Bài ca của trái tim

Văn thơ Công giáo
Mã số: 16 – 114
Anna Nguyễn Bích Hạt, Violet 1988, gp Bắc Ninh
(Giải triển vong VVĐT 2016)
Vào chiều muộn một ngày đầu đông năm ấy, trên con đường đất đỏ ngoằn ngoèo uốn khúc, có người phụ nữ khó nhọc đi bộ một mình từ cánh đồng về nhà. Cơn gió mùa Đông Bắc chợt ùa về chạm vào đôi quang gánh đầy khoai mì cùng với cái bụng bầu của bà mẹ luống tuổi. Hơi lạnh hanh hao làm đứa con trở mình. Cứ đi được vài bước bà lại dừng chân ôm bụng thì thào: “Con ơi, cố chút nữa gần về tới nhà rồi…”. Nhưng không kịp. Bên con sông mùa nước cạn, ngay sườn đê, đám cỏ may khô cháy không từ chối đón lấy một sinh linh bé bỏng vào đời. Đó là một bé gái có cặp mắt đen, nước da ngăm đen bánh mật với khuôn miệng nhỏ và một má lúm đồng tiền sâu thật sâu. Nhưng éo le thay cô bé có một bàn tay khác người. Bà mẹ ôm con vào lòng, những giọt nước mắt âm ỉ chảy ngược vào trong không thành lời. Tiếng khóc yếu ớt của đứa trẻ tan loãng giữa khoảng không tranh sáng tranh tối đang lịm dần quạnh vắng mênh mông. Sự vất vả, cảnh thiếu thốn ấy không đánh gục được sự dẻo dai của người phụ nữ xứ Bắc đã bao lần nếm trải những tủi nhục của phận người.
Người phụ nữ ấy là bà chủ của nó, bé gái ấy là cô chủ của nó. Nó không tên, không tuổi, không tài. Nó là ngón tay thứ sáu trên bàn tay tật nguyền của cô chủ nhỏ. Người ta nói : “Với kỹ thuật hiện đại trong các bệnh viện thời nay những trường hợp như của con bé thì lo gì, có tiền thì chỉ việc phẫu thuật, cắt bỏ là xong…”. Có kẻ thì buông lời có vẻ xót thương : “Con bé có khuôn mặt sáng sủa, thông minh vậy mà Ông Trời cứ thích đùa giỡn kiểu ấy. Ai đã có thì được cho thêm, còn ai không có thì ngay cả cái bình thường nhất cũng bị lấy đi, thật là bất công vô lý…”
Mấy bà sồn sồn thì bĩu môi: “Con rơi con vãi, được như vậy là phúc lắm rồi…”. Trong cái xóm nửa đạo nửa đời này, với hoàn cảnh của bà chủ và sự ra đời của cô chủ có gì mà người ta không thêm bớt được. Bên tai, cửa miệng thiên hạ trăm lời trăm ý, bà lặng thinh. Bà chủ âm thầm dặm hỏi về những ca phẫu thuật dị tật nhưng rồi cũng chỉ biết lùi lũi trở về. Làm sao bà có thể chi trả một số tiền quá lớn so với gia tài còm cõi của mẹ con bà? Nhìn bàn tay của con gái, bà tự vấn an: “Cái khó rồi sẽ ló cái khôn thôi, ít ra con mình vẫn còn bàn tay trái lành lặn, một trái tim khỏe mạnh, một trí khôn đủ để nó biết gọi mẹ, yêu mẹ. Chỉ mong sao con bé ngoan ngoãn và biết vươn lên…”. Bà bằng lòng với số phận và gật đầu phó thác.
“ Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó”, nó nghe được bà chủ đã từng đọc như thế. Hóa ra cái nghèo không mong đợi ấy lại trở nên mối phúc cho số phận nó. Bà chủ nghèo, cô chủ con nhà nghèo và nó cũng nghèo. Nhờ nghèo mà nó không bị phế bỏ, từ đó nó tập bắt chước cám ơn Chúa của bà chủ, của cô chủ. Ngay cả những khi khốn khó nhất nó vẫn thấy họ tạ ơn Ngài.
Từng lời ru ngọt ngào theo tháng năm dài, cùng sự chắt chiu của bà chủ, với từng đọt mồng tơi, với canh tím rau dền, với mắm muối dưa cà… nó lớn theo cô chủ nhỏ. Nhưng có cố gắng mấy chị em nhà nó cũng không thể linh hoạt thân mình để giúp cho cô chủ có thể cầm nắm được, dù chỉ là một cây bút chì nhỏ cũng thật khó khăn. Nó bỗng thấy mình phiền phức và vô duyên trên thân thể cô. Và điều gì đến cũng phải đến. Cô chủ nhỏ của nó bắt đầu phải đối diện với những cái nhìn thọc mạch, trêu ghẹo từ lũ bạn. Chúng gọi cô là con bé không cha, con bé sáu ngón, thọt tay…Những ngày đến trường cô chủ thường giấu anh em nó trong vạt áo, trong ngăn bàn, đằng sau lưng… miễn sao để khuất mắt lũ bạn ác khẩu của cô. Nó soi thấy mình trong đôi mắt sắc đầy nghị lực ấy. Nó thương cô chủ nhưng đành nín lặng vì bất lực. Suốt những năm ở trường tiểu học, cô chủ đã nhiều lần thử sức với nó nhưng bộ xương co quắp khiến nó không thể duỗi thẳng và cử động được, năm anh chị nó cũng vậy. Việc duy nhất anh em nó có thể giúp cô chủ là đung đưa để cô có lực thăng bằng bước đi.
Cứu cánh duy nhất của cô là anh chị bên bàn tay trái. Từ ngày phát hiện ra sự bất lực của nó, bà chủ đã tập cho cô cầm bút tay trái. Dẫu những nét chữ còn méo mó, vẹo vọ nhưng có hy vọng. Nó mừng lắm! Những cuốn tập trắng bỗng trở thành lem nhem bởi cô chủ phải tập viết từ trái qua phải. Các anh chị tay trái không thể tránh day vào những con chữ khi mực chưa kịp khô. Nó như một con bù nhìn chỉ biết ngồi nhìn tất cả những khó khăn ấy của cô. Nó thoáng buồn.
Sự kiên nhẫn, sức chịu đựng và nghị lực của người mẹ nghèo khổ đã được cô chủ thừa kế từ những ngày tấm bé. Năm tháng thời gian cứ thế qua đi, cô cũng quen dần với sự hiện diện bất đắc dĩ của nó. Cô mặc cho thiên hạ để ý, dòm ngó, bàn luận về bàn tay dị tật và hoàn cảnh của mình. Rồi họ cũng thôi nói, thôi nhìn…nó chợt nghiệm ra rằng : Ở đời này con người ta thật dễ gán ghép, dễ lên án người khác chỉ vì một quá khứ không mong đợi. Người ta khó tin được rằng chỉ với một ánh nhìn bao dung hoặc chỉ qua một đêm, người lầm lỗi có thể hoán cải, biến đổi, khác đi và tốt hơn. Phải chăng nó đã thấu cảm được tất cả những điều ấy từ nơi mẹ con bà chủ. Còn nó, nó biết ơn cô chủ vì đã không ghét bỏ nó.
Rồi một ngày cô chủ thành thiếu nữ, có nhiều người bạn khâm phục sự vượt khó của cô. Nhưng một chốc yếu đuối nào đó, nỗi tự ti ẩn tàng vô thức lại trỗi dậy trong cô. Nhìn mình trong gương, cô giơ tay ôm mặt bật khóc. Nó chạm vào những giọt nước mắt long lanh đang đuổi nhau trên đôi má hồng.
Lần đầu tiên nó hiểu được mặc cảm và nỗi tủi của một cô gái tuổi mới lớn. Cô chủ không vui bao nhiêu thì nó buồn bấy nhiêu. Cô tự ti về khuyết tật nơi nó chừng nào thì nó cũng tủi thân chừng đó.
Nó bắt đầu biết so sánh và soi mình nơi kẻ khác. Nó còi cọc và xấu xí, nó cũng muốn được nên hữu ích như các bạn tay trái. Anh chị ấy mỗi người một tài năng. Ai cũng được khoác lên mình những đường vân tay tròn trịa, cô chủ gọi đó là hoa tay. Còn nó không hoa. Nó ngưỡng mộ chị ngón trỏ vì lúc nào cũng được đi đó đây, chị có mặt trong thứ giấy tờ quan trọng nhất của cô chủ, chị mang lại an ủi cho cô. Các anh chị khác cũng có thể giúp cô cầm bút nắn nót. Em út nhỏ nhất thi thoảng cũng có thể nhảy múa trên những phím đàn organ. Anh em nó chỉ biết ngưỡng mộ. Nó thu mình lại với hàng ngàn lý do kiểu như thế. Nó cũng không hiểu tại sao nó lại trở nên như vậy. Vỏ ốc nó chui vào chặt cứng những nỗi mặc cảm vô ích. Nó đánh rớt sự lạc quan, tin tưởng mà lúc nhỏ nó học được nơi bà và cô chủ nó. Nó cũng muốn vượt lên số phận nhưng có thứ ma lực vô hình nào đó cứ cản chân nó.
Vào một đên sáng trăng, khi cô chủ say giấc ngủ. Chị ngón trỏ đến bên nó nhỏ to:
- Út à! Dạo này em có chuyện gì mà chị thấy mắt em buồn và đôi môi em khép kín không mỉm cười và ca hát nữa?
Đưa ánh mắt buồn nhìn chị, nó trả lời với một thắc mắc như chẳng liên quan gì đến điều chị hỏi:
- Chị ơi! Cô chủ vẫn hay gọi Thiên Chúa là Cha nhân lành, nếu Chúa nhân lành thật, sao Ngài lại để em sinh ra trên thân thể của cô? Em thấy mình giống như một món nợ vô dụng…
Chị ngón trỏ như hiểu ra vấn đề. Im lặng trong giây lát, chị ôn tồn:
- Út ngốc quá! Thiên Chúa của cô chủ cũng là Thiên Chúa của chị em mình. Cô chủ yêu mến Ngài hẳn vì Ngài yêu thương cô trước. Sự nghi ngờ ngớ ngẩn của em như vết nhơ đang quệt lên mặt Ngài kìa! Chị nghĩ Chúa muốn cô chủ “kết bạn” với “cái nợ” thì sao?
- Nợ thì là gánh nặng, người ta muốn trút đi chẳng được chứ ai đời muốn mang lấy hả chị? Mang trên vai một “người bạn” mà họ không hề thích, chẳng hề quý sẽ rất khổ cho cả hai.
- Nhưng lâu nay cô chủ của chúng ta vẫn sống yêu đời và hạnh phúc đấy thôi! Em thử nghĩ coi, giả như cô ấy có “quẳng gánh nặng đi để vui sống” thì cô ấy liệu có thực vui và thực sự hết được gánh nặng? Em muốn cô chủ là một kẻ trốn “nợ” và hắt hủi em sao? Nếu vậy, thánh giá, nghị lực, ý chí, trách nhiệm trong cuộc đời này còn ý nghĩa gì đây?
Nó im lặng hồi lâu. Chị trỏ chuyển giọng:
- Em thấy mình là “của nợ” ư ? Vậy lo mà trả, đừng giống như con dế ngồi ở đáy hang nữa, em sẽ ngộp thở cho mà coi…
Nó gục đầu không nói, nước rỉ ra nơi khóe mắt. Chị hạ giọng:
- Nếu em không thể giúp gì được cho cô chủ thì em vẫn có thể hát kia mà, khi hát những đường vân tay nơi em sẽ hiện lên rõ hơn, hãy ngắm kỹ chúng và em sẽ thấy sự sống của em trên thân thể cô chủ đã đủ là một quà tặng của Chúa rồi.
- Em muốn như thế lắm, nhưng đó chỉ là một khát mong, còn thực tế thì…
- Điều mà em đang chạy trốn cũng như điều mà em đang khát mong đều có sẵn nơi chính em đấy thôi.
- Vật em phải trả “nợ” sao đây chị?
- Cuộc đời sẽ bớt nặng, sẽ tươi vui và ý nghĩa hơn khi em sống tâm tình “nợ là một quà tặng”.,
- Là sao hả chị?
- Đơn giản là trả nợ bằng một ánh mắt biết ơn, một nụ cười hiền hòa, một cái bắt tay ấm áp hay chỉ là một ý nghĩ cảm thông… Em và cả chị nữa đều nợ bà chủ, cô chủ, cha mẹ, bạn bè, người thân trong những lúc họ nâng đỡ, sẻ chia vui buồn với chúng ta.
- Còn Thiên Chúa thì sao hả chị?
- Chúng ta nợ Ngài cả cuộc đời hữu hạn này…Từ ngày cô chủ thích những con chữ và những cuốn sách cô hay tâm niệm “học đạo, học văn và học cách làm người” cô ấy đã học và đã làm được. Nhờ cô mà chúng ta biết Chúa và nhờ Chúa mà chị em mình được sống, mà nói đúng hơn là Đức tin của bà chủ đã cho chúng ta sống. Cô chủ nói: Chúa là Đấng công bằng và giàu Lòng Thương Xót, có kẻ Chúa ban cho rồi Chúa lại lấy đi nhưng có người Chúa lấy đi rồi Chúa lại đong, lại lắc, lại dằn mà đổ đầy tràn những ơn lành khác trên họ. Có điều chúng ta có đủ tin để xin, để tìm và gõ cửa nơi Chúa hay không mà thôi em ạ !
Với tất cả ngôn từ của lý trí và tình cảm chân thành, dường như chị muốn giúp nó vượt qua chính mình, vượt qua cái khiếm khuyết về thể lý bằng niềm tin và nghị lực mà chị đã học được nơi bà và cô chủ.
Đêm càng về khuya, trăng càng sáng, trong thinh lặng nó miên man đuổi theo những suy nghĩ chạy dọc trong lòng. Sau cơn rối trí thấy nét mặt nó định tâm hơn, chị trỏ trầm ngâm rồi kể tiếp:
- Hôm qua cô chủ cầm tờ nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, em có biết chị thấy gì không?
- Thấy gì hả chị?
- Là hình những thai nhi lấm lem máu tươi…
Nó ớn lạnh, chị lại hỏi:
- Em có biết vì sao không?
- Do người ta mang thai ngoài ý muốn phải không chị?
- Đó chỉ là một trong hai nguyên nhân mà bài báo viết mà thôi. Là do người lớn họ nghĩ con mình bị dị tật, nghĩ con mình là quái thai, mà với họ quái thai, dị tật thì chỉ là gánh nặng, là của nợ và họ loại bỏ…bây giờ thì em thấy Chúa thương em chưa?
- Nhưng còn các em bé vô tội kia thì sao chị?
- Tất nhiên là Chúa cũng thương các em bé đó rồi nhưng theo cách của Chúa em ạ! Ngài cho mưa xuống trên kẻ lành cũng như kẻ dữ, người già cũng như em bé thơ, người tàn tật cũng như kẻ lành lặn…Có điều người ta đã lạm dụng tự do Chúa ban mà tự cho mình có quyền trên sự sống của con mình, sự ích kỷ đã làm họ mù quáng. Có lẽ họ tin vào những chiếc máy siêu âm đa chiều hơn là tin vào quyền năng của Chúa?
Nói đến đó, chị cúi xuống ghi vào lòng bàn tay dị dạng của nó mấy dòng chữ: “Có người phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình mang nặng đẻ đau. Cho dù người mẹ có quên con đi nữa thì Ta, Ta cũng chẳng quên con bao giờ” (Is 49,15).
Đọc xong mấy dòng ấy, nó hướng mắt vào bức hình Chúa Giêsu bồng em bé và ngẫm nghĩ gì đó thật lâu. Buột miệng nó nói : Chị ơi, em hiểu rồi, cám ơn chị, chị ở lại cầu nguyện cùng em nhé!
Bóng hai bàn tay, một lành, một tật ịn lên bức tường màu vàng nhạt chiếu xuống bởi ánh đèn ngủ. Đó là lần đầu tiên nó muốn cầu nguyện cho kẻ khác, lần đầu tiên nó bước ra khỏi chính mình. Bỗng trong thâm tâm nó cứ lặp đi lặp lại một điệp khúc: “Con là kết quả Tình Yêu của Ta. Con độc đáo. Con duy nhất. Con không thể là ai khác cho dù con bắt chước.Ta cần con”.
Phải chăng đó là bài ca đầu tiên của trái tim ? Bống nó muốn hát…

Giữa khuya, một giọng ca nho nhỏ quyện vào tiếng con trùng gọi nhau trong đêm, thì ra giọng hát của Ân tự làm cô giật mình thức giấc. Cuốn sách của Helen Keller vẫn úp ngược trên ngực, một ngón trỏ kẹp ở trang số 288… Ân ngồi dậy làm dấu Thánh Giá rồi với tay bất chiếc đèn bàn cũ kỹ. Cô hì hục viết, viết về giấc mơ có thật của mình. Có tiếng gà gáy xa xa, Ân đặt một dấu chấm cho câu chuyện như cổ tích của mình. Cô buông bút, nhìn bàn tay trái mỏi nhừ trên tập A4 chi chít chữ, vài dấu mực còn dính trên bàn tay nhỏ. Cô tự cười mình.
Vẫn bức hình Chúa bồng bé thơ bên góc bàn, Ân nhìn cung kính rồi âu yếm áp tấm hình vào lòng. Cô thì thầm đọc ba kinh Kính mừng cầu nguyện cho bẩy thai nhi mà vừa chiều qua cô cùng nhóm bạn với vị cha xứ già vừa chôn cất trong nghĩa trang Thiên thần. Chợt cuốn lịch bàn có note đỏ ngày 27/03 va vào tầm mắt cô, Ân sực nhớ cô chưa tập đáp ca cho Thánh Lễ Vọng Phục Sinh ngày mai.
Bên ô cửa sổ nhỏ, sau một đêm ngủ vùi, dường như chỉ có mấy bông dã quỳ vàng da diết đón đợi mặt trời.
(Tặng K’Sa, Mai Lan và các em
trong trung tâm khiếm thị Nhật Hồng)