằng Tu. Thấy dáng Dở-cáng lao về phía anh Giảng sư, con dao vung lên, Chí-plì Thanh chỉ kịp hét lên một tiếng: Dở-cáng!

Áa…á…á… Một tiếng kêu đau đớn, một người gục xuống, máu me thấm đỏ chiếc sơ mi trắng. Dở-cáng tái mét mặt, miệng há hốc, gào lên đau đớn: Chí-plì!

Chí-plì Thanh nằm dài trên vũng máu, tay chân giật giật, con dao phát vẫn dính chặt trên bả vai trái, vài tia máu vẫn phun ra…

***

- Bệnh nhân mất quá nhiều máu, cần chuyền máu gấp. Ai là người thân, xin theo tôi ngay!

Bọn thằng Tu và Dở-cáng còn đang khóc lóc sụt sùi, chưa biết phải làm sao, thì một cánh tay dơ lên:

- Xin bác sỹ lấy máu của tôi, tôi nhóm máu O!

Dở-cáng ngơ ngác: thằng Giảng sư!

***

Người đàn ông rũ rượi, vật vã bên chiếc giường bệnh nhân trắng toát, hết đấm ngực lại vò đầu bứt tai, gào khóc thê lương, thảm thiết, tiếng khóc ăn năn, tiếng khóc trách mình: “Chí-plì ơi, tao xin mày hãy tỉnh lại, mày đừng chết! Tao xin lỗi mày, lỗi tại tao hết, tại tao nóng nảy, tại tao quên lời mày dạy phải yêu thương cả kẻ thù… Tao xin Chí-plì đừng chết, người đáng chết là tao…!”

Chí-plì gắng hết sức bình sinh, cố nhấc cặp mi lên để mở đôi mắt, cha cố nhiều lần lắm, và cuối cùng thì cũng có thể hé đôi mắt quá đỗi nặng nề của mình. Mập mờ hiện lên trước mắt cha, hai người đàn ông đang gục vào nhau mệt nhoài mê man bên cạnh giường. Một người rất quen: “A, là Dở-cáng!”- Cha reo lên trong trí; còn người kia, lạ lẫm, cha cố nheo mắt nhìn kĩ hơn: “Trời! Là anh Giảng sư!”. Cơn đau đớn lại khiến cha lịm đi…

***

- Chí-plì tỉnh rồi! – Thằng Tu mừng quýnh reo lên khi thấy đôi mắt Chí-plì khẽ mở. Dở-cáng thở phào, miệng vừa nhoẻn cười sung sướng thì đã bất giác sa sầm nét mặt, nước mắt chợt tuôn ra nơi khóe mi. Ông quỳ thụp xuống, nghẹn ngào trong tiếng nấc: - Chí-plì, xin mày tha tội cho tao…hức…ức…

Chí-plì cố gắng nhấc bàn tay lên, thều thào: “Cha tha tội cho con…”. Nhìn cảnh Chí-plì miệng mếu máo, đôi mắt ướt nhèm đang cố đưa ánh nhìn yêu thương về phía Dở-cáng, cả đám người không kìm được nước mắt, tất cả cùng òa khóc! Khóe mắt của chàng Giảng sư nãy giờ vẫn tỏ ra lạnh lùng, giờ cũng thấy rưng rưng…

- Chí-plì à, bọn tao xin lỗi Chí-plì! Tại bọn tao không hiểu rõ nên mới bỏ đạo theo Tin Lành thôi. Chứ bây giờ, chúng tao biết lỗi rồi, chúng tao xin Chí-plì tha tội. Người Mông chúng tao tin, yêu Chúa Giêsu và cũng yêu Mẹ Malia (Malia: phiên âm tên Mẹ Maria trong tiếng H’mông) nữa, chúng tao không bỏ Mẹ Malia đâu!- Giọt nước mắt chợt tuôn khiến thằng Tu không nói tiếp được, nó đứng đưa hai tay lên lau nước mắt sụt sùi. Thằng Dao cũng sụt sùi, tiếp:

- Bọn tao đã mang tiền trả lại cho thằng Tin Lành rồi. Bọn tao thà ở nghèo, ở khổ mà được Chúa với Mẹ thương chứ không bỏ Chúa với Mẹ đâu. Bọn tao cũng không ghét thằng Tin Lành nữa, vì nó cũng là con Chúa như chúng mình mà! Chí-plì đừng giận bọn tao nữa nhé!

Khóe mắt cha Thanh cay sè, cha mỉm cười, khẽ gật đầu!

***

Cha Thanh tỉnh giấc khi có ai đó khẽ cầm tay cha, nhướng mắt nhìn, thì ra là anh Giảng sư đang ngồi ở mép giường. Anh Giảng sư có vẻ hơi lúng túng khi gặp ánh nhìn đó, nhưng rồi, anh mỉm cười nhìn cha Thanh, giọng chân thành:

- Anh Thanh, cảm ơn Đức Chúa Trời đã cho anh qua khỏi. Em biết Chúa không để anh chết đâu!- Hơi ngập ngừng, anh tiếp: Chúng mình là anh em nhé, anh Thanh!

Ngoài kia, mặt trời vừa ló dạng trên nóc quả núi. Ánh sáng tinh khôi le lói xuyên qua lớp sương mỏng, chiếu khắp núi rừng. Một màu xanh dịu sáng trong ánh nắng hòa chan! Bầu trời trong xanh không gợn một bóng mây. Từng chùm mây trắng mỏng bó quanh sườn núi đang trùng trình bay lên, tan biến trong ánh nắng… Một mùa nắng mới trên vùng cao!