Miền an thánh II: Niềm vui trong Chúa

vanthoconggiao.net
(tiếp phần I)
 



NIỀM VUI TRONG CHÚA
“Từng nốt duyên ngân lời ca thánh thót
Dìu hồn thơ lên những bậc trường thành
Nhịp vui bước hòa cung thương dịu ngọt
Khúc mừng ca gieo ngọc sáng long lanh.”
Khi đọc câu “Nghe hương thoảng lên ngôi” tôi cảm nhận có lẽ đây mới thực sự là nguồn thi hứng của tác giả khiến cho tứ thơ càng lúc càng cô đọng và súc tích hơn. Cái “hương thoảng” đó là gì? Phải chăng “hương thoảng” là cái dễ thương, cái xinh đẹp, cái tuyệt vời của “Từng nốt duyên”. Nó tuyệt vời đến độ có thể “ngân lời ca thánh thót
“Từng nốt duyên ngân lời ca thánh thót”
Vậy hàm nghĩa “Nốt duyên” như thế nào mà có thể “ngân lời ca thánh thót” và đủ sức mạnh để “Dìu hồn thơ lên những bậc trường thành”. Và tại sao không “dìu đi” mà lại “dìu lên”? Tại sao không là “tường thành” mà là “trường thành”.
“Dìu hồn thơ lên những bậc trường thành”
Như thế, đâu là ẩn ý của tác giả khi viết những lời thơ này? Chúng ta có thể hiểu được điều đó khi chú ý đến đáp án mà nhà thơ đã khéo léo diễn giải ở hai câu tiếp theo trong khổ thơ thứ ba.
“Nhịp vui bước hòa cung thương dịu ngọt”
Khúc mừng ca gieo ngọc sáng long lanh.”
Nếu tách các nhóm từ “Nhịp Vui”, “Cung Thương”, “Khúc Mừng” và “Ngọc Sáng”, chúng ta sẽ thấy ẩn ý của tác giả muốn nói đến hai mươi mầu nhiệm bao gồm Năm Sự Vui, Năm Sự Sáng, Năm Sự Thương, Năm Sự Mừng. Đây là các mầu nhiệm chủ yếu mà người Công Giáo vẫn thường suy ngắm mỗi khi lần hạt Mân Côi.
Như vậy hàm nghĩa “Từng nốt duyên” có nghĩa là mỗi kinh Kính Mừng. Đó là những “lời ca thánh thót” diễn tả niềm vui khôn xiết “Kính mừng Maria đầy ơn phước, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phước lạ hơn mọi người nữ ” và lòng tạ ơn sâu thẳm của chúng ta khi được Thiên Chúa ban cho loài người chính Con Một Yêu Dấu của Ngài “và Giê-su con lòng Bà gồm phước lạ”.
Và khi lần theo hai mươi mầu nhiệm, chúng ta sẽ thấy nó là một chuỗi đức tin xuyên suốt cuộc đời của Chúa Giê-su và Đức Mẹ tựa như “những bậc trường thành” chứ không thể là “tường thành” được. Và rõ ràng sự suy ngắm giúp tâm hồn mỗi người mỗi lúc càng cảm nghiệm sâu lắng hơn, mỗi lúc càng được nâng lên trong sự hiệp thông với tình yêu Thiên Chúa.
Điều độc đáo nhất trong tình yêu là: tình yêu không thể nào đi lui, đi xuống, hoặc đi ngang. Nếu yêu mà rút lui khi gặp khó khăn hay trở ngại, yêu mà không muốn ngày càng thêm nồng thắm và da diết hơn, yêu mà chỉ muốn tà tà cho qua ngày qua tháng, thì có lẽ tình yêu đó đã dần chết hoặc không còn nồng thắm nữa.
Tình yêu luôn là một sự tìm kiếm và sáng tạo không ngừng. Nó thôi thúc, nó khích lệ, nó động viên người đang yêu mỗi ngày sống tốt hơn, sống đẹp hơn, sống có ý nghĩa hơn, sống trọn vẹn hơn cho người mình yêu. Sống tốt đẹp hơn không phải chỉ trau chuốt dáng đẹp ngoại hình, nhưng nhất là phải tô điểm cái duyên cái đẹp của tâm linh. Chính những nhân đức với các lời khấn vâng phục, khó nghèo, trinh khiết và đời sống kết hiệp với Thiên Chúa, mà chúng ta thấy các tu sĩ luôn có một nét đẹp tâm linh rất đặc biệt. Chính nét đẹp tâm linh này mà các tu sĩ rất được mọi người cảm mến và đã đem được nhiều người trở về cùng Chúa, mặc dù ngoại hình của họ rất bình thường. Nhưng nếu một tu sĩ mà không yêu mến Chúa, không sống trọn vẹn tình yêu với Ngài thì có lẽ họ rất nghèo nhân đức và các lời khấn của họ sẽ mất ý nghĩa. Có lẽ lúc đó họ cũng không hơn gì một người sống độc thân ở đời. Cho nên ai đã yêu, ai đang yêu thì chỉ có mỗi đường đi lên, chạy lên, bay lên mới cảm nhận được hết niềm hạnh phúc đó “Dìu hồn thơ lên”.

 
Kinh Lạy Cha

“Mỗi nhịp nhấn khắp vũ hoàn vang tiếng
Đức Khôn Ngoan rợp dưới đất trên trời
Đức Thành Tín luôn công bình thánh thiện
Lòng xót thương ban trần thế Ngôi Lời.”
Những nốt duyên đó – kinh Kính Mừng – được khởi đầu bằng một nhịp nhấn. Theo nội dung của khổ thơ thứ tư, chúng ta có thể đoán ra tác giả khéo dụng tứ thơ trong khổ này để diễn đạt kinh Lạy Cha. Đây là kinh đầu tiên được đọc khi bắt đầu lần hạt, và cũng là kinh khởi sự khi suy ngắm mỗi mầu nhiệm. Vậy câu “Mỗi nhịp nhấn” là ẩn ý của tác giả nhằm nói đến kinh Lạy Cha. Lời kinh này chính Chúa Giê-su đã dạy cho các tông đồ cầu nguyện:
“Lạy Cha chúng con ở trên trời,
chúng con nguyện Danh Cha cả sáng,
nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.”
Phần đầu của kinh Lạy Cha được tác giả ngâm lên qua hai câu thơ thật lắng
“Mỗi nhịp nhấn khắp vũ hoàn vang tiếng
Đức Khôn Ngoan rợp dưới đất trên trời.”

Thiên Chúa là tình yêu, Ngài tạo dựng nên muôn loài muôn vật là để cùng hưởng hạnh phúc với Ngài. Vì thế, tất cả mọi loài muốn có bình an, có hạnh phúc đều phải qui hướng về Thiên Chúa, đi theo đường lối Ngài dẫn dắt, tuân giữ các huấn lệnh của Ngài, bởi Ngài là cùng đích của tất cả mọi sự. Cho nên chúng ta không thể tìm hạnh phúc nào khác ngoài Thiên Chúa.
“Hạnh phúc thay ai sống đời hoàn thiện,
biết noi theo luật pháp Chúa Trời.
Hạnh phúc thay kẻ tuân hành ý Chúa,
hết lòng hết dạ tìm kiếm Người.”
(Tv 118, 1-2)
Vì thế, mỗi người đều có trách nhiệm phải rao giảng Tin Mừng, phải làm vinh danh Thiên Chúa “khắp vũ hoàn vang tiếng”, phải làm sao cho mọi người đều đón nhận những mệnh lệnh và huấn ngôn của Ngài để cho Nước Cha trị đến và Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên “Đức Khôn Ngoan rợp dưới đất trên trời”.
Và lời cầu nguyện tiếp theo của kinh Lạy Cha:

“Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày,
và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.
Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ,
nhưng cứu chúng con cho khỏi mọi sự dữ. Amen.”

Phần thứ hai của kinh Lạy Cha cũng được thi sĩ cô đọng lại trong hai câu

“Đức Thành Tín luôn công bình thánh thiện
Lòng xót thương ban trần thế Ngôi Lời.”

Lương thực hằng ngày Thiên Chúa ban cho chúng ta không chỉ duy có thức ăn nước uống để nuôi phần xác, mà Ngài còn ban chính Lời Ngài và Máu Thịt Con Ngài để dưỡng linh hồn chúng ta “ban trần thế Ngôi Lời”. Chính những lương thực thánh thiêng và mầu nhiệm này mới giúp chúng ta khỏi sa chước cám dỗ và cứu chúng ta khỏi mọi sự dữ.
Lương thực Lời Chúa đem lại niềm vui và hạnh phúc đã được nói đến trong sách tiên tri Giê-rê-mi-a
“Lạỵ Chúa là Chúa Tể càn khôn,
gặp được Lời Chúa, con đã nuốt vào.
Lời Chúa trở thành hoan lạc cho con,
thành niềm vui của lòng con,
vì con được mang danh Ngài.” (Gr 15, 16)
Và lương thực Mình Thánh Chúa đem lại sự sống đời đời đã được Chúa Giê-su nói rất rõ ràng và cụ thể trong Tin Mừng thánh Gioan

52 Khi ấy, những người Do-thái tranh luận với nhau rằng: "Làm sao ông này có thể lấy thịt mình mà cho chúng ta ăn được?"
53 Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: "Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. 54 Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. 55 Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. 56 Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy. 57 Cũng như Cha là Đấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. 58 Đây là bánh bởi trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết. Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời". (Ga 6, 52-58)
Thiên Chúa luôn công minh trong mọi việc Ngài làm. Vì thế, khi chúng ta sống nhân đức hoặc cố ý phạm lỗi thì Ngài cũng thưởng phạt một cách công bình theo sự thánh thiện của Ngài. Nhưng vì Đức Tín Thành và Lòng Thương Xót, Ngài đã ban Ngôi Lời để cứu chúng ta khỏi mọi sự dữ. Chúng ta sẽ không bao giờ hiểu thấu một Đấng Toàn Quyền trên mọi sự mà phải giữ “Chữ Tín” với một thọ tạo nhỏ bé luôn bất trung.
Thiên Chúa đã xót thương và tha thứ những lỗi lầm chúng ta xúc phạm đến Ngài, đến lượt chúng ta cũng vậy. Chúng ta không có căn cớ nào để không tha thứ và bỏ qua những thiếu xót mà người khác đã xúc phạm đến chúng ta. Nếu chúng ta không tha những món nợ vật chất hoặc tinh thần quá nhỏ bé nơi trần gian này thì làm sao có thể mong được Thiên Chúa tha cho chúng ta những món nợ quá lớn mà chúng ta được hưởng từ lúc sinh ra cho đến ngày diện kiến trước sự phán quyết công minh của Ngài “Đức Thành Tín luôn công bình thánh thiện”. Và phương cách đẹp nhất để được hưởng lòng thương xót của Thiên Chúa chính là khi chúng ta làm hòa cùng với mọi người “và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”.

Kinh Sáng Danh
“Mỗi nốt lắng cả triều thần cung bái
Hợp tôn vinh Đấng Chí Thánh Cửu Trùng
Xin chúc tụng Ba Ngôi – Nguồn Nhân Ái
Đấng Đời Đời – Đấng vô thủy vô chung.”
Rồi chuỗi nốt duyên – kinh Kính Mừng – được chững lại trong một “nốt lắng”. “Nốt lắng” là ẩn từ hàm nghĩa nói đến kinh Sáng Danh. Hình ảnh nốt lắng rất sống động và rõ nét mà mỗi người có thể nhìn thấy và cảm nghiệm khi cùng tham dự giờ kinh thần vụ. Đặc biệt nhất là ở trong các đan viện, khi đọc hết một thánh vịnh, các Đan sĩ vừa cung kính cúi mình vừa ngân lên lời chúc tụng:
Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con,
cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa,
tự muôn đời và chính hiện nay,
luôn mãi đến thiên thu vạn đại. Amen”.
Lời chúc tụng đó chính là kinh Sáng Danh mà mỗi khi lần hạt Mân Côi chúng ta vẫn thường đọc:
Sáng danh Đức Chúa Cha
và Đức Chúa Con
và Đức Chúa Thánh Thần,
như đã có trước vô cùng
và bây giờ và hằng có
và đời đời chẳng cùng Amen.

Kinh Sáng Danh như là bản tóm tắt kinh Vinh Danh mà người Công giáo vẫn thường hát trong thánh lễ ngày Chúa Nhật và các lễ trọng để tôn vinh Ba Ngôi Thiên Chúa: Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần
Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời
và bình an dưới thế cho người thiện tâm.
Chúng con ca ngợi Chúa, chúng con chúc tụng Chúa,
chúng con thờ lạy Chúa, chúng con tôn vinh Chúa,
chúng con cảm tạ Chúa vì vinh quang cao cả Chúa,
Lạy Chúa là Thiên Chúa, là Vua trên trời, là Chúa Cha toàn năng.
Lạy Con một Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô.
Lạy Chúa là Thiên Chúa, là Chiên Thiên Chúa, là Con Ðức Chúa Cha,
Chúa xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con,
Chúa xóa tội trần gian, xin nhậm lời chúng con cầu khẩn.
Chúa ngự bên hữu Ðức Chúa Cha, xin thương xót chúng con.
Vì lạy Chúa Giêsu Kitô, chỉ có Chúa là Ðấng Thánh,
chỉ có Chúa là Chúa, chỉ có Chúa là Ðấng Tối Cao,
cùng Ðức Chúa Thánh Thần trong vinh quang Ðức Chúa Cha. Amen.
Trong những phim nói về các triều đại phong kiến, khi đức vua ngự triều, chúng ta thấy các quan đại thần đều cung kính quỳ mọp xuống đất và tôn vinh đức vua với câu “Hoàng thượng vạn vạn tuế, Hoàng thượng vạn vạn tuế, Hoàng thượng vạn vạn tuế”. Cho đến khi nhà vua yên vị trên ngai vàng và dõng dạc tuyên bố “Bình thân”, lúc đó các quan mới được phép đứng lên.
Có lẽ nhà thơ đã liên tưởng các hình ảnh đó để diễn tả cách sống động lời kinh Sáng Danh khi viết:
“Mỗi nốt lắng cả triều thần cung bái
Hợp tôn vinh Đấng Chí Thánh Cửu Trùng”

Thiên Chúa không là một vị vua độc tôn, Ngài là một huyền nhiệm Ba Ngôi hiệp nhất trong tình yêu. Cho nên Thiên Chúa không bao giờ coi chúng ta như những thần dân phục dịch cho vương quyền của Ngài, bởi vì tất cả vũ trụ này đều do Ngài tạo nên, chúng ta không làm giàu gì thêm cho vinh quang của Ngài. Thiên Chúa gọi chúng ta là những người con và với lòng thương xót vô biên, Ngài ban cho chúng ta điều tuyệt vời nhất: Tình Yêu của Ngài – Đức Giê-su Ki-tô Ngôi Hai Thiên Chúa. Đức Giê-su Ki-tô chính là Tình Yêu của Thiên Chúa, là Nguồn Nhân Ái vô biên, là Dung Nhan Thiên Chúa vô hình nay đã trở nên người phàm để cho con người có thể tận mắt nhìn thấy và chạm đến.
Trong tâm tình con thảo, niềm vui lớn nhất của chúng ta là chúc tụng và tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho chúng ta Tình Yêu của Ngài. Và khi đã hiểu được lời kinh Sáng Danh, mỗi người chúng ta sẽ đọc một cách cung kính để tôn vinh Thiên Chúa, chứ không còn đọc chiếu lệ cho qua.

“Xin chúc tụng Ba Ngôi – Nguồn Nhân Ái”

Vì thế, chúng ta phải vô cùng tự hào và tuyên xưng diễm phúc được làm con Thiên Chúa, chứ đừng tự hào về con ông này hay con bà nọ nơi trần gian. Dù cha mình có là Hoàng đế hay mẹ mình có là Nữ hoàng, thì chút vinh dự chóng qua nơi thế gian không thể nào so sánh với vinh quang trường tồn khi được làm con Thiên Chúa. Bởi vì lời tung hô “Hoàng thượng vạn vạn tuế” chỉ nói lên một điều mong ước vượt ngoài khả năng của con người, vì có ai kéo dài được cuộc sống của mình nơi trần gian đến vạn tuế đâu, quá lắm chỉ được một ngàn tuế là cùng. Nhưng có ai biết ngày giờ mình ra đi đâu
“Lạy Chúa, con như người thợ dệt,
đang mải dệt đời mình,
bỗng nhiên bị tay Chúa
cắt đứt ngay hàng chỉ.” (Is 38, 12)

Chỉ duy có Đấng Tự Hữu, Đấng Vĩnh Hằng mới xứng đáng với những lời chúc tụng đó. Nhưng thực sự thì vạn vạn tuế cũng không có ý nghĩa đối với Ngài. Như Thánh Phê rô đã từng khẳng định: “Đối với Chúa, một ngày như thể ngàn năm và ngàn năm cũng như một ngày” (2Pr 3,8). Bởi vì Ngài làm chủ cả không gian và thời gian.
“Đấng Đời Đời – Đấng vô thủy vô chung.”
(còn tiếp)
Nhật Nguyên Bình